Lưu trữ cho từ khóa: đức tính

5 bí mật khiến nam giới “thẹn thùng”

Nếu bạn cho rằng đàn ông thường vô cảm và không bao giờ biết thẹn thùng hay xấu hổ thì hãy xem xét lại suy nghĩ của mình. Đôi khi họ cũng có những cảm xúc riêng và có những bí mật khiến họ phải “thẹn thùng” khi tiết lộ.


Dưới đây là 5 bí mật mà nam giới thường “đỏ mặt” không dám tiết lộ:

1. Nghĩ về sex bất cứ lúc nào có thể

Đây là một sự thật đã được kiểm chứng hoàn toàn chính xác. Trung bình, đàn ông dưới 60 tuổi nghĩ về sex ít nhất một lần mỗi ngày và thông thường thì đàn ông nghĩ đến tình dục nhiều gấp 2 lần phụ  nữ. Thậm chí, ngay cả những lúc mệt mỏi và tuyệt vọng nhất, nam giới cũng luôn đòi hỏi quan hệ tình dục từ phía đối tác.

Đồng thời, các nghiên cứu khoa học cũng cho hay càng về già, nam giới càng quan tâm đến đời sống tình dục nhiều hơn. Trong khi đó, mối quan tâm của phụ nữ khi tuổi xế chiều lại là vấn đề nhan sắc và vóc dáng.

2. Muốn có không gian yên tĩnh một mình

Nam giới thường mạnh mẽ và họ không muốn để người khác thấy sự yếu đuối của mình. Vì thế, khi đã mệt mỏi với những câu chuyện lan man hay những lời chỉ trích của phụ nữ, nam giới chỉ muốn chạy đi thật xa tìm không gian yên tĩnh cho riêng mình. Nhưng họ lại không dám nói ra và cũng không dám làm thế. Đơn giản chỉ bởi họ sợ mình sẽ trở thành kẻ yếu đuối trong mắt người khác, đặc biệt là phụ nữ.

Nếu như không gian yên tĩnh với phụ nữ phải là phải ra khỏi nhà, đi dạo ở một công viên vắng vẻ hoặc đi spa thì với nam giới, mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn. Đôi khi họ chỉ cần nằm trên chiếc ghế sofa và tận hưởng sự yên bình “hiếm hoi” khi các bà vợ không cằn nhằn.

3. Không thích bị chỉ đạo

Anh ấy luôn mỉm cười rạng rỡ khi bạn yêu cầu anh ấy mặc bộ đồ này đi xem phim, đeo chiếc đồng hồ khác đi dự tiệc…Nhưng thực tế, trong lòng anh ấy đang tỏ ra vô cùng “ấm ức” và khó chịu khi bị bạn chỉ đạo. Đàn ông có ý chí và sự kiên định riêng của mình, họ không thích người khác can thiệp quá sâu vào cuộc sống và những thói quen của họ. Vì thế, mặc dù không thích bị chỉ đạo nhưng họ ít khi dám nói ra vì sợ…“mất lòng” đối phương.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu, đôi khi câu hỏi “Nhìn em mặc bộ đồ này có béo hơn không” của phụ nữ cũng là một hình thức chỉ đạo nam giới. Bởi đó là câu hỏi mà 100% nam giới đều phải mặc định sẵn câu trả lời “Không. Anh thấy nó rất hợp với em” dù đôi khi sự thật hoàn toàn ngược lại.

4. Nghĩ sao nói vậy

Thẳng thắn là một trong những đức tính nổi bật của nam giới, nhưng cũng là sự khác biệt cơ bản giữa nam giới và phụ nữ. Phụ nữ thường thích vòng vo và không bao giờ đi thẳng vào vấn đề chính, trong khi nam giới lại hoàn toàn ngược lại. Họ muốn nói và muốn làm những gì mình nghĩ.

Tuy nhiên, suy nghĩ và hành động lại có một khoảng cách khá xa. Trong nhiều trường hợp, nam giới buộc phải đi “đường vòng” để làm hài lòng chị em phụ nữ.

5. Không quá sâu sắc nhưng cũng không phải là người nông cạn

Nếu gia đình xảy ra chuyện, phụ nữ thường lo lắng đến mất ăn mất ngủ, trong khi nam giới lại coi như không có gì xảy ra. Vì thế, nhiều phụ nữ cho rằng đàn ông là những kẻ nông cạn, không biết lo lắng hay suy nghĩ gì. Nhưng thực tế là họ cũng đang đau đầu vì tìm cách giải quyết vấn đề, chỉ có điều họ không muốn để lộ ra sự yếu đuối của mình.

Không những thế, bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy nam giới vào bếp nấu ăn, giặt quần áo hay chăm sóc con cái. Bởi họ cũng là những người hết sức chu đáo và sâu sắc mặc dù họ không bao giờ nói ra suy nghĩ của mình.

Meo.vn (Theo VnMedia)

“Sách lược” mẹ chồng thời nay

Tôi cũng chỉ mới làm dâu 4 năm mà cuộc đời thì dài lắm nên đang rất phân vân. Hãy đọc và tư vấn giúp tôi nhé.

Trước ngày cưới, tôi bị mọi người dọa rất nhiều. Nào là ở với mẹ chồng sẽ là bi kịch lớn. Nào là mẹ chồng thời nào cũng thế, càng yêu con trai thì càng khe khắt với con dâu. Rồi suốt ngày hầu hạ, dạ vâng, bị soi mói mọi nơi, mọi lúc…


Những thông tin đó làm tôi rất sợ lấy chồng nếu lại phải ở chung với bố mẹ chồng. Nhưng… ghét của nào trời trao của ấy.

Là con một nên tôi được bố mẹ cưng chiều. Từ bé đến lớn chỉ có học và học, cả ngày chẳng phải động chân, động tay tới việc gì.

