Lưu trữ cho từ khóa: dịch cúm

Bé gái 12 tuổi ở Thanh Hóa nguy kịch vì cúm H1N1

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương gần đây tiếp nhận một trẻ 12 tuổi trong tình trạng phổi tổn thương rất nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi nhiễm cúm H1N1.

Ngày 16/4 bệnh nhi có biểu hiện sốt, ho, khó thở nhẹ nên đã vào bệnh viện huyện khám. Sau một ngày điều trị, tình trạng khó thở của trẻ tăng lên và được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Một ngày sau, bệnh nhi được chuyển tiếp lên BV Lao và BV Trung ương (Hà Nội), sau đó là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

be-gai-12-tuoi-o-thanh-hoa-nguy-kich-vi-cum-h1n1

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng phổi tổn thương rất nặng. Ảnh: T.C.

Trước đó, anh rể của bệnh nhân bị cúm ở Hà Nội về quê thăm vợ con. Cùng với bé gái này, hai thành viên khác trong gia đình cũng bị lây cúm nhưng đã tự khỏi.

Theo BS Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhi vào viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, phải thở máy. Ngay lập tức trẻ được cho dùng thuốc kháng virus và được hồi sức tích cực.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các ca cúm tử vong đa phần là do nhập viện muộn, khi đã có biến chứng tức ngực, suy hô hấp, viêm phổi nặng. Cúm H1N1 cũng giống như các chủng cúm mùa khác có tỷ lệ tử vong nhất định. Tại Việt Nam, tỷ lệ này rất thấp, ước tính cứ khoảng 1.000 ca mắc mới có 7 trường hợp tử vong. Đa phần bệnh lành tính, tự khỏi.

Các chuyên gia khuyến cáo, cúm H1N1 rất dễ lây từ người sang người. Vì thế, người dân không nên chủ quan, khi có biểu hiện cúm nên cách ly để tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Khi có biểu hiện nặng lên cần đi khám để được điều trị.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 2 ca tử vong vì cúm H1N1, gồm một thanh niên 23 tuổi và một người đàn ông 46 tuổi, đều ở Yên Bái.

(Theo VnExpress)

Cô gái nhiễm cúm A/H5N1 vì làm thịt vịt ốm

Ít ngày sau khi làm thịt hai con vịt ốm, N.D. bắt đầu sốt cao. cô được chuyển đến BV Chợ Rẫy, xét nghiệm của Viện Pasteur ghi nhận bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1.

Trường hợp trên là nữ bệnh nhân N.T.N.D. (20 tuổi, ngụ tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Theo điều tra bệnh sử ghi nhận, trước đó bệnh nhân đã trực tiếp làm thịt và cùng gia đình ăn hai con vịt bị ốm. Đến ngày 14/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đâu đầu, đau mỏi người nên được gia đình chuyển tới trung tâm y tế huyện.

Sau nhiều ngày nằm điều trị bệnh nhân vẫn không thuyên giảm nên được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương phổi nặng dẫn đến suy hô hấp cấp đe dọa đến tính mạng người bệnh nên tức tốc chuyển N.D. lên BV Chợ Rẫy. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm nên bệnh viện đã gửi mẫu đến Viện Pasteur làm xét nghiệm. Kết quả ghi nhận bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Viện Pasteur, ngành y tế địa phương đã đến và cho những người thân trong gia đình bệnh nhân D. uống thuốc ngừa đồng thời tiến hành tiêu độc khử trùng khoanh vùng hạn chế nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng. Sau khi được điều trị tích cực tại bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe của bệnh nhân đang có dấu hiệu hồi phục tốt.

(Theo Dân trí)

Cách phòng chống Virus cúm A/H7N9

Rửa tay thật sạch, tránh tiếp xúc với gia cầm chết, nấu thật kỹ thịt gia cầm khi chế biến thức ăn là những nguyên tắc hàng đầu giúp mọi người phòng ngừa cúm A/H7N9.

Virus cúm A/H7 là 'đại gia đình virus cúm' gồm nhiều thành viên nhưng thường chỉ gây bệnh ở các loại gia cầm. Các thành viên khác trong "gia đình" này là H7N2, H7N3 và H7N7 từng lây nhiễm sang người, nhưng H7N9 thì thế giới mới ghi nhận đầu tiên từ những ca ở Trung Quốc.

