Lưu trữ cho từ khóa: gãy xương

Vì sao người suy thận lại dễ bị gãy xương?

Mẹ tôi bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo hàng tuần. Gia đình tôi nghe nhiều người nói người suy thận dễ bị gãy xương nên rất lo lắng cho mẹ.

Bác sĩ có thể cho biết vì sao người suy thận lại dễ gãy xương như vậy? Có phòng tránh được không? – (Nguyễn Thị Miền, [email protected]
/* */
)

vi-sao-nguoi-suy-than-lai-de-bi-gay-xuong

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn,

Ở người bị suy thận, dễ gãy xương là do xương ngày càng mảnh yếu vì bị mất canxi. Nguyên nhân của sự mất canxi là do có sự rối loạn cân bằng các chất khoáng canxi và phốt pho gây hậu quả thiếu hụt canxi trong xương. Thận suy không thải trừ được lượng phốt pho dư thừa trong máu ra ngoài, nên phốtpho tăng cao trong máu gây mất cân bằng canxi – phốt pho dẫn đến thiếu hụt canxi ở xương.

Mặt khác các tuyến cận giáp trạng có chức năng điều hòa canxi trong cơ thể hoạt động quá mức do lượng canxi trong máu giảm, hậu quả là canxi trong xương cũng bị mất dần đi. Do cơ thể thiếu hụt vitamin D: suy thận làm cho chức năng thận bị mất trong đó thận không thể biến đổi được vitamin D từ thức ăn sang dạng hoạt động.

Có thể phòng tránh gãy xương do suy thận bằng cách: không ăn các loại thức ăn chứa nhiều phốtpho để giảm lượng phốt pho trong máu; dùng thuốc thấm phốt pho; bổ sung vitamin D và canxi. Bác sĩ điều trị có thể thay đổi một số thông số trị liệu trong lọc máu để giảm phốt pho. Ngoài ra bệnh nhân nên tập thể dục đều đặn vừa sức để tăng cường dinh dưỡng cho hệ xương, cơ.

BS. Trần Thị Hiền Trang

Theo Suckhoedoisong.vn

Làm sao biết bị gãy xương?

Năm ngoái, gần nhà tôi có người đi trời mưa, đường trơn bị ngã gãy xương mà không hay biết nên sau một thời gian đã thành tật. Làm sao biết bị gãy xương, thưa bác sĩ?

Hoàng Thị Thắm (Yên Bái)

lam-sao-biet-bi-gay-xuong

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn,

Trên thực tế, gãy xương có 2 loại là gãy kín và gãy hở. Gãy kín là trường hợp xương bị gãy nhưng không có vết thương chảy máu ngoài da. Gãy xương hở là có vết thương chảy máu ra ngoài da, có khi thấy đầu xương gãy lòi ra ngoài. Gãy xương thường xảy ra sau một chấn thương như: bị ngã, bị đánh, bị tai nạn giao thông hay tai nạn trong lao động, sinh hoạt hoặc do bom đạn gây ra.

Muốn biết một người có gãy xương hay không phải dựa vào các triệu chứng của gãy xương như sau: sau chấn thương bệnh nhân bị đau, đau nặng tại điểm gãy; hạn chế cử động của chi gãy, nếu gãy xương ít di lệch; không cử động được nếu bị gãy rời hai đầu xương.

Nếu gãy xương lớn như xương đùi, xương chày… thường kèm theo đa chấn thương, bệnh nhân có thể bị sốc. Nhìn thấy vết thương chảy máu trên da; vùng da trên ổ gãy bị bầm tím nếu bệnh nhân đến muộn sau tai nạn 24 – 48 giờ. Nắn nhẹ nhàng có thể thấy đầu xương gãy ghồ lên ở dưới da, đồng thời nghe thấy tiếng lạo xạo xương gãy.

Ấn có điểm đau chói tại ổ gãy. Vùng gãy bị sưng nề, tràn dịch khớp. Chi gãy bị biến dạng như lệch trục chi, gấp góc, chi gãy ngắn hơn chi lành… Vì vậy, sau một chấn thương, bạn thấy xuất hiện một hay nhiều triệu chứng nói trên phải đưa bệnh nhân đến khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Bằng Việt

Theo Suckhoedoisong.vn

Dùng thịt chim sẻ có giúp điều trị gãy xương?

