Lưu trữ cho từ khóa: điện giật

Tai nạn nguy hiểm ở trẻ do ngày càng tăng

Bị điện giật, bỏng lửa, uống nhầm hóa chất, quạt chém bay xương sọ… là hàng loạt tai nạn nguy hiểm khiến nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu. Các kết quả điều tra bệnh sử ghi nhận, sự sơ ý của người lớn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn cho con trẻ.

Mệt lả sau khi chơi đùa cùng cậu anh trai, bé T.L.M (2 tuổi) chạy vào nhà tìm nước. Thấy chai nước suối không đậy nắp để trên bàn, cháu bê lên ngửa cổ tu một hơi dài. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, tím tái, bất tỉnh tại chỗ. Dùng đủ các biện pháp hô hấp, nặn chanh vào miệng nhưng bé vẫn không tỉnh lại, ngay lập tức cháu được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

nhap vien
Phần lớn tai nạn ở trẻ xảy ra do sự lơ là của người lớn

Tại đây, qua khai thác bệnh sử từ người nhà, bác sĩ ghi nhận dung dịch bé uống phải trong vỏ chai nước suối chính là chất cồn lỏng đang được người nhà sử dụng để đấm bóp, giác hơi. Trong lúc sơ ý người thân của bé đã để chai cồn trên bàn khiến bé uống phải. Sau hai tuần cấp cứu hồi sức tích cực, tình trạng của bé mới dần cải thiện nhưng cháu khó tránh khỏi các di chứng suy hô hấp, viêm phổi hít, hẹp thực quản ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sau này.

Trung tuần tháng 3, bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận điều trị cho trường hợp của bé V.T.T.L. (3 tuổi ngụ tại Bình Thuận). Cháu nhập viện trong tình trạng hôn mê, mất nhiều máu não bị tổn thương. Theo thông tin từ gia đình cho biết, trước đó cha mẹ đưa bé đến nơi làm việc tại cơ sở làm gạch xây dựng. Trong lúc cha mẹ không để mắt, bé đi ra gần khu lò đốt và vấp phải dây điện khiến cây quạt công nghiệp đổ đè lên người, cánh quạt đã chém bay hai mảnh xương sọ ở vùng thái dương khiến não của bé bị tổn thương nặng.

chau be bi chem bay xuong so
Cháu bé bị chém bay xương sọ điều trị tại Nhi Đồng 2

Một tai nạn thương tâm khác đã xảy đến với bé N.T.L. (2 tuổi, ngụ tại Đắk Nông). Buổi chiều trước khi xảy ra tai nạn mẹ cháu dắt con đi đốt rác trong vườn, châm lửa xong người mẹ vào nhà lấy đồ để con cạnh đống lửa. Khi chị quay ra thì đã thấy đứa con gái nằm giãy giụa cạnh đống lửa trong tình trạng quần áo đã bị cháy nát. Cháu nhập viện trong tình trạng bị bỏng 50% toàn thân với nguy cơ gặp phải nhiều di chứng về sau.

Mới đây, tại huyện Hóc Môn, TPHCM em P.V.L. (13 tuổi) đã bị điện giật chết vì leo lên cột điện cứu con diều bị vướng dây. Trở lại hiện trường vụ tai nạn thương tâm của đứa con, ông P.V.N. cha cậu bé đau đớn: “Buổi chiều nó đã bị người dân cản không cho trèo lên cột điện, khi ở nhà tôi nghe thằng bé nói với mẹ nó “tối con sẽ đi cắt diều” nhưng bận bịu với công việc nên tôi không có thời gian khuyên can thằng bé. Ai ngờ tối đến khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ nó cầm dao đi cắt diều nên mới bị điện giật chết”.

hien truong vu tai nan dien
Hiện trường cậu bé cứu diều bị điện giật chết

BS Lê Văn Tùng, Trưởng khoa Bỏng, Tạo hình, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Trẻ em thường có tâm lý tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng các bé chưa thể ý thức được các tình huống nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân. Khi trẻ bị tai nạn nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng đó là rủi ro nhưng ít ai nghĩ tới tình huống tai nạn ở trẻ là do sự lơ là của chính mình”.

