Lưu trữ cho từ khóa: Dinh dưỡng

Cách làm nước ép bí đao uống giảm cân

Bí đao (còn gọi là bí xanh) chứa nhiều dinh dưỡng như protit, đường, chất xơ, caroteen, vitamin PP, B1, B2, C, các chất canxi, sắt..; nhưng không có lipid. Lượng natri thấp đồng thời có thêm axit không những có thể tiêu hao lượng mỡ thừa trong cơ thể mà còn ức chế sự chuyển hóa đường thành mỡ, chống lại sự tích mỡ trong cơ thể. Uống nước bí rất ít năng lượng, nên vẫn có thể ăn thêm các thức ăn khác để cung cấp đủ dinh dưỡng. Chính vì thế, uống nước ép bí đao hằng ngày sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả.

Cách làm nước ép bí đao cho cô nàng muốn giảm cân1
Bí đao có nhiều công dụng, trong đó có giảm cân.

Nguyên liệu:

- 300g bí đao

- 1 thìa cà phê muối

- 4 thìa đường

Cách làm:

Cách làm nước ép bí đao cho cô nàng muốn giảm cân2
Nước ép bí đao giúp bạn giảm cân.

- Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch rồi thái miếng, cho vào máy ép lấy nước.

- Hòa thêm chút muối và đường rồi khuấy đều cho hai thứ nguyên liệu này tan hết.

- Có thể chia ra uống vài lần trong ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe. Có thể thay đường trắng bằng đường phèn để có vị thanh mát hơn.

Công thức nước ép bí đao và dứa như sau:

Nguyên liệu:

- 1 quả bí xanh.

- 1-3 quả dứa.

- Vài viên đá đập vụn.

Cách làm:

- Bí xanh bỏ vỏ, cắt ruột thành từng miếng tùy ý. 

- Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, bổ thành từng miếng tùy ý. 

- Cho bí xanh, dứa vào máy ép (hoặc có thể dùng máy xay sinh tố). Đổ nước ép ra cốc, cho thêm đá vào để được một ly nước ép hoa quả thơm ngon. 

Dứa cũng có tác dụng giảm cân vì dứa cũng như các loại quả khác là đu đủ, kiwi, trong thành phần có chứa Bromelin. Loại enzim này giúp thủy phân protein thành các axit amin, có tác dụng tốt trong việc tiêu hóa, và phân giải lượng calories thừa trong cơ thể.

Theo Webphunu

Bí quyết chăm sóc móng tay khi mùa thu đến

Bảo vệ móng tay

Móng tay, móng chân cũng như da và tóc của bạn, cần được chăm sóc, bảo vệ đúng cách và thường xuyên, nhất là trong thời tiết khô hanh.

- Nếu bạn thường xuyên dùng móng để mở lon nước, nhặt rau hay bấm số điện thoại... thì nên từ bỏ thói quen này trước khi quá muộn. Thay vào đó, nên dùng bút hoặc các vật dụng khác thay thế. Hạn chế sử dụng móng để làm các việc hàng ngày nhằm tránh gây ra tình trạng gẫy hoặc sứt móng tay. Khi làm các món ăn, rửa bát, dọn vườn bạn nên đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa vì đó là nguyên nhân gây nên khô ráp tay và làm thô sần móng tay.
 

cham-soc-mong-tay1-Webphunu.net
Móng tay cũng như da và tóc của bạn, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt.

- Móng tay dài trông có vẻ thanh lịch nhưng cũng dễ bị gãy. Đặc biệt nếu bạn sở hữu bộ móng yếu ớt thì nên "hy sinh" một chút chiều dài để hạn chế tình trạng móng tự nhiên xước hay gãy.

- Sử dụng nước nóng trong mùa đông có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu, không bị lạnh buốt nhưng nếu ngâm móng tay lâu trong nước nóng sẽ khiến chúng dễ khô và nứt hơn. Vì thế, hãy sử dụng nước ấm vừa phải và không nên ngâm tay trong nước quá lâu bạn nhé.

Chăm sóc móng tay đúng cách

Bạn đừng coi thường việc chăm sóc móng tay nhé. Nếu không chăm sóc móng tay đúng cách, bạn cũng sẽ dễ bị nấm móng, khô móng hoặc dễ gãy nứt đấy.

- Để bảo vệ móng tay, điều quan trọng là bạn phải biết các kỹ thuật cắt tỉa móng đúng cách. Sau khi cắt tỉa theo hình dáng mong muốn, bạn nên dùng bàn giũa nhám để giũa từ hai bên vào giữa móng. Ngoài ra, bạn nên tránh giũa mặt trên của móng.

- Nhiều người thích sơn móng tay và thường xuyên thay đổi những loại màu sơn khác nhau bằng cách dùng aceton để tẩy móng tay. Acetone có thể giúp loại bỏ lớp sơn móng dễ dàng nhưng đồng thời nó cũng loại bỏ lớp dầu bảo vệ móng, dẫn đến móng tay khô và dễ gãy. Chính vì vậy, khi sơn sửa móng tay, bạn nên lựa chọn loại tẩy móng có chứa ít thành phần này.

- Nếu móng tay bị bẩn, hãy cắt một nửa quả chanh và chà trực tiếp lên móng trong vài phút rồi rửa sạch lại bằng nước ấm. Những vết ố bẩn trên móng của bạn sẽ được loại bỏ rất an toàn và hiệu quả.

