Lưu trữ cho từ khóa: đau khớp

Tại sao khớp cứng đơ sau phẫu thuật?

Biểu hiện cứng đơ khớp của bạn có thể là biến chứng sau mổ nội soi khớp. Đau – đơ khớp sau mổ nội soi có thể gặp ở 4 – 5 người trên 100 trường hợp sau mổ.

Tôi phẫu thuật nội soi khớp xong thì thấy khớp cứng đơ rất khó co duỗi và đi lại. Xin hỏi, tại sao như vậy? Cách khắc phục? Đây có phải là biến chứng của mổ không?Nguyễn Hồng Nga (Đống Đa, Hà Nội).

tai-sao-hop-cung-do-sau-phau-thuat

Ảnh minh họa.

TS Trần Trung Dũng, trường Đại học Y Hà Nội:

Biểu hiện cứng đơ khớp của bạn có thể là biến chứng sau mổ nội soi khớp. Đau – đơ khớp sau mổ nội soi có thể gặp ở 4 – 5 người trên 100 trường hợp sau mổ. Thường do vết mổ bị dính, xơ dính trong khớp do máu tụ, do viêm, do can thiệp quá mức trong khi thao tác hoặc chưa giải quyết bệnh lý triệt để… Chìa khóa để tránh biến chứng này là phải tập vận động khớp ngay sau mổ, nhẹ nhàng, không đau.

Một số trường hợp có cơ địa xơ dính (tương tự cơ địa sẹo lồi) liên quan đến gen di truyền, cần giải thích trước cho người bệnh biết. Ngoài biến chứng này, nội soi khớp còn có thể gặp các biến chứng khác như nhiễm trùng, tê liệt hay đứt dây thần kinh, đứt động mạch kheo sau mổ, gãy dụng cụ trong khớp, còn dị vật trong khớp, tụ máu trong khớp, tai biến do gây mê gây tê (như các cuộc mổ khác)… với tỷ lệ rất thấp.

Theo Kienthuc.net.vn

Nhận biết và phòng ngừa bệnh cong vẹo cột sống

Nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương.

Cong vẹo cột sống là gì?

Trong giai đoạn phôi thai, cột sống người có hình vòm cong. Sau khi sinh ra, khi trẻ đang còn nằm thì cột sống chuyển từ vòm cong sang thẳng, đến khi trẻ biết ngẩng cao đầu và tập lẫy thì đoạn cổ bắt đầu cong ra phía trước để nâng đầu lên và tạo thành đoạn cong ở cổ. Đến tháng thứ 6, khi trẻ tập ngồi thì cột sống uốn cong ra phía trước ở vùng thắt lưng và cong ra sau ở vùng cùng, cụt để giữ thân mình thẳng đứng. Đến khi trưởng thành, cột sống có 2 đoạn cong uốn về phía trước là cổ và thắt lưng, 2 đoạn cong uốn về phía sau là ngực và cùng – cụt.

Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tuỷ sống, giảm sóc cho bộ não. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.

Biến dạng cột sống là sự thay đổi về hình dáng hoặc cấu trúc của cột sống so với bình thường. Biến dạng cột sống bao gồm cong cột sống (gù hoặc ưỡn) và vẹo cột sống. Do vậy khi nói về biến dạng cột sống lứa tuổi học đường, người ta thường quen dùng thuật ngữ “Cong vẹo cột sống”.

Cong cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong quá mức sinh lý bình thường ở đoạn cổ, đoạn ngực hoặc thắt lưng. Khi đoạn cổ bị uốn cong quá mức, đầu sẽ ngả về trước, hai vai chùng xuống và giảm độ cong thắt lưng (tư thế vai so). Nếu đoạn ngực bị uốn cong quá mức về phía sau, lưng tròn, vai thấp, đầu hơi ngả, bụng nhô về phía trước (gọi là tư thế gù). Nếu đoạn thắt lưng bị uốn cong quá mức về phía trước, bụng xệ, phần trên của thân hơi ngả về phía sau (gọi là tư thế ưỡn).

Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị uốn cong sang bên phải hoặc bên trái. Khi bị vẹo cột sống, nếu đỉnh đường cong hướng về bên phải thì cột sống có hình chữ C ngược, nếu đỉnh đường cong hướng về bên trái thì cột sống có hình chữ C thuận. Nếu cột sống có hai cung uốn cong đối xứng nhau thì nó sẽ có hình chữ S thuận hoặc chữ S ngược (còn gọi là vẹo cột sống bù trừ).

Theo thống kê, vẹo cột sống chiếm khoảng 1- 4% dân số, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và ảnh hưởng nhiều đến trẻ em từ 10-18 tuổi. Cong cột sống thường gặp ở trẻ em 12-15 tuổi.

nhan-biet-va-phong-ngua-benh-cong-veo-cot-song

Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế

Nhận biết như thế nào?

