Lưu trữ cho từ khóa: dinh dưỡng cho con

Chế độ dinh dưỡng cho sĩ tử mùa thi

Các mẹ hãy tìm hiểu những lời khuyên dinh dưỡng dưới đây để áp dụng, giúp con giữ vững tinh thần và đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới nhé!

Tin liên quan:

  • Thực đơn “chuẩn” cho mùa thu
  • 7 thực phẩm bé nên tránh trong mùa hè
  • Những lý do nên ăn ngô mùa hè

Chỉ còn ít ngày nữa là các sĩ tử vừa tốt nghiệp lớp 12 sẽ tham gia kỳ thi Đại học – kỳ thi lớn nhất cả nước mang theo bao ước mơ của các em cùng kỳ vọng của cha mẹ. Tất nhiên, chuyện lo lắng, áp lực và stress là không thể tránh khỏi. Các mẹ hãy tìm hiểu những lời khuyên dinh dưỡng dưới đây để áp dụng, giúp con giữ vững tinh thần và đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới nhé!

Tăng cường các loại thực phẩm giàu chất sắt vào mỗi bữa ăn hàng ngày như: thịt lợn, trứng, gan…

Sắt được xem như yếu tố quan trọng nhất trong việc sản xuất ra hồng cầu và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Thiếu sắt có thể dẫn đến các tình trạng như thiếu máu, hoa mắt, khả năng tập trung kém, suy giảm trí nhớ…

Đảm bảo cơ thể luôn dồi dào năng lượng

Trong thời gian ôn luyện và bước vào kỳ thi, các mẹ tuyệt đối không để cho con bỏ bữa. Việc để cơ thể bị thiếu năng lượng sẽ giảm hiệu suất hoạt động của tất cả các bộ phận, trong đó có trí não. Vì vậy phải ăn đủ ngày 3 bữa chính và nếu có thể thì thêm một bữa phụ. Ngoài ra, thời gian dành cho bữa ăn cũng có thể được xem như khoảng nghỉ cần thiết, giúp các em thư giãn và nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, để những bữa ăn có thể mang lại hiệu quả tốt nhất mà không ảnh hưởng đến sức khỏe như đường trong máu cao, béo phì, tăng cân gây mệt mỏi, các mẹ nên tìm hiểu các loại thức ăn có chỉ số glycemic (lượng đường trong thực phẩm) thấp. Nên nhớ các em vẫn cần phải được ăn đầy đủ lượng tinh bột cần thiết cho cơ thể.

Đa dạng hóa bữa ăn để tránh sự đơn điệu, nhàm chán, đồng thời bổ sung vào bữa ăn các loại thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng, đặc biệt là chất chống oxy hóa như:

+ Vitamine E có trong các loại đỗ, đậu tương…

+ Chất beta carotene có trong cà rốt, rau bina, quả mơ…

+ Vitamin C trong quả cam, quýt…

Chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại việc hình thành các gốc tự do gây phá hủy nơ ron thần kinh. Ngoài ra, chất chống oxy hóa còn góp phần chuyển hóa hiệu quả các axit béo bão hòa có trong mỡ động vật và phomai.

Không áp dụng thực đơn ăn kiêng

Trong kỳ thi, nếu cần thiết, mẹ đừng ngần ngại cho con ăn những bữa ăn nhẹ có chứa tinh bột và lượng calorie cao như bánh mỳ, một thỏi socola, ngũ cốc hoặc chuối.

Điều hòa stress và lo lắng

Trước ngày thi, bạn có thể cho con ăn một bữa no nê món mỳ ống yêu thích hoặc một bữa cơm thịnh soạn. Các món ăn có nhiều đường và ít protein giúp cơ thể tiết ra tryptophan – một loại axit amin giúp chuyển hóa chất seretonine trong não, giúp điều tiết các chỉ số cảm xúc, giữ cảm giác thăng bằng và thư giãn.

Những lời khuyên khác để giữ cho đầu óc minh mẫn và trạng thái tập trung:

+ Ngủ đủ giấc: một giấc ngủ sâu và đủ thời gian cần thiết sẽ giúp cho cơ thể và trí óc được nghỉ ngơi, có thời gian ghi lại hết những kiến thức đã “nạp” được trong ngày. 8 tiếng vào buổi tối là số giờ lý tưởng cho các sỹ tử trước khi bước vào kỳ thi.