Dưỡng móng tay

- Mỗi tuần một lần, ngâm móng tay, móng chân trong nước ấm với chút muối. Ngâm khoảng 10 phút, bạn dùng vải mềm để lau khô. Để việc chăm sóc móng hiệu quả, bạn nên dùng thêm kem dưỡng móng tay hoặc vaseline để móng tay của bạn khỏe mạnh, phát triển mạnh mẽ, và ngăn ngừa khô, gãy.

- Trước khi đi ngủ, bạn hãy lấy một chút dầu ôliu và dùng bông thoa đều trên móng tay. Để khoảng 5-10 phút, dùng tay massage nhẹ nhàng và rửa sạch. Điều này giúp tăng tuần hoàn máu xung quanh đầu móng, đem lại sự mềm mại. Massage móng giúp kích thích máu lưu thông đến khu vực đó, kích thích móng phát triển và khoẻ mạnh hơn. Sau khi rửa tay sạch, dùng kem dưỡng ẩm xoa bóp tay và móng tay.

Đối với những người có móng tay mỏng và yếu thì nên ngâm trong dầu ôliu nguyên chất 10-15 phút mỗi ngày, thực hiện liên tục trong khoảng một tháng sau đó thì chỉ cần 2 lần một tuần sẽ giúp móng tay trở nên khoẻ mạnh hơn.

Dinh dưỡng hợp lý

Ngoài việc bảo vệ và chăm sóc móng tay, bạn còn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nuôi móng từ bên trong.

- Các loại vitamin cần thiết để tổng hợp dưỡng chất giúp móng khỏe mạnh và sáng bóng. Thiếu vitamin A, vitamin C và canxi có thể làm cho móng khô và giòn. Việc bổ sung các loại vitamin từ trái cây và rau xanh trong thực đơn hàng ngày là cách đơn giản nhất để giúp móng của bạn luôn chắc khỏe.

Các loại thực phẩm như đậu phộng, đậu lăng, nấm và súp lơ rất giàu vitamin B. Đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể, vừa giúp da bạn chống lão hóa, vừa tăng cường sức khỏe cho móng tay, móng chân luôn chắc, khỏe và bóng đẹp. Hãy bổ sung thực phẩm này ít nhất ba hoặc bốn lần một tuần để móng phát triển mạnh mẽ. Ngoài vitamin, bạn cũng nên ăn nhiều thực phẩm chứa canxi, protein trong chế độ ăn hàng ngày để tốt cho móng

- Bổ sung những loại thực phẩm giàu biotin vào trong chế độ ăn như gan, trứng, gạo nguyên cám, súp lơ, quả bơ... để giúp móng tay trở nên khoẻ hơn và ít gẫy.

- Uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày sẽ hạn chết tình trạng móng tay bị khô và hư tổn.

Theo Webphunu

Sai lầm khi xào nấu rau

Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên trang The Health, rau xanh cũng như các loại củ quả cung cấp nhiều vitamin cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên do một số thói quen chế biến rau thiếu khoa học, người đầu bếp có thể làm hao tổn rất nhiều dinh dưỡng trong quá trình xào nấu. 

raucu-1377747898.jpg

Ảnh minh họa: shutterstock.

1. Thời gian xào nấu quá lâu

Các vitamin có trong rau củ rất "nhạy cảm", nếu được đun nấu dưới ngọn lửa nhỏ trong thời gian dài, nó rất dễ bị phân hủy. Vì thế chuyên gia dinh dưỡng khuyên thời gian xào nấu rau củ không nên kéo dài, tốt nhất nên đun với ngọn lửa lớn và không nên cho quá nhiều nước để giảm thiểu tổn thất vitamin.

2. Cắt rau xong không nấu ngay

Đa phần vitamin trong rau ở trạng thái "dễ bay hơi". Vì thế sau khi cắt rau không nấu ngay mà để trong một thời gian dài, phần lớn vitamin sẽ bị ôxy hóa. 

3. Nhặt bỏ lá rau

Một số bà nội trợ có thói quen nhặt bỏ phần lá khi chế biến rau muống, rau nhúc... Đây là việc làm sai lầm và lãng phí bởi lượng vitamin có trong lá rau hay thân, cọng cũng nhiều như nhau.

4. Cắt rau xong mới rửa

Tốt nhất bạn nên rửa rau xong rồi mới cắt, như thế sẽ đảm bảo lượng vitamin vẫn còn nguyên vẹn. Theo nghiên cứu, vitamin có trong rau thường ở dạng nước nên nếu cắt rau xong mới rửa, bạn đã vô tình "rửa" đi lượng lớn vitamin.

5. Gọt bỏ hết vỏ rau củ

Nhiều người cho rằng vỏ rau củ thường là phần tiếp xúc với đất bẩn nên gọt bỏ đi hết. Tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một số loại rau củ tươi mà vỏ chứa nhiều vitamin C hơn cả thân và lá. Chẳng hạn bí đỏ, củ cải, cà rốt, cà tím... Vì thế các bà nội trợ được khuyên, ngoại trừ loại củ có vỏ cứng không nấu mềm được, không nên gọt hết vỏ rau củ, chỉ cần rửa thật sạch trước khi chế biến là được.