BS Tùng cảnh báo, nguy cơ trẻ gặp nạn luôn tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi nhưng thời gian nghỉ hè là lúc tai nạn ở trẻ thường tăng đột biến. Để phòng tránh tai nạn ở trẻ, người lớn phải luôn để mắt đến con trẻ. Khi trẻ đến tuổi nhận biết cần giáo dục cho các bé những kiến thức tự phòng tránh khỏi những tình huống có thể dẫn tới tai nạn. Phụ huynh cần chủ động trang bị những kiến thức về sơ cấp cứu khi gặp tình huống tai nạn vì trên thực tế nhiều trẻ trước khi chuyển đến bệnh viện đã bị sơ cứu sai phương pháp như: Dùng nước mắm, kem đánh răng bôi lên vết bỏng; bị chấn thương cột sống nhưng không được cố định dẫn đến tổn thương tủy sống… khiến việc cứu chữa cho các bé gặp nhiều khó khăn.

(Theo Dantri)

1 Cháu bé nguy kịch vì bị điện giật từ bàn thờ ông địa

 

Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM ngày 29-11 cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 19 tháng tuổi do bị điện giật.

Bệnh nhi được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ đã xử trí cấp cứu tích cực cứu bé qua khỏi nguy kịch. Tuy nhiên hiện bé vẫn còn hôn mê, chưa có dấu hiệu hồi phục tri giác và đang được theo dõi chăm sóc đặc biệt.

Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc chơi gần bàn thờ ông địa, vô tình bé với tay sờ vào dây đèn trang trí trên bàn thờ và bị điện giật. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp khác cũng bị điện giật do sờ tay vào bình đun nước.

Qua các trường hợp này, các bác sĩ lưu ý phụ huynh nên cẩn trọng sử dụng đồ điện trong gia đình. Các vị trí có tiếp điện nên đặt trên cao xa tầm tay trẻ em, nhất là với các loại đèn trang trí nhấp nháy nhiều màu sắc rất dễ kích thích trẻ tiếp cận gây sự cố đáng tiếc.

(Theo Thanhnien)

 

Thông minh hơn nhờ… điện giật

Ai cũng biết rằng chất xám là chiếc chìa khóa để để có được trí nhớ phi thường, trí tuệ sắc sảo, phát minh tuyệt vời. Các nhà khoa học Trường ĐH Sydney (Australia) đã phát hiện dường như kích thích não bằng dòng điện làm cho người ta thông minh hơn.

Trong quá trình thí nghiệm người ta áp dụng một bài đố quen thuộc: có 9 điểm trên một tờ giấy. Làm thế nào dùng bút nối được 9 điểm ấy bằng một nét bút liền mạch, không nhấc lên hoặc gấp giấy. Tưởng chừng đây là một câu đố đơn giản nhưng thực ra, nó vẫn là một “bài đố”  khá khó khăn.

Các nhà khoa học Australia đã tìm ra một phương pháp đơn giản mà vô hại để làm con người thông minh hơn. Họ kích thích não những người tình nguyện liên tục bằng một dòng điện một cách gián tiếp (tức không có tiếp xúc). Bằng cách đó, các nhà khoa học đã ức chế phấn não ở thái dương bên trái, đồng thời kích thích phần não phải. Nhờ vậy đã cải thiện được trí nhớ và tăng cường khả năng tiếp thu những điều mới mẻ cho những người tham gia thí nghiệm.

Sau 10 phút kích thích, 40% số người tình nguyện đã giải được bài đố 9 diểm nói trên. Như vậy, việc kích thích bằng dòng điện xuyên qua não có thể giúp con người giải quyết những bài toán trí tuệ rất phức tạp mà ở trạng thái bình thường người ra không giải nổi.

Thí nghiệm của các nhà khoa học Sydney là một trong rất nhiều cố gắng để làm con người thông minh hơn. Để buộc bộ não làm việc hiệu quả hơn, các nhà sinh lý học thần kinh, tâm lý học, các bác sĩ đã đưa ra nhiều phương pháp khác nữa nhưng tác dụng rất thất thường.

