Lưu trữ cho từ khóa: dịch bệnh

Người lớn cũng cần đề phòng bệnh sởi

Mặc dù chưa có ca tử vong nào ở người lớn mắc sởi nhưng hiện BV Nhiệt đới Trung ương đang có khoảng 300 ca bệnh, BV Bạch Mai cũng có 70 ca. Theo TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV, ở người lớn, tuy bệnh vẫn diễn biến theo dạng cổ điển nhưng cần hết sức cảnh giác với biến chứng não viêm gây rối loạn các trung khu tuần hoàn hô hấp.

TS. Kính cho hay, sởi là bệnh dẫn đến suy giảm miễn dịch cấp tính nên ngay khi mắc bệnh, cơ thể đáp ứng miễn dịch với các mầm bệnh vi sinh vật khác rất kém. Vì vậy dễ dàng lây nhiễm, bội nhiễm vi sinh vật trong môi trường, đặc biệt là môi trường BV có những vi khuẩn đa kháng với kháng sinh. Trường hợp bệnh nhân viêm phổi do các vi khuẩn đa kháng này sẽ rất nặng, tử vong nhanh. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch thì nguy cơ đồng nhiễm bệnh cảnh khác, với các loại virus khác (chẳng hạn như Rino virus) sẽ tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trẻ trên nền bệnh tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, bại não…

Hiện số mắc sởi ở nước ta đã tăng hơn 8.500 ca và tử vong liên quan đến sởi là 112 ca. TS. Kính nhận định, tình hình sởi nước ta hiện nay đang lặp lại chu kỳ sởi của năm 2009-2010. Nhiều ca tử vong sởi tập trung tại BV Nhi Trung ương do đây là tuyến cuối, tập trung gần như tất cả các bệnh nhân nặng của hầu hết các tỉnh miền Bắc dẫn đến tỷ lệ tử vong tại đây cao.

nguoi-lon-cung-can-de-phong-benh-soi

Điều trị cho bệnh nhi mắc sởi tại BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải

Trong khi bệnh sởi trẻ em chưa hết “nóng” thì tại BV Nhiệt đới Trung ương, hiện có khoảng 300 ca bệnh sởi ở người lớn. Tuy bệnh vẫn diễn biến lâm sàng vẫn theo dạng cổ điển, song TS. Kính khuyến cáo cần hết sức cảnh giác với biến chứng não viêm gây rối loạn các trung khu tuần hoàn hô hấp. Điều này khác với biến chứng ở trẻ em chủ yếu là nhiễm trùng, bội nhiễm ở đường hô hấp gây suy hô hấp nặng, dẫn đến tử vong. Mặc dù ghi nhận nhiều ca sởi nặng nhưng đến thời điểm hiện tại, BV Nhiệt đới Trung ương chưa ghi nhận ca tử vong do sởi.

Hiện các chuyên gia dịch tễ đã xem xét, đối chiếu độc lực của bệnh sởi với các nước cũng đang có sởi hoành hành cho thấy chưa có sự biến đổi ở virus sởi. Giải trình tự gene vẫn khẳng định chủng H1 gây bệnh từ nhiều năm nay, không thấy mánh độc của bệnh tăng lên.

TS. Kính cho biết, do sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, lây truyền rất nhanh. Vì thế, ông khuyến cáo cần phải áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện. Cần thường xuyên rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng nhất là khi vào môi trường bệnh viện. Cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, yếu tố thời tiết trong bối cảnh hiện nay cũng cóp vai trò quan trọng, khi có nắng ấm cần mở cửa thông thoáng để ánh nắng chiếu vào nhà, tia cực tím có thể tiêu diệt được mầm bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, mọi đối tượng chưa có miễn dịch (tức chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa mắc sởi) đều có thể bị sởi (ngay cả với trẻ dưới 9 tháng tuổi). Vì vậy, trẻ em từ 2 tháng tuổi, 6 tháng tuổi tới 9 tháng tuổi đều có thể mắc bệnh sởi. Ngoài ra, người lớn chưa được tiêm chủng, không có miễn dịch nên khi có dịch sởi họ cũng dễ mắc. Do đó, mọi đối tượng chưa có miễn dịch cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Tiêm 1 mũi vắc xin sởi hiệu quả bảo vệ đạt 87%, tiêm 2 mũi hiệu quả đạt 95%.