Một trong những nguyên tắc điều trị gẫy xương cơ bản của Đông y là tuân thủ quan điểm chỉnh thể và điều trị có tính tổng hợp.

Tôi bị gẫy xương được điều trị muộn lại ăn kém, ngủ kém. Có người mách dùng thịt chim sẻ ăn sẽ mau liền xương và chữa chứng mất ngủ, kém ăn nhưng tôi không biết cách làm. Mong tòa soạn chỉ dẫn. - Lê Hồng Khanh (Hà Nội).

dung-thit-chim-se-co-giup-dieu-tri-gay-xuong

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn

, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108:

Một trong những nguyên tắc điều trị gẫy xương cơ bản của Đông y là tuân thủ quan điểm chỉnh thể và điều trị có tính tổng hợp. Ngoài việc tiến hành các thủ thuật kéo nắn, cố định, tập luyện, châm cứu… còn phải sử dụng thuốc tích cực và hợp lý, trong đó có một biện pháp rất độc đáo là vận dụng các món ăn – bài thuốc nhằm mục đích điều trị hỗ trợ.

Thịt chim sẻ cũng là một món ăn điển hình cho bệnh này. Cách làm: Chim sẻ 3 con làm sạch, lọc thịt băm nhỏ rồi xào chín với một chút rượu, xương chim thì hầm kỹ với 10g thỏ ty tử, 10g phúc bồn tử và 10g kỷ tử rồi lọc lấy nước ninh cùng 100g gạo tẻ thành cháo, cho thịt chim vào và chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng rất tốt cho các trường hợp gãy xương giai đoạn muộn, hay hoa mắt chóng mặt, ù tai, ăn kém, mất ngủ…

Theo Kienthuc.net.vn

Giúp người cao tuổi hạn chế gãy xương do bị ngã

Xương giòn và có nguy cơ loãng xương là những nguyên nhân khiến người già bị ngã khó và lâu hồi phục tổn thương.

1. Tập luyện để tránh ngã

Khi bị loãng xương, vẫn có cách tốt nhất để tránh ngã. Tập thể dục cải thiện sức bền, tính linh hoạt, và sự cân bằng – giúp bạn đứng vững trên đôi chân của mình. Hãy kiên trì với các hoạt động như đi bộ, hoặc bơi lội. Tiếp đến là các môn thể thao với nhiều động tắc uốn và xoắn như golf, hoặc những người có nguy cơ cao bị ngã, như trượt tuyết. Các chuyên gia thường khuyên tập thái cực quyền.

2. Thảo luận với bác sĩ

Nhiều thuốc và kết hợp thuốc có thể khiến bạn buồn ngủ hoặc chóng mặt. Hãy cân nhắc mọi thứ với bác sĩ. Bạn vẫn cần những thuốc này? Bạn có thể dùng liều nhỏ hơn không? Bạn có nên chuyển sang thuốc? Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ về các bệnh có thể khiến bạn loạng choạng. Những vấn đề ở mắt và tai đặc biệt có khả năng phá vỡ sự thăng bằng của bạn.

3. Cẩn thận khi bước đi

gayxuong

Hãy cẩn thận khi bạn bước. Nếu vỉa hè có vẻ trơn, bạn hãy đi bộ trên bãi cỏ. Nền lát bằng đá cẩm thạch hoặc sàn gạch có độ bóng cao nên có thể trơn, vì vậy hãy trải thảm khi có thể. Luôn chú ý đến các bề mặt không đồng đều, lề đường, và ngưỡng cửa cao.

4. Đi giày

Đi bằng chân trần hoặc đeo tất có thể làm tăng nguy cơ té ngã, vì vậy hãy đi giày ngay cả trong nhà. Chọn giày có gót thấp và đế chống trượt. Hãy chắc chắn rằng đôi giày của bạn phù hợp về kích cỡ. Thay những đôi dép đã bị giãn và lỏng. Thắt dây giày thật chặt.

5. Xếp đồ đạc gọn gàng

Sắp xếp đồ đạc để bạn có thể dễ dàng đi lại xung quanh nhà. Để chiếc bàn thấp, kệ đựng tạp chí, ghế đẩu, cây cảnh, dây điện và đường dây điện thoại tránh xa đường đi. Lấy bỏ các chướng ngại vật như hộp, báo chí, hay đống quần áo. Dọn sạch lá ngoài sân vườn để có lối đi thoáng gọn.