Trong trường hợp bị vẹo cột sống, có thể nhìn thấy những bất thường như: các gai đốt sống không thẳng hàng; hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; mào chậu bên thấp bên cao; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoáy vặn, xương sườn lồi lên.

Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.

Có nhiều nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống. Một số trẻ em sinh ra đã bị cong hoặc vẹo cột sống bẩm sinh. Một số trẻ em bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc bị mắc các bệnh về thần kinh, bệnh cơ, bị chấn thương, thể trạng kém vì ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương), cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi. Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống.

Cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do ngồi sai tư thế vì bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, chiếu sáng bàn học kém, mang cặp sách quá nặng về một bên vai.

nhan-biet-va-phong-ngua-benh-cong-veo-cot-song

Ảnh minh họa – Internet

Tác hại của cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương.

Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ em nữ khi trưởng thành.

Chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị cong vẹo cột sống rất tốn kém, đặc biệt là những bệnh nhân cần phải phẫu thuật chỉnh hình.

Và phòng ngừa?

Để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.

Cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin.

Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng.

Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.

Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía.

Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời.

ThS. Lỗ Văn Tùng

Theo Suckhoedoisong.vn

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới viêm xương khớp

Viêm xương khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất do sự lão hóa và tổn thương sụn khớp. Để phòng ngừa bệnh này, bạn cần nắm được cả các nguy cơ gây bệnh.

Viêm xương khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất do sự lão hóa và tổn thương sụn khớp. Sụn là mô trơn bao bọc các đầu xương của khớp và cho phép các xương trượt qua nhau. Khi sụn bị vỡ và mòn đi, các xương dưới sụn cọ sát vào nhau gây đau, sưng và cứng khớp, hình thành viêm xương khớp.

1. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới viêm xương khớp

- Tiền sử gia đình.

- Thừa cân tăng nguy cơ viêm ở các khớp hông, gối, mắt cá chân và bàn chân vì thừa cân khiến sụn khớp bị hao mòn nhiều hơn.

- Gãy xương hoặc các tổn thương khớp khác như chấn thương sụn và dây chằng trong khớp có thể dẫn tới viêm xương khớp sau này.

- Tập luyện nặng như nhảy, chạy bộ.

cac-yeu-to-nguy-co-co-the-dan-toi-viem-xuong-khop

Viêm xương khớp là bệnh về khớp phổ biến nhất do sự lão hóa và tổn thương sụn khớp. Ảnh minh họa

2. Làm gì để chống viêm xương khớp?

- Duy trì lối sống tích cực: Duy trì tập luyện tích cực giúp duy trì cử động cơ thể nói chung và khớp nói riêng. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện tại nhà thích hợp. Tập luyện dưới nước như bơi hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước là đặc biệt có lời.

- Giảm cân: Thừa cân sẽ tăng tải trọng lên các khớp. Người béo phì tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể lên lưng, gối và hông với mỗi bước di chuyển. Nguy cơ phát triển bệnh xương khớp là cao hơn gấp 4 lần ở người béo phì. Vì vậy, giảm cân nặng dư thừa chính là một cách để phòng ngừa bệnh viêm xương khớp.

- Massage: Liệu pháp mát-xa có thể giúp giảm đau tạm thời. Nhưng phải đảm bảo rằng bạn được mát-xa bởi người có kinh nghiệm để biết cách chữa trị với khu vực gối nhạy cảm.

- Bổ sung thực phẩm: Mặc dù chưa được chứng minh nhưng việc bổ sung glucosamine dường như không giúp ích trong việc kiểm soát viêm xương khớp.

Dữ liệu thực nghiệm đã cho thấy sự thiếu hụt vitamin B6 là một nguyên nhân dẫn tới tổn thương xương khớp. Do vậy bạn nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin B6 như thịt gà, chuối, bột yến mạch, hạt hướng dương, đậu nành.

Người bị viêm xương khớp cũng cần tránh thiếu hụt kẽm , selen và axit folic cải thiện viêm xương khớp. Lượng kẽm được khuyến nghị dùng mỗi ngày là 15 mg. Các nguồn giàu kẽm là con hàu, các loại hạt. Các nguồn giàu selen là tỏi, quế, ngũ cốc nguyên cám.

Hãy đảm bảo rằng bạn bổ sung đủ thực phẩm giàu vitamin-C trong chế độ ăn vì những người bị viêm xương khớp được cho là bị thiếu vitamin C. Dứa tươi cũng rất tốt vì loại enzyme bromelain có trong dứa giúp giảm sưng và viêm do viêm xương khớp và viêm xương khớp dạng thấp.

