Trái kiwi còn gọi là mi hầu đào (mihoutao) hay dương đào (yang tao) có nguồn gốc ở Trung Quốc, theo nhà dược học Lý Thời Trân (1518-1593), sở dĩ có tên mi hầu đào vì loại quả của cây này rất được những con khỉ cái lớn (mi hầu) ưa thích.
Khi trái mi hầu đào xuất hiện ở New Zealand, được người Maori bản địa đặt tên là kiwi (một loài chim chỉ biết chạy mà không biết bay) và dần dần trở thành loại trái cây xuất khẩu hàng đầu của vùng đất này.
Ở Việt Nam, kiwi được nhập về và trồng ở vùng cao, có khí hậu mát dịu như Sa Pa, Lâm Đồng… thường được gọi là đào ruột xanh. Người ta hái trái kiwi khi còn xanh, cứng. Nếu giữ cẩn thận không để bị trầy xước hay bị giập, thì có thể giữ tươi ở nhiệt độ bình thường hàng tháng. Nếu làm lạnh sau khi hái, có thể giữ tươi được lâu hơn. Đông y đã sử dụng kiwi làm thuốc cách đây gần 3.000 năm.
Theo Đông y, kiwi có vị ngọt, chua, tính hàn, tác dụng giải nhiệt, chỉ khát (làm hết khát nước), thông lâm (giúp thông tiểu tiện, ngừa sỏi niệu), tiêu viêm, lưu thông khí huyết. Thường dùng chữa sốt nóng, phiền nhiệt, tiêu khát, hoàng đản (vàng da), nước tiểu vàng đục do nhiệt, sỏi tiết niệu, phù thũng. Ngày dùng một-hai trái, gọt vỏ (để loại bỏ vị chát), cắt lát, ăn như rau sống, ăn tráng miệng hoặc xay làm nước sinh tố cùng các loại rau quả khác. Ngoài ra, người ta còn dùng rễ cây kiwi để chữa phù thũng, viêm gan vàng da, đau nhức các khớp xương. Ngày dùng 10-16g rễ khô, sắc uống.
Ảnh: SS
Kiwi được coi là một loại trái cây có hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Trong 100g kiwi có chứa các chất sau: nước 83,9g; protid 1,02g; glucid 7,2g. Các chất khoáng vi lượng: kalium 270mg; magnesium 23mg; calcium 20mg, Fe 0,31mg. Các loại vitamin như: vitamin A 133 IU, vitamin B1 0,3mg, vitamin C 57mg, vitamin E 3mg. Cung cấp 36 Kcal.
Như vậy, hàm lượng vitamin C trong kiwi khá cao khi so với các loại trái cây khác (cam 40mg%, đu đủ chín 54mg%, quít 55mg%, xoài chín 30mg%, dứa 24mg%...). Một trái kiwi trung bình có thể cung cấp lượng vitamin C tương đương với một ly nước bưởi 150mg.
Y học hiện đại cho rằng kiwi có khả năng ngăn ngừa được bệnh tim mạch, giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. Ăn kiwi còn giúp hạ thấp 15% nồng độ triglyceride, một thành phần của cholesterol có hại trong máu, có ích cho người béo phì, muốn giảm cân.
Nghiên cứu cho thấy, nếu ăn hai-ba trái kiwi/ngày, liên tục trong 28 ngày sẽ giúp giảm đáng kể sự tích tụ các tiểu huyết cầu, phòng chống bệnh tim mạch và đột quỵ.
Trái kiwi cũng có hàm lượng kalium khá cao (270mg%) cũng giúp thông tiểu, bài tiết chất cặn bã trong cơ thể và giúp điều hòa nhịp tim, giúp tái tạo tế bào da và ngăn ngừa các nếp nhăn, do vitamin C giúp duy trì lượng collagen trong da, giữ cho da luôn ổn định.
Kiwi được coi là một nguồn cung phong phú những chất polyphenols, vitamin C và E, lutein, có tác dụng chống oxy hóa, rất có lợi cho sức khỏe trong việc làm giảm nguy cơ về bệnh ung thư và bệnh tim.
Trong kiwi còn có những carotenoid và một chất alkaloid gọi là actinidin. Ngoài ra, còn có một enzym loại protease có tính thủy phân protein tương tự như các protease của thơm và đu đủ. Phân hóa tố này không bền ở nhiệt độ cao nên không thể dùng kiwi để nấu hay hầm thịt (như thơm hoặc đu đủ), nhưng có thể xắt lát mỏng và dùng ướp thịt khoảng 30-60 phút trước khi nấu, sẽ giúp thịt trở nên mềm và chóng nhừ.
Kiwi cũng rất hữu ích trong trường hợp ăn không tiêu, nhất là trường hợp thiếu acid gây ra sự suy giảm tiết pepsin trong bao tử. Cách tốt nhất cho người bị chứng tiêu hóa kém, đầy bụng là ăn mỗi ngày hai-ba lát kiwi trước khi dùng bữa. Hoặc cắt kiwi từng lát mỏng, trộn với các món rau sống để ăn hàng ngày.
Người ta còn chế biến rượu trái cây từ kiwi để làm rượu khai vị, giúp ăn ngon miệng, trợ tiêu hóa rất tốt. Kiwi giúp bạn dễ ngủ hơn, có lợi cho hoạt động của đường ruột, phòng chống táo bón.
Trẻ em bị cam tích, ăn nhiều vẫn gầy, đầy bụng, đi tiêu phân sống, nên cho ăn thường xuyên trái kiwi trong bữa ăn. Tuy nhiên, có một số ít trẻ em và người lớn bị dị ứng với kiwi, sau khi ăn có thể có những triệu chứng như ngứa trong miệng và phồng rộp ở lưỡi, nếu nặng hơn có thể kèm khó thở.
Lưu ý: sau khi mua kiwi ngoài chợ, muốn ủ chín nên để trong túi giấu chung với chuối, quả sẽ mềm. Khi quả bắt đầu chín thì nên giữ trong tủ lạnh. Tuy vỏ kiwi có thể ăn được sau khi chà hết lông tơ, nhưng vẫn còn vị chát, tốt nhất nên gọt bỏ vỏ trước khi ăn.
Lương y Đinh Công Bảy
Meo.vn (Theo PNO)