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa tìm ra lời đáp chính xác cho câu hỏi tại sao H7N9 từ gia cầm lại có thể lây cho người. Tuy nhiên, kết quả phân tích gene cho thấy virus này có những biến đổi để có thể phát triển trên các động vật có vú bao gồm cả con người. Cụ thể, virus H7N9 có khả năng bám dính vào được các tế bào của động vật có vú và có khả năng phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật có vú, vốn thấp hơn so với các loài gia cầm.

Một số trường hợp bị bệnh tại Trung quốc được xác định đã tiếp xúc với động vật trước đó. Virus đã được tìm thấy trong phân của chim bồ câu trong chợ chim ở Thượng Hải. Hiện tại Tổ chức y tế thế giới vẫn đang tiến hành nghiên cứu khả năng lây truyền từ động vật sang người cũng như là khả năng lây truyền từ người sang người của dòng virus cúm A/H7N9.

cach-phong-chong-virus-cum-ah7n9

Cách phòng bệnh

Rửa tay là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu. Rửa tay trước, trong, và sau khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc, giết mổ, dọn dẹp chất thải động vật. Cuối cùng là rửa tay khi chăm sóc người bệnh hoăc khi có người trong nhà bị bệnh.

Cần rửa tay bằng xà bông và dưới vòi nước chảy khi thấy tay bị dính bẩn. Nếu không thấy tay bị dính bẩn, rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc sử dụng một chất rửa tay có pha cồn.

Vệ sinh hô hấp cũng là điều cần chú ý. Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, hoặc khăn giấy hoặc dùng tay che lại. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín. Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.

Virus cúm A/H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín vì virus cúm sẽ bị tiêu diệt trên 70 độ C, do đó có thể ăn thịt lợn hay thịt gia cầm đã được nấu chín hoàn toàn. Không nên ăn thịt tái, huyết động vật hay tiết canh. Tránh ăn thịt động vật bị bệnh và động vật đã chết vì bệnh.

Hiện chưa có văcxin để phòng ngừa cúm A/H7N9, tuy nhiên, các nhà khoa học đã phân lập được virus từ các trường hợp mắc bệnh ban đầu. Tổ chức y tế thế giới cũng đang cùng các đối tác phân lập ra những chủng virus cúm A/H7N9 hiện có nhằm tìm phương cách hữu hiệu điều chế văcxin.

Về cách điều trị, theo Tổ chức y tế thế giới, qua thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, virus cúm A/H7N9 rất nhạy với các loại thuốc chống cúm (oseltamivir và zanamivir) từng được dùng trong điều trị cúm A/H1N1 và H5N1. Theo Bộ Y Tế Việt Nam, phác đồ điều trị hiện tại vẫn là hỗ trợ và hồi sức hô hấp cùng với sử dụng sớm thuốc chống virus cúm nêu trên.

Ths.BS Trần Ngọc Lưu Phương

(Theo VnExpress)

Phát hiện ổ cúm gia cầm H7N1 ở Nam Phi

Một ổ dịch cúm gia cầm do virus chủng mới H7N1 gây ra vừa được phát hiện trên đà điểu ở châu Phi, làm dấy lên lo ngại một đại dịch toàn cầu bùng nổ khi số người tử vong do cúm H7N9 ở Trung Quốc tính đến ngày 10/4 đã lên đến con số 9.

Theo thông tin mới nhất, kết quả kiểm tra mẫu từ các trang trại gần Oudtshoorn, trung tâm của ngành công nghiệp xuất khẩu đà điểu Nam Phi cho thấy có sự xuất hiện virus H7N1. Mặc dù vậy, chính quyền tại nơi xảy ra ổ dịch cúm A/H7N1 tuyên bố rằng virus chỉ lây lan trong động vật và không ảnh hưởng tới người.

phat-hien-o-cum-gia-cam-h7n1-o-nam-phi

Thịt đà điểu xuất khẩu là mặt hàng thu nhiều ngoại tệ của Nam Phi. Ảnh: Reuters

Ngày 9-4, Sở Nông nghiệp tỉnh Tây Cape cho biết dịch cúm gây hạn chế đến sự di trú của các loài chim lớn và ngành sản xuất tại địa phương này. Cô Marna Sinclair, một thú y nhà nước ở Oudtshoorn, cho biết khu vực này từng xuất hiện virus H7N1 nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy chủng virus này có liên quan đến ổ dịch H7N9 chết người ở Trung Quốc hiện nay, ngoài ra virus không lây sang người.

“Chưa đến lúc phải bận tâm về điều này, chúng tôi cũng đặt nghi vấn các chủng virus này có liên quan đến nhau và đang tiến hành kiểm tra lại”, cô Marna Sinclair nói.

