(Webtretho) Chúng ta đều dễ dàng nhận ra rằng trẻ con ngày nay lớn nhanh hơn thời của chúng ta nhiều. Và chuyện "gái 8 tuổi có kinh, trai 9 tuổi có râu" cũng không còn quá "giật gân" như trước nữa. Nhưng thế không có nghĩa rằng dậy thì sớm ở trẻ em là chuyện bình thường, và bố mẹ cần biết và làm gì khi con bước vào tuổi tiền dậy thì và khi bé có dấu hiệu dậy thì sớm?
Phần 1: Tuổi xác định dậy thì sớm và cách giúp con đối mặt
Khi bé Mai bắt đầu có lông chân ở tuổi lên 6, chị An - mẹ bé - không mấy bận tâm vì cho rằng "chắc là do gien bố nó đấy mà". Nhưng khi bé bắt đầu có lông nách khi lên 7, có mùi cơ thể và mọc lông mu ở tuổi lên 9, chị bắt đầu lo lắng thật sự khi mà trước đây chị đã trải qua các dấu hiệu dậy thì này muộn hơn thế nhiều.
Nhưng chị An không phải là bà mẹ duy nhất có con gái "phổng phao" hơi sớm như trên. Trong khi các bé trai phần lớn "an toàn" trước làn sóng "lớn nhanh như thổi" thì các bé gái ngày nay lại dậy thì sớm hơn nhiều so với 1-2 thế hệ trước. Phụ huynh của các bé gái không khỏi băn khoăn về điều gì đang xảy ra với con mình, nó có bình thường không và nên xử trí thế nào khi con gái mình có xu hướng "trưởng thành" - về mặt sinh lý - quá sớm như vậy.
Tuổi dậy thì trung bình của bé gái hiện đã giảm xuống còn 8-9 tuổi. Ảnh: Corbis.
Dậy thì từ giữa cấp 1 có đáng lo?
Trong đa số trường hợp, câu trả lời là không! Phụ huynh thường căn cứ vào chính thời niên thiếu của mình để xác định con có dậy thì quá sớm hay không, nhưng cùng với sự phát triển về điều kiện kinh tế và dinh dưỡng, chuẩn mực này là không chính xác, nhiều trường hợp phụ huynh cho là dậy thì sớm thì ngày nay đã được xếp vào giới hạn "bình thường". Nếu như ở thế hệ trước, tuổi dậy thì của thiếu niên nước ta vào khoảng 13 tuổi (nữ) và 14 tuổi (nam), thì đến thế hệ này, độ tuổi dậy thì tương ứng là 8 và 9 tuổi. Nếu bé gái không bắt đầu nhú ngực trước tuổi lên 8, bố mẹ không cần phải quá lo lắng.
Các dấu hiệu dậy thì ở trẻ em gái bao gồm phát triển ngực, mọc lông mu, lông nách và có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, còn ở trẻ em trai là bộ phận sinh dục lớn hơn, mọc lông mu, có râu và giọng nói trầm hơn, nhưng thứ tự của các dấu hiệu này có thể thay đổi và chúng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong quá trình dậy thì của trẻ. Khi nói đến dậy thì sớm, ở trẻ em gái, sự phát triển ngực là quan trọng nhất, còn với trẻ em trai là sự phát triển kích thước của bộ phận sinh dục; các bác sĩ hầu như không quan tâm lắm đến những dấu hiệu khác như mùi cơ thể hay thậm chí là lông mu. Một nghiên cứu vào năm 2008 cũng đã xác nhận rằng ở phần lớn các bé gái mọc lông mu trước tuổi lên 8 (và tuổi lên 9 ở bé trai), các dấu hiệu dậy thì khác vẫn sẽ xuất hiện ở độ tuổi dậy thì bình thường.
Nguyên nhân gây dậy thì sớm
Có nhiều nguyên nhân được cho là gây ra hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ, một vài trong số đó đã được chứng minh, số còn lại vẫn dừng lại ở mức giả thuyết. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng các bé gái thừa cân và béo phì thường dậy thì sớm hơn, và các hoá chất gây ức chế nội tiết như BPA trong đồ nhựa có thể là một nguyên nhân (thí nghiệm trên chuột cho thấy BPA gây dậy thì sớm, tuy nhiên do vấn đề đạo đức, chưa có thí nghiệm tương tự nào được thực hiện trên người do vậy nguyên nhân này vẫn chỉ là một giả thuyết). Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy có sự liên kết giữa việc tiêu thụ các loại thực phẩm từ đậu nành với khả năng dậy thì sớm, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng xác đáng cho giả thuyết này.
BPA trong chất dẻo (đồ nhựa) được cho là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ. Ảnh: Inmagine.
Giúp con đối mặt với "bước ngoặt" dậy thì (dù là sớm)
Khi đã xác định được là con dậy thì sớm và không có vấn đề sức khỏe nào khác, chính bản thân bố mẹ cần biết chấp nhận và vượt qua cảm xúc bất an của mình trước khi giúp con an tâm đối mặt với một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời của bé. Sự việc sẽ trở nên trầm trọng nếu bạn làm cho nó trầm trọng, vậy nên phức tạp và trầm trọng hoá vấn đề.
