Lưu trữ cho từ khóa: giúp bé ngủ ngon

Thực phẩm vàng tốt cho giấc ngủ của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ rất băn khoăn về việc làm thế nào để bé yêu có được một giấc ngủ ngon. Ngoài mát-xa, lịch ăn uống ngủ nghỉ hợp lý thì việc bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng cũng khiến bé ngủ ngon giấc.

Sữa nóng

Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ khiến bé ngủ ngon và sâu hơn. Sữa bổ sung rất nhiều loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là tryptophan – có tác dụng ổn định thần kinh, khống chế độ hưng phấn thần kinh trung ương gây ra cho bé cảm giác buồn ngủ.

Bên cạnh đó, canxi có trong sữa giúp thúc đẩy sản xuất mentonin - một chất giúp giảm căng thẳng hiệu quả và ổn định trí não để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.

thuc-pham
Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ khiến bé ngủ ngon và sâu hơn
(Ảnh minh họa)

Những sản phẩm từ lúa mạch

Đó là lúa mỳ, bánh mỳ, bánh quy, gạo… Những thực phẩm này chứa một nguồn vitamin B khổng lồ - một loại vitamin giúp bé loại bỏ những căng thẳng, bất an, kích thích bé dễ dàng ngủ sâu, ngủ ngon.

Đặc biệt, vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động chức năng, chúng kích thích quá trình tạo thành một loại enzym tham gia vào quá trình đồng hoá thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn, no và buồn ngủ. Hơn cả, vitamin B1 giúp bé cân bằng thần kinh, vì vậy, những sản phẩm từ lúa mạch sẽ giúp bé đi vào giấc ngủ được dễ dàng hơn.

Hạt kê

Hạt kê chứa rất nhiều melatonin – chất có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và gây buồn ngủ cho bé.

Bên cạnh lúa mỳ, ngô, đậu tương, kiều mạch... thì hạt kê chứa hàm lượng tryptophan phong phú nhất. Vì thế, cháo kê chính là một món ăn mà nhiều chị em lựa chọn để cho bé có được một giấc ngủ ngon.

Đậu bắp

Ngoài những chất dinh dưỡng cực tốt như protein và dầu chứa trong nó thì hạt đậu bắp còn có tryptophan – chất giúp bé ngủ ngon và sâu hơn. Thời điểm bé ăn dặm hoặc ăn cơm, cha mẹ có thể bổ sung vào bữa ăn cho bé nhà mình loại thực vật này.

Khoai tây

Khoai tây là một thực phẩm chứa nhiều carbohydrate – chất mà khi được kết hợp với tryptophan sẽ càng “mời gọi” cơn buồn ngủ của bé đến nhanh hơn. Vì thế, bậc phụ huynh có thể nấu cháo, đồ ăn cho bé kèm theo khoai tây để có một giấc ngủ ngon, hoàn chỉnh.

Hạt sen

Hạt sen đã từ lâu là một loại thực phẩm quý, ăn ngon và có công dụng tuyệt vời trong việc cải thiện giấc ngủ cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Quả óc chó và nho

Ăn quả óc chó, quả nho trước khi đi ngủ có thể giúp bé nâng cao chất lượng giấc ngủ. Các mẹ có thể dầm nhỏ quả óc chó để nấu cùng cháo hoặc nghiền nhỏ để bé ăn.

Cách làm này tốt ngang ngửa với việc uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Loại quả này sẽ giúp bé tránh chứng mất ngủ.

Quả óc chó, quả nho chứa một nguồn phong phú chất melatonin – một “thần dược” tạo giấc ngủ ngon. Hàm lượng melatonin trong hai quả này sẽ được chuyển tải đến não bộ và tại đây, não bộ sẽ chỉ đạo cho các bộ phận trong cơ thể thoải mái tiến vào giai đoạn nghỉ ngơi.

Chuối

Ăn một quả chuối trước khi đi ngủ giúp bé được ngủ sâu hơn, ngon hơn. Chuối chứa thành phần lớn tryptophan, chất này chuyển hoá thành serotonin và melatonin là những hormon an thần then chốt của não.

Táo đỏ

Táo chứa nhiều rất nhiều protein, vitamin C, canxi... là loại quả giá trị với nguồn dinh dưỡng phong phú, có tác dụng an thần lớn. Đặc biệt, canxi trong quả táo là chất giúp xoa dịu, trấn an cơ thể con, giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

(Theo Afamily)

Nguyên nhân và cách chữa trị khi bé quấy khóc ban đêm

Dù rất thương yêu con nhưng chị phải dùng từ “ngất lên ngất xuống” để mô tả cuộc chiến chăm con của cả gia đình.

Cả nhà biến thành “gấu trúc” vì con quấy đêm

Mong chờ hào hứng bao nhiêu đến ngày cu Mít ra đời thì giờ đây chị Phương Trinh (27 tuổi, Minh Khai, Hà Nội) lo lắng, “sợ hãi” bấy nhiêu…

Dù rất thương yêu con nhưng chị phải dùng từ “ngất lên ngất xuống” để mô tả cuộc chiến chăm con của cả gia đình. Từ ông bà nội ngoại, anh chị đến cô giúp việc đều “tham chiến” nhưng công nhận bé “gớm thật”.