6. Đi chậm

Ở nhà, hãy dành thời gian bước ra khỏi giường hoặc khỏi ghế. Đừng vội vàng trả lời chuông cửa hoặc điện thoại. Nhiều vụ tai nạn xảy ra khi bạn đang vội. Khi bạn ra ngoài, không chạy vội vào thang máy hoặc cố gắng dùng chân hay cánh tay để chặn cửa thang máy. Hãy dành thời gian để bước cẩn thận. Không cần phải vội vàng.

7. Dùng các thiết bị an toàn

Hãy lắp các thanh vịn và thảm cao su trong phòng tắm. Gắn tay vịn ở hai bên cầu thang. Hãy chắc chắn rằng tất cả các thảm đều chống trượt. Nếu bạn phải dùng ghế thang, nên có tay vịn vững chắc. Không bao giờ được mượn của người khác ba-toong hoặc khung tập đi. Hãy chắc chắn những thiết bị này phù hợp với bạn.

8. Đảm bảo ánh sáng

Thị lực thay đổi khi chúng ta về già, khiến ta khó tránh những vật trở ngại và định hướng trong ánh sáng mờ. Vì vậy, hãy giữ cho phòng của bạn luôn đủ sáng. Cài đặt thiết bị chuyển mạch ánh sáng gần lối vào phòng và ở trên cùng và dưới cùng của cầu thang. Dự trữ nhiều đèn pin tiện dụng để phòng trường hợp mất điện. Mở màn cửa và rèm cửa suốt ngày để có nhiều ánh sáng hơn.

9. Coi chừng vật nuôi

Chó và mèo làm bạn đồng hành tuyệt vời, nhưng chúng thường quẩn dưới chân bạn. Mỗi năm, ước tính khoảng 21.000 người cao tuổi phải vào phòng cấp cứu sau khi vấp phải vật nuôi. Đừng để vật nuôi ngủ ngay bên cạnh giường hoặc ghế của bạn, nơi bạn có thể đặt chân xuống để đứng dậy. Để đồ chơi và bát của vật nuôi ra khỏi lối đi. Lau sạch ngay nước và đồ ăn vương vãi của vật nuôi. Thậm chí bạn có thể đeo một cái chuông trên cổ vật nuôi để bạn biết khi chúng lại gần bạn.

10. Hạn chế uống rượu bia

Không có gì ngạc nhiên khi uống rượu nhiều có thể dễ té ngã hơn. Khi bạn uống rượu, bạn có thể không đứng vững trên đôi chân của bạn. Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây tổn hại sức khỏe của xương, hạn chế canxi hấp thụ vào xương, làm cho xương giòn hơn và dễ bị gãy xương. Nếu bạn khát nước, hãy uống 1 cốc sữa không béo giàu canxi, nước trái cây tăng cường, hoặc sinh tố làm từ sữa chua ít béo.

11. Cân nhắc thay kính

Kính hai tròng và ba tròng đôi khi có thể làm cho bạn khó nhìn thẳng phía trước. Đeo kính đơn tròng để đi bộ, leo cầu thang, và các hoạt động ngoài trời có thể giúp bạn nhìn rõ hơn và tránh té ngã. Hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa hàng năm để cập nhật đơn kính của bạn.

12. Học cách ngã

Ngay cả khi bạn ngã, cũng có nhiều cách để giảm nguy cơ bị tổn thương. Hãy nhớ điều này: lăn, không ngã! Nếu bạn bị trượt và không có gì để bám lấy, hãy bước nhanh một hoặc hai để lấy lại thăng bằng. Nếu không thể chống lại việc ngã, bạn cố gắng tránh để phần hông rơi xuống trước.

Theo Giaoduc.edu.vn

Điều trị loãng xương sau gãy xương

Điều trị loãng xương sau khi gãy xương giúp giảm nguy cơ gãy xương lần hai và giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân.

Gãy xương: biến chứng của loãng xương

Loãng xương thường gây ra nhiều biến chứng như gãy cổ xương đùi, xương cột sống và xương tay, nhưng thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi. Theo BS Hồ Phạm Thục Lan – Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, gãy cổ xương đùi là biến chứng nguy hiểm của loãng xương. Nam giới bị loãng xương sẽ dễ bị gãy xương hơn so với nữ giới.