Theo Afamily.vn

Khiêu vũ có thể giúp giảm đau khớp

Khảo sát của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Saint Louis được công bố trên tạp chí Geriatric Nursing cho thấy hoạt động khiêu vũ có thể giúp giảm đau ở gối và vùng chậu, đồng thời cải thiện dáng đi ở phụ nữ cao tuổi.

khieu-vu-co-the-giup-giam-dau-khop

Khiêu vũ giúp giảm đau khớp, cải thiện dáng đi Ảnh: The New York Times

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 34 người, hầu hết là phụ nữ, trong độ tuổi trung bình 80, tất cả đều bị đau ở gối và vùng chậu, chủ yếu do bệnh viêm khớp. Bệnh nhân được yêu cầu khiêu vũ 2 lần mỗi tuần, mỗi lần 45 phút. Sau 12 tuần, những bệnh nhân có khiêu vũ nhận thấy giảm đau rõ rệt và dáng đi nhanh hơn so với những bệnh nhân không khiêu vũ. Trưởng nhóm nghiên cứu, phó giáo sư Jean Krampe, cho rằng phát hiện tốc độ đi nhanh hơn là điều quan trọng vì những người già đi quá chậm thường rất dễ té ngã và cần người đi kèm. Bà Krampe nói: “Những người từng khiêu vũ không đi nhanh một cách nguy hiểm nhưng họ có thay đổi, vững vàng hơn trong dáng đi”.  Nhóm nghiên cứu khuyến cáo người cao tuổi nên lựa chọn vũ điệu nhẹ nhàng và chậm rãi, phù hợp với lứa tuổi; mức độ đau và mệt mỏi sẽ cải thiện dần.

Theo nld.com.vn

Triệu chứng báo hiệu bệnh viêm khớp

Hệ thống xương khớp của con người tuyệt vời đến mức chưa một người máy nào có thể bắt chước hoàn hảo.

Các thao tác, cử chỉ từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ đều có sự tham gia của các ổ khớp. Khi ổ khớp bị viêm, các hoạt động của chúng giảm tầm hoạt động, gây cứng khớp. Biết rõ các tiến trình bệnh lý này giúp chúng ta tìm ra biện pháp phòng ngừa và điều trị hữu hiệu.

Triệu chứng báo hiệu

Đầu tiên là cảm giác đau khi ấn vào khớp. Không thể gập hay duỗi khớp một cách bình thường. Đau khớp tự phát: hoặc đau các khớp lớn như khớp gối, khớp vai, khớp cổ chân… hoặc đau những khớp nhỏ như khớp bàn tay – ngón tay, khớp liên đốt ngón tay… Cơn đau gia tăng khi khớp chịu lực hay gập duỗi. Tiếng lạo xạo, cót két phát ra khi cử động khớp. Yếu cơ quanh ổ khớp.

Để chẩn đoán viêm khớp, phải dựa trên sự thăm khám kỹ lưỡng và đánh giá lâm sàng tỉ mỉ qua tổng hợp các triệu chứng. Các xét nghiệm chuyên biệt giúp sự chẩn đoán chính xác hơn. Hình ảnh X-quang chỉ thấy rõ khi tổn thương quá nặng. Vì thế, chẩn đoán sớm các bệnh lý viêm khớp rất quan trọng. Bệnh nhân cần cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng, bệnh sử, tiền căn gia đình, danh sách thuốc đã sử dụng… Người thân đi theo cũng cần cung cấp thêm thông tin bệnh tật và chia sẻ với bệnh nhân những khó khăn về cả tâm lý lẫn thể chất, ghi nhớ lời dặn dò của bác sĩ. Bác sĩ điều trị dựa vào sự khảo sát lâm sàng tỉ mỉ, đánh giá tình trạng khớp, mức độ tổn thương khớp, chẩn đoán loại bệnh lý viêm khớp… từ đó sẽ quyết định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như X-quang, xét nghiệm chuyên biệt cho viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do thống phong, viêm dính cột sống, nhiễm trùng… Cuối cùng, bác sĩ cùng bệnh nhân vạch ra kế hoạch điều trị. Khác với nước ngoài, bệnh nhân nước ta thường để các bác sĩ quyết định hoàn toàn.

trieu-chung-bao-hieu-benh-viem-khop

Ảnh minh họa.

