Lưu trữ cho từ khóa: ho ra máu

Ho ra máu có thể là biểu hiện của lao phổi

Tôi 27 tuổi, khoảng 3 tháng gần đây, tôi ho nhiều vào ban đêm, thỉnh thoảng có ra máu và thường hay bị đau ở vùng ngực. Tôi đã đi khám, bác sĩ nghi ngờ tôi bị bệnh lao, cho thuốc uống gần 1 tháng nay nhưng vẫn không khá hơn.

Mong bác sĩ cho hỏi, bệnh lao có khả năng bị ung thư phổi không? Tôi cần phải làm gì để xác định bệnh của mình và nên khám ở đâu để có kết quả tốt nhất. Cám ơn bác sĩ?(thanhphuong)

Trả lời:

Chào bạn.

Ho, ho ra máu và đau ngực là triệu chứng chung của nhiều bệnh lý tại phổi. Ở những người trẻ tuổi như bạn nói riêng và ở nước ta nói chung, đó thường là nguyên nhân của lao phổi. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần gặp thầy thuốc chuyên khoa lao, các phòng khám chuyên khoa lao quận, huyện hay bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (nếu bạn ở gần) mới có hướng chẩn đoán đúng và điều trị tốt. Thời gian điều trị lao theo chương trình quốc gia là 8 tháng.

Người mắc bệnh lao nặng điều trị xong còn để lại nhiều vết sẹo xơ, vôi hóa  nhiều, có nguy cơ ung thư phát triển trên vết sẹo cũ nhưng tỉ lệ rất thấp. Người ta chỉ xếp bệnh lao phổi là yếu tố nguy cơ bị ung thư phổi chứ không phải là nguyên nhân gây ung thư phổi.

Bác sĩ CK2 TRẦN ĐÌNH THANH
Trưởng Khoa Ung bướu và bệnh phổi – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM

(Theo Phunuonline)

Triệu chứng bệnh lao phổi

Lao phổi là bệnh nhiễm khuẩn do trực khuẩn lao gây nên. Người lao phổi có các triệu chứng như sau:

1. Triệu chứng lâm sàng

a. Triệu chứng về hô hấp:

- Các triệu chứng quan trọng nhất là: ho, khạc đờm, ho máu.

- Các triệu chứng khác là: đau ngực, khó thở, có tiếng rên khu trú ở một vùng của phổi v.v...

Ho là triệu chứng phổ biến của mọi bệnh phổi cấp hoặc mạn tính. Ho có thể do nhiều nguyên nhân: viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi v.v...

Mọi bệnh nhân ho trên 3 tuần không phải do viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi dùng thuốc kháng sinh không giảm ho phải nghĩ đến do lao phổi.

Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Khạc đờm cũng như ho có thế do rất nhiều nguyên nhân gây ra mà các nguyên nhân thông thường nhất là viêm nhiễm. Do vậy nếu sau khi dùng thuốc kháng sinh triệu chứng khạc đờm không giảm thì mọi bệnh nhân có triệu chứng ho khạc trên ba tuần phải nghĩ đến do lao phổi.

Ho khạc đờm là những đấu hiệu hay gặp nhất trong các dấu hiệu quan trọng gợi tới chẩn đoán lao phổi.

Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ra máu rất nhiều từ các bệnh phổi - phế quản (viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, ung thư phổi, phế quản v.v...) đến các bệnh ngoài đường hô hấp như bệnh tim mạch (suy tim, tăng huyết áp...), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C...).Tuy nhiên do có thể gặp với tỷ lệ cao trong lao phổi nên những ng­ời ho ra máu phải kiểm tra có lao phổi không.

b. Triệu chứng toàn thân:

Các triệu chứng toàn thân quan trọng nhất là: gầy, sút cân, sốt, ra mồ hôi.

Các triệu chứng toàn thân khác là: chán ăn, mệt mỏi v.v...

Gầy, sút cân là triệu chứng gặp ở số đông người lao phổi. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS v.v... có các triệu chứng hô hấp như­ trên đã nêu phải nghĩ tới do lao phổi.

Sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều.

Những người có triệu chứng sốt như trên, có các triệu chứng về hô hấp: ho, khạc đờm, ho ra máu.v.v.... phải nghĩ tới do lao phổi.

