Lưu trữ cho từ khóa: đáy nồi

Mẹo rửa sạch xoong inox

1-9689-1380297639.gif
Ảnh minh họa: Ehow.
 
- Trộn 1 phần dầu thực vật với 1 phần nước và 2 phần giấm trắng. Lắc đều trước khi sử dụng, rồi phun lên bề mặt chà sát và rửa sạch. Bạn có thể thêm 10 đến 15 giọt nước chanh, cam hoặc vani với những vết bẩn cứng đầu.
 
- Rửa nồi với nước xà phòng nóng.
 
- Lấy nước tẩy rửa rồi xịt lên bề mặt nồi, đánh bóng bằng một miếng vải sạch, khô.
 
- Khi dưới đáy nồi xuất hiện các vết bẩn, ố vàng, chúng ta có thể dùng giấm, chanh để chà rửa cho sạch.
 
- Khi nấu đồ ăn có những lúc lỡ tay quá lửa sẽ để lại các vết cháy, chúng ta có thể rửa vết cháy một cách dễ dàng bằng cách cho một ít bột nở lên trên mặt nồi bị cháy. Cho nước vào vừa ngập chỗ vết cháy và đun từ từ cho đến khi chỗ bị cháy khét tróc ra khỏi mặt nồi.
 
- Nồi chảo inox có thể bị biến màu có ánh màu xanh sau khi rửa. Sự biến màu này là lớp bảo vệ bề mặt đối với một số chất có trong thực phẩm hoặc trong các loại nước rửa chén. Lớp bảo vệ này không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng của inox. Để tẩy các vết đổi màu này chúng ta chỉ cần dùng giấm hoặc chanh chà sát lên bề mặt. 
 
- Nếu trong nước có quá nhiều chất vôi, bề mặt theo ngày tháng có thể sẽ bị vôi đóng lên làm loang lổ. Chỉ cần dùng chanh hoặc giấm là có thể làm nồi lại sạch như trước. Lưu ý, khi rửa xoong nồi, nên dùng khăn lau khô để tránh các vệt vôi bám lại trên bề mặt.

Ngọc Lan (theo ehow)

Giữ cho thức ăn không bị dính vào đáy nồi

Thức ăn bám dính ở đáy nồi, chảo... là sự cố thường gặp trong quá trình đun nấu.

Lớp thức ăn bị dính có thể cháy khét, không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn mà còn khiến bạn phải tốn nhiều công sức để chùi rửa, vệ sinh nồi, chảo. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa tình trạng này.

Thức ăn được nấu quá chín cũng sẽ có nguy cơ bị dính nhiều hơn.

(ảnh minh họa)

1. Giữ cho thức ăn không bị dính vào đáy nồi

Không sử dụng miếng bùi nhùi bằng kim loại để chùi rửa xoong, ...

Gà hấp muối trị phong tê thấp

Bài thuốc này đã được kiểm chứng có hiệu quả cao đối với chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp hạn chế vận động do phong thấp...

Phong tê thấp được y học cổ truyền xếp vào "tý" chứng hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp, bệnh thuộc hệ cơ, xương khớp ở tứ chi và cơ nhục.

Đây là căn bệnh gây mất sức lao động, tàn phế, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên phong tê thấp hoàn toàn có thể phòng và trị được bằng ẩm thực trị liệu.
Dưới đây là món ăn, bài thuốc nghiệm phương độc giả áp dụng khi cần thiết.

Nguyên liệu:

Gà ta 1 con nặng 300 - 350g, ngải cứu 1 nắm khoảng 100 - 150g, lá lốt 500g, muối ăn không i-ốt 3kg.

Thịt gà hấp có hiệu quả cao với chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp

Cách chế biến:

Gà cắt tiết làm sạch bỏ nội tạng, ngải diệp rửa sạch thái nhỏ, lá lốt rửa sạch để ráo nước. Gà để ráo nước cho lá ngải đã thái nhỏ vào bụng. Sau đó lấy lá lốt quấn vào gà dùng lạt buộc chặt. Cho khoảng 1/3 muối dưới đáy nồi (tốt nhất là nồi đất) rồi cho gà đã gói lá lốt vào đổ phần muối còn lại vào vùi kín gà (tuyệt đối không được hở) đậy vung.