Thi Trân (The Health)

Sốt vi rút – bệnh không thể chủ quan

Sốt siêu vi trùng hay còn gọi là sốt vi-rút (virus), là bệnh lây qua đường hô hấp. Do tính chất lây lan rất nhanh, đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em và phụ nữ có thai. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh có thể biến chứng gây mất dịch, tụt huyết áp – trụy tim mạch, nhiễm khuẩn (bội nhiễm), một số loại vi-rút còn gây viêm não, viêm phổi…

 Sốt vi rút – bệnh không thể chủ quan - Tin tức - Sốt ở trẻ em - Sốt virus ở trẻ em

Hằng năm cứ vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 tại Hà Nội và một số tỉnh trong cả nước xuất hiện bệnh sốt kèm với các triệu chứng khác như: Đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm đường hô hấp trên… với số người mắc bệnh khá cao và ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng bị nhiễm bệnh nhiều nhất vì cơ thể của các em chưa có sức đề kháng cao. Đáng lo ngại, thời gian gần đây số bệnh nhân bị sốt vi-rút trên địa bàn Hà Nội phải nhập viện khá đông và không chỉ có các bệnh nhân nhỏ tuổi mà cả người lớn cũng bị bệnh, cá biệt có gia đình cả nhà đều bị sốt vi-rút.

Theo các bác sĩ chuyên khoa: Ở điều kiện bình thường cũng có những vi-rút ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa… , nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Các loại vi-rút thường gây sốt gồm: Myxo, coxackie, entero, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… Vi-rút có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, có thể gây thành dịch.

Sốt vi-rút có các triệu chứng nổi bật sau: Thứ nhất, người bệnh bị sốt cao từ 38 đến 39ºC, thậm chí 40 đến 41ºC. Trong cơn sốt, bệnh nhân nhi thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol… Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường. Thứ hai, đau mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc. Thứ ba, đau đầu: Một số trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã. Thứ tư, viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như: Ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ… Thứ năm, rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do vi-rút đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy. Thứ sáu, viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy. Thứ bảy, phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt. Thứ tám, viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt. Thứ chín, người bệnh nôn mửa: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn. Không có các biểu hiện nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3 đến 5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh. Sốt vi-rút không thực sự nguy hiểm nếu được chữa trị kịp thời. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đến thời điểm hiện nay sốt vi-rút vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, cách xử lý tốt nhất là hạ sốt, chườm mát, bù nước và điện giải. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn thì đừng dùng kháng sinh. Các biện pháp thường áp dụng là: Hạ sốt, dùng paracetamol liều 10mg/kg, 6 giờ/lần. Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5ºC thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao. Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng. Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng. Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Sau đó phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,5ºC, đặc biệt là trên 39ºC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài hơn 5 ngày.

Để cơ thể có sức đề kháng tốt, chống chọi với các tác nhân vi-rút, vi khuẩn đang phát triển mạnh các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống, ăn đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vi-ta-min từ hoa quả, nghỉ ngơi hợp lý… . Nếu có triệu chứng sốt do vi-rút, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây cho người thân trong gia đình và lan rộng ra cộng đồng.

Sốt vi-rút dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho trẻ đến trường. Đối với các đơn vị quân đội, khi có người sốt vi-rút thì nên tổ chức cách ly và điều trị kịp thời, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, cần tập trung tiêu diệt muỗi, duy trì tốt việc bộ đội ngủ phải mắc màn và tuyên truyền, vận động người dân nơi đơn vị đóng quân ngủ phải mắc màn, phát quang bờ bụi quanh nhà… đây là biện pháp tốt nhất để tránh muỗi đốt./.

Bác sĩ Hòa Bình

Thực phẩm bà bầu cần tránh trong 3 tháng cuối

Chọn sai món ăn có thể làm tình trạng ợ nóng càng trầm trọng hơn khi bầu bí.

Ợ nóng là tình trạng không mấy dễ chịu nhưng lại rất hay gặp ở thai phụ, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, gây cảm giác nóng rát cho bà bầu ngay sau xương ức, đôi khi có dịch axit trong dạ dày ợ lên miệng. Nguyên nhân là do trong thai kỳ, lượng hormone relaxin tăng cao dẫn đến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, làm thức ăn lưu trong dạ dày lâu hơn, khiến cho axit tiết ra nhiều. Đồng thời, thai nhi lớn dần trong bụng mẹ chèn ép lên dạ dày và cơ thắt thực quản dưới, gia tăng khả năng axit bị đẩy ngược lên thực quản.

Chứng ợ nóng thường gia tăng vào những tháng cuối thai kỳ, khiến bà bầu dễ bị nhạt miệng, chán ăn ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Tình trạng này càng tệ hơn nếu mẹ bầu vô tình ăn những thực phẩm có tác dụng tăng tiết dịch axit ở dạ dày hay làm giãn các cơ vòng tại cổ dạ dày đẩy axit trào ngược lại thực quản. Vì vậy, để hạn chế ợ nóng, mẹ bầu cần tránh thưởng thức những món ngon sau đây trong suốt thai kỳ.

1. Khoai tây chiên

Chế biến với rất nhiều dầu mỡ, khoai tây chiên là một trong những loại thức ăn nhanh được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chị em không nên ăn trong thời gian bầu bí. Không chỉ gây tăng cân, khó tiêu, khoai tây chiên giàu chất béo còn có xu hướng làm giãn các van cơ bắp vốn ngăn cách thực quản với dạ dày, cho phép axit từ dạ dày thấm ngược lên thực quản. Kết hợp với hormone thai kỳ khiến van này càng giãn rộng hơn nữa, từ đó làm tăng gấp đôi tình trạng ợ nóng ở bà bầu.