Một số loại viêm khớp thường gặp

Có hàng trăm bệnh lý viêm khớp nhưng thường thấy là các loại sau: thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thiếu nhi, nhiễm trùng khớp do vi trùng sinh mủ, nhiễm trùng khớp do lao…

Thoái hoá khớp: hay viêm khớp thoái hoá có thể ảnh hưởng bất cứ khớp. Tuy nhiên thoái hoá khớp lớn thường gặp hơn, nhất là những khớp chịu lực nhiều như khớp gối, khớp háng và khớp cổ chân. Nguyên nhân: do lạm dụng sức chịu đựng khớp, do chấn thương, lão hoá, mập phì, tật bẩm sinh, bệnh thống phong, tiểu đường, các bệnh lý nội tiết… Đa số thoái hoá khớp không rõ nguyên nhân liên quan đến sự lão hoá. Thoái hoá khớp không ảnh hưởng một cách hệ thống đến cơ thể như các bệnh viêm khớp khác. Triệu chứng thay đổi tuỳ từng bệnh nhân, thường thấy nhất là đau một ổ khớp hay nhiều khớp khi hoạt động quá mức và bớt khi nghỉ ngơi hay tập nhẹ nhàng. Cứng khớp hay giới hạn cử động khớp thường xảy ra vào buổi sáng, bớt khi tập luyện cử động nhẹ nhàng vài lần trong ngày.

Viêm khớp ảnh hưởng đến vài trăm triệu người trên khắp thế giới. Hiểu rõ và sống chung với viêm khớp, nhất là các loại bệnh viêm khớp mạn tính là một thái độ tích cực góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống của chính bệnh nhân.

Viêm khớp dạng thấp: là bệnh mạn tính thường thấy ở Việt Nam, số bệnh nhân nữ nhiều gấp hai, ba lần nam giới. Viêm khớp tiến triển chậm dần theo tuổi tác nhưng gây tỷ lệ tàn tật và tử vong cao. Đây là bệnh tự miễn, do cơ thể tiết ra các chất tấn công bao khớp, xâm nhập và phá huỷ ổ khớp. Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp chưa rõ, nhưng yếu tố di truyền được xem có vai trò quan trọng. Tuổi mắc bệnh thường là trung niên nhưng vẫn có thể xảy ra ở tuổi 20 – 30. Nếu không điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng các cơ quan khác một cách có hệ thống.

Triệu chứng thường là sưng đau, ấn đau, giới hạn cử động hay cứng khớp. Các khớp thường gặp là bàn – ngón tay, các lóng tay, cổ tay, cổ chân, bàn – ngón chân. Sáng ra bệnh nhân thường có cảm giác cứng, khó cử động bàn – ngón tay hay ngón chân trong nhiều giờ, càng vận động càng bớt cứng. Bệnh nhân cũng thấy tê các đầu ngón tay và ngón chân, nhất là về đêm hay vừa ngủ dậy. Triệu chứng viêm khớp thường có tính đối xứng. Bệnh nhân còn thấy chán ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ… Diễn biến lâu năm, các biến dạng khớp tiến triển dần do tổn thương nặng xương – sụn; xương kêu lạo xạo khi cử động; xuất hiện các nốt thấp dưới da quanh các khớp chịu lực.

Viêm khớp thiếu nhi: phần lớn nguyên nhân không được biết rõ. Đây không phải là bệnh lây lan, cũng không phải do những yếu tố như thức ăn, chất độc, sinh tố, dị ứng… Cũng không chắc có yếu tố di truyền. Nhiều triệu chứng bệnh giống viêm khớp dạng thấp người lớn. Khi bệnh tiến triển lâu, xương sụn khớp bị tổn thương nặng có thể gây biến dạng khớp, khó cử động và ảnh hưởng lên sự tăng trưởng xương khớp. Một số cháu có triệu chứng một thời gian rồi khỏi hẳn, một số cháu sẽ không khỏi nếu không được chữa trị.

Tập thể dục để tránh bị viêm khớp

Phụ nữ ở độ tuổi 70 thường xuyên vận động thân thể có thể ngăn ngừa được nguy cơ mắc các triệu chứng viêm khớp.

Theo Hãng tin ANI, các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland (Úc) đã rút ra kết luận này sau khi nghiên cứu dữ liệu của hai nhóm, nhóm 1: phụ nữ từ 48-55 tuổi và nhóm 2: phụ nữ từ 72-79 tuổi.

Sau 3 năm, các chuyên gia nhận thấy phụ nữ ở nhóm 2 nếu tập thể dục hơn 60 phút/tuần đã giảm được đáng kể nguy cơ bị viêm khớp trong 3 năm tiếp theo. Tăng số giờ tập thể dục lên 2,5 tiếng/tuần, số phụ nữ nhóm 2 đã ngừa được nguy cơ mắc các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, ở nhóm 1 lại không có được kết quả như trên.

Theo Kienthuc.net.vn

Hôn nhân hạnh phúc giúp giảm đau do viêm khớp

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết: “Một cuộc hôn nhân hạnh phúc giúp giảm bớt những đau đớn của bệnh viêm khớp”.

