Lưu trữ cho từ khóa: dễ lây

Vì sao nên vệ sinh sau “yêu”?

Sau “yêu”, cả 2 thường nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, trước khi say giấc nồng, nên đi tiểu và vệ sinh sạch sẽ.


Vệ sinh “cậu bé” để phòng lây nhiễm nấm âm đạo

Nấm âm đạo (nấm candida) là loại nấm vốn luôn có sẵn trong “vùng kín” của chị em và có tới 75% phụ nữ trên thế giới bị nhiễm loại nấm này.

Trong môi trường cân bằng, loại nấm này rất “hiền lành” nhưng khi gặp môi trường thuận lợi, candida sẽ lập tức “tung hoành” với những biểu hiện như đau rát khi “chuyện ấy” diễn ra và cảm giác buốt nhói khi đi tiểu.

Do nấm dễ lây lan, nêu sau khi quan hệ, nam giới cần vệ sinh “cậu bé” sạch sẽ, đặc biệt là bao qui đầu, nơi nấm candida rất dễ ẩn nấp. Nếu thường xuyên quên không vệ sinh “cậu bé”, nấm sẽ có điều kiện phát triển và viêm nhiễm cơ quan sinh dục là điều khó tránh khỏi!

Đi tiểu và vệ sinh “cô bé” để tránh viêm đường tiết niệu

Sau khi “yêu”, nữ giới nhất định phải đi giải quyết “nỗi buồn” để tránh tổn hại tới bàng quang. Nguyên nhân là do trong môi trường nóng ẩm khi quan hệ, vi khuẩn có sẵn bên trong âm đạo và vi khuẩn từ “cậu bé” truyền sang sẽ có cơ hội phát triển mạnh. Mà đường niệu đạo lại là láng giềng với cơ quan sinh dục nên những vi khuẩn này dễ dàng chạy qua đây.

Nếu không có biện pháp tiêu diệt chúng, bàng quang sẽ dần dần bị tấn công và tất yếu, những triệu chứng của bệnh viêm đường tiết niệu như liên tục có nhu cầu giải quyết “nỗi buồn”, đi tiểu buốt và gắt, thậm chí có thể kèm theo cả chút máu nữa.

Để “tống cổ” những vi khuẩn này, chỉ có một cách là phải đi tiểu sau khi quan hệ. Nước tiểu sẽ rửa trôi các vi khuẩn đang bám vào đường niệu đạo. Và sau đấy, bạn cũng cần vệ sinh “cô bé” sạch sẽ để tránh nấm âm đạo có nguy cơ phát sinh thêm.

Meo.vn (Theo Dantri)

10 cách đơn giản chống lại cảm lạnh

Với nhiều người, hắt hơi, đau họng... là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu mùa lạnh đến. Nhưng bạn hoàn toàn có thể có một mùa đông khỏe mạnh bằng những cách rất đơn giản, có thể thực hiện hằng ngày.

Người lớn thường bị cảm lạnh khoảng 3-4 lần một năm, còn trẻ em bị gấp đôi số này. Giáo sư Ron Eccles, Đại học Cardiff (Anh) cho biết, ông cùng các đồng sự đã có một nghiên cứu công phu tìm hiểu về cách hoạt động cũng như lây lan của các loại virus gây bệnh, từ đó biết cách phòng chống.


Dưới đây là 10 cách đơn giản từ Mirror giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng hay mắc cảm lạnh trong mùa đông:

Ăn nhiều rau

Một nghiên cứu của Viện Babraham ở ­Cambridge (Anh) cho thấy ăn nhiều loại rau lá xanh có thể tăng cường hệ miễn dịch của bạn.

Các loại rau cải - từ cải thìa tới bông cải xanh (súp lơ xanh) đều là các thực phẩm chứa chất giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả, chống lại sự nhiễm trùng cho cơ thể.

Rau cải luộc, hoặc xào, thêm chút gừng và nước tương sẽ là món ăn tuyệt vời chống cảm cúm.