Không chỉ có khoai tây chiên, chị em cũng cần tránh các loại thức ăn chiên nhiều dầu mỡ và chất béo khác. Nếu quá yêu thích khoai tây, nên thay thế bằng khoai tây nướng, luộc hoặc hấp.

thuc-pham-ba-bau-can-tranh-trong-3-thang-cuoi

2. Hamburger thịt bò

Ăn một chiếc bánh hamburger thịt bò vào buổi tối sẽ có nguy cơ làm cho bạn mất ngủ nguyên đêm vì chứng ợ nóng. Nguyên nhân là thịt bò chứa 75% nạc nhưng có đến 25% chất béo bão hòa làm cho quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn, đồng nghĩa với việc thực phẩm và axit lưu lại trong dạ dày lâu hơn, làm bạn ợ nóng nhiều hơn. Do đó, hãy thay thịt bò bằng ức gà nướng hay hamburger chay với rau củ cho buổi ăn tối nhẹ trước giờ đi ngủ.

3. Cà chua

Dù chứa hơn 20 vitamin và khoáng chất, vừa giúp bà bầu đẹp da vừa giảm mệt mỏi, chuột rút thai kỳ, tuy nhiên, nếu thai phụ đang bị chứng ợ nóng hành hạ thì cà chua lại không còn là loại quả lý tưởng để ăn hàng ngày. Nguyên nhân là do axit có trong cà chua có thể làm cho dạ dày của bạn gặp vấn đề với chứng trào ngược axit, thậm chí khi bạn chỉ ăn 1 vài lát cà chua có trong bánh sanwich hay trong món trộn salad thơm ngon. Nước sốt cà chua kết hợp với món mì ống Ý có thể còn làm cho chứng ợ nóng tăng lên đáng kể, do có quá nhiều chất béo, dầu mỡ trong món ăn này.

thuc-pham-ba-bau-can-tranh-trong-3-thang-cuoi

4. Trái cây họ cam quýt

Cam và bưởi là nguồn cung cấp vitamin C và các chất dinh dưỡng quan trọng khác trong suốt thời gian bầu bí.  Nhưng thật không may, các loại trái cây có tính axit cao này cũng là tác nhân kích hoạt chứng ợ nóng ở nhiều bà mẹ tương lai. Do đó, nếu đang gặp rắc rối vì ợ nóng, hãy thay cam, chanh, bưởi hay quýt bằng các loại trái cây khác dồi dào vitamin C và dưỡng chất nhưng ít có tính axit như quả mâm xôi hay dâu tây.

5. Socola

Socola có chứa theobromine, một hợp chất tự nhiên làm giãn các van cơ bắp ngăn dạ dày và thực quản, khiến axit dễ trào ngược lại thực quản. Ngoài ra, socola cũng là một nguồn cung caffeine gây kích thích dạ dày. Hai tác nhân này dẫn đến việc nếu ăn quá nhiều socola, bà bầu sẽ có nguy cơ phải đối diện với chứng ợ nóng nhiều hơn bình thường. Do đó, chỉ nên ăn 1 lượng socola nhỏ, hoặc chuyển qua ăn socola làm từ cây carob, một loại socola không có chất caffeine và theobromine.

6. Trà bạc hà

Từ lâu, trà bạc hà được xem là loại thức uống hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của bà bầu, nhưng theo một số chuyên gia về dinh dưỡng, bạc hà có thể kích thích chứng trào ngược dạ dày ở những người hay bị khó tiêu do thiếu cân bằng axit.  Vì vậy, nên thay thế 1 tách trà bạc hà bằng trà hoa cúc, hay trà thảo mộc vừa giúp giảm viêm vừa kích thích chất nhầy trên bề mặt của đường tiêu hóa, đẩy nhanh tiến độ tiêu hóa thức ăn, từ đó giảm ợ nóng khá hiệu quả.

thuc-pham-ba-bau-can-tranh-trong-3-thang-cuoi

7. Trà và cà phê

Cà phê, trà và các thức uống chứa caffein khác (bao gồm cả socola nóng) gây nên chứng khó tiêu, ngay cả với cà phê không caffein vẫn có thể làm tình trạng ợ nóng ở bà bầu nặng thêm. Chưa kể, dùng nhiều cà phê, trà hay các thức uống chứa caffein hoàn toàn không tốt cho thai nhi, do chúng là 1 trong những tác nhân gây nên tình trạng sinh non, sinh con nhẹ cân hoặc sẩy thai. Vì sức khỏe của cả mẹ và bé, bà bầu nên tránh dùng các loại thức uống này trong suốt thai kỳ, nếu quá “ghiền” cà phê, bạn hãy chuyển qua dùng 1 tách cà phê sữa nhỏ để giảm bớt lượng caffein trong món uống dễ gây nghiện này.

8. Nước có gas

Soda, cola, nước ngọt hay bất kỳ một sản phẩm uống nào có chứa gas đều có thể làm cho chứng ợ nóng của bạn thêm trầm trọng. Caffein, cộng với những sủi bọt nhỏ trong những loại nước này là nguyên nhân khiến dạ dày phình lên, kích hoạt sản xuất axit dạ dày nhiều hơn. Để hạn chế việc dung nạp các loại thức uống này, mẹ bầu nên chọn mua loại nước có gas đóng trong hộp vừa thay vì một chai lớn, và uống từng ngụm nhỏ để tránh gây kích ứng thực quản.

9. Hành tây

Hành tây và các loại hành mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi như có thể giúp giải độc cơ thể, tăng sức đề kháng, tăng hàm lượng cholesterol tốt, ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ, giàu axit folic, vitamin B, C, K, crom, biotin v.v…. Tuy nhiên, hành tây lại là tác nhân làm cho chứng ợ nóng của thai phụ thêm trầm trọng, do đây là loại thực phẩm có tính axit gây khó tiêu, đầy hơi, tạo cơ hội cho thức ăn chưa tiêu hóa trào ngược lại thực quản. Tình trạng này sẽ trở nặng hơn khi chị em ăn hành tây trước giờ đi ngủ, vì vậy chỉ nên chọn các món có hành tây trong bữa ăn sáng và trưa để giảm cơ hội cho chứng ợ nóng hành hạ bạn.

