Lưu trữ cho từ khóa: gây sốt

Con trai tôi thường xuyên bị sốt, uống kháng sinh cũng không hết, tôi phải làm sao?

Cháu thường xuyên bị sốt, sau nhiều lần sử dụng các loại kháng sinh (uống) cháu vẫn không khỏi.

Chào bác sĩ,

Con trai tôi 3 tuổi, nặng14 kg, cao 96 cm. Cháu thường xuyên bị sốt, sau nhiều lần sử dụng các loại kháng sinh (uống) cháu vẫn không khỏi. Tôi đã cho tiêm cefo, sau khi tiêm 3 ngày cháu lại bị sốt. Bác sỹ cho tiêm ceftriaxon. Sau khi tiêm 1 ngày cháu bị sốt lại.

Tôi không cho cháu dùng kháng sinh nữa mà chỉ mang đi truyền muối và đường. Sau đó cháu không sốt nữa. Sau 2 tuần cháu lại bị sốt, nhiệt độ từ 37,5 đến 38 độ. Có kèm nước mũi, ít ho (có thể là do uống Theranlen nên ít ho).

Mong bác sỹ tư vẫn giúp tôi xem hiện tại tôi nên làm như thế nào. Cháu bị sốt nhiều bắt đầu từ 2,5 tuổi. Uống nhiều kháng sinh không có hiệu quả nhiều lắm. - (Mạnh Hùng - Hà Nội)

Trả lời

Chào bạn,

Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Do đó, để tìm ra nguyên nhân gây sốt cũng không dễ dàng, vì có những bệnh lý triệu chứng rất mơ hồ. Ví dụ: sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi, nhưng ngoài triệu chứng sốt bé có triệu chứng tiêu hóa nổi bật nên dễ bỏ sót,…

Các nguyên nhân gây sốt ở trẻ:

- Do bệnh lý nhiễm trùng: viêm mũi họng, viêm amydal, áp xe amydal, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nặng hơn là viêm màng não, nhiễm trùng huyết…

- Do nhiễm virus: sốt xuất huyết, sởi, sốt phát ban, rubella,... Sốt do nhiễm virus có thể sốt cao cấp tính như sốt xuất huyết hoặc sốt dai dẳng kéo dài Cytomegalovirus, Epstein barr virus.

- Nhiễm ký sinh trùng: sốt rét, lỵ amip có biến chứng áp xe gan, nhiễm ký sinh trùng có biến chứng viêm túi mật,…

- Các bệnh lý về máu: Lymphoma, ung thư máu, bệnh Hodgkin…

Khi trẻ bị sốt, việc trước tiên bạn nên cho bé dùng thuốc hạ sốt kết hợp lau mát bằng nước ấm để  hạ sốt, sau đó cho bé khám để tìm nguyên nhân.

Nếu sốt do nguyên nhân nhiễm trùng thì mới có chỉ định dùng kháng sinh. Nếu do các bệnh lý nhiễm virus thì việc bạn dùng kháng sinh không giúp bé hạ sốt, mà ngược lại, kháng sinh sẽ diệt các vi khuẩn có lợi ở đường ruột.

Mặc dù BS chưa thể chẩn đoán bé mắc bệnh gì, nhưng qua cách mô tả của bạn, BS thấy dùng kháng sinh cho bé như vậy là chưa phù hợp. Bằng chứng khi bạn cho tiêm kháng sinh, bé vẫn sốt, sau đó ngưng kháng sinh chỉ truyền muối và đường thì bé hết sốt.

Sau 2 tuần bé sốt lại là có nguyên nhân do viêm đường hô hấp trên (sốt nhẹ, ho, sổ mũi) cần xác định do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc do nhiễm virus. Nếu do nhiễm virus chỉ cần điều trị triệu chứng và vệ sinh mũi họng.

Đối với trẻ nhỏ rất dễ bị bệnh do sức đề kháng kém, do dễ bị lây nhiễm khi có tiếp xúc với nguồn lây hoặc do bé chưa có ý thức giữ vệ sinh, do thời tiết thay đổi đột ngột… khi trẻ lớn hơn ý thức được và có sức đề kháng thì bệnh sẽ giảm.

Điều quan trọng là khi trẻ sốt, bạn nên cho khám chuyên khoa nhi và làm xét nghiệm để tìm nguyên nhân, từ đó việc điều trị mới có hiệu quả. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hoặc dùng theo chỉ định của BS nhưng chưa đủ liều, dễ dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

BS Thảo chúc bé mau khỏe nha!

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo

Meo.vn (Theo alobacsi)

Trẻ em sốt: Chớ chủ quan

Sốt có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho một tình trạng bệnh nặng nhưng nhiều khi chỉ là biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn thông thường.

Sốt ở trẻ em luôn là biểu hiện được các bậc cha mẹ quan tâm, là một trong những lý do chủ yếu khiến cha mẹ hay người chăm sóc đưa trẻ đi khám, cấp cứu. Hiểu biết đúng về sốt có thể giúp cho chúng ta yên tâm chăm sóc trẻ tại nhà hoặc cho trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Theo y văn, một trẻ được gọi là có sốt khi nhiệt độ đo được ở bên trong hậu môn cao hơn 38oC. Nhiệt độ đo được ở các vị trí khác trên cơ thể thường thấp hơn nhiệt độ trong hậu môn. Vì vậy nếu cặp nhiệt độ ở nách đo được từ 37,5oC trở lên lúc đó được gọi là trẻ có sốt.

Sốt không phải là một bệnh, sốt chỉ là một triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Thông thường người ta chia căn nguyên của sốt làm hai loại: sốt do các căn nguyên nhiễm khuẩn và sốt do các căn nguyên không phải nhiễm khuẩn. Sốt do các căn nguyên nhiễm khuẩn thông thường là biểu hiện của tình trạng nhiễm virut hoặc vi khuẩn. Sốt do các căn nguyên không nhiễm khuẩn có thể gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau ví dụ khi tế bào máu bị phá hủy; khi quá trình viêm bị rối loạn; khi quá trình thở gặp trục trặc; do tác dụng phụ của thuốc; do mất nước; do say nắng, say nóng; sốt sau khi tiêm vaccin; có khi do chính trung tâm điều nhiệt (vùng dưới đồi) bị trục trặc...

Quan tâm đến việc trẻ có được dùng thuốc trước khi xuất hiện sốt sẽ giúp cho việc có thêm thông tin để xác định căn nguyên gây sốt. Khi phát hiện được các dấu hiệu về tiền sử cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám cũng như xác định thông tin và chẩn đoán, điều trị.

