Lưu trữ cho từ khóa: đường huyết cao

Chớ xem thường tiền đái tháo đường

Điều cần báo động hiện nay là đang có khoảng 27% dân số trưởng thành (từ 30 đến 69 tuổi) tại TP.HCM và cũng là tỷ lệ trên cả nước, đang ở dạng tiền đái tháo đường (TĐTĐ).


Thường xuyên tầm soát TĐTĐ

Theo BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng (TTDD) TP.HCM, đây là con số quá lớn tại TP.HCM cũng như cả nước. Vì thế, nếu không có những biện pháp khống chế các yếu tố nguy cơ thì trong vài năm tới, số người TĐTĐ sẽ trở thành người bệnh ĐTĐ và kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nhiều nguy cơ với người mắc TĐTĐ

Theo BS Diệp, TĐTĐ là giai đoạn sớm của bệnh ĐTĐ, với mức đường huyết cao hơn mức bình thường (90 -110mg) nhưng chưa đến mức được chẩn đoán là ĐTĐ (từ 126 mg). Tức người trong dạng TĐTĐ có mức đường huyết trong khoảng từ 111-125 mg.

Tất cả mọi người đều có thể mắc TĐTĐ. Tuy nhiên, với những người có các yếu tố sau sẽ có nhiều nguy cơ cao đang ở giai đoạn TĐTĐ, cụ thể trong gia đình có người thân (ruột thịt) đã mắc bệnh ĐTĐ, những người trên 45 tuổi, những người thừa cân béo phì, người ít vận động, người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sanh con trên 4 kg.

Những người TĐTĐ nếu không được phát hiện sớm sẽ tiến triển thành bệnh ĐTĐ, dẫn đến việc điều trị rất tốn kém và có nguy cơ gây nhiều biến chứng nặng nề như: những biến chứng ở mắt (mù lòa), suy thận, suy gan, tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, tê bì chân tay, các biến chứng thần kinh, vết thương lâu lành…

Do đó, những người trong dạng có nguy cơ cao với TĐTĐ cần xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện sớm TĐTĐ, và nếu đo thấy chỉ số đường huyết nằm trong khoảng từ 111- 125 mg, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn về lối sống cũng như về dinh dưỡng,

Có thể phòng chống TĐTĐ

Người ở dạng TĐTĐ cần phải có sự rất kiên nhẫn cùng một quyết tâm thay đổi lối sống cách bền bỉ thì mới giúp cuộc sống quay trở lại bình thường.
Để thay đổi lối sống người TĐTĐ cần có 3 yếu tố sau, vận động thường xuyên, dinh dưỡng hợp lý và sống điều độ.

Trong đó, các môn thể dục thể thao phù hợp và rất hữu ích cho việc tập luyện, vận động thân thể thường xuyên là đi bộ, chạy bộ, đạp xe, làm vườn, bơi lội, cầu lông, tuy nhiên chú ý việc tập luyện vận động cần phù hợp với sức khỏe của từng cá nhân. Đối với việc điều độ trong lối sống, người TĐTĐ cần tránh rượu bia, tránh các căng thẳng, sống lạc quan yêu đời.

Dinh dưỡng hợp lý đặc biệt quan trọng

Vấn đề dinh dưỡng hợp lý đặc biệt quan trọng, cơ bản là dinh dưỡng giống như người ĐTĐ, nhưng với chế độ ăn thích hợp với từng cá thể như năng lượng cho người già khác với người trẻ.

Người TĐTĐ cần chú ý hạn chế dùng muối (dưới 6gram/ngày), đường (dưới 10gram/ngày), không uống nước ngọt, nước có gas, giảm chất béo động vật, tăng cường rau xanh, các loại đậu, trái cây

Meo.vn (Theo Infonet)

Răng miệng và bệnh nghiêm trọng

Nhiều người chắc chắn sẽ thay đổi định kiến nha sĩ chỉ chữa răng nếu biết 45-65% của tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, dù nằm rất xa hàm răng, là hậu quả của viêm nha chu

Hư răng tuy khó chịu, nhưng không quá khó chữa! Chính vì vậy mà đa số bệnh nhân kẹt lắm mới đành ngồi vào ghế làm răng. Khỏi nói thêm cũng hiểu mấy người chịu đến phòng răng để ngừa bệnh… khác!

Nhờ kết quả của nhiều công trình nghiên cứu dài hạn, hiện không còn ai nghi ngờ về mối liên hệ chặt chẽ giữa nguồn bội nhiễm trong vùng răng miệng và nhiều bệnh chứng nghiêm trọng.

Đau tim vì nướu răng không khỏe

Bên cạnh bệnh cao huyết áp, viêm nha chu là yếu tố rủi ro đáng gờm cho người chẳng may thiếu máu trong mạch vành. Bằng chứng là tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim với tiền căn viêm nướu răng rất cao. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện trong nhiều tụ điểm xơ vữa mạch máu dấu ấn của các loại vi khuẩn vốn chỉ có mặt ở nướu răng. Nói cách khác, bệnh viện chuyên khoa tim mạch hoành tráng uy nghi mà thiếu phòng răng thì vẫn còn thiếu rất nhiều.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành phụ sản, sinh non hay xảy thai là chuyện không lạ nếu thai phụ có vấn đề với nướu, với răng. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh: Ổ viêm tấy trên răng miệng là nguyên nhân dẫn đến phản ứng sai lầm của cơ thể dưới dạng co thắt tử cung một cách đột ngột.