Bổ sung vitamin D

Viên vitamin C thường được cho là có khả năng chống lại cảm lạnh, nhưng theo các nhà khoa học Australian thì uống vitamin không làm giảm nguy cơ nhiễm cảm, cũng không giúp gì đáng kể trong việc giảm các triệu chứng này.

"Nghiên cứu mới nhất cho thấy chúng ta đã có đủ vitamin C trong chế độ ăn. Vì vậy, trừ khi chế độ ăn của bạn rất nghèo nàn thì cần bổ sung thôi. Nếu cần phải bổ sung vitamin nào đó vào mùa đông này, thì hãy dùng vitamin D. Chúng ta cần vitamin D để tăng cường hệ thống miễn dịch", giáo sư Eccles nói.

Ngủ nhiều hơn

Một giấc ngủ ngon, sâu có thể giúp bạn chống lại cảm lạnh. Một thí nghiệm của các nhà nghiên cứu ở Đại học Carnegie Mellon ­(Mỹ) cho thấy khi bạn ngủ nhiều hơn thì khả năng cơ thể bạn tránh được các bệnh về hô hấp.

Những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm gần như bị cúm nhiều hơn 3 lần so với những người ngủ đủ và sâu trong 8 giờ hoặc hơn.

Hãy cố gắng tắt TV trước khi đi ngủ để giấc ngủ đến nhanh và chất lượng hơn.

Bổ sung probiotic

Sử dụng hằng ngày những vi khuẩn có lợi sẽ giúp giảm cảm lạnh.

"Probiotics cũng có thể giảm khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp 20% ở trẻ em và người già", bác sĩ Sarah Brewer (Anh) cho biết.

Ăn sáng đầy đủ

Những người ăn sáng đầy đủ, với ngũ cốc, ít cảm lạnh hơn so với những ai bỏ bữa, theo một nghiên cứu ở Đại học Cardiff (Anh).

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này có được là bởi ngũ cốc nguyên hạt cung cấp lượng dinh dưỡng với các chất quan trọng giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, như vitamin B, sắt và kẽm.

Hãy thử bắt đầu một ngày của bạn với một bát cháo đặc và ít hoa quả.

Rửa sạch tay

Các nhà khoa học từng cho rằng cảm lạnh được truyền nhiễm khi người mắc hắt hơi hoặc ho. Nhưng sự thật, khả năng lây lan bệnh cao hơn từ việc tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm vi trùng như tay nắm cửa - nơi mà virus có thể sống tới 24 giờ hoặc hơn, và sau đó đưa tay lên mắt, mũi.

"Cách bảo vệ tốt nhất là rửa sạch tay với xà phòng và nước thường xuyên trong ngày", giáo sư Eccles khuyên.

Giữ khoảng cách với người khác

Vì virus bám vào các ngón tay, vì thế bắt tay là cách rất dễ lây cảm lạnh. Bạn nên cố gắng rửa tay càng nhanh càng tốt ngay sau khi vì phép lịch sự phải bắt tay hoặc chọn cách thể hiện sự thân mật khác là vỗ nhẹ tay lên lưng.

Không giống như bắt tay, hôn không dễ lây bệnh như nhiều người nghĩ. Chỉ có một số ít các vi trùng gây hại sống ở môi và miệng, vì vậy bạn hoàn toàn không dễ lây cảm lạnh từ cử chỉ thân mật này. Nhưng hãy tránh xa chất nhầy mũi.

Súc miệng

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản khẳng định, những người súc miệng với nước 3 lần mỗi ngày sẽ ít bị nhiễm lạnh hơn 36% so với những người không làm việc này. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng họ không biết chính xác vì sao lại như vậy nhưng suy đoán rằng có thể việc này giúp làm sạch các chất nhầy và virus từ trong cổ họng.

Bạn nên súc miệng với nước muối trước khi đánh răng vào buổi sáng, sau bữa trưa và trước khi đi ngủ.