Các biểu hiện thường đi kèm với sốt

Khi trẻ bị sốt, đi cùng với tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao là một số biểu hiện thường gặp khác như mệt mỏi, quấy khóc, đỏ mặt, vã mồ hôi, rùng mình hay run, trẻ lớn có thể kêu đau đầu... Cần phải để ý, theo dõi diễn biến các dấu hiệu trên tuy nhiên không nên quá lo lắng, căng thẳng mà nghĩ rằng trẻ có tình trạng bệnh nặng hoặc biến chứng.

Một số trẻ nằm trong nhóm tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi khi nhiệt độ tăng cao đột ngột có thể làm xuất hiện cơn giật lúc đó gọi là trẻ có sốt cao co giật. Khi trẻ co giật có thể nhìn thấy chân, tay và một số bộ phận của cơ thể (miệng) co giật, mắt trợn ngược. Mặc dù chỉ là sốt cao co giật đơn thuần nhưng nếu được chứng kiến cơn giật cũng thấy rất sợ hãi (nhất là cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc trẻ) tuy nhiên cơn giật thường không quá 15 phút và trẻ phục hồi hoàn toàn trong vòng 1 giờ.

Làm gì khi trẻ bị sốt?

Trong hầu hết các trường hợp, căn nguyên gây sốt ở trẻ là do nhiễm virut vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt, trở lại bình thường sau một vài ngày. Hầu hết các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thường cố gắng tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ nhằm mong muốn tránh tình trạng sốt cao co giật có thể xảy ra. Điều này không sai về mặt lý thuyết, tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia cho rằng chính bản thân tình trạng sốt cũng có nhiều tác dụng tốt với tình trạng của đứa trẻ cho nên nhiều khi cũng nên để cho cơn sốt làm nhiệm vụ của nó.

Mặc dù vậy cũng cần thiết phải hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao trên 38,5oC. Có thể dùng nước ấm để lau cho trẻ nhưng cũng có thể làm trẻ run hoặc giật mình hoảng hốt. Vì vậy cũng không nên lau nước ấm toàn thân cho trẻ khi trẻ bị sốt mà chỉ cần lau ở một vài nơi như trán, nách... Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5oC. Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều dùng theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/24 giờ.

Khi trẻ bị sốt thường mất nhiều nước (qua đường mồ hôi, hô hấp...) vì vậy điều quan trọng là phải động viên khuyến khích cho trẻ uống đủ nước, không cho trẻ ăn kiêng khi ốm. Một điều còn quan trọng hơn cả việc cố gắng tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ thậm chí hơn cả thuốc hạ sốt là việc phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt, cho trẻ nghỉ ngơi và cặp nhiệt độ thường xuyên.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ phải hiểu, để theo dõi và nhận biết được khi nào đưa trẻ đi khám... Trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế khi có ít nhất một trong số các dấu hiệu dưới đây:

Không uống được hoặc bỏ bú; Nôn tất cả mọi thứ; Co giật; Trẻ buồn ngủ một cách khác thường hoặc li bì; Trẻ khó thở; Nổi ban bất thường; Đau đầu nhiều; Trẻ có bị sốt sau khi đến vùng có sốt rét, sốt xuất huyết... Điều này có ý nghĩa trong việc sớm có chẩn đoán tìm căn nguyên gây sốt đồng thời có các can thiệp điều trị kịp thời.

 

Meo.vn (Theo Sức khoẻ và Đời sống)

Lưu ý các bệnh thường gặp khi trẻ đến trường

Khi trẻ bước vào năm học mới cũng là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, do đó, đây là thời điểm trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh nếu không được chuẩn bị tốt về mặt thể lực. Các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết cần thiết để giúp con em mình có được sức khỏe tốt nhất bước vào năm học mới. Trong đó, tiêm chủng phòng ngừa những loại bệnh đã có vaccin là việc làm thiết thực.

Bệnh tay - chân - miệng

Nên có biện pháp chủ động phòng tránh bệnh để trẻ không phải nghỉ học ngay đầu năm học mới. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương ở da và niêm mạc. Sau thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ có các biểu hiện: Sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-400C), đau họng, chảy nước bọt liên tục, biếng ăn hoặc bỏ ăn, khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường; Loét miệng: Đó là các bóng nước có đường kính 2-3mm, vỡ rất nhanh, tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt và thấy đau khi ăn, vì thế trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc. Ở lòng bàn tay và lòng bàn chân xuất hiện các bóng nước từ 2-10mm, màu xám, hình bầu dục có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau. Bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban. Ngoài các dấu hiệu điển hình trên, bệnh có thể biểu hiện không điển hình như: bóng nước rất ít xen kẽ với những hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bóng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần. Phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh tay (cả trẻ và người chăm sóc trẻ) sạch sẽ bằng xà phòng và vệ sinh đồ chơi đúng cách.


Cảm cúm và sốt

Các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là: hạ sốt, chống co giật, bù nước và điện giải. Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng. Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,50C, đặc biệt là trên 390C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày

Mỗi khi trẻ mệt hoặc sốt, chúng ta không nên nghĩ ngay là trẻ bị cúm mà cần tìm đến bác sĩ để khám vì có nhiều bệnh khác nhau cùng có những triệu chứng ban đầu giống như cúm: ớn lạnh, run, thân nhiệt tăng, mặt đỏ, họng khô, đau lưng và chân tay. Hiện tượng ho càng ngày càng nhiều không hẳn là triệu chứng của cúm. Đa số những trẻ có trạng thái sốt, ho thường kèm theo tiêu chảy và nôn, cứ 24 giờ hay 48 giờ là lại sốt cao một lần.

Khi đã xác định là trẻ bị cúm, cần cho trẻ nằm nghỉ tại giường trong thời gian một vài ngày. Nên cho cháu uống nhiều nước trái cây, ăn cháo, sữa. Trong thời gian có dịch bệnh, tránh để trẻ bị lạnh, mệt và tập trung nơi đông người. Nếu bà mẹ bị cúm, nên để người khác săn sóc con mình. Khi cần cho con nhỏ bú, nên đeo khẩu trang. Đối với trẻ, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng từ viêm tai, mũi, họng tới viêm phế quản, viêm phổi, ho, hen tới độ khó thở. Việc tiêm chủng chống bệnh cúm cho các cháu hiện nay chưa thực hiện được rộng khắp nhưng rất cần đối với các cháu có thể trạng yếu và hay có bệnh tai-mũi-họng.