Thầy thuốc ở Hoa Kỳ cũng đã phát hiện tỷ lệ người bị sảy thai đồng thời bị viêm nha chu cao gấp 7 lần nếu so với nhóm đối chứng có nướu, có răng khỏe mạnh. Thai phụ vì thế cần khám răng định kỳ, thay vì chỉ tập trung khám siêu âm để chụp hình trẻ đang cười trong bụng mẹ.

Nụ cười không đau răng của người sắp làm mẹ cũng quan trọng không kém.

Với người hay bị viêm nhiễm đường hô hấp cũng thế. Đường hô hấp không vô cớ cứ nay viêm mai nhiễm! Viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản… là dấu hiệu cho thấy sức kháng bệnh không còn đủ mạnh để cầm chân thành phần vi khuẩn, siêu vi hay nấm mốc khu trú ngay ngã ba cổ họng và được hỗ trợ bởi ổ viêm trên nướu, trên chân răng. Theo thống kê ở Hoa Kỳ, đa số người bị viêm phế quản mãn là đối tượng hoặc thiếu vệ sinh răng miệng, hoặc bị sâu răng, hoặc thừa đá răng nhưng tránh né nha sĩ!

Răng chưa đau cũng nên đi khám

Nguy cơ bội nhiễm bao giờ cũng cao ở người bị tiểu đường. Do ảnh hưởng của lượng đường huyết cao hơn mong muốn, lớp sợi keo trong mô liên kết bị thoái hóa nhanh hơn bình thường.

Hậu quả là người bệnh tiểu đường dễ bị viêm nướu răng.

Ngược lại, tình trạng viêm tấy chân răng, bội nhiễm nướu răng là một trong các nguyên nhân khiến lượng đường trong máu khó ổn định. Do đó, bên cạnh chuyện khám mắt, khám bàn chân, tầm soát và điều trị ráo riết bệnh nha chu là một trong các biện pháp thiết yếu để ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường.

Nếu bệnh răng miệng là lý do dẫn đến loãng xương hàm, thì ngược lại, bệnh loãng xương cũng là một trong các yếu tố thuận lợi cho bội nhiễm trong vùng răng miệng. Cũng vì thế mà khám bệnh cho người vào tuổi mãn kinh nhưng quên khám răng là một thiếu sót đáng trách. Mặt khác, đối tượng mãn kinh cần chủ động gõ cửa nha sĩ cho dù răng chưa đau nếu muốn tránh cảnh không té mà vẫn gãy xương!

Viêm nha chu không hình thành một sớm một chiều. Nói cách khác, người bệnh có đủ thời giờ để phòng bệnh. Đừng quên không dưới 80% trường hợp viêm nha chu nếu phát hiện bệnh cho sớm, càng sớm càng tốt. Rất mong độc giả đừng nhìn phòng răng như nơi “phục hồi ảnh cũ”. Chữa răng để phòng bệnh khác, còn gì khéo hơn!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

Meo.vn (Theo Danviet)

Người bệnh đái tháo đường nên có thiết bị y tế gì trong nhà?

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính và cần được điều trị suốt đời, để đạt kết quả tốt thì người bệnh rất cần sự hỗ trợ của một số thiết bị y tế. Theo chuyên gia y tế có 4 loại thiết bị y tế mà người bệnh ĐTĐ nên có trong gia đình

1. Máy đo đường huyết cá nhân: (là quan trọng nhất).

- Mục tiêu đường huyết của người bệnh ĐTĐ trước bữa ăn là từ 3,9-7,2 mmol/l và sau bữa ăn (2h) là dưới 10 mmol/l. Đây được coi là vùng đường huyết an toàn để tránh bị các biến chứng của ĐTĐ. Tuy nhiên, khi đường huyết nằm ngoài khoảng trên (ví dụ 8,0 – 15,0mmol/l) thì nhiều BN cũng không thấy có biểu hiện gì đặc biệt. Vì thế, nếu không đo đường huyết định kỳ thì họ sẽ không thể biết mình đã rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm, đặc biệt là khi đường huyết bị hạ quá thấp < 3,0mmol/l.

- Những BN ĐTĐ mới được chẩn đoán, đường huyết còn cao hoặc mới thay đổi chế độ điều trị thì cần đo đường huyết 2-4 lần/ngày. Còn khi đường huyết đã được kiểm soát tốt thì cũng cần đo ít nhất 2 lần/tuần. Lưu ý là khi bị ốm, sốt hay tiêu chảy… thì người bệnh ĐTĐ cần đo đường huyết nhiều lần hơn. Đặc biệt, khi có cảm giác đói nhiều thì cần thử ngay xem có đúng bị hạ đường huyết không và hạ đến mức nào.

- Trên thị trường có nhiều loại máy đo đường huyết cá nhân khác nhau. Để có được loại máy tốt và độ chính xác cao thì người bệnh ĐTĐ phải lưu ý chọn máy đo của các công ty có uy tín (đạt tiêu chuẩn ISO), có văn phòng đại diện tại Việt Nam và máy phải được bảo hành trọn đời. Tốt nhất là họ nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị xem loại máy nào là phù hợp. Không nên mua các loại máy đo đường huyết kiểu hàng “xách tay” vì chất lượng không đảm bảo và khó mua que thử về sau.