Thêm gia vị vào các món ăn

Một số loại gia vị được khẳng định là có khả năng chống lại vi trùng, bao gồm, hạt tiêu, ớt - những thứ này chứa một thành phần hữu hiệu, giúp loại bỏ chất nhầy, giảm ghẹt mũi, giúp bạn dễ thở hơn.

Tỏi chứa một chất được gọi là allicin, có thể hạ gục các virus cảm lạnh.

Hạn chế bia rượu

Không ít đệ tử của lưu linh tin rằng, rượu mạnh giết chết vi trùng. Không may, đây chỉ là huyền thoại. Thực tế, các chất kích thích này làm ức chế hệ miễn dịch khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Đó cũng là lý do những người uống rượu mạnh dễ bị nhiễm trùng mặc dù đôi khi uống một chút cũng tốt.

Cố gắng hạn chế mỗi ngày chỉ uống một chút rượu và có ít nhất hai ngày trong tuần không đụng tới giọt nào để gan của bạn được nghỉ ngơi.

Meo.vn (Theo VnExpress)

Trẻ cùng nhà dễ lây bệnh

Khi có một trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ còn lại trong gia đình rất cao

Tuần qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) điều trị cho cặp anh em song sinh T. và Q. (18 tháng tuổi) cùng bị bệnh tay chân miệng. Người nhà của các cháu cho biết cách đây mấy hôm, một bé lên cơn sốt, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Một ngày sau, em song sinh cũng có những biểu hiện tương tự.

Mạng sống mong manh

Tháng 6 vừa qua cũng có hai anh em (ngụ Cần Giuộc - Long An) cùng bị bệnh tay chân miệng. Bé lớn tên A. (3 tuổi rưỡi), mắc bệnh ở độ 4, tử vong sau khi nhập viện không lâu. Chỉ 3 ngày sau, cô em gái mới 19 tháng tuổi cũng sốt cao, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1. Những ngày đầu, bé M. liên tục gặp cơn sốc, phù phổi cấp, biến chứng thần kinh… phải lọc máu đến 2 lần và điều trị tích cực kéo dài gần 2 tháng.

 


Điều trị cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi Đồng 1

 

“Cứu được cháu M. là hạnh phúc lớn của gia đình và cả của chúng tôi, bởi lẽ gia đình vừa mất một đứa con rồi nên M. là tất cả niềm hy vọng còn lại…” - BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, nơi M. được điều trị, chia sẻ.

Trước đó khoảng 1 tháng cũng có trường hợp bệnh nhi 13 tuổi mắc bệnh tay chân miệng và tử vong khi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, mấy ngày sau thì em trai 3 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng may mắn chỉ ở độ 2.

Dễ lây qua đồ chơi

BS Tiến cho biết khi một trẻ trong nhà mắc bệnh tay chân miệng thì nguy cơ cho các trẻ khác trong gia đình sẽ rất cao. Điều này dễ hiểu vì anh chị em trong nhà thường chơi với nhau mà bệnh này lại lây lan qua các tiếp xúc trực tiếp. Người chăm sóc cũng có thể là nguồn trung gian truyền bệnh. Nhất là khi người mẹ cho trẻ bị bệnh ăn uống rồi không rửa tay kỹ mà đi pha sữa cho trẻ khác nên vô tình truyền bệnh.

ThS-BS Trần Hoàng Út, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, phân tích: “Bệnh này lây lan qua đường tiêu hóa và thường qua nước bọt hoặc phân. Trẻ em trong một nhà thường chơi chung đồ chơi và nhiều em có thói quen ngậm hoặc cắn đồ chơi, từ đó mà bệnh lây lan. Điều này cũng tương tự như với các bé trong nhà trẻ, các món đồ chơi chung trở thành vật trung gian lây truyền mầm bệnh. Bệnh cũng có thể lây qua ly tách, chén đĩa được người nhà sử dụng chung trong ăn uống”.

“Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 3-6 ngày nên nếu trong nhà đã có một trẻ mắc bệnh thì cần theo dõi những trẻ còn lại trong ít nhất một tuần. Sau đó cũng không được chủ quan, vẫn nên tiến hành các biện pháp an toàn, nhất là khi trẻ kia chưa khỏi hẳn bệnh. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường hết sốt, khỏe lại từ ngày thứ 8 nhưng mầm bệnh vẫn có thể lây lan đến hết ngày thứ 10” – BS Tiến lưu ý.

Nên cách ly

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, nếu phát hiện một trẻ trong nhà bị bệnh tay chân miệng thì cần cách ly với các trẻ khác ít nhất 10 ngày. Có thể gửi bớt các cháu cho người thân chăm sóc hoặc cách ly bằng phòng ở riêng, không cho chơi chung, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn, bàn chải; các loại bình sữa, ly tách, chén đĩa, đồ chơi… Nên khử trùng toàn bộ vật dụng liên quan đến trẻ bị bệnh bằng cloramin B. Người chăm sóc nên rửa tay kỹ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn để tránh lây nhiễm từ trẻ bệnh sang trẻ lành.

Meo.vn (Theo Người lao động)

Phòng biến chứng do mắt hột

Vừa qua, do mắt tôi bị ngứa, cộm, hay mỏi mắt, nhất là về chiều. Tôi đi khám bệnh thì được bác sĩ cho biết bị bệnh mắt hột và kê đơn thuốc điều trị. Tôi nghe nói, bệnh mắt hột có thể gây nhiều biến chứng, nặng có thể gây mù. Xin hỏi, có cách nào phòng tránh những biến chứng do bệnh mắt hột không?


Bùi Xuân Sáu(Hà Nam)


Bệnh mắt hột do vi sinh vật Chlamydia trachomatis gây ra, là tình trạng viêm kết mạc - giác mạc mạn tính với đặc điểm là hình thành những hột và những tổn thương sẹo ở mắt. Bệnh mắt hột có biểu hiện rất đa dạng, rất dễ lây lan từ người này sang người khác do tình trạng vệ sinh kém, sử dụng chung khăn rửa mặt, tắm nước ao hồ... Trong những trường hợp bệnh nhẹ có thể không cần điều trị cũng tự khỏi nhưng nếu ở thể nặng có thể gây nguy hiểm cho mắt. Cụ thể, bệnh mắt hột có thể gây viêm kết mạc mạn tính, sạn vôi kết mạc, viêm sụn mi, loạn thị, khô mắt... và biến chứng nặng nề nhất có thể dẫn tới mù lòa. Do vậy, để phòng tránh những biến chứng của bệnh mắt hột, bạn cần tuân thủ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó cũng cần có ý thức phòng tránh bệnh lây lan cho những người trong gia đình cũng như cho cộng đồng bằng cách giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân, rửa mặt bằng khăn riêng với nước sạch, không lấy tay bẩn dụi lên mắt; đeo kính mát khi đi đường để tránh gió bụi; diệt ruồi, nhặng là trung gian truyền bệnh; giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ.

BS. Nguyễn Thu Hà

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Bài thuốc chữa đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp và dễ lây lan. Có một số cách chữa đau mắt đỏ mà người dân ở vùng sâu vùng xa có thể áp dụng từ cây, lá...

Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ là do vi khuẩn, vi rút..., bệnh dễ gây thành dịch ở nơi vệ sinh kém, thiếu nước sạch trong sinh hoạt như các vùng bị lũ lụt. Theo đông y, đau mắt đỏ chủ yếu do cảm nhiễm độc khí lưu hành trên diện rộng, hiệp với thấp nhiệt phối hợp với nhau mà gây bệnh. Biểu hiện của bệnh lúc đầu thấy ngứa, cộm, chảy nước mắt là lúc độc phong tà xâm nhập tại chỗ mà gây ra; sau đó nhanh chóng sưng là quá trình chính khí và tà khí giao tranh nên mắt đau, nhiều dử (ghèn).


Sống đời, Dâu tằm, Bồ ngót - Ảnh: K.Vy

Sau đây là một số bài thuốc nam đơn giản, dễ kiếm có thể trị bệnh này.