Theo Suckhoedoisong.vn

Cách phòng chống bệnh dịch hạch

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A do trực khuẩn Yerinia pestis gây ra. Bệnh tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao.

Người bệnh có các biểu hiện như: sốt cao, đau ngực, đau nhức cơ, ho, ho ra máu… Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét mang mầm bệnh hoặc qua nước bọt của người bệnh khi ho.

Đặc điểm của bệnh

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.

Bệnh do trực khuẩn Yersina pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.

Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa. Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh).

cach-phong-chong-benh-dich-hach

Mô phỏng vi khuẩn dịch hạch ở phổi

Thể hạch

Biểu hiện bằng phát bệnh đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hóa mủ.

Thể hạch có thể tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát. Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-410C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày. Thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, thể viêm màng não thường là thứ phát.

Dịch hạch thể phổi

Rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.

Chẩn đoán xác định: Tìm thấy vi khuẩn dịch hạch hoặc kháng nguyên F1 của vi khuẩn trong bệnh phẩm từ bệnh nhân.

Chẩn đoán phân biệt: viêm hạch, lao hạch.

Xét nghiệm:

- Loại bệnh phẩm: mủ (hạch), máu, đờm, nhầy họng, phủ tạng, huyết thanh chuột, bọ chét.

- Phương pháp xét nghiệm:

+ Nhuộm soi gram kính hiển vi (gram, Wayson).

+ Phân lập vi khuẩn.

+ Phát hiện kháng nguyên F1.

+ Miễn dịch huỳnh quang.

Tác nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn dịch hạch (Yersinia pestis) thuộc họ Enterobacteriaceae, là trực khuẩn gram âm.

Đề kháng: bị chết ở nhiệt độ 55oC trong vòng 30 phút, ở 100oC trong vòng 1 phút và bởi thuốc sát khuẩn thường dùng.

cach-phong-chong-benh-dich-hach

Trực khuẩn dịch hạch

Nguồn truyền bệnh

Ổ chứa: Là các loài gặm nhấm, chủ yếu là các loài chuột. Tại Việt Nam, chủ yếu là các loài chuột sống trong và xung quanh khu dân cư.

Thời gian ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của bệnh dịch hạch từ 1-7 ngày, có thể kéo dài thêm vài ngày ở người đã được tiêm phòng. Bệnh dịch hạch thể phổi tiên phát thường có thời kỳ ủ bệnh ngắn hơn từ 1-4 ngày.

Phương thức lây truyền

Trong tự nhiên, bệnh dịch hạch lan truyền theo các con đường sau:

- Phổ biến nhất là qua trung gian bọ chét, đặc biệt là Xenopsylla cheopis: Bọ chét hút máu vật chủ, vi khuẩn dịch hạch nhân lên trong tiền dạ dày (proventriculus) của bọ chét làm tắc nghẽn tiêu hóa.

Bọ chét bị tắc nghẽn, khi chuyển sang đốt vật chủ mới thì vi khuẩn sẽ theo vết đốt vào cơ thể vật chủ mới và như vậy xảy ra sự lan truyền bệnh. Lây lan trực tiếp từ người sang người qua bọ chét Pulex irritans, một loài bọ chét người được xem là quan trọng ở Nam Phi.

- Lan truyền trực tiếp từ vật chủ bệnh sang vật chủ lành không qua trung gian của bọ chét như:

+ Hít vào trực tiếp vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí do tiếp xúc “đối mặt” với dịch hạch thể phổi hoặc vật chủ chết vì dịch hạch.

+ Vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da có hoặc không có tổn thương như tiếp xúc tay trực tiếp vào động vật bị bệnh, nhân viên các phòng xét nghiệm về vi khuẩn dịch hạch, động vật nuôi trong nhà (thường gặp nhất là mèo) cắn hoặc cào.