2. Que thử xê tôn máu hoặc xê tôn trong nước tiểu: (những BN ĐTĐ typ 1 hoặc BN ĐTĐ typ 2 kiểm soát đường huyết kém cần có que thử xê tôn):

- Ở những người có đường huyết quá cao sẽ sinh ra các thể xê tôn, nồng độ xê tôn trong máu cao có khả năng gây nhiễm toan nặng và hôn mê. Vì vậy, nếu đường huyết trên 15,0 mmol/l thì cần đo xê tôn máu, nếu xê tôn máu cao thì cần điều trị tích cực hơn hoặc xin tư vấn bác sĩ ngay. Hiện nay có máy đo đường huyết cá nhân có thể đo luôn cả xê tôn máu (nhưng bằng que thử riêng).

- Một cách khác, đơn giản nhưng kém chính xác hơn là định tính xê tôn trong nước tiểu bằng cách dùng que thử nhúng vào trong nước tiểu và ước tính xê tôn niệu nhiều hay ít dựa trên mức độ đổi màu que thử.

3. Máy đo huyết áp:

- Có nhiều lý do để người bệnh ĐTĐ cần có máy đo huyết áp tại nhà. Đầu tiên, theo các nghiên cứu, vì trên 60% các BN ĐTĐ có tăng huyết áp và chính tăng huyết áp là nguyên nhân quan trọng gây tử vong cũng như thúc đẩy suy thận và mù lòa ở BN ĐTĐ... Lý do khác là vì tăng huyết áp ở BN ĐTĐ rất khó kiểm soát, ngay cả khi đã dùng đến 2-3 loại thuốc hạ huyết áp. Cuối cùng là do tăng huyết áp, ngay cả tăng rất cao, cũng thường ít có biểu hiện nên nếu không đo thì rất dễ bỏ sót.

- Có nhiều loại máy đo huyết áp để người bệnh ĐTĐ lựa chọn. Ngoài loại máy đo huyết áp đồng hồ như của các thầy thuốc thì còn có loại máy điện tử (tự động) đo huyết áp động mạch tại cổ tay, loại này rất đơn giản và tiện dụng. Một loại khác là máy bán tự động cũng đo huyết áp động mạch cánh tay nhưng có bảng hiển thị số đo. Các loại máy đo tự động và bán tự động còn cho biết nhịp tim và có khả năng lưu giữ kết quả vài chục lần đo.

- Những người bệnh có tăng huyết áp nên đo huyết áp ít nhất 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi chiều. Ngoài ra, họ cũng nên đo thêm khi bị đau đầu, chóng mặt… hay khi nghi huyết áp cao.

4. Cặp nhiệt độ:

- Đường huyết cao sẽ ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Cộng với các biến chứng tim mạch, thần kinh, mắt… khiến người bệnh ĐTĐ rất dễ bị nhiễm khuẩn, kể cả các nhiễm khuẩn nặng như lao phổi, viêm phổi, loét chân, nhiễm khuẩn huyết. Những BN lớn tuổi hoặc có nhiều biến chứng sẽ có phản ứng rất kém và thầm lặng với nhiễm khuẩn. Vì vậy, nếu thấy ho kéo dài, đái buốt, đái dắt hoặc có vết loét nhỏ ở chân hay đơn giản là khi thấy đường huyết cao kéo dài bất thường thì phải kiểm tra ngay xem có phải mình đang bị viêm nhiễm ở đâu không. Cách đơn giản nhất là cặp nhiệt độ xem mình có bị sốt không.

ThS.Nguyễn Quang Bảy (Phó trưởng Khoa Nội tiết, BV Bạch Mai)

Meo.vn (Theo SKĐS)

5 hệ lụy nguy hiểm do chứng tiểu đường gây ra

Nếu bạn mắc phải chứng tiểu đường thì đồng nghĩa với việc kéo theo hàng loạt những bệnh tật khó điều trị khác. Trong đó có cả nguy cơ đột quỵ và suy thận.

 

1. Bệnh tim và nguy cơ đột quỵ

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người bị bệnh tiểu đường. Bởi vì chỉ số đường huyết cao có thể gây ra một sự tích tụ dần dần của chất béo, làm tắc nghẽn và xơ cứng thành mạch máu. Và một khi mạch máu đã bị thu hẹp, một cơn đau tim hay đột quỵ sẽ kéo tới bất kì lúc nào.

Không phải tất cả mọi người có bệnh tiểu đường đều phải đối mặt với nguy cơ tương tự nhau. Bạn có nhiều khả năng bị bệnh tim mạch nếu bạn đã sống với bệnh tiểu đường hơn 15 năm. Để hạn chế nguy cơ bạn nên ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo và cố gắng tập thể dục đều đặn.

2. Bệnh thận

Ít nhất một nửa số bệnh nhân tiểu đường có thể có các dấu hiệu của bệnh thận. Huyết áp cao hoặc tiền sử gia đình có người bị bệnh cũng khiến nguy cơ này gia tăng. Hãy giảm nguy cơ của bạn bằng cách nói chuyện với bác sĩ về các biện pháp kiểm soát huyết áp của bạn. Sử dụng máy đo huyết áp tại nhà, giữ chỉ số huyết áp ổn định là rất quan trọng và đừng quên xét nghiệm nước tiểu thường xuyên.
3. Bệnh về thần kinh
Bệnh tiểu đường thường dẫn đến một chứng rối loạn thần kinh được gọi là neuropathies. Nếu các mạch máu đã thu hẹp do chất béo, dây thần kinh của bạn có thể hư hỏng bởi vì chúng không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Viêm thần kinh do bệnh tiểu đường có các triệu chứng tê, đau hoặc ngứa ran ở chân và ngón chân, tay và ngón tay hay các chứng rối loạn tiêu hoá khác.

