Lưu trữ cho từ khóa: dưỡng âm

Dưỡng ẩm: Bảo vệ da khỏi tác động của môi trường

Bên cạnh việc giữ da luôn ẩm mượt, tươi mới, bước dưỡng ẩm còn bảo vệ da khỏi tác động của môi trường.

Ai cũng hiểu cần nạp đủ lượng nước cần thiết để cơ thể khỏe khoắn, nhưng lại lãng quên làn da cũng cần được giải “cơn khát nước” mỗi ngày để duy trì đủ độ ẩm cần thiết giúp da luôn khỏe đẹp.

Dưỡng ẩm - bí mật của làn da trong veo, mịn màng

Máy lạnh trong phòng làm việc và nắng, gió, khói, bụi những lúc bước ra đường khiến nữ giới luôn âu lo khi làn da ngày càng khô và mau lão hóa. Không ít người chọn cách tái tạo vẻ tươi trẻ cho làn da bằng hàng chục loại mỹ phẩm, nhưng da khô vẫn hoàn khô. Tuy nhiên, nhờ biết cách giữ độ ẩm cho da, cũng có những người phụ nữ không cần lớp điểm trang dày cộm, làn da vẫn có được vẻ mịn màng, căng mọng như da trẻ nhỏ.

lan-da

Dưỡng ẩm chính là cung cấp lượng nước cần thiết giúp giữ da luôn ẩm mượt, tươi mới. Ngay cả khi bạn trang điểm hoặc với gương mặt mộc, đây luôn là bước quan trọng. Ngoài ra, dưỡng ẩm còn bảo vệ cho làn da khỏi tác động của môi trường.

Dưỡng ẩm hiệu quả cũng cần đúng cách, đúng dưỡng chất và đủ liều lượng. HA (Hyaluronic Acid) được xem là dưỡng chất vốn có trong làn da, giữ vai trò quan trọng giúp duy trì độ ẩm ở mức cần thiết. Tuy nhiên, HA lại dễ dàng bị hao hụt khi làn da phải tiếp xúc với bụi bẩn, thời tiết hanh khô, môi trường máy lạnh và thậm chí là stress. Chính vì thế, việc bổ sung đầy đủ lượng HA cho da là điều kiện cần để duy trì một làn da đẹp.

Bí mật dưỡng ẩm da của phụ nữ Nhật

Không cầu kỳ, phức tạp, đơn giản chính là bí quyết dưỡng da tối ưu của phụ nữ Nhật Bản, những người khởi xướng cho xu hướng “đẹp từ sự tối giản” trên thế giới.

Các cô gái Nhật thường ý thức rõ tầm quan trọng của việc dưỡng ẩm. Từ khi còn trẻ, họ đã quan tâm tìm hiểu và sử dụng các sản phẩm giữ ẩm da. Ngay cả các bé gái cũng sớm được mẹ truyền dạy cho bí quyết này. Và cho đến khi trưởng thành, họ vẫn duy trì thói quen dưỡng ẩm da hàng ngày. Họ có thể dùng sản phẩm dưỡng ẩm độc lập trên da, hay sử dụng chúng làm lớp nền trước khi trang điểm, bôi kem chống nắng và đôi khi kết hợp với các mỹ phẩm dưỡng trắng, chống lão hóa…

Dung dịch dưỡng da dạng nước chính là một trong những bí quyết giúp phụ nữ Nhật duy trì làn da đẹp mãi theo thời gian. Dung dịch dưỡng dạng nước là khái niệm phổ biến ở đất nước mặt trời mọc, có thể được dùng trên da một cách độc lập, cho tác dụng dưỡng da sâu tương đương dạng kem, dưỡng mát như nước hoa hồng, dịu nhẹ cho làn da. Chúng cho hàm lượng dưỡng chất ở mức tối ưu với hiệu quả cao mà không cần dùng cùng lúc nhiều bước khác nhau.

Dưỡng da với dạng dung dịch hiện nay đã trở thành xu hướng phổ biến không chỉ tại Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore… Đặc biệt, với quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, các bạn gái sẽ hài lòng với làn da được chăm sóc hàng ngày với sản phẩm dạng dung dịch bởi ưu điểm thẩm thấu sâu, không bít kín da, tựa như chiếc áo khoác nhẹ nhàng, bảo vệ làn da.

