Lưu trữ cho từ khóa: dung cu trang diem

Cách vệ sinh mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm

Vệ sinh mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm là một bước quan trọng không thể thiếu để đảm bảo an toàn trong việc làm đẹp. Một số bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn vệ sinh mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm đúng cách nhằm phòng tránh nguy cơ lây lan vi khuẩn, viêm nhiễm và nổi mụn trên da.

 1. Son môi

Thói quen thoa son trực tiếp lên môi tạo điều kiện để vi khuẩn từ miệng lây lan sang son. Cách tốt nhất là bạn nên chọn những thỏi son có vỏ kim loại vì chúng không bám vi khuẩn như các loại vỏ nhựa.
Khoảng hai tuần một lần (hoặc ít nhất là mỗi tháng), cần vệ sinh cho son theo cách sau: dùng một miếng gạc bằng cotton xoay nhẹ một vòng quanh phần đầu son, nơi vẫn thường tiếp xúc với môi.
cach-ve-sinh-my-pham-va-dung-cu-trang-diem
Lưu ý làm thật nhẹ tay vì chỉ cần lấy đi một lớp son thật mỏng. Nếu mạnh tay quá, bạn có thể làm hao hụt nhiều son hoặc thậm chí, làm gãy cả thỏi son.
Đối với những thỏi son đã quá cũ, lượng vi khuẩn sẽ tích tụ nhiều hơn. Do đó, hãy cho một ít cồn y tế vào bình xịt nhỏ và xịt vào vỏ thỏi son. Sau khi cồn khô, dùng bông gòn chùi sạch thêm lần nữa.

2. Chì kẻ

Có ba loại chì trang điểm gồm chì kẻ viền môi, chì kẻ chân mày và chì kẻ mắt. Việc làm sạch chì kẻ khá nhanh và dễ.
Cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là chuốt lại chì trước khi dùng. Chỉ cần xoáy chì vài vòng trong chiếc chuốt, bạn đã có một cây chì sắc cạnh và sạch sẽ.
Đối với loại chì vặn, bạn xịt cồn lên lớp vỏ bên ngoài, để khô và lau sạch. Phần ruột bên trong chỉ cần xoáy nhẹ tay trong miếng gạc tẩy trang.

3. Phấn nền

Phấn nền lỏng thường tiếp xúc với ngón tay nên nhanh bị nhiễm khuẩn. Để hạn chế tình trạng này, hãy cho phấn ra miếng bông tẩy trang rồi mới dùng tay hoặc bông phấn thoa lên da. Dạng chai xịt sẽ dễ vệ sinh hơn vì bạn chỉ cần lau sạch phần vòi xịt sau mỗi lần sử dụng.
Phấn nền dạng bột thường có cọ đi kèm nên bạn chỉ cần vệ sinh cọ bằng dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ vi khuẩn.
Đối với phấn nền dạng nén: dùng miếng gạc cotton hoặc bông gòn lau sạch mặt kính phía trong và lớp phấn bên trên đồng thời hạn chế tiếp xúc tay vào phấn để tránh lây nhiễm vi khuẩn. Vệ sinh lớp vỏ bên ngoài bằng cách xịt cồn, để khô rồi lau lại.
cach-ve-sinh-my-pham-va-dung-cu-trang-diem

4. Phấn mắt, phấn má hồng, phấn tạo khối (bronzer)

Những sản phẩm này rất dễ vệ sinh. Bạn chỉ cần lấy một con dao cùn nhỏ, cạo nhẹ để lấy bớt lớp phấn mỏng trên bề mặt. Tuyệt đối không được ấn mạnh tay vì sẽ làm phấn bị vỡ.
Cách tốt nhất là chỉ dùng cọ hoặc bông phấn để lấy phấn khi trang điểm. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên vệ sinh cọ bằng cồn hoặc dung dịch diệt khuẩn.

