Theo công bố của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp vào nhóm nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cấp giảm tốt trong những năm gần đây, từ 36,7% năm 1999 giảm còn 18,9% năm 2010. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng vi chất (vitamin và khoáng chất thiết yếu như sắt, kẽm, ma-giê, canxi, vitamin A, B, C, D…) vẫn rất phổ biến, xảy ra ở cả trẻ thừa cân, béo phì. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 2 khẳng định: “Thiếu các vi chất cần thiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ không kém các chất dinh dưỡng cơ bản khác”.
1. Bác sĩ đánh giá như thế nào về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi?
Ngoại trừ ở những thành phố lớn có tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính tương đương các nước đã phát triển thì ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa tỉ lệ này còn rất cao. Song song đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm, i-ốt, vitamin A, B, D…) đều rất phổ biến, cả ở trẻ thừa cân và béo phì. Tuy tỉ lệ SDD cấp giảm tốt nhưng Việt Nam vẫn là một trong 36 nước có tỉ lệ SDD thấp còi (SDD chiều cao) cao nhất thế giới. Điều này chứng tỏ tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến và gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ.
2. Nguyên nhân của việc thiếu vi chất là gì thưa bác sĩ?
Tình trạng thiếu vi chât dinh dưỡng không chỉ ở trẻ suy dinh dưỡng mà còn xảy ra ở cả trẻ thừa cân, béo phì. Nguyên nhân là do chế độ ăn không hợp lý, có thể do thiếu ăn nhưng cũng có thể do người nuôi không có đủ kiến thức chăm sóc trẻ hay do trẻ biếng ăn, hoặc do việc chế biến bữa ăn không đúng cách làm mất đi lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Ngoài ra, tình trạng nhiễm giun sán và các bệnh lý nhiễm trùng khác cũng làm tăng nguy cơ thiếu sắt, kẽm ở trẻ em. Còi xương thiếu vitamin D chủ yếu do không phơi nắng đầy đủ hoặc phơi không đúng cách. Trẻ béo phì vẫn có thể thiếu vi chất, thường nhất là thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin C do ít ăn rau mà chủ yếu ăn dư chất bột đường, chất béo và thiếu vitamin D do ít vận động ngoài trời…
3. Những biểu hiện cụ thể của việc thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ?
- Vitamin A là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc. Thiếu vitamin A dẫn đến quáng gà, khô loét giác mạc và mù lòa. Vitamin A còn có vai trò trong quá trình tăng trưởng và miễn dịch của cơ thể nên thiếu vitamin A trẻ thường giảm tốc độ tăng trưởng, trẻ chậm lớn, gây suy dinh dưỡng.
- Vitamin B: Được chia thành nhiều loại B1, B2, B3… B12 hỗ trợ cho sự hình thành, phát triển và duy trì hoạt động của cơ thể. Thiếu vitamin nhóm B làm giảm khả năng chuyển hóa các chất, nhất là nhóm tinh bột, có thể gây chán ăn, khó ngủ, dị cảm thần kinh, tổn thương ở lưỡi, niêm mạc miệng và da quanh miệng…
- Sắt: Là thành phần của hồng cầu, thiếu sắt dẫn tới thiếu máu làm cơ thể mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Đối với trẻ em, thiếu máu làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy và học tập.
- Vitamin D: Giúp điều hòa chuyển hóa canxi và phốt-pho, tăng hấp thu và sử dụng canxi. Thiếu hụt vitamin D trẻ bị khó ngủ, chậm lớn, còi xương, biến dạng xương ảnh hưởng tới chiều cao sau này.
4. Các bậc phụ huynh cần lưu ý gì trong việc bổ sung các vitamin và khoáng chất cho trẻ nhỏ, thưa bác sĩ?
Như đã nói, vitamin và khoáng chất rất cần thiết để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ sau giai đoạn bệnh (nhiễm khuẩn, ho hen, tiêu chảy…) thì đương nhiên phải được bổ sung vitamin và khoáng chất. Cũng cần lưu ý, việc chế biến, lưu trữ thực phẩm không đúng cách cũng làm mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất: rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C, gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn… Ngoài việc lựa chọn thực phẩm tươi, giàu dinh dưỡng thì nên bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu sử dụng vitamin tổng hợp thì phải dùng đúng hướng dẫn sử dụng. Với trẻ nhỏ thì nên sử dụng dạng dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu.
Chương trình Trắc Nghiệm Nutroplex 4T là chương trình tư vấn toàn diện về Dinh Dưỡng, Thể Lực, Trí Tuệ & Tâm Lý cho trẻ từ 2-5 tuổi. Tham gia chương trình Mẹ có thể hiểu nhiều hơn về tình trạng phát triển của Bé trên từng khía cạnh và đặc biệt các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ các cách bổ sung vi chất hàng ngày cho bé để giúp bé phát triển toàn diện hơn. |