Trong điều kiện bình thường cũng có những virut ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa... Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Các loại virut thường gây sốt gồm myxo, coxackie, entero, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt virut, vì vậy cách xử lý tốt nhất là hạ sốt, chườm mát, bù nước và điện giải. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn thì không dùng kháng sinh. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virut là sốt cao, thuật ngữ y học gọi là sốt virut. Đặc điểm của sốt do nhiễm virut: Sốt cao, thường từ 38-390C, thậm chí 40-410C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Đau mình mẩy: ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc. Đau đầu: Một số trẻ lớn hơn có thể kêu đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã. Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ... Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt. Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt. Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn. Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

BS. Hoàng Minh Việt

Meo.vn (Theo SKĐS)

Cảnh giác với sốt mò

Mò đốt sẽ truyền bệnh sốt do ấu trùng mò (ở nước ta gọi là bệnh sốt mò), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do mầm bệnh là Rickettsia orientalis gây nên. Bệnh gây sốt kéo dài 2-3 tuần, nổi hạch, nổi ban kèm theo loét da. Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng, ở miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 10, còn ở miền Nam xảy ra quanh năm, cao nhất vào mùa mưa.

Sốt mò truyền bệnh thế nào?

Bệnh sốt mò còn gọi là bệnh sốt phát ban rừng rú, sốt phát ban nhiệt đới, sốt triền sông Nhật Bản… Bệnh gặp nhiều ở các nước vùng Đông Á và Đông Nam Á như  Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Idonesia… Nguồn bệnh là các động vật hoang dã như chuột, thỏ, lợn, các loài chim, hoặc vật nuôi: chó, lợn, gà... Ấu trùng mò hút máu con vật bị bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng; trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu. Khi đốt và hút máu chúng sẽ truyền bệnh cho người và các con vật khác. Mò có ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt trong rừng núi, ven sông suối, người đi qua hoặc làm việc ở những nơi này như bộ đội, người đi săn, người làm nương rẫy… bị mò đốt sẽ mắc bệnh.  

Biểu hiện của sốt mò

Bệnh sốt mò có nhiều thể bệnh nặng nhẹ khác nhau, tùy vùng và tùy loại mầm bệnh có độc tính cao hay thấp. Do đó chúng ta cần nắm chắc triệu chứng của các thể bệnh để phát hiện bệnh nặng, đưa bệnh nhân đi chữa trị kịp thời, nhưng cũng không bỏ sót các thể bệnh nhẹ để tránh lây nhiễm.


Ấu trùng mò và vết đốt hay gặp.

Thể điển hình: sau khi bị mò đốt, thời gian nung bệnh trung bình từ 8 - 12 ngày, sớm hơn là 6 ngày và muộn là 21 ngày. Trong ngày đầu tại vết mò đốt nổi lên nốt phổng nước, nhưng bệnh nhân không hề biết vì không thấy đau, rát hay ngứa. Bệnh nhân chỉ đi chữa bệnh khi bị sốt cao, ở giai đoạn toàn phát, khi đó nốt phổng này sẽ thành vết loét. Lúc này hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc đã nặng với các biểu hiện: sốt nhẹ 1-2 ngày đầu, sau sốt cao liên tục; hoặc đột ngột sốt cao 39 - 40°C. Sốt cao liên tục ở mức 40°C mà các nhà chuyên môn gọi là sốt hình cao nguyên hoặc kiểu nối cơn kéo dài từ 15 - 20 ngày. Có thể gặp nhiệt và mạch phân ly giống thương hàn, nghĩa là nhiệt độ tăng nhưng mạch không tăng tương ứng với nhiệt độ. Bệnh nhân bị nhiễm độc thần kinh nặng: nhức đầu, đau khắp đầu, đầu nhức như búa bổ, kéo dài nhiều ngày, có khi nhức cả hai hố mắt. Bệnh nhân mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, lưỡi run rẩy, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều. Song cũng có bệnh nhân lại li bì thờ thẫn giống mắc bệnh thương hàn. Hội chứng vết loét - hạch - ban: tỷ lệ bệnh nhân có vết loét ở Việt Nam gặp khoảng 80%, đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán bệnh dễ dàng. Vết loét xuất hiện ở nơi bị mò đốt, hay gặp ở chỗ da non như ở bộ phận sinh dục, nách, bẹn, hậu môn, chân tay, lưng, ngực… nhưng thường chỉ có một vết loét, rất ít khi có 2 vết loét. Vết loét hình tròn hay bầu dục, đường kính từ 1mm- 2cm; có vảy đen, cứng, phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng, nếu vảy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch, không tiết dịch, không có mủ. Hạch thường xuất hiện cùng với sốt hoặc sau sốt 2-3 ngày. Có 2 loại: hạch ở gần nơi có vết loét và hạch toàn thân. Hạch gần vết loét thường sưng to bằng quả xoan hoặc hơn, lúc đầu chỉ tức sau đau hơn. Hạch toàn thân xuất hiện sau hạch gần vết loét, sưng ít, đau nhẹ hơn. Ban gặp khoảng 70% số bệnh nhân, xuất hiện ở cuối tuần một, là ban dát sẩn, kích thước từ nhỏ như hạt kê đến 1cm, mọc khắp cơ thể, trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, ban tồn tại từ vài giờ tới một tuần. Các triệu chứng của cơ quan nội tạng gồm: giãn mạch làm cho da hồng hào, sung huyết kết mạc mắt với nhiều tia máu đỏ (đây là triệu chứng để phân biệt với sốt rét và thương hàn); xuất huyết dưới da, chảy máu cam, xuất huyết đường tiêu hoá, ho ra máu...; tim có ngoại tâm thu, huyết áp giảm; viêm phổi, viêm phế quản; táo bón hay tiêu lỏng, gan và lách hơi to…

Các thể bệnh khác: thể tiềm tàng, không có triệu chứng gặp nhiều gấp 10 lần so với thể bệnh điển hình nói trên. Chỉ xét nghiệm làm phản ứng kết hợp bổ thể với Rickettsia dương tính mới phát hiện được thể này. Thể nhẹ: các triệu chứng nhẹ, không điển hình dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh sốt nhiễm khuẩn khác. Thể nặng: có các biến chứng về tim mạch, hô hấp, thần kinh, xuất huyết… dễ tử vong.