+ Tránh chất cồn và uống các loại thuốc không được chỉ định. Thay vào đó là ăn nhiều trái cây, đặc biệt là cam, quýt, kiwi để bổ sung vitamin C kích thích hiệu suất làm việc.

+ Không uống quá 3 tách trà, cafe/ngày. Những loại thức uống có chứa chất kích thích tuy có thể làm bạn có cảm giác tỉnh táo trong chốc lát nhưng rất hại thần kinh và gia tăng nguy cơ bị stress.

+ Vận động cơ thể thường xuyên, hít thở không khí trong lành, thoáng đãng sẽ giúp các sỹ tử tránh được tình trạng lo lắng, hồi hộp, đồng thời giúp tăng khả năng tập trung và chú ý. Tốt nhất nếu có thể, hãy đi bộ nửa tiếng vào mỗi buổi sáng.

Theo Afamily.vn

Hãy khôn khéo như các bà mẹ!

Nếu có một “tạo vật” nào đó là biểu tượng cho sự khôn khéo, hẳn phải là phụ nữ – những người mẹ đang đứng trước nhiều quyết định mua sắm lớn bé trong nhà. Từ sự va chạm với đủ loại hàng hóa qua các kênh truyền thông đến việc thực tế lựa chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm trong gia đình và quan trọng nhất là sữa cho con, đã cho các chị em quá nhiều kinh nghiệm mua sắm. PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Không có khóa đào tạo kỹ năng sống nào thực tiễn như ‘tháp tùng’ một bà mẹ khôn khéo đi chợ!”.

Các bà mẹ ngày càng khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng cho con (Ảnh Trần Huy)

Sức hấp dẫn từ những thông điệp “lung linh”

Sự cởi mở trong tiêu dùng đã mở ra nhiều cơ hội cho những thương hiệu mới, nhất là với mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ. Với hơn 30 công ty cung cấp gần 50 nhãn hàng dinh dưỡng khác nhau đã cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, việc một số nhà sản xuất tự “thổi” chất lượng sản phẩm của mình thành “nhất thị trường”, với các chiêu thức trình bày sản phẩm, cung cấp thông tin không chính xác trên nhãn mác, dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Chưa bao giờ sự sáng suốt khi chọn lựa hàng hóa của người tiêu dùng lại cần thiết như hiện nay, bởi đứng trước rất nhiều sản phẩm được thiết kế đẹp, được nhà sản xuất tự tung hô “hoành tráng”, người tiêu dùng rất dễ bị lung lạc, chọn lựa sai lầm.

Đặc biệt, sản phẩm sữa mới thường tự công nhân là đảm báo chất lượng và quy trình sản xuất an toàn thực phầm, sử dụng nhiều mỹ từ với mục đích đánh vào mong muốn của các bậc làm cha mẹ đối với sức khỏe của con. Cứ thế, những thông điệp này đi vào lòng người trong khi chất lượng một nơi, thông tin về sản phẩm một nẻo.

Chính sự tự công nhận và tự giới thiệu quá sự thật của nhà sản xuất “đi sau nhưng muốn về trước” đã đưa người tiêu dùng lạc vào “mê hồn trận” – không biết sữa nào là sữa đúng chất lượng. Trong khi nhu cầu sử dụng thì luôn luôn cấp bách vì hầu như bà mẹ nào cũng muốn con được bổ sung thêm chất dinh dưỡng, cho con cao hơn, thông minh, khỏe mạnh hơn đúng như lợi ích của sữa mang lại. Là người bảo vệ gia đình, chăm lo cho con cái, các bà mẹ luôn muốn chọn những sản phẩm tốt nhất cho con, nên họ ngày càng chọn lựa kỹ hơn.