Dấu hiệu dậy thì khiến một số bé gái cảm thấy tự hào, một số bé bối rối và số còn lại tỏ ra sợ hãi. Bạn cần biết rằng các cô bé dậy thì sớm sẽ cảm thấy một chút ngượng ngùng, nhất là lúc đầu. Vấn đề không hẳn ở việc dậy thì sớm hay muộn, đối với các bé, sự khác biệt đối với các bạn đồng trang lứa mới thực sự là điều làm bé bối rối. Các bé gái có ngực sớm hơn các bạn cùng lớp cần được biết rằng theo thời gian, khác biệt giữa bé và các bạn sẽ thu hẹp lại và các bạn gái khác trong lớp rồi cũng sẽ phát triển như các bé thôi.
Bé gái dễ lo lắng và xấu hổ khi thấy cơ thể mình trở nên khác thường so với các bạn đồng trang lứa. Ảnh: Inmagine.
Dậy thì sớm không phải luôn đi kèm với sự gia tăng tương ứng của cảm xúc tính dục. Nếu quá trình dậy thì diễn ra từ từ, có thể chỉ có một lượng nhỏ hormone được sản sinh và lưu chuyển trong cơ thể bé, và điều đó sẽ không gây ra sự thay đổi nào về cảm xúc tính dục hay thay đổi tâm tính cả. Dù vậy, phụ huynh vẫn nên chuẩn bị tinh thần cho các bé gái về những gì có thể sắp xảy ra với bé. Hãy cho bé biết rằng những cảm xúc tính dục đó là bình thường và lành mạnh, và cũng đã đến lúc bạn giúp con khám phá cơ thể mình một cách nghiêm túc rồi đấy.
Có thể cô gái nhỏ của bạn sẽ có sự quan tâm đặc biệt hơn đến các cậu con trai lớn tuổi hơn - điều mà phụ huynh của các bé gái dậy thì sớm không mong đợi một chút nào. Một số bé gái tỏ ra ngại ngùng và cảm thấy như bị để ý vì các bé trông đã phổng phao hơn. Các chuyên gia tâm sinh lý khuyên phụ huynh nên khuyến khích con mình tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi và định hướng cho con về tình bạn. Với những bé gái dậy thì sớm thể hiện sự để ý sớm đến các bạn trai, phụ huynh cần có những cuộc trò chuyện sớm và thường xuyên hơn với con về sức khoẻ giới tính và các nguy cơ về tình dục.
Trong hầu hết các trường hợp, các cô bé dậy thì sớm vẫn còn nhận thức và tính khí của trẻ con. Bé trông có vẻ phổng phao hơn so với tuổi, nhưng suy nghĩ thì vẫn ở đúng tuổi của mình. Giáo viên và phụ huynh của những bé gái này thường mong đợi bé có thái độ và hành vi cư xử trưởng thành hơn, nhưng thực tế không như thế. Các bé gái có thể có kỳ kinh đầu khi đang học lớp 4, nhưng bé vẫn xử sự như mọi cô bé 10 tuổi khác và có thể vẫn chơi búp bê như thường. Vì thế, bên cạnh việc giáo dục và định hướng về sức khoẻ giới tính cho con, gia đình vẫn nên chăm sóc bé theo cách bình thường mà bạn dành cho con và đừng đột ngột thay đổi cách đối xử với con.
Với sự dẫn dắt và sẻ chia đúng hướng từ cha mẹ, bé sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn và.. khó xử này. Ảnh: Corbis.
Trò chuyện với con về dậy thì
Hãy nói đúng sự thật. Đừng vòng vo hay quanh co; hãy trung thực khi trò chuyện với con về những thay đổi trên cơ thể và cả cảm xúc của bé khi bắt đầu dậy thì. Khi các bé gái dậy thì sớm hơn so với bạn đồng trang lứa, bé có thể cảm thấy mình "không bình thường" và điều đó có thể dẫn đến những hệ quả đáng lo ngại như trầm cảm. Vì vậy, đồng hành và giúp con hiểu biết đúng về những gì mình đang trải qua sẽ giúp ổn định tâm lý cho bé.
Điểm mặt các sự kiện và chia sẻ kỷ niệm về tuổi dậy thì. Hãy cho bé biết bé sẽ phải trải qua những sự kiện (hoặc thay đổi) nào trong suốt quá trình dậy thì và trở thành người lớn của bé, bên cạnh đó, hãy chia sẻ những kỷ niệm vui vui mà chính bạn đã trải qua trong tuổi dậy thì của mình.
Ăn mừng. Hãy chúc mừng con đã bước sang một giai đoạn mới. Đó là cách để bạn làm cho bé ý thức được dậy thì là một sự kiện đánh dấu sự trưởng thành và bé nên tự hào vì mình đã lớn.
(Còn tiếp)