Khi cổ xương đùi bị gãy, người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài, khó có khả năng đi lại như trước, từ đó dẫn đến việc sinh hoạt khó khăn. Do nằm lâu một chỗ bệnh nhân dễ bị loét ở các vùng như mông, gót chân, lưng; các cơ quan đại tràng, bàng quang hoạt động không tốt, dẫn đến tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm trùng niệu. Ngoài ra, do không vận động hoặc ít vận động, bệnh nhân còn bị viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, tắc mạch thứ phát gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, viêm phổi do bội nhiễm…

Những biến chứng sau gãy xương làm cho chất lượng sống của bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Có khoảng 12 – 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng sau gãy xương. Để giảm thiểu tối đa các biến chứng nghiêm trọng trên, cần điều trị loãng xương cho bệnh nhân gãy cổ xương đùi ngay sau khi gãy xương, đồng thời kết hợp các biện pháp thay thế khớp, giúp phục hồi chức năng vận động và cải thiện chất lượng sống. Phương pháp thay thế khớp sẽ giúp bệnh nhân đỡ đau đớn, ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ, bệnh nhân có thể phục hồi sinh hoạt và vận động như mong muốn.

dieu-tri-loang-xuong-sau-gay-xuong

90% bệnh nhân không được điều trị

BS Hồ Phạm Thục Lan nhận định, dù bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng nhưng nếu không điều trị sau phẫu thuật thì tình trạng gãy xương sẽ tái phát và tăng nguy cơ tử vong. Việc điều trị sau gãy xương có hiệu quả giúp giảm nguy cơ gãy xương lần hai và giảm nguy cơ tử vong. Một số nghiên cứu ở Âu châu cho thấy, chỉ khoảng 30-50% bệnh nhân gãy xương được điều trị bằng các thuốc chống loãng xương. Trong khi đó, tại Việt Nam, khoảng 90% bệnh nhân bị gãy xương không hề được điều trị loãng xương sau khi phẫu thuật.

Việc điều trị bằng các thuốc chống hủy xương sau khi phẫu thuật sẽ giảm nguy cơ gãy xương lần thứ hai khoảng 40% và giảm nguy cơ tử vong đến 30%. Các thuốc sử dụng cho điều trị loãng xương trong thời gian nằm viện bao gồm bisphosphonate, calcitonin, calcium và vitamin D. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, không bệnh nhân nào được điều trị bằng các thuốc ức chế hủy xương bisphosphonate. Chỉ khoảng 1% bệnh nhân được điều trị bằng calcitonin 100 IU/ngày, 12% được điều trị bằng vitamin D 400-800 IU/ngày, và 41% điều trị bằng calcium 500-1.000mg/ngày. Tính chung (cho calcitonin, vitamin D và calcium), có 5% bệnh nhân được điều trị hai trong ba thuốc.

Theo BS Hồ Phạm Thục Lan, vì sức khỏe của chính mình, những bệnh nhân bị gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi cần mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi được điều trị với bác sĩ. Điều trị gãy xương nói chung do loãng xương rất khó khăn và phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém nên tốt nhất vẫn là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Loãng xương có thể phòng ngừa được và nằm trong khả năng của mỗi người. Khi còn trẻ, cần duy trì dinh dưỡng và vận động hợp lý để đạt đỉnh tối đa của mật độ xương. Nên chú ý đến những thức ăn chứa nhiều canxi, và tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời bằng cách phơi nắng 10 – 15 phút. Có thể bổ sung canxi và vitamin D bằng viên uống. Tránh thói quen có hại cho sức khỏe của xương như hút thuốc lá, uống bia rượu. Cần đo loãng xương định kỳ hai năm/lần cho các đối tượng có nguy cơ để tầm soát loãng xương.

Theo Phunuonline.com.vn

Cách sơ cứu khi bé bị gãy xương

Chỉ cần nhớ rõ những nguyên tắc tối thiểu sau, thì các phụ huynh sẽ không còn lo lắng và cũng tránh cho bé khỏi sự việc đáng tiếc sau này.