Đem đun nhỏ lửa trong vòng hai giờ, trong quá trình hấp gà không để bếp tắt, không để lửa quá to. Hấp xong muối không được cháy mà chỉ ngả vàng, gà chín thơm bùi thịt gà và gia vị ngải và lá lốt, thịt gà không được mặn mới đạt yêu cầu.

Khi đun đủ thời gian tắt bếp để đợi khi nguội đem ra bỏ muối và lá lốt, thịt gà đem ăn trong ngày có thể ăn với cơm. Mỗi ngày ăn một con, 10 ngày là một liệu trình.
Bài thuốc có tác dụng tư bổ can thận, tán hàn, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống (giảm đau). Bài thuốc đã được kiểm chứng có hiệu quả cao đối với chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp hạn chế vận động do phong thấp ngoài ra còn thích dụng cho các chứng bệnh như suy nhược cơ thể, âm huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau bụng đầy hơi, khó tiêu, đau bụng kinh, bế kinh, cảm lạnh, sợ lạnh, lạnh tứ chi, huyết áp thấp, hay đổ mồ hôi chân...

Chú ý: Khi chế biến từ thịt gà, rau ngải, lá lốt và muối đều phải khô. Muối đã dùng không được dùng lại để hấp lần sau nhất là không được dùng để ăn, những người bệnh phong tê thấp không ăn rau rút (nhút), cà pháo và những thực phẩm mang tính hàn như trai hến, thịt trâu...

Người dùng bài thuốc này để trị đau đầu thì dùng gà mái không nên dùng gà trống (bởi gà trống dễ động phong). Do bài thuốc có tính nóng nên thận trọng khi dùng cho người tăng huyết áp.

Theo Lương y Chu Văn Tiến

Meo.vn (Theo Khoahocdoisong)

Ốc đắng- món ngon dân dã miền Tây

Ốc đắng nhỏ, màu nâu sẫm, đuôi nhọn, trông tương tự ốc gạo, sống ở ao, hồ, sông, rạch, mương vườn…

 

Chỉ cần xuống sông, dùng rổ thưa xúc phía dưới những giề lục bình, hay mò dưới mương vườn nơi ốc thường bám vào những gốc dừa, chà tre mục là đã có ốc ăn. Vào những ngày mát trời, đi bắt ốc khoảng một giờ có thể "thu hoạch" được cả ký ốc đắng.

Ốc đắng có thể làm các món dân dã như: ốc đắng luộc chấm nước nước mắm chanh sả ớt (hay cơm mẻ sả ớt), ốc đắng kho sả ớt, ốc đắng kho dừa, gỏi ốc đắng trộn bắp chuối và chả ốc đắng.

Gỏi ốc đắng: ốc đắng bắt được hay mua ở chợ về rửa sạch bùn đất, cho ốc vào thau ngâm với nước lạnh cùng vài trái ớt sừng đâm giập, cho ốc nhả nhớt. Dùng sả, lá ổi, lá chanh lót dưới đáy nồi cho dậy mùi thơm, đổ ốc vào cùng một ít nước lạnh luộc chín, đổ ra rổ để ráo nước. Chờ ốc nguội dùng tăm nhọn (hay kim tây) khều ốc cho vào tô.

 

Bắp chuối xiêm xắt mỏng ngâm nước lạnh, vắt chút nước cốt chanh, vớt ra để ráo. Phi thơm hành, đổ ruột ốc vào xào sơ, lấy ra để sẵn. Trộn bắp chuối (đã xắt mỏng) cùng nước cốt chanh + đường + nước mắm, rau răm xắt nhuyễn. Cuối cùng, cho ruột ốc đắng vào trộn đều, múc ra dĩa. Nhớ rắc thêm đậu phộng rang giã giập. Làm thêm chén nước mắm chanh, tỏi, ớt.

Gắp một miếng gỏi ốc đắng chấm vào chén nước mắm chanh tỏi ớt, vị đăng đắng của ốc, chát của bắp chuối, béo của đậu phộng, chua của chanh, cay của ớt, the của rau răm...quyện vào nhau. Thêm chút “men cay” thật ngon miệng.