Giữ lượng đường trong máu của bạn trong một phạm vi cho phép và cắt giảm những thói quen xấu như hút thuốc và uống rượu.

4. Vết thương khó lành

Mạch máu bị hẹp khiến cho việc lưu thông đến các bộ phận cơ thể trở nên khó khăn. Điều đó có nghĩa là vết thương  hoặc vết loét ở bàn chân hoặc chân của bạn sẽ rất khó lành. Đáng ngại hơn, nếu bạn có tổn thương thần kinh từ bệnh tiểu đường, bạn có thể không cảm thấy đau đớn ở chân dù khi đó vết thương có thể bị nhiễm trùng và mưng mủ, dẫn đến sự cần thiết phải cắt bỏ.

5. Mờ và mù mắt

Bệnh tiểu đường có thể gây ra tắc nghẽn hoặc phát triển bất thường của mạch máu ở võng mạc, bộ phận chịu trách nhiệm đọc những hình ảnh. Sự thiếu chất dinh dưỡng này khiến cho mắt yếu dần và từ từ sẽ nhìn kém rồi mờ hẳn. Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng dễ mắc phải các chứng bệnh về mắt hơn người khác.

Bạn nên kiểm tra mắt toàn diện ít nhất 1lần/năm và báo với bác sĩ của bạn những bất thường như cảm giác mờ mắt, mỏi mắt,...

 

 

Kẻ thù của thận và mắt

Hai bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thận và làm giảm thị lực. Tuy nhiên còn có những nguyên nhân khác gây suy thận thì thị lực vẫn có nguy cơ bị giảm. Điều nguy hiểm là đái tháo đường và tăng huyết áp không có những triệu chứng rõ rệt nên không được phát hiện sớm, không được chữa trị kịp thời, nên càng gây ra tổn thương nghiêm trọng cho thận và mắt.

Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đã phá hủy thận và mắt như thế nào?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bong và rách võng mạc.

- Đái tháo đường có thể phá hủy thận, gọi là bệnh thận do đái tháo đường. Lượng đường tích tụ trong cơ thể có thể phá hủy các mạch máu, kể cả các mạch máu ở thận. Mức đường trong máu càng cao thì lượng máu chảy qua thận càng nhiều, làm các mạch máu vốn đã mảnh nay phải tăng cường hoạt động và gây tăng huyết áp. Thận bị tổn thương sẽ không có khả năng loại bỏ các chất độc hại và nước dư thừa, những chất độc hại này vẫn được giữ trong máu sẽ tích tụ ngày một nhiều làm quá trình phá hủy mạnh thêm, hậu quả là thận sẽ bị hỏng hoàn toàn. Vì suy thận ở bệnh nhân đái tháo đường xuất hiện dần dần, bệnh nhân có thể không nhận thấy các triệu chứng, chỉ đến khi thận bắt đầu suy mới nhận ra.

- Tăng huyết áp cũng có thể phá hủy thận: Xơ hóa mạch máu thận là một trong những nguyên nhân thường gặp của bệnh thận mạn tính tiến triển. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy mô đệm xơ hóa và angiotensin II đóng vai trò trung tâm trong bệnh thận. Nếu  kích hoạt hệ rennin-angiotensin-aldosteron sẽ gây nên tăng huyết áp hệ thống và tăng áp lực trong cầu thận làm ảnh hưởng huyết động tới nội mạc mạch máu và tiểu cầu thận. Angiotensin II có vai trò đa dạng và ảnh hưởng của cơ chế tác dụng ngược gây viêm và xơ hóa nhu mô thận. Trường hợp tăng huyết áp do đái tháo đường cần kiểm tra microalbumin niệu. Những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối do tăng huyết áp thường dẫn đến phì đại thất trái và bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Thận suy lại làm tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao sẽ phá hủy các mạch máu ở trong thận, thận không thể loại bỏ các chất độc hại và nước dư thừa nữa, lượng nước dư thừa lại làm cho huyết áp có thể tăng cao hơn nữa. Nếu thận sản xuất ra quá nhiều enzym, renin, huyết áp sẽ tiếp tục tăng cao. Dần dần, huyết áp cao sẽ làm cho các mạch máu trong thận trở nên nhỏ hơn và yếu đi, làm cho lượng máu cung cấp đến thận giảm và chức năng thận cũng giảm theo, hậu quả cuối cùng dẫn đến suy thận. Như vậy, đồng thời với suy thận là quá trình giảm thị lực. Mặt khác, bệnh thận cũng làm tăng huyết áp và giảm thị lực. Những bệnh về mắt phổ biến ở bệnh nhân suy thận là: bệnh về võng mạc, bệnh đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Bệnh võng mạc

Bệnh tăng huyết áp và tiểu đường làm cho những mạch máu nhỏ trong mắt bị tổn thương gây nên bệnh võng mạc. Khi nguyên nhân gây bệnh do đái tháo đường, thì gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường. Đái tháo đường làm mức đường huyết tăng cao, mức đường huyết cao có thể phá hủy những mạch máu nhỏ trong thận và trong mắt. Tăng huyết áp làm căng quá mức thành mạch máu, dẫn đến bị đứt hoặc vỡ thành mạch. Hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường đều gây tổn thương võng mạc một cách âm thầm, bệnh nhân thường không cảm thấy các triệu chứng và chỉ biết khi đã bị tổn thương. Khi những mạch máu của võng mạc bị tổn thương, chúng trở nên yếu và có thể bị vỡ làm cho máu sẽ rò rỉ vào thủy tinh thể dẫn đến thủy tinh thể bị mờ đục và chặn ánh sáng nhận từ võng mạc. Tuy những mạch máu bị phá hủy sẽ được thay thế bởi các mạch máu mới, nhưng các mạch máu mới cũng lại quá yếu và có thể bị vỡ. Do càng nhiều máu rò rỉ vào thủy tinh thể, nên càng ít ánh sáng đến được võng mạc. Có  khi những tổn thương mạch máu này đã thành sẹo, các mô sẹo này có thể rơi vào tròng đen của mắt, mang theo cả võng mạc, gọi là bong võng mạc. Nếu đã bong võng mạc thì thị lực giảm rất nhiều, thậm chí có thể bị mù.  