Tính cảm nhiễm và miễn dịch

Mọi người đều có thể cảm nhiễm đối với bệnh dịch hạch. Miễn dịch sau khi khỏi bệnh là tương đối, không bảo vệ được nếu bị nhiễm một lượng lớn vi khuẩn.

TS.Trần Thanh Dương

Theo Suckhoedoisong.vn

WHO chấp thuận thuốc thử nghiệm để điều trị Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 12/8 đã cho phép sử dụng thuốc thử nghiệm để điều trị Ebola khi mà virus nguy hiểm này đã giết chết hơn 1.000 người, trong đó nạn nhân mới nhất là một linh mục Tây Ban Nha về nước từ Liberia.

who-chap-thuan-thuoc-thu-nghiem-de-dieu-tri-ebola

Phó Tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny tuyên bố tổ chức này chấp thuận việc sử dụng thuốc thử nghiệm để điều trị Ebola – Ảnh: AP

Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi một công ty dược của Mỹ bào chế huyết thanh thử nghiệm gọi là ZMapp cho biết họ đã gửi toàn bộ sản phẩm đang có sang Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề của Ebola.

“Trong trường hợp đặc biệt để đối phó với sự bùng phát của Ebola, việc đề xuất dùng thuốc chưa đăng ký để điều trị và ngăn ngừa dịch bệnh là một vấn đề đạo đức”, Phó Tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny nói với các phóng viên tại Geneva. Ý kiến này được đưa ra, khi WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với Ebola, trong khi vẫn chưa có vắc xin cũng như thuốc đặc trị Ebola, và đề xuất sử dụng thuốc thử nghiệm đang làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức. Những người phản đối cho rằng, thuốc Zmapp đầy hứa hẹn – do Công ty sinh dược phẩm Mapp của Mỹ sản xuất – trước đây mới chỉ được thử nghiệm trên khỉ.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thông báo kế hoạch đẩy mạnh phản ứng toàn cầu đối với bệnh dịch Ebola, kêu gọi các chính phủ “tránh hoảng loạn và sợ hãi” về một căn bệnh có thể dễ ngăn ngừa như Ebola.

Đại dịch Ebola năm nay được cho là tồi tệ nhất kể từ khi virus nguy hiểm này được phát hiện bốn thập kỷ trước, đã giết chết 1.014 người kể từ đầu năm đến nay.

Các ổ dịch được giới hạn ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, với phần lớn các nạn nhân tử vong, và Nigeria, nơi có hai người chết. Sự khiếp sợ Ebola đang xiết chặt các nước Tây Phi nghèo đói, khiến những làng quê xơ xác, nhiều nơi không còn bóng người, sau khi trong làng phát hiện có người nhiễm bệnh hay tử vong do Ebola.

who-chap-thuan-thuoc-thu-nghiem-de-dieu-tri-ebola

Nhân viên y tế đang đấu tranh với bệnh dịch Ebola ở Sierra Leone – Ảnh: AP

Linh mục Tây Ban Nha Miguel Pajares, 72 tuổi, bị nhiễm virus Ebola trong khi giúp bệnh nhân ở Liberia, đã qua đời tại một bệnh viện ở Madrid hôm 12/8, năm ngày sau khi ông rời châu Phi. Ông đã được điều trị bằng ZMapp, nhưng không qua khỏi, trong khi thuốc lại có tác dụng tích cực đối với hai nhân viên cứu trợ Mỹ cũng bị nhiễm Ebola ở Liberia.

Các biện pháp ngăn chặn bệnh quyết liệt đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong giao thông, giá cả tăng vọt và tình trạng thiếu lương thực ở các quốc gia lân cận khu vực Tây Phi, trong bối cảnh người ta vẫn lo ngại số người chết có thể còn tăng lên. Nhiều nước trên thế giới đã áp đặt các biện pháp khẩn cấp, trong đó có lệnh cấm bay đến vùng dịch và tăng cường các biện pháp kiểm tra sức khỏe.

Trong một diễn biến mới nhất, tám nhân viên y tế Trung Quốc điều trị bệnh nhân Ebola đã được cách ly tại Sierra Leone, nhưng hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã cho biết những người này không có triệu chứng của Ebola. Nhà chức trách y tế địa phương cho biết, ngoài 24 y tá đang được cách ly, một bác sĩ nhiễm virus Ebola đáp ứng khá tốt với điều trị.