10. Các sản phẩm chế biến từ sữa

Uống 1 ly sữa nóng trước giờ đi ngủ có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm thiểu chứng ợ nóng, nhưng nếu dùng quá nhiều sữa nguyên kem và các chế phẩm từ sữa như phô mai, kem, sữa trứng chứa lastose (axit lactic) và chất béo … có thể gây nên chứng khó tiêu cho bà bầu. Nhằm hấp thu tốt canxi và các dưỡng chất từ sữa, thai phụ chỉ nên uống từ 2 – 3 ly mỗi ngày, và có thể thay thế bằng sữa đậu nành hay sữa gạo bổ sung canxi để hạn chế tình trạng ợ nóng.

Theo Eva.vn

Trẻ em cũng dễ bị đái tháo đường

Hiện nay nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ bệnh đái tháo đường không thể xảy ra với trẻ em. Do đó khi trẻ có những triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, đồng thời bị sụt cân nhanh và các hậu quả nặng nề hơn thì các bậc phụ huynh mới tá hỏa đưa trẻ đến viện.

Các chuyên gia cho biết, cuộc sống bận rộn nên ngày càng nhiều người thường ưa thích sự tiện lợi, các đồ ăn, các loại bánh ngọt nhưng không phải ai cúng ý thức được rằng đó chính là mối hiểm họa có thể gây nên đái tháo đường tuýp 2, đặc biệt với trẻ nhỏ.

tre-em-cung-de-bi-dai-thao-duong

Dùng nhiều đồ ăn nhanh và nước ngọt là nguy cơ khiến trẻ dễ bị tiểu đường. (Ảnh minh họa)

Theo TS. Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, do điều kiện kinh tế thay đổi nên khẩu phần ăn của người Việt cũng thay đổi. Những trẻ thừa cân, béo phì lại thường có khẩu phần ăn nhiều hơn so với nhu cầu bình thường, năng lượng nhiều hơn, nhất là năng lượng từ chất béo, nguồn đường bột. Bên cạnh đó, hiện nay trẻ ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ xem tivi, chơi điện tử…  không tiêu hao năng lượng nên trẻ dễ thừa cân, béo phì. Đây cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng trẻ bị bệnh tiểu đường.

Trẻ em thường thích ăn chiên, rán, các món chế biến với rất nhiều dầu, mỡ đường và bột. Chính sự yêu thích này rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra ở trẻ em. Các nghiên cứu từ giới chuyên môn cho thấy trẻ béo phì có nhiều nguy cơ bị tim mạch, đái tháo đường tuýp 2.

Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ béo phì đang gia tăng ở mức báo động ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM. Đó là hậu quả từ chế độ dinh dưỡng sai lầm và đây chính là nguy cơ có thể mắc đái tháo đường ở trẻ em. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần giám sát cân nặng của con mình một cách chặt chẽ, đặc biệt với những trẻ thích dùng đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên, rán.

Theo VnMedia.vn

Chứng rối loạn ăn uống khi mang thai

Khi bầu bí, sẽ có rất nhiều thay đổi trong cơ thể bạn từ tâm lý đến sức khỏe, đặc biệt là chứng rối loạn ăn uống.

Rối loạn ăn uống trong thời gian mang thai có thể trở nên nghiêm trọng cho cả mẹ lẫn bé trong tương lai đấy.

Đây là một hiện tượng không còn xa lạ trong xã hội hiện nay, nhưng đối với thai phụ thì đây là vấn đề khá nguy hiểm. Lý do là vì những người mắc bệnh thường không nhận thức đúng về cân nặng và vóc dáng của mình.

Họ bị ám ảnh bởi số đo của người khác, từ đó thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình theo hướng tiêu cực. Đương nhiên không cần bàn, đây cũng là những người ương bướng nhất quả đất vì họ chẳng bao giờ chịu lắng nghe lời khuyên của người khác.

Có hai dạng rối loạn ăn uống: chứng biếng ăn và háu ăn. Trong khi có khoảng 1/250 thai phụ không muốn thêm bất cứ thứ gì thì ngược lại, có 1/50 trường hợp lại muốn ăn tất cả những thứ mà họ có thể. Điều đó chứng tỏ rối loạn ăn uống vô cùng phổ biến và xuất hiện với mật độ ngày càng cao.Tuy nhiên, hậu quả của nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời.

chung-roi-loan-an-uong-khi-mang-thai

Nếu thai phụ mắc chứng háu ăn thì thai phụ lẫn thai nhi phải chịu những tác động không ổn định

Chứng biếng ăn – không chỉ ở trẻ vị thành niên

Câu chuyện về một bà bầu chỉ 25kg, là nạn nhân của chứng biếng ăn trầm trọng ngay từ 12 tuổi với thời niên thiếu chỉ nặng 20kg. Sau 10 năm điều trị tích cực, cô đã đạt được 57kg.

Thế nhưng khi mang thai, nỗi sợ tăng ký lại trỗi dậy và cô gái này không ngừng bỏ ăn để giữ vóc dáng ban đầu của mình, cho dù bác sĩ và chồng cô đã khuyên nhủ hết mực. Hậu quả là cô phải nhập viện, cả hai mẹ con đều có nguy cơ tử vong rất cao.