Khi các bà mẹ lên tiếng

“Làm mẹ, mình rất mừng khi thấy nhiều vụ chất lượng sữa không đảm bảo được phanh phui. Điều này giúp mình và các bà mẹ cẩn trọng hơn khi chọn lựa thực phẩm dinh dưỡng, nhất là sữa cho con. Không việc gì phải đưa ra quyết định vội vàng, mình rất cảnh giác với những ‘kẻ lạ mặt’ mới xuất hiện. Tham khảo ý kiến các bà mẹ khác, hỏi thăm hàng xóm là việc đầu tiên, nhưng cũng để tham khảo, sau đó mình sẽ tìm thông tin trên mạng về thương hiệu này, rồi mới quyết định mua”, chị Hương, quận 3, TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm mua sữa cho con.

Bà mẹ trẻ Uyên Phi ở quận 10 thì luôn theo tiêu chí “Không đem con ra làm chuột bạch để thử nghiệm các loại sữa mới ra”. Chị vẫn trung thành với loại sữa con đang uống tốt. Chị cho rằng sản phẩm sữa mới với những thông điệp đi kèm nghe thấy cũng tò mò muốn thử, nhưng không dám mạo hiểm với sức khỏe của con. Do đó, có chọn sản phẩm mới, chị cũng chỉ chọn sản phẩm của cùng một nhà sản xuất uy tín để an tầm về chất lượng.

Khôn khéo như các bà mẹ hiện đại

Theo PGS.TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, đa số các bà mẹ có tâm lý trung thành với các hãng lớn, có tên tuổi lâu năm vì họ có quy trình quản lý chất lượng rõ ràng, minh bạch. Để đảm bảo sự tự tin khi chọn mua thực phẩm dinh dưỡng cho con, các bà mẹ không chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm tính mà nên nhìn vào bằng chứng khoa học. Các chuẩn chất lượng nghiêm ngặt được quốc tế công nhận của sản phẩm sẽ là một sự bảo đảm để các bà mẹ yên tâm mua sữa cho con.

Bên cạnh sự uy tín lâu năm của các thương hiệu thì yếu tố quan trọng khi lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng chăm sóc trẻ em chính là thành phần an toàn. Những sản phẩm được công nhận về lợi ích đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ thông qua các nghiên cứu lâm sàng luôn dược ưu tiên lựa chọn. Vì thế việc lựa chọn những sản phẩm có kiểm chứng khoa học, đạt các tiêu chuẩn của các tổ chức y tế, dinh dưỡng, thực phẩm có uy tín như CODEX (Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế), EFSA (Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu) là hoàn toàn cần thiết.

Chị Minh, giáo viên trường mẫu giáo Hoa , q.11 chia sẻ: “Đúng là có kiến thức vẫn hơn, với kinh nghiệm nuôi dạy trẻ bao nhiêu năm, tôi nhận thấy việc lựa chọn sữa hay thực phẩm cho trẻ không khó. Chỉ cần hiểu con mình cần gì, trong giai đoạn nào rồi lựa chọn ở những nhãn hàng uy tín lâu năm trên thị trường là có thể thoát khỏi những ‘lời mời’ có cánh của những sản phẩm kém chất lượng. Khôn khéo khi chọn sữa cũng là một phần của bí quyết nuôi dạy con cái!”.

 
 

Thực phẩm vàng tốt cho giấc ngủ của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ rất băn khoăn về việc làm thế nào để bé yêu có được một giấc ngủ ngon. Ngoài mát-xa, lịch ăn uống ngủ nghỉ hợp lý thì việc bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng cũng khiến bé ngủ ngon giấc.

Sữa nóng

Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ khiến bé ngủ ngon và sâu hơn. Sữa bổ sung rất nhiều loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là tryptophan – có tác dụng ổn định thần kinh, khống chế độ hưng phấn thần kinh trung ương gây ra cho bé cảm giác buồn ngủ.

Bên cạnh đó, canxi có trong sữa giúp thúc đẩy sản xuất mentonin - một chất giúp giảm căng thẳng hiệu quả và ổn định trí não để bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.

thuc-pham
Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ sẽ khiến bé ngủ ngon và sâu hơn
(Ảnh minh họa)

Những sản phẩm từ lúa mạch

Đó là lúa mỳ, bánh mỳ, bánh quy, gạo… Những thực phẩm này chứa một nguồn vitamin B khổng lồ - một loại vitamin giúp bé loại bỏ những căng thẳng, bất an, kích thích bé dễ dàng ngủ sâu, ngủ ngon.

