Lưu trữ cho từ khóa: đơn thuốc

Hiểu và vượt qua chứng trầm cảm sau sinh

(Webtretho) Những ngày sau khi sinh em bé, các bà mẹ bỗng trở nên vui, buồn bất chợt, dễ rơi nước mắt, tủi thân, hay lo âu, chán ăn, khó ngủ... đó chính là những biểu hiện của chứng trầm cảm sau sinh. 

Hiểu về trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là bệnh mô tả một loạt những biểu hiện suy giảm về tinh thần lẫn thể chất, xảy ra với một số sản phụ trong thời kỳ hậu sản. Triệu chứng có thể xuất hiện vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau sinh, có thể xảy ra sau bất cứ lần sinh nào, không chỉ có ở đứa con đầu, có thể tự bớt trong một khoảng thời gian ngắn hoặc cũng có thể kéo dài.

Nếu sau khi sinh bé, mẹ cảm thấy suy sụp và bắt đầu có những ý nghĩ tiêu cực về bản thân và con, rất có thể mẹ đang ở trong tình trạng trầm cảm sau sinh. Ảnh: Inmagine.

Trầm cảm sau sinh có thể ở mức độ nhẹ qua những biểu hiện như tâm trạng đau buồn, suy sụp sau sinh, đánh giá thấp bản thân. Một số trường hợp biểu hiện ở mức độ nguy hiểm như có ý tưởng muốn tự sát hoặc những hành động làm chết chính con mình. Trầm cảm sau sinh dễ làm người phụ nữ mất khả năng chăm sóc trẻ an toàn, và nếu không điều trị, các triệu chứng có thể ngày càng xấu hơn và kéo dài thậm chí cả năm. Những bé có mẹ bị trầm cảm thường có nguy cơ phát triển không tốt về sức khỏe cũng như tâm lý về sau. 

Có vài yếu tố kết hợp làm tăng bệnh suất như: sinh con ở tuổi thành niên (dưới 20 tuổi), bà mẹ đơn thân hoặc sinh con ngoài ý muốn, mẹ hút thuốc lá hoặc có sử dụng thuốc gây nghiện trong thai kỳ. Trầm cảm sau sinh còn thường xuất hiện ở những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, thất nghiệp, không hài lòng với công việc, cô độc, không được giúp đỡ, có mối quan hệ không tốt với cha đứa trẻ hoặc người thân, hoặc gặp phải biến cố tâm lý lớn trong thời gian mang thai (như mất người thân)...

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những yếu tố nguy cơ về tiền sử sản khoa đã đóng vai trò đáng kể trong việc hình thành những rối loạn trên như: tiền căn khi có thai, sẩy thai, tình trạng phát triển của một thai kỳ khó khăn từ các bệnh lý của mẹ và từ sự phát triển không bình thường của thai nhi như thai dị tật, thai suy dinh dưỡng, sanh con nhẹ cân.

Các triệu chứng điển hình của trầm cảm sau sinh

Triệu chứng của trầm cảm sau sinh cũng tương tự với triệu chứng của bệnh trầm cảm (rối loạn trầm cảm) gặp phải ở những thời điểm khác trong cuộc sống:

  • Khí sắc trầm cảm: Người bệnh hay than phiền rằng mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc "không còn tha thiết điều gì nữa".
  • Mất hứng thú với bất kỳ hình thức hoạt động nào mà trước đó họ rất thích như hoạt động tình dục, sở thích các công việc hàng ngày.
  • Ăn mất ngon: khoảng 70% có triệu chứng này và kèm theo sụt cân.
  • Rối loạn giấc ngủ: khoảng 80% bệnh nhân than phiền có một loại rối loạn nào đó của giấc ngủ.
  • Rối loạn tâm thần vận động: khoảng 50% bệnh nhân trở nên chậm chạp, trì trệ.
  • Mất sinh lực: hầu hết biểu hiện mệt mỏi mặc dù không làm gì nhiều, đa số bệnh nhân mô tả cảm giác cạn kiệt sức lực.

    Ngoài chán nản, cảm giác kiệt quệ dai dẳng là dấu hiệu thường gặp của chứng trầm cảm. Ảnh: Inmagine.

  • Mặc cảm, tự ti, thấy mình vô dụng và có lỗi: đánh giá thấp bản thân, thường tự trách mình và khuếch đại các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình. Nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng thậm chí có cả ảo giác.
  • Thiếu quyết đoán và giảm tập trung: 50% bệnh nhân than phiền suy nghĩ của mình quá chậm, tập trung kém và rất đãng trí. Ứng xử trở nên lúng túng do họ không thể đưa ra các quyết định.
  • Ý tưởng tự sát: nghĩ về cái chết, 1% bệnh nhân trầm cảm tự sát trong vòng 12 tháng kể từ khi phát bệnh; với các trường hợp tái diễn, 15% chết do tự sát.
  • Lo âu: căng thẳng nội tâm, lo sợ, đánh trống ngực, mạch nhanh, cồn cào bao tử. Các triệu chứng lo âu và trầm cảm đi kèm và đôi khi rất khó phân biệt.
  • Triệu chứng cơ thể: đau đầu, đau lưng, chuột rút, buồn nôn, táo bón, thở nhanh, thở sâu, đau ngực. Thường các triệu chứng này làm bệnh nhân trầm cảm đến với các cơ sở khám bệnh đa khoa thay vì tâm thần.
  • Các triệu chứng thường gặp như bồn chồn, khó chịu và dễ kích động, khó ngủ, mệt mỏi và những than phiền về cơ thể. Cảm xúc không ưa trẻ hay nghi ngờ trẻ cũng là những triệu chứng thường gặp và là triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ bị trầm cảm.