Lưu ý trong phòng và chữa bệnh

Sốt mò cần phát hiện và điều trị bệnh sớm để tránh biến chứng nặng và tử vong. Thuốc dùng là: chloramphenicol và tetracyclin có kết quả tốt, nhưng 2 thuốc này chỉ có tác dụng hãm khuẩn chứ không diệt được khuẩn, nên Rickettsia vẫn sống và tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhiều tháng và dễ tái phát bệnh. Vì thế dù bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng chúng ta vẫn phải theo dõi để dùng thuốc ngay khi có dấu hiệu tái phát. Bệnh nhân sốt mò thường bị sốt lâu ngày nên dễ bị rối loạn nước và điện giải, do đó cần truyền dịch bồi phụ nước và điện giải. Đồng thời dùng các thuốc trợ tim mạch, an thần, hạ sốt, vitamin C, B.        

Bộ đội, công nhân, du khách, người dân… khi phải vào rừng núi làm việc, công tác, du lịch… cần có biện pháp bảo vệ khỏi bị mò đốt bằng cách mặc quần áo dài, chân quấn xà cạp, đi bít tất, đi giày, gài ống quần và ống tay áo trong bít tất. Không phơi quần áo, đặt ba lô hành lý trên cỏ... Phun thuốc diệt ấu trùng mò bằng DDT, 666, malathion... Diệt chuột quanh khu vực nhà ở.

ThS. Trần Minh Thanh

Meo.vn (Theo SKĐS)

Nhiệt miệng và cách trị liệu

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiNhiệt miệng hay còn gọi là lở loét miệng là chứng bệnh không gây ra nguy hiểm nhưng thường gặp ở một số người, không phân biệt lứa tuổi. Bệnh làm cho mỗi khi ăn uống gây xót, đau rát rất khó chịu, ăn uống mất ngon hoặc không dám ăn nữa vì đau rát.

Có khi do đau rát, xót khó chịu còn gây mất ngủ hay rối loạn tiêu hóa. Đối với trẻ em khi bị nhiệt miệng dễ quấy khóc và không chịu ăn nên có thể dẫn đến tình trạng sút cân, suy dinh dưỡng.

Đây là bệnh thường gặp, có nhiều thể khác nhau, nhưng triệu chứng quy tụ là xuất hiện những mụn nước nhỏ dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc miệng, bờ rõ rệt, đáy vết loét có màu vàng nhạt, xung quanh có một đường viền màu đỏ tươi, rất đau và xót khi nói và ăn các chất mặn, uống nước nóng v.v. Nơi xuất hiện các vết loét thường thấy ở mặt trong của má, lợi hay đầu lưỡi... Khi không được chăm sóc đúng cách vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm. Có nhiều nguyên nhân phát sinh bệnh như stress, nhiễm khuẩn ở răng miệng, chấn thương niêm mạc miệng, thiếu vitamine...

Chính thế mà cần hạn chế ăn các vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu bắc..., ăn nhạt, không ăn các loại thịt gây nhiệt nóng như thịt chó v.v. Tăng cường ăn rau quả để bổ sung các yếu tố vi lượng, vitamine, đặc biệt là vitamine C, PP, B2... có nhiều trong nước chè tươi là những chất chống oxy hóa (antioxidants), làm tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, uống bổ sung đa sinh tố v.v.

Y học phương đông cho rằng nhiệt miệng thuộc chứng 'khẩu cam' do nhiệt độc, hỏa độc, thấp nhiệt hay âm hư gây nên. Trong đó loét miệng thuộc chứng thực hỏa nên tổn thương vết loét ta thấy đỏ, sưng đau, khu trú thành nốt có hình tròn hoặc bầu dục nằm ở niêm mạc miệng hoặc lưỡi, cũng có khi thành đám nhiều mụn hợp lại, nặng còn có mủ và gây nên nóng rát ở nơi có tổn thương nhất là mỗi khi ăn các thức như mặn, chua, cay... Miệng trở nên hôi, khô, người có cảm giác nóng hoặc sốt nhẹ, đầu lưỡi đỏ, tiểu tiện nước vàng, đại tiện táo.

Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc trị liệu chứng nhiệt miệng như sau:

* Làm giảm đau ở miệng: Dùng tế tân 4g, đinh hương 10 – 15 cái, cam thảo (xé tơi) 6g. Cho vào bình kín (để tránh làm bay mất tinh dầu) hãm với nước sôi khoảng 15 – 20 phút rồi gạn lấy nước để nguội và lấy ngậm từng ngụm một lưu giữ trong miệng chừng từ 2 – 4 phút và nhổ ra cũng làm dịu đau nơi vết loét trong miệng, lưỡi.

Thuốc sắc lấy nước uống:

* Sinh địa, chút chít, lá tre mỗi vị 16g, ngọc trúc, huyền sâm, mộc thông mỗi vị 12g, thạch cao 20g, cam thảo 6g, sa nhân 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 3 – 5 thang liền, sau nghỉ vài ngày lại uống một đợt nữa.

* Sử dụng phương thích hợp cho người bệnh nhiệt miệng có các triệu chứng như lưỡi đỏ, táo bón, tiểu tiện nóng, đỏ, ngủ kém: Sinh địa, lô căn mỗi thứ 20g, ngọc thông 6g, trúc diệp, ngọc trúc, huyền sâm, tri mẫu mỗi vị 12g, thạch cao 40g, thăng ma 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 – 3 lần uống trong ngày, cần uống 3 – 5 thang khi thấy các dấu hiệu táo bón đỡ thì dừng. Sau đó có thể sử dụng lại hai ba đợt nữa cho dứt bệnh, chống tái phát.

* Trị nhiệt miệng thuộc chứng hư nhiệt: Thường gặp ở người có thể trạng gầy gò, miệng lưỡi khô, ráo, các vết loét không sưng hoặc sưng đỏ ít, đau nhẹ, lưỡi đỏ, nước tiểu ít, vàng, đại tiện táo..., bệnh tái phát nhiều lần, tưởng khỏi rồi lại thấy xuất hiện. Tùy theo hoàn cảnh từng vùng mà có thể áp dụng 1 trong các phương sau:

- Sa sâm, mạch môn, ngọc trúc, huyền sâm, hoàng bá mỗi vị 12g. Sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g, đan bì, trí mẫu mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Tất cả sắc lấy nước thuốc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Mỗi đợt uống từ 5 – 10 thang liền (một liệu trình), nghỉ vài ngày mỗi đợt lại uống đợt khác, uống 2 – 3 đợt.