Đặc biệt, vitamin B1 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động chức năng, chúng kích thích quá trình tạo thành một loại enzym tham gia vào quá trình đồng hoá thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn, no và buồn ngủ. Hơn cả, vitamin B1 giúp bé cân bằng thần kinh, vì vậy, những sản phẩm từ lúa mạch sẽ giúp bé đi vào giấc ngủ được dễ dàng hơn.

Hạt kê

Hạt kê chứa rất nhiều melatonin – chất có tác dụng trấn tĩnh tinh thần và gây buồn ngủ cho bé.

Bên cạnh lúa mỳ, ngô, đậu tương, kiều mạch... thì hạt kê chứa hàm lượng tryptophan phong phú nhất. Vì thế, cháo kê chính là một món ăn mà nhiều chị em lựa chọn để cho bé có được một giấc ngủ ngon.

Đậu bắp

Ngoài những chất dinh dưỡng cực tốt như protein và dầu chứa trong nó thì hạt đậu bắp còn có tryptophan – chất giúp bé ngủ ngon và sâu hơn. Thời điểm bé ăn dặm hoặc ăn cơm, cha mẹ có thể bổ sung vào bữa ăn cho bé nhà mình loại thực vật này.

Khoai tây

Khoai tây là một thực phẩm chứa nhiều carbohydrate – chất mà khi được kết hợp với tryptophan sẽ càng “mời gọi” cơn buồn ngủ của bé đến nhanh hơn. Vì thế, bậc phụ huynh có thể nấu cháo, đồ ăn cho bé kèm theo khoai tây để có một giấc ngủ ngon, hoàn chỉnh.

Hạt sen

Hạt sen đã từ lâu là một loại thực phẩm quý, ăn ngon và có công dụng tuyệt vời trong việc cải thiện giấc ngủ cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Quả óc chó và nho

Ăn quả óc chó, quả nho trước khi đi ngủ có thể giúp bé nâng cao chất lượng giấc ngủ. Các mẹ có thể dầm nhỏ quả óc chó để nấu cùng cháo hoặc nghiền nhỏ để bé ăn.

Cách làm này tốt ngang ngửa với việc uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Loại quả này sẽ giúp bé tránh chứng mất ngủ.

Quả óc chó, quả nho chứa một nguồn phong phú chất melatonin – một “thần dược” tạo giấc ngủ ngon. Hàm lượng melatonin trong hai quả này sẽ được chuyển tải đến não bộ và tại đây, não bộ sẽ chỉ đạo cho các bộ phận trong cơ thể thoải mái tiến vào giai đoạn nghỉ ngơi.

Chuối

Ăn một quả chuối trước khi đi ngủ giúp bé được ngủ sâu hơn, ngon hơn. Chuối chứa thành phần lớn tryptophan, chất này chuyển hoá thành serotonin và melatonin là những hormon an thần then chốt của não.

Táo đỏ

Táo chứa nhiều rất nhiều protein, vitamin C, canxi... là loại quả giá trị với nguồn dinh dưỡng phong phú, có tác dụng an thần lớn. Đặc biệt, canxi trong quả táo là chất giúp xoa dịu, trấn an cơ thể con, giúp bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

(Theo Afamily)

Thực phẩm giúp răng bé chắc khỏe

Ngay từ khi con còn bé, bậc phụ huynh nên bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết để giúp bé tránh khỏi những vấn đề về răng miệng: chậm mọc răng, sâu răng, sún răng…

Những chế phẩm từ sữa

Đó là sữa tươi nguyên kem, sữa chua, phô mai… Sữa có rất nhiều canxi – một khoáng chất cơ bản giúp răng và xương được chắc khỏe.

Những chế phẩm này ngoài việc giúp cân bằng độ pH trong miệng nó còn sản sinh ra nhiều chất saliva – chất này giúp giảm nguy cơ sâu răng một cách tối đa.

Bé được tổng hợp vitamin D thông qua tiếp xúc với ánh nắng nhưng điều này không phải lúc nào cũng áp dụng được vì còn phải phụ thuộc vào thời tiết. Cha mẹ nên giúp bé tăng cường lượng vitamin này thông qua thực phẩm, như sữa chua chẳng hạn. Sữa chua giàu probiotic có lợi giúp hạn chế sâu răng, viêm nướu.