Đục thủy tinh thể

Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể rất cao, do mức đường huyết cao phản ứng với protein trong mắt và tạo thành một sản phẩm phụ ở trong thủy tinh thể và gây đục thủy tinh thể.

Tăng nhãn áp

Tăng huyết áp đồng thời cũng tăng nhãn áp. Khi nhãn áp tăng cao, thần kinh thị giác có thể bị phá hủy dẫn đến mất một phần hoặc hoàn toàn thị lực. Tăng nhãn áp là do  thủy dịch không thoát ra bình thường gây áp lực tác động lên mạch máu làm giảm sự cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho thần kinh thị giác, dần dần các dây thần kinh thị giác bị phá hủy gây mất thị lực.

Cần làm gì để phòng và phát hiện bệnh sớm?

Nên khám và kiểm tra mắt định kỳ, đối với bệnh nhân đái tháo đường nên đi khám mắt 6 tháng một lần. Khám kiểm tra mức đường huyết hay huyết áp ở mức bình thường. Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, tập thể dục đều đặn và ăn kiêng theo bệnh. Nếu thấy có biểu hiện bất thường như: nhìn mờ, nhìn một thành hai hay nhìn có bóng; thấy đau ở một hay cả 2 mắt, ánh sáng nhấp nháy, hoa mắt, thấy các điểm đen nên đi khám bệnh ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo SK&ĐS

Bị tiểu đường nên bổ sung vitamin C

Khi điều trị cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bằng insulin và vitamin C hay thuốc giảm huyết áp Telmisarten thì các gốc tự do giảm rõ rệt. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ giảm thiểu được một số biến chứng của bệnh tiểu đường.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Nhóm nghiên cứu ĐH Warwick phát hiện ra rằng thuốc giảm huyết áp Telmisarten cũng có tác dụng tương tự vitamin C và được xem là loại thuốc thay thế an toàn hơn các loại thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường hiện nay.

Cả 2 đều có thể ngăn chặn sự tàn phá các tế bào trong cơ thể của các gốc tự do mà rất phổ biến và phát triển trong cơ thể của người bệnh. Vitamin C sẽ trung hòa các gốc tự do, trong khi thuốc giảm huyết áp Telmisarten lại kích thích sự dịch chuyển của các phân tử trong các tế bào.

Những người bị tiểu đường thường có mức đường huyết cao và đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mitochondria (vi năng tử của tế bào, có khả năng làm nóng tế bào). Đường trong máu khi ở mức cao sẽ kích thích các mitochondria sản xuất ra nhiều gốc tự do, gây hại cho cơ thể. Điều này cho thấy các gốc tự do sẽ liên tục được tái tạo trong cơ thể người mắc bệnh tiểu đường và gây ra các biến chứng ở chân (tắc các vi mạch gây hoại tử dần dần), bệnh tim hay mù lòa…

Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia Antonio Ceriello cho biết: 'Phát hiện này đã xác nhận tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị khi quá tăng đường tiểu đường (hyperglycaemia)'.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các bệnh nhân không nên vội vã uống bổ sung ngay vitamin C trước khi có những nghiên cứu sâu rộng hơn bởi GS Ceriello cũng cảnh báo rằng việc điều trị lâu dài bằng vitamin C có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Theo Dantri

Tiểu đường thai kỳ – Một biến chứng nguy hiểm

Trong thời kỳ mang thai, nguy cơ tai biến xảy ra nhiều nhất với những trường hợp bà mẹ có bệnh tiền sản giật, tim mạch hoặc tiểu đường. Trong khi bệnh tim mạch, tiền sản giật dễ phát hiện thì bệnh tiểu đường lại ít được chú ý.

Hậu quả nặng nề

Lấy chồng được 4 năm, chị Lan H. (Đống Đa, Hà Nội) mới mang thai đứa con đầu lòng. Vì muộn con, chị H giữ gìn rất cẩn thận, chú ý từ miếng ăn, giấc ngủ sao cho thai nhi được phát triển tốt nhất. Nhưng phải cái vì chăm hơi quá nên chị lên cân khá nhanh.

Mang thai đến tuần thứ 30 thì chị bị đau bụng quằn quại. Gia đình vội đưa chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ kết luận: Thai chết lưu. Chị chết giấc.

Sau khi xét nghiệm đường huyết, chị mới biết mình bị tiểu đường thai nghén, mức đường huyết đã vượt ngưỡng thông thường tới 3 lần, 282 mg% trong khi đó trị số trung bình là 80-110mg%.

Thạc sĩ Vũ Bích Nga, Trung tâm khám bệnh cao cấp Hanoi Medicare cho biết, có nhiều trường hợp, thai phụ không bị biến chứng thai chết lưu do tiểu đường thai nghén nhưng con sinh ra lại mang dị tật bẩm sinh nặng nề.