Chả ốc đắng: Ốc đắng đã luộc chín, lấy ruột để sẵn ra tô. Thịt ba rọi bằm nhuyễn cùng hành tím để sẵn. Trứng vịt muối + trứng vịt cho vào tô đánh đều. Sau đó, cho thịt ba rọi (đã sơ chế) + trứng (đã đánh sẵn) + ruột ốc luộc vào tô trộn đều. Nêm gia vị (đường + bột ngọt + tiêu xay + vài lát ớt sừng chín) cho vừa khẩu vị và có màu sắc hấp dẫn. Cuối cùng, cho hỗn hợp trên vào chảo chưng cách thủy. Khoảng 20 phút sau giỡ nắp xửng ra và dùng đũa thử thấy trứng đặc, chắc lại là chín. Lấy tô chả ốc ra để nguội và thêm vài cọng ngò rí lên phía trên mặt là xong. Ăn chả ốc với cơm trắng rất ngon.

 

Meo.vn (Theo PNO)

“Khóc thét” vì tẩy lông bằng sáp nóng

Tẩy lông bằng sáp nóng (waxing) được xem là một trong các phương pháp làm đẹp, giúp chị em lấy đi những sợi “violon” không muốn có trên cơ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những hệ lụy từ phương pháp này khiến chị em cũng cần lưu ý khi thực hiện.


Việc tẩy lông chân bằng bôi sáp nóng khá phổ biến ở các cửa hàng làm đẹp bình dân hiện nay bởi giá rẻ nhưng độ an toàn không cao

Sáp lẫn mùi lông cháy khét

Chị Trần Thu Hiền (ở Mai Động, Hà Nội) cho biết, do chân nhiều “violo”" lên để diện váy chị thường phải đến các hiệu spa làm đẹp với phương pháp sử dụng kem bôi để tẩy lông hoặc dùng sáp nóng để giật lông. Mỗi lần waxing chân có giá khoảng 150.000đ. Thế nhưng vừa rồi các spa tăng giá nên chị chuyển về làm đẹp gần nhà tại một cửa hàng cắt tóc gội đầu ở ngõ 254 Minh Khai, Hà Nội có treo biển: “Waxing chân, tay, nách - 50.000đ/lần”.

Hí hửng vì cùng phương pháp sử dụng sáp để tẩy lông đó nhưng giá rẻ nên chị Hiền làm ngay. Nhưng sau lần thử nghiệm đầu chị Hiền đã phải ôm chân, cắn răng chịu nóng và chịu đau để giật lông. Kết quả là sau hai lần bôi sáp chị Hiền đành khất ra về, hẹn lần sau đến làm tiếp, nhưng điều đáng nói là ở chỗ bôi sáp, da chị bị tấy đỏ, đau rát đến mấy ngày.

Theo chân chị Hiền, phóng viên đã đến cửa hàng kia để được chứng kiến “thảm họa” làm đẹp. Cô nhân viên ở đây đưa ra một chiếc nồi nhỏ cũ kỹ, cáu bẩn để nấu sáp. Lớp sáp mỏng dưới đáy nồi chứa đầy lông đã được tẩy trước đó được đặt lên bếp gas du lịch đun khoảng 2 phút. Một mùi khét lẹt, khói mù xông lên. Khi được hỏi tại sao có lẫn lông trong nồi sáp, cô nhân viên thản nhiên trả lời: “Sáp tẩy lông một lần rồi em dùng lại cho khỏi phí. Nhổ lông chỉ ngoài da thôi, mà đun nóng thế này thì cũng tiệt trùng rồi, chị không phải sợ đâu...”.

Hóa ra ở đây wax bằng loại sáp nóng bôi lên da để khô bớt và giật miếng sáp khô đã dính cả những sợi lông đó lên, chứ không phải cách làm bôi một lớp sáp mỏng và dùng miếng vải thô miết cho bám vào lớp sáp đã dính lông để giật lên.

Khi đã đun sáp xong, cô nhân viên này bắt đầu dùng đũa và thìa múc sáp lên... thổi cho bớt nóng và chuẩn bị bôi lên chân thì chúng tôi đành viện lý do sợ đau và chưa chẩn bị tinh thần để... chuồn.