Hai năm trước, Nam Phi đã tiêu hủy 10.000 con đà điểu sau một đợt bùng phát cúm gia cầm không ảnh hưởng tới người, buộc nước này phải tạm dừng xuất khẩu thịt đà điểu sang Liên minh châu Âu.

Trong một diễn biến khác, H7N9 đã gây tử vong 9 người ở Trung Quốc, 31 người nhiễm bệnh, tính đến ngày 10-4, theo số liệu chính thức từ Ủy ban Sức khỏe và kế hoạch gia đình quốc gia Trung Quốc.

Reuters đưa tin, trong ngày 10-4, Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 10 người “tung tin giả mạo” về cúm H7N9 trên mạng internet gây hoang mang dư luận .

Trong khi các nhà khoa học thế giới lên tiếng ca ngợi Trung Quốc vì đã nỗ lực kiểm soát ổ dịch H7N9 thì chính người dân nước này lại đang hoài nghi về thông tin của chính phủ cung cấp. Cách đay 10 năm, nước này đã cố gắng che đậy ổ dịch SARS bùng phát trong năm 2003 khiến SARS thành đại dịch, lây lan cho hơn  8.000 người trên toàn thế giới.

Cộng đồng mạng đã đặt câu hỏi tại sao chính phủ chờ tới một tuần mới công bố dịch bệnh? Câu trả lời nhận được là do các quan chức y tế cần có thời gian để xác định loại virus mà trước đó chưa từng lây sang người.

 (Theo Nguoilaodong)

Mỹ: Dịch cúm bùng phát mạnh

Bang Illinois hơn 50 người tử vong, 476 người nhập viện.

Dịch cúm bùng phát mạnh tại bang Illinois của Mỹ đã khiến hơn 50 người tử vong, 476 người nhập viện và đang trong tình trạng chăm sóc đặc biệt do nhiễm vi-rút cúm.

Tại Chicago, thành phố lớn nhất ở bang Illinois, tổng cộng có 121 trường hợp vừa phải nhập viện do cúm. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ duy nhất 1 trường hợp phải nhập viện. Trước tình trạng dịch cúm lan rộng, chính quyền thành phố và các bệnh viện tăng cường thực hiện một số biện pháp phòng chống, ngăn chặn không cho dịch cúm lan rộng như phân phát thêm vaccine phòng cúm tại những điểm tiêm chủng, thiết lập thêm nhiều điểm tiêm phòng cúm tại các trường học, siêu thị….

Theo giới chức tại Illinois, bang này hiện đang trải qua mùa cúm hiếm thấy trong suốt 10 năm qua. Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự đoán, số lượng người phải nhập viện và tử vong do cúm sẽ còn tiếp tục tăng.

(Theo VOV)

Nước Mỹ đang chống chọi với dịch cúm nguy hiểm

 Toàn nước Mỹ đang phải chống chọi với dịch cúm nguy hiểm nhất 10 năm trở lại đây, cướp đi mạng sống của gần 20 người, khiến nhiều thành phố lớn phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Từ Florida đến Maine, giường bệnh trong các phòng cấp cứu luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng lớn bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu của cúm. Trong tháng 1 năm ngoái, số bệnh nhân mắc cúm ở thành phố Boston chỉ là 70 trường hợp nhưng nhanh chóng tăng lên 700 người vào cuối năm, bổ sung thêm thiệt hại vào tổng số 18 người chết ở bang Massachusetts.

a
Cả nước Mỹ đang chống chọi với dịch cúm.

Tiến sĩ Barbara Ferrer, Giám đốc điều hành Ủy ban Y tế công cộng Boston cho biết: “Chỉ trong 2 tuần qua, số người mắc cúm đã tăng gấp đôi. Nếu tốc độ gia tăng bệnh nhân vẫn tiếp tục, Boston sẽ chìm trong dịch cúm”. Trong khi đó, số người nhiễm cúm trên khắp nước Mỹ cũng tăng gấp đôi chỉ trong tháng qua, buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên nhiều bang.

Tính tới thời điểm hiện tại, 44 bang của Mỹ đang phải vật lộn với dịch cúm đang ngày càng lan rộng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, với tần suất có thêm 100 bệnh nhân có triệu chứng cúm mỗi ngày. Đặc biệt, dịch cúm bùng phát kéo theo tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu trên khắp đất nước.