- Lấy rau diếp cá giã dập nhuyễn, dùng vải mỏng gói lại đắp lên mắt.

- Bồ ngót tươi 50g, lá dâu 30g, cà gai 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g, cỏ xước 30g. Nấu với nước cho sôi sắc lại, uống suốt ngày.

- 6 đọt dâu tằm, 3 bông cúc trắng, 10 lát củ sả, 3 lát gừng sống, 1 muỗng đậu xanh giã nát sắc lấy nước uống.

- Rễ tranh, cỏ mực, rau má, cây muồng, cây ké, cỏ mần trầu, vỏ quýt, cam thảo đất mỗi thứ 1 nắm (khoảng 30g). Đổ ngập nước sắc lại còn 2 chén, chia làm 2 lần uống hết trong ngày.

- Lấy lá cây sống đời rửa sạch, giã nhỏ. Dụng cụ làm cần được tẩy trùng, lấy một miếng gạc đã triệt khuẩn (hoặc vải màn sạch) đặt lên mắt, đặt dung dịch lá sống đời vừa bào chế lên trên miếng gạc rịt chặt, nhất là về đêm để khi ngủ không rơi. Mỗi tối làm 1 lần cho đến khi khỏi.

- Hạt thảo quyết minh (hạt muồng) sao vàng, bông cúc vàng (cam cúc) mỗi thứ một nắm, quả bạch tật lê 10g. Cho tất cả vào đun uống như nước.

- Bạch tật lê 2g đun sôi, sau đó đổ ra ly để ngay dưới mắt, dùng hơi nước xông cho đến khi khỏi (lưu ý cẩn thận kẻo bỏng mắt).

- Hòa tan 1 thìa canh muối bột (muối tinh không có i ốt) vào 1 lít nước đun sôi để nguội, đựng vào chai sạch để dùng dần. Hằng ngày, nhất là lúc mới ngủ dậy, dùng bông sạch thấm nước muối trên lau mắt 4-5 lần cho sạch. Nhấp nháy mắt cho nước muối lọt vào trong làm tan những hạt li ti cộm lên trong mắt.

 

Meo.vn (Theo TNO)

Những điều cần biết về bệnh lao

Bạn Minh Nhật, 32 tuổi (Quận 8, TP.HCM) mới lập gia đình khoảng 1 năm nên rất mong có con. Thế nhưng, bạn lo lắng “bác sĩ cho biết tôi đang nghi ngờ bị bệnh lao. Trong thời điểm này, tôi có nên có con không? Nếu tôi bị bệnh lao thì nên có những phương pháp nào để phòng ngừa cho các con tôi về sau?”.


Ảnh: Internet

Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, khoa Khám bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacteria gây ra. Có rất nhiều thể bệnh lao, nhưng lao phổi dễ lây nhất. Khi một người bị bệnh lao, ho hay khạc nhổ thì vi khuẩn Mycobacteria được phát tán ra ngoài không khí. Những người khác hít vi khuẩn lao vào thì có thể bị nhiễm bệnh. Như vậy, trong trường hợp nói trên, nếu người chồng bị lao thì đối tượng có nguy cơ bị lây nhiều nhất là người vợ.

Không phải tất cả mọi người hít phải vi khuẩn lao đều bị bệnh lao, nhưng hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm trùng lao. Nhiễm trùng lao nghĩa là khi vi khuẩn lao đang ở thể tiềm tàng trong cơ thể, người nhiễm không bị bệnh vì vi khuẩn không hoạt động. Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, lao sẽ bùng phát.

Vì vậy, hãy phòng ngừa lây nhiễm lao bằng cách không tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc một thời gian dài với người bị bệnh lao. Với người có nguy cơ nhiễm lao cao cần làm thử nghiệm để xác định và được điều trị sớm nếu mắc bệnh. Trẻ mới sinh ra được tiêm phòng lao bằng vaccine BCG. Việc chích vaccine BCG phòng lao đã tỏ ra rất hữu hiệu, kể cả đối với các dạng lao nguy hiểm như lao màng não. Tuy nhiên, việc tiêm phòng cần phải thực hiện cẩn thận và có quá trình theo dõi về sau.