Nguy cơ tổn hại da

Theo chuyên gia da liễu Nguyễn Thị Thảo, giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Đông, việc tẩy lông chân bằng bôi sáp nóng khá phổ biến ở các cửa hàng làm đẹp bình dân hiện nay bởi giá rẻ nhưng độ an toàn không cao. Bởi sáp nóng chảy thường có nhiệt độ cao, hơn nữa dụng cụ đun thô sơ lại không kiểm soát được nhiệt độ nên nguy cơ gây bỏng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, khi bôi sáp nóng lên da sẽ ảnh hưởng đến nang lông cũng như mô da. “Cụ thể, khi bôi nóng vô hình trung gây ra sự sang chấn về mặt cơ học lên da, từ đó gây viêm da, viêm nang lông, lỗ chân lông rộng ra. Như vậy, cách làm đẹp tức thì này lại gây ra sự xấu ngấm ngầm về lâu dài”, chuyên gia Nguyễn Thị Thảo nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cách làm đẹp này cũng tiềm ẩn những nguy cơ khác như gây viêm nhiễm, lây lan bệnh da liễu... do dùng chung một chất sáp sau đó đun lên dùng lại cho nhiều người. Đây là việc làm rất mất vệ sinh và không khoa học.

TS Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cũng cho rằng, việc sử dụng wax tiệt lông có hiệu quả không cao bởi sau tiệt lông một thời gian lông sẽ mọc lại. Và sau khi làm nhiều lần có thể khiến cho lông cứng hơn, lỗ chân lông bị thô, to ra. Đấy là chưa kể đến cách làm nếu không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật có thể gây bỏng da, viêm nhiễm da và nang lông.

Để hạn chế những nhược điểm này, TS Nguyễn Viết Lượng khuyến cáo, chị em nên đến các địa chỉ uy tín để được thực hiện wax đúng kỹ thuật. Trước khi làm nên chăm sóc da tốt, giữ ẩm và làm sạch da đúng theo hướng dẫn. Sau khi thực hiện wax nên sử dụng các loại kem làm sạch những vết wax còn sót lại trên da, có thể bổ sung kem dưỡng da, giữ ẩm. Nếu sau khi wax cần ra nắng, phải chú ý che chắn cho da, tốt nhất nên sử dụng kem dưỡng da chống nắng.

Meo.vn (Theo Dantri)

Chè nếp xứ Quảng

Chè nếp là món ăn dân dã, thơm ngon, thường được nấu trong các ngày rằm, mồng một hay ngày Tết Nguyên đán của các gia đình người Quảng (Quảng Nam) quê tôi.

Ảnh minh họa nguồn: Internet

Nấu chè nếp không khó, nhưng để có được một chén chè nếp thơm ngon, ngọt ngào và đậm vị quê, người nội trợ phải có vài bí quyết nhỏ. Chọn loại gạo nếp thơm, hạt tròn đều, vo thật kỹ cho sạch cám, rồi ngâm trong nước lạnh khoảng một giờ. Trút nếp vào nồi, cho nước vừa đủ, nấu trên ngọn lửa nhỏ để hạt nếp nhừ.

Đường nấu chè nếp người dân xứ Quảng quê tôi hay dùng thường là đường bát (thanh), một loại đường làm từ mật mía cô đặc lại. Nấu đường tan chảy rồi dùng túi lọc bỏ các tạp chất, gạn lấy nước trong. Khi hạt nếp nhừ thì cho đường vào, đun tiếp để vị ngọt thấm đều. Nêm thêm chút muối cho nồi chè thêm phần đậm đà. Trong khi nấu, nhớ dùng đũa quậy nhẹ tay để chè không bị bén (dính) đáy nồi và hạt nếp không bị vữa.

Khi nước trong nồi chè cạn, hạt nếp ngấm vị ngọt của đường thì cho thêm một ít gừng già giã nhỏ, quậy đều và tắt bếp. Tùy theo sở thích của từng gia đình mà người nấu có thể cho thêm một ít tiêu sọ bột vào nồi chè để tăng thêm hương vị.