Người ta phải lắp ống truyền đạm vào cơ thể thai phụ để duy trì sự sống cho cả hai. May mắn là thai nhi vẫn có thể ra đời, dù sớm hơn đến 10 tuần và người mẹ phải cải thiện tình trạng sức khỏe cho đến khi con được 14 tháng tuổi mới có thể chăm sóc.

Biếng ăn trong thai kỳ có thể dẫn tới vô số hậu quả không lường, như sinh non, sinh con thiếu cân, biến chứng khi sinh, tiền sản giật, phải mổ lấy thai. Nguy hiểm hơn, nó có thể dẫn tới tình trạng thai tăng trưởng chậm trong tử cung, mắc vấn đề hô hấp, chết non, thai phụ bị trầm cảm, mắc bệnh tiểu đường và sẩy thai.

Nhiều bà bầu không thể chấp nhận việc cơ thể tăng từ 10 – 12,5kg trong thai kỳ, tức phải nạp hơn 2.000 calorie/ngày. Điều này giống như một cơn ác mộng, bởi trước đó họ vốn đã sợ thức ăn.

Chứng háu ăn – không khác hơn là bao

Dù gọi là “chứng háu ăn” nhưng triệu chứng và hậu quả của nó cũng như căn bệnh trên. Những ai mắc chứng háu ăn sẽ “thả phanh” nhưng sau đó lại lên chế độ thải bỏ bằng cách móc họng nôn hết ra, uống thuốc xổ hay khiến bản thân bị bệnh.

Nói cho cùng, cơ thể thai phụ lẫn thai nhi vẫn chịu những tác động không ổn định nếu thai phụ mắc chứng háu ăn.

Cũng giống như chứng biếng ăn, thai phụ mắc chứng háu ăn có thể tử vong nếu không được điều trị cẩn thận. Không chỉ vậy, việc nôn thường xuyên còn dẫn đến nhiều vấn đề nguy hại khác cho sức khỏe và cân nặng không ổn định còn dẫn đến bệnh cao huyết áp.

Chị M. Hạnh (Quảng Bình), kể: “Hồi trẻ cứ mỗi khi căng thẳng là mình lại nốc một đống thức ăn vào người, không cần biết nửa đêm hay rạng sáng, rồi lại chạy vào nhà tắm nôn thốc nôn tháo. Lớn lên cứ tưởng mình đã khỏi bệnh, ngờ đầu khi mang thai thì chứng háu ăn lại tiếp tục tái phát.

Mình ăn vô tội vạ, sau đó lại sợ và thương con nhưng xấu hổ không dám kể cho ai nghe. Mỗi ngày mình móc họng cũng không dưới 5 lần. Sau đó mình lên cơn tăng xông phải nhập viện 2 tuần để tránh sinh non. Sau khi sinh mình cũng rất khó khăn để cho con bú…”.

Bảo vệ cả mẹ lẫn con

Nếu phát hiện mình đang bị rối loạn ăn uống, hãy tìm mọi cách vượt qua nó để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cả hai mẹ con bạn. Phần lớn những thai phụ trải qua rối loạn ăn uống đều có được những đứa bé vô cùng khỏe mạnh.

Đó là do họ vẫn duy trì cân nặng của mình một cách khoa học. Hay nói cách khác, tâm lý chính là rào cản lớn nhất để vượt qua rắc rối này.

- Lên lịch khám thường xuyên và bày tỏ khó khăn về ăn uống của mình cho bác sĩ.

- Quyết tâm để lên cân vì sức khỏe của bạn và con.

- Loại bỏ thức ăn gây hại, hướng tới những bữa ăn cân bằng với đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Tìm một nhà dinh dưỡng để hướng dẫn chế độ ăn tốt hơn.

- Cố quên đi mong muốn nôn hết thức ăn.

- Đăng ký biện pháp trị liệu cho chứng rối loạn ăn uống.

- Sau thai kỳ, tiếp tục nhờ chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ… để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó bạn mới vượt qua cơn trầm cảm sau sinh cũng như có đủ sức khỏe để cho con bú.

Bạn có đang rối loạn ăn uống?

Bạn có thể mắc bệnh nếu bạn:

- Trở nên quá cầu toàn và thường hụt hẫng khi không đạt được thứ mình muốn. Khi đó, bạn cảm thấy ăn là điều duy nhất mình có thể làm chủ được.

- Đôi lúc bạn chỉ nghĩ về đồ ăn.

- Cực kỳ nhạy cảm về cân nặng. Sợ bị béo phì, kể cả khi mọi người bảo bạn ốm.

- Lên danh sách những thức ăn cấm, càng lúc càng ăn ít.

- Tập thể dục quá sức, thông thường bạn sẽ không cho mọi người biết vì sợ họ ngăn cản.

- Tự khiến mình bị bệnh.

- Dùng thuốc giảm cân hoặc thuốc xổ.

Theo Kienthucgiadinh.com.vn

Để nấu ăn không mất chất dinh dưỡng

Trong quá trình chế biến món ăn, thành phần hóa học của thịt, rau, hạt đều bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Dưới đây là những bí quyết giúp giữ chất dinh dưỡng trong quá trình nấu ăn được đầu bếp Thanh Hoa chia sẻ.

Vịt

Với thịt quay, nếu tẩm ướp gia vị quá sớm dễ làm cho protein trong vịt bị đông cứng lại, thớ thịt co lại, cứng, không ngon. Thời gian tẩm ướp lý tưởng nhất là trong vòng một tiếng.

vit-quay[1332088530].jpg
Chỉ nên tẩm ướp gia vị 1 giờ trước khi đem vịt đi quay.