Thạc sĩ Nga nhấn mạnh, trong quá trình mang thai, nếu đường huyết cao mà không được khống chế hiệu quả thì nguy cơ xảy ra những biến chứng đáng tiếc là rất lớn. Bệnh có thể gây tử vong cho chính thai phụ bởi sự chuyển hoá của toan hoặc các biến chứng khác của tiểu đường thai kỳ. Bệnh hay kèm với cao huyết áp, bệnh tim mạch, làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành.

Nguy hiểm hơn, tiểu đường thai kỳ không điều trị tốt có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với thai nhi, nhất là với thai phụ đã có bệnh từ trước. Các trường hợp không điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.

Tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần.

Ngay cả trong các trường hợp đái tháo đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, người mẹ dễ bị sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Con của thai phụ tiểu đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý.

Tiểu đường thai nghén ngày càng tăng

Các chuyên gia thai sản cho biết, tỷ lệ mắc tiểu đường ở sản phụ là khá cao và tình trạng đó ngày càng có dấu hiệu tăng. Theo một khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, có tới 4% số thai phụ mắc phải bệnh này.

Đối tượng có nguy cơ cao là những người béo phì, người có tiền sử đẻ con to hoặc gia đình từng có người bị tiểu đường. Những ai từng bị thai chết lưu, xảy thai cũng cần chú ý nếu có ý định mang thai.

'Một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thai phụ bị tiểu đường là do chế độ ăn. Nhiều người quan niệm ăn càng nhiều thai nhi càng phát triển nên dẫn đến thừa chất, lên cân quá nhiều. Khi đó, nguy cơ đường huyết cao là rất lớn nếu không kịp thời điều chỉnh chế độ ăn.

Tuần qua, phòng khám chuyên về tiểu đường thai kỳ của Hanoi Medicare qua thăm khám cho năm sản phụ thì có tới ba trường hợp có các dấu hiệu đầu tiên của tiểu đường thai kỳ', thạc sĩ Nga cảnh báo.

Phòng ngừa như thế nào?

Tuy rất nguy hiểm nhưng các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được điều trị tốt. ThS Nguyễn Thanh Nga cho biết, tốt nhất, những ai thuộc diện có những dấu hiệu xếp vào loại có nguy cơ cao, nên đi khám và đo đường huyết trước khi mang thai.

Còn nếu phát hiện tiểu đường khi mang thai, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn thích hợp hoặc tiêm insuline. Kiểm soát được đường huyết tốt, thai nhi sẽ phát triển như những đứa trẻ khác.  Thai phụ nên đi khám đúng định kỳ với các bác sĩ sản khoa, nội tiết ở những bệnh viện, chuyên khoa sản, các trung tâm, phòng khám chuyên về tiểu đường thai kỳ uy tín.

Để phòng tiểu đường trong quá trình thai nghén, người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên quan niệm ăn nhiều càng tốt sẽ dẫn đến tăng cân quá mức, khi đó, nguy cơ bị tiểu đường là rất cao.

Thai phụ cũng không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đường, nước uống có ga và nên tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ mỗi ngày.

Hồng Hải (Theo Dantri)

Người đái tháo đường: chú ý chăm sóc bàn chân

Hàng ngày, bàn chân phải chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể, nên người đái tháo đường dễ có các biến chứng ở bàn chân. Trong đó phổ biến nhất là bệnh thần kinh ngoại vi, mạch máu ngoại vi và nhiễm trùng.

Bệnh thần kinh ngoại vi

Đường huyết cao làm hủy hoại lớp áo ngoài của các dây thần kinh, là nơi tiếp nhận cảm giác.

Vì thế, ngườì bệnh có thể không cảm thấy đau, nóng hay lạnh ở bàn chân và cẳng chân của mình, khi dẫm phải đinh hay các vật sắc nhọn hoặc khi bị phỏng mà không biết. Đó là hiện tượng 'mất các cảm giác bảo vệ'.

Do đó, một vết thương dù nhỏ cũng có thể bị loét rộng ra và trở thành trầm trọng. Các biểu hiện sớm thường gặp là: cảm giác lạnh ở hai chân, ngứa hoặc tê bì; bứt rứt khó chịu, hoặc nóng ran ở hai bàn chân.

Bệnh mạch máu ngoại vi

Thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ và hẹp, làm giảm dòng máu tới chân.

Việc kém máu nuôi làm cho da chân trở nên khô, nứt nẻ, dễ bị loét và nhiễm trùng, nhưng biểu hiện này thường kín đáo, khó nhận biết như : thay đổi màu sắc da, lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi...

Tổn thương mạch máu ngoại vi, nếu phối hợp với bệnh thần kinh ngoại vi, sẽ làm vết thương lâu lành. Mặt khác, đường huyết cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Vì thế, vết thương có thể bị loét, nhiễm khuẩn, có thể tiến triển thành hoại tử nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Khi đó nguy cơ cắt cụt chi rất cao.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến loét bàn chân là:

- Nam giới

- Mắc bệnh đái tháo đường trên 10 năm hoặc tuổi trên 60

- Kiểm soát đường huyết kém

- Có biến dạng bàn chân, chai chân, phỏng rộp da chân...

- Đã từng bị loét bàn chân

- Có các biểu hiện của tổn thương thần kinh ngoại vi và/hoặc tổn thương mạch máu ngoại vi

- Giảm thị lực

- Có biến chứng thận

- Đi giày dép không phù hợp với bàn chân

Loét bàn chân dễ xảy ra nếu có nhiều yếu tố nguy cơ kể trên hoặc có một nguy cơ nhưng ở mức độ nặng.