Bệnh tật sẽ giảm đi nhiều khi bên mình luôn có một người bạn đời tuyệt vời

Để xem liệu tình trạng hôn nhân có tác động đến tình trạng đau nhức, nhóm của TS Barsky Reese đã nghiên cứu 255 bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Đây là dạng bệnh mà hệ miễn dịch tấn công các khớp, gây tê cứng, đau và sưng, với các cổ tay, ngón tay, ngón chân, mắt cá chân và đặc biệt là đầu gối. Trong trường hợp nặng, chúng có thể gây liệt và người bệnh không thể có được một cuộc sống bình thường.

hon-nhan-hanh-phuc-giup-giam-dau-do-viem-khop

Ảnh minh họa.

Kết quả khảo sát về mức độ hạnh phúc cũng như các vấn đề họ thường gặp với bạn đời như tài chính, tình cảm hay mối quan hệ với gia đình người bạn đời cho thấy 114 trường hợp thấy mình hạnh phúc, 44 trường hợp thừa nhận gia đình có vấn đề và số còn lại không kết hôn.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu khảo sát cảm giác đau nhức do viêm thấp khớp gây ra. Kết quả là những bệnh nhân có gia đình hạnh phúc có chỉ số đau thấp hơn. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng tình trạng đau dữ dội có thể làm các mối quan hệ bị phá vỡ trong khi một số bệnh nhân viêm thấp khớp được hưởng lợi từ hôn nhân.

Họ cũng thừa nhận rằng đau nặng có thể dẫn đến phá vỡ mối quan hệ và nói rằng một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thể có lợi từ cuộc hôn nhân tư vấn.

Như vậy những bệnh nhân viêm thấp khớp được sự ủng hộ của người bạn đời sẽ ít bị đau khớp và khả năng di chuyển tốt hơn so với những người độc thân hoặc có cuộc hôn nhân không “thuận buồm xuôi gió”.

“Những phát hiện này cho thấy mối liên quan giữa việc lập gia đình và sức khỏe phụ thuộc vào chất lượng của cuộc hôn nhân, không chỉ đơn giản là có hay không kết hôn”, trưởng nhóm nghiên cứu, TS Jennifer Barsky Reese, ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cho biết.

Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy kết quả điều trị bệnh tê liệt sẽ chậm hơn ở những người sống độc thân hay kết hôn muộn. Còn nghiên cứu này cho thấy tình trạng kết hôn là chìa khóa then chốt của những cảm giác cơ thể.

GS Cary Cooper, một chuyên gia tâm lý học và y tế tại ĐH Lancaster nói: “Các kết quả nghiên cứu trước đó cho thấy bệnh nhân cảm thấy đau ít hơn khi họ ở bên những người thân yêu.

Năm ngoái, một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy: Một cuộc hôn nhân có thể làm giảm nguy cơ lo lắng và trầm cảm và những người kết hôn cũng ít phiền muộn hơn những người sống 1 mình.

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người kết hôn có cơ hội sống sót tốt hơn của bệnh ung thư hơn những người ly thân hoặc ly dị và có xu hướng sống lâu hơn so với độc thân.

Sau cùng, một giải thích nữa là vì những người đã lập gia đình chăm sóc bản thân tốt hơn vì họ có nhiều lý do để sống hơn.

Theo Phunuonline.com.vn

Đặc điểm và biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ (THĐSC) ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt ở người cao tuổi.

Bệnh có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, đặc biệt có thể gây nên biến chứng nguy hiểm.

Đặc điểm và biểu hiện thoái hóa đốt sống cổ

Cột sống cổ có 7 đốt và được ký hiệu từ C1 – C7. Giữa hai đốt sống từ C2 trở xuống có các đĩa đệm gian đốt sống. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn, có chiều cao 3mm bằng 2/5 chiều cao thân đốt sống.

Xung quanh đốt sống có các dây chằng, gân cơ bám vào. Đĩa đệm cột sống cổ là bộ phận chính để liên kết các đốt sống. Mâm sụn gắn chặt vào tấm cùng của thân đốt sống bằng một lớp canxi có nhiều lỗ nhỏ có tác dụng dinh dưỡng cho đĩa đệm (theo kiểu khuyếch tán) và bảo vệ xương khỏi bị nhân nhầy ép vào, bảo vệ đĩa đệm khỏi bị nhiễm khuẩn từ xương đi tới. Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động và có tác dụng làm giảm xóc khi có lực tác động vào đốt sống. Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng đọng canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng. Sự chèn ép rễ thần kinh và tủy sống còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống gây nên các biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.