Theo Phunuonline.com.vn

Phát hiện một ca nghi nhiễm Ebola tại Italia

Cơ quan y tế Italia đã phát hiện một ca nghi nhiễm Ebola đã được cách ly tại một khu vực trung tâm ở Marche hôm 9-9.

phat-hien-mot-ca-nghi-nhiem-ebola-tai-italia

Nhân viên y tế đang điều trị các bệnh nhân nhiễm Ebola ở một bệnh viện tại Thủ đô Monrovia, Liberia

Theo ông Almerino Mezzolani, người đứng đầu cơ quan y tế vùng Marche, bệnh nhân được xác nhận là một phụ nữ 40 tuổi, có nhiều biểu hiện nghi nhiễm virus Ebola đang được điều trị và cách ly tại khoa Bệnh Truyền nhiễm của bệnh viện Ancona. Người phụ nữ này là một lao động nhập cư, sống ở thị trấn Civitanova, Marche đã lâu. Gần đây, bệnh nhân này có đến Nigeria. Các bác sỹ cho rằng có thể bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola ở đó.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9-9 thông báo, số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch Ebola hiện nay đã lên tới 2.296 người, tăng đột biến thêm gần 200 người chỉ trong một ngày. Hiện tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm chủng virus chết người này đã là 4.293 người. Cùng ngày, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf thừa nhận, tình hình dịch Ebola ở nước này “vẫn rất trầm trọng” và đang có chiều hướng xấu đi. Các nhân viên y tế hiện phải làm việc chật vật trong điều kiện thiếu thốn cả trang thiết bị lẫn sự hỗ trợ bên ngoài, trong khi người dân sống trong sợ hãi. Trước đó, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Bộ trưởng Quốc phòng Liberia, ông Brownie Samukai nhấn mạnh, dịch Ebola đang “lây lan như cháy rừng”, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của nước này.

Theo Anninhthudo.vn

Xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus Ebola đầu tiên tại Mỹ

Giới chức y tế Mỹ xác nhận trường hợp nhiễm virus Ebola đầu tiên ngay tại lãnh thổ nước này là một bệnh nhân ở Dallas, bang Texas, mãi hai tuần sau khi anh nhập cảnh vào Mỹ.

xuat-hien-benh-nhan-nhiem-virus-ebola-dau-tien-tai-my

Ông Tom Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ. Ảnh: Zimbio

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) không công bố danh tính bệnh nhân, chỉ cho biết anh đang trải qua điều trị cách ly, BBC đưa tin ngày 1/10. Các bác sĩ phỏng đoán nguyên nhân nhiễm virus của bệnh nhân do anh từng tiếp xúc với virus Ebola tại Liberia trước khi sang Mỹ từ hai tuần trước.

GĐ CDC, ông Thomas Frieden, khiến dư luận quan ngại khi cho biết người bệnh rời Liberia ngày 19/9 và đến Mỹ ngay hôm sau.

Tuy nhiên, anh không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm bệnh nào khi mới nhập cảnh. Mãi đến ngày 24/9, bệnh nhân mới bắt đầu thể hiện những triệu chứng. Anh điều trị cách ly tại bệnh viện ở Texas từ ngày 28/9.

Những thông tin ban đầu cho thấy bệnh nhân không tham gia việc chữa trị cho bệnh nhân Ebola tại Liberia.

Các quan chức y tế mỹ đang nỗ lực xác minh những người đã liên hệ với bệnh nhân trong thời gian anh ủ bệnh.

“Điều quan trọng cần khẳng định là chúng ta sẽ khống chế dịch bệnh này để nó không lây lan rộng”, ông Frieden nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 3.100 người đã thiệt mạng vì virus Ebola tính đến tháng 9/2014. “Tử địa” của dịch bệnh là Liberia.

Theo Zing.vn

Bệnh than tái xuất ở tỉnh Hà Giang

Theo ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang, bệnh than đã tái xuất hiện ở huyện Mèo Vạc với 9 ca nhiễm bệnh.