* Đây mới chỉ là giả thiết nghiên cứu của các nhà khoa học, cho có kết luận cuối cùng. Các bạn không nên tự ý thử nghiệm.

(Theo Kenh14)

 

Sơ cứu cho trẻ bị ngạt nước và điện giật

Bé bị đuối nước hay bị điện giật là những nguy cơ rất dễ gặp phải ở trẻ em. Nếu chẳng may bạn gặp phải trường hợp trẻ gặp nạn thì trước tiên bạn không nên quá hoảng sợ mà cần phải thật sự bình tĩnh để tiến kịp thời thực hiện các bước sơ cứu cho bé trong lúc chờ người tới giúp hay chờ xe cứu thương.

Bé bị ngạt nước

Trẻ nhỏ có thể bị chết đuối ở mực nước chưa đến 5cm. Do vậy, bạn đừng bao giờ để trẻ ở gần những nơi gần ao, hồ và trong lúc tắm, không nên để trẻ một mình ở bồn, chậu tắm, thậm chí là xô nước dù chỉ là một phút.

Khi mặt của trẻ bị ngập trong nước, phản ứng rất tự nhiên của trẻ là hít một hơi thật sâu để hét lên, hơn là ngẩng đầu lên khỏi mặt nước.

Cách xử lí:

Bước 1: Kiểm tra xem con bạn còn tỉnh và còn thở nữa hay không.

- Nếu trẻ bị ho, bị sặc hay nôn mửa, có nghĩa là cháu còn thở được. Trong trường hợp có chấn thương nào ở cổ, lưng, bạn hãy bế bé một cách nhẹ nhàng và cẩn thận, đừng xoay, vặn xương sống của trẻ.

- Nếu trẻ không thở: Bạn đừng mất quá nhiều thời gian vào việc rút nước ra khỏi 2 buồng phổi của trẻ. Hãy móc sạch những mảnh vụn như bùn hay rong rêu ra khỏi miệng cháu và làm hô hấp nhân tạo.

Bước 2: Hô hấp nhân tạo

Với em bé

- Đặt bé nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng. Bảo đảm khí quản vẫn còn thông, bằng cách nâng cằm bé lên và ngửa đầu bé ra sau một chút.

Nếu lồng ngực bé không nhô lên, chắc hẳn là có vật đã làm bé tắt khí quản, hãy chữa trị nghẹt thở cho bé bằng phương pháp làm thông khí quản như trên. Nếu lồng ngực em bé nhô lên, hãy rời miệng khỏi mặt em bé và để cho lồng ngực bé xẹp xuống. Hà hơi lại 2 lần nhanh, nhẹ, rồi kiểm tra nhịp đập tim em bé.

- Áp sát môi bạn sát vào miệng và mũi em bé, hà hơi ra nhẹ nhàng vào phổi bé cho đến khi nào thấy lồng ngực của bé nhô lên.

- Hãy rời miệng khỏi mặt em bé và để cho lồng ngực bé xẹp xuống.

Với trẻ lớn hơn

- Đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng. Dùng hai ngón tay nâng cằm cháu lên và ngả đầu cháu ra phía sau. Lấy hết những vật cản trong miệng ra.

Nếu lồng ngực trẻ không nhô lên, chắc hẳn có vật gì làm tắc khí quản. Nếu lồng ngực nhô lên, bạn hãy rời miệng khỏi mặt cháu bé và để lồng ngực bé xẹp xuống. Hà hơi lại 2 lần nhanh và nhẹ, rồi kiểm tra nhịp đập tim của bé.

- Bịt mũi cháu lại. Áp sát môi bạn lên miệng cháu, hà hơi vào phổi cháu cho đến khi thấy lồng ngực của cháu nhô lên. Nếu cháu còn quá nhỏ, bạn hãy áp môi bạn lên miệng và mũi cháu giống như đối với một em bé.