Một bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng có thể có các triệu chứng và biểu hiện sau sau:

  • Không thể tự chăm sóc cho bản thân và chăm sóc cho em bé.
  • Sợ hãi khi ở một mình cùng con.
  • Có những cảm xúc và ý nghĩa tiêu cực về con, thậm chí có suy nghĩ đến việc làm tổn hại chính con mình. Tuy những xúc cảm này là đáng sợ nhưng hầu hết họ sẽ không thực hiện. Gia đình cần phát hiện sớm để người mẹ được điều trị tâm lý kịp thời.
  • Lo lắng quá nhiều về bé hoặc tỏ ra không đoái hoài gì đến bé.

Chẩn đoán và điều trị

Các lời khuyên hữu ích cho bà mẹ trầm cảm sau sinh:

  • Yêu cầu bạn đời, người thân và bạn bè giúp chăm sóc bé và làm việc nhà.
  • Đừng che giấu cảm xúc với những người thân yêu nhất.
  • Không thực hiện những thay đổi lớn trong thời gian mang thai và ngay sau sinh (như chuyển việc, chuyển nhà... )
  • Đừng cố làm quá nhiều và quá cầu toàn.
  • Dành thời gian riêng tư với bạn đời hoặc đi thăm người thân.
  • Nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào có thể và hãy cố ngủ khi em bé ngủ.

Trầm cảm sau sinh có thể điều trị bằng thuốc và qua sự giúp đỡ, hướng dẫn, tư vấn về tâm lý từ thầy thuốc và những người thân. Nhiều bà mẹ thường biểu hiện những triệu chứng trầm cảm kéo dài nhiều tháng trước khi bắt đầu điều trị. Mặc dù những triệu chứng trầm cảm có thể tự khỏi, nhưng nhiều bà mẹ vẫn còn trầm cảm đến một năm sau khi sinh con.

Trầm cảm sau sinh không thể được chẩn đoán chỉ qua một xét nghiệm đơn giản, hơn nữa bệnh còn có các triệu chứng tương đồng với một số bệnh khác, do vậy, bệnh nhân cần được xét nghiệm để loại trừ các bệnh trước khi có thể chẩn đoán mắc trầm cảm. Cùng vì thế, trầm cảm sau sinh thường được chẩn đoán ở cơ sở y tế thông thường chứ không phải là trong một phòng khám chuyên khoa tâm thần. Bên cạnh việc đánh giá các biểu hiện đặc trưng của trầm cảm, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân trả lời một bảng hỏi để kiểm tra về xúc cảm, suy nghĩ và tâm lý.

Nếu được chẩn đoán trầm cảm, bạn sẽ được theo dõi ít nhất 6 tháng. Với các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ lưu ý để kê đơn thuốc trầm cảm đặc biệt có thể áp dụng cho bà mẹ đang cho con bú. Y bác sĩ nơi bạn thăm khám cũng có thể cho bạn lời khuyên khi nào nên đi khám tâm thần và còn có thể giới thiệu địa chỉ khám phù hợp cho bạn. 

Để khỏi hoàn toàn rối loạn tính khí, bất chấp có yếu tố thúc đẩy, việc điều trị bằng thuốc và/ hoặc liệu pháp choáng điện và liệu pháp tâm lý là cần thiết.

Thiền định giúp con người trị đau

Trong ngôn ngữ Việt Nam, từ “đau khổ” được dùng để chỉ trạng thái bất như ý, khó chịu và buồn phiền cùng cực. Từ “đau khổ” cũng cho thấy đau đớn đưa đến khổ, một cái khổ ghê gớm là bị đau và đau thể xác sẽ gắn với đau về mặt tinh thần.

Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu về Đau (International Association for the Study of Pain) vào năm 1979 đã cho định nghĩa về đau gắn liền với khổ như sau: “Đau là một kinh nghiệm khó chịu về mặt cảm giác (sensory) và cảm xúc (emotinal) liên quan đến tổn thương có thật trong cơ thể hoặc tổn thương tiềm tàng hoặc được mô tả như có tổn thương!”. Định nghĩa cho thấy, đau không chỉ là cảm giác mà còn là phức hợp gồm cảm giác, nhận thức, tình cảm, tâm lý.

Thuốc trị đau: chưa hoàn hảo

Đau là triệu chứng thường hay gặp ở người bệnh. Khi bị đau, phản ứng tự nhiên của con người là tìm cách giảm và hết đau. Vì vậy, thuốc giảm đau là loại thuốc được dùng thường xuyên và phổ biến nhất. Từ xưa cho đến nay và mãi về sau, con người vẫn phải chữa đau bằng thuốc. Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm ra loại thuốc giảm đau nào hoàn toàn không có tác dụng phụ có hại. Nếu một loại thuốc giảm đau nào không gây nghiện như nghiện ma túy (morphin là thuốc giảm đau rất tốt nhưng chính nó nếu dùng ngoài mục đích điều trị y khoa thì đó là ma túy) thì hoặc thuốc đó gây hại dạ dày (như aspirin) hoặc hại gan (như paracetamol) hoặc làm khởi phát hen suyễn, làm tăng huyết áp… Khổ nỗi, khi bị đau là người ta tìm cách thoát khỏi cơn đau ngay bằng cách dùng thuốc và lạm dụng thuốc giảm đau đưa đến bị tai biến do thuốc giảm đau ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.


Ảnh minh họa

Để giúp việc sử dụng thuốc giảm đau hợp lý và giảm thiểu các tai biến do thuốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề ra 3 bậc thang dùng thuốc giảm đau như sau:
Bậc 1 là khi đau nhẹ và vừa, ta nên dùng thuốc giảm đau thông thường mua không cần có đơn thuốc của bác sĩ (gọi là thuốc OTC, viết tắt của Over The Counter, tức thuốc mua tại quầy) là paracetamol hoặc thuốc nằm trong nhóm có tên gọi chung là thuốc chống viêm không steroid (viết tắt là NSAID, gồm có: aspirin, ibuprofen, diclofenac…). Nếu dùng thuốc giảm đau bậc 1 là paracetamol hay aspirin không cải thiện đau có nghĩa người bệnh bị đau ở bậc cao hơn tức nặng ở bậc 2 hoặc đau dữ dội như đau ung thư là đau bậc 3. Lúc này phải dùng đến thuốc giảm đau là loại gây nghiện có nguồn gốc thuốc phiện với loại gây nghiện trung bình như codein hoặc loại gây nghiện mạnh như morphin. Thuốc giảm đau bậc 2 và 3 có tính chất gây nghiện bắt buộc phải để cho bác sĩ điều trị chỉ định, tức là chỉ dùng khi có đơn thuốc được ghi bởi bác sĩ.