5. Túi và hộp đựng vật dụng trang điểm

Các loại túi và hộp đựng mỹ phẩm chuyên dụng rất nhanh bị dơ. Do đó, bạn nên giặt hay lau chùi chúng bằng dung dịch khử khuẩn ít nhất mỗi tháng một lần.
Để giữ cho túi, hộp trang điểm luôn sạch sẽ và không tích tụ nhiều vi khuẩn, hãy lau ngay những vết bẩn hoặc mỹ phẩm thừa rơi trong túi, hộp.
cach-ve-sinh-my-pham-va-dung-cu-trang-diem

6. Cọ trang điểm

Bạn cũng có thể vệ sinh chúng bằng một phương pháp đơn giản là ngâm cọ trong hỗn hợp dầu ô-liu hòa với một ít bột giặt khoảng 5 phút, khuấy nhẹ tay để những hạt phấn bám trong cọ rơi ra. Sau đó, ngâm cọ trở lại trong nước sạch rồi để khô hòa toàn. Cần vệ sinh cọ mỗi tuần nếu bạn trang điểm hàng ngày.

7. Những sản phẩm trang điểm không thể làm sạch

Đối với một số sản phẩm không thể vệ sinh được như mascara hay son bóng, bạn có thể vứt bỏ sau một thời gian sử dụng. Đừng cho rằng điều này là lãng phí vì lượng vi khuẩn luôn tăng lên theo cấp số nhân sau mỗi lần dùng.
Do đó, nguy cơ nhiễm khuẩn cho mắt sẽ tăng cao nếu bạn cứ dùng mãi cây mascara đã cũ. Son bóng cũng không thể làm sạch được vì vi khuẩn thường trú ẩn phía dưới đáy của lọ son.
Đặc biệt, không nên giặt và tái sử dụng những miếng bông trang điểm dùng một lần dành cho phấn nền và các loại phấn nén.
Theo Phunuonline.com.vn
The post Cách vệ sinh mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm appeared first on Tin Sức Khỏe.

5 Thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến làn da

Các chuyên gia đã gọi tên 5 thói quen có ảnh hưởng tiêu cực tới tình trạng da.

lan-da

Quên rửa mặt trước khi ngủ. Sau một ngày làm việc, không chỉ có cơ thể mệt mỏi mà làn da của bạn cũng trở nên mệt mỏi vì các lớp mỹ phẩm và dầu tích tụ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Nếu bạn không rửa mặt, tuyến bã nhờn sẽ bắt đầu công việc “trả thù” của mình, nét khoẻ khoắn tươi tắn của da sẽ biến mất và thậm chí có thể xuất hiện dấu hiệu phát ban.

Sử dụng quá nhiều mỹ phẩm. Việc lạm dụng các loại kem dưỡng dẫn đến tình trạng dư thừa hay ngay cả việc massage da mặt thường xuyên cũng đều khiến da trở nên khô hơn và mất tính đàn hồi vốn có.

Sử dụng các dụng cụ trang điểm hoặc massage đã quá cũ. Nên thường xuyên thay nếu bạn thấy chúng đã bắt đầu cũ hoặc đổi màu, vì đó cũng là nơi dễ dàng tích lũy các vi khuẩn gây hại.

Bôi kem dưỡng ẩm nhưng lại không sử dụng nước hoa hồng. Nhớ rằng làn da cũng cần được “tưới nước”. Loại nước dưỡng này có tác dụng làm sạch lỗ chân lông và ngăn ngừa các loại viêm nhiễm.

Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với lứa tuổi. Mỗi loại mỹ phẩm khi sản xuất đều được các chuyên gia nghiên cứu phù hợp với mỗi loại da ở mỗi nhóm lứa tuổi. Vì thế đừng có cố sử dụng loại không phù hợp với tuổi da của bạn vì như thế sẽ khiến da bạn “phản đối” bằng nhiều cách khác nhau.