Tiến sĩ, bác sĩ Emerson M. Wickwire, đồng giám đốc của Trung tâm chấn thương ở Maryland (Anh) đã cho biết, cách đây vài hôm ông nhận được một bệnh nhân là một đứa trẻ 13 tuổi và bố của cậu bé đã than phiền rằng, khi biết con bị gãy xương, ông đã rất lo sợ và bối rối, mặc dù biết xương trẻ con dễ dàng phục hồi lại nhanh chóng nhưng cách ông bố đã sơ cứu cho đứa con đã khiến việc gãy xương của con ông càng trở nên trầm trọng.

cach-so-cuu-khi-be-bi-gay-xuong

Ảnh minh họa – Internet

Ông đã đưa ra những lời khuyên cho những ông bố, bà mẹ khi rơi vào trường hợp con mình bị gãy xương, việc đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh và có những sơ cứu kịp thời giúp con bạn không bị đau cũng như không làm cho vết thương trở nên nguy hiểm.

Các dấu hiệu chứng tỏ con bạn đã bị gãy xương:

Con bạn đau ở vùng bị trấn thương.

Vết thương đau hoặc sưng đỏ.

Phần bị thương bị biến dạng, trong phạm vi nặng, xương có thể bị gãy và đâm qua da.

Khó khăn trong co duỗi hoặc di chuyển cánh tay, chân bình thường.

Bác sĩ Emerson đã cho rằng, khi gãy xương, những vết da rách xung quanh vết thương có thể sẽ bị nhiễm trùng khi vết thương tiếp xúc với các bụi bẩn và vi khuẩn bên ngoài môi trường. Chính vì vậy, khi con bạn bị gãy xương, điều đầu tiên bạn phải làm là cầm một miếng gạc sạch, hoặc tấm vải sạch tránh bị vi khuẩn xâm nhập.

Sau đó hãy để con bạn nằm xuống, cố định vết thương nguyên một chỗ, tránh không di chuyển vết thương cũng như nơi bị gãy ra khỏi vị trí của nó. Thậm chí không được rửa vết thương nếu máu chảy ra và xé bỏ miếng quần áo xung quanh vết thương để tránh nhiễm trùng.

Khi xương bị gãy sẽ có tình trạng co mạch để hạn chế chảy máu từ phần mềm và xương. Ít hay nhiều ở vùng gãy xương cũng có khối máu tụ, chính vì vậy, hãy giữ sạch sẽ vệ sinh ở vùng máu tụ này.

Sau khi đã giữ vệ sinh sạch sẽ thì bạn hãy làm một tấm nẹp để cố định phần xương bị gãy đó, phải đảm bảo phần xương đúng nơi vị trí mà nó đang bị gãy. Để thêm những vật mềm xung quanh, cố định lại và quấn vải hoặc băng gạc, nẹp bên cạnh nơi bị gãy, đảm bảo nó đủ dài để đi qua các khớp trên và dưới vùng tổn thương.

Khi xương bị gãy sẽ có tình trạng co mạch để hạn chế chảy máu từ phần mềm và xương. Ít hay nhiều ở vùng gãy xương cũng có khối máu tụ.

Tránh tuyệt đối không được cho người bệnh ăn uống, đề phòng trong trường hợp cần phải phẫu thuật ngay. Chỉ cần nhớ kỹ những nguyên tắc trên thì chỉ cần một tháng sau, vết gãy xương của con bạn sẽ lành lặn và bé hoàn toàn có thể chơi đùa được cùng bạn bè.

Theo Motthegioi.vn

Trẻ em tập thể dục giúp giảm nguy cơ gãy xương

Theo một nghiên cứu mới tại Thụy Điển, trẻ em được rèn luyện hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ gãy xương khi trưởng thành và cải thiện sức khỏe hiện tại cũng như trong tương lai.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Bjorn Rosengren từ bệnh viện Đại học Skane cho biết “Tập thể dục khi còn nhỏ có liên quan với nguy cơ gãy xương thấp hơn vì khối lượng xương sẽ phát triển khi trẻ em hoạt động thể chất thường xuyên”.