* Nếu viêm loét miệng lưỡi trở thành mạn (nghĩa là từng đợt rồi tái phát hay có thể bị liên tục kéo dài) cần được thăm khám toàn diện, có khi phải chẩn đoán nguyên nhân bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm nuôi cấy vi khuẩn, nấm, xét nghiệm tế bào học... Ở trẻ em đang bú mẹ hay người bị suy giảm miễn dịch, hoặc có thói quen uống sữa cũng có thể gây loét lưỡi, miệng; cũng có thể do nấm mà thường gặp loại nấm candida abical. Do vậy nếu không được trị liệu kịp thời làm bệnh phát triển khiến trẻ bú khó khăn, thậm chí nấm lan xuống đường tiêu hóa gây tiêu chảy, sống phân...

Việc chữa trị không khó khăn, chủ yếu làm thay đổi môi trường, kiềm hóa tại chỗ, như dùng gạc vô khuẩn thấm mật ong xoa miệng lưỡi cho trẻ, vì các kết quả nghiên cứu cho thấy với dung dịch mật ong có hàm lượng 30% đã có thể ức chế hoặc tiêu diệt được hầu hết các loại vi khuẩn hay nấm. Cũng có thể sử dụng lá rau ngót sạch giã nát cùng vài hạt muối sau vắt lấy nước cốt thấm vào gạc sạch xoa vào miệng lưỡi cho trẻ cũng thấy hiệu nghiệm.

Để phòng chống nhiệt miệng cần lưu ý vệ sinh răng miệng như đánh răng sau mỗi lần ăn, ăn ít thức ăn nhiệt như tiêu, ớt, đồ nướng, chiên rán, thịt chó, giảm uống rượu, tăng cường ăn rau củ quả để bổ sung các yếu tố vi lượng, vitamine... Uống nước chè tươi hàng ngày...

Theo Báo Nông Nghiệp

Sốt – Cảnh báo điều gì?

[i]Gọi là sốt khi thân nhiệt vượt quá 37oC. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sốt nhưng dù sốt do nguyên nhân nào đi chăng nữa thì sốt làm cho cơ thể bị mất nhiều nước và cả chất điện giải gây mệt mỏi, làm ảnh hưởng nhiều chức năng sinh lý khác của con người, đó là chưa kể ở trẻ nhỏ sốt cao có thể gây co giật.
Không kiểm tra thân nhiệt bằng tay.[/i]

[b]Một số nguyên nhân gây sốt[/b]

Muốn biết có bị sốt hay không phải cặp nhiệt độ, thông thường hay dùng biện pháp cặp ở nách. Cặp nhiệt độ ở nách cần cộng thêm 1/2 độ, ví dụ cặp nhiệt độ ở nách thấy 37oC, có nghĩa là người đó có thân nhiệt là 37,5oC (ba mươi bảy rưỡi). Tốt nhất là nên cặp nhiệt độ ở khoé miệng hoặc nhiệt độ ở hậu môn thì không cần cộng thêm 1/2 độ. Sốt là một hiện tượng phản ứng của cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể gọi sốt do vi sinh vật gây bệnh gây ra (sốt nhiễm khuẩn) và sốt không do vi sinh vật gây bệnh (sốt không do nhiễm khuẩn). Sốt nhiễm khuẩn cũng có nhiều loại khác nhau, có thể sốt cấp tính hoặc sốt dai dẳng, kéo dài. Một số bệnh gây viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm phế quản, thanh quản, viêm phổi cấp tính hoặc áp-xe amiđan, áp-xe phổi thường sốt rất cao (trên 39oC). Một số bệnh viêm cầu thận cấp, ứ mủ bể thận, viêm đường mật dẫn mật, áp-xe gan mật, các loại sốt phát ban như sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban do sởi, do thủy đậu hoặc sốt thương hàn, nhiễm khuẩn huyết, viêm não - màng não, sốt vàng da chảy máu... cũng gây sốt cao, thậm chí sốt rất cao (trên 40oC). Có một số bệnh mặc dù là viêm nhiễm cấp tính nhưng thân nhiệt không tăng nhiều hoặc tăng ở mức độ vừa phải khoảng 37,5oC - 38,5oC như bệnh viêm ruột thừa cấp tính. Tuy vậy, một số bệnh nhiễm trùng mạn tính thì cũng gây sốt nhưng thường sốt không cao, khoảng 37,5oC - 38,5oC, ví dụ như sốt trong viêm loét sùi van tim, bệnh lao, cảm cúm, bệnh VA ở trẻ nhỏ, viêm họng - xoang mạn tính, viêm  đường tiết niệu. Sốt không do nhiễm khuẩn cũng gặp khá nhiều. Hầu hết các loại sốt không do nhiễm khuẩn là sự phản ứng của cơ thể khi gặp yếu tố lạ hoặc phản ứng của cơ thể để sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, ví dụ như sốt nhẹ sau khi tiêm vaccin ở một số trẻ hoặc trẻ mọc răng sữa, say nóng, say nắng hoặc sốt do tăng sinh tổ chức trong bệnh ung thư, bệnh về máu... Nhưng đôi khi sốt không do nhiễm trùng nhưng lại là một sự phản ứng quá mạnh như sốt do truyền dịch gặp ở một số trường hợp.
Cặp nhiệt kế khi bị sốt để kiểm tra thân nhiệt.

[b]Khi bị sốt nên làm gì?[/b]