Vì thế, ngoài việc uống sữa hàng ngày, cha mẹ có thể cho bé xen kẽ thêm những bữa sữa chua và phô mai.

Rau bina

Rau bina hay còn gọi là rau chân vịt, rau bó xôi. Loại rau này rất giàu kali và magie, vitamin K, chất xơ,… ngoài ra còn chứa một loạt các chất giúp phát huy vai trò của canxi cho hàm răng luôn chắc khoẻ.

rau-bina

Cải xanh

Giống như rau bina, cải xanh cũng là một loại rau giàu canxi. Đây cũng là một trong những thực phẩm phổ biến và dễ dùng giúp răng bé được chắc khỏe.

Thực phẩm này từ lâu được coi là siêu thực phẩm đối với sức khỏe của con người nói chung và bé nói riêng. Nó là nguồn thực phẩm rất giàu sắt, protein, canxi, vitamin A, vitamin C…

Bên cạnh đó, cải xanh chứa nhiều chất xơ, giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt.

Ngũ cốc

Gạo, lúa mì, bột mì chưa qua chế biến, đây là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho bé. Hơn nữa, thành phần ngũ cốc có có chứa rất nhiều vitamin B, folate, chất xơ, can xi…

Cam

Cam không chỉ giàu vitamin C mà còn giúp bổ sung một lượng vitamin D, canxi cực lớn cho trẻ để răng phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, nếu mẹ muốn bé có một hàm răng chắc khỏe thì hãy tích cực cho bé ăn loại trái cây này nhé.

Trứng

Đây là một thực phẩm dễ mua, dễ sử dụng và nếu được dùng đủ, hợp lý, trứng rất tốt cho sức khỏe của bé. Trứng có hàm lượng protein, canxi, sắt, kali và rất nhiều khoáng chất hữu ích cho sự phát triển của bé. Cần nhấn mạnh là, trứng chứa lượng canxi lớn giúp răng bé được chắc khỏe. Tuy nhiên khi cho trẻ ăn trứng thì mẹ cần đảm bảo lượng nhất định.

Các bác sĩ dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho con ăn trứng theo độ tuổi, cụ thể như sau:

- Giai đoạn 6-7 tháng tuổi: Bé nên ăn 1 bữa trứng mỗi tuần (mỗi bữa ¼ lòng đỏ).
- Giai đoạn 8-12 tháng tuổi: Bé nên ăn 1-2 bữa trứng mỗi tuần (mỗi bữa ½ lòng đỏ).

- Đối với trẻ từ 1-2 tuổi thì mẹ chỉ nên cho bé ăn 2-4 quả trứng/tuần và ăn cả lòng trắng lẫn lòng đỏ.

Cá mòi

Cá mòi là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chúng chứa một hàm lượng lớn omega-3.

Cá mòi không ảnh hưởng nhiều từ thuốc trừ sâu hay hóa chất thủy ngân. Ngoài tác dụng tốt cho trí nào, chúng còn cung cấp một lượng lớn canxi và vitamin D. Hai vitamin và khoáng chất này giúp răng bé được chắc khỏe.

Cá hồi

Cá hồi được coi là một thần dược tốt cho sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nó không chỉ là một trong những loại thực phẩm ngon mà còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể.

Chúng có khả năng ngăn ngừa được bệnh tim, giúp bộ não phát triển... Ngoài axit béo omega 3, chúng còn chứa một lượng vitamin D khổng lồ và chính vì điều này mà răng bé được khỏe mạnh.

(Theo Afamily)

3 Vitamin tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ

 Việc cung cấp lượng vitamin tự nhiên cho cơ thể bé thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng bao giờ cũng tốt hơn các loại vitamin tổng hợp.

Việc cung cấp đầy đủ vitamin rất quan trọng vì nó giúp cơ thể bé luôn luôn khỏe mạnh. Việc cung cấp lượng vitamin tự nhiên cho cơ thể bé thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng bao giờ cũng tốt hơn các loại vitamin tổng hợp. Vitamin được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn mà trẻ ăn mỗi ngày.