Nghiên cứu được tiến hành trên hơn 2.300 trẻ em sống ở Thụy Điển trong độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi. Một nhóm 362 bé gái và 446 bé trai sẽ tập thể dục 40 phút hàng ngày ở trường. Trong khi đó, khoảng 800 bé gái và 800 bé trai ở một nhóm khác sẽ thực hiện 60 phút giáo dục thể chất tiêu chuẩn mỗi tuần.

tre-em-tap-the-duc-giup-giam-nguy-co-gay-xuong

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi sự phát triển xương của trẻ, ghi lại bất kỳ sự cố nào liên quan đến gãy xương. Trong quá trình nghiên cứu, họ thấy rằng có sự giống nhau ở một tỷ lệ phần trăm trẻ em bị gãy xương ở mỗi nhóm.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng những bé trai và bé gái trong nhóm tập thể dục hàng ngày có mật độ khoáng của xương lớn hơn so với nhóm còn lại.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cũng so sánh tỷ lệ gãy xương và giảm mật độ xương của khoảng 700 nam vận động viên ở độ tuổi trung bình là 69 tuổi với gần 1.400 người bình thường ở độ tuổi 70. Họ nhận thấy rằng mật độ khoáng xương ở các vận động viên trước đây giảm ít hơn rất nhiều.

Điều đó cho thấy tăng cường hoạt động thể chất khi trẻ tuổi đã giúp tạo ra khối lượng xương cao hơn và cải thiện kích thước xương mà không làm tăng nguy cơ gãy xương. Ông Rosengren cho biết thêm “Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh thêm một lý do tại sao trẻ em cần phải thường xuyên tập thể dục hàng ngày để cải thiện sức khỏe của chúng, cả trong hiện tại và trong tương lai”.

Kết quả của nghiên cứu dự kiến sẽ được xem xét tại Chicago bởi Hội y học Thể thao chỉnh hình Mỹ. Dữ liệu và kết luận sẽ được trình bày tại các cuộc họp và công bố trên tạp chí y học.

(Theo Dân trí)

Hướng dẫn cách sơ cứu gãy xương

Có phải khi bị gãy xương, nếu không biết sơ cứu sẽ để lại những hậu quả khôn lường, thậm chí tử vong do sốc. Vậy rất mong bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu.Vũ Mạnh Tín (Nam Định)

Trong lao động, sinh hoạt có những tai nạn bất ngờ gây gãy xương. Sau khi bị chấn thương, hoặc tai nạn tại nơi gãy thấy xuất hiện sưng nề, bầm tím, quan sát kỹ có thể thấy chi gãy bị lệch so với tư thế thông thường, lấy dây đo thì thấy chi bị gãy ngắn hơn bên chi bên lành. Khi ấn vào chỗ nghi là gãy xương, bệnh nhân bị đau nhói, không chịu được.

huong-dan-cach-so-cuu-gay-xuong

Đối với các trường hợp gãy các xương lớn như xương đùi, xương chậu, bệnh nhân rất dễ bị sốc do mất máu và đau. Khi xương bị gãy, điều quan trọng nhất là phải làm cho xương bị gãy ở tư thế bất động trước khi được chuyển đến cơ sở y tế để thầy thuốc xử lý. Đồng thời với việc bất động tốt, phải cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Đối với các trường hợp gãy cổ hoặc gãy lưng phải cực kỳ thận trọng khi di chuyển. Hãy cố gắng không thay đổi tư thế bệnh nhân cho tới khi có thầy thuốc đến hỗ trợ. Các trường hợp gãy cột sống nếu không được bất động tốt, vận chuyển không nhẹ nhàng, đúng cách sẽ rất dễ làm tổn thương tủy sống gây liệt, hoặc tử vong.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp gãy xương nhưng do bất động không tốt, xương gãy đã làm tổn thương cơ, mạch máu, thần kinh tại nơi gãy khiến bệnh nhân bị đau, dẫn tới sốc và tử vong trên đường đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Vì vậy, vấn đề sơ cứu và bất động tốt đối với các trường hợp gãy xương là hết sức quan trọng, tránh cho bệnh nhân bị tổn thương thêm và giúp xương nhanh liền khi điều trị.

BS. Vũ Ngọc Tú

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Gãy xương cẳng chân

Gãy hở cẳng chân khá phổ biến ở VN, nơi có số lượng xe gắn máy tham gia giao thông vào hàng đông đảo và nhiều người chạy xe gắn máy ẩu nhất nhì thế giới.