Như vậy sốt chỉ là một triệu chứng biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau, cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể gặp ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể con người. Để làm sáng tỏ sốt do bệnh gì thì người bệnh nên đi khám ở cơ sở y tế. Ở đó cần nói rõ cho bác sĩ biết các biểu hiện của bệnh và các triệu chứng kèm theo sốt như thế nào, bắt đầu sốt từ bao giờ, có đau đầu, buồn nôn, nôn, có đau bụng, đi lỏng hoặc tức ngực khó thở, nước tiểu có màu sắc gì không và đã dùng thuốc gì... hoặc  trong gia đình và hàng xóm có ai bị sốt như thế này không? Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khi nghi bệnh. Ví dụ nghi là viêm đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản hoặc phổi...), bác sĩ sẽ cho chụp Xquang phổi (thẳng, nghiêng), xét nghiệm công thức máu, máu lắng, xét nghiệm chất nhầy họng tìm vi khuẩn, trong trường hợp thật cần thiết sẽ được chọc hút nhầy phế quản để xét nghiệm vi sinh tìm tác nhân gây bệnh (tất nhiên kỹ thuật này phải được thực hiện ở cơ sở y tế có đủ điều kiện và bác sĩ thực hiện thủ thuật này phải giàu kinh nghiệm mới thực hiện được) hoặc nội soi phế quản... Nếu sốt cao thì trước khi đi khám bệnh nên dùng paracetamol để giảm sốt. Với paracetamol, trẻ dưới 1 tuổi thường dùng khoảng 60mg/lần; trẻ từ 1-3 tuổi dùng từ 60-120mg/lần; trẻ từ 6-12 tuổi dùng 240mg/lần và liều lượng trung bình là 10mg/kg, cách từ 4-6 giờ dùng 1 lần uống hoặc đặt hậu môn (đối với trẻ). Đối với trẻ em, cần lau ấm, đắp khăn ấm lên trán, nách, bẹn cho trẻ và đề phòng trẻ sốt cao gây co giật. Cả người lớn và trẻ em khi chưa kịp đến cơ sở y tế khám bệnh thì cần uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch oresol. Oresol có 2 loại, loại đóng gói 5,63g thì cho vào cốc đựng 200ml nước đun sôi để nguội, lắc đều; loại 27,5g/gói thì cho vào bình đựng 1 lít nước đun sôi để nguội. Trẻ dưới 24 tháng tuổi thì cho uống khoảng 50ml, ngày cho uống 2-3 lần; trẻ từ 2-10 tuổi cho uống khoảng 100ml, ngày uống 2-3 lần; trẻ trên 10 tuổi và người trưởng thành thì cho uống theo nhu cầu (khát là cho trẻ uống). Nếu không có oresol, có thể dùng nước gạo rang hoặc pha dung dịch 2 thìa cà phê muối ăn với 8 thìa cà phê đường trong 1 lít nước đun sôi để nguội. Như vậy chúng ta biết sốt đều có nguyên nhân của nó và sốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, vì vậy khi bị sốt không được chủ quan, nhất là sốt cao do nhiễm trùng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ tuổi càng phải chú ý và theo dõi khi trẻ sốt, tránh để trẻ bị sốt cao gây co giật rất nguy hiểm. Cần nhanh chóng đưa người bị sốt đến cơ sở y tế để được khám bệnh và được chăm sóc cẩn thận.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu
(suckhoe-doisong)

Làm gì khi trẻ bị sốt virus?

Sốt virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy cách xử lý tốt nhất là hạ sốt, chườm mát, bù nước và điện giải. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn thì đừng dùng kháng sinh.

Cơ thể trẻ em chưa có sức đề kháng cao nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Trong những ngày hè này, việc tăng số trẻ nhập viện do sốt virus là hiện tượng rất hay gặp tại các khoa nhi.

Trong điều kiện bình thường cũng có những virus ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa... Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Các loại virus thường gây sốt gồm myxo, coxackie, entero, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... Virus có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, có thể gây thành dịch. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virus là sốt cao, thuật ngữ y học gọi là sốt virus.

Đặc điểm của sốt do nhiễm virus

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virus, thường từ 38 đến 39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.

Đau mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc.

Đau đầu: Một số trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...

Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy.

Viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Không có các biểu hiện nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

Xử trí sốt do virus ở trẻ

Các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virus ở trẻ em cũng vậy. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là:

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol liều 10 mg/kg, 6 giờ/lần.

Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Sốt virus dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho đến trường. Một số bệnh do virus đã có văcxin như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella...

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Bệnh có thể gặp ở tinh hoàn

(Dân trí) - Đau, sưng, nhạy cảm khi sờ nắn tinh hoàn… có thể là biểu hiện của bệnh ung thư tinh hoàn hoặc những chứng viêm khác. Hãy cảnh giác khi phát hiện có những bất thường sau:

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Ung thư tinh hoàn

Xảy ra khi các tế bào bất thường của tinh hoàn phân chia và phát triển không thể kiểm soát. Một số trường hợp, khối u lành có thể tiến triển và trở thành ung thư. Ung thư tinh hoàn cũng có thể phát triển ở một hay cả 2 bên ở ngừơi trưởng thành hay thanh niên.  

Triệu chứng:

- Cục cứng, không đều ở tinh hoàn hay tinh hoàn to ra; có cảm giác nặng nề ở bìu.

- Đau âm ỉ ở bẹn hay bụng dưới; tinh hoàn đau hay khó chịu.

Nguyên nhân đích thực của tinh hoàn còn chưa rõ nhưng có một số yếu tố nguy cơ như:  

- Tuổi, hay gập nhất ở độ tuổi từ 15 - 40.

- Tinh hoàn không xuống bìu sau khi sinh ít lâu (yếu tố nguy cơ chủ yếu).

- Lịch sử gia đình có người đã bị bệnh.

- Chủng tộc (người vùng Caucase có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn 5 lần so với người Mỹ gốc Phi, gấp đôi so với người Mỹ gốc Á).

Ung thư tinh hoàn là thể ung thư hiếm và có khả năng chữa khỏi cao. Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ cập nhất, gồm cắt bỏ cả 2 tinh hoàn, có thể lấy cả hạch bạch huyết trong ổ bụng. Tia xạ dùng các tia có năng lượng cao để tấn công ung thư và hoá liệu pháp để diệt các tế bào ung thư.

Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh, nếu ung thư chưa lan tới hạch bạch huyết thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao, trên 98%. Ngay cả khi đã di căn tới các bộ phận khác của cơ thể thì hoá liệu pháp cũng có hiệu quả cao, tỷ lệ chữa khỏi trên 90%. Biết tự khám tinh hoàn là cách phòng ngừa tốt mà mọi nam giới trên 15 tuổi đều cần được hướng dẫn.

Nang ở mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn nằm phía sau tinh hoàn, nơi tinh trùng trưởng thành dần, khi phát triển thành nang thì sưng do ứ nước, cũng có thể gây sốt và xuất tiết ở dương vật.

Giãn tĩnh mạch tinh hoàn

Nếu các tĩnh mạch có chức năng đưa máu ra khỏi tinh hoàn bị giãn thì phần bao quanh tinh hoàn cũng bị sưng to, bệnh này không có nguyên nhân rõ ràng.  

Phần sưng to có thể mất khi nằm nhưng đôi khi kèm cảm giác khó chịu, nặng nề nhất là khi thời tiết nóng hoặc sau khi vận động.

Để giảm bớt sự khó chịu, chỉ cần mặc đồ lót có khả năng nâng đỡ, ôm giữ tinh hoàn, ngoài ra không cần điều trị gì khác trừ phi xem ra giãn tĩnh mạch có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tuy hiếm, có khi cần phải cắt bỏ những tĩnh mạch giãn nhưng kết quả của can thiệp ngoại khoa này cũng không mấy mỹ mãn.