Ra mồ hôi là triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm ởtrẻ em triệu chứng này dễ nhận thấy nhất.

Nếu bệnh nhân gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm kèm theo có các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi... phải chú ý có thể đó là do lao phổi.

Mức độ quan trọng khác nhau của các triệu chứng lâm sàng của lao phổi được sắp xếp theo bảng dưới đây (bảng 3).

Các triệu chứng lâm sàng của lao phổi

Triệu chứng hô hấp

Triệu chứng toàn thân

Các triệu chứng quan trọng

Ho+++ Khạc đờm+++ Ho ra máu++

Gầy sút cân++ Sốt về chiều++ Ra mồ hôi trộm++

Các triệu chứng khác

Đau ngực+ Khó thở+ Các tiếng rên khu trú ở một vùng phổi+

Chán ăn+ Mệt mỏi+

Những bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như trên cần được cho làm xét nghiệm đờm, thử nghiệm tuberculin, chụp X-quang phổi.

2. Triệu chứng thực thể

- Đối với lao phổi: nghe thấy các tiếng bất thường ở phổi.

- Đối với lao ngoài phổi: làm các xét nghiệm như sinh thiết hạch, chụp cắt lớp ...

Meo.vn (Theo Cimsi)

Triệu chứng mắc bệnh liên quan đến phổi

Phổi là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. Những triệu chứng của các bệnh liên quan đến phổi đôi khi rất đặc trưng nhưng đôi khi dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đơn giản khác.

Ho

Ho là một cách chế để 'làm sạch' đường thở khỏi những thứ như vật lạ, khói, nước. Ho là một triệu chứng phổ biến nhất cho thấy phổi của bạn 'có vấn đề.'

Khó thở

Khó thở là triệu chứng cho thấy hệ thống hô hấp, tim mạch của bạn không được bình thường. Các bạn cần lưu ý sự khó thở ở những người già vì đây không phải là dấu hiệu tuổi tác.

Đau ngực

Khi bạn bị đau ngực thì có thể phổi, màng phổi, cơ hoặc xương ở thành phổi của bạn đã gặp trục trặc. Vấn đề này có thể rất bình thường nhưng cũng có thể trở nên rất nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Khi thấy đau phổi, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.

Ho ra máu

Ho ra máu có thể là kết quả của việc bị ho quá lâu, ho triền miên hoặc một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Nhưng dù thế nào thì ho ra máu cũng là một triệu chứng rất nghiêm trọng bạn không thể coi thường.

Xanh, tím

Nếu da, môi, móng tay bạn không hồng hào mà có màu xanh, tím thì cũng có thể bạn đang mắc một căn bệnh về phổi vì triệu chứng đó cho thấy máu của bạn không nhận đủ ô xi để đi cung cấp cho các cơ quan khác trong cơ thể.

Sưng tấy

Những chỗ sưng tấy ở cánh tay, chân, mắt cá cũng là một dấu hiệu của các bệnh liên quan đến phổi. Những dấu hiệu này thường đi kèm với việc khó thở.

Theo Sức trẻ Việt Nam

Viêm họng mãi không khỏi

'Bạn gái em 21 tuổi, cô ấy bảo bị viêm họng 1 năm rồi, có lần ho ra máu nhưng bác sĩ nói không chữa được, chỉ may mắn mới khỏi, rằng đó là nguyên nhân dẫn đến ung thư. Viêm họng sao lại thế ạ' (Ngọc Trường).

Trả lời:

Viêm họng chia làm 2 thể cấp tính và mạn tính. Thể cấp tính thường diễn biến rầm rộ và ồ ạt với triệu chứng đau họng, sốt..., nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn. Thể này có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Viêm họng mạn tính có thể xuất hiện sau viêm cấp tính do điều trị không triệt để hoặc nguyên nhân là nấm, do dị ứng... Biểu hiện rất đa dạng, có thể là nuốt đau, có thể ngứa họng, cảm giác có đờm ở cổ họng..., rất ít khi gặp ho ra máu. Tiên lượng của thể này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Để chẩn đoán chính xác viêm họng, phải hỏi bệnh, khám bệnh và trong một số trường hợp cần làm một số xét nghiệm, thăm dò khác.