(Theo Ngoisao)

3 Bước làm mềm môi khô

Thời tiết lạnh giá, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không khí khô, gió, hay mất nước, mũi dị ứng, và hít thở qua miệng... tất cả làm cho đôi môi bạn bị khô, nứt nẻ và đau. Một số loại thuốc, chẳng hạn như các loại thuốc trị mụn, cũng có thể khiến môi nứt nẻ.

doi-moi

Để cải thiện, ngoài uống đủ nước, bạn cần tăng độ ẩm cho môi và lưu ý một số điểm như:

Tránh liếm môi

Liếm môi thường xuyên càng làm cho môi thêm khô và nứt nẻ. Bởi sau khi liếm môi, nước bọt bốc hơi sẽ làm mất đi chất dầu tự nhiên trên môi. Thay vì liếm hoặc cắn môi, cần tăng độ ẩm tự nhiên cho môi bằng chất dưỡng ẩm ít gây dị ứng như dầu hạnh nhân, bơ ca cao, và sáp ong.

Dầu ô liu

Dầu ô liu có tác dụng chống ôxy hóa, chống viêm, dưỡng ẩm, bạn có thể thoa 2-3 lần/ngày để làm mềm môi, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

Tẩy tế bào chết

Tẩy tế bào chết là bước quan trọng đầu tiên để phục hồi đôi môi nứt nẻ. Cách đơn giản để tẩy tế bào chết trên môi là: sau khi bạn đánh răng, dùng bàn chải đánh răng chà nhẹ lên môi nhẹ nhàng để loại bỏ lớp da khô và nứt nẻ. Sau đó, bạn thoa  một lớp son dưỡng môi để giữ ẩm cho môi.

(Theo ANTD)

Dưỡng ẩm toàn thân hiệu quả

Dù được bao bọc bởi lớp lớp áo quần giữ ấm, bạn vẫn có nguy cơ phải đồng hành với một làn da cơ thể thô ráp suốt mùa đông.

Vì thế, dù chẳng có mấy cơ hội để “show off” da thịt, thì dưỡng ẩm cho toàn thân vẫn là việc bạn cần làm mỗi ngày.

1. Tắm đúng cách

Tắm đúng cách là không tắm quá nhiều, đặc biệt là giữa mùa đông. Tắm quá nhiều khiến lớp màng tự nhiên bao bọc làn da bị tước bỏ, các chất béo và chất dầu cần thiết để làn da bóng bẩy, mịn màng theo đó cũng bị rửa trôi.

Các chuyên gia làm đẹp và cả các bác sỹ khuyên rằng, vào mùa đông, một tuần không nên tắm quá 3 lần. Thứ nhất, bởi cơ thể bạn đã được bảo vệ bởi nhiều lớp quần áo, không bị bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập nhiều như mùa hè. Thứ hai, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa không khí lạnh và nước nóng không tốt cho sức đề kháng của cơ thể. Và thứ ba, tắm nhiều khiến làn da bị mất đi một lượng ẩm khá lớn.

Thời gian tắm cũng không nên kéo quá dài. Bạn chỉ nên gói gọn trong khoảng 5 phút thay vì mất đến cả tiếng đồng hồ ngâm mình trong nước nóng.

Sau khi tắm, dùng khăn bông thấm nhẹ nhàng lên da, không cần thiết phải lau người khô cong mà nên để lại một lớp màng nước mỏng trên da. Thoa kem dưỡng thể ngay sau đó, khi lớp nước này chưa kịp khô. Cách này sẽ giúp lượng nước và độ ẩm giữ lại trên da lâu hơn.

2. Dưỡng ẩm cho vùng ngực

Khi thoa kem dưỡng ẩm cho cả cơ thể, đừng bỏ quên vùng ngực. Phần nhạy cảm này của phụ nữ bị “quây” trong nhiều lớp áo bức bí nên cần được chăm sóc kĩ lưỡng hơn. Bạn có thể sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho vùng ngực. Khi thoa kem, xoa bàn tay thành đường vòng tròn theo hướng từ trong ra ngoài và ngược lại để kích thích các mạch máu lưu thông, cơ ngực săn chắc và lớp kem dưỡng ẩm thấm sâu hơn bảo vệ vùng núi đôi.

3. Làm sạch và dưỡng ẩm vùng lưng

Lưng là nơi tuyến dầu phát triển mạnh, lại thêm việc mồ hôi không thoát được khỏi các lớp áo mùa đông khiến bề mặt lưng hay nổi mụn và nhiều da chết tích tụ. Lớp da chết này ngăn cản việc kem dưỡng ẩm thẩm thấu xuống làn da bên dưới, khiến da lưng về bản chất lại là nơi thiếu nước trầm trọng.

Mỗi khi tắm, bạn nên dùng bông tắm, đá kì hoặc xơ mướp chà vùng lưng kĩ hơn các vùng khác để lấy hết tế bào chết và bã nhờn, như vậy kem dưỡng ẩm mới phát huy được tác dụng sau đó.

Nhỏ vài giọt dầu ô liu nguyên chất vào bông tắm cùng với sữa tắm sẽ khiến da bạn mềm mượt, trơn láng hơn.