Viêm tinh hoàn

Thường do biến chứng của quai bị, tuyến nước bọt mang tai ở tuổi vị thành niên bị viêm do vi rút; sau thời gian ủ bệnh từ 14 - 28 ngày, tuyến nước bọt mang tai bắt đầu sưng.  

Biến chứng thường gặp của quai bị là gây viêm tinh hoàn ở con trai hoặc viêm buồng trứng ở con gái, 3 - 4 ngày sau khi tuyến nước bọt mang tai sưng. Con trai có thể thấy tinh hoàn sưng đau trong 1 - 2 ngày sau đó giảm và thường không để lại di chứng gì nhưng người trẻ hay người trưởng thành có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị dẫn đến giảm số lượng tinh trùng.

Viêm mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn gồm ống xoắn nằm trên mỗi tinh hoàn, có chức năng vận chuyển, lưu giữ và giúp cho các tế bào tinh trưởng thành. Mào tinh kết nối tinh hoàn với ống dẫn tinh (vas deferens)… Nguyên nhân gây viêm mào tinh hoàn thường do nhiễm khuẩn hay bệnh lây truyền qua đường tình dục do chlamydia.

Triệu chứng: vùng bìu sưng đau. Trường hợp nặng, nhiễm khuẩn lan đến vùng lân cận của tinh hoàn gây sốt và có thể tạo thành túi mủ (áp xe). Điều trị bằng kháng sinh, nghỉ ngơi, chườm đá để giảm sưng nề, dùng thiết bị nâng đỡ bìu, thuốc chống viêm như ibuprofen.

Dùng bao cao su trong quan hệ tình dục có thể giúp phòng ngừa viêm mào tinh hoàn do chlamydia. Nếu không được điều trị, viêm mào tinh hoàn có thể gây ra sẹo mô làm nghẽn tắc đường tinh trùng ra khỏi tinh hoàn, vì thế dẫn đến vô sinh, nhất là khi dính líu đến cả 2 tinh hoàn hay nhiễm khuẩn dễ tái diễn.

Xoắn tinh hoàn

Xảy ra khi tinh hoàn bị xoắn vặn, thừng tinh bị nghẽn tắc và máu không đến nuôi dưỡng tinh hoàn. Hay xảy ra nhất quanh tuổi dậy thì và gây ra đau dữ dội kèm sưng tinh hoàn.

Đừng lầm với thoát vị bẹn khi ruột chui qua ống bẹn xuống bìu làm cho bìu sưng to, vì thế có thể lầm lẫn là bệnh lý tinh hoàn.

Quan hệ tình dục hay thủ dâm không gây sưng tinh hoàn, có thể chỉ gây giác đau tức vùng tinh hoàn và tầng sinh môn nếu như không xuất tinh được.

Xoắn tinh hoàn gây đau dữ dội, xảy ra khi thừng tinh - có chứa ống dẫn tinh, động mạch tĩnh mạch, bạch huyết và thần kinh - bị xoắn làm cho máu không cung cấp cho tinh hoàn (nơi sản xuất ra tinh trùng và hormon testosterone). Xoắn tinh hoàn xảy ra khi một dây chằng nhỏ nối tinh hoàn với đáy của bìu bị dão làm cho tinh hoàn có thể bị xoay vặn.  

Dây chằng đó có thể dão bẩm sinh ở nam giới nhưng cũng có một số cơ hội làm cho dây chằng dễ dão hay có thể do có chấn thương ở tinh hoàn, do hoạt động thể lực căng thẳng. Phần lớn xảy ra ở nam dưới 30 tuổi, hay xảy ra hơn ở trẻ em hay tuổi vị thành niên. Ở Mỹ tỷ lệ xoắn tinh hoàn khoảng 1 cho 4.000 nam dưới 25 tuổi.  

Bệnh cảnh của xoắn tinh hoàn là:  

- Đau đột ngột ở tinh hoàn; sưng, rất nhạy cảm khi sờ nắn.

- Buồn nôn hay nôn, có thể có sốt.

- Đau vùng bụng; ngất và nhức đầu; tinh hoàn bệnh co lên cao.  

Xoắn tinh hoàn cần phải được can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt, nên trong 6 giờ đầu sau khi có triệu chứng để cứu tinh hoàn vì máu ít đến tinh hoàn có thể gây ra teo hay thậm chí có thể gây nhiễm khuẩn tinh hoàn.  

Chấn thương tinh hoàn

Vì tinh hoàn nằm trong bìu, được treo ngoài của cơ thể, không có cơ và xương bảo vệ cho nên dễ bị đụng chạm, bị tổn thương… nhất là trong thể thao vì thế các võ sĩ quyền anh phải mang trang bị bảo vệ tinh hoàn.

Chấn thương tinh hoàn có thể gây đau, bầm tím và sưng nề; trong phần lớn trường hợp tinh hoàn được cấu tạo bằng nguyên liệu sốp, có khả năng thấm hút va chạm mạnh của chấn thương mà không bị tổn thương.

Một thể chấn thương tinh hoàn hiếm gập, gọi là vỡ tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn bị một thương tích trực tiếp hay bị đè ép vào mặt phẳng cứng của tiểu khung dẫn đến dò rỉ máu vào bìu. Trường hợp nặng phải can thiệp ngoại khoa để sửa lại chỗ vỡ và có thể cứu được tinh hoàn.

BS  Đào Xuân Dũng

Tại sao bệnh sốt rét gây nên cơn sốt?

Cơ chế gây nên cơn sốt trong bệnh sốt rét rất phức tạp. Có nhiều giả thuyết khác nhau như về ngưỡng gây sốt, độc tố của ký sinh trùng sốt rét, phản ứng của trung tâm điều hòa nhiệt độ, phản ứng quá mẫn của cơ thể, vai trò của bạch cầu đa nhân và đại thực bào...

Ngưỡng gây cơn sốt trong sốt rét

Những cơn sốt rét xuất hiện khi số lượng ký sinh trùng sốt rét trong máu đạt tới một số lượng nhất định. Ngoài số lượng ký sinh trùng sốt rét, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến ngưỡng gây nên cơn sốt rét.

Theo thuyết độc tố của ký sinh trùng sốt rét

Dựa trên những kết quả thực nghiệm, nhà khoa học Fletcher và Maegraith (1972, 1974) đưa ra kết luận ký sinh trùng sốt rét có yếu tố độc tố tế bào hòa tan. Yếu tố này ức chế hô hấp tế bào và quá trình phosphorin hóa ty lạp thể.