Tuy được đánh giá là nguy hiểm nhưng tác hại của đợt cúm đối với hầu hết các bang đều không quá nghiêm trọng so với dịch cúm lợn bùng phát ở Mỹ năm 2009. Tuy nhiên, tại một số vùng, dịch cúm mới nhanh chóng bỏ xa những hậu quả của dịch cúm H1N1 trong hơn 3 năm trước, với khá nhiều bệnh nhân thiệt mạng do virus.

Các nhà chức trách cho biết, mùa cúm ở Mỹ thường kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4. Chính vì lẽ đó, số người chết hoặc nhập viện vì mắc cúm chắc chắn sẽ có khả năng gia tăng. Nhằm ngăn ngừa dịch cúm lây lan, các nhà chức trách y tế Mỹ đang cố gắng cung cấp đủ vắc-xin phòng cúm theo mùa cho các cơ sở y tế nhằm hỗ trợ kịp thời tới người dân.

(Theo Infonet)

Mỹ: Lo ngại dịch cúm bùng phát

Giới chức y tế Mỹ đang lo ngại dịch cúm bùng phát sau khi đã có 44 bang có bệnh nhân cúm.

Riêng thành phố Boston, bang Massachusetts đphải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế sau khi 18 người tử vong do cúm.

Theo CBS News, hiện đã có 700 người tại thành phố 600.000 dân này bị cúm. Vào cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 70.

"Chỉ trong hai tuần qua, số bệnh nhân đã tăng lên gấp đôi -BS Barbara Ferrer, giám đốc Ban y tế công cộng Boston, nói - Nếu cứ đà tăng này, chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ dịch cúm ở thành phố. Chúng ta thật sự cần phải chuẩn bị cho lúc đó".

Các quan chức yêu cầu tiêm văcxin ngừa cúm cho tất cả người dân (trừ những trẻ dưới 6 tháng tuổi). Theo kế hoạch, các trung tâm y tế sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm ngừa miễn phí vào cuối tuần này.

Trong những năm gần đây, văcxin này cho thấy đạt hiệu quả 60-70% trong việc phòng ngừa bệnh cúm. Gần đây các nhà khoa học phát hiện văcxin không bảo vệ được người tiêm trước một chủng virút đặc biệt gây cúm.

Tuy nhiên Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) nói loại văcxin này trong năm nay vẫn rất tốt trong việc ngừa cúm. Và cho dù không ngừa được cảm cúm, việc tiêm phòng vẫn có thể ngăn chặn các biến chứng như viêm phổi và tử vong.

Theo thống kê của CDC, hiện cả nước Mỹ có 44 bang có dịch cúm lây lan, trong đó có ít nhất ba bang mới là Montana, South Dakota và Arizona.

Tại Pennsylvania, BV thung lũng Lehigh cho biết mỗi ngày họ tiếp nhận 100 bệnh nhân có triệu chứng giống cúm. Hiện bệnh viện đã dựng một khu lều tạm để xử lý những ca ít nghiêm trọng hơn...

(Theo Tuổi Trẻ)

Indonesia: Phát hiện virus mới của cúm H5N1

Theo một báo cáo ngày 11/12, Indonesia vừa phát hiện một dòng mới, nguy hiểm hơn, của virus cúm gia cầm H5N1, làm hàng trăm nghìn con vịt chết trong những tuần vừa qua tại một số tỉnh thuộc đảo Java.

Cục trưởng Thú ý thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Syukur Iwantoro cho biết virus mới thuộc dòng 2.3 của virus H5N1 có nguy cơ gây bệnh cao và đây là lần đầu tiên dòng virus mới này được phát hiện ở Indonesia. Ông cho biết loại virus mới rất khác với loại virus cúm gia cầm được phát hiện trước đây thuộc dòng 2.1.

Ông Iwantoro cho biết vẫn cần phải tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu rộng rãi hơn để tìm hiểu xem liệu dòng mới này có phải là sự biến đổi về gene ở các loại virus đã phát hiện trước đây tại nước này hay là một chủng cúm mới có nguồn gốc từ nước ngoài.

Các quan chức Y tế của Indonesia đã khuyến cáo chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dòng virus mới như cấm và kiểm soát các xe môtô và xe tải loại nhỏ dùng để vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

Đồng thời, chính quyền các địa phương cần thận trọng trước các vụ gia cầm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Đặc trưng của virus cúm gia cầm là lây lan từ gia cầm sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại virus có thể biến đổi gene dễ lây từ người sang người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Indonesia là nước có số người chết do nhiễm virus cúm gia cầm cao nhất thế giới, với 159 người trên tổng số 359 người chết trên toàn thế giới kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào năm 2003.