Để “ứng phó” với hoàn cảnh “bi đát” này nên trước khi “công bố bằng văn bản”, tôi tìm hiểu trên mạng cách lấy lòng mẹ chồng và làm thế nào để sống “dĩ hòa vi quý” với mọi thành viên trong gia đình nhà chồng. Tôi đã tìm hiểu nhiều, rất nhiều. Tuy đã biết được nhiều “bí quyết” để có thể chung sống hòa bình với gia đình chồng nhưng tôi vẫn sợ lắm. Tất nhiên là cuối cùng, dù muốn hay không, tôi cũng phải dũng cảm bước vào một hành trình mới, bước tiếp trang sách của cuộc đời.

Hồi chúng tôi mới cưới, nhìn mẹ chồng tôi, mọi người đều bảo bà sẽ rất khó tính và tôi sẽ khó sống chung cùng gia đình chồng. Nên tôi đã cố gắng vận dụng những "bí quyết' mà tôi tìm được để lấy lòng mẹ chồng và cứ nghĩ về sống với bố mẹ chồng chắc chỉ được ba bảy hai mốt ngày là phải ra ở riêng.

Nhưng sau một thời gian ngắn chung sống, tôi đã có thể khẳng định được rằng tôi không muốn ra ngoài ở riêng như ý định ban đầu. Tôi rất thích sống với gia đình chồng.

Tôi là một người khá đơn giản trong mọi chuyên nên từ chuyện bếp núc tới chuyện ăn nói sao cho vừa lòng người khác tôi “mít đặc”.

Tôi đã được bố mẹ chồng chỉ bảo từ những việc nhỏ nhất như phơi quần áo thế nào cho nhanh khô, quét nhà thế nào cho ít bụi và sạch, đi chợ thế nào cho vừa rẻ mà lại vừa ngon…

Rất nhiều rất nhiều điều tôi được mẹ chồng chỉ bảo.

Từ hồi về nhà chồng tới nay đã sang năm thứ 4 và có một mặt con nhưng có lẽ số lần tôi nấu cơm cho cả nhà rất ít, bố mẹ chồng tôi thấy tôi lóng ngóng nên làm giúp hết. Nhiều lúc, tôi tự hỏi sao bà lại có thể đảm đang, tần tảo, dịu dàng và hi sinh hết cho chồng con như vậy. Những đức tính của người phụ nữ Việt Nam xưa dường như hội tụ đầy đủ ở bà. Không biết bao giờ tôi mới có thể được như bà. Tôi nhìn bà mà thấy mình còn phải học hỏi rất nhiều. Thật may mắn cho tôi khi được sống trong bầu không khí tràn ngập yêu thương nơi gia đình chồng.

Tôi thầm cười một mình mỗi khi nghĩ đến hồi trước khi cưới mình đã sợ bà như thế nào. Bởi đọc trên báo chí toàn thấy mẹ chồng khắt khe, xét nét, cô giáo thì đánh học sinh, con cái thì sợ mẹ chứ không sợ bố…

Tôi đem chuyện này hỏi một người bạn lớn tuổi cùng cơ quan khá am hiểu lẽ đời. Anh bảo:

- Chuyện mẹ chồng khe khắt với con dâu cũ rồi em ơi. Ngày xưa khi làm dâu, các cụ rất khổ nên khi làm mẹ chồng, các cụ lai đem cái khổ mà họ phải gánh chịu đổ lên đầu con dâu. Ngày nay, các mẹ chồng khôn lắm, tinh ranh lắm. Bà biết là con ruột thịt dù thế nào cũng chẳng bỏ được bố mẹ. Nhưng con dâu thời nay thì khác bởi họ có thể sống độc lập. Quan hệ bây giờ là quan hệ qua lại. Mẹ chồng tốt với con dâu thì con dâu tốt lại với mẹ chồng. Còn nếu không thì cả hai đều thiệt. Nhiều bà mẹ chồng còn nhìn xa, trông rộng rằng nếu mình bất đồng với con dâu, người khổ  nhất trong chuyện này chính là con trai các cụ. Vì vậy, những bà mẹ chồng thời nay không những chiều chuộng mà có người còn “nịnh” nàng dâu nữa.

Các bạn thân mến!

Những điều người bạn từng trải của tôi nói có đúng không? Tôi thì dù sao cũng chỉ mới làm dâu 4 năm mà cuộc đời thì dài lắm nên đang rất phân vân. Hãy giúp tôi nhé.

Meo.vn (Theo Dantri)

Giả nghèo khổ vì sợ người yêu tham tiền

Nhìn căn nhà to đùng của Lãm, Huyền thấy uất nghẹn đến tận cổ. Hóa ra bấy lâu nay anh giả nghèo giả khổ để lừa Huyền. Có lẽ nào anh nghĩ cô là loại tham lam tiền của?

Huyền gặp Lãm trong một đám cưới của người bạn. Anh mặc bộ đồ giản dị, nếu không muốn nói là tuềnh toàng. Nhưng sự hóm hỉnh, vui tính của anh làm ai cũng phải chú ý. Trong đó có Huyền.

Sau vài câu thăm hỏi xã giao, Lãm không ngần ngại kể về gia cảnh của mình: “Nhà anh ở quê nên nghèo lắm, anh lên thành phố học đại học phải tự lo mọi khoản nên thành ra không có điều kiện như những bạn khác. Anh đi làm thêm đủ thứ nghề để kiếm sống...”. Thấy gương mặt tươi tắn của Lãm, Huyền thấy cảm phục người thanh niên chịu khó và nghị lực này vô cùng.

Họ bắt đầu làm nhắn tin làm quen, thi thoảng có hẹn hò nhau đi uống nước, trò chuyện. Huyền không hề cảm thấy khó chịu hay coi thường, ngược lại, sau mỗi lần đi chơi ấy cô càng hiểu ra được nhiều đức tính tốt của anh. Dần dần, cô yêu anh lúc nào không biết...