Để biết bạn gái có thực sự viêm họng hay mắc bệnh gì khác, bạn nên khuyên cô ấy tới một phòng khám chuyên khoa tai mũi họng. Khi có chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ cho phác đồ điều trị và những tư vấn cần thiết.

Tư vấn của Phòng khám đa khoa CHI, Phòng 205, khu A, M3-M4, 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Điện thoại: (84.4) 2751408 / (84.4) 2751409.

Ho ra máu

* Anh của cháu 28 tuổi, cao 1,7 mét, nặng 85 kg, làm công việc biên tập, thức đêm rất nhiều. Thời gian gần đây anh ấy thường ho ra máu (đỏ, loãng), ngủ hay ngáy to và rất khó thở, thường khạc ra đờm. Xin bác sĩ tư vấn chữa trị. Chân thành cám ơn! (Bảo Trâm - TP.HCM)

- Trả lời: Trước hết, phải phân biệt ho ra máu và ói ra máu. Nếu ho, hay khạc ra máu thì thường do tổn thương viêm nhiễm của đường hô hấp trên hay ở phế quản phổi. Còn nếu ói ra máu thường là bệnh của đường tiêu hóa trên như: viêm thực quản xuất huyết, viêm loét dạ dày tá tràng xuất huyết. Khi ho ra máu đỏ tươi, bệnh nhân cần phải đi chụp hình phổi để xem có bị bệnh lao hay có khối u trong phổi hay không. Trong trường hợp bệnh nhân bị khạc ra máu, cần chú ý những tổn thương gây xuất huyết ở vùng hầu, thanh quản. Nếu có kèm theo nhức đầu, nghẹt mũi cần phải khám tai mũi họng để xem có u vòm hầu hay không.

Theo Thanh Niên

Bệnh thường gặp trong mùa đông – xuân

Mùa đông tiết trời lạnh khí hậu lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, kèm theo các cơn mưa phùn rả rích là điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển. Trong vô số các bệnh phát tác mạnh vào mùa đông, thì các bệnh hô hấp, khớp và bệnh ngoài da là hay gặp nhất.

Bệnh hô hấp

Mùa đông - xuân là mùa mà các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh với sự hậu thuẫn của độ ẩm cao, khí áp thấp, nhiệt độ thấp, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật phát triển thuận lợi... Các bệnh phổi - phế quản dễ phát triển trong mùa này là:

Đông - xuân là mùa các bệnh phổi phát triển mạnh. Ảnh minh họa

Hen phế quản: phế quản của người bị hen rất nhạy cảm với mọi kích thích gây bệnh. Kích thích đó có thể là các dị nguyên từ bên ngoài như: phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... hay có nguồn gốc nội tại trong cơ thể người bệnh: các nội tiết tố, những thay đổi của môi trường bên trong cơ thể... Phòng tránh bệnh chủ yếu là phải loại trừ được các yếu tố gây bệnh như: tránh lạnh, tránh bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa... Điều trị bệnh phải nhanh, có hiệu quả, cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.

Viêm khí - phế quản cấp: các tác nhân gây viêm khí - phế quản cấp mùa đông - xuân thường là virus cúm, virus influenza A và B, các virus parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus đường mũi và các loại khác. Phòng bệnh bằng cách giữ ấm, không để bị lạnh, có thể dùng kháng sinh chống bội nhiễm.

Viêm phổi: yếu tố gây bệnh là S.pneumoniae, mycoplasma pneumoniae, các virus hô hấp, chlamydia pneumoniae, H. influenza, trực khuẩn Gram (-) ái khí, tụ cầu vàng và các loại khác. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ vì sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh kém. Việc phòng viêm phổi vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh ẩm, tránh gió lùa... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đợt cấp của tâm phế mạn: tâm phế mạn là bệnh tim do bệnh phổi mạn tính gây ra. Bệnh thường đột ngột trở nặng trong mùa lạnh. Tuy là bệnh tim nhưng do nguyên nhân phổi nên muốn khỏi bệnh cần điều trị chủ yếu về phổi, điều trị nhiễm khuẩn phổi. Bệnh tâm phế mạn sau vài đợt cấp sẽ đi đến tử vong, do vậy, việc phòng chống không để xảy ra đợt cấp của tâm phế mạn mùa lạnh là vấn đề sống còn đối với người bệnh.