(Theo Vietnam+)

Dịch cúm A/H5N1 có thể tái bùng phát

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Dự báo thời gian tới nguy cơ xảy ra và bùng phát trở lại của dịch cúm A/H5N1 là rất lớn.

Tại Hội thảo truyền thông nguy cơ về bệnh cúm A/H5N1 sáng 22/11, ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết, thời gian tới dịch cúm A/H5N1 tiếp tục bùng phát trên gia cầm cũng như ảnh hưởng đến người nếu như các cơ quan chức năng không có các biện pháp khống chế triệt để.

Trong khi đó, việc giao thương buôn bán và tình trạng buôn lậu gia cầm bị bệnh trong thời gian qua đang là nguy cơ rất lớn để bùng phát việc lây lan cúm A/H5N1 từ vùng này sang vùng khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Theo Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm A/H5N1 vẫn xuất hiện rải rác trên cả gia cầm và trên người. Các ổ dịch xuất hiện nhỏ lẻ, rải rác, chủ yếu trên đàn thủy cầm tại các hộ gia đình. Đặc biệt, tại Việt Nam, những trường hợp mắc cúm A/H5N1 có tỷ lệ tử vong cao.

Nguyên nhân do chủng virus này lưu hành ở trong nước có độc lực cao và đa phần các trường hợp mắc bệnh này nhập viện muộn. Trong năm 2012 đã có 4 người mắc, trong đó có 2 ca tử vong.

Thông báo mới đây của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn) về kết quả phân tích giải trình gen cho thấy đã xuất hiện nhánh virus cúm gia cầm mới ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện tác dụng bảo vệ của vaccine trước chủng virus cúm gia cầm mới này giảm mạnh, chỉ còn 35 - 40%. Điều này khiến nguy cơ dịch cúm A/H5N1 trên người ngày càng cao.

Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh là đường lây truyền chính. Thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn những trường hợp mắc cúm A/H5N1 đều liên quan đến chăn nuôi, giết mổ và ăn thịt gia cầm. Vì vậy, để phòng dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời.

Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Tránh đến viện muộn vì khi đó bệnh đã nặng, nguy cơ tử vong cao.

(Theo Gia đình & Xã hội)

8 cách phòng tránh dịch cúm nơi công sở

Cần chú ý là virus cúm có thể sống 48 giờ trên các bề mặt.

Đối với những người phải làm việc nhiều giờ một ngày tại môi trường công sở, để giảm sự lây lan của dịch cúm cần chú ý tăng cường các biện pháp phòng bệnh trong mùa đông tới này như sau:

1. Khử trùng các bề mặt và các đồ vật mà có nguy cơ là chỗ trú ẩn nhiều nhất của virus như tay nắm cửa, điện thoại, tay vịn cầu thang, các vật dụng văn phòng, bàn phím và chuột máy tính.

Việc khử trùng hàng ngày này rất quan trọng bởi vì chúng ta thường tiếp xúc với các đồ vật này và sau đó tay chúng ta lại tiếp xúc với mắt và miệng.

2. Đảm bảo chỗ chúng ta làm việc được lau dọn sạch sẽ và khử trùng hợp lí cũng như duy trì sự thoáng mát ở tất cả các nơi làm việc, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ các bề mặt thông thường như bàn làm việc, phòng tắm và bếp ăn.

3. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây lan khi nước bọt bắn ra ngoài. Những hạt nước bọt nhỏ này có thể lắng đọng trên bề mặt của các đồ vật mà chúng ta dùng hàng ngày ở nơi làm việc.

Bằng cách tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm.

4. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng trongít nhất là 20 giây một lần. Nên chú ý đặc biệt rửa cả hai mặt của bàn tay, kẽ ngón tay, dưới móng tay và giữa chỗ đeo nhẫn.

Nếu không có nước và xà phòng thì nên dùng nước rửa tay khô.

5. Khi có các triệu chứng của cúm thì nên ở nhà để không lây cúm cho người khác ở nơi làm việc.

6. Không dùng chung ly, cốc mà không rửa sạch sẽ trước khi dùng.

7. Không hút thuốc lá ở những nơi kín. Khói thuốc sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch tự nhiên của con người gây tổn thương đến hệ hô hấp.

8. Không đặt túi sách, ví, ba lô trên bàn vì những đồ vật đó sẽ là nguồn lây truyền virus tại nơi làm việc.

(Theo TTVN)