dac-diem-va-bieu-hien-thoai-hoa-dot-song-co

Biến chứng đáng ngại nhất của thoái hóa đốt sống cổ là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ

Khi vận động, thậm chí vận động nhẹ thấy đau, đôi khi cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, đầu, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai… làm cho hoạt động phần cổ bị hạn chế (xoay, cúi, ngửa), có thể đốt sống cổ đã bị thoái hóa. Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở người có công việc luôn đòi hỏi cúi nhiều, ngửa nhiều, ngồi nhiều (nhân viên văn phòng, lái xe, đọc sách báo), hoặc ở người thường xuyên mang vác nặng trên đầu (đội cát, đá, vật liệu), hay ngồi trước màn hình vi tính hoặc xem vô tuyến quá lâu (vị trí vô tuyến để cao quá), kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Do đó sẽ làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống cổ. Những người do ít vận động làm cho vùng cổ và vùng gáy không được thường xuyên cử động, hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế làm cho máu ít lưu thông, hoặc do ăn uống thiếu chất, nhất là thiếu canxi làm cho các tổ chức bị nuôi dưỡng kém.

Thoái hóa đốt sống cổ còn có thể do tư thế nằm ngủ, chỉ nằm một hoặc hai tư thế, không có thói quen chuyển mình hoặc do dùng gối không phù hợp (rắn quá, mềm quá, cao quá…) làm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu đến nuôi dưỡng cột sống cổ, vùng vai gáy.

Thoái hóa đốt sống cổ khi đang ở giai đoạn đầu thì cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển. Nếu không được điều trị thì sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần xuống vai, gáy, tai, đầu. Giai đoạn tiếp theo, người bệnh xuất hiện đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay, đó là những biến chứng bắt đầu xuất hiện.

Biến chứng do thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra như rối loạn tiền đình, bởi vì do thoái hóa làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp (đau đầu, chóng mặt, buôn nôn, nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm). Rối loạn tiền đình còn làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn. Đây là một vòng luẩn quẩn, càng lo lắng, mệt mỏi, ngủ kém thì bệnh càng nặng thêm.

Biến chứng đáng ngại nhất của thoái hóa đốt sống cổlà thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Khi gặp phải biến chứng này thì việc điều trị không đơn giản chút nào, nhất là có chèn ép tủy sống, thậm chí còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). Do vậy, để xác định thoái hóa đốt sống cổ cần khám lâm sàng (chuyên khoa thần kinh là tốt nhất), chụp X-quang cột sống cổ, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI), kết hợp với các thăm dò hiện đại khác để phát hiện, xử lý kịp thời.

Điều trị và phòng ngừa ra sao?

Nguyên tắc điều trị thoái hóa đốt sống cổ, khi còn ở mức độ nhẹ, cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu pháp an toàn (tránh vật lý trị liệu thô bạo làm cho bệnh thêm nặng). Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh hoặc vitamin nhóm B hoặc châm cứu giảm đau (với bác sĩ có kinh nghiệm). Việc điều trị bằng phương pháp gì, thuốc gì cần có ý kiến của bác sĩ khám bệnh, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa khớp, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị. Không nên vặn, lắc, xoay cổ khi đốt sống cổ đã bị thoái hóa, đặc biệt là khi đã bị thoát vị đĩa đệm. Cần gối đầu với gối có độ cao vừa phải, thật thoải mái (không cao, không thấp quá. mềm mại). Khi ngủ nên có thay đổi tư thế và thỉnh thoảng chuyển mình để cho máu được lưu thông.

Trong cuộc sống hàng ngày tránh lao động nặng quá mức cần thiết, hạn chế đứng, ngồi quá lâu (giữa giờ nên có giải lao để vận động cơ thể). Khi nghi ngờ hoặc có dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để có hướng khắc phục và chữa trị kịp thời không nên chủ quan tránh để biến chứng xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, lao động, sức khỏe và tuổi thọ.

Nên có chế độ ăn giàu canxi (tôm, cua, ốc, uống sữa có can xi…) để tránh loãng xương, tránh thoái hóa khớp và nên ăn nhiều rau, trái cây để bồi phụ các loại vi chất cần thiết, trong đó có các vitamin nhóm B. Nên vận động cơ thể nhẹ nhàng, đều đặn, đúng phương pháp để lưu thông khí huyết.

TTƯT.PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

Theo Suckhoedoisong.vn

Biểu hiện của viêm gân bánh chè là gì?

