Lưu trữ cho từ khóa: hiệu thuốc

Nấm miệng Candida ở trẻ em

Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp khiến trẻ phải đến khám tại phòng khám Nhi, cũng như phải mua thuốc tại hiệu thuốc tây. Bệnh phát hiện tình cờ qua khám, hay do triệu chứng khó chịu cho bé mà bà mẹ mang bé đến khám.

1. Nấm Candida có đặc điểm gì ?

  • Bình thường nấm Candida thường trú trên cơ thể và không xâm lấn gây bệnh;
  • Có 40% – 60% dân số là người lành mang Candida trên cơ thể;
  • Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ… và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng Candida albicans chiếm 70%;
  • Trẻ thường nhiễm Candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm Candida âm đạo lúc mang thai;
  •  Nấm Candida có ở 0,5% – 20% nhũ nhi khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS.

2. Yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển?

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành;
  • Vệ sinh miệng kém, đặc biệt bé mang dụng cụ chỉnh nha gây khó khăn trong vệ sinh răng miệng;
  • Trẻ bị nhiễm HIV- AIDS, ung thư, tiểu đường, suy dinh dưỡng…
  • Dùng corticoid, kháng sinh kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị ung thư…
  • Chấn thương tại chỗ.

3. Nấm Candida miệng gây triệu chứng gì?

  • Không triệu chứng, hoặc tình cờ phát hiện thấy mảng trắng trên niêm mạc má hay lưỡi;
  • Trẻ biếng ăn;
  • Đau rát họng, nôn ói.

4. Khám miệng bé bị nấm miệng Candida thấy gì?

  • Các mảng trắng như sữa, hay kem, phủ trên nền hồng ban dính chặt niêm mạc lưỡi, má… khó bóc tách;
  • Đa số dạng giả mạc trắng, một số dạng bạch sản, tăng sản lưỡi, hay dạng viêm lưỡi có dạng hình thoi ở giữa lưỡi. Trẻ dùng corticoid hít trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt có thể bị nấm miệng dưới dạng hồng ban thường thấy ở vòm họng.

Hồng ban ở vòm họng và viêm lưỡi dạng hình thoi giữa lưỡi

5. Điều trị nấm miệng ở trẻ nhũ nhi khỏe mạnh như thế nào?

  • Tăng cường vệ sinh răng miệng và loại bỏ yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển;
  • Nystatin tại chỗ là chọn lựa an toàn;
  • Miconazole oral gel rơ miệng hiệu quả hơn nystatin và mùi vị được trẻ chấp nhận tốt hơn. Hơn nữa dạng gel thuận tiện cho bà mẹ trong sử dụng;
  • Tuyệt đối không dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 1 tuổi vì trong mật ong có thể chứa bào tử clostradium botulinum, có thể chuyển dạng thành vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho trẻ.

Điều trị đẹn (tưa lưỡi) do nấm Candida albican gây ra (Nguồn hình: Công Ty Janssen Cilag VN)

6. Rơ miệng thế nào cho hiệu quả và dễ chịu cho bé ?

Vì rơ miệng có thể kích thích khiến trẻ dễ nôn ói, nên việc này thực hiện tốt nhất là lúc bụng bé đói hay trống thức ăn, và nên theo các trình tự sau:

  • Vệ sinh tay mẹ thật sạch sẽ;
  • Lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay (ngón chọn để rơ miệng phải có kích cỡ phù hợp độ rộng của miệng bé), nhúng miếng gạc rơ miệng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc, nhằm tránh ma sát làm đau bé;
  • Dùng miệng gạc thấm thuốc chống nấm nystatin đã được nghiền nát hay Miconazole oral gel với lớp mỏng, vừa đủ;
  • Nếu trẻ bị nấm miệng nhiều nơi, thì nên rơ theo thứ tự: hai bên má trước, sau đó đến vùng khẩu cái trên miệng, và lưỡi rơ sau cùng. Mẹ nên rơ từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn ói cho trẻ.

Mùa lạnh làm gia tăng chứng đau lưng

 Thiếu vitamin D khiến những người bị đau lưng kinh niên sẽ cảm thấy tồi tệ hơn vào mùa thu và mùa đông.

mua-lanh

Vitamin D được hình thành từ ánh nắng mặt trời khi da tiếp xúc với tia cực tím. Tuy nhiên, ngay cả các bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với ánh nắng mặt trời thì lượng vitamin D cần thiết để duy trì sức khỏe cho xương cũng không đủ trong những tháng mùa đông.

Ngoài các lý do như chấn thương  hoặc mắc các bệnh liên quan tới cột sống như thoát vị đĩa đệm thì 8 trong số 10 người thường xuyên bị đau lưng là do tình trạng thiếu vitamin D. Trong báo cáo “Vitamin D - thuốc giảm đau bị lãng quên” các bác sỹ đến từ Hoa Kỳ đã khẳng định những điểm quan trọng sau:

Vitamin D cần thiết cho việc tiếp nạp và tăng cường canxi vào xương. Thiếu loại vitamin này có thể dẫn tới xương bị mềm và giòn, gây đau đớn và dễ làm tổn thương phần dưới lưng. Đa số các bệnh nhân bị đau lưng mãn tính thường có nồng độ vitamin D trong máu thấp.

Theo nghiên cứu gần đây, phần lớn các trẻ em và người lớn cần ít nhất 1.000 IU vitamin D mỗi ngày, và đối với những người bị đau lưng mãn tính trung bình 1 ngày phải cần tới 2.000 IU hoặc hơn. Các sản phẩm cung cấp vitamin D có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Thế nhưng dùng quá liều dẫn tới thừa loại vitamin này cũng không tốt, vậy nên an toàn hơn cả là hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

(Theo ANTD)