Chăm sóc khi bị bệnh đái tháo đường

Chọn cho mình lối sống lành mạnh giúp giữ đường huyết, huyết áp và cholesterol máu ở mức bình thường:

. Ngừng hút thuốc lá và ngừng uống rượu

. Tập thể dục hàng ngày, đề nghị bác sĩ hướng dẫn hình thức luyện tập nào là thích hợp.

. Thực hiện chế độ ăn hợp lý: giảm lượng đường, mỡ, tăng cường hoa quả

. Dùng thuốc đúng giờ hàng ngày

. Kiểm soát tốt đường huyết. Đo và theo dõi đường huyết hàng ngày. Giữ đường huyết trong mức an toàn để phòng hoặc làm chậm sự tiến triển của đái tháo đường và các biến chứng của bệnh.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), đối với đa số bệnh nhân, mức đường huyết an toàn là:

- Trước ăn: 90 – 130 mg/dL (5 - 7,2 mmol/L).

- Sau bữa ăn l – 2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dL (10 mmol/L).

Trước lúc đi ngủ 110 – 150 mg/dL (6,0 – 8,3mmol/L).

Tùy lứa tuổi, giai đoạn bệnh, mức độ các biến chứng... mà mức đường huyết an toàn của mỗi người bệnh có thể khác nhau, nhưng không nhiều. Hãy hỏi bác sĩ về mức đường huyết an toàn mà bạn cần đạt.

Ngoài ra cũng cần:

Kiểm tra bàn chân của bạn hàng ngày

Nên chọn một thời điểm thích hợp trong ngày để kiểm tra bàn chân, thường là buổi tối, và làm việc đó như một thói quen.

Chọn nơi đủ ánh sáng để quan sát kỹ bàn chân và các kẽ ngón chân, tìm xem có các vết nứt trên da, các vết phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da.

- Nếu không cúi xuống để nhìn bàn chân được rõ, hãy sử dụng một chiếc gương hoặc nhờ người thân trong gia đình hay bạn bè giúp đỡ.

Vệ sinh chân hàng ngày

- Cẩn thận rửa sạch chân với nước ấm và xà phòng trung tính, đặc biệt là khoảng kẽ giữa các ngón chân.

- Không ngâm chân trong nước quá lâu.

- Trước khi rửa chân hay tắm, nên kiểm tra nhiệt độ của nước xem có quá nóng không. Dùng nhiệt kế, mu tay hoặc khuỷu tay để kiểm tra: nhiệt độ nước không nên quá 37oC.

- Sau khi lửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân. Nếu da chân khô có thể dùng kem dưỡng da bôi lên trên mu chân và dưới lòng bàn chân để giữ cho da được ẩm và trơn, nhưng không bôi vào kẽ ngón chân.

Cắt móng chân mỗi tuần hoặc khi thấy dài

Nên cắt tỉa móng chân theo đường vòng của ngón. Không để móng dài cũng không cắt móng quá ngắn và không cắt sâu vào các góc móng (khóe móng). Làm nhẵn móng sau khi cắt bằng một tấm bìa mài hoặc một chiếc giũa móng.

- Trường hợp móng chân mọc quặp vào trong hoặc nhìn không rõ, hãy nhờ người thân hay y tá cắt hộ.

Nếu chân có các cục chai, không được tự ý cắt bỏ, cũng không dùng dao cạo, băng dính, hoặc dịch lỏng để loại bỏ vết chai. Điều đó có thể làm cho da bị tổn thương, tốt nhất hãy hỏi bác sĩ của bạn để tìm cách điều trị.

Bảo vệ bàn chân

- Không được đi chân trần, ngay cả khi đi trong nhà, vì bạn có thể dẫm phải đinh hoặc vật nhọn mà không biết.

- Nên đi giày làm bằng chất liệu mềm, vừa chân. Không đi giày cao gót hoặc các loại giày bó lấy bàn chân và gót chân.

- Không được đi giày mà không mang tất chân. Thay tất chân hàng ngày. Chọn tất có màu sáng, làm bằng sợi bông hoặc sợi tổng hợp mềm, vừa chân. Không sử dụng các loại tất làm bằng chất liệu ni lông hoặc tất quá chật.

- Khi trời lạnh, chỉ mang tất, chớ không dùng các chai nước nóng hoặc các vật nóng đặt lên chân để làm ấm.

Khi đi trên đường, bãi biển hoặc vỉa hè nóng, cần mang giày kín lưng bàn chân để che nắng.

- Trước khi xỏ giày vào chân, hãy dùng tay kiểm tra mặt trong của giày để chắc chắn không có vật gì ở trong có thể làm chân bị thương.

- Nên mua giày vào buổi chiều hoặc cuối ngày. Với những đôi giày mới, nên đi thử từ từ, mỗi ngày khoảng 1 đến 2 giờ trong một vài tuần đầu để chân được làm quen.

Hãy giữ cho mạch máu được lưu thông

- Hãy đặt chân ở tư thế ngang khi ngồi.

- Không bắt chéo chân trong thời gian dài.

- Không đi tất chật, đàn hồi, có vòng cao su ở quanh cổ chân.

- Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 - 10 phút, vài lần trong ngày. Các hình thức luyện tập như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe là những bài tập thể dục tốt và dễ cho bàn chân vận động, giúp cải thiện lưu thông mạch máu.