- Rời miệng bạn ra khỏi mặt bé và để cho lồng ngực xẹp xuống. Vẫn bịt mũi cháu.

Bước 3: Gọi xe cấp cứu và tiếp tục làm hô hấp nhân tạo cho đến khi xe cấp cứu đến hoặc cho đến khi cháu bắt đầu thở lại được.

Bước 4: Nếu cháu thở nhưng bất tỉnh, bạn hãy đặt cháu trong tư thế hồi phục để nước có thể thoát ra khỏi miệng và phổi.

Tư thế hồi phục:

Đối với bé dưới 2 tuổi: bạn nên bế bé trên tay và hơi ngả đầu bé ra sau một chút để tránh làm nghẹt khí quản.

Đối với trẻ trên 2 tuổi:

- Nếu trẻ đang nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, hãy quỳ gối cạnh trẻ. Kéo 2 chân trẻ ra và đặt cánh tay của trẻ gần người bạn vào một góc thích hợp, thân người với khuỷ tay của trẻ được gập lại.

- Vắt cánh tay còn lại lên ngang ngực và chạm lòng bàn tay của trẻ vào má trẻ.

- Tiếp tục giữ trẻ ép vào má như vậy, nắm chặt đùi của trẻ phía xa người bạn nhất và kéo đầu gối của trẻ lên. Giữ cho lòng bàn chân trẻ chạm hết trên đất và đặt nó ngang với đầu gối của chân kia.

- Lăn trẻ vào tư thế nằm yên, với đầu gối gập lại và đầu tựa trên tay trẻ.

Hãy lấy áo hoặc chăn đắp cho trẻ để giữ ấm. Đưa cháu vào phòng kín càng sớm càng tốt để tránh bị cảm lạnh.

Bị điện giật

Nguyên nhân: Có thể do nhiều nguyên nhân như:

- Dây điện hở, bé thọc tay vào ổ cắm.

- Các thiết bị điện không an toàn, bé chạm tay ướt vào các dụng cụ điện.

Triệu chứng: Trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị bất tỉnh và tim có thể ngừng đập. Nhẹ hơn, trẻ có thể bị bỏng nhẹ.

Việc cần làm:

- Trước khi đến cứu, phải cách ly sự tiếp xúc giữa trẻ với nguồn điện gây tai hoạ bằng cách, ngắt cầu dao chính nối với nguồn điện bên ngoài hoặc rút dây cắm ra khỏi ổ điện.
- Nếu phải dùng tay để đưa trẻ ra khỏi nguồn điện, phải chú ý thực hiện trong sự an toàn: Đẩy trẻ ra khỏi nguồn điện bằng các vật không dẫn điện như gỗ, nhựa và chú ý đứng trên một vật cách điện như gỗ hoặc thảm.

- Nếu quá gấp gáp và không còn chọn lựa nào khác, chỉ nên nắm lấy quần áo của trẻ để kéo trẻ ra khỏi nguồn điện. Tuy nhiên, cách này có thể rất nguy hiểm, vì nếu chạm vào da thịt trẻ hoặc nếu quần áo trẻ bị ướt thì chính bạn cũng có thể sẽ bị điện giật.

- Khi đã tách được trẻ ra khỏi nguồn điện, hãy xem trẻ có bị phỏng hay không. Nếu vết phỏng trầm trọng hoặc trẻ bất tỉnh, hãy gọi xe cấp cứu. Đồng thời, hãy điều trị các vết phỏng bằng cách, đổ nước lạnh vào đó và đắp gạc vô trùng lên vết thương. Chú ý theo dõi tình trạng của trẻ một cách chặt chẽ.

Kiểm tra xem trẻ còn tỉnh không?

Nếu trẻ bất tỉnh: Hãy kiểm tra hơi thở của trẻ, bắt đầu bằng hô hấp nhân tạo. Nếu trẻ còn tỉnh, hãy dỗ dành, trấn an cháu. Nếu cháu còn thở, hãy đặt cháu nằm trong tư thế hồi phục.

(Theo TCLD)