Trị đau bằng thiền định

Trong điều trị nhiều bệnh, ngoài việc dùng thuốc còn có phương thức trị liệu gọi là không dùng thuốc. Biện pháp không dùng thuốc thường không có tác dụng trị liệu nhanh và mạnh như biện pháp dùng thuốc nhưng bù lại, đây là biện pháp không hoặc rất ít gây hại. Biện pháp không dùng thuốc thường được dùng trước tiên, khi tỏ ra không hiệu quả, người ta mới dùng đến thuốc. Trong điều trị đau hiện nay, người ta có dùng thêm biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, vật lý trị liệu, tiếp cận tâm lý… Và luôn có sự mong muốn tìm được một biện pháp không dùng thuốc nào đó nếu không thay thế hẳn thì cũng giúp giảm liều đáng kể thuốc giảm đau nhằm không bị tác dụng có hại của loại thuốc này. Hiện nay người ta đang kỳ vọng vào một biện pháp không dùng thuốc là thực hành thiền định và bắt đầu có chứng cứ xác định tác dụng kỳ diệu của biện pháp này.

Trong tạp chí Khoa học Não bộ số ra ngày 6/4/2011 đã đăng bài đề cập thử nghiệm lâm sàng chứng minh thiền định giúp giảm đau với các hình ảnh chụp não bộ rất rõ ràng. Bài báo khoa học này có tên : “Cơ chế của não bộ cho thấy thiền định làm thay đổi sự đau”.

Công trình nghiên cứu kể trên được thực hiện bởi các nhà khoa học của Khoa Sinh học Não bộ và Giải phẫu, Khoa Thao tác Y sinh học (trường Đại học Y khoa Wake Forest, Winston Salem, North Carolia) và Khoa Tâm lý (trường Đại học Marquette, Milwaukee, Wiscosin). Đây là thử nghiệm lâm sàng thử trên 15 người tình nguyện khỏe mạnh, gồm 6 nam, 9 nữ độ tuổi từ 23 đến 35, có 14 người da trắng và 1 da vàng châu Á.

Các nhà nghiên cứu trong công trình này đã dùng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến là fMRI (functional magnetic resonance imaging) và PASL MRI (pulsed arterial spin labeled MRI) để chứng minh sự giảm đau do thực hiện thiền định liên kết với hình ảnh rõ ràng của các biến đổi ở những vùng khác nhau của não bộ. Nội dung thử nghiệm gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn chuẩn bị tâm lý: người tình nguyện làm quen với việc kích thích gây đau bằng nhiệt (từ 350C tăng dần 490C) và giúp ghi cách đánh giá thang tâm lý do cường độ đau gây ra từ “cảm giác không đau ” hay “không khó chịu chút nào” đến mức đau nhất là “khó chịu gần như không chịu nổi” (most unpleasant imaginable).

- Giai đoạn đo MRI lần 1 (trước khi tập thiền định): giai đoạn này lại chia ra làm 2: nửa giai đoạn đầu MRI lần 1, người thử nghiệm tập “nhắm mắt và nằm im” đồng thời chịu kích thích nhiệt và được đo MRI; nửa giai đoạn sau MRI lần 1, người thử nghiệm tập “chú ý theo dõi hơi thở”, đồng thời chịu kích thích nhiệt và được đo MRI. Ngoài đo MRI, mức độ tâm lý chịu đau cũng được đánh giá, đây được xem là giai đoạn đối chứng (chưa biết về thiền định) với giai đoạn sau là giai đoạn thực hành thiền định.

- Giai đoạn tập thiền định: kéo dài 4 ngày, mỗi ngày người thử nghiệm có 20 phút tập thiền định Shamatha dưới sự hướng dẫn của thiền giả đã có ít nhất 10 năm thực hành thiền định. Đặc biệt vào 2 ngày cuối, người thử nghiệm tập thiền định trong âm thanh của máy đo MRI để điều kiện thử nghiệm giống như thử nghiệm giai đoạn cuối.

- Giai đoạn đo MRI lần 2 (trong khi thực hành thiền định): trong giai đoạn này, người thử nghiệm không chỉ “nhắm mắt, nằm im”, “tập trung chú ý hơi thở như khi chưa tập thiền định” mà còn thực hành thiền định Shamatha như đã tập khi phải chịu đau do kích thích nhiệt. Việc đo MRI và đánh giá tâm lý ở các mức độ đau khác nhau cũng giống như giai đoạn MRI lần 1.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, “nhắm mắt, nằm im” hay “tập trung chú ý hơi thở khi chưa tập thiền định” không làm giảm đau, chỉ có thiền định mới giúp giảm đau. Thiền định đã giúp làm giảm đau đến 57% dựa vào thang đánh giá mức độ đau (tức đau bình thường là 100% thì đau ở trạng thái thiền định chỉ còn 43%). Đặc biệt, nhờ kỹ thuật đo MRI các tác giả đã xác định rất rõ ràng các vùng não bộ chịu trách nhiệm về cảm giác đau và khi giảm đau thì những vùng này có sự thay đổi hình ảnh rất cụ thể.