Lạp xưởng, thịt muối hay jambon

Trong những loại thực phẩm này có chứa loại muối nitorat ammoni, nếu bạn đem chiên sẽ sinh ra chất gây ung thư.

Trứng

Trứng vừa chín tới, lòng đỏ còn dẻo là ngon. Khi luộc lâu, nếu để ý bạn sẽ thấy bề mặt vỏ có màu tro xanh vì khi này trứng hình thành một chất khó hấp thu, dẫn đến giảm giá trị dinh dưỡng.

Cần phải nấu cá không dưới 8-10 phút (đã cắt thành miếng nhỏ), hay nguyên con (từ 500g trở lên) không dưới nửa giờ. Nên cho cá vào nước sôi, sau đó hạ lửa nhỏ xuống ngay. Khi rán, nhất định phải tẩm bột để cá không bị chảy mất nước, không để rán quá lâu, vì khi đó protein trở nên cứng và mất giá trị dinh dưỡng. Tốt hơn hết, nên rán cá ở cả hai mặt cho đến khi có vỏ vàng, sau đó nướng tiếp trong lò nướng 5-7 phút.

ca-chien[1332088530].jpg
Trước khi rán cá, cần tẩm bột hai mặt để cá không bị mất nước.

Rau, quả

Khi bóc bỏ vỏ rau quả, nên cố gắng gọt làm sao cho mỏng, sau đó nấu ngay, không nên để lâu rau quả đã làm sạch vỏ ngoài không khí. Nên nấu chúng với ít nước hoặc chỉ nấu cách thủy. Chỉ nên làm các món rau trộn (salad) ngay trước khi ăn.

Nên rửa sạch quả, lấy bỏ hạt ngay trước khi đưa lên bàn ăn hay chế biến tiếp (như làm mứt). Khi làm quả nghiền hay làm nước ngọt từ quả tươi, trước hết nên ép lấy nước từ các quả đó, sau đó nấu phần còn lại trong nước khoảng 10 phút, lọc lấy nước, rồi đổ vào nước ép ban đầu và chỉ nấu tất cả đến khi sôi một lần, không hơn.

Thịt

Nếu giữ thịt đông trong tủ lạnh, thì cần để tan trong vòng 2-3 giờ ở nhiệt độ trong phòng. Không cho thịt vào nước. Khi làm tan băng nhanh bằng cách cho thịt vào nước ấm, nước trong thịt sẽ bị mất, cùng với nó các protein có giá trị cũng tiêu hao. Cần rửa thịt nhanh dưới vòi nước lạnh, và nên thu xếp chế biến ngay. Nên nấu thịt bằng những miếng lớn và chỉ bỏ thịt vào nước sôi.

thit-nuong[1332088530].jpg
Nếu giữ đông thịt, cần phải rã đông trong khoảng 2 đến 3 giờ trước khi chế biến.

Khi làm thịt băm trộn bột bánh mì, nước thịt không bị mất nhiều nhờ có bột giữ lại. Dầu mỡ khi rán phải đạt độ nóng hợp lí, rán khi dầu (mỡ) chưa sôi, thịt không hình thành được lớp màng bảo vệ bên ngoài, ngược lại nếu dầu mỡ quá nóng sẽ làm lớp màng bảo vệ bên ngoài của thịt bị cháy, mỡ nóng quá cũng bị phân hủy. Do vậy, cần rán thịt trong mỡ nóng, nhưng không bốc khói, kéo dài khoảng 10 phút, sau đó giữ tiếp trong lò nướng.

Các loại hạt

Các loại hạt ít mất chất dinh dưỡng nhất. Nhưng không nên nấu chúng lâu. Bột mì chỉ nấu trong 10-15 phút; gạo, lúa mì trong 30-40 phút. Nên ngâm hạt đậu xanh, đậu Hoà Lan trong nước lạnh khoảng 2 giờ, sau đó đổ nước đó đi, cho vào nước lạnh mới và nấu.

Bài và ảnh Khánh Hòa

Khoai lang giúp giảm béo hiệu quả

Có nhiều người cho rằng không nên dùng khoai lang để giảm cân do có chứa nhiều tinh bột. Tuy nhiên, lượng tinh bột trong khoai lang chỉ bằng 1/3 so với cơm, và bằng 1/2 so với khoai tây.

Trong thành phần của khoai lang hoàn toàn không chứa chất béo và cholesterol nên có tác dụng ngăn ngừa quá trình chuyển hoá thành chất béo tích tụ trong cơ thể.

Bên cạnh đó, khoai lang còn chứa các chất khó phân huỷ trong dung môi hữu cơ nên nhanh tạo cảm giác no bụng, đẩy lùi cơn đói nhanh chóng.  Chính vì những lý do trên mà khoai lang được coi là thực phẩm vàng để giảm cân.

Bạn có thể tham khảo thực đơn giảm béo bằng khoai lang như sau:

- Ăn khoai lang vào bữa sáng thay cho khẩu phần ăn thông thường hàng ngày. Ngoài ra, trước bữa trưa hoặc tối, bạn có thể ăn một chút khoai để giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể.

- Nên chế biến khoai lang theo phương pháp hấp, luộc hoặc nướng, không nên rán, xào với dầu mỡ sẽ dễ tạo thành chất khó tiêu hoá, phản tác dụng giảm cân.

khoai-1369550786_500x0.jpg
Ảnh minh họa:  Webphunu.