Chè chín múc ra chén nhỏ, ăn nóng kèm bánh tráng nướng. Vị dẻo thơm của nếp, ngọt của đường, giòn của bánh tráng, cay của gừng quyện lại với nhau thật hấp dẫn. Trong những ngày giao mùa này, giữa tiết trời se lạnh, còn gì thích thú hơn khi được quây quần bên gia đình để thưởng thức những chén chè nếp thơm ngon.

8 mẹo vặt từ trái chanh

Để tẩy vết ố của cà chua trên đồ nhựa, bạn cắt một lát chanh mỏng để lên bề mặt bị ố rồi để dưới ánh nắng mặt trời khoảng vài giờ. Vật dụng đó sẽ sáng trở lại.

 

 

Một số mẹo khác với quả chanh:

Khử mùi tanh hôi ở tay:

Khi làm cá hay thái hành, bạn rất ngại bởi mùi của chúng bám vào tay. Hãy dùng một miếng chanh xát lên tay, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Làm sạch vật dụng chứa nước cặn:

Sau khi vắt hết nước chanh, bạn lấy miếng vỏ chà xát vào vật cần làm sạch.

Làm mới đồ đồng:

Những vật dụng bằng đồng thau và đồng đỏ để lâu ngày sẽ bị xỉn màu. Muốn làm sáng chúng, bạn rắc một chút muối lên, sau đó cắt một nửa quả chanh chà xát lên những chỗ bị xỉn màu. Lau sạch với khăn vải mềm, bạn sẽ thấy các đồ dùng sáng lại như mới.

Làm sạch  lò vi sóng:

Cho vào bát hai thìa nước cốt chanh và một cốc nước, đun sôi trong lò khoảng 5 phút để cho hơi nước bốc lên. Sau đó, dùng khăn lau sạch hơi nước. Lò vi sóng sẽ trở nên sáng như mới.

Tẩy vết gỉ sắt trên quần áo:

Chà xát một miếng chanh và muối lên chỗ dính gỉ sắt, đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. Quần áo của bạn sẽ trở lại như cũ.

Tẩy vết thức ăn trên bề mặt nhựa hay gỗ:

Cắt nửa trái chanh, vắt lên chỗ có vết bẩn, chà xát rồi để trong 20 phút, sau đó rửa hoặc lau lại bằng nước sạch.

Làm sáng đáy nồi, vật dụng nấu bếp:

Rắc vào đáy nồi ít muối và vắt vào đó ít nước chanh, cọ sạch bằng miếng nùi rửa chén.

Meo.vn (Theo baodatviet.vn)

Mẹo làm sạch nhà cửa với chanh

Hãy quên đi những sản phẩm tẩy rửa bằng hóa chất độc hại, mà hãy mở tủ lạnh của bạn và lấy 1 quả chanh. Chúng không chỉ là nguyên liệu quan trọng trong các món ăn mà còn là 1 tác nhân làm sạch nhẹ nhàng và hiệu quả.

Trong chanh có 1 lượng axit, có tác dụng khử trùng, kháng khuẩn mạnh mẽ chống lại các loại vi khuẩn thông thường trong phòng bếp của gia đình bạn. Vì vậy chỉ cần mấy quả chanh nhỏ, gian bếp nhà bạn sẽ luôn sáng bóng và sạch sẽ.

1. Cọ sạch bồn rửa

Vỏ chanh có tác dụng xử lý, khử mùi cống chìm dưới bồn rửa nhà bạn. Và thêm vào đó, không giống như giấm, chanh mang đến 1 hương thơm sạch sẽ, giúp cho căn bếp luôn mang không khí sạch sẽ, nhẹ nhàng. Xắt nhỏ miếng vỏ chanh, càng nhỏ càng tốt, bật nước nóng, cọ rửa 4 mặt bồn rửa và phun nước đều, liên tục lên bề mặt bể. Quan sát, đến khi nào vỏ chanh không còn trên bề mặt thì tắt nước. Bồn rửa nhà bạn sẽ luôn sáng, mang hương thơm tự nhiên và phần cống luôn sạch sẽ, hợp vệ sinh.