Đối với trường hợp của bạn Minh Nhật, bạn cần đi khám và xác định chắc chắn có bị nhiễm lao không. Nếu có, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dứt điểm để tránh lây nhiễm cho người thân và mọi người xung quanh.

Meo.vn (Theo PNO)

Ra mắt vắc-xin mới phòng viêm ruột ở trẻ nhỏ

Vắc-xin rota virút ngũ giá mới được Cục Quản lý dược phê chuẩn lưu hành tại Việt Nam có khả năng phòng ngừa, bảo vệ sớm sự nhiễm 5 chủng rota vi rút gây bệnh viêm dạ dày - ruột.


Hội thảo “Tính an toàn và hiệu lực của vắc-xin rota vi rút ngũ giá RotaTeq®” tại TPHCM

Ngày 23/10, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Y học dự phòng kết hợp với Văn phòng đại diện Tập đoàn Merck & Co (Hoa Kỳ) tại Việt Nam phối hợp với tổ chức hội thảo “Tính an toàn và hiệu lực của vắc-xin rota vi-rút”, đồng thời chính thức ra mắt vắcxin rota virút ngũ giá mới được Cục Quản lý dược phê chuẩn lưu hành tại Việt Nam.
Loại vắcxin này nhập khẩu từ Mỹ, có khả năng phòng ngừa, bảo vệ sớm sự nhiễm 5 chủng rota vi rút gây bệnh viêm dạ dày - ruột trên toàn thế giới. Vắc-xin được điều chế dưới dạng uống, gồm 3 liều, được chỉ định cho trẻ nhỏ từ 7,5 - 32 tuần tuổi, có khả năng bảo vệ thường trực lên đến 3 năm.

Rota vi rút rất phổ biến và dễ lây lan; ở lứa tuổi trước lên 5, hầu hết trẻ em đều đã ít nhất một lần nhiễm rota vi rút. Ở một số trẻ, triệu chứng nhiễm rota vi-rút có thể nhẹ và thoáng qua, tuy nhiên tình trạng nhiễm trùng có thể diễn biến nặng, dẫn đến mất nước và nguy cơ tử vong.

Meo.vn (Theo Dantri)

Khi đi massage em có oral sex, giờ trong miệng em mọc cục thịt dư, em lo quá!

Xung quanh dương vật bình thường, đi toilet bình thường, vậy em có nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục không?

Bác sĩ ơi,

Tình hình là 2 tuần trước em có đi massage và có oral sex. Hôm nay tự nhiên trong miệng em nổi lên 1 cục mụn (như 1 cục thịt dư vậy) không đau rát kèm theo là đau bụng, cứ lâu lâu là nhói lên đau (cách đây 2 ngày em có ăn tôm sống tái chanh). Xung quanh dương vật bình thường, đi toilet bình thường. Vậy em có nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục không???

Mong các bác sĩ tư vấn giúp em sớm. - (Bạn đọc)


Trả lời:

Chào em trai,

Quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ rất dễ lây bệnh. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm sùi mào gà, giang mai, lậu, viêm nhiễm sinh dục (do vi trùng , virut, nấm).
Trong đó, sùi mào gà và giang mai có thể biểu hiện bằng những tổn thương ở cơ quan sinh dục và niêm mạc miệng.

Sùi mào gà hay còn gọi là mụn cóc sinh dục do virus HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục là chính, ngoài ra nó cũng có thể lây qua đường tiếp xúc như khi massage, dùng chung quần lót khi chưa được giặt sạch...

Virus HPV có thể gây bệnh u nhú trên da và niêm mạc trên cơ thể người như ở niêm mạc miệng, gan bàn tay, gan bàn chân, ở da mặt. Sùi mào gà là những mụn mọc thành cục nhỏ, không đau, hồng hoặc hơi nâu, bề mặt xù xì, hình thù như hoa lơ, đôi khi thấy ngứa.