Luộc chín khoai tây, nghiền nhuyễn rồi trộn với sữa tươi, đắp lên người và nhẹ nhàng chà xát cơ thể để lấy hết các tế bào chết. Bột khoai tây đồng thời làm da mềm và trắng.

Chúc các bạn thành công nhé!

(Theo Đẹp online)

Phục hồi mái tóc khô

 

Tóc bị khô là do da đầu không đủ dầu để dưỡng ẩm cho tóc, tóc không được bôi trơn tự nhiên. Khi  tóc bị khô rất dễ bị gãy và rụng, thiếu sức sống.

Nguyên nhân khiến mái tóc bị khô thường do thói quen như: sử dụng loại dầu gội đầu có tính tẩy mạnh làm mất đi chất dầu tự nhiên trên da đầu; sử dụng nhiệt và hóa chất khi duỗi, hoặc uốn tóc; tóc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, không khí khô, gió…

Để phục hồi mái tóc khô, trước hết cần tìm ra nguyên nhân khiến tóc bị khô và thay đổi thói quen chăm sóc tóc hàng ngày:

- Gội đầu đúng cách. Hạn chế gội đầu thường xuyên, nên gội đầu 1-2 lần/tuần thay vì gội đầu hàng ngày. Khi gội đầu xong nên để tóc khô tự nhiên, hạn chế dùng  mấy sấy tóc.

- Chọn loại dầu gội thích hợp. Không nên dùng loại dầu có tính tẩy mạnh vì sẽ làm tóc mất đi lớp dưỡng bên ngoài khiến tóc càng khô hơn.

- Sử dụng dầu xả và dầu dưỡng ẩm tóc phù hợp để tạo dưỡng chất cho tóc, và nên dùng dầu dưỡng tóc trước khi sử dụng các thiết bị nhiệt để tạo kiểu cho tóc.

- Ủ tóc và hấp tóc thường xuyên (2 lần/tháng). Bạn có thể ủ tóc bằng dầu oliu, dầu dừa, để bổ sung độ ẩm cho da đầu.

- Hạn chế thay đổi kiểu tóc quá nhiều và đừng quên khi tiếp xúc với nắng, gió, bụi, bạn nên đội mũ hoặc trùm khăn để bảo vệ tóc. Và khi đi bơi, nên đội mũ để tránh clo trong nước làm hỏng tóc.

Sau khi áp dụng các phương pháp trên mà tóc vẫn khô, hoặc tóc khô kèm theo triệu chứng như mệt mỏi, lạnh, suy nhược cơ thể hoặc rụng tóc, có thể bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe và cần phải đến bác sĩ.

 (Theo ANTD)

 

Bài thuốc chữa bệnh từ lan cuốn chiếu

Lan cuốn chiếu còn được gọi là bàn long sâm, thụ thảo, trư liêu sâm, long bão trụ, bàn long côn, liêm đao thảo,…

Là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Thân rễ ngắn, có những rễ củ tỏa từ gốc ra. Thân nhỏ, dài, lá mọc từ gốc, hình lưỡi mác hẹp, dài ngắn không đều, những lá phía trên thường thoái hóa, chỉ còn như bẹ ôm lấy thân. Hoa mọc theo từng đường xoắn ốc, cánh hoa màu trắng, phớt hồng hoặc đỏ.

Quả nang, hình trứng, có lông mịn. Cây thường mọc ở các bãi đất hoang, đồng cỏ, ven đường. Mùa ra hoa tháng 5-6. Để dùng làm thuốc, vào mùa thu người ta đào lấy rễ củ, rửa sạch đất cát, rồi phơi hoặc sấy khô. Ở một số địa phương người ta dùng cả cây làm thuốc thu hái vào mùa xuân hoặc hè rửa sạch và phơi khô hoặc dùng tươi.

Lan cuốn chiếu có vị ngọt đắng, tính bình, có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái (chống ho), giải độc. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, nóng trong do âm hư, ho, váng đầu, thắt lưng đau mỏi, nước tiểu đục đục, mụn nhọt lở loét ngoài da.

Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có lan cuốn chiếu:

Bồi dưỡng cơ thể sau ốm: Rễ củ lan cuốn chiếu 30g, rễ cây đậu đũa 15g, thịt lợn hoặc thịt gà 250g. Tất cả rửa sạch, thịt thái miếng ướp vừa vặn. Đổ nước ngập lan cuốn chiếu, rễ cây đậu đũa đun sôi, cho thịt vào hầm nhỏ lửa. Làm món canh ăn trong bữa ăn (bỏ bã thuốc, chỉ ăn thịt và uống nước canh); cách 3 ngày ăn 1 lần. Mỗi liệu trình 20 ngày.