2. Làm sáng vật dụng kim loại

Đồng, thiếc sẽ được đánh bóng và trở nên sáng loáng chỉ cần 1 nửa quả chanh. Chanh có tính axit cao, dễ dàng làm mờ hay làm bong các lớp đen dưới nồi, giúp chúng dễ dàng bị xoá sạch mà không cần đến chất tẩy. Và thêm 1 mẹo nhỏ nữa, trước khi chà các loại xoong, nồi và thìa, nhúng miếng chanh vào muối, chúng sẽ loại bỏ những chất bẩn không nhìn thấy rõ ở đáy nồi và làm sáng bề mặt.


3. Khử trùng lò vi sóng

Mùi của pizza, bỏng ngô hay bất cứ thứ gì bạn cho vào lò vi sóng để làm nóng đều có thể kéo dài và gây mùi khó chịu. Cắt chanh thành lát cực mỏng và đặt vào trong chiếc bát chuyên dụng trong lò vi sóng. Đổ đầy nước nóng vào bát đó, cho vào lò vi sóng và đặt chế độ nấu ăn trong vòng 1 phút. Đặc tính kháng khuẩn của axit citric sẽ giết chết vi khuẩn trong khi nhiệt độ cao như 1 chiếc máy tạo độ ẩm để loại bỏ sự đóng cục của thức ăn trong lò vi sóng. Cuối cùng, lau sạch lò bằng 1 chiếc khăn ẩm, để khô ráo rồi mới đóng lò lại.

4. Loại bỏ cặn bẩn ở bồn tắm, vòi hoa sen

Thay vì lau dọn phòng tắm bằng hoá chất dễ ăn mòn, một phương pháp tự nhiên rất hiệu quả sẽ được bạn áp dụng ngay sau đây: vắt 6 quả chanh lấy nước và đổ vào bình xịt. Axit citric sẽ làm bỏng những chất cặn bẩn cứng đầu và dễ dàng chà sạch lại bằng xà bông. Ngoài ra, tính chất kháng khuẩn và khử trùng cũng sẽ làm sạch sẽ không gian nhà tắm.

5. Rửa bát

Một nửa lát chanh và một chút bột baking soda sẽ thay thế nước rửa bát, dễ dàng đánh tan mỡ, cho chảo và bát đĩa của bạn được sáng bóng, bàn tay của bạn sẽ có mùi thơm tự nhiên. Hãy nhớ, trừ lúc tráng bát, còn lại hãy đeo găng khi rửa, axit trong chanh sẽ không tốt cho da tay của bạn.

6. Khử mùi trong việc giặt giũ

Phòng tập thể dục, công sở,... khiến bạn ra nhiều mồ hôi và quần áo luôn có mùi khó chịu? Chỉ cần một muỗng cà phê nước cốt chanh sẽ mang đến một mùi hương tươi mát cho cả những thứ cứng đầu như tất hay quần áo thể thao.

7. Lau kính

Bốn muỗng canh nước chanh, tốt nhất là chanh tươi hoà vào 1 bình nước lớn sẽ làm sạch cửa sổ hiệu quả, không hoá chất và không để lại vệt trên kính. Các axit citric mạnh mẽ hoà tan những vết bụi bẩn và nước làm sạch chúng, mang đến vẻ sáng lấp lánh cho khung kính nhà bạn.

8. Khử mùi cho thớt

Ép 1 nửa quả chanh lên thớt và để trong vòng 10 phút. Chúng thấm vào gỗ rất tốt, nhưng cũng đem lại hiệu quả cao với thớt nhựa. Chanh làm bong vết bẩn, tiêu diệt vi khuẩn, đặc biệt là với những chiếc thớt thái đồ sống, giúp gia đình bạn luôn an tâm tuyệt đối.

9. Làm sạch những nơi khó cọ rửa

Với một chiếc bàn chải cọ rửa và vài quả chanh, bạn có thể chải sạch cống rãnh, dễ dàng làm sạch những ngóc ngách khó với đến bằng 1 chiếc bàn chải đánh răng đã cũ, giữ vệ sinh cho wc nói riêng cũng như cho cả gia đình nói chung, tránh phát sinh dịch bệnh và giúp toilet luôn sạch sẽ và sáng bóng.