Chưa kể, tổn thương này không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Thông thường một trường hợp gãy hở cẳng chân nếu tiến triển tốt cũng mất tám tháng đến một năm để lành xương. Bệnh nhân lại đa số trong tuổi lao động nên tổng chi phí một ca điều trị là rất lớn. Có nhiều trường hợp nhiễm trùng quá nặng phải cắt bỏ cẳng chân, gây tàn phế suốt đời.

gay-xuong
Một phụ nữ đau đớn sau vụ tai nạn – Ảnh: Châu Anh

Hai xương cẳng chân là phần xương được tính từ vùng khớp gối kéo dài đến vùng khớp cổ chân. Gọi là hai xương vì cẳng chân con người có hai xương là xương chày và xương mác. Xương chày to hơn xương mác nhiều lần vì là xương chịu lực chính khi chúng ta đi đứng, chạy nhảy. Xương mác tuy nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng vì góp phần giữ vững các khớp gối và khớp cổ chân. Mặt trước cẳng chân khi dùng tay sờ vào chúng ta thấy xương cứng đó chính là xương chày. Cũng vì cấu trúc giải phẫu nằm ngay sát dưới da nên khi va chạm và bị gãy, xương chày hay lòi ra ngoài, gây tình trạng gãy hở, tức ổ gãy xương bị thông với môi trường bên ngoài.

Khi bị gãy, xương chày nằm sát dưới da nên đầu xương gãy hay chọc ra ngoài da. Xương sẽ dính nhiều đất cát hay bụi ở đường nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao nếu như không được mổ cấp cứu kịp thời. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 12 giờ là khoảng thời gian vàng để mổ cắt lọc vết thương, cố định xương gãy nhằm chống lại sự nhiễm trùng. Vết thương để sau thời gian này sẽ bị nhiễm trùng và khi đó việc xử lý hết sức khó khăn.

Khó khăn càng chồng chất do da nằm sát xương rất dễ giập nát, hoại tử khi bị chấn thương. Da chết sẽ làm lộ xương nằm dưới da và làm xương chết nếu không kịp thời dùng da hay cơ che xương lại. Cộng thêm tình trạng thiểu dưỡng của xương do nằm sát da nên khả năng lành của xương chày rất kém. Khi đó sẽ gây ra tình trạng khớp giả xương chày. Bệnh nhân không đi lại được vì xương không lành. Đôi khi chấn thương mạnh làm các mảnh xương vỡ vụn và bay ra ngoài đường. Khi mổ xong, xương không đủ để ráp lại hoàn chỉnh sẽ làm nguy cơ khớp giả cao lên. Các bác sĩ phải dùng nhiều phương pháp kéo dài xương hay ghép xương nhằm giúp xương lành tốt hơn.

Rủi ro trong cuộc sống là khó tránh. Nhưng nếu ý thức một chút để hạn chế bia rượu, đặc biệt vào dịp năm hết tết đến, chạy xe cẩn thận hơn, nhất là chấp hành đúng luật giao thông thì chúng ta đã giúp bản thân và những người xung quanh tránh được tổn thương nặng nề như gãy hở cẳng chân. Mọi người hay nói câu “tết mà” để cho phép mình uống nhiều hơn. Nhưng “tết mà” bị gãy hở cẳng chân thì xem như cả năm con rắn bị xúi quẩy. Tốt nhất là nên nói câu “tết mà, nên phải cẩn thận hơn”.

(Theo Thanhnien)

Sơ cứu khi bị gẫy xương

Hàng ngày có rất nhiều tai nạn không mong muốn như tai nạn giao thông, ngã từ trên cao xuống, trượt chân, hay bị đánh đập hành hung dẫn tới gẫy xương chân, tay và xương nhiều vùng khác trên cơ thể. Nhiều khi chỉ cần đập tay, chân vào vật cứng cũng có thế làm xương bạn bị gẫy.

Khi gẫy xương cần sơ cứu ngay

Có thể xác định được xương của bạn bị gãy khi có các dấu hiệu như tay hoặc chân bị đau không thể cử động được, rất đau khi cố gắng cử động tay hoặc chân, có triệu chứng đau nhói khi ấn ngón tay vào chỗ gãy; tay hay chân biến dạng bất thường, sưng to, ngắn hơn tay hoặc chân bình thường. Xác định kỹ xem xương bị gãy kín ở bên trong hay xương gãy chọc lòi ra ngoài da để xử trí phù hợp. Khi xác định được chân tay bị gẫy xương cần có biện pháp xử trí sơ cứu đúng để hạn chế những biến chứng gây nên.

Tất cả mọi trường hợp gãy xương, nạn nhân cần được sơ cứu, cố định tạm thời tay hoặc chân bị gãy trước khi chuyển đến bệnh viện.

gay-chan

Các bước cơ bản cần làm:

Xương gẫy bên trong.