Có thể nói, công trình nghiên cứu thiền định giúp trị đau mở ra triển vọng tìm được phương thức giảm đau không gây tai biến như dùng thuốc mà loài người mơ ước từ lâu. Không những thế, công trình bước đầu cho thấy con người có thể giải mã phần nào cái gọi là “thần diệu bất khả tri” của thiền định. Kinh nghiệm thiền định không chỉ người nào thực hành người đó biết mà còn có thể chứng minh cho người khác biết bằng tiến bộ của khoa học.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Hiến kế để người Việt tin dùng thuốc Việt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Chính phủ phát động tháng 8/2010 nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Thuốc chữa bệnh cũng không nằm ngoài cuộc vận động này

Thực trạng

So với hơn chục năm trước, các cơ sở sản xuất thuốc nội tăng 200% (năm 1997 có 90 cơ sở; năm 2010 có 180 thì 103 cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP), đáp ứng 48,03% nhu cầu thuốc của cả nước.

Việc sản xuất thuốc ở các cơ sở này vẫn còn trùng lặp, chủ yếu sản xuất thuốc thông thường. Năm 2010 khoảng 10.000 số đăng ký còn hiệu lực nhưng chỉ có 500 hoạt chất (trong khi thuốc ngoại nhập có trên 10.000 số đăng ký còn hiệu lực nhưng có khoảng hơn 10.000 hoạt chất, chủ yếu là thuốc đặc trị, đắt tiền). 

Khả năng đánh giá chất lượng thuốc bằng cách thử tương đương sinh học (TĐSH) các loại thuốc generic (thuốc hết thời hạn bảo hộ phát minh) của Viện Kiểm nghiệm thuốc Quốc gia còn hạn chế (do thiếu máy móc phương tiện và thuốc mẫu đối chiếu) nên mới có khoảng 76 loại thuốc được cấp chứng nhận TĐSH  (Viện Kiểm nghiệm Hà Nội và TP.HCM). Rất nhiều thuốc của các cơ sở sản xuất còn phải xếp hàng chờ thử TĐSH để được cấp số đăng ký mới.

Các thầy thuốc điều trị tại các bệnh viện chưa thích thuốc nội vì nhiều lý do; một trong số đó là còn nhiều người chưa tin tưởng chất lượng thuốc nội (chưa có chứng nhận TĐSH). Bên cạnh đó còn có một thực tế: thuốc ngoại chi hoa hồng lớn cho bác sĩ kê đơn thuốc và thực phẩm chức năng (cuối tháng nhà thuốc tính hoa hồng kê đơn cho bác sĩ rồi chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, nên chỉ có “trời” biết. Đến nay mới có một trường hợp bị phạt vì kê đơn thực phẩm chức năng cùng với thuốc).


Một dây chuyền sản xuất thuốc trong nước.

Những bất cập tồn tại

Việc quản lý kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng (sản xuất và bán lẻ) còn nhiều bất cập:

Cùng một hoạt chất nhưng hàm lượng nhỏ hơn, giá đắt hơn, lại là thực phẩm chức năng (vitamin C,…). Cùng công thức một bài thuốc, trước kia là thuốc nay là thực phẩm chức năng, giá cao hơn (vì thực phẩm chức năng chỉ cần công bố tiêu chuẩn, không có “tiền kiểm”, “hậu kiểm” như thuốc. Chất lượng nguyên liệu không phải theo Dược điển Việt Nam…). Quản lý giá bán theo “tự kê khai” nên giá bán mỗi nơi một khác, người bệnh không có điều kiện “đi khảo giá” xem chỗ nào rẻ để mua; chưa tôn vinh thuốc Việt có chứng nhận “Tương đương sinh học”, có đánh giá “tác dụng lâm sàng” để thầy thuốc và người bệnh biết để tin dùng thuốc Việt và giảm chi so với thuốc ngoại cùng loại.

Và đề xuất

Muốn người bệnh và thầy thuốc tin dùng thuốc Việt thì:

Cơ sở sản xuất: Phải sản xuất thuốc có chất lượng tương đương thuốc ngoại; giá rẻ hơn thuốc ngoại. Phải thông tin đầy đủ về chất lượng và giá lẻ đến người dùng (tránh tình trạng “áo gấm đi đêm” như hiện nay; 76 thuốc có chứng nhận TĐSH, mà bác sĩ, dược sĩ chưa biết tên là thuốc gì? Nơi nào sản xuất? Giá lẻ bao nhiêu?).

Cơ quan quản lý: Thống nhất quản lý thuốc và thực phẩm chức năng vào một đầu mối. Tăng cường kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất (thuốc và thực phẩm chức năng). Tăng cường máy móc phương tiện hiện đại cho các trung tâm kiểm nghiệm TĐSH thuốc. Không cho nhập các loại thuốc có TĐSH như thuốc nội. Phạt nặng (phạt tiền hoặc đuổi việc) bác sĩ ăn hoa hồng kê đơn thuốc ngoại và thực phẩm chức năng.

DS. Trần Xuân Thuyết

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Thuốc tiểu đường ngừa ung thư buồng trứng

Một loại thuốc dùng để chữa bệnh tiểu đường típ 2 có thể là một liệu pháp mang tính đột phá trong việc ngăn chặn ung thư buồng trứng.

Cuộc nghiên cứu trên 1.600 phụ nữ Anh cho thấy, uống metformin trong thời gian dài có thể làm giảm 40% rủi ro mắc bệnh ung thư buồng trứng.

Nhóm chuyên gia thuộc Đại học Basel (Thụy Sĩ) phát hiện những người được kê đơn thuốc này, vốn được sử dụng ở dạng viên, ít nhất 10 lần để chữa bệnh tiểu đường ít có nguy cơ phát triển khối u hơn so với những người không dùng thuốc hoặc được kê đơn thuốc này ít hơn 10 lần.


Metformin thuộc một nhóm thuốc gọi là biguanide, vốn được sử dụng nhiều chục năm nay để chữa tiểu đường thể 2, dạng bệnh thường tác động đến những người trong độ tuổi trung niên và tuổi già.

Nó phát huy hiệu quả bằng việc giảm glucose do gan tạo ra và giúp các tế bào “thu dọn” đường lưu chuyển trong dòng máu.

Điều này giúp ngăn ngừa tổn thương từ mức đường huyết quá cao. Nó cũng có thể làm giảm sự thèm ăn và hạ mức chất béo nguy hiểm trong máu.

Nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ đã xác định 1.611 trường hợp ung thư buồng trứng và so sánh từng trường hợp với ít nhất 6 phụ nữ khác cùng độ tuổi, nhằm đánh giá việc sử dụng thuốc tiểu đường.

Kết quả cho thấy những phụ nữ dùng metformin trong thời gian dài có rủi ro bị khối u trong trứng thấp hơn 39%.

Nhiều người nghĩ rằng loại thuốc trên chống ung thư bằng cách hạn chế sự tăng trưởng của các tế bào khối u, hoặc hạ thấp mức insulin, vốn có thể thúc đẩy hành vi “giống ung thư” trong những tế bào lành mạnh khi nó ở mức quá cao.

Tuy nhiên, loại thuốc trên có những tác dụng phụ từ buồn nôn đến một tình trạng hiếm hoi nhưng có khả năng gây tử vong gọi là lactic acidosis (nhiễm a-xít lactic), tức tình trạng các tế bào của cơ bị đói ô-xy.

“Nếu các kết quả này có thể được xác nhận, loại thuốc trên có thể đóng vai trò trong việc ngăn ngừa nhiều loại ung thư khác nhau”, giáo sư Christoph Meier, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san Gynaecologic Oncology.

Meo.vn (Theo Thanhnien)

Đừng tin vào sự “thần diệu” của kháng sinh

Theo khảo sát của Cơ quan bảo vệ sức khỏe (HPA), 1/4 người dân Anh có tư tưởng sai lầm khi tin rằng thuốc kháng sinh có thể trị ho và cảm lạnh.

Kháng sinh không phải thần dược

Nghiên cứu đã chứng minh thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với hầu hết các chủng virus gây bệnh đường hô hấp.


HPA đã tiến hành thăm dò ý kiến ​​của 1.800 người tại Anh cho thấy cứ 10 người thì có 1 người không sử dụng hết liều thuốc kháng sinh và nhiều người cho biết họ sẽ vẫn tự mua thuốc để chữa bệnh nếu lần sau họ bị ốm.

Một bác sỹ đa khoa hàng đầu của Anh khẳng định: "Kháng sinh không phải là loại thuốc chữa bách bệnh".

Tiến sĩ Cliodna McNulty của HPA cho rằng việc tự mua thuốc là không an toàn cho sức khỏe người bệnh và làm tăng nguy cơ kháng thuốc: "Đa số những người sử dụng thuốc kháng sinh để tự chữa bệnh tại nhà thường sử dụng quá liều với mong muốn nhanh chóng giảm các triệu chứng của bệnh".

Theo khảo sát 500 đơn thuốc kháng sinh được kê toa vào năm 2010, có tới 11% đơn thuốc vẫn chưa được uống hết liều và 6% đơn thuốc được người bệnh giữ lại, dùng để tự mua thuốc điều trị trong trường hợp bị ốm sau này.

Phát biểu nhân ngày Cảnh báo nhận thức về thuốc kháng sinh của châu Âu, tiến sỹ Cliodna McNulty cho rằng mặc dù hiện nay, con số còn khá nhỏ nhưng hiện tượng này có thể trở nên phổ biến trong tương lai và tỷ lệ sử dụng kháng sinh lên tới 30%. “Nhiều bằng chứng cho thấy, bạn càng uống nhiều thuốc kháng sinh thì nguy cơ kháng thuốc càng cao, cũng như khả năng mắc bệnh tiêu chảy liên quan tới sử dụng kháng sinh”, Cliodna McNulty khuyến cáo.

Tại nhiều bệnh viện có tới 70% trường hợp bệnh nhân bị phát hiện tình trạng kháng kháng sinh và rất có thể một tỷ lệ tương tự cũng xuất hiện đối với các bệnh nhân (hoặc gia đình bệnh nhân) điều trị tại nhà.

HPA cho rằng đã đến lúc các chuyên gia y tế cần phải học cách từ chối yêu cầu được kê đơn kháng sinh của bệnh nhân khi điều trị những căn bệnh mà kháng sinh hoàn toàn (hay có rất ít) tác dụng như ho hay cảm lạnh. Khảo sát của HPA nhận thấy, trong năm ngoái, có tới 97% số bệnh nhân đã yêu cầu bác sỹ đa khoa hay y tá cho họ sử dụng kháng sinh và họ đã được kê đơn ngay sau đó.

“Mặc dù trong nhiều năm qua, các chiến dịch chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đưa ra lời khuyên tới mọi người rằng thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị ho, cảm lạnh và cảm cúm, tuy nhiên vẫn còn nhiều người thờ ơ với khuyến cáo trên”, Tiến sĩ McNulty chia sẻ.

"Chúng tôi biết rằng mọi người cảm thấy rất khó chịu với các triệu chứng như ho, rát họng, cảm, cúm nên họ muốn sử dụng kháng sinh để nhanh chóng dập tắt các triệu chứng này mà không biết rằng, trên hầu hết các trường hợp, chúng chỉ là triệu chứng ngắn hạn và có thể tự hết sau đó không lâu mà không cần phải dùng đến thuốc", McNulty nói thêm.

Hồi tuần trước (12/11), Bộ Y tế Anh đã ban hành bộ chỉ dẫn mới về việc kê đơn kháng sinh trong các bệnh viện, với thông điệp khẩn cấp rằng: Các bác sỹ và y tá hãy nghĩ thật kỹ (think twice) trước khi cho bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh.

Tiến sĩ Clare Gerada, Chủ tịch Đại học Y đa khoa Hoàng gia Anh phát biểu: "Kháng sinh chỉ phát huy tác dụng tối đa khi được sử dụng đúng cách, đúng liều và nó không thể là giải pháp chữa trị trong mọi loại bệnh. Thêm vào đó, kháng sinh không phải là loại thuốc có thể sử dụng giống nhau (lặp lại đơn thuốc hay liều lượng) trong những lần mắc bệnh giống nhau"

Ngoài ra việc sử dụng quá liều lượng và không theo chỉ định của bác sĩ sẽ là “lợi bất cập hại”, gây suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Trong bài viết gửi tới Tạp chí y khoa Lancet, Giáo sư Laura Piddock của Khoa Miễn dịch và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Birmingham (Anh) cảnh báo, hiện tượng sử dụng kháng sinh không đúng cách đã lan rộng khắp toàn cầu khiến các công ty dược phẩm thất bại trong việc phát triển các loại thuốc kháng sinh mới, có thể dẫn tới sự bùng nổ của căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm “vô phương cứu chữa” trong tương lai không xa.