Suốt thời gian yêu nhau, không bao giờ Huyền được nhận những món quà đắt tiền kể cả vào dịp sinh nhật… Nhưng lần nào anh cũng biết cách làm cho những món quà đơn giản trở nên giá trị, đầy bất ngờ khiến Huyền phải rơi lệ. Tuy thế, Huyền chưa bao giờ cảm thấy chán tình yêu này. Cô luôn thấy mình là người hạnh phúc.


Mỗi lần nghe người yêu tâm sự như vậy, Huyền lại rơi nước mắt. Cô cảm phục nghị lực và sức vươn lên của một chàng trai như Lãm. (ảnh minh họa)

Lãm thường kể cho Huyền nghe về cuộc sống nông thôn cơ cực, nghèo hàn của mình ở quê, về bố mẹ anh một nắng hai sương khổ cực như thế nào mới nuôi được mấy anh em Lãm ăn học. Mỗi lần nghe người yêu tâm sự như vậy, Huyền lại rơi nước mắt. Cô cảm phục nghị lực và sức vươn lên của một chàng trai như Lãm. Cô cũng chỉ là một cô gái tỉnh lẻ, sống xa quê để học hành rồi lập nghiệp, nhưng xem ra so với hoàn cảnh của Lãm cô còn hạnh phúc hơn nhiều lắm. Có đôi lúc cũng như bao nhiêu cô con gái khác, Huyền từng nghĩ: “Nếu yêu được một anh nhà thành phố thì cũng đỡ vất vả cơ cực hơn”. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng chưa bao giờ Huyền có ý định đó. Với cô, tình yêu vẫn luôn là cái cô coi trọng nhất. Và đó là lí do Huyền yêu và quyết định sẽ gắn bó đời mình với Lãm.

Chiều nay, cô bạn thân của Huyền hớt hơ hớt hải chạy đến phòng, thở còn chẳng ra hơi đã thều thào nói: “Mày ơi, tao… phát hiện ra, nhà ông Lãm ở ngay giữa trung tâm thành phố, mà nhà to sụ, giàu cực luôn”. Huyền cười khúc khích: “Mày khéo tưởng tượng nhỉ? Được thế thì tao tốt số quá. Chắc mày nhầm lẫn gì thôi, nhà anh Lãm quê xa cách đây cả hàng trăm cây số, đông anh em, nghèo lắm mày ạ. Còn ở trên này, anh ấy thuê trọ, tao cũng từng đến phòng trọ của anh ấy thăm rồi mà”.

Nhưng cô bạn của Huyền cứ nằng nặc, khăng khăng mình đúng. Cô ấy nói cứ theo cô ấy khắc biết. Huyền tặc lưỡi: “Ừ thì đi!”.... Đến một con phố sầm uất, bạn Huyền chỉ cho cô thấy căn nhà 5 tầng khang trang tóat lên vẻ sang trọng, giàu có nằm ngay mặt đường. Huyền công nhận ngôi nhà hoành tráng thật: “Nhưng chẳng có gì chứng tỏ đây là nhà anh Lãm cả, mày buồn cười quá đi”.


Huyền bước ra trước mặt Lãm: “Hạ màn được chưa anh chàng nhà nghèo giàu nghị lực?”.(ảnh minh họa)

Cô bạn ra hiệu cho Huyền im lặng, rồi chỉ tay chỉ tay về phía căn nhà. Nhìn theo tay của bạn, Huyền thấy Lãm. Anh bước xuống từ chiếc ô tô sang trọng, bộ quần áo đắt tiền mà anh khoác lên người hoàn toàn khác xa với bộ đồ đồng phục lao động mà anh vẫn mặc mỗi lần tới thăm cô. Lãm lấy chìa khóa, mở cổng ra, con chó to như con bê nhìn thấy anh lao ra mừng xoắn xuýt. Huyền không tin vào mắt mình nữa. Đột nhiên trong lòng Huyền lúc này lại cảm thấy bị xúc phạm ghê ghớm. Cô cảm giác Lãm lừa dối cô vì nghĩ rằng có thể cô là loại ham tiền của. Anh ta định giỡn chơi với tình yêu của Huyền hay định thử thách tư cách của Huyền mà làm như vậy?

Huyền bước ra trước mặt Lãm: “Hạ màn được chưa anh chàng nhà nghèo giàu nghị lực?”.

Nghe thấy giọng nói quen thuộc, Lãm ngẩng mặt lên: “Sao em lại biết nhà anh ở đây? Hay là em biết nhà anh ở đây lâu rồi mà cố tình vờ như không biết. Anh cũng đã định nói với em, chỉ tại anh chưa biết nói thế nào? Vả lại anh thực sự muốn biết có phải em đến bên anh vì tiền không? Giờ nhiều cô gái tỉnh lẻ thực dụng lắm em ạ, nên anh cảnh giác đôi chút thôi mà…”.

Huyền nhìn Lãm bằng một ánh mắt xoáy sâu đầy giận dữ: “Có lẽ muốn bảo toàn cái gia tài kếch xù của anh, anh sợ tôi tham lam, yêu anh, lấy anh chỉ vì tiền? Vì vậy mà anh thử thách nhân cách và tình yêu của tôi? Nếu anh cần một câu trả lời rằng tôi có yêu anh vì tiền không thì giờ anh sẽ có câu trả lời. Đừng bao giờ tìm gặp tôi nữa…".

Meo.vn (Theo PLXH)

Đi tìm người đàn ông lịch lãm

Nhiều người cho rằng, giờ đây tìm người đàn ông lịch lãm… khó như hái sao trên trời! Thế, đàn ông lịch lãm đang ở đâu trong cuộc sống này khiến người ta buộc phải dần đưa nó vào cụm từ chỉ có trong sách đỏ, báo động nguy cơ tuyệt chủng?

Đàn ông lịch lãm luôn là người trong mộng cúa các cô gái. Ảnh minh họa- nguồn: Internet

Lịch lãm là gì?

Theo từ điển tiếng Việt, định nghĩa về lịch lãm rất đơn giản: là người có hiểu biết rộng về kinh nghiệm và xử thế do đã từng trải, được đi nhiều, xem nhiều. Tiêu chuẩn như thế khó đến mức hái sao?

Thật ra, hai từ lịch lãm hàm chứa nhiều ý nghĩa nói về một con người chỉ có ưu điểm, không có chỗ nào chê được! Để có được con người lịch lãm đôi khi phải là sự trải nghiệm cả đời. Tuy nhiên, nhẹ nhàng một chút sẽ thấy, người đàn ông (mà phụ nữ cho là) lịch lãm thật ra không yêu cầu quá cao tùy theo bối cảnh, môi trường hay quan niệm sống của mỗi người.

Có người cho rằng, lịch lãm có thể hàm nghĩa galant. Xưa nay đàn ông galant phụ nữ là chuyện quá bình thường, phản xạ tự nhiên; thế nhưng giờ đây có người lại thở dài nuối tiếc, đâu rồi cái ngày xưa ấy? Không nhiều người đàn ông có thói quen mở cửa xe, kéo ghế, xách đồ, tiếp thức ăn… cho người phụ nữ? Một chị kể chuyện, ấn tượng không phai nhòa trong trí chị là vào năm 17 tuổi, một hôm đi học, chị mặc áo dài, đội nón lá bỗng có cơn gió mạnh thốc đến khiến tóc tai, tà áo dài cuống quýt, chiếc nón lá bay lông lốc một quãng khá xa. Vừa khi ấy, một anh bạn học cùng lớp chạy vụt lên trước chụp theo cái nón lá và đưa trả về cho chị cùng nụ cười thật tươi, kèm theo cái nháy mắt. Chỉ hành động nhỏ vậy thôi mà con tim bồi hồi xao xuyến và nhớ mãi đến… già! Có phải vì cuộc sống bận rộn hôm nay khiến người ta mệt mỏi và quên mất đi phép lịch sử tối thiểu với nhau và cho rằng những điều ấy là màu mè, hình thức, vẽ chuyện?

 

Đàn ông lịch lãm không chỉ ở vẻ bề ngoài. Ảnh minh họa- nguồn: Internet

Lịch lãm còn hàm ý nghĩa trong cách ăn mặc. Lịch sự mà không chải chuốt, phô trương. Nói lên được gu thẩm mỹ hoàn thiện, được đào tạo có bài bản; người lý tính, mạnh mẽ, nhưng thái độ cư xử dịu dàng, lịch sự. Có người con cho rằng, người đàn ông lịch lãm còn là người học rộng, tài cao, uyên bác, tự tin nhưng không hề tự phụ. Tuy nhiên, cũng có người  quan niệm đơn giản hơn, chỉ cần là người biết cư xử đúng mực, quảng đại và đáng tin cậy, biết chăm sóc người quanh mình một cách ân cần, chu đáo, gần gũi một cách tự nhiên…

Quả đúng như vậy, tìm đâu ra người đàn ông lịch lãm?

Đi tìm nguyên nhân gốc rễ

Một thời gian dài, người ta ít chú ý đến vẻ bề ngoài hay cách cư xử lịch sự với nhau theo kiểu, phải giàu thì mới sang. Xuề xòa từ cách ăn mặc cho đến lời nói, không giữ ý với nhau. Cách ăn sao cũng được, mặc sao cũng xong, đi đứng nói cười thế nào cũng không ai chú ý.

Thời bây giờ, phụ nữ bắt đầu phát huy sự bình đẳng. Người ta thấy, một số phụ nữ cũng uống rượu, nói to, cười lớn, thậm chí còn nói những từ mà chỉ đàn ông (không lịch lãm) mới nói ra. Với đối tượng phụ nữ như vậy đàn ông giữ vẻ lịch lãm để làm gì? Bởi đã là bình đẳng nên việc gì nam làm được thì nữ cũng làm được khiến đôi lúc người đàn ông cảm thấy mất tự tin. Dẫn đến việc họ đã không còn lịch lãm hay không muốn lịch lãm nữa. Họ hút thuốc, uống rượu, nói năng thô lỗ, không muốn rèn luyện tri thức, không giữ gìn hình thức bề ngoài, biết xấu nhưng không thay đổi, tự cho mình có quyền như thế…

Thật ra, cốt lõi vấn đề chính ở nền tảng giáo dục mà gia đình là nền móng. Mẹ luôn ân cần với bố, bố lúc nào cũng galant với mẹ thì những đứa con sẽ học được những điều ấy. Bây giờ, nhìn vào các quán nhậu buổi chiều đầy những ông bố nâng ly lên, hạ ly xuống, cười nói ồn ào, chưa kể đến hậu quả kéo theo từ những con say không biết kiềm chế, đây còn là lối sống. Họ muốn quên đi, muốn trốn trách trách nhiệm hay nhiều lý do khác nữa. Mà, đó là con số không nhỏ!

Giải pháp

Một người mẹ một ngày nhận ra rằng, đứa con trai cần phải có những đức tính của một người đàn ông thực thụ. Đi du lịch với cả nhà, nhiệm vụ con trai lớn phải xách va li, đi siêu thị con xách giúp các thứ cho mẹ. Mẹ về, con mở cửa và xách đồ vào nhà. Không chỉ thế, bà khiến con phải biết hỗ trợ những người bà con khác trong gia đình. Bà biết, con người sẽ dần hoàn thiện kiến thức theo thời gian, con bà sẽ trưởng thành thông qua việc giao tiếp với mọi người xung quanh; nhiệm vụ của bà là cố gắng dạy con biết tôn trọng phụ nữ, nhất là với người bạn đời sau này…

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là quan niệm của một bà mẹ. Nhiều bà mẹ chỉ biết chăm chút cho con mình mà không hề nghĩ đến việc con phải có trách nhiệm với gia đình, bà chỉ biết cầu mong một ngày nào đó, con khôn lớn và biết nghĩ về cha mẹ. Đó cũng là mong muốn trong tương lai con mình sẽ trở thành người đàn ông lịch lãm. Thế nhưng, đôi khi quá muộn hay không thể!

Và như thế, ngay từ gốc rễ, vấn đề tìm một người đàn ông lịch lãm đã thấy quá khó!

Meo.vn (Theo Phunuonline)

Dạy con “tứ đức” trên đời

Công - dung - ngôn - hạnh vẫn được nhắc đến như 4 đức tính tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phương Đông truyền thống. Nhưng, liệu “tứ đức” trên có còn hợp thời trong giai đoạn hiện nay?

Công, dung, ngôn, hạnh – từ truyền thống đến hiện đại

Xuất phát từ tư tưởng của Khổng Tử, “tam tòng, tứ đức” đã trở thành thước đo chuẩn mực cho người phụ nữ trong xã hội cũ. Suốt một thời gian dài, quan niệm trên đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Nó mang những giá trị đáng ghi nhận nhưng cũng trở thành quy tắc trói buộc người phụ nữ.

Chữ “công” đứng đầu trong “tứ đức”, theo quan niệm trước đây chỉ sự vén khéo về “nữ công gia chánh” của người phụ nữ trong gia đình.

Chữ “dung”, trong quan niệm xưa chỉ dung mạo, vẻ ngoài của người phụ nữ. Người phụ nữ phải biết chăm chút cho dung mạo của mình. Người xưa rất chú ý đến vẻ đẹp của hàm răng, mái tóc.

“Ngôn” là lời nói thốt ra phải nhẹ nhàng, đoan chính. Cách ứng xử, nói năng của người con gái thể hiện tính cách, con người họ. Một cô gái nói năng lễ phép, dịu dàng là cô gái được giáo dục kỹ.

“Hạnh” là phẩm chất cuối cùng trong tứ đức để chỉ đạo đức của người phụ nữ. Ngày xưa đó là sự mực thước, nghiêm trang trong dáng đứng, bước đi, là sự thủy chung, yêu chồng, thương con, giàu lòng nhân ái. Chữ hạnh tương đối rộng nhưng nhìn chung để chỉ cách cư xử hiểu đạo lý của người phụ nữ.

Thời gian trôi qua, xã hội nhiều biến đổi hơn, phụ nữ ngày nay cũng được giải thoát ra khỏi những ràng buộc cũ, được tự do và giải phóng chính mình. Tuy vậy, những quy định “tam tòng, tứ đức” không vì thế mất đi mà cũng dần được thay đổi cho phù hợp với xu thế hiện đại.

Quan trọng là vậy nhưng thực tế là nhiều gia đình, trong hành trình dạy con đã bỏ qua việc trang bị cho con một cách đầy đủ những phẩm chất này.

Chỉ cần “công” và “dung” là đủ?

Ngày nay, không ít gia đình quan niệm cần phải chăm chút cho con học thật giỏi để sau này kiếm một công việc thật tốt là được. Họ nghĩ dạy con như vậy là đã hoàn thành chữ “công”. Thế nhưng, chính cách dạy con này khiến nhiều bé gái sau này lớn lên, ngoài việc học ra không biết làm một việc gì, từ chuyện nhỏ trong gia đình như: quét dọn, lau chùi nhà cửa đến việc nấu nướng bữa cơm gia đình, trang trí nhà cửa… Sự bảo bọc, chiều chuộng và quan niệm dạy con sai lầm của cha mẹ khiến trẻ ỷ lại.

Đúng là khi xã hội biến đổi thì quan niện nhiều người cũng thay đổi. Ngày xưa, chữ “dung” được đề cao 1 thì ngày nay, với phái nữ, chuyện gìn giữ sắc đẹp, chăm chút bản thân được chú ý tới 10. Chữ “công” cũng chỉ đơn thuần là tìm được công việc ổn định, thu nhập khá.

Quan điểm này cũng dễ hiểu bởi kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình ngày nay thường có người giúp việc và trẻ không phải làm việc gì ngoài chuyện học hành. Quan điểm nuôi dạy con của mỗi nhà cũng khác nhau. Với những gia đình này, “công, dung, ngôn, hạnh” vẫn là những bài học cần trang bị cho con – ngay khi trẻ còn nhỏ.

“Dạy con từ thuở còn thơ”

Trẻ còn nhỏ như một cành cây non, mềm và dễ uốn nắn. Những bài học từ cha mẹ sẽ giúp hình thành nên tính cách, phẩm chất con người của trẻ sau này.

Để dạy con chữ “công” trọn vẹn, cha mẹ cần định hướng rõ ngoài việc xác định mục tiêu rõ ràng về công việc trong cuộc sống, trẻ còn cần biết tự quản lý cuộc sống của mình. Cha mẹ cần dạy trẻ tự lập qua những công việc của cá nhân. Công việc nhà cũng cần sự tham gia của trẻ dù rằng trẻ chỉ có thể là được những việc đơn giản, tùy theo lứa tuổi.

Dạy trẻ ý thức được tầm quan trọng của hình thức bên ngoài. Những bài học thưa gửi, nói chuyện với người lớn cũng nên được cha mẹ hướng dẫn dần cho trẻ. Khi trẻ lớn dần hơn, những bài học sẽ dần mở rộng hơn về cách giao tiếp, ứng xử theo những mối quan hệ của trẻ. Đây chính là cha mẹ đang trang bị cho trẻ những bài học về “dung”, “ngôn” và “hạnh”.

Meo.vn (Theo Giadinh360)

Những sai lầm của phụ nữ đẩy đàn ông ra xa

Bạn hay thắc mắc không hiểu sao chẳng chàng nào ở lại lâu bên mình dù mình cũng xinh đẹp, giỏi giang đấy chứ? Có thể nguyên nhân là do bạn mắc những lỗi sau:

Khi chàng cần là có mặt

Đây là một sai lầm rất lớn. Tất nhiên việc bạn ở bên cạnh khi chàng cần như lúc chàng buồn, chàng gặp chuyện không hay... là cần thiết nhưng nếu lúc nào chàng gọi bạn đi chơi bạn cũng đều gật đầu thì đó không bao giờ là điều tốt. Bởi như thế bạn sẽ khiến chàng không cảm thấy quý trọng khi có bạn. Chàng sẽ nghĩ dù mình có đối xử tệ thế nào, bạn sẽ vẫn luôn bám theo chàng. Và tệ nhất là điều này có thể dẫn đến việc chàng sẽ từ chỗ yêu bạn chuyển sang lợi dụng bạn.

 

Do đó, ngay cả khi bạn không có ai theo đuổi (trong giai đoạn cưa cẩm) hay không bận việc gì (trong thời gian đang yêu), cũng đừng bao giờ xuất hiện ngay khi chàng cần. Hãy tìm lý do chính đáng để thỉnh thoảng từ chối khi chàng đòi gặp nhé.

Mơ mộng, thiếu thực tế

Một chút lãng mạn là tốt nhưng quá mơ mộng, thiếu thực tế thì đàn ông không thích bởi họ cho đó là dấu hiệu của sự thiếu chín chắn. Nhìn mọi việc với con mắt thực tế như bản chất vốn có của nó và không mơ mộng đến những thứ viển vông, bạn sẽ được đàn ông đánh giá cao.

Thật thà "khai báo" mọi thứ liên quan đến bạn khi mới quen

Thật thà là đức tính tốt nhưng nếu không đúng lúc, đúng chỗ lại có thể gây ra hậu quả khó lường. Việc nói thật, nói hết về mình trong buổi hẹn đầu tiên, kể cả những điều không tốt không phải là ý hay đâu bạn nhé. Hãy chọn lọc những gì vô hại để nói trước, còn những gì có mức độ nghiêm trọng cao hơn, bạn nên chọn thời điểm thích hợp để tiết lộ từ từ. Trên thực tế, chính những phụ nữ không quá cởi mở về bản thân lại khiến đàn ông thấy hấp dẫn đấy. Sự bí ẩn là yếu tố tạo ra sự quyến rũ mà.

Dễ tin người

Có thể bạn cho rằng dễ tin người là một đức tính thể hiện bạn ngây thơ, trong sáng. Nhưng đàn ông không nghĩ vậy. Theo họ, những cô gái như vậy là mối lo khi cưới về, bởi các chàng luôn phải lo lắng để các nàng không bị sa ngã, không bị lừa gạt. Do đó, hãy cho chàng thấy mình là cô gái không phải là sành sỏi nhưng cũng đủ khôn ngoan để không dễ tin những lời nói bóng bẩy.

Chờ chàng chủ động

Suy nghĩ cho rằng đàn ông phải chủ động đã không còn đúng trong thời đại ngày nay. Nghiên cứu gần đây cho thấy đàn ông cảm thấy bị hấp dẫn trước những phụ nữ biết chủ động trong mối quan hệ. Sự chủ động ở đây không đồng nghĩa với vồ vập mà là bạn khéo léo đưa ra những tín hiệu "đèn xanh" để các chàng "xông tới".

Quá nữ tính

Đàn ông không thích phụ nữ lúc nào cũng bị ám ảnh về vẻ ngoài hay cân nặng. Đàn ông thích những phụ nữ tạo ra cảm giác thoải mái khi họ ở bên. Phản ứng thái quá với hầu hết mọi việc, kêu ca không ngừng sẽ khiến chàng cảm thấy bạn là cơn ác mộng.

Quá ăn diện

Đàn ông đánh giá cao phụ nữ biết làm đẹp nhưng phụ nữ quá ăn diện thì ngược lại. Đừng ăn mặc quá điệu đà khi hẹn hò với chàng bởi như thế bạn có thể khiến chàng thấy xấu hổ khi đi bên cạnh. Trang điểm vừa phải, ăn mặc trang nhã là điều bạn nên làm.

Có những cử chỉ thân mật quá sớm

Sự thân mật là cần thiết nhưng nên từ từ thôi. Nếu vội vã, bạn có thể khiến chàng hiểu nhầm, hiểu sai về bạn. Đàn ông thích phụ nữ biết cư xử đúng mực và hơi khó tán một chút. Do đó, bạn nhớ phải dành thời gian để tìm hiểu chàng ở mức vừa đủ trước khi quyết định có cử chỉ thân mật nhé

 

Meo.vn (Theo Gangxter woman)

Nguyên tắc lấy được chồng tốt – Phần cuối

(Webtretho) Đề cập về vấn đề  “hệ trọng” của  các bạn gái trong cách chọn chồng bằng giọng văn gần gũi, hóm hỉnh, dễ hiểu cứ ngỡ như nghe một câu chuyện đùa, chuyện tán phét bên ly cà phê G7. Me Boo yeu đã thực sự dành được sự yêu mến của thành viên trên Diễn đàn Webtretho. Lần này chúng tôi xin trích đăng ba “nguyên tắc” còn lại của thành viên Me Boo yeu. Hi vọng các cô gái của chúng ta sau khi suy ngẫm hết sáu nguyên tắc chọn chồng sẽ nhận diện được người chồng tốt của mình trong tương lai.

>> Phần 1

Nguyên tắc 4: Chuyện nhỏ là chuyện lớn.

Bạn cho rằng điều gì là quan trọng ở người đàn ông đang tán tỉnh bạn? Đa phần các bạn gái sẽ trả lời: Anh ấy tốt với tôi, anh ấy yêu tôi, thế là đủ.

Câu trả lời phổ biến (và tâm đắc) này của các bạn, rất tiếc hoàn toàn chả có tí giá trị nào trong việc tìm kiếm một người đàn ông tốt để làm bạn đời. Khi đàn ông đi tán gái, tất nhiên anh ta phải tốt, tất nhiên anh ấy nói anh ấy yêu bạn. Đem tiêu chuẩn “tốt với tôi, yêu tôi” ra để chọn lựa, chẳng khác nào con cá trong đối thoại sau:

-  Cá, thế nào là một thợ câu giỏi?
-  À, theo tớ một thợ câu giỏi phải có cần câu, có mồi câu.

Anh ta "khoe" con cá to mới " chộp" được Ảnh: Inmagine

Đấy, có buồn cười không? Đã đi câu, ai chẳng có cần, ai chẳng có mồi (loại thợ câu đi người không đến hồ, xòe tay ra cho cá tự nhảy vào là siêu nhân, không tính), cần và mồi chẳng là gì để chứng tỏ một tay thợ câu tốt, tương tự “tốt với tôi, yêu tôi” chẳng nói lên được gì về người đàn ông đang muốn có bạn.

Thế cái gì mới là “chuyện lớn” quan trọng để bạn xác định được một ông chồng tốt? Đấy chính là những chuyện nhỏ. Những hành động cử chỉ lặt vặt trong đời sống hàng ngày.

Những chuyện lớn ai cũng chú ý, nên ai cũng cố gắng làm tốt, hoặc giả vờ làm tốt. Những chuyện nhỏ ít được để ý đến mới hiển thị tốt nhất một con người, đặc biệt là khi người ta lơ đãng, hoặc người ta cho rằng không có ai để ý đến mình. Anh ta ngáp có che miệng không, ăn xong có ngậm tăm đi ngoài đường không, gặp tai nạn trên đường có xúm vào xem không, khi tức giận có chửi bậy không, về nhà có vứt quần áo bừa bãi không, bóng đèn cháy có gọi thợ không, vay tiền bạn bè có trả đúng hạn không, ngồi một chỗ có rung đùi như bị động kinh không? Đấy, bạn phải tìm hiểu người đàn ông của đời mình thông qua những thứ “lặt vặt” đó.

Có bạn hỏi: Chuyện nhỏ vớ vẩn ấy thì liên quan gì đến tình yêu vĩ đại? Chỉ là những thói quen, sửa là được, quan trọng là yêu, tình yêu đủ lớn thì sẽ vượt qua hết… la la la…

Trả lời: Hành vi bắt nguồn từ thói quen, thói quen bắt nguồn từ tính cách, văn hóa. Mà tính cách, văn hóa chứ không phải tình yêu mới là sự đảm bảo cho hạnh phúc.

Ở cùng với một anh chàng tốt tính, hòa hợp, bạn sẽ từ không yêu chuyển thành yêu, từ yêu ít thành yêu nhiều. Ở với một anh chàng chẳng ra gì, tình yêu sẽ chết nhanh thôi.

Còn dùng tình yêu để thay đổi tính cách? Chuyện hài nhất thế kỷ, bây giờ là lúc nào rồi mà còn nói đùa thế?

Nguyên tắc 5: Đừng nghe đàn ông nói, hãy nhìn đàn ông làm

Khoảng 90% những lời lẽ của đàn ông về tình yêu với bạn gái của mình là không thể tin được. Đặc biệt là các thanh niên “chim chíp” tán gái thì thôi rồi, toàn mang nhạc thị trường, nhạc sến, trà sữa tâm hồn, danh ngôn, trích dẫn truyện tình ba xu, phim Hàn Quốc… ra ba hoa, thật là đến… bò nghe cũng phải phì cười (thế mà các cô gái lại rất thích, lạ ghê).

10% lời lẽ còn lại thì có thể tin (chẳng hạn như “em ơi anh muốn x em”) nhưng lại không có giá trị lâu dài. Đây là điều phụ nữ dễ bị nhầm lẫn nhất, vì 10% này ngay cả những người đàn ông tử tế nhất cũng thường nói.

Chẳng hạn: Anh yêu em mãi mãi. Anh sẽ đi bên em suốt cuộc đời. Anh sẽ….

Họ có nói dối không? Không. Không nói dối, vì khi nói ra câu đấy họ thực sự nghĩ như thế. Chỉ có điều là còn một phần khác họ không nói ra, đôi khi vì họ cũng không hiểu được chính mình.

Khổ vì lấy phải chồng lười . Ảnh: Inmagine

“Anh sẽ yêu em mãi mãi … nếu lúc nào em cũng ngoan ngoãn, thơm tho, nhàn rỗi ngồi nép vào bên anh thế này này, như thế, tất nhiên là yêu. Nhưng sau này em đầy mùi nước mắm với nước đái trẻ con, ăn mặc nhếch nhác, bụng béo đầy mỡ… xin lỗi, anh không có ý lừa em, nhưng không hiểu sao anh… sorry.. tình cảm của chúng ta không như cũ nữa.”

Cô gái khóc nức nở: “Tôi đã hy sinh vì anh, tôi già, béo, xấu, bẩn cũng vì anh… thế mà anh lại…”

Chồng (nghĩ thầm): “Công nhận là em tốt, công nhận là em đúng. Nhưng mà điều kiện của tình yêu là phải thơm, sạch, mới, lạ. Bảo anh biết ơn em thì được, nhưng bảo anh run rẩy yêu em như ngày nào thì khó quá, cái này sao cố được.”

Đàn ông khi yêu hay thích khẳng định mình, nói ra nhiều câu có chủ ngữ là ngôi thứ nhất: Anh thế này, anh thế khác… Các cô gái nghe say sưa, “mắt chớp chớp miệng đớp đớp”, tâm đắc ghê lắm. Mình yêu anh ấy quá, anh ấy bảo là… anh ấy hứa là…anh ấy là người…. Đến khi lấy về rồi, thỉnh thoảng lại nghẹn ngào, ôi mình bị lừa, ngày xưa nó nói vậy mà bây giờ không phải vậy.

Vậy kết luận ở đây là gì?

Nghe đàn ông tán cho vui thôi. Chủ yếu là phải nhìn xem anh ta làm được cái gì. Anh bảo anh lo được cuộc sống cho tôi, vậy phải xem anh có tháo vát, kiếm tiền được không. Anh bảo anh có trách nhiệm với tôi, vậy phải xem anh đối xử với bạn bè, người thân của mình thế nào. Anh bảo anh là người tốt, vậy phải xem anh có ghét chó và trẻ con hay không, vay tiền bạn có trả không…

Bạn nào yêu không mở to mắt ra mà nhìn, chỉ chết vì mấy câu văn hoa ba xu, đến lúc khổ lại đổ tại duyên số… xin mời xem lại nguyên tắc số 1.

Nguyên tắc 6: Đức tính quan trọng nhất của chồng?

Tôi không nói là “đức tính quan trọng nhất của đàn ông”, bởi vì mỗi người đàn bà cần đến đàn ông theo một nhu cầu riêng của mình. Có người mê đẹp trai, có người thích khỏe mạnh, có chị thích ga lăng, có bà thích phong độ… tóm lại cái “nhất” đấy thiên biến vạn hóa, không sao tổng kết hết được.

Nhưng với vai trò làm chồng thì lại khác. Làm chồng tốt cũng cần nhiều tính chất khác nhau: lãng mạn, mạnh mẽ, giỏi giang, phong độ, tháo vát, thông cảm, bao dung, chăm chỉ… gi gỉ gì gi, cái gì cũng cần, cái gì cũng tốt. Nhưng tất nhiên là thật khó mà tìm được người hoàn hảo như vậy. Mà nếu có kiếm được, thì chắc bạn cũng chả đủ hoàn hảo để mà lấy được người ta. Thế thì, nếu như phải rút gọn, phải lựa chọn và quyết định trong những đức tính ấy, trong số những người bạn “có thể” lấy được, thì bạn sẽ lấy ai, lấy người như thế nào?

Hỏi đến đây, cả lớp đồng thanh: Lấy người yêu mình và mình cũng yêu, tóm lại lấy nhau vì tình ạ!!!

Cô giáo: Khổ quá, thế lúc chọn người yêu vậy, các em chọn ai, tìm người như thế nào?

Cả lớp: Yêu thì sao chọn được ạ, duyên số rồi, yêu mà biết tại sao yêu thì đã không phải là yêu ạ !!!

Cô giáo: Thật hết ý kiến…

Hãy chọn một anh chồng dám nhận sai, sai dám sửa. Ảnh: Inmagine

Đùa  vậy thôi, topic này mong được giúp đỡ những người nghĩ rằng lý trí cũng  cần thiết trong tình cảm. Còn với các tín đồ của yêu mê muội, cưới mù  quáng thì đến cô giáo cũng bó tay, nói gì đến tôi.

Trở lại với câu chuyện đức tính quan trọng nhất của chồng, có lẽ cũng cần chú thích thêm để các bạn đỡ thắc mắc, ấy là quan trọng nhất không có nghĩa là duy nhất cần thiết, lại càng không có nghĩa đó là yếu tố đầu tiên cần được đưa ra xem xét (cái đầu tiên, theo tôi nghĩ, là tìm hiểu xem đối tượng có bị Gay, hoặc bất thường về sinh lý hay không). Quan trọng nhất có nghĩa là, sau khi chúng ta đã có được hai ứng cử viên trước mặt, cả hai đều nam tính, nội tiết ổn định, biết đọc biết viết, chỉ số IQ trên 60… nhưng một anh thì biết đánh đàn, ca hát, múa rối nước còn một anh thì có cái “quan trọng” ấy, vậy nên chọn anh nào?

Cái đức tính đó là khả năng tiếp thu, học hỏi, nhận thức những sai lầm, điểm yếu của mình và cố gắng sửa chữa chúng. Nói cách khác, đó là khả năng tự hoàn thiện bản thân.

Nếu lấy một người chồng biết nhận ra khuyết điểm, dám nhận sai, sai dám sửa (không đảm bảo thành công 100%) thì các bạn có thể yên tâm là cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp. Giống như bạn “cưới” một chiếc Kia Morning về nhà, mấy năm sau nó tự lên đời thành một chiếc Camry, rồi ít lâu sau lại trở thành một con Mẹc hoành tráng… thế có sướng không? Ngược lại, nếu lúc đầu lấy về một con Mẹc trông hoành tráng, rồi dần dần nó xuống cấp thành cái xe công nông thì thật tai họa.

Vậy khi chọn lựa, ngoài việc nhìn vào những gì đối tượng đang có, hãy để ý đến những gì đối tượng thay đổi trong quá trình quen biết, yêu đương, để ý đến cách anh ta tốt lên hay xấu đi xem anh ta có được khả năng tự hoàn thiện bản thân hay không. Nếu có, thì đấy chính là đức tính quan trọng nhất bạn cần ở chồng bạn.

Xin cảm ơn bài viết của ID Me Boo yêu – thành viên Webtretho!