Giang mai biểu hiện đầu tiên là săng giang mai. Săng giang mai giống như mụn hoặc vết loét mờ, bờ của nốt loét nhẵn nhụi và có cảm giác chắc như sụn, xuất hiện ở vùng sinh dục, đôi khi ở miệng, môi, ở ngón tay hoặc ở hậu môn.

Chỉ có khám trực tiếp và làm thêm xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác được. Em nên đi khám chuyên khoa da liễu nhé.

Em đau nhói bụng nhưng không nói rõ vị trí nào trên bụng. Nếu em đau vùng trên rốn, đi tiêu bình thường, có kèm đầy hơi khó tiêu… thì có thể bị bệnh lý dạ dày tá tràng. Tuy nhiên, đau bụng cần phải khám trực tiếp, làm thêm siêu âm, nội soi, xét nghiệm máu… Có một số đau bụng cần phải mổ như viêm ruột thừa không thể uống thuốc mà hết được. Vì vậy, em cũng nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa sớm nhé.

Meo.vn (Theo alobacsi)

Diệt vi khuẩn ở chậu rửa bát

PGS.TS Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học cho biết: Nếu không được vệ sinh thường xuyên, chậu rửa chén bát rất dễ là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn e.coli gây tiêu chảy rất dễ lây lan, dễ phát sinh trong nguồn nước.

a
Chậu rửa chén bát rất dễ là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn e.coli.
E.coli gây tiêu chảy, viêm phổi, đồng thời là thủ phạm của 80% các trường hợp viêm đường tiết niệu. Việc sử dụng bồn rửa bát vào quá nhiều mục đích (rửa các loại thực phẩm và đồ dùng nhà bếp, rửa tay, giặt khăn lau...) cùng với sự lơ là, chủ quan trong việc làm vệ sinh bồn là những nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên.

Các gia đình nên thường xuyên tiến hành diệt khuẩn ở bồn rửa bát bằng cách pha 1 thìa nước javel với 1 lít nước cọ rửa bồn. Để dung dịch bám trên bề mặt bồn trong 10 phút trước khi xả lại bằng nước sạch sẽ giúp bếp sạch hơn.

Meo.vn (Theo Bee)

Được và mất của phụ nữ sau sinh

Quy luật cuộc sống luôn có sự được – mất, và chuyện sinh nở của chị em cũng thế. Một đứa trẻ ra đời, bạn sẽ phải lo toan nhiều hơn, sống có trách nhiệm hơn… Nhưng cuộc sống là thế, luôn có sự được – mất, thế nên, chuyện sinh nở của chị em cũng có những ‘lợi – hại’ nhất định.

‘Điểm cộng’ cho phụ nữ khi sinh con

1. Thông minh hơn

Dù khi mang thai và trong 3 tháng sau sinh, chứng đãng trí có thể khiến bạn ‘nhớ nhớ, quên quên’, nhưng bạn không nên quá lo lắng vì đó chỉ là ‘chứng bệnh’ nhất thời do quá lo cho con và thiếu ngủ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, sau khi sinh phụ nữ sẽ trở nên thông minh hơn do khối lượng bộ não phát triển lớn hơn nhờ những thay đổi nội tiết xảy ra trong những ngày đầu làm mẹ.

Việc làm mẹ cũng mang lại cho phụ nữ cái nhìn tinh tế hơn, phản xạ nhanh hơn do việc phải chăm sóc và bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy tiềm ẩn.

2. Tăng khả năng miễn dịch

Chỉ cần trải qua 1 lần sinh đẻ, khả năng miễn dịch chống khối u của phụ nữ sẽ tăng thêm 10 năm. Bởi vì những phụ nữ này có được sự bảo vệ kịp thời và tích cực của progesterone, một trong những loại hormon kích thích và điều hòa nhiều chức năng của cơ thể.

3. Giảm stress hiệu quả

Sự xuất hiện của thành viên mới kéo theo bao lo toan, trách nhiệm… đôi khi, không chỉ khiến các bà mẹ căng thẳng mà các ông bố cũng ‘phát khùng’ và ‘vò đầu bứt tai’.

