Lưu trữ cho từ khóa: h1n1

Nhận biết các loại cúm H7N9, H1N1 và H5N1

Cả ba virus H7N9, H1N1, H5N1 đều là virus cúm A nhưng chúng có khả năng lây bệnh khác nhau.
H7N9, H5N1 lây nhiễm chủ yếu ở vật và đôi khi mới lây sang người trong khi H1N1 thì bình thường cũng hay lây nhiễm ở người và cả vật như chim, lợn…

Cúm A là gì?

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A chủng H1N1, H5N1 và H7N9 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Người mang virus cúm A có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh.
Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ… Hiện nay chưa có vắcxin đặc hiệu phòng chống cúm A. Khi có vắcxin, việc tiêm phòng bệnh phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế
nhan-biet-cac-loai-cum-h7n9-h1n1-va-h5n1
Ảnh minh họa – Internet

Nguồn lây bệnh và dấu hiệu của các bệnh cúmA

Cúm A(H5N1)

Cúm gia cầm (còn gọi là cúm gà) là bệnh do virus cúm A H5N1 gây ra. Bệnh có diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân, do vậy cần đặc biệt lưu ý khi ở vùng có nhiều gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) chết, lại xuất hiện những người có biểu hiện ho, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người…
Bệnh nhân sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày. Nhiệt độ có thể lên tới 40- 41độ c; có những trường hợp chỉ sốt nhẹ 38- 38,5độ c, những trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân sức đề kháng giảm nhiều như: suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo;Biểu hiệndanóng, đỏ xuất hiện ở những bệnh nhân sốt cao, khi có suy hô hấp có tím môi, đầu chi; Bệnh nhân thường có cảm giác đau đầu, đau mỏi người, có thể thấy đau quanh hốc mắt. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể có rối loạn ý thức.

Cúm A (H1N1)

Triệu chứng bệnh cúm A (H1N1) giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm H1N1 mới cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong.
Triệu chứng cúm A (H1N1) mới khác với cúm gia cầm A (H5N1). Cúm gia cầm không có các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi hay đau nhức cơ thể mà thay vào đó là bệnh cảnh của viêm phổi cấp sốt, ho, khó thở. Hiện naychưa rõđược mức độ trầm trọng của bệnh gây ra do virus cúm A (H1N1) mới này trên toàn thế giới.
Cúm A(H1N1) mới này so với cúm gia cầm A/H5N1 thì tỷ lệ tử vong của cúm gia cầm cao hơn (tỉ lệ tử vong khi nhiễm cúm gia cầm là trên 50%). Các triệu chứng hô hấp báo động bệnh trở nên nặng là: thở nhanh (người lớn trên 30 lần phút), có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngộp thở, tím môi hay đầu chi, lơ mơ.

Cúm A (H7N9)

Đến nay, hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm H7N9 bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, thông tin về các bệnh mà virusH7N9 có thể gây ra vẫn còn hạn chế.
Đối với cúm A (H7N9) thì nguồn lây nhiễmchủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc với môi trường đã bị nhiễm virus như chuồng gà vịt, phân, chất thải gia cầm nhưng trong phần lớn các trường hợp không thể xác định được nguồn lây nhiễm.
Virus không được tìm thấy ở gia cầm, chim bồ câu cũng như môi trường chung quanh ở những khu vực có người bị nhiễm và thực sự, đường lây chính của virus hiện cũng chưa được rõ. Bởi vì virus này không gây triệu chứng lâm sàng ở gia cầm nên thật khó để xác định chúng lây sang người như thế nào.
Có một số trường hợp mắc bệnh theo từng nhóm người (cùng ở chung phòng, cùng vị trí làm việc, cùng cơ quan, trường học, thời gian ủ bệnh và xuất hiện triệu chứng giống nhau nhưng dường như virus H7N9 rất khó lây từ người sang người và vấn đề này hiện vẫn đang được nghiên cứu để xác định rõ.

Khuyến cáo phòng chống cúm A

- Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A (H1N1, H5N1 và H7N9) gây ra.
- Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng.
- Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.
- Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
- Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
- Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu…. Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo VnMedia.vn
The post Nhận biết các loại cúm H7N9, H1N1 và H5N1 appeared first on Tin Sức Khỏe.

Bé gái 12 tuổi ở Thanh Hóa nguy kịch vì cúm H1N1

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương gần đây tiếp nhận một trẻ 12 tuổi trong tình trạng phổi tổn thương rất nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi nhiễm cúm H1N1.

Ngày 16/4 bệnh nhi có biểu hiện sốt, ho, khó thở nhẹ nên đã vào bệnh viện huyện khám. Sau một ngày điều trị, tình trạng khó thở của trẻ tăng lên và được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Một ngày sau, bệnh nhi được chuyển tiếp lên BV Lao và BV Trung ương (Hà Nội), sau đó là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

be-gai-12-tuoi-o-thanh-hoa-nguy-kich-vi-cum-h1n1

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng phổi tổn thương rất nặng. Ảnh: T.C.

Trước đó, anh rể của bệnh nhân bị cúm ở Hà Nội về quê thăm vợ con. Cùng với bé gái này, hai thành viên khác trong gia đình cũng bị lây cúm nhưng đã tự khỏi.

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhi vào viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phải thở máy. Ngay lập tức trẻ được cho dùng thuốc kháng virus và được hồi sức tích cực.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các ca cúm tử vong đa phần là do nhập viện muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng. Cúm H1N1 cũng giống như các chủng cúm mùa khác có tỷ lệ tử vong nhất định. Tại Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp, ước tính cứ khoảng 1.000 ca mắc mới có 7 trường hợp tử vong. Đa phần bệnh lành tính, tự khỏi.

Các chuyên gia khuyến cáo, cúm H1N1 rất dễ lây từ người sang người. Vì thế, người dân không nên chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Khi có biểu hiện nặng lên cần đi khám để được điều trị.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 2 ca tử vong vì cúm H1N1, gồm một thanh niên 23 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều ở Yên Bái.

(Theo VnExpress)

Bệnh lây từ động vật sang người ngày càng tăng

Các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 60% các bệnh ở người. Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về tình trạng này.

Thông tin được Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng năm 2013 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/3.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có hơn 200 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật được mô tả, gây quan ngại ngày càng tăng.Việt Nam là một trong những nước được coi là “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Trong đó phải kể đến bệnh cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS)…

cum h1n1
Cúm đại dịch H1N1 năm 2009 cũng có nguồn gốc từ lợn.Ảnh minh họa: N.P

Riêng với cúm gia cầm trên người, từ năm đầu tiên được phát hiện là 2003 đến năm 2010, số ca mắc ở Việt Nam là 119, trong đó 59 người tử vong (chiếm 50%), đứng thứ hai trên thế giới. Sau đó, bệnh tạm lắng cho đến đầu năm 2012 đã có 4 ca mắc và hai người tử vong.

WHO khẳng định, sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp và do nhiều yếu tố như: sự tiến hóa của hệ sinh thái, sự thích nghi của vi khuẩn, thực hành nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp…

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cũng cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, than, liên cầu lợn… có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do sự biến đổi của môi trường, sự phát triển của kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật, sự kháng thuốc…

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.

(Theo Vnexpress)