Có rất nhiều loại như vitamin A, vitamin D, vitamin C, vitamin B (B1, B2, B6...), vitamin E,... nhưng 3 loại vitamin D, vitamin A, vitamin C là được xếp vào danh sách các loại vi chất quan trọng bậc nhất giúp bé phát triển toàn diện.

Vitamin D

Vitamin D rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt nó giúp hệ thống xương, răng được chắc khoẻ, vững vàng.

Trẻ sơ sinh cần vitamin D để giúp xương thêm cứng cáp, dễ vận động, và chuẩn bị cho giai đoạn mới là mọc răng. Loại vi chất này giúp bé có hàm răng chắc khỏe, khung xương khỏe mạnh và đặc biệt có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ canxi. Thiếu vitamin D, bé có thể bị còi xương.

Được gọi là “vitamin mặt trời” bởi vì nhờ nó mà cơ thể bé có thể tự tổng hợp vitamin D từ chính ánh nắng mặt trời nhưng cách tạo vitamin này lại phụ thuộc vào thời tiết.

vitamin
Vitamin D rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt nó giúp
hệ thống xương, răng được chắc khoẻ, vững vàng (Ảnh minh họa)

Ngoài việc tắm nắng, cha mẹ có thể bổ sung chất này thông qua thực phẩm hàng ngày cho con. Vitamin D có nhiều trong cá (cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu…). Bé có thể ăn 2-3 phần cá mỗi tuần.

Ngoài ra, gan bò, lòng đỏ trứng gà, nấm, phô mai, sữa, bột ngũ cốc, bánh quy dinh dưỡng, sữa nguyên kem, bơ thực vật, sò, tôm… cũng rất dồi dào vitamin D.

Vitamin A

Vitamin A là một trong những vi chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 6 - 36 tháng.

Việc bổ sung thiếu chất này sẽ dẫn tới bé dễ mắc phải các bệnh như chậm lớn, giảm sức đề kháng, nhiễm trùng và các bệnh liên quan đến thị giác.

Đây được coi là loại vitamin đầu bảng đóng vai trò quan trọng đối với thị lực và sự phát triển của hệ xương, giúp bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm. Vitamin A cũng hỗ trợ sức khỏe và sự phát triển của các tế bào và các mô trong cơ thể, đặc biệt là ở tóc, móng và da của bé.

Các thực phẩm chứa nhiều vitamin A như: trong rau quả xanh (rau muống, bông cải xanh, mồng tơi, rau đay, súp lơ xanh, rau bina, xà lách…), rau quả có màu vàng sẫm (khoai lang, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…), và trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như (gan, thịt, cá, lươn, trứng, sữa...).

Vitamin C

Vitamin C giúp hình thành và có nhiệm vụ sửa chữa các tế bào hồng cầu và các mô. Nó giúp bé duy trì sức khỏe của lợi và sự vững chắc của thành mạch, giảm thiểu vết thâm tím do ngã, va quệt gây nên. Nhất là những trẻ hiếu động, sự va chạm của bé là điều khó tránh khỏi. Và chính vitamin C giúp nhanh chóng làm lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch và kháng viêm.

Nó cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt từ các loại thực phẩm khác. Vitamin này cũng có trong nhiều loại thực phẩm như rau xanh, rau hẹ, ổi, đu đủ, cam, quýt, dâu tây, bưởi, cà chua, đậu đỗ, khoai tây…

Tóm lại, vitamin rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của con. Các bậc phụ huynh nên chú ý đến thực đơn của bé phải thật đầy đủ, phong phú.

Thực phẩm tươi luôn là nguồn tốt nhất cung cấp các loại vitamin “có sẵn” (như vitamin A, vitamin B, C, E,...), và tiền vitamin (ví dụ, caroten khi vào cơ thể chuyển thành vitamin A).

(Theo Afamily)

Thực phẩm giúp bé có hệ tiêu hóa tốt

Tiêu hóa tốt sẽ khiến bé ăn ngon miệng. Vậy làm thế nào để giúp trẻ tiêu hóa tốt là đề tài hấp dẫn được các mẹ trao đổi rất sôi nổi trên các diễn đàn.