Dấu hiệu chính của viêm gân bánh chè là đau. Đau nằm ở vị trí trước gối (nơi gân bị viêm)…

Tôi bị đau ở gối mấy tháng nay, đi lại khó, gần đây sưng nóng, bạn tôi nói có thể tôi bị viêm gân bánh chè. Xin tòa soạn cho biết biểu hiện của bệnh. Có nguy cơ đứt gân không?Đỗ Trọng Ánh (Đống Đa, Hà Nội).

bieu-hien-cua-viem-gan-banh-che-la-gi

Viêm gân bánh chè.

TS Trần Trung Dũng

, trường Đại học Y Hà Nội:

Dấu hiệu chính của viêm gân bánh chè là đau. Đau nằm ở vị trí trước gối (nơi gân bị viêm) và có đặc điểm sau: Ngày càng tăng dần, âm ỉ hiếm khi là đau kinh khủng; đau tăng khi vận động gấp duỗi gối như khi thực hiện các động tác như leo cầu thang, ngồi xổm…; đau tập trung; đau có tính chất chu kỳ, đi từ đau liên tục, sau đó đến đau mạnh, giảm dần rồi lại tăng lên.

Tiến triển của bệnh có thể nhiều tháng. Viêm gân có thể tiến triển theo hướng khỏi tự nhiên hoặc trở thành mạn tính. Có những trường hợp đứt gân do viêm là những biến chứng tuy hiếm nhưng rất nặng: Có thể gặp đứt gân bánh chè hay đứt gân cơ tứ đầu. Triệu chứng khi đó biểu hiện bằng đau tăng đột ngột sau một cú nhảy… đồng thời mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ.

Vì vậy, nếu các triệu chứng đau không giảm hoặc nặng hơn, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt hoặc xuất hiện tình trạng sưng nề, tấy đỏ thì bạn cần phải đến khám và tư vấn ngay với bác sĩ.

Theo Kienthuc.net.vn

Bệnh viêm phần mềm quanh khớp

Bệnh viêm phần mềm quanh khớp gây tổn thương ở điểm bám gân, dây chằng, túi thanh dịch hay bao gân. Bệnh hay gặp ở khuỷu tay, cổ bàn tay, vai, gối và quanh mắt cá.

Ai dễ mắc bệnh?

Bệnh viêm phần mềm quanh khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều ở tuổi trung niên và người cao tuổi, chủ yếu ở nữ. Theo các nghiên cứu ở Hoa Kỳ, có tới 11,6% công nhân ngành dệt mắc bệnh viêm gân, bao gân. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là thể hay gặp nhất ở vùng khuỷu tay, gặp ở 1 – 3% dân số và thường ở độ tuổi 40 – 60.

benh-viem-phan-mem-quanh-khop

Tổn thương hội chứng De Quervain ở vùng cổ tay.

Đến nay, nguyên nhân gây viêm phần mềm quanh khớp thường khó xác định. Các nhà chuyên môn cho rằng có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh là: chấn thương, vi chấn thương do các động tác lặp đi lặp lại kéo dài như đánh tennis, nội trợ, bế trẻ em, nghề thủ công, thợ cơ khí, đi giầy dép cao gót; người cao tuổi, nữ giới… Ngoài ra, bệnh còn hay gặp ở những người mắc các bệnh: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, đái tháo đường…

Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng gây đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Biểu hiện của bệnh

Triệu chứng bệnh chủ yếu là đau ở một số vị trí tổn thương đặc hiệu. Đau từng lúc hoặc đau liên tục cả ngày đêm, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi; đau có thể lan dọc lên phía trên hoặc dưới của gân. Ấn tại chỗ thường có điểm đau chói. Thường không có biểu hiện sưng, nóng, đỏ. Khi làm một số nghiệm pháp co giãn cơ và gân nơi tổn thương, bệnh nhân thấy đau tăng lên.

Chụp Xquang có thể phát hiện hình ảnh canxi hóa ở đầu gân. Siêu âm gân cơ, chụp cộng hưởng từ có giá trị trong chẩn đoán xác định ở những trường hợp viêm gân, bao gân không điển hình, nhất là ở các vị trí có nhiều gân cơ như vai, khớp háng, khớp gối, cổ chân.

Thể bệnh nào thường gặp?

Một số bệnh hay gặp như viêm gân gấp (gọi là ngón tay lò so) ở bàn tay; viêm mỏm châm quay, hội chứng De Quervain ở vùng cổ tay; viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay ở vùng khuỷu tay.

Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay: Khoảng gần 50% người chơi quần vợt bị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, vì vậy bệnh này còn có tên là “Khuỷu tay đau do chơi tenis” (Tennis’elbow). Triệu chứng gồm: đau ở vùng mặt ngoài khuỷu tay, đau lan lên trên cánh tay và xuống dưới cẳng tay; đau có thể tăng vào buổi chiều tối; đau tăng khi làm các động tác xoay cẳng tay, gấp duỗi ngón tay, nắm chặt tay. Không hoặc ít sưng, nóng, đỏ; ấn vào lồi cầu ngoài đau tăng lên hoặc có điểm đau chói. Nắm tay hai bên, thấy giảm sức nắm bên bị bệnh. Vận động khớp khuỷu tay vẫn bình thường.