10. Làm thơm tủ lạnh

Thường xuyên để 1 quả chanh tươi trong tủ lạnh, bạn có thể loại bỏ khá nhiều mùi khó chịu từ nhiều loại thức ăn khác nhau để trong tủ lạnh. Bạn cũng nên đậy kín các thức ăn, đặc biệt là những thức ăn có mùi mạnh và để riêng các đồ sống để tủ lạnh luôn thơm mát và sạch sẽ.

Meo.vn (Theo Xinh xinh)

CHÁO DỰNG BÒ


“Dựng” bò là cách người dân (chủ yếu là miền Nam) gọi phần từ đầu gối con bò trở xuống, bao gồm xương, móng và cù ngẳng – phần xương có nhiều da, nhiều gân, ít thịt ở các khớp nối của xương chân. Thường những chỗ này có nhiều gân mà lại ít mỡ, ăn sừng sựt, rất thích hợp cho mấy ông nhậu lai rai, hoặc thích hợp cho những ai thích gặm xương như tui 🙂

Cháo dựng bò có mùi đặc trưng của da bò thui, có cái bùi béo của đậu xanh nấu nát, có mùi nặng nặng của xương bò hầm, có cái bùi ngọt của củ khoai mì. Húp vào một bát thơm ngon tận ruột gan.

Món này nấu rất mất công, nên đã nấu thì phải nấu một nồi lớn mới bõ, anh chị em quây quần lai rai với nhau. Công thức của tui là cho cả tiểu đội đó 🙂 bà con nếu thích nấu ít thì giảm 1 nửa công thức hén.

Nguyên liệu: nấu cho 10 người ăn
- 2kg xương, dựng bò
- 1 lon gạo (khoảng 250g)
- 1 lon đậu xanh nguyên vỏ (khoảng 300g)
- 2 kg khoai mì
- 6 lít nước
- Gia vị: 1 ít nghệ tươi giã nhỏ lấy nước, 5 tsp muối, 2 tsp đường (đơn giản không???)

Cách làm:

1. Khoai mì:
- Nếu biết trước, nên chuẩn bị khoai mì bằng cách lột vỏ, ngâm nước qua đêm để xả chất độc của khoai mì. Cắt khoanh vừa ăn.
- Còn nếu gấp, thì lột vỏ khoai mì, rửa qua nước, cắt khoanh vừa ăn đem luộc cho chín trước.

2. Xương, dựng bò rửa sạch, đem thui cho khen khét lớp da / xương. Rửa lại. Cho vào nồi cùng 6 lít nước, hầm nấu từ 1-1,5 tiếng tính từ lúc nước sôi. Thỉnh thoảng vớt bọt nếu muốn. Còn nếu muốn hầm cho nhanh thì cho 1 trái đu đủ xanh/hường hường cắt miếng vừa ăn vào hầm chung.
(Note: Chỗ này nếu ai đang hầm nồi nước dùng cho phở theo dạng không bỏ gừng, hành hầm chung trước thì tốt quá, một công đôi chuyện :up và cũng có thể nấu cho ít người ăn)

3. Gạo và đậu xanh để nguyên vỏ, vo sạch. Sau 1-1,5 tiếng hầm xương thì cho gạo, đậu xanh, khoai mì vào.

4. Nấu tiếp từ 2-3 tiếng nữa cho đến khi cháo nát nhừ không còn thấy hạt gạo nữa mà giống như nước sệt là được. Nhớ thỉnh thoảng phải khuấy / đẩy sát đáy nồi để tránh cháo thường đọng dưới đáy (do nhựa của gạo) lâu thành khét đáy.

5. Nêm nghệ, đường và muối, múc ra tô ăn nóng. Nếu thích có thể cho thêm nấm rơm, nhưng nhớ phải nấu nấm 10 phút trở lên mới ăn được nhé.

Bống sú kho lá ổi – da diết nỗi nhớ xứ biển

“Có cá đổ vạ cho cơm”, người Quảng Ninh hay nói trêu nhau khi mâm cơm có món cá, đặc biệt cá bống kho lá ổi.