Trước đó, ngày 8-10, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc về một số trường hợp nghi mắc bệnh than xảy ra tại xã Niêm Tòng, Sở Y tế đã xác minh cho thấy bệnh than trên gia súc xảy ra từ ngày 11-9 do 13 hộ dân đã giết mổ và ăn thịt bò, dê đã chết.

Hậu quả, 9 người, trong đó có 5 cháu nhỏ, có biểu hiện lâm sàng của bệnh than thể da. Trước tình hình dịch bệnh trên, ngành y tế Hà Giang đã lấy mẫu bệnh phẩm, tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số không ăn thịt gia súc bị bệnh đồng thời cấp phát thuốc điều trị. Mầm bệnh than thường tồn tại ở thể nha bào, có thể sống mấy chục năm trong đất, dễ xâm nhập vào những động vật ăn cỏ thông qua những vết xước trên da, gây bệnh cho gia súc. Người dân tiếp xúc hoặc ăn những động vật này sẽ gây bệnh, nặng có thể tử vong.

Theo nld.com.vn

Nữ y tá thứ 2 nhiễm virus Ebola tại Mỹ

Các quan chức Mỹ vừa thông báo nhân viên y tế thứ hai ở bang Texas đã có kết quả thử nghiệm dương tính với Ebola.

nu-y-ta-thu-2-nhiem-virus-ebola-tai-my

Nhân viên y tá và cảnh sát phong tỏa căn nhà của y tá thứ hai nhiễm Ebola

Đây là y tá thứ hai tại Bệnh viện Texas – nơi người đàn ông Liberia tên Thomas Eric Duncan tử vong vì Ebola hôm 8-10  – có kết quả thử nghiệm dương tính với virus chết người Ebola .

Được biết, y tá (giấu tên) lên cơn sốt vào ngày 14-10 và ngay lập tức bị cô lập tại Bệnh viện Giáo hội trưởng lão Texas. Hiện y tá đầu tiên nhiễm Ebola là Nina Pham đang trong tình trạng ổn định, được cách ly tại Bệnh viện Dallas từ hôm 10-10.

Sở Y tế Texas đang khẩn trương tiến hành xác định những người từng tiếp xúc với nhân viên y tế mới nhiễm bệnh. “Các quan chức y tế đã phỏng vấn bệnh nhân mới nhất để nhanh chóng xác định những người trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc để giám sát. Loại hình giám sát tùy thuộc vào bản chất của sự tương tác đối với bệnh nhân và khả năng lây nhiễm virus của mỗi người”, Sở Y tế Texas thông báo.

Theo nld.com.vn

Phát thiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại Mali

Mali hôm 23/10 xác nhận trường hợp Ebola đầu tiên ở nước này và trở thành quốc gia Tây Phi thứ sáu chịu tác động của đại dịch đến nay đã giết chết gần 4.900 người trong khu vực.

phat-thien-truong-hop-nhiem-ebola-dau-tien-tai-mali

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của một em bé nhập cảnh Mali từ Guinea tại cửa khẩu biên giới Kouremale – Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Y tế Mali Ousmane Kone phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng bệnh nhân ở thị trấn Kayes phía Tây Mali là một bé gái hai tuổi vừa trở về từ nước láng giềng Guinea, nơi bùng phát ổ dịch Ebola đầu tiên ở Tây Phi.

“Tình trạng của bé gái đang được cải thiện nhờ được điều trị nhanh chóng”, Bộ trưởng Kone nói với truyền hình nhà nước.

Một quan chức của Bộ y tế (dấu tên) cho biết mẹ của bé gái đã chết ở Guinea cách đây vài tuần và em bé được người thân đưa đến Bamako, thủ đô Mali, nơi bé ở lại 10 ngày tại khu phố Bagadadji trước khi đến Kayes.

Tuyên bố của Bộ Y tế Mali cho biết bé gái đến từ thị trấn Kissidougou của Guinea đã được đưa vào Bệnh viện Fousseyni Daou ở Kayes tối thứ Tư, nơi bé nhanh chóng được xét nghiệm Ebola.

Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân ở Kayes đã được xác định và hiện đặt dưới sự giám sát y tế, Bộ trưởng Kone cho biết, nhưng ông kêu gọi bất kỳ người nào tin rằng họ có thể đã tiếp xúc với bé gái cần chủ động đến bệnh viện kiểm tra các triệu chứng Ebola.

Thông tin cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến nay đã phát hiện gần 10.000 trường hợp lây nhiễm Ebola ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, trong đó gần 4.900 người thiệt mạng. Trong tuần, WHO cũng cho biết các con số chính thức được báo cáo chưa đầy đủ và số người chết thực tế có thể lớn gấp ba lần.

Những trường hợp Ebola lẻ tẻ cũng lây lan sang Senegal và Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, nhưng sau hơn 40 ngày không phát hiện thêm các bệnh nhân mới, hai nước trên đã được WHO tuyên bố không có dịch Ebola.

Một ổ dịch hoàn toàn riêng biệt ở Cộng hòa Dân chủ Congo (Trung Phi) cũng dường như đã được ngăn chặn.

Theo Phunuonline.com.vn

Số người chết do dịch Ebola tăng đột biến

Theo WHO, vài ngày gần đây, số người chết do dịch Ebola đã tăng đột biến lên con số 1.229 người. Chỉ tính riêng 3 ngày, từ 14-16/8, có tới 84 trường hợp tử vong tại các nước 4 nước: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.

Số người chết vì dịch Ebola vượt ngưỡng 1.200 người

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 19-8 thông báo, số người chết vì dịch bệnh Ebola ở Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria là 1.229 người, với 84 trường hợp tử vong mới được báo cáo từ 14-16/8.
Trong đó, đất nước Liberia có số lượng người tử vong lớn nhất. Liberia có đến 54 người chết vì Ebola, 17 người chết ở Sierra Leone và 14 người ở Guinea. Hiện chính phủ Liberia đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21 giờ (giờ GMT) đến 6 giờ sáng trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola.
Các chuyên gia y tế quốc tế cho biết, thực tế diễn biến dịch còn tồi tệ hơn nhiều so với con số công bố chính thức.

Số người chết do dịch Ebola tiếp tục tăng nhanh tại các nước Tây Phi
WHO cũng kêu gọi thế giới cần nỗ lực hơn nữa, để ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở những khu vực bị cách ly bởi dịch bệnh. Đồng thời cho biết, Tổ chức này đã làm việc với Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, để cung cấp thực phẩm cho khoảng 1 triệu người trong những vùng bị cách ly vì dịch bệnh.

Đức rúng động vì trường hợp nghi nhiễm Ebola đầu tiên

Tại Berlin (Đức) trưa 19-8, một phụ nữ được phát hiện nghi nhiễm virus chết người Ebola đã được cách ly và chuyển tới bệnh viện Virchow. Cảnh sát được triển khai rất đông tới hiện trường đã phong tỏa toàn bộ khu nhà vì lý do an toàn.
Được biết, người phụ nữ 30 tuổi gốc Tây Phi đến trung tâm việc làm Pankow và ngất xỉu tại đây. Sau khi tỉnh lại, người phụ nữ này cho biết, cô đã về quê ở khu vực Tây Phi và đã có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola ở đây. Cô cũng có những triệu chứng như các bệnh nhân nhiễm Ebola như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy và ói mửa.
Một số xe cứu thương đã được triển khai tới đây để chuyển bệnh nhân nghi nhiễm Ebola vào khu vực cách ly trong bệnh viện.
so-nguoi-chet-do-dich-ebola-tang-dot-bien
Một người bệnh tử vong vì Ebola ở Monrovia, Liberia (Nguồn: AP)
Một số người tiếp xúc, chăm sóc cho người phụ nữ này, trong đó có bốn nhân viên dọn dẹp, cũng đã được chuyển vào bệnh viện để tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
Những người tới khu trung tâm việc làm cũng như nhân viên ở đây, từng gặp người phụ nữ Tây Phi, chưa được rời tòa nhà và phải đăng ký danh sách với nhà chức trách.