Chữa táo bón người cao tuổi: Lan cuốn chiếu 9-15g, cá diếc tươi 60g. Cá riếc làm sạch ướp gia vị cho vừa. Lan cuốn chiếu rửa sạch cho vào nồi đổ 500ml nước đun sôi thả cá diếc vào nấu chín, thêm đường trắng, chia 2 lần ăn trong ngày. Tuần ăn 2 lần, mỗi liệu trình 10 ngày.

Chữa ho do âm huyết hư tổn (lòng bàn chân bàn tay nóng, miệng khô, đêm ngủ hay ra mồ hôi trộm, môi lưỡi đỏ nhạt hoặc đỏ tía, mạch nhỏ nhanh): Rễ củ lan cuốn chiếu 9-15g, mạch môn đông 8g, rửa sạch cắt nhỏ cho 500ml nước sắc nước uống 2 lần trong ngày. Dùng liền 5 ngày một liệu trình.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường:Lan cuốn chiếu 30g, tụy lợn 1 cái, lá ngân hạnh 30g. Tất cả rửa sạch, nấu canh ăn, tuần ăn 2 lần.

Kiêng kỵ: Người có thấp nhiệt ứ đọng kiêng dùng.

Bác sĩ  Trần Huy

(Theo SKDS)

Thục hoàng sinh tân, ích huyết

Thục hoàng là dạng chế biến của củ hoàng tinh (Polygonatum kingianum Coll.et Hemsley) còn gọi là củ cơm nếp, một dược liệu quý của y học cổ truyền.

Củ hoàng tinh được thu hái vào mùa thu – đông, khi phần trên mặt đất sắp tàn lụi, lúc này dược liệu chứa ít nước rất thuận lợi cho việc chế biến, bảo quản. Củ hoàng tinh phải được chế biến mới dùng được vì rất ngứa.

Dược liệu có tính bình, vào các kinh tỳ, phế, thận, có tác dụng bổ khí, dưỡng âm, kiện tỳ, nhuận phế, ích thận, chữa tỳ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, miệng khô, kém ăn, phế hư, háo khát, tinh huyết bất túc, nội nhiệt, tiêu khát.

Theo kinh nghiệm dân gian, thục hoàng thường được dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Cây hoàng tinh cho vị thuốc thục hoàng.

Thuốc bổ chống mệt mỏi, sinh tân dịch:

Thục hoàng 25g, ba kích 20g, đẳng sâm 10g, thục địa 10g. Tất cả thái mỏng, ngâm với 1 lít rượu 350, thỉnh thoảng lắc đều. Khi dùng pha thêm 100ml sirô đơn. Ngày uống 3 lần trước hai bữa ăn và khi đi ngủ, mỗi lần một chén nhỏ. Hoặc thục hoàng 10g, ý dĩ 10g, sa sâm 8g, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống 1 lần trong ngày.

Chữa thiếu máu: thục hoàng 20g; hà thủ ô, thục địa, rễ đinh lăng, mỗi vị 10g; tam thất 8g. Tất cả tán bột, mỗi ngày dùng 10g sắc uống.

Chữa yếu sinh lý: thục hoàng 20g; hà thủ ô, ý dĩ, rễ đinh lăng, hoài sơn, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa ho ra máu: thục hoàng 50g, bách bộ 25g, bạch cập 25g. Tất cả tán bột mịn, luyện với mật làm viên. Ngày 3 lần, mỗi lần 6g.

Ở Trung Quốc, thục hoàng cũng được dùng phổ biến để chữa những bệnh sau:

Chữa đau thắt ngực, bệnh mạch vành tim: thục hoàng, côn bố, mỗi vị 15g; bá tử nhân, thạch xương bồ, uất kim, mỗi vị 10g; diên hồ sách 6g, sơn tra 24g. Ngày dùng một thang, sắc uống, chia làm 3 lần. Mỗi đợt điều trị 4 tuần.

Chữa đái tháo đường: thục hoàng 20g, sinh địa 20g, hoàng kỳ 20g, trạch tả 10g, hoàng liên 10g, nhân sâm 10g, địa cốt bì 10g. Tất cả tán bột, rây mịn. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần 5g.

Chữa huyết áp thấp: thục hoàng 30g, đẳng sâm 30g, cam thảo (chích) 10g. Sắc nước uống ngày một thang.

Chữa rối loạn thần kinh thực vật: thục hoàng 180g; câu kỷ, sinh địa, bạch thược, hà thủ ô mỗi vị 90g; đương quy, hoàng kỳ, đẳng sâm, táo nhân (sao) mỗi vị 60g; mạch môn, cúc hoa, hồng hoa, bội lan, xương bồ, viễn chí mỗi vị 30g. Tất cả ngâm với 6.000ml rượu trắng trong 2-4 tuần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5-10ml.

TTUT. DSCK II.Đỗ Huy Bích