Với vết gẫy xương kín, xương gẫy bên trong vẫn cần xem chấn thương có gây chảy máu ra ngoài không. Nếu có, nên xử trí như vết thương chảy máu. Nếu không thấy chảy máu ra ngoài nhưng nạn nhân bị mệt lả, chỗ gãy sưng to, da xanh tái; mạch nhanh, nhỏ, khó bắt do huyết áp động mạch thấp, huyết áp tối đa dưới 10mmHg là dấu hiệu nạn nhân có thể bị chảy máu ở bên trong.

Thực hiện cầm máu bằng cách ấn chặt vết thương bằng băng vô trùng, miếng vải sạch hoặc quần áo sạch.

Gắng giữ cho vùng bị thương bất động. Đừng cố nắn lại xương. Nhưng nếu bạn đã được đào tạo về cách nẹp xương bằng nẹp và không có sẵn sự trợ giúp chuyên nghiệp, thì hãy nẹp vùng bị thương lại. Làm như vậy để nạn nhân đỡ đau, khi di chuyển nạn nhân không nguy hiểm, chỗ gãy sẽ chóng lành.

- Dùng hai miếng ván mỏng hoặc hai thanh tre to bản đặt sát vào hai bên tay hoặc chân bị gãy; hai miếng ván hay hai thanh tre này phải có chiều dài lớn hơn khoảng cách giữa hai khớp lân cận.

- Dùng cuộn băng hay miếng vải dài cuộn chặt hai miếng ván hay hai thanh tre vào tay hoặc chân bị gãy suốt từ đầu này đến đầu kia của hai miếng ván hay hai thanh tre.

Trường hợp bị gãy chân, có thể dùng cuốn băng để băng chặt hai chân lại với nhau. Trường hợp gãy cẳng tay, sau khi đã cố định có thể dùng một miếng vải rộng hay khăn choàng quàng vào vai để treo tay bị gãy lên.

Lấy đá lạnh chườm để hạn chế sưng và giúp giảm đau cho tới khi cấp cứu đến. Nhưng chú ý không trực tiếp chườm đá lên da – hãy bọc đá vào một cái khăn tắm, miếng vải hoặc chất liệu khác.

Nếu nạn nhân cảm thấy choáng hoặc thở nhanh và nông thì hãy đặt nạn nhân nằm đầu hơi thấp hơn so với thân người và kê cao chân cho uống nước chè nóng pha đường.

Xương bị gãy chọc ra ngoài.

Trường hợp gãy xương chọc ra ngoài, nạn nhân bị nguy hiểm hơn gãy xương kín vì có nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng nên cần phải xử trí sơ cứu ngay; đồng thời chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Thực hiện thủ thuật bằng cách dùng gạc hoặc vải sạch thấm nước muối để lau sạch vết thương và lấy hết các chất bẩn bám vào; bôi cồn iốt lên vết thương để sát trùng, băng để bảo vệ vết thương khỏi bị vấy bẩn từ ngoài vào và thấm dịch; sau khi băng phải dùng nẹp bất động như các trường hợp gãy xương kín.

Một vấn đề cũng cần quan tâm là cho nạn nhân uống ngay thuốc giảm đau và xem xét ngoài xương bị gãy, nạn nhân còn có bị vết thương phần mềm hay chấn thương ở các nơi khác không để sơ cứu ban đầu.

Người bị gãy xương cần được chăm sóc y tế. Nếu gãy xương là hậu quả của sang chấn hoặc thương tích nặng, hãy gọi cấp cứu ngay. Cũng nên gọi cấp cứu ngay lập tức nếu thấy:

- Người bệnh không đáp ứng, ngừng thở hoặc không cử động. Bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) nếu không thấy hơi thở hoặc nhịp tim.
- Chảy máu nhiều
-   Ấn nhẹ hoặc cử động nhẹ cũng gây đau
-  Chi hoặc khớp bị biến dạng
- Xương chọc thủng da
- Đầu của chi bị thương, như ngón tay hoặc ngón chân, bị tê hoặc bị tím tái.
- Bạn nghi ngờ xương bị gãy ở cổ, đầu hoặc lưng.
-  Bạn nghi ngờ xương bị gãy ở háng, xương chậu hoặc đùi (ví dụ, chân hoặc bàn chân bị xoay ngoài bất thường, so với chân không bị thương)

(Theo Bee)