Mít đã 4 tháng, từ ngày ở bệnh viện về nhà bé như cái đồng hồ, lúc nào bé ngủ thì là ban ngày còn thức chơi thì chắc chắn khi trời đã tối mịt. Mà thức chơi ngoan đã đành đằng này bé cứ ngó ngoáy, khóc lóc từ đêm tới sáng ngày hôm sau. Chỉ sau một thời gian ngắn, mặt ai trong nhà chị cũng thâm quầng như con gấu trúc.

em-be

Sáng thì bé ăn ít sữa rồi “tít một mạch” tới trưa, trưa đói, Mít lại dậy vừa ăn… vừa ngủ. Bởi ngủ ngày “say” quá nên đến đêm là bé thức 100%.

Chị nhớ lại: “Sợ nhất là 2 tháng đầu, mình nhớ là bé toàn quấy khóc cả đêm, không ngủ lúc nào, mình mệt mỏi, căng thẳng vô cùng. Dù ông xã sáng hôm sau phải đi làm nhưng cũng phải thức chăm cùng, có ngủ được chút nào đâu”.

Bây giờ dù gọi là đỡ hơn 2 tháng đầu nhưng cũng vẫn “chưa ngoan”, chị rất lo lắng, trăn trở không hiểu làm sao để con ngoan như các bé khác.

Lên diễn đàn đọc, chị “thèm ơi là thèm” khi nghe chị em khen con cái ăn ngoan ngủ kĩ. Chị ngán ngẩm: “Mít dường như không hiểu rằng con cần phải thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Thời gian đầu, mình rất mệt mỏi, thật tệ khi mình vẫn phải theo sự điều khiển của bé”.

Nguyên nhân khiến bé hay quấy khóc ban đêm

Bé chưa quen với nhịp sinh học của người lớn.

Bé có thể bị đầy bụng khi ngủ.

Bé thiếu canxi, có liên quan đến chứng còi xương. Trường hợp này, bé có thể xuất hiện một số dấu hiệu đi kèm như chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn, chậm biết lẫy, bò, đi, chán ăn…

Bé bị thay đổi địa điểm ngủ đột ngột: chuyển nhà, thay đổi từ giường ra cũi riêng.

Bé đói

Khó chịu vì bỉm ướt.

Ngoài ra có thể do tâm lý bé bị xáo trộn, bé bị viêm họng, côn trùng đốt, thời tiết thay đổi lúc nóng lúc lạnh,…

Cho bé vào khuôn khổ và không cho bé “ngủ tùy thích”

Trước đây, chị Phương Linh (Quận 3, TP HCM) cũng mếu dở bởi bé Bo toàn thích “thức ngày cày đêm”. Sau khi nhờ đến sự tư vấn và nhận được lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, chị áp dụng và thấy rất hiệu quả.

Chị Linh giúp bé nhận biết lúc nào là ban ngày, khi nào là ban đêm cho bé bằng cách bố trí nhiều cửa sổ trong phòng, cứ sáng ra là “a lê hấp”, chị kéo tất cả rèm ra để ánh nắng chan hòa chiếu khắp phòng, rồi chị còn “thưởng” cho Bo nghe những bản nhạc thiếu nhi vui nhộn để bé yêu nghe ngóng, hóng hớt.

Chị thường xuyên bày nhiều trò chơi cho bé nhiều hơn, khi nào thấy Bo có biểu hiện “gật gù” vào buổi sáng, chị lại nhanh tay đánh thức, cho bé thêm đồ chơi hoặc cho ăn.

“Nhiều khi thấy bé buồn ngủ, mắt nhắm tịt vào mà chẳng thương chẳng nỡ đánh thức nhưng sau đó lại ‘hưởng’ một đêm thức trắng nên mình quyết tâm phải thay đổi bé”, chị hóm hỉnh chia sẻ.

Ban đêm nhà chị tắt hết đèn, bố trí trong phòng yên tĩnh tuyệt đối, đêm bé có dậy đòi ăn hay thay bỉm chị chỉ bật đèn sáng lờ mờ.

“Mấy ngày đầu, Bo thức ọ ẹ đòi chơi thì vợ chồng mình tuyệt đối im lặng và ‘giả vờ ngủ’. Khi đó, bé khóc thét nhưng vợ chồng mình vẫn cố gắng im re và chỉ vỗ vỗ nhè nhẹ vào mông bé”, chị chia sẻ.

Cứ thế, Bo nhà chị nhanh chóng nhận ra rằng ban ngày thật vui còn ban đêm thì chỉ để dành cho việc ngủ.

Chị Linh lặp đi lặp lại các nguyên tắc này và sau 1 tuần, Bo tiến triển rõ rệt. Ban ngày bé chơi nhiều ngủ ít và đêm thì “khì một mạch tới sáng”.

