Các nhà nghiên cứu khuyến cáo việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất phthalate có trong đồ nhựa và nhiều sản phẩm gia dụng khác sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và nhiều bệnh hô hấp khác ở trẻ.
Theo tin tức mới nhất trên tờ The Guardian (Anh), nhà nghiên cứu Robin Whyatt (trường đại học Columbia) và các cộng sự tại Trường Y tế cộng động Mailman đã chỉ ra hóa chất phthalate có trong hầu hết các đồ gia dụng như thiết bị dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và hộp nhựa, màng bọc thức ăn làm tăng nguy cơ khiến trẻ gặp phải các vấn đề về đường hô hấp như bệnh hen suyễn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ tiếp xúc với hóa chất phthalate có trong đồ nhựa, đồ gia dụng từ khi còn trong bụng mẹ sẽ dễ mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với bình thường khoảng 70% khi ở độ tuổi từ 5 – 12 tuổi.
Hóa chất phthalate độc hại có trong hầu hết các sản phẩm nhựa, đồ nhựa gia dụng. Ảnh minh họa
Theo đó, những dạng phthalate thường có trong đồ nhựa gia dụng như butyl benzyl phthalate (BBzP), di-n-butyl phthalate (DnBP), di(2-ethylhexyl) phthalate (DEHP) và diethyl phthalate (DEP) là nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh hen suyễn và nhiều bệnh về đường hô hấp khác.
Nguy hiểm hơn, bà bầu thường xuyên tiếp xúc với các dạng hóa chất phthalate nói trên có trong các sản phẩm từ nhựa PVC, hộp nhựa hoặc màng bọc bảo quản thức ăn và các sản phẩm chăm sóc cá nhân (sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm,…) cũng sẽ khiến con cái sau này dễ mắc bệnh hen suyễn. Tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn ở những trường hợp này thường cao hơn so với thông thường từ 8 – 13 lần.
Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Whyatt giải thích thêm, “Tình trạng bệnh hen suyễn sẽ thay đổi ở vị thành niên – và thường là trước tuổi vị thành niên với bé trai và sau tuổi vị thành niên với bé gái. Điều này lý giải vì sao một số trẻ em khỏi hẳn bệnh hen suyễn khi đến tuổi dậy thì, một số bị suyễn nặng hơn và một số khác nữa lại phải sống cùng căn bệnh này suốt nhiều năm.”
Hóa chất phthalate trong đồ nhựa khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hen suyễn. Ảnh minh họa
Whyatt phân tích, “Những trường hợp bị hen suyễn khi ở tuổi vị thành niên thường sẽ phải chịu căn bệnh này suốt đời, do đó việc tìm ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với hóa chất phthalate và bệnh hen suyễn ở trẻ vị thành niên là rất quan trọng.”
Rõ ràng là, nghiên cứu mới nhất của Whyatt và nhóm cộng sự chỉ là một trong vô số công trình khoa học trong suốt thập kỷ qua về mối liên hệ giữa hóa chất tổng hợp phthalate và các vấn đề sức khỏe về hệ hô hấp và thần kinh. Nhờ có các nghiên cứu này mà người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn trong việc kêu gọi hạn chế hoặc không sử dụng hóa chất phthalate và các chất độc hại khác trong quá trình sản xuất sản phẩm.
Một trong những ví dụ cụ thể là trường hợp của công ty Johnson & Johnson. Sau khi nhận được hàng “núi” phê bình về các độc chất trong sản phẩm dầu gội trẻ em của mình vài năm trước, Johnson & Johnson đã loại bỏ hoàn toàn hợp chất phthalate ra khỏi các sản phẩm cho trẻ trên toàn cầu và ngừng sử dụng hóa chất DEP trong một sản phẩm dành cho người lớn vào năm 2006. Ngoài ra, hãng cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn toàn loại bỏ hóa chất DEP trong toàn bộ sản phẩm dành cho ngươi trưởng thành của Johnson & Johnson vào cuối năm 2015.
Người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng đồ nhựa bảo quản thức ăn, màng bọc thực phẩm. Ảnh minh họa
Thực tế, theo các nhà khoa học, việc loại bỏ hóa chất phthalate khỏi các sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, sữa tắm,… khá dễ dàng. Vấn đề ở đây là việc loại bỏ phthalate khỏi đồ nhựa, bao bì của các sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ thực phẩm khó khăn hơn rất nhiều bởi mọi loại đồ nhẹ mềm, dẻo đều được tổng hợp từ hóa chất phthalate, đặc biệt là ở các sản phẩm Trung Quốc.
Thêm vào đó, việc hóa chất phthalate hiếm khi được liệt kê trong danh sách thành phần nguyên liệu của sản phẩm cũng gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng nếu muốn hạn chế tiếp xúc với hóa chất này. Thông thường, cơ quan chức năng chỉ chú trọng đến lượng phthalate trong một số ít sản phẩm trẻ em.
Vì lý do này, các nhà khoa học đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích để giúp người tiêu dùng có thể hạn chế tiếp xúc với hóa chất phthalate: không cho thức ăn để trong hộp nhựa hoặc bọc màng bảo quản thực phẩm vào lò vi sóng, bảo quản thức ăn bằng đồ thủy tinh, sành, sứ thay vì đồ nhựa,…
Theo Vietq.vn