- Thay vì hàng ngày ăn từ 1 đến 2 chén cơm, bạn hãy thay bằng 1-2 chén củ khoai lang có thể giảm đi khoảng 20-25% lượng calories. Với người thừa cân, béo phì thì việc thay thế một phần cơm gạo bằng khoai củ sẽ giúp giảm dần một lượng năng lượng thích hợp hấp thụ vào cơ thể và không gây xáo trộn thói quen ăn uống.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi ăn giảm béo cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng. Do vậy bữa ăn nên giảm cơm và thay thế bằng khoai lang nhưng vẫn phải ăn kèm thực phẩm giàu protein, rau quả tươi để có được khẩu phần cân đối dinh dưỡng.

Theo Webphunu

Lợi ích dinh dưỡng từ thực phẩm màu đen

Tuy bề ngoài không bắt mắt, nhưng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm màu đen cao hơn hẳn những thực phẩm màu trắng cùng loại.

Theo Đông y, thực phẩm màu đen giúp tăng cường chức năng thận, giàu chất chống oxy hóa nên giúp tóc đen khỏe và giữ dáng tươi trẻ, rất tốt cho phụ nữ. Hãy thêm nhiều thực phẩm màu đen vào thực đơn hàng ngày như đậu đen, mè đen, gạo nếp cẩm, nấm hương, mộc nhĩ, gà ác, hải sâm, nho đen, dâu tằm, táo tàu… để đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Đậu đen

Đậu đen khi chế biến cần ngâm lâu, nấu kỹ để tăng cường tác dụng của đậu và dễ tiêu hóa. Ngoài món chè, xôi, đậu đen còn được dùng trong các món ăn như canh, xào, chiên... Khi nấu món canh đậu đen hầm giò heo, cần rửa sạch, ngâm đậu đen vài giờ cho mềm, và giữ nước ngâm để nấu. Cho đậu và giò heo vào hầm, nêm chút muối và bột nêm, thêm vài trái táo đỏ khô hầm chung để tăng hương vị. Đến khi đậu, thịt chín mềm thì nêm lại cho vừa ăn. Còn món thịt chiên đậu đen thì cần hấp đậu đến khi chín mềm, cho đậu vào trộn với thịt nạc heo xay nhuyễn, hành tỏi băm và các gia vị, sau đó vo thành viên tròn rồi lăn qua bột mì đem chiên vàng, dùng với xà lách dầu giấm và tương ớt.

loi-ich-dinh-duong-tu-thuc-pham-mau-den

Mè đen

Mè đen có thể nấu chè, làm bánh, nước uống, làm muối mè ăn với cơm, hay đơn giản chỉ tẩm vào các món ăn cho thêm hương vị. Tuy chứa nhiều tinh dầu nhưng mè đen không gây béo mà còn giúp giữ dáng. Để làm món thịt gà viên nướng mè đen, dùng thịt gà phi lê đem xay hoặc giã nhuyễn, trộn với mỡ gáy luộc chín băm nhỏ, dầu mè và gia vị, rồi vo thành từng viên, lăn qua mè đen cho đều, xiên que đem nướng vàng, dùng với tương cà hoặc tương ớt. Nếu thích ngọt, có thể làm kẹo mè đen để nhâm nhi cũng thú vị. Mè rây sạch cát sạn rồi rang chín. Cho đường với một ít nước vào chảo khuấy tan, nhớ để nhỏ lửa vì đường rất dễ bị cháy, nước đường sôi cho thêm mạch nha vào để kẹo có mùi thơm và đông cứng. Cuối cùng cho mè đen đã rang vào khuấy đều rồi đổ ra khuôn, chờ kẹo nguội và cứng thì cắt thành miếng vừa ăn, cho vào hũ thủy tinh để bảo quản.

Nấm hương

Trong nhiều món ăn, nấm hương chỉ là "vai phụ", nhưng sự có mặt của nấm hương giúp món ăn tăng hương vị. Đổi khẩu vị với món hải sâm xào nấm để bữa cơm ngon miệng hơn. Hải sâm mua loại đã ngâm mềm, đem về trụng nước sôi với ít gừng đập giập, cắt miếng vừa ăn. Nấm hương ngâm nở, bỏ chân để nguyên tai. Cải xanh bỏ lá, trụng sơ trong nước sôi. Bắc chảo phi thơm tỏi, cho hải sâm vào xào, thêm ít rượu trắng và nấm hương, nêm nếm xong cho cải xanh vào trộn đều, nhấc xuống. Khi dùng chấm với nước tương. Hay đơn giản hơn, chỉ là thịt heo hấp với nấm hương nhưng cũng rất ngon miệng. Nấm hương ngâm nở cắt hạt lựu, trộn đều với thịt heo xay, hành tỏi băm, gia vị, tiêu và dầu mè. Để một lúc cho thịt ngấm gia vị rồi đem hấp cách thủy, dùng nóng với cơm.

loi-ich-dinh-duong-tu-thuc-pham-mau-den

Gạo nếp cẩm

Tác dụng của gạo nếp cẩm là ở lớp vỏ ngoài chứa nhiều sắc tố chống lão hóa, màu gạo càng đậm càng tốt. Nấu chè nếp cẩm khoai sọ ăn giải nhiệt lại lạ miệng. Khoai sọ gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn, ngâm nước muối cho bớt nhớt. Dừa vắt nước cốt và nước dảo để riêng. Nếp cẩm vo sạch, ngâm nở rồi đổ vào nồi cùng với nước dừa dảo nấu mềm thì cho khoai vào, đảo đều tay để nếp không bị dính đáy nồi. Khoai mềm cho đường vào, nêm vừa ăn. Đổ nước cốt dừa rồi khuấy đều, tắt bếp. Ăn nóng hay lạnh đều được.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)