HPA đã đưa ra lời khuyên như sau:

- Ho và cảm lạnh có thể tự khỏi nhờ khả năng miễn dịch của cơ thể. Thuốc kháng sinh sẽ không thể tăng tốc độ khỏi bệnh.

- Hãy xin tư vấn của bác sỹ đa khoa ngay khi triệu chứng mắc bệnh xuất hiện.

- Ho ra đờm ngay cả khi đờm có màu vàng cũng chưa cần uống thuốc kháng sinh.

- Đau họng kèm theo chảy nước mũi, ho ra đờm chưa chắc đã cần tới kháng sinh

- Sốt cao, cổ họng sưng đỏ, cảm thấy rất ốm yếu hãy sử dụng thuốc kháng sinh.

- Nếu những triệu chứng trên sớm chấm dứt, không nên uống kháng sinh.

- Luôn uống đủ liều theo đơn của bác sĩ kê.

- Đừng bao giờ uống thuốc còn dư từ đợt ốm trước bởi mỗi đợt nhiễm trùng sẽ khác nhau.

- Các bác sĩ có thể trì hoãn việc kê đơn thuốc kháng sinh ngay khi bệnh nhân tới khám và sẽ chỉ thực sự cho bạn dùng kháng sinh nếu tình trạng bệnh xấu hơn.

- Trong trường hợp bị ốm nặng, thuốc kháng sinh có thể cứu mạng bệnh nhân

Meo.vn (Theo Infonet)

Mắc bệnh phụ khoa vì chọn quần chip không đúng

Em bị đau vùng kín và có cảm giác ngứa, khí hư có mùi hôi. Giờ em phải làm gì vì em cảm thấy rất khó chịu khi mặc quần.

Em năm nay 23 tuổi, hiện em bị đau ở vùng kín và có kèm theo cảm giác ngứa, khí hư có mùi hôi rất khó chịu.
Em đã đi khám ở nhiều nơi và bác sĩ cũng đã kê đơn thuốc nhưng em uống và không thấy đỡ hơn. Em đi khám, bác sĩ bảo em chưa có gia đình nên rất khó điều trị.
Giờ em phải làm gì vì em cảm thấy rất khó chịu khi mặc quần và nó ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Mong các chuyên gia tư vấn có thể cho em lời khuyên liệu em có bị mắc bệnh gì khác ngoài bệnh phụ khoa không . Em xin chân thành cảm ơn!
(Hải Anh)

Trả lời
Hải Anh thân mến!
Khi vùng kín có những dấu hiệu đau rát, ngứa ngáy, ra khí hư có màu và mùi bất thường là biểu hiện của viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Chắc chắn nỗi phiền muộn lớn nhất của chị em là khi cơ quan sinh dục bị viêm nhiễm, cảm giác khó chịu, mất tự tin, lo lắng…
Không phải  phụ nữ đã quan hệ tình dục, đã có gia đình mới bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục, mà có nhiều bạn gái ở độ tuổi của em, thậm chí trẻ hơn nữa vẫn bị mắc chứng viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Nguyên nhân có thế là do vi khuẩn, nấm, trùng roi,Chlamydia…
Điều kiện thuận lợi để phát bệnh là tình trạng vệ sinh không tốt, đặc biệt vệ sinh hàng ngày, vệ sinh kinh nguyệt và vệ sinh tình dục ( khi có quan hệ tình dục), hoặc thường xuyên sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để tắm rửa và yếu tố cơ địa dễ bị viêm nhiễm.
Nhiều bạn gái chưa có gia đình còn lạm dụng  sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ và dùng băng vệ sinh hằng ngày, thói quen này làm cho mất cân bằng của độ pH trong môi trường dịch tiết âm đạo, hoặc sở thích dùng quần chíp dây… điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm cơ quan sinh dục.
Việc điều trị viêm nhiễm cơ quan sinh dục khá phức tạp nếu tình trạng viêm nhiễm quá lâu và nặng. Cho dù đã có gia đình hay chưa có gia đình thì việc điều trị viêm nhiễm vẫn phải triệt để nếu không sẽ dễ dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung.
Em nên đến khoa sản của bệnh viện Phụ sản để được bác sỹ làm lại các xét nghiệm và điều trị giúp em, có những loại thuốc đặt có thể dùng cho bạn gái chưa quan hệ tình dục và việc đặt thuốc sẽ được bác sỹ trực tiếp làm giúp bệnh nhân.
Bên cạnh đó em nên dùng những loại quần chíp có độ thoáng, ngâm nước nóng trước khi giặt, phơi quần ra chỗ có nhiều ánh nắng, và trước khi mặc em có thể dùng bàn là là qua vùng tam giác nhé.
Chúc em vui.

Meo.vn (Theo Afamily)

Viêm lộ tuyến có ảnh hưởng tới khả năng thụ thai không?

Biểu hiện bệnh của cháu là rất hay đau bụng dưới phía bên trái, khí hư nhiều có mùi hôi.

Cháu năm nay 31 tuổi. Cách đây 2 tháng cháu đi siêu âm phần phụ BS nói cháu chỉ bị viêm nhẹ, nhưng mấy ngày sau cháu đi khám phụ khoa và siêu âm ở một BS tư và BS này nói cháu bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nặng, đã kê toa cho cháu đặt thuốc.

Cháu muốn hỏi bị vậy có ảnh hưởng tới khả năng thụ thai không? Biểu hiện bệnh của cháu là rất hay đau bụng dưới phía bên trái, khí hư nhiều có mùi hôi.