Thực phẩm giàu chất xơ

Để bé yêu có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cha mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc… vào thực đơn hàng ngày cho bé.

Cơ thể rất cần chất xơ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Một khi bị thiếu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, bé rất dễ bị táo bón. Những thực phẩm giàu chất xơ này sẽ giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa, giúp hạn chế chứng táo bón, ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu… cân bằng nguồn dinh dưỡng cho bé.

Thực phẩm giàu chất xơ có khả năng giữ và thanh lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa, tách lấy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy các chất thải còn lại ra bên ngoài.

Vì thế, ngoài sữa, cha mẹ nên bổ sung vào bữa ăn dặm, bữa ăn chính của con một số loại thực phẩm giàu chất xơ như: táo, đu đủ, bí ngô, chất xơ từ ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu, đậu Hà Lan,…

rau-qua
Chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ (Ảnh minh họa)

Chuối điển hình là một loại trái cây giàu chất xơ. Mỗi ngày, cha mẹ cho bé ăn một quả chuối rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Do đó, từ tháng thứ 6 bạn nên bắt đầu tập cho trẻ ăn hoa quả tươi bằng cách ép lấy nước cho trẻ ăn từng giọt, có thể tăng lên 1 – 3 thìa cà phê/ ngày khi bé quen, hoặc tập cho trẻ ăn chuối nạo, đu đủ được nghiền nát.

Có thể cho bé ăn “kèm” trái cây vào món ăn để tăng thêm dưỡng chất.

Gừng

Gừng hỗ trợ cho tiêu hóa cho bé bằng cách giúp di chuyển thức ăn nhanh từ dạ dày xuống ruột non. Gừng đôi khi được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi và hội chứng ruột kích thích. Khi con bị đầy hơi, tiêu chảy, nhiều bà mẹ cũng lựa chọn thêm nếm một chút loại gia vị này để giúp bé nhanh hết triệu chứng khó chịu.

Sữa chua, những chế phẩm từ sữa

Sữa chua là sản phẩm thu được khi lên men sữa động vật, sữa chua có nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ đặc biệt là hệ tiêu hóa của bé. Sữa chua giúp bé tiêu hóa tốt hơn là nhờ lượng lợi khuẩn probiotics có trong sữa.

Chất này có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa, giúp trẻ hấp thu tốt hơn các chất dinh dưỡng. Vì vậy, các bà mẹ nên duy trì thói quen cho trẻ ăn sữa chua mỗi ngày.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên bổ sung sữa, đậu nành và các chế phẩm của chúng cho bé. Đây cũng là cách mẹ thêm vào các protein thực vật dễ tiêu hóa, vừa tốt cho hệ tiêu hóa vừa giúp tăng cường hoạt động hệ thần kinh của trẻ.

Hạn chế thực phẩm kích thích

Những đồ uống như nước ngọt có ga, soda, thực phẩm giàu chất béo, cà phê, … sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa nhanh thức ăn của bé. Hệ tiêu hóa của bé còn non nớt nên cha mẹ cần tránh để bé ăn/uống những thực phẩm khó tiêu hóa như vậy.

Nước

Nước rất cần thiết cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng của bé. Nhắc nhở và tạo thói quen uống nước đều đặn hàng ngày và thường xuyên cũng là một cách hữu hiệu để cải thiện hệ tiêu hóa vì nước làm thức ăn loãng ra, dễ di chuyển trong hệ tiêu hóa.

Món mới: phải tập dần

Một điều lưu ý đó là, bất kỳ bà mẹ nào cũng mong mỏi con phát triển nhanh, khỏe mạnh, thế nhưng tùy từng độ tuổi, cha mẹ hẵng cho con “tiếp xúc” với món mới. Đặc biệt khi bé còn nhỏ, bạn nên bắt đầu từ lượng thật ít, sau đó mới tăng dần và chỉ đổi món sau khi bé đã quen. Cho bé ăn quá sớm các loại hải sản, thực phẩm nguyên hạt, nhiều đạm, tinh bột… sẽ không giúp bé cứng cáp lên mà ngược lại làm hệ tiêu hóa bị hoạt động “quá tải” và dẫn đến rối loạn.

(Theo Afamily)