Trời ren rét, đĩa cá kho thơm lừng vừa nhắc khỏi bếp, còn sền sệt chút nước hàng sóng sánh, nồi cơm chẳng ai nhắc cũng hết veo.

Cá bống có đâu đến bao nhiêu loại, nào bống mít, bống dừa, bống bớp... loài cá nước mặn này con nhỏ nhưng thịt ngọt đậm đà, có thể nấu các món ngon từ chiên giòn, kho tiêu, tới nấu canh chua. Nhưng người vùng biển Quảng Ninh vẫn tự hào vì có loài bống sú ngon đặc biệt.

 

Bống sú kho lá ổi - món ăn da diết nỗi nhớ về xứ biển.

Cá bống sú con to nhất cũng chỉ bằng ngón tay cái, vẩy óng xanh. Cá bống sú sống ở rừng ngập mặn, nơi có cây sú sinh sống. Đánh cá bống sú không dùng lưới, dùng câu mà dùng lờ - một loại ngư cụ bằng tre có hom ở hai đầu, cho cá vào mà không thể ra. Mồi đánh bống sú là con so, con sam băm nhỏ. Đem đặt lờ dưới bùn đúng dịp tháng 7, tháng 8 âm, lúc nước biển đang xuống hoặc lên, lúc sau nhấc lờ lên, trong lờ đã lấp lánh vảy xanh những con bống sú.

Bống sú có cách sơ chế cũng đặc biệt. Cá bắt về không cần đánh vảy, không bỏ đầu. Chỉ cần lấy cái đuôi nhọn của con sam đã làm mồi mà lấy ruột cá ra, để con cá nhỏ không bị nát. Cá rửa sạch, xóc qua muối cho cứng thịt, lát sau mang rửa sạch muối mặn.

Búp ổi, lá ổi non hái về, rửa sạch. Vò nát lá ổi, rải một lượt lá ổi đáy nồi, rồi cứ thế một lớp lá ổi, một lớp cá bống, trên cùng cho lớp lá dày. Băm thêm quả ớt đỏ, cho vào nồi ít gia vị, chờ nóng nồi mới cho xấp xấp nước, đổ nước hàng (kẹo đắng) sao cho trong nồi có màu vàng sậm. Người Quảng Ninh hay cho thêm nhánh gừng bằm nhỏ, chút dầu ăn vào nồi cá để hương vị thêm đậm đà. Cứ thế đun cho đến khi chỉ còn sền sệt nước đáy nồi. Trước khi nhắc ra, nhanh tay rưới thêm thìa nước mắm ngon, chút hạt tiêu xay.

Bống sú kho lá ổi là đặc sản người Quảng Ninh đón khách phương xa. Món lạ từ loài cá quen. Vị chát của lá ổi non sẽ khiến cho con cá mất hẳn vị tanh, lại thêm thơm thơm, bùi bùi. Cơm nóng, hạt tiêu, ớt đỏ thơm lừng, thịt cá bống lại săn chắc, ngấm đẫm gia vị khiến bữa cơm ngày mưa thêm ấm áp. Bống sú kho mềm nhừ, ăn cả đầu lẫn xương. Con trẻ trong nhà nhiều khi còn giục mẹ gắp hết cá ra, để trộn cơm vào nước cốt sóng sánh đáy nồi lẫn vài búp ổi, ăn đậm đà, ngon cơm khó tả.

Bà nội tôi nấu ăn khéo, kho cá bống sú với lá ổi xong, đôi khi còn vặt riêng đầu cá, đem giã nhuyễn, nấu canh rau đay, chan cơm ăn, bát canh cứ ngọt lừ chẳng cần thêm mì chính.

Những ngày nắng tháng 8, trước sân nhiều nhà ven biển Quảng Ninh luôn có rá cá bống kho lá ổi phơi khô. Bà nội nói, bọc kĩ mớ cá khô đó, để tới mùa rét, đem chiên ngập trong dầu, đố đồ nhậu nào ngon bằng.

Đi qua nhiều vùng đất thưởng thức bao món khác nhau, nghe tới cá bống, lại muốn về thăm Quảng Ninh, nơi bống sú kho lá ổi trở thành niềm da diết khi nhớ về xứ biển.

Meo.vn (Theo Lao động)