Trả lời

Chào cháu Mai,

Viêm lộ tuyến cổ tử cung chỉ là một dạng tổn thương lành tính, nhưng lại gây ra cho chị em một số khó chịu như ra nhiều khí hư (huyết trắng), ngứa âm đạo , âm hộ… và nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.


Lộ tuyến có thể đi kèm với viêm cổ tử cung cấp hay mạn tính, viêm âm đạo, viêm phần phụ. Do đó, cách điều trị tuỳ thuộc vào các bệnh phối hợp, tuổi của bệnh nhân, ý muốn còn sinh con nữa hay không… cần điều trị viêm cổ tử cung nếu không có thể làm cho nhiễm khuẩn dễ lan lên trên (ngược dòng vào buồng tử cung) kết quả viêm tắc nghẽn vòi trứng, một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh.

Thông thường, khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bác sĩ chỉ định thuốc chống viêm tại chỗ để lộ tuyến hết viêm. Sau khi điều trị hết viêm, có nhiều phương pháp để diệt lộ tuyến như đốt điện, đông lạnh, laser.. .

Khi đốt điện, lỗ cổ tử cung có thể bị chít hẹp, cổ tử cung sẽ có sẹo cứng nên việc thụ thai có thể bị ảnh hưởng. Đối với người chưa sanh thì bác sĩ chỉ kê đơn thuốc đặt tại chỗ để hạn chế sự phát triển của tổn thương ở cổ tử cung.

Lộ tuyến có thể làm giảm khả năng thụ thai, nhất là khi người bệnh còn kèm theo bị viêm. Vì thế, cháu nên điều trị lộ tuyến để dọn đường cho việc thụ thai. Khi viêm âm đạo, lộ tuyến được điều trị khỏi, cháu có thể có thai như bình thường.

Trường hợp của cháu, đau bụng dưới phía bên trái, khí hư nhiều có mùi hôi có khả năng viêm nội mạc tử cung hoặc viêm phần phụ trái (buồng trứng trái), cháu cần đến BS chuyên khoa khám và điều trị tích cực để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Thân mến!

BS Hà Phi Phụng

Meo.vn (Theo alobacsi)

Phòng biến chứng do mắt hột

Vừa qua, do mắt tôi bị ngứa, cộm, hay mỏi mắt, nhất là về chiều. Tôi đi khám bệnh thì được bác sĩ cho biết bị bệnh mắt hột và kê đơn thuốc điều trị. Tôi nghe nói, bệnh mắt hột có thể gây nhiều biến chứng, nặng có thể gây mù. Xin hỏi, có cách nào phòng tránh những biến chứng do bệnh mắt hột không?


Bùi Xuân Sáu(Hà Nam)


Bệnh mắt hột do vi sinh vật Chlamydia trachomatis gây ra, là tình trạng viêm kết mạc - giác mạc mạn tính với đặc điểm là hình thành những hột và những tổn thương sẹo ở mắt. Bệnh mắt hột có biểu hiện rất đa dạng, rất dễ lây lan từ người này sang người khác do tình trạng vệ sinh kém, sử dụng chung khăn rửa mặt, tắm nước ao hồ... Trong những trường hợp bệnh nhẹ có thể không cần điều trị cũng tự khỏi nhưng nếu ở thể nặng có thể gây nguy hiểm cho mắt. Cụ thể, bệnh mắt hột có thể gây viêm kết mạc mạn tính, sạn vôi kết mạc, viêm sụn mi, loạn thị, khô mắt... và biến chứng nặng nề nhất có thể dẫn tới mù lòa. Do vậy, để phòng tránh những biến chứng của bệnh mắt hột, bạn cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó cũng cần có ý thức phòng tránh bệnh lây lan cho những người trong gia đình cũng như cho cộng đồng bằng cách giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân, rửa mặt bằng khăn riêng với nước sạch, không lấy tay bẩn dụi lên mắt; đeo kính mát khi đi đường để tránh gió bụi; diệt ruồi, nhặng là trung gian truyền bệnh; giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ.

BS. Nguyễn Thu Hà

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Hạn chế tối đa việc kê thuốc Mediator

Cục Quản lý Dược khuyến cáo các thầy thuốc cần hạn chế đến mức tối đa việc kê Mediator, thuốc trị tiểu đường và giảm cân có thể liên quan đến cái chết của gần 500 người.

Tại Việt Nam, những thuốc còn hạn sử dụng trước thời gian quyết định
rút số lưu hành của Mediator vẫn được lưu hành.

 

Mới đây, quan chức y tế Pháp chính thức khuyến cáo, thuốc trị tiểu đường và giảm cân Mediator có thể liên quan đến cái chết của gần 500 người, vì nó có thể có tác dụng không mong muốn gây các hội chứng hoặc dấu hiệu của tổn thương van tim.
Tiếp đó, ngày 16/11/2010, Cơ quan quản lý dược Pháp tiếp tục có văn bản thông báo về tác dụng không mong muốn của thuốc Mediator (hoạt chất Benfluorex) và khuyến nghị người bệnh đã sử dụng Benfluorex trong thời gian ít nhất 03 tháng trong 4 năm vừa qua cần phải đến gặp bác sỹ điều trị để bác sỹ qua thăm khám, kiểm tra lâm sàng tìm kiếm tất cả các hội chứng hoặc dấu hiệu của tổn thương van tim.
Tại Việt Nam, trước đó thuốc Mediator trước đó cũng được cấp phép và lưu hành ở Việt Nam. Khi có thông tin về tác dụng không mong muốn của loại thuốc này, ngày 30/8/2010, Cục Quản lý Dược đã có quyết định về việc rút số đăng ký đối với biệt dược Mediator (hoạt chất Benfluorex), theo đề nghị Công ty Les Laboratories Servier với lý do có những tác dụng không mong muốn của thuốc. Vì thế, những thuốc vẫn còn hạn sử dụng trên thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục được lưu hành, chỉ là không cấp phép mới.
Trước những khuyến cáo mới nhất của cơ quan quản lý y tế Pháp, ngày 18/11, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã gửi công văn tới các sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế cần thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin liên quan đến tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo thầy thuốc cần hạn chế đến mức tối đa việc kê đơn thuốc Mediator (hoạt chất Benfluorex) và cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ trong điều trị.
Còn đối với bệnh nhân đã sử dụng thuốc Mediator (hoạt chất Benfluorex) từ 3 tháng trở lên trong 4 năm qua cần được bác sỹ khám, kiểm tra lại các triệu chứng hoặc dấu hiệu về van tim. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường theo dõi, phát hiện và xử lý trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc Mediator (nếu có). Gửi báo cáo về  Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi tác dụng có hại của thuốc.