Theo VTV/Thuốc & Sức khỏe

Ánh nắng giúp phòng bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học Anh - Mỹ đã phát hiện ra rằng: uống vitamin liều thấp hoặc tắm nắng có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường tuýp 2.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Trong một khảo sát tại ĐH Mary Queen (London, Anh), hơn 300 người có nguy cơ mắc bệnh đã được uống vitamin D dưới dạng bổ sung.

Khảo sát kéo dài 4 tháng của 1 nghiên cứu tại ĐH Chicago (Mỹ) cho thấy những bệnh nhân thiếu vitamin D có mức đường huyết cao hơn, nguy cơ kháng cự insulin, huyết áp và bệnh tim nhiều hơn.

Các nhà khoa học tin rằng vitamin sẽ duy trì sự khỏe mạnh của hệ miễn dịch và bảo vệ các tế bào khỏi nguy hiểm - bao gồm cả tuyến tụy, nơi sản xuất insulin.

'Vậy nên, việc phòng ngừa thiếu vitamin D bằng cách tắm nắng hoặc uống vitamin bổ sung là một cách đơn giản và hiệu quả để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do tiểu đường', các nhà nghiên cứu cho biết.

Tại sao giảm cân tốt cho não?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cắt giảm lượng calo có thể giúp tăng cường trí nhớ, theo một nghiên cứu tại Đức.

Các nhà nghiên cứu đã chia các đối tượng tham gia nghiên cứu (có độ tuổi trung bình là 60) thành 3 nhóm: nhóm đầu tiên tuân thủ chế độ dinh dưỡng hạn chế calo, giảm 30% lượng thực phẩm so với thông thường; nhóm thứ 2 có chế độ ăn tương tự nhưng lượng thực phẩm chứa chất béo không no nhiều hơn; nhóm thứ 3 chế độ ăn không thay đổi.

Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu đều sẽ thực hiện test trí nhớ ở thời điểm bắt đầu và kết thúc nghiên cứu. Kết quả cho thấy ở nhóm hạn chế lượng calo nạp vào, số điểm dành cho trí nhớ tăng khoảng 20%.

Các nhà khoa học cho rằng việc cắt giảm lượng calo sẽ giúp giảm viêm nhiễm trong cơ thể, haợc giảm số lượng các phân tử gây hại (các gốc tự do) vốn sản sinh một cách tự nhiên.

Những thay đổi này đã giải thích cách làm thế nào để cải thiện trí nhớ và giữ cho các tế bào não luôn khỏe mạnh.

Phương Uyên

Theo Dailymail- Dantri

Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc

Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường phải dùng thuốc suốt đời để khống chế tăng đường huyết, vì đường huyết càng tăng cao, càng biến động thì biến chứng xuất hiện càng sớm và Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới càng nặng. Chỉ trong thời gian bệnh nặng hoặc có biến chứng bệnh nhân mới cần nằm viện, còn lại phần lớn thời gian là dùng thuốc tại nhà, vì vậy khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý:

Trước hết, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn của người ĐTĐ. Chỉ cần thực hiện tốt chế độ ăn cũng có thể điều chỉnh được đường huyết ở người ĐTĐ nhẹ. Tuân thủ tốt chế độ ăn, làm tăng được hiệu quả của điều trị bằng thuốc và làm giảm được liều thuốc cần dùng. Nếu không tuân thủ tốt chế độ ăn, làm hiệu quả dùng thuốc giảm và thường phải tăng liều thuốc.

Thực hiện chế độ tập luyện hàng ngày và giảm cân nặng với người béo phì giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, làm tăng hiệu quả của việc dùng thuốc và giảm được liều thuốc cần dùng.

Đối với thuốc uống hạ đường huyết cần lưu ý: không phối hợp 2 thuốc cùng nhóm vì cùng cơ chế tác dụng, nhưng cũng có thể phối hợp thuốc có tác dụng nhanh với thuốc tác dụng chậm. Có thể phối hợp 2 thuốc khác nhóm hoặc phối hợp thuốc hạ đường huyết với thuốc nhóm acacbose. Thuốc thường được uống trước bữa ăn 30 phút nếu là thuốc tác dụng nhanh và uống trước bữa ăn 60 phút nếu là thuốc tác dụng chậm. Nếu uống quá xa bữa ăn dễ gây tụt đường huyết, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nên cần đọc kỹ hướng dẫn với từng loại thuốc.

Người bệnh cần biết triệu chứng của hạ đường huyết để đề phòng. Biểu hiện của hạ đường huyết như sau: cảm giác đói cồn cào, thèm ăn, run tay chân, vã mồ hôi, da lạnh ẩm, nếu nặng sẽ lơ mơ rồi đi vào hôn mê. Nếu xét nghiệm đường huyết sẽ thấy đường huyết dưới 2,5 mmol/l. Hạ đường huyết hay xảy ra ở người ĐTĐ dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hoặc ăn uống thất thường. Nếu có triệu chứng trên, cần ăn ngay một chút bánh quy hoặc uống 250ml sữa hoặc ăn một loại thức ăn gì đó có sẵn, các triệu chứng sẽ giảm nhanh.

Ngoài thuốc hạ đường huyết, người bệnh ĐTĐ thường phải dùng các thuốc khác để điều trị các biến chứng như sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc để hạ mỡ máu, thuốc để điều trị tổn thương thần kinh ngoại vi... Để các thuốc trên phát huy được tác dụng, nhất là kháng sinh thì phải sử dụng thuốc hạ đường huyết đủ để duy trì đường huyết ở mức bình thường (4 - 6mmol/l), nếu đường huyết cao thì kháng sinh sẽ không có hiệu quả.

BS. Hà Hoàng Kiệm

(suckhoe&doisong)