Viêm gân gấp ngón tay: Bệnh nhân đau ở gốc ngón tay, hay đau ở ngón tay cái, khó cử động ngón. Đau nặng hơn vào buổi sáng và giảm vào ban ngày. Bệnh nhân nắm bàn tay vào thì dễ hơn, khi duỗi ngón tay ra bệnh nhân thấy khó khăn và có cảm giác thấy tiếng “bật” ở gân, ngón tay tổn thương bật như lò xo. Do đó bệnh còn gọi là ngón tay lò xo. Sờ dọc theo gân gấp thấy một cục xơ cứng, di động khi gấp duỗi ngón tay, ấn tại chỗ đau. Ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gập vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng.

benh-viem-phan-mem-quanh-khop

Tổn thương trong hội chứng De Quervain trên  phim Xquang.

Viêm bao gân De Quervains hay viêm mỏm trâm quay: Bình thường cơ giạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái trượt dễ dàng trong bao gân ở đường hầm cổ tay. Nếu bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng, gây chèn ép lẫn nhau dẫn đến đau và hạn chế vận động ngón cái. Bệnh thường gặp ở nữ, từ 30 – 50 tuổi, nhất là ở những người hay phải bế trẻ em. Biểu hiện bệnh: sưng đau vùng mỏm trâm quay, đau tăng khi vận động ngón cái, đau liên tục, nhất là về đêm. Đau có thể lan khắp ngón cái và lan lên cẳng tay. Sờ thấy bao gân dày lên, có khi có nóng, đỏ, ấn vào đau tăng. Nếu chỉ đau tại chỗ mỏm trâm quay, ấn đau nhưng không lan là thể viêm mỏm trâm quay đơn thuần.

Phương pháp điều trị

Việc điều trị bệnh viêm phần mềm quanh khớp cần kết hợp giữa biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc.

Các biện pháp không dùng thuốc gồm: Giảm hoặc ngừng vận động tại vùng gân tổn thương tới khi hết đau. Đây là điều kiện quan trọng để bệnh nhanh khỏi và tránh tái phát. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân chơi tennis thì phải nghỉ chơi ít nhất là trong thời gian đang đau. Dùng băng chun để cố định tạm thời vùng gân tổn thương. Có thể dùng nẹp hoặc máng bột, dụng cụ chỉnh hình… để cố định. Dùng vật lý trị liệu: chườm lạnh tại chỗ, trong giai đoạn cấp tính có sưng, nóng, đỏ; điều trị bằng sóng siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại.

Dùng thuốc: Thuốc giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam, paracetamol… Tiêm corticoid tại chỗ là phương pháp thông dụng để điều trị viêm phần mềm quanh khớp. Hiệu quả giảm đau tốt, nhưng chỉ dùng khi bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định. Dùng phẫu thuật cắt bỏ phần viêm, xơ… nếu điều trị nội khoa thất bại.

Để phòng bệnh, cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao, sinh hoạt, lao động hợp lý, vừa sức, không gắng sức quá, không làm các động tác đột ngột. Luôn chú ý giữ tư thế lao động đúng. Hạn chế các động tác cử động mạnh hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Khởi động kỹ trước khi tập luyện, lao động.

ThS. Trần Ngọc Hương

Theo Suckhoedoisong.vn

Hay bị tê đau tay, chân sau khi ngủ dậy có cần khám bệnh không?

Tôi 53 tuổi, cách đây hai năm chụp X-quang phát hiện bị thoái hoá đốt sống cổ, khớp gối. Sau một thời gian uống thuốc, tôi đã hết đau. Tuy nhiên, gần đây sau khi ngủ dậy, tôi thường tê đau bàn tay, bàn chân và khi xoa bóp một lát thì hết đau. Xin hỏi tôi cần đi khám bệnh hay không? 

(X.H,TP.HCM)

hay-bi-te-dau-tay-chan-sau-khi-ngu-day-co-can-kham-benh-khong

TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh

, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, trả lời:

Theo những gì mô tả, tôi nghĩ bác có khả năng bị một trong các bệnh: thoái hoá đa khớp, hội chứng ống cổ tay, suy tĩnh mạch chân. Nếu có điều kiện, bác nên đi khám bệnh chuyên khoa xương khớp để được các bác sĩ kiểm tra lại và tư vấn cụ thể hơn.

Theo Thegioitiepthi.net