Ký sinh trùng sốt rét đang xâm nhập hồng cầu của con người.

Theo phản ứng của trung tâm điều hòa nhiệt độ cơ thể

Phản ứng sốt là phản ứng của trung tâm điều hòa nhiệt độ dưới đồi (hypothalamus) tới các kích thích khác nhau như những merozoite giải phóng ra khi vỡ hồng cầu, những độc tố toxin đặc hiệu của ký sinh trùng sốt rét, sắc tố của ký sinh trùng sốt rét và những sản phẩm chuyển hóa của ký sinh trùng sốt rét...

Theo phản ứng quá mẫn của cơ thể

Cơn sốt rét là phản ứng quá mẫn của cơ thể đã có cảm ứng trước với kích thích kháng nguyên lặp lại.

Theo vai trò của bạch cầu đa nhân và đại thực bào

Trước đây, người ta cho rằng những độc tố của vi khuẩn và các chất gây sốt khác khi xâm nhập vào cơ thể đã gây nên cơn sốt bằng cách trực tiếp tác động lên trung tâm điều hòa nhiệt độ dưới đồi (hypothalamus). Vào năm 1958, nhà khoa học Bennet và Besson đã xác định những chất gây sốt chỉ kích thích bạch cầu đa nhân tiết ra chất gây sốt nội sinh (endogen pyrogen, viết tắt là EP). Chất gây sốt nộia sinh EP là những protein có trọng lượng phân tử từ 10.000 - 20.000, đây là chất trung gian làm phát triển phản ứng sốt. Nhà nghiên cứu Bodel.R (1974) đã chứng minh rằng đại thực bào của gan, lách, hạch, phổi và bạch cầu đơn nhân của máu cũng có khả năng tổng hợp chất gây sốt nội sinh. Những tế bào này tiết ra chất gây sốt nội sinh nhiều gấp từ 10 - 15 lần so với lượng tương đương của bạch cầu đa nhân. Nhà khoa học Sorokin A.V. (1965) lần đầu tiên đưa ra quan điểm cơn sốt trong bệnh sốt rét cũng liên quan đến sự hình thành của chất gây sốt nội sinh. Những sản phẩm độc tố của ký sinh trùng sốt rét kích thích bạch cầu đa nhân tiết chất gây sốt nội sinh. Các đại thực bào, bạch cầu đa nhân khi thực bào các merozoite; các hạt sắc tố của ký sinh trùng sốt rét, các mảnh hồng cầu vỡ cũng tiết ra chất gây sốt nội sinh. Cơn sốt có chu kỳ trong bệnh sốt rét là kết quả của sự liên quan chặt chẽ giữa chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét tạo ra các merozoite và quá trình thực bào của bạch cầu đa nhân, đại thực bào.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

Vitamin C và sự lão hóa

'Nghe nói việc ăn trái cây giúp ta lâu già vì trái cây có nhiều vitamin C. Điều đó có đúng không? Vai trò của vitamin C trong việc ngăn chặn sự lão hóa như thế nào?'.

Đúng là trái cây rất tốt cho sức khỏe. Trong trái cây, ngoài vitamin C ra còn có rất nhiều vitamin khác và chất đạm thực vật dễ tiêu hóa, ít gây hại cho sức khỏe hơn thịt lợn, thịt bò.

Người thiếu vitamin C có thể bị bệnh Scorbut (một bệnh gây sốt nhẹ, thiếu máu, chảy máu ở lợi, rối loạn tiêu hóa, suy kiệt, có thể dẫn đến tử vong). Ngày xưa, bệnh này thường xảy ra ở các thủy thủ sống một thời gian dài trên biển, không ăn rau quả.

Năm 1928, Szent Goryi đã tìm ra vitamin C từ rau cải. Phát hiện của ông đã được giải Nobel năm 1937. Cơ thể con người không thể tổng hợp được vitamin C cũng như một số vitamin cần thiết khác. Do đó, con người cần dùng thức ăn có nhiều vitamin C. Nhu cầu về vitamin C hằng ngày của người khỏe mạnh hoàn toàn là 60-100 mg. Nhu cầu này gia tăng ở phụ nữ mang thai, người cho con bú, sau phẫu thuật, đang dưỡng bệnh hay vận động cơ thể nhiều.

Ngày nay, tình trạng thiếu vitamin C vẫn còn xảy ra do cách ăn uống chưa hợp lý. Việc nấu nướng thức ăn quá lâu, dùng nhiều các thực phẩm đóng hộp... có thể gây thiếu hụt vitamin C. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá và uống rượu làm gia tăng nhu cầu về vitamin C mỗi ngày. Ở một số người, dinh dưỡng kém, rối loạn về hấp thụ ở ruột cũng gây ra thiếu vitamin C mạn tính. Việc bổ sung vitamin C thường xuyên bằng cách ăn trái cây hoặc uống thuốc sẽ khiến tình trạng sức khỏe được cải thiện rõ rệt (về thể chất cũng như về tâm lý).

Vitamin cũng có tác dụng chống ôxy hóa. Nó tham dự vào rất nhiều phản ứng biến dưỡng của tế bào cơ thể. Lượng vitamin C dự trữ ở máu và ở các tế bào giảm dần khi già. Nhiều người băn khoăn về việc có thể làm chậm sự lão hóa bằng cách bắt đầu dùng nhiều vitamin C từ một lứa tuổi nào đó không? Câu hỏi này đến nay chưa có giải đáp.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin C có khả năng:

- Kích thích chức năng miễn dịch của cơ thể, làm mạnh thêm các thuốc tiêm phòng, nhất là thuốc phòng cảm cúm. Được chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng kéo dài như herpes, zona, viêm nhiễm đường hô hấp ở người có cơ địa dị ứng.

- Làm lành sẹo nhanh, có hiệu quả tốt trong sự biến dưỡng sụn ở các người có bệnh về sụn khớp.

- Phòng ngừa bệnh xơ mỡ động mạch bằng cách làm giảm chất mỡ, triglycerid và cholesterol trong máu.

- Bảo vệ cơ thể, làm giảm độc ở người uống rượu hay hút thuốc.

- Tăng cường sức mạnh cơ bắp và làm chậm cảm giác mệt mỏi khi vận động, chơi thể thao.

Một số nhà khoa học còn cho rằng vitamin C có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư, nhất là ung thư dạ dày.

Vitamin C được thải ra nhanh theo đường tiểu, do đó nếu dùng nhiều cũng không sợ bị quá liều.

Theo YK