Meo.vn (Theo Dantri)

“Kháng sinh bán theo đơn vẫn mua dễ như rau”

90% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn, bất kể là ở nông thôn hay thành thị. Chỉ cần sụt sịt một cái là nhiều người đã tìm đến loại thuốc được mệnh danh là con dao 2 lưỡi này.

Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết tại hội nghị Tư vấn xây dựng kế hoạch hành động chống kháng thuốc tổ chức ngày 26/11.

Đây là kết quả nghiên cứu về tình hình cung ứng kháng sinh do Đại học Oxford (Mỹ), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương... thực hiện tại 30 nhà thuốc tư tại Hà Nội đầu năm 2011. Theo đó, thuốc kháng sinh chiếm đến 1/4 tổng số thuốc bán ra của hiệu thuốc, do khách hàng yêu cầu, người bán thuốc tư vấn. Những lý do khiến người dân hay tìm đến kháng sinh chủ yếu vẫn là sốt, ho, đau họng, đau bụng...

Ông Kính cũng thừa nhận, mặc dù có quy định nhưng nhiều nơi vẫn bán thuốc không cần đơn. Ở nước ngoài, trừ thuốc đưa vào siêu thị, thực phẩm chức năng là được mua thoải mái, còn ở Việt Nam từ thuốc chữa ung thư, kháng sinh, vitamin... đều có thể mua dễ dàng.


Thói quen tự chữa trị và "bắt chước" đơn thuốc của người dân cũng làm cho tình kháng kháng sinh càng trở nên trầm trọng. Ảnh: N.P.

"Có trường hợp người bệnh cầm đơn ra hiệu thuốc mua thì người bán nói là không có loại này, rồi tư vấn dùng thuốc khác cũng tốt. Tuy nhiên, thực tế thì 2 loại thuốc này có tốt như nhau không thì chỉ người bán biết. Hơn nữa, thực tế là có chuyện các hãng dược tiếp cận hiệu thuốc để tư vấn bán thuốc này cho bệnh nhân để được hưởng hoa hồng", ông Kính nói.

Chất lượng người bán thuốc cũng là vấn đề đáng lo ngại. Người bán thuốc nhiều khi không phải là dược sĩ, không phải là người đứng tên nhà thuốc, thậm chí không được học hành gì, ai mua thuốc gì thì bán thuốc đấy. Trong khi đó, cả nước có gần 40.000 nhà thuốc bán lẻ.

Không chỉ người bệnh, người bán thuốc mà đôi khi cả bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh. Một độc giả từng gửi chia sẻ lên TS "mình bị mắc một cái xương cá, thế mà đi khám bác sĩ cũng kêu phải uống kháng sinh, kháng viêm... Chẳng lẽ các bác sĩ lại cẩn thận đến như vậy". Theo khảo sát tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng cho thấy, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Kính để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh cũng cần xem xét đến việc sử dụng hợp lý trong nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.

Thực tế điều tra 94 trang trại nuôi trồng thủy hải sản ở đồng bằng sông Hồng và sông Mêkong (7-9/2011), ngoại trừ nông trang sản xuất phục vụ xuất khẩu, cho thấy tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong nuôi cá là 81%, trong nuôi tôm là 55%. Một số kháng sinh bị cấm như chloramphenicol vẫn được sử dụng.

"Một số nước trên thế giới cấm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản như Hàn Quốc, nếu phát hiện trang trại nào sử dụng thì đóng cửa. Tuy nhiên, đấy là họ sản xuất trên quy mô công nghiệp, còn nước ta thì nhỏ lẻ, từng hộ, gia đình, cá thể nên khó kiểm soát. Hiện nay ngoài thủy hải sản xuất khẩu có kiểm tra dư lượng kháng sinh, còn lại tiêu thụ trong nước thì chưa làm", ông Kính nói.

Chính việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người tiêu thụ kháng sinh bất đắc dĩ qua thực phẩm hàng ngày sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể. Khi một người nhiễm bệnh mà trong cơ thể có sẵn một lượng kháng sinh rồi, việc điều trị không ăn thua, ông Kính cho biết.

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, vấn đề kháng kháng sinh không mới nhưng ngày càng nguy hiểm, đáng báo động. Việc sử dụng kháng sinh ngày càng tự phát, chuyển từ sử dụng sang lạm dụng. Sử dụng không đúng, không phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện lan rộng và kéo dài.

Trong những năm qua, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm dần song nhu cầu và thực rạng sử dụng kháng sinh lại không hề giảm. Chi phí thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2008 chiếm đến gần 50% tổng số tiền thuốc của bệnh viện, tại một số nơi như Bệnh viện Nhi Nghệ An, con số này lên đến gần 88%, Bệnh viện Ninh Bình là 80%...

"Một trong những thách thức trong việc hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh là chưa có chế tài nào đối với việc không tuân thủ quy chế bán thuốc kê đơn. Nhận thức của người dân về kháng sinh còn hạn chế, ngay cả cán bộ y tế khi đi công tác cũng mua mấy vỉ kháng sinh phòng theo. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện cũng chưa được đẩy mạnh...", ông Thái cho biết.

Meo.vn (Theo Vnexpress)