Đã cách ly 2 người Nigeria bị sốt khi nhập cảnh vào Việt Nam

Liên quan đến 2 người Nigeria bị sốt đến từ vùng có dịch Ebola nhập cảnh vào Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay mới phát hiện 2 trường hợp này bị sốt và chưa có triệu chứng gì khác.
Trước đó, ngày 19-8, trên chuyến bay QR964 từ Quatar tới Việt Nam có 2 người Nigeria, ngồi số ghế 25B và 26D, có biểu hiện sốt. 2 hành khách này ngay lập tức được chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để cách ly, theo dõi, kiểm tra, chăm sóc sức khỏe theo quy định; lấy mẫu máu xét nghiệm…
Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh Ebola xâm nhâm vào Việt Nam, Bộ Y tế cũng đề nghị những hành khách đi cùng chuyến bay trên ngồi các hàng ghế số 24, 25, 26, 27 của chuyến bay QR964 ngày 19-8 chủ động đến các cơ sở y tế nơi gần nhất, hoặc liên hệ với số điện thoại 0989 671 115 để được hướng dẫn về các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe.
Ngoài ra, danh sách các hành khách ngồi trên các số ghế nói trên sẽ được gửi cho các địa phương để tiếp tục theo dõi.
Theo Anninhthudo.vn
The post Số người chết do dịch Ebola tăng đột biến appeared first on Tin Sức Khỏe.

Một phụ nữ chết trên máy bay nghi nhiễm Ebola

Hãng hàng không quốc gia Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ngày 18-8 cho biết họ vừa khử trùng một chiếc máy bay sau khi cơ quan y tế thông báo người phụ nữ Nigeria vừa chết trên đường từ Nigeria đến Ấn Độ có thể đã nhiễm virus Ebola.
mot-phu-nu-chet-tren-may-bay-nghi-nhiem-ebola
Kiểm tra y tế tại sân bay Nigeria
Theo báo cáo mới nhất, người phụ nữ 35 tuổi tử vong khi trên đường từ Nigeria đến Ấn Độ để điều trị căn bệnh ung thư đã di căn.
Khi máy bay quá cảnh ở sân bay quốc tế Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, sức khỏe người phụ nữ trở nên xấu đi. Trong quá trình cấp cứu giúp bệnh nhân hồi tỉnh, các nhân viên y tế phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng người phụ nữ đã nhiễm virus Ebola. Tuy nhiên, Sở Y tế Abu Dhabi cũng nêu khả năng căn bệnh ung thư đã gây ra cái chết của nữ hành khách này.
Đội ngũ nhân viên y tế điều trị người phụ nữ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn Ebola theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chồng người phụ nữ – người duy nhất ngồi cạnh cô trên máy bay – cùng 5 nhân viên cấp cứu đang được cách ly chờ kết quả xét nghiệm Ebola trên thi thể nữ hành khách. Hiện sức khỏe cả 6 người đều ổn định, không có triệu chứng nhiễm bệnh.
Virus Ebola thường lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc qua sự tiếp xúc dịch tiết với cơ thể người nhiễm bệnh. WHO đã xem xét và cho biết rủi ro đối với hành khách đi trên chuyến bay với người nhiễm là rất thấp.
mot-phu-nu-chet-tren-may-bay-nghi-nhiem-ebola
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Ebola ở Tây Phi
Trong khi đó, một giáo viên Mexico đang chờ kết quả xét nghiệm chính thức virus chết người sau khi cô trở về từ tâm dịch Sierra Leone (một quốc gia Tây Phi) với tất cả các triệu chứng trùng khớp với Ebola. Nữ giáo viên xuất hiện các triệu chứng như: Đau họng, đau đầu, đau cơ, sốt thường xuyên…
Bệnh nhân cho biết mình không hề tiếp xúc với người mắc bệnh Ebola nhưng các quan chức y tế Mexico vẫn rất thận trọng trước loại virus nguy hiểm đang lan nhanh này. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc xét nghiệm và cách ly bệnh nhân trong trường hợp này không cần thiết và điều này làm giảm lượng du khách đến nước này.
Theo nld.com.vn
The post Một phụ nữ chết trên máy bay nghi nhiễm Ebola appeared first on Tin Sức Khỏe.