Ho ra máu: ho ra máu chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố thời tiết. Trong 3 yếu tố: độ ẩm, khí áp, nhiệt độ thì sự thay đổi về nhiệt độ và khí áp ảnh hưởng đến ho ra máu rõ rệt nhất. Phòng chống bệnh này chỉ có cách duy nhất là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mũi, họng.

Các bệnh về khớp

Bệnh viêm khớp: do thời tiết lạnh, ẩm nên các bệnh xương khớp có dịp hoành hành. Viêm khớp dạng thấp, thấp tim và gút là 3 bệnh dễ lên những đợt cấp tính nhất trong mùa đông. Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp. Triệu chứng của bệnh là viêm nhiều khớp (viêm cổ tay, bàn tay, đốt tay, khớp chân...) và diễn biến kéo dài. Người bệnh cũng có thể bị cứng khớp vào buổi sáng, gây khó cử động các khớp và kéo dài hàng giờ. Nếu thấy có các triệu chứng kể trên, bạn cần đi khám và điều trị ngay. Nếu để kéo dài sẽ xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.

Bệnh gút: gút là bệnh chủ yếu ở nam giới trên 30 tuổi, sống tại thành thị. Tuy bệnh gút là do ăn uống thừa chất, nhưng tiết trời lạnh, ẩm sẽ làm các khớp đau nhức hơn.

Đối với các bệnh viêm khớp, khi trời lạnh, điều cần làm đầu tiên chính là giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay. Hạn chế ra ngoài khi trời quá lạnh, mưa phùn. Những người bị bệnh gút cần phải kiêng hoàn toàn rượu, bia và hạn chế các món ăn giàu đạm, giàu chất béo.

Bệnh da

Trời lạnh cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da, đặc biệt là các bệnh như: mề đay, chàm, nứt gót chân... phát triển. Mề đay thường phát triển nhiều hơn khi từ môi trường có gió lạnh vào trong phòng ấm áp hơn. Một số người còn kèm theo triệu chứng nhức đầu, hạ huyết áp, tím tái, phù thanh quản... Để tránh tình trạng trên, những người có cơ địa dị ứng và hay nổi mề đay nên tránh ra ngoài lúc trời lạnh và nên mặc quần áo ấm. Nên uống các thuốc kháng histamin khi mới chớm có dấu hiệu mề đay để giảm và cắt cơn ngứa, vì khi mề đay đã nổi thì các thuốc kháng histamin không có tác dụng.

Chàm khô, hay còn gọi là bệnh ngứa do lạnh, là hậu quả của trời lạnh và độ ẩm ở trong phòng gia tăng khiến da bị giảm tiết mồ hôi và chất bã. Chất sừng của da bị mất nước khiến da trở nên khô hơn, đóng ít vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, thậm chí còn gây ra những chấm xuất huyết dưới da. Những người bị chàm khô nên uống nhiều nước, tránh tắm nước nóng, dùng loại sữa tắm có chất làm ẩm da và không có chất làm thơm. Bôi kem làm ẩm da ngay sau khi tắm và nếu nặng thì uống thuốc chống dị ứng hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ.

BS. NGUYỄN NGHIÊM

Sán lá phổi dễ bị nhầm với lao

Ăn cua, ốc nấu chưa chín dễ bị nhiễm bệnh sán lá phổi, nhất là loại cua sống ở vùng suối miền núi phía Bắc nước ta

Khi mắc sán lá phổi, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là ho kéo dài, từng đợt; ho ra máu, thường ho nhiều vào sáng sớm hoặc tràn dịch màng phổi. Nếu sán cư trú ở não thì thường có cơn động kinh, ở gan thì gây áp-xe gan.

Mắc bệnh do ăn phải ấu trùng

Do các triệu chứng lâm sàng rất giống với bệnh lao nên người bệnh thường đi khám chuyên khoa lao trước khi đến với chuyên khoa ký sinh trùng. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân sán lá phổi đều được chẩn đoán là lao và điều trị thuốc lao hằng năm, thậm chí hàng chục năm và có bệnh nhân ở thị xã Hà Giang bị ho ra máu và được chẩn đoán và điều trị lao trong suốt 30 năm.