Nhưng đó chỉ là những phút giây nhất thời. Thực tế, một nghiên cứu mới đã chứng minh những phụ nữ sinh con sẽ ít bị stress hơn những người chưa một lần sinh nở. Do sau sinh và cho con bú, phụ nữ tiết ra nhiều hooc môn oxytocin có lợi cho việc chống trầm cảm và ngăn ngừa tiết hooc môn stress hiệu quả.

Hơn thế nữa, những phút giây chơi đùa bên con chính là ‘thần dược’ giúp phụ nữ tăng lực, quên đi những mệt nhọc và yêu đời hơn.

4. Làm chậm quá trình mãn kinh

Trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày bầu bí và thời gian đầu khi cho con bú, cơ thể người phụ nữ sẽ tạm ngừng rụng trứng. Thông thường, khoảng 6 tháng sau sinh, chu kỳ kinh nguyệt mới xuất hiện trở lại. Vì vậy, thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ đã sinh con sẽ đến chậm hơn so với chưa sinh.

5. ’Thính’ khứu giác

Thời gian đầu khi mới mang thai, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi khứu giác quá nhạy bén khiến bạn luôn có cảm giác buồn nôn và sợ đồ ăn. Nhưng sau thời kỳ nghén, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi khả năng cảm nhận mùi vị của mình tăng lên trông thấy.


Một số chị em rất ngại yêu chồng sau khi sinh. (Ảnh minh họa).

‘Điểm trừ’ khi sinh

1. Thừa cân, béo phì

Ăn uống quá mức và ít tập luyện khiến nhiều phụ nữ khi mang thai và cho con bú bị tăng cân quá mức.

Do suy nghĩ, ăn nhiều sẽ tốt cho em bé nên nhiều bà mẹ ăn uống quá nhiều khiến tăng cân ‘không phanh’. Cộng thêm việc ít vận động khiến sản phụ vẫn tiếp tục tăng cân dẫn đến việc thừa cân, béo phì. Thực tế, để tránh phát tướng sau sinh, bạn chỉ nên ăn đủ, ăn cân đối các chất và không nên tiêu thụ quá nhiều bánh kẹo, đồ ăn sẵn cũng như không được để cơ thể quá đói hoặc quá no.

2. Trầm cảm sau sinh

Gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống và chăm con khiến phụ nữ dễ mắc trầm cảm sau sinh. Vì vậy, để chủ động đối phó với chứng bệnh này, các bà mẹ nên tham gia các lớp học kỹ năng nuôi dạy con cái, ‘tận dụng’ sự giúp đỡ từ phía gia đình, người thân hoặc gia nhập các diễn đàn để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con.

3. ’Bỗng dưng’ ú ớ

Thiếu kinh nghiệm chăm con, mất ngủ và mệt mỏi trong thời gian đầu chăm con khiến vỏ não trước – bộ phận chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và tư duy, của phụ nữ bị ảnh hưởng. Do vậy, các bà mẹ trẻ đôi khi gặp vấn đề trong việc diễn đạt suy nghĩ, cảm nhận của mình.
Ngoài ra, việc mất ngủ không chỉ khiến các bà mẹ dễ cáu bẳn hơn, dễ trầm cảm hơn mà còn làm giảm hệ miễn dịch. Cho nên, việc dễ lây và mắc các bệnh ở bà mẹ trẻ là điều dễ hiểu.

4. Ngại ‘XXX’ sau sinh

Luôn buồn ngủ, bận rộn với đứa con mới chào đời, nỗi lo mỗi khi con ốm sốt, mặc cảm về thân hình quá ‘phì nhiêu’… khiến chị em ngại ‘yêu’ chồng sau sinh.
Một số phụ nữ sẽ khắc phục được tình hình sau một thời gian ngắn nhưng có nhiều chị em thực sự ngại sự đụng chạm của chồng. Sự ngần ngại này chính là ‘ngòi nổ’ khiến một số gia đình tan vỡ.

Meo.vn (Theo Suckhoegiadinh)