Cùng cảnh “luyện cho bé ngủ ngoan” là nhành anh Trọng Phúc (Bích Câu, Hà Nội), anh chia sẻ cách giúp con ngủ một mạch tới sáng đó là cho bé tắm nước ấm buổi chiều, trước khi lên giường đi ngủ đọc một mẩu truyện nhỏ mà một bài mát-xa chân nhẹ nhàng cho con. Công thức “bí mật” này do bà ngoại anh truyền lại.

“Ấy thế mà chuẩn lắm nhé, con mình có đúng 1 tuần đầu là ọ ẹ cả đêm nhưng sau thì ngủ rất ngoan lại đúng giờ nữa”. Anh cho biết, sau một loạt việc làm đó, bé được thư giãn tối đa và rất nhanh chìm vào giấc ngủ sâu.

(Theo Afamily)

6 Sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

 

Bạn đã tìm nhiều cách để cải thiện giấc ngủ cho bé nhưng có thể bạn đã mắc phải một trong 6 sai lầm dưới đây mà chưa biết.

Sai lầm 1: Để bé đi ngủ quá muộn

Bạn sẽ dành thời gian chơi đùa cùng con đến khi bé mệt mỏi thì cơn buồn ngủ sẽ tự đến và bạn sẽ không mất công dỗ bé ngủ nữa? Đây không phải là một ý tưởng hay, bởi khi quá mệt mỏi, trẻ tuy dễ ngủ nhưng rất khó để duy trì được giấc ngủ ngon và sâu, bé sẽ có xu hướng thức dậy sớm hơn bình thường và có thể sẽ quấy khóc.

Tốt hơn hết, cha mẹ nên tạo thói quen cho bé đi ngủ vào một giờ cố định. Đừng chờ đến khi bé ngáp và dụi mắt bạn mới dỗ bé ngủ.

Sai lầm 2: Dựa vào chuyển động nhẹ để ru bé ngủ

Bạn thấy bé thường dễ có những giấc ngủ ngắn lúc ngồi trên xe đẩy hoặc xích đu khi bạn đẩy nhẹ. Tuy nhiên, lợi dụng điều này quá thường xuyên sẽ tạo thành thói quen xấu cho bé trước khi đi ngủ. Bé sẽ không ngủ được hoặc không có được giấc ngủ “dài hơi” đúng nghĩa nếu thiếu những chuyển động nhẹ nhàng kia.

Sai lầm 3: Đặt nhiều đồ chơi quanh nơi bé ngủ

Bạn để những thứ đồ chơi phát ra âm thanh và ánh sáng quanh chỗ ngủ của bé vì nghĩ những món đồ này sẽ làm bé yên tâm và dễ ngủ hơn. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, chúng sẽ khiến bé tỉnh táo hơn và tập trung vào những món đồ chơi đó mà quên đi giấc ngủ.

Tốt nhất, cha mẹ hãy để ánh sáng vừa phải nơi bé ngủ, không nên tắt đèn tối om tránh để bé lo lắng, sợ hãi. Để bé ngủ xa những nơi có tiếng ồn hoặc đối với những bé lớn hơn, bạn không nên cho con xem ti vi trước khi ngủ vì nó có thể ảnh hưởng đến não và tâm trạng sau khi trẻ thức dậy.

Sai lầm 4: Bỏ qua thói quen trước khi đi ngủ

Bạn cho rằng đọc một câu truyện nhỏ hay hát ru trẻ trước khi ngủ là không cần thiết. Tuy nhiên, chính những việc đơn giản này lại làm bé cảm thấy “hài lòng” và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Sai lầm 5: Không thống nhất

Bạn cho trẻ ngủ một cách không thống nhất, khi thì bạn ôm trẻ ngủ cùng, khi thì bạn lại bắt trẻ phải ngủ một mình. Hãy tránh tình trạng này, nếu đã để bé ngủ riêng thì nên duy trì thói quen đó, nếu lo lắng cho bé, bạn có thể ngồi cạnh bé một lúc trước khi con chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng nhớ cũng chỉ nên làm việc này một vài ngày, nếu kéo dài trẻ sẽ ỷ lại chờ có bạn ngồi cạnh thì mới ngủ.

Sai lầm 6: Cho bé ngủ một giường lớn quá sớm

Trước 3 tuổi, con của bạn chưa đủ hiểu biết và tầm “kiểm soát” trong ranh giới tưởng tượng của một chiếc giường. Đừng di chuyển trẻ một cách đột ngột, từ cũi hoặc một chiếc giường nhỏ hơn sang một chiếc giường lớn hơn.

Thay vào đó, hãy cho trẻ làm quen dần, nếu sau một tuần trẻ không quen bạn nên cho trẻ về chiếc giường cũ của bé. Khi cảm thấy thoải mái với chỗ nằm ngủ của mình thì trẻ mới có thể có được một giấc ngủ ngon.

(Theo Afamily)