Khoảng 500 bệnh nhân sán lá phổi chúng tôi đã gặp tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc đều được cơ sở y tế các cấp từ tuyến xã đến Trung ương chẩn đoán là lao. Một số trường hợp chẩn đoán nhầm u phổi, xử lý cắt thùy phổi thì hậu quả còn nặng nề hơn, trong khi đó nếu là sán lá phổi thì không cần phẫu thuật.

Một bệnh nhi ở Tuyên Quang mổ cắt thùy phổi có 2 sán lá phổi

Bệnh sán lá phổi không lây trực tiếp từ người này sang người khác như lao. Bệnh này là do ăn phải ấu trùng sán lá phổi trong cua hay tôm, chủ yếu là cua đá (cua suối). Tuy nhiên, sán không chỉ có ở phổi mà nhiều bộ phận khác cũng có thể có sán ký sinh như phúc mạc, gan, tinh hoàn, não...  

Cần chẩn đoán chính xác

Muốn chẩn đoán xác định sán lá phổi cần xét nghiệm đờm, dịch màng phổi hoặc phân tìm trứng sán. Một điều khó khăn tương tự như với lao, đó là tỉ lệ tìm thấy trứng sán lá phổi trong đờm chỉ đạt 30%-40% số bệnh nhân bị sán lá phổi.   Nhưng thuận lợi hơn là liệu trình điều trị sán lá phổi chỉ 2 ngày, trong khi liệu trình điều trị lao tới 3-6 tháng và thuốc lao có độc tính cao hơn nhiều so với thuốc sán lá phổi.

Bệnh nhân đa số là trẻ em

Vấn đề ít ai để ý là sán lá phổi thường không gây sốt về chiều như lao và cơ thể ít suy sụp, trẻ vẫn chơi, đi học bình thường nhưng thỉnh thoảng ho ra ít máu sẫm màu lẫn đờm, đôi khi ho ra máu tươi. Bệnh nhân sán lá phổi đa số là trẻ em (71,7%). Bệnh nhân phát hiện sớm nhất là 1 tháng (tỉnh Hòa Bình), muộn nhất là 30 năm (tỉnh Hà Giang).

Người ta còn chẩn đoán dựa vào hình ảnh X-quang hoặc thử các phản ứng miễn dịch để vừa chẩn đoán vừa tiên lượng bệnh. Mặc dù vậy, với tổn thương ở phổi, nhiều kỹ thuật viên X-quang không phân biệt được giữa sán lá phổi và lao hay u.

Có bệnh nhân nữ 13 tuổi, ở Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình, tới một bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán u phổi, chỉ định mổ cắt lá phổi có u. bố bệnh nhi tìm gặp chúng tôi xin được tư vấn, chúng tôi xác định sán lá phổi và điều trị khỏi, thoát được cuộc phẫu thuật.

Tháng 6-2009, một bệnh nhi 8 tuổi ở tỉnh Tuyên Quang lại không được may mắn như vậy nên phải phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi chứa 2 con sán lá phổi trong khối u.

Trường hợp chỉ tràn dịch màng phổi mà không ho ra máu thì việc chẩn đoán có khó khăn hơn. Ví dụ bệnh nhân Tòng Văn Ph., ở xã Chiềng Bằng, huyện Thuận Châu - Sơn La, bị tràn dịch màng phổi, được chẩn đoán là lao và được điều trị lao kết hợp chọc dịch hằng tuần, mỗi lần chọc được hàng lít dịch, suốt 8 năm liên tục, làm cho lồng ngực biến dạng, méo mó. Khi được Bệnh viện Bạch Mai mời hội chẩn, chúng tôi đã xác định bệnh nhân bị sán lá phổi (có trứng sán trong dịch màng phổi) và điều trị khỏi sau 2 ngày.

Tại một xã miền núi vùng sâu tỉnh Yên Bái, trong cùng một tháng giữa năm 2001 có 2 cháu bé, 8 và 12 tuổi, tử vong do ho ra máu. Trong đó, một cháu đã từng đi bệnh viện lớn điều trị nhưng không khỏi và gia đình còn chị và em cùng có triệu chứng ho ra máu như vậy. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Yên Bái xác định nguyên nhân gây tử vong của các cháu này là bệnh sán lá phổi.   Đáng lưu ý, những bệnh nhân sán lá phổi được phát hiện hầu hết ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang...