Lưu trữ cho từ khóa: đơn thuốc

4 điều không nên trong sinh hoạt tình dục

Tình dục là một nhu cầu tâm sinh lý tự nhiên và tất yếu của con người. Để dưỡng sinh trong tình dục, y học cổ truyền khuyên:

Không nên cấm dục (dục bất khả tuyệt)

Nam là dương, nữ là âm, âm dương giao hợp chính là đạo của trời đất. Nếu cấm dục, âm dương không được tương giao sẽ phát sinh bệnh tật. Trong Sử ký có kể lại rằng: Nữ tỳ họ Hàn của Tề Bắc Vương bị bệnh đau lưng, hay phát sốt phát rét không rõ quy luật. Danh y Thuần Vu Ý sau khi chẩn mạch đã phán rằng, duyên cớ là không được thỏa mãn mong muốn sinh hoạt nam nữ. Quả nhiên, sau khi kết hôn, căn bệnh của tỳ nữ không thuốc mà khỏi.

Từ Linh Thai, danh y thời Thanh (Trung Quốc) cũng từng chẩn trị cho một thương nhân họ Uông, vì 10 năm không sinh hoạt vợ chồng mà suy nhược thần kinh. Sau khi chẩn mạch, Từ Linh Thai không kê đơn thuốc mà chỉ khuyên họ Uông nên sớm trở về nhà và ngủ với vợ. Quả nhiên, sau khi nhập phòng một đêm, mọi chứng bệnh đều khỏi cả.


Không nên “yêu” quá sớm (dục bất khả tảo)

Đông y cho rằng nam nữ vị thành niên nếu sinh hoạt tình dục sẽ tổn hao nguyên khí, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát dục và gây bất lợi cho sự sinh nở sau này. Uông Ngang, y gia đời Thanh, còn chỉ rõ: Quan hệ tình dục quá sớm làm hại nguyên khí, dẫn đến chết non.

Tránh quan hệ tình dục quá độ (dục bất khả túng)

Lý Bằng Phi, danh y đời Nguyên (Trung Quốc), cho rằng tình dục thái quá có thể làm hao tán nguyên khí, khô kiệt tinh tủy, gây thận hư, liệt dương, mắt mờ tai điếc, cơ thể hao gầy, răng hư, tóc rụng và cuối cùng sức lực tàn tạ mà dẫn đến cái chết.

Không nên “yêu” trong một số hoàn cảnh đặc biệt

Nên tránh quan hệ tình dục những khi ăn quá no, say rượu, lao động quá vất vả, trong người có điều buồn bực, uất ức, có bệnh nặng, phụ nữ thời kỳ hành kinh và mang thai, thời tiết quá nóng nực, giá rét...

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Giao tiếp tốt là “liều thuốc vô giá” cho người bệnh

Trong lĩnh vực y học, các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, bệnh tật là do hệ thống miễn dịch (hệ thống bảo vệ) bị suy yếu trước các tác nhân gây bệnh. Khi bệnh tật xảy ra sẽ làm rối loạn chức năng của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Như chúng ta đã biết, tất cả các hệ thống cơ quan trong cơ thể đều chịu sự chi phối của hệ thần kinh. Vì vậy, trấn an thần kinh là liệu pháp hết sức cần thiết trong điều trị bệnh.
Trong thực tế có rất nhiều bệnh nhân khi bị bệnh họ chỉ đến một bác sĩ nào đó để điều trị và chỉ có bác sĩ đó mới điều trị khỏi mặc dù đơn thuốc của bác sĩ này hoàn toàn không khác đơn thuốc của bác sĩ kia. Điều này phần nào chứng minh được yếu tố tâm lý đóng vai trò khá quan trọng trong điều trị. Bởi khi người bệnh tin tưởng, họ sẽ phối hợp nhịp nhàng với thầy thuốc trong quá trình trị liệu và có lẽ với tâm trạng thoải mái, hệ thống bảo vệ của cơ thể được thức tỉnh và phát huy tác dụng. Các chất giảm đau, các hoá chất trung gian hướng thần kinh được tiết ra kích thích các hệ cơ quan tăng cường hoạt động góp phần đẩy lùi tác nhân gây bệnh.

Ảnh minh họa

 

Từ những đặc điểm tâm sinh lý của người bệnh, khi tiếp xúc với bệnh nhân, người thầy thuốc phải có cách giao tiếp tốt để cho người bệnh mau chóng lành bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần hết sức nhẹ nhàng, cởi mở, phải thực sự cảm thông sâu sắc với bệnh nhân, xem đau đớn của người bệnh cũng như đau đớn của mình để chia sẻ nỗi đau đó. Dùng ngôn ngữ dễ hiểu, không được dùng các từ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho bệnh nhân như: “Bệnh của ông, bà quá nặng”, “Sao vào viện muộn vậy, sao giờ mới tới bệnh viện”, “Chỉ có trời mới cứu được”... vì những lời nói này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý bệnh nhân. Đặc biệt, người thầy thuốc tránh các điệu bộ, cử chỉ gây cho bệnh nhân và người nhà hiểu nhầm là thầy thuốc đang “vòi vĩnh, ban ơn” đối với bệnh nhân. Thực tế cho thấy, có nhiều thầy thuốc do mệt mỏi sau ca trực, sau mổ, sau ca cấp cứu căng thẳng, họ trao đổi với nhau, vô tình người nhà bệnh nhân nghe được và từ đó họ suy diễn ra nhiều điều làm ảnh hưởng đến uy tín của người cán bộ y tế. Cho nên cần phải tránh và hạn chế tối đa điều này để giữ hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trong con mắt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Hơn ai hết, trong giai đoạn hiện nay khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trong cơn lốc của kinh tế thị trường, chạy theo đồng tiền đòi hỏi người thầy thuốc phải lấy cái tâm của người làm thuốc để cứu chữa bệnh nhân. Dẫu biết thời nay, khoa học kỹ thuật phát triển, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, trình độ y bác sĩ ngày càng nâng lên nhưng bên cạnh đó, người thầy thuốc cũng phải không ngừng nâng cao y đức. Chính thái độ, sự tận tâm, tinh thần phục vụ hết mình của người thầy thuốc là liều thuốc vô giá để điều trị bệnh nhân và cũng là giữ mãi hình ảnh “lương y như từ mẫu”.

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Quảng cáo “mập mờ” sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng

Quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.


Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung của Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế do Chính phủ vừa ban hành.

Theo đó, đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa nội dung về hạn dùng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tính năng, công dụng trên nhãn thuốc… bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng. Các hành vi quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã đăng ký; cung cấp tài liệu thông tin quảng cáo thuốc không chính xác sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Giá thuốc không được kê khai, kê khai giá thuốc không đầy đủ hoặc bán thuốc cao hơn giá kê khai bị phạt tối đa 10 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định này, cơ sở kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề sẽ chịu mức phạt tối đa 10 triệu đồng (đối với cơ sở bán lẻ) và 20 triệu đồng (đối với cơ sở bán buôn). Sản xuất thuốc không đủ điều kiện vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Không thu hồi thuốc kém chất lượng theo yêu cầu bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng…

Ngoài ra, các vi phạm về bán buôn, bán lẻ thuốc cũng được quy định xử phạt rõ ràng. Bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc bị phạt tối đa 1 triệu đồng. Bán lẻ, bán buôn thuốc hết hạn sử dụng bị phạt từ 5 đến 15 triệu đồng…

Meo.vn (Theo LĐO)

Cây lức

Cúc tần còn có tên khác là cây lức, từ bi, phật phà (Tày), là loại cây bụi, cao 1-2m. Cành mảnh, có lông sau nhẵn. Lá mọc so le, màu lục xám, mép khía răng, gần như không cuống. Hoa tím nhạt, hình đầu, mọc thành ngù ở ngọn. Quả nhỏ, có cạnh. Toàn cây có lông tơ và mùi thơm. Trên cây thường có dây tơ hồng mọc và sống ký sinh.


Cây mọc hoang và được trồng làm hàng rào ở khắp nơi. Toàn cây (lá, cành, rễ) đều có thể dùng làm thuốc. Lá thường dùng tươi (hái lá non và lá bánh tẻ) thu hái quanh năm, cành và rễ thường dùng khô. Theo nghiên cứu lá chứa 2,9% protein. Toàn cây có acid chlorogenic, tinh dầu.

Theo y học cổ truyền, cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Công dụng tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hoá. Thường dùng chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, thấp khớp, đau lưng, nhức xương, chấn thương,…

Một số đơn thuốc có sử dụng cúc tần:

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu: Lá cúc tần tươi 2 phần, lá sả một phần, lá chanh một phần (mỗi phần khoảng 10g) đem sắc với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông cho ra mồ hôi, có tác dụng giảm sốt, giải cảm.

Chữa đau mỏi lưng: Lấy lá cúc tần và cành non đem giã nát, thêm ít rượu sao nóng lên, đắp vào nơi đau ở hai bên thận.

Thấp khớp, đau nhức xương: Rễ cúc tần 15-20g, sắc nước uống. Có thể phối hợp với rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g, đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g, sắc uống. Dùng 5-7 ngày.

Chữa đau đầu do suy nghĩ nhiều, tinh thần căng thẳng: Cúc tần 50g, hoa cúc trắng 50g (xé nhỏ), đu đủ vừa chín tới 100g, óc lợn 100g. Cho cúc tần, hoa cúc trắng, đu đủ vào nồi, thêm 1 lít nước đun sôi. Sau đó cho óc lợn vào đun thêm 20 phút cho nhừ là ăn được. Ăn nóng trước bữa cơm, 2 lần/ngày, ăn liền 1 tuần.

Chữa ho do viêm khí quản: 20g cúc tần già rửa sạch, băm nhỏ, 2 nắm gạo, 3g gừng tươi, cắt nhỏ, 50g thịt lợn nạc băm nhuyễn. Tất cả đem nấu cháo chín nhừ. Ăn nóng khi đói, ngày 3 lần, ăn liên tục 3 ngày sẽ đỡ.

Chữa chấn thương bầm tím: Lấy một nắm lá cúc tần rửa sạch, giã nát nhuyễn đắp vào chỗ bầm tím sẽ mau lành.

Bác sĩ Thu Vân

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Tác dụng phụ của thuốc có chứa Corticoid

“Thuốc có Corticoid luôn đứng đầu trong danh mục thuốc thiết yếu của Bộ Y tế vì những tác dụng thần kỳ của nó. Tuy nhiên, tác dụng phụ của nó cũng khôn lường nên các bác sĩ cần phải am hiểu và tư vấn kỹ cho bệnh nhân”.

Giáo sư Hoàng Tích Huyền – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý – ĐH Y Hà Nội chia sẻ với NTNN về Corticoid (NTNN số 245). Giáo sư Hoàng Tích Huyền cho biết:

Corticoid được chỉ định trong nhiều loại bệnh từ đơn giản đến phức tạp, như: Suy thượng thận cấp tính và mãn tính; các bệnh liên quan đến dị ứng như hen, mề đay, choáng phản vệ; chống viêm; chống thải ghép với các trường hợp cấy ghép tạng; điều trị một số bệnh ung thư; một số bệnh về da (sẹo lồi, viêm da dị ứng, exima); một số dạng viêm khớp, giảm đau… Corticoid cũng có nhiều dạng dùng để uống, bôi, tiêm hoặc đặt (viên đặt trực tràng). Do Corticoid được chỉ định điều trị rộng, kết quả thấy ngay nên rất được các bác sĩ và bệnh nhân ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ phản tác dụng.


Khám sàng lọc trước khi tiêm Corticoid tại Bệnh viện E.

Các bệnh nhân viêm khớp thường được bác sĩ tiêm giảm đau tức thời ngay tại khớp. Theo GS, đó là thuốc gì và dùng nhiều có tác hại lâu dài không?

- Vô cùng nguy hiểm. Thuốc tiêm để giảm viêm khớp thường là K-cort, có tác dụng giảm đau ngay lập tức và kéo dài 3-4 ngày, có nghĩa Corticoid ở trong cơ thể 3-4 ngày, sẽ ngấm vào xương, vào máu và gây ra các tác dụng phụ. Corticoid gây ức chế, giảm tế bào tạo xương và tăng tế bào hủy xương nên những trường hợp dùng Corticoid kéo dài 4-5 năm có thể khiến xương xốp đến mức ấn mạnh là gãy và khó phục hồi.

Corticoid còn có các tác dụng phụ gì nữa, thưa ông?

- Bất cứ bệnh nào dùng Corticoid đều có tác dụng phụ. Mặc dù chỉ có khoảng 2% bệnh nhân dùng Corticoid bị tác dụng phụ là loét dạ dày – tá tràng nhưng nếu đã bị thì lại gây chảy máu cấp, khó cầm, nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là người cao tuổi. Corticoid có trong một số thuốc nhỏ mắt để chống viêm có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Corticoid dạng kem dùng để bôi có thể gây teo da, xơ cứng bì, viêm da, nếu bôi quá liều sẽ gây nên hội chứng Cushing mặt tròn như mặt trăng...

Corticoid có mặt trong một số thuốc điều trị bệnh cho trẻ nhỏ. Vậy Corticoid có gây tác dụng phụ với trẻ nhỏ không?

- Trẻ em sẽ bị tất cả các tác dụng phụ khác của Corticoid như ở người lớn. Đặc biệt, việc lạm dụng Corticoid ở trẻ em có thể làm giảm hoạt động hoóc môn tuyến giáp trạng, gây chậm lớn, ức chế hoạt động của tuyến sinh dục gây rối loạn kinh nguyệt ở bé gái và thay đổi nội tiết tố sinh dục ở bé trai. Xương trẻ yếu nên cũng dễ gây xốp xương hơn…

Để hạn chế các tác dụng phụ của Corticoid thì bệnh nhân cần có các chỉ định gì?

- Xưa nay các bác sĩ kê đơn thuốc thường không nhắc đến tác dụng phụ của thuốc nói chung và thuốc Corticoid nói riêng. Vì thế, để tránh việc bệnh nhân “thấy hiệu quả nên dùng mãi”, bác sĩ cần cảnh báo các tác dụng phụ của Corticoid cho bệnh nhân, khuyến cáo bệnh nhân không dùng quá liều, không tự mua thuốc, không dùng quá thời gian bác sĩ chỉ định. Các bệnh nhân không bao giờ được dùng Corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ.

Meo.vn (Theo Dân Việt)

Trẻ sinh non dễ bị động kinh

Theo một nghiên cứu mới đây, trẻ sinh quá sớm - được định nghĩa là từ tuần thứ 23 đến 31 của thai kỳ - dễ bị động kinh hơn gấp 5 lần so với những trẻ được sinh đủ tháng.

Nghiên cứu, dựa trên cơ sở dữ liệu y học của người Thụy Điển, cũng cho thấy rằng chỉ sinh sớm hơn vài tuần cũng làm tăng nguy cơ bị rối loạn động kinh khi trưởng thành. Trẻ được sinh từ cuối tuần 35 - 36 của thai kỳ có nguy cơ bị động kinh cao hơn 76% so với những trẻ được sinh từ tuần 37 - 42 của thai kỳ.

Trong nghiên cứu này, các tác nhà đã phân tích bệnh án khi trưởng thành của 630.090 người Thụy Điển được sinh trong khoảng từ năm 1973 đến 1979, xem xét các đợt nhập viện do động kinh và kê đơn thuốc chống động kinh trong khoảng từ năm 2005 - 2009.

Kết quả cho thấy tỉ số chênh đối với các trường hợp nhập viện do động kinh lần lượt là 4,98, 1,98 và 1,76 đối với những người được sinh từ tuần 23 đến 31, 32 - 34, và 35 - 36 của thai kỳ so với những người được sinh đủ tháng. Có mối liên quan tương tự song với xu hướng yếu hơn giữa sinh non và kê đơn các thuốc chống động kinh. Các mối liên quan trên vẫn giữa nguyên sau khi loại trừ những người bị liệt não, mắc bệnh tim mạch, mắc các bệnh viêm hệ thần kinh trung ương và u não.

Các kết quả này cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về hậu quả của sinh non.

Nghiên cứu được công bố trên số ra ngày 4/10 của tạp chí Neurology.

Meo.vn (Theo 123suckhoe)

Ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ

Có rất nhiều lý do dẫn tới ngộ độc thuốc ở trẻ em. Phần lớn, trẻ bị ngộ độc thuốc là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn. Khi ngộ độc, trẻ thường bị dị ứng, nặng hơn nữa là tổn thương gan, thận, sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những di chứng lâu dài.

Nguyên nhân gây ngộ độc thuốc ở trẻ em

Ở trẻ em, nguyên nhân bị ngộ độc nói chung và ngộ độc thuốc nói riêng có rất nhiều, nhưng chủ yếu ở đường tiêu hóa (ngoài ra còn do tiếp xúc, qua đường hô hấp, máu...), các tình huống ngộ độc chủ yếu xảy ra dưới các hình thức sau đây:

Ngộ độc không cố ý: Ngộ độc xảy ra do trẻ tự ăn, uống thuốc do cha mẹ để không cẩn thận, thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, chập chững biết đi (tuổi trung bình là 2,5 tuổi).

Ngộ độc do tự tử: Thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì (trên 10 tuổi). Những trẻ này cần phải được khám và tư vấn về mặt tâm lý và xã hội học.Ngộ độc do thầy thuốc gây ra: Một số trường hợp bị ngộ độc có thể do chỉ định sử dụng thuốc, liều lượng, đường dùng, phối hợp thuốc... chưa hợp lý. Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngộ độc xảy ra ngay cả khi dùng đúng liều, đúng chỉ định do cơ thể quá nhạy cảm đối với thuốc.

Lạm dụng thuốc và sự thiếu hiểu biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các tai nạn thuốc ở trẻ em là do sự thiếu hiểu biết của người lớn. Các bà mẹ theo thói quen tự đi mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của mình khi trẻ bị bệnh hoặc nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh... đã dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc hoặc dùng không đúng thuốc, không đúng liều hoặc đúng thuốc nhưng dùng quá liều mà không biết rằng thuốc có thể gây hại cho trẻ. Hơn nữa, tình trạng các bà mẹ tự ý bỏ hay tăng liều thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí có người còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống... dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc.

Ngoài ra, sự tương tác thuốc do dùng quá nhiều thuốc một lúc cũng gây ra ngộ độc thuốc, thậm chí làm thay đổi chức năng gan, gây độc thận... trong khi trẻ vẫn ăn, chơi bình thường, chỉ khi làm các xét nghiệm mới phát hiện ra. Trường hợp này người ta gọi là các tác hại khó thấy khi dùng đồng thời quá nhiều thuốc. Tốt nhất chỉ nên dùng ít thuốc nhất có thể được.

Biện pháp phòng ngừa

Ngộ độc thuốc là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ. Để phòng ngừa ngộ độc thuốc ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

- Phải dùng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác hay của người lớn cho trẻ.

- Thuốc nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín với bông chống ẩm, nút chặt và có nhãn mác ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng nhằm tránh hiện tượng thuốc biến chất và sử dụng nhầm thuốc.

- Thuốc phải được cất giữ xa tầm trẻ với để tránh việc trẻ tò mò tự ý lấy thuốc uống.- Không nên cho trẻ uống thuốc không rõ loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại thuốc Đông y bán dạo.

- Phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc như khó thở, mẩn ngứa, hôn mê, co giật…

- Trong trường hợp phát hiện trẻ tự uống thuốc với liều lượng lớn phải lấy thuốc ra từ trong miệng trẻ. Trong trường hợp trẻ lớn (trên 5 tuổi) nên gây nôn cho trẻ nếu trẻ uống thuốc trong vòng 30 phút và trẻ trong tình trạng tỉnh hoàn toàn sau đó chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

- Đối với bác sĩ khi kê đơn thuốc nhất thiết phải xem xét về tuổi, cân nặng. Cố gắng dùng ít nhất thuốc có thể, dùng thuốc từ thấp đến cao. Không được quan niệm là phải dùng nhiều thuốc, thuốc mới, đắt tiền mới khỏi bệnh. Dùng ít thuốc mà khỏi bệnh mới là tốt. Khi phải dùng nhiều thuốc phải xem xét các thuốc này có tương tác với nhau hay không. Khi kê đơn thuốc phải ghi rõ ràng, rành mạch tên thuốc, liều dùng, đặc biệt phải hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng thuốc cho người trong gia đình biết cách sử dụng khi cho trẻ uống thuốc. Người bán thuốc không được kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Tóm lại, trẻ ngộ độc thuốc phần lớn là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn nên về phía người nhà, gia đình của trẻ cần truyền thông, giáo dục cho họ có kiến thức trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ và trong vấn đề sử dụng thuốc. Không được để thuốc trong tầm với của trẻ. Khi trẻ bị ốm, cần cho trẻ đi khám bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

Meo.vn (Theo 123suckhoe)

Thuốc giảm đau làm tăng nguy cơ bị viêm phổi

Một nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng những người ở độ tuổi từ 65 - 94 nếu dùng thuốc giảm đau sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm phổi.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu sức khỏe và trường Đại học Washington (Mỹ).

Trưởng nhóm nghiên cứu TS Saacha Dublin phát biểu: “Trong các nghiên cứu tiến hành lên động vật, một số loại thuốc giảm đau như morphine, codein, fetanyl - những loại thuốc có hại cho hệ miễn dịch, cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi”.

TS Dublin và cộng sự đã đưa ra một giả thuyết rằng nhóm người dùng thuốc giảm đau và an thần có nguy cơ viêm phổi cao hơn so với người không sử dụng và nguy cơ này sẽ đạt đỉnh điểm khi các loại thuốc này chống lại hệ miễn dịch của cơ thể.

Để chứng minh cho giả thuyết trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra các bệnh nhân bị bệnh viêm phổi từ năm 2000 - 2003 cùng với những người không mắc bệnh.

Kết quả ghi lại cho thấy, trong các trường hợp bị viêm phổi có 13,9 % là dùng thuốc giảm đau và 8,4% là dùng thuốc an thần, trong khi đối với những người không mắc bệnh con số này tương ứng là 8% và 4,6%.

“Kết quả nghiên cứu giúp có cái nhìn rõ ràng hơn về mối liên quan giữa việc kê đơn thuốc giảm đau và chứng nhiễm trùng”, bà Dublin nhấn mạnh. Nghiên cứu này được đăng tải trên tại chí American Geriatrics Society.

Meo.vn (Theo Dantri)

Mua thuốc như mua… kẹo!

Nhiều bác sĩ, nhà quản lý dược đã phải thốt lên như vậy trước tình trạng hiện nay người dân đang tự làm “thầy thuốc” kê đơn cho chính mình và dùng thuốc không cần kê đơn một cách... tùy hứng!
Tự kê, “ké” đơn thuốc

Tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), một khách hàng đến mua một lọ Terpicod. Hỏi ra mới biết, con gái (12 tuổi) của chị hục hặc ho từ hôm qua nên chị chạy ra mua thuốc về cho con uống.

Còn lý do người mẹ này chọn Terpicod trong vô vàn những loại thuốc ho khác là vì “dì cháu mấy lần bị ho uống có loại thuốc này thấy rất nhanh hết”.


Người dân có thể dễ dàng tự ý mua hơn 250 loại thuốc không kê đơn tại các nhà thuốc - Ảnh: Nguyên Mi

Một người mẹ khác lại đến mua chai thuốc nhỏ mũi Nasoline về nhỏ cho bé con ở nhà đang nghẹt mũi. Sẵn tiện, chị mua luôn vỉ thuốc Paracetamol… “để dành” khi cháu có sốt thì có thuốc “cấp cứu” kịp.

Quan sát tại nhà thuốc này dễ dàng nhận thấy, người đến mua đủ loại thuốc, hầu như không có toa, đa phần là các thuốc bệnh thông thường như: thuốc ho, đau bụng, nhỏ mũi, hạ sốt,…

Có người tự nói tên thuốc muốn mua, có người có toa của bác sĩ, có người chỉ mô tả bệnh sơ sơ rồi nhân viên nhà thuốc sẽ tư vấn bán thuốc.

Chị Bạch Vân, nhà ngay trên đường Nguyễn Hữu Cầu (Q.1, TP.HCM), gần Chợ Tân Định, cho biết: “Mấy hôm nay, con nhỏ em có triệu chứng đau quặn bụng, ăn vô cứ nhợn nhợn lên tới cổ, tức ngực, khó chịu. May mà có chị nhà kế bên cho toa thuốc, nói chồng chỉ trước cũng vậy, đi khám bác sĩ kê toa này, uống hết”.

Chị đưa cho nhân viên bán thuốc một đơn thuốc ngoằn ngoèo nét chữ, được kê từ cuối năm 2010.

Khi được hỏi, đơn thuốc kê không đúng người, sao nhà thuốc vẫn bán, nhân viên nhà thuốc cho biết: “Người ta đem đơn thuốc tới đòi bán vậy thì mình đành chịu. Còn các loại thuốc trong danh mục thuốc không kê toa, thì nhà thuốc có quyền bán thoải mái cho người dân, đúng như quy định ngành y tế cho phép”.

Mua nhầm "kẹo đắng"

“Việc sử dụng thuốc tùy tiện sẽ dẫn đến nhiều tác hại, nhất là thuốc kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh không cần thiết sẽ làm bệnh nhân lờn thuốc và những lần nhiễm trùng tới rất khó điều trị”, Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Cố vấn hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo.


Trẻ em cần được thận trọng khi cho dùng thuốc - Ảnh: Nguyên Mi

Với trường hợp mua thuốc nhỏ mũi như trên, bác sĩ Cam cho biết: Các loại thuốc như Nasoline, có chất gây co mạch máu. Thuốc này dùng cho người lớn, khi nhỏ thuốc cho trẻ em, trẻ có thể bị co mạch toàn thân, khó thở.

Tương tự, thuốc ho thường có codeine (trong thuốc Terpicod cũng có), trẻ nhạy cảm với thành phần này uống vô có thể dẫn đến tình trạng mê man, ngừng thở và phải chở đi cấp cứu.

Theo quy định của Bộ Y tế: “Thuốc không kê đơn (hay còn gọi là thuốc OTC) là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc”. Trong danh mục có đến hơn 250 loại thuốc không kê đơn. Trong đó, bao gồm những thuốc giảm đau, hạ nhiệt trị cảm sốt, thuốc trị ho, trị tiêu chảy, trị táo bón hay thuốc bổ là vitamin, chất khoáng và có cả những loại kháng sinh...

Như thế, trên nguyên tắc, người dân có thể tự mua những loại thuốc này tại tất cả các nhà thuốc.


Thuốc không phải là... kẹo - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Thị Diễm Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI - ADR) khu vực phía Nam, vấn đề cần được quan tâm là cùng một loại thuốc nhưng hiệu quả điều trị cũng như phản ứng có hại của thuốc không phải lúc nào cũng giống nhau đối với tất cả mọi người. Có nhiều yếu tố đưa đến sự khác biệt này như: tuổi, cơ địa, tiền sử bệnh của từng người, có nhiều bệnh phối hợp khác nhau, sự tương tác thuốc do kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc, liều lượng thuốc và thời gian điều trị…

Bên cạnh đó, bác sĩ Cam cho biết, thêm một cái khó là hiện nay nhiều loại thuốc không chỉ có một tác dụng mà nhà sản xuất thường phối hợp nhiều thứ trong cùng một viên thuốc.

Tất cả những điều này người dân không thể tiên lượng được.

Đặc biệt, với trẻ em, bác sĩ Cam nhấn mạnh: “Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Vì vậy, không thể lấy thuốc dùng cho người lớn rồi chia nhỏ liều để dùng cho trẻ em. Một số loại thuốc của người lớn không dùng được cho trẻ em”.

“Không nên tự ý mua thuốc, uống thuốc. Tốt nhất là dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ”, cả bác sĩ Cam và Thủy đều có cùng quan điểm khuyến cáo người dân.

Những chú ý khi dùng thuốc

- Người bệnh không nên: tự đi mua thuốc, bắt chước uống thuốc theo toa của người khác, nghe theo lời giới thiệu của người khác.

- Đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng thuốc đối với phụ nữ có thai, người có tiền sử dị ứng thuốc, mắc các bệnh mạn tính đặc biệt. Trong những trường hợp này, bệnh nhân phải tự giác khai với thầy thuốc.

- Sử dụng ít thuốc, nếu có thể được.

- Không lạm dụng chích thuốc, truyền dịch khi không thật sự cần thiết. (Bác sĩ Lê Thị Diễm Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR) khu vực phía Nam)

-  Đối với trẻ em, không được dùng thuốc của người lớn chia nhỏ ra cho trẻ sử dụng.

- Thuốc dùng cho trẻ em phải tính theo liều, theo trọng lượng của cơ thể.

- Cho dù có uống thuốc theo toa của bác sĩ, có chỉ định, phụ huynh vẫn cần theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ sau khi dùng thuốc. Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như ngứa, nổi mẩn đỏ thì phải ngưng thuốc ngay, đến gặp và hỏi lại ý kiến của bác sĩ. (Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Cố vấn hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM)

Meo.vn (Theo TNO)

Trẻ em ngộ độc thuốc – Lỗi của người lớn

Có rất nhiều lý do dẫn tới ngộ độc thuốc ở trẻ em. Phần lớn, trẻ bị ngộ độc thuốc là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn. Khi ngộ độc, trẻ thường bị dị ứng, nặng hơn nữa là tổn thương gan, thận, sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những di chứng lâu dài.

Nguyên nhân gây ngộ độc thuốc ở trẻ em

Ở trẻ em, nguyên nhân bị ngộ độc nói chung và ngộ độc thuốc nói riêng có rất nhiều, nhưng chủ yếu ở đường tiêu hóa (ngoài ra còn do tiếp xúc, qua đường hô hấp, máu...), các tình huống ngộ độc chủ yếu xảy ra dưới các hình thức sau đây:

Ngộ độc không cố ý: Ngộ độc xảy ra do trẻ tự ăn, uống thuốc do cha mẹ để không cẩn thận, thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, chập chững biết đi (tuổi trung bình là 2,5 tuổi).

Ngộ độc do tự tử: Thường xảy ra ở tuổi tiền dậy thì (trên 10 tuổi). Những trẻ này cần phải được khám và tư vấn về mặt tâm lý và xã hội học.

Ngộ độc do thầy thuốc gây ra: Một số trường hợp bị ngộ độc có thể do chỉ định sử dụng thuốc, liều lượng, đường dùng, phối hợp thuốc... chưa hợp lý. Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngộ độc xảy ra ngay cả khi dùng đúng liều, đúng chỉ định do cơ thể quá nhạy cảm đối với thuốc.

Lạm dụng thuốc và sự thiếu hiểu biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các tai nạn thuốc ở trẻ em là do sự thiếu hiểu biết của người lớn. Các bà mẹ theo thói quen tự đi mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của mình khi trẻ bị bệnh hoặc nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh... đã dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc hoặc dùng không đúng thuốc, không đúng liều hoặc đúng thuốc nhưng dùng quá liều mà không biết rằng thuốc có thể gây hại cho trẻ. Hơn nữa, tình trạng các bà mẹ tự ý bỏ hay tăng liều thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí có người còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống... dẫn đến nguy cơ ngộ độc thuốc.

Ngoài ra, sự tương tác thuốc do dùng quá nhiều thuốc một lúc cũng gây ra ngộ độc thuốc, thậm chí làm thay đổi chức năng gan, gây độc thận... trong khi trẻ vẫn ăn, chơi bình thường, chỉ khi làm các xét nghiệm mới phát hiện ra. Trường hợp này người ta gọi là các tác hại khó thấy khi dùng đồng thời quá nhiều thuốc. Tốt nhất chỉ nên dùng ít thuốc nhất có thể được.


Phần lớn các trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc là do người lớn vô ý và thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Biện pháp phòng ngừa

Ngộ độc thuốc là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ. Để phòng ngừa ngộ độc thuốc ở trẻ em, các bậc cha mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:

- Phải dùng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác hay của người lớn cho trẻ.

- Thuốc nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín với bông chống ẩm, nút chặt và có nhãn mác ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng nhằm tránh hiện tượng thuốc biến chất và sử dụng nhầm thuốc.

- Thuốc phải được cất giữ xa tầm trẻ với để tránh việc trẻ tò mò tự ý lấy thuốc uống.

- Không nên cho trẻ uống thuốc không rõ loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại thuốc Đông y bán dạo.

- Phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi uống thuốc như khó thở, mẩn ngứa, hôn mê, co giật…

- Trong trường hợp phát hiện trẻ tự uống thuốc với liều lượng lớn phải lấy thuốc ra từ trong miệng trẻ. Trong trường hợp trẻ lớn (trên 5 tuổi) nên gây nôn cho trẻ nếu trẻ uống thuốc trong vòng 30 phút và trẻ trong tình trạng tỉnh hoàn toàn sau đó chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

- Đối với bác sĩ khi kê đơn thuốc nhất thiết phải xem xét về tuổi, cân nặng. Cố gắng dùng ít nhất thuốc có thể, dùng thuốc từ thấp đến cao. Không được quan niệm là phải dùng nhiều thuốc, thuốc mới, đắt tiền mới khỏi bệnh. Dùng ít thuốc mà khỏi bệnh mới là tốt. Khi phải dùng nhiều thuốc phải xem xét các thuốc này có tương tác với nhau hay không. Khi kê đơn thuốc phải ghi rõ ràng, rành mạch tên thuốc, liều dùng, đặc biệt phải hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng thuốc cho người trong gia đình biết cách sử dụng khi cho trẻ uống thuốc. Người bán thuốc không được kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Tóm lại, trẻ ngộ độc thuốc phần lớn là do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn nên về phía người nhà, gia đình của trẻ cần truyền thông, giáo dục cho họ có kiến thức trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ và trong vấn đề sử dụng thuốc. Không được để thuốc trong tầm với của trẻ. Khi trẻ bị ốm, cần cho trẻ đi khám bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

ThS. BS. Nguyễn Bạch Đằng

Meo.vn (Theo SK&ĐS)