(Theo ANTD)

Nguy cơ mất thị lực do bệnh khô mắt

 Khô mắt là tình trạng tổn thương lớp phim nước mắt do sự giảm tiết của tuyến lệ hoặc tăng sự bốc hơi của nước mắt, gây tổn hại đến bề mặt nhãn cầu và một số hậu quả nguy hiểm không mong đợi. Quá trình phát triển của bệnh khô mắt thường kéo dài và âm ỉ, khiến các bác sĩ rất khó chẩn đoán chính xác, và nếu không chữa trị đúng và kịp thời có thể khiến người bệnh gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.

kho-mat

Ngày nay, các bác sĩ nhãn khoa cho rằng, nguyên nhân chính gây nên chứng bệnh khô mắt cho dân văn phòng chính là thời gian sử dụng máy tính quá nhiều. Đa số các nhân viên văn phòng được hỏi, đều đưa ra câu trả lời giống nhau và tổng hợp kết quả cho thấy, khoảng gần 70% thời gian làm việc của họ là gắn liền với màn hình máy tính. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được cảnh báo làm trầm trọng hơn tình trạng khô mắt là ngồi phòng lạnh, hút thuốc lá và lái xe đường dài. Một số chị em làm việc văn phòng cũng nên biết, việc sử dụng dụng cụ trang điểm, dùng biện pháp tránh thai cũng là yếu tố nguy cơ gây chứng bệnh khô mắt.

Theo các nhà khoa học, hội chứng khô mắt đang lan rộng ra toàn cầu, rất đáng báo động khi có tới 17% dân số thế giới mắc phải chứng bệnh này. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là nó chủ yếu tập trung vào nhóm những người làm việc trong văn phòng và tiếp xúc với màn hình máy tính thời gian dài. Lo ngại hơn, đó là tình trạng có rất nhiều người thường bỏ qua các dấu hiệu triệu chứng của chứng bệnh khô mắt, hoặc do sự thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của căn bệnh này nên coi thường nó. Nhiều người còn lầm tưởng hội chứng khô mắt với việc mỏi mắt bình thường, hoặc đau mắt đỏ. Biểu hiện đầu tiên, rõ rệt nhất của chứng khô mắt là giảm việc tiết nước mắt và tăng sự bốc hơi của chất làm ẩm bề mặt nhãn cầu. Sau đó, tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi nước mắt lại chảy nhiều hơn và mắt chuyển màu đỏ kèm theo cảm giác đau rất khó chịu như có hạt cát trong mắt, hay giật mí mắt và đau rát.

Hậu quả của chứng khô mắt nếu để lâu không được chữa trị sẽ rất nguy hiểm. Khi chứng khô mắt phát triển thành viêm nó sẽ kéo theo nhiều tổn thương cho giác mạc, dẫn đến nhiễm trùng và viêm loét. Nếu vết viêm loét quá nặng thì sẽ mất thị lực hoàn toàn. Vì vậy, các chuyên gia nhãn khoa có lời khuyên với chúng ta rất đơn giản là hãy thường xuyên chớp mắt để điều tiết cho tuyến lệ và giúp làm ẩm bề mặt nhãn cầu tốt hơn, giảm quá trình bốc hơi từ mắt. Ngoài ra, một biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu, trong khoảng thời gian làm việc cứ nửa giờ bạn cần dùng tay thực hiện các động tác massage cho mắt trong thời gian rất ngắn, hoặc có thể che 2 mắt của mình trong vòng nửa phút cũng rất có ích.

Các bài tập khác cho mắt cũng rất đơn giản như: đứng dậy và nhìn thẳng vào một vật nào đó ở xa, sau đó chuyển dần với cự ly gần, thực hiện chuyển động mắt theo chiều kim đồng hồ khoảng 10-15 giây và ngược lại. Bạn cần tập luyện thường xuyên và cho mắt nghỉ ngơi hợp lý sẽ không bao giờ khiến mắt bạn phải khó chịu vì chứng khô mắt.

(Theo ANTD)