Lưu trữ cho từ khóa: đau khi quan hệ

Tử cung ngả sau có ảnh hưởng đến chuyệu “yêu” và mang thai?

(Webtretho) So với tư thế tử cung trung gian và ngả trước, tư thế tử cung ngả sau có thể có những ảnh hưởng bất lợi hơn một chút cho chuyện “yêu”, khả năng thụ thai, mang thai và sinh nở của người phụ nữ. Dù vậy, đây là tư thế tử cung phổ biến và không hề bất thường, bạn không cần phải lo lắng và những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về tư thế tử cung của mình.

Thế nào là tử cung ngả sau?

Về mặt giải phẫu, âm đạo vốn không nằm thẳng đứng trong khung chậu mà hơi ngả về phía sau, hướng về phía lưng dưới và trực tràng. Kết thúc đoạn âm đạo, đường sinh dục nữ sẽ bắt đầu hơi gập từ đoạn cổ tử cung và ở đa số phụ nữ, tử cung sẽ hơi ngả về phía trước, nằm tựa lên bàng quang với đỉnh (đáy) tử cung hướng về phía thành bụng.  Ngoài tư thế ngả trước phổ biến, một tư thế bình thường khác của tử cung là tử cung trung gian, hướng thẳng đứng bên trong khoang chậu.

Các tư thế tử cung thường gặp. Ảnh: internet.

Khoảng 20-25% phụ nữ có tư thế tử cung không theo một trong hai tư thế trên mà ngả về sau, với đáy tử cung hướng về phía trực tràng. Dù chiếm tỷ lệ ít hơn, nhưng tử cung ngả sau không phải là một tư thế bất thường của tử cung. Và dù cho tử cung ngả sau có thể ảnh hưởng đôi chút đến chức năng sinh dục và sinh sản của bạn (khi so với tư thế tử cung ngả trước và trung gian), nhưng trường hợp này không phổ biến và cũng không quá đáng lo.

Nguyên nhân nào gây nên tử cung ngả sau?

Ngoài tư thế ngả sau tự nhiên, tử cung ngả sau thứ phát có thể gây ra do một số nguyên nhân sau:

- Suy yếu dây chằng vùng chậu trong thời kỳ mãn kinh khiến tử cung của phụ nữ vốn có tử cung ngả trước hoặc trung gian chuyển sang tư thế ngả sau.

- Tử cung nở lớn do mang thai cũng có thể gây đảo ngược tư thế tử cung. Thông thường sau khi sinh tử cung sẽ trở lại tư thế như trước khi sinh, nhưng có một số trường hợp tử cung không thể trở lại tư thế ban đầu mà ngả ra sau.

- U xơ tử cung cũng có thể khiến tử cung dễ bị nghiêng về phía sau hơn.

- Lạc nội mạc tử cung cũng có thể làm tử cung ngả sau do lớp tế bào nội mạc tử cung tăng trưởng bên ngoài tử cung làm cho tử cung bị lộn ngược và có thể bị “đính” vào các bộ phận vùng lưng dưới.

- Có mô sẹo vùng chậu (dính vùng chậu) cũng có thể giữ tử cung ở tư thế ngả sau. Sẹo vùng chậu có thể do các nguyên nhân: lạc nội mạc tử cung, viêm tiểu khung, viêm ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng chậu.

Tử cung ngả sau có thể có những triệu chứng nào?

Tư thế tử cung ngả sau không phải là bất thường, do đó nó hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu hay vấn đề nào. Nếu có triệu chứng khó chịu xảy ra thì thường do người phụ nữ đó mắc các vấn đề liên quan khác như lạc nội mạc tử cung. Các vấn đề này có thể gây ra các triệu chứng đau (do áp lực gây ra bởi tử cung ngả sau chèn lên trực tràng và các dây chằng quanh xương cụt) như sau:

Tử cung ngả sau thông thường không có triệu chứng, trừ khi nó đi kèm với các vấn đề về sức khoẻ sinh sản khác. Ảnh: Gettyimages.

  • Đau khi giao hợp, đặc biệt là ở tư thế giao hợp người phụ nữ ngồi trên.
  • Đau bụng kinh, đặc biệt là trong trường hợp tử cung ngả sau kết hợp với lạc nội mạc tử cung.

Ngoài ra, những phụ nữ có tử cung ngả sau cũng có thể trải qua các triệu chứng hiếm gặp sau:

  • Đau lưng dưới.
  • Tăng viêm nhiễm tiết niệu.
  • Bài tiết mất kiểm soát.
  • Đau khi sử dụng băng vệ sinh dạng ống (tampon).

Kiểm tra tư thế tử cung bằng cách nào?

Tư thế tử cung thường được phát hiện dễ dàng trong các kiểm tra phụ khoa và siêu âm vùng bụng thông thường cùng với các thông số khác, hoặc trong xét nghiệm phết bào cổ tử cung (Pap). Nếu bạn gặp vấn đề trong sinh hoạt tình dục (như khó chịu hoặc đau đớn khi giao hợp), bác sĩ sẽ không chỉ xác định tử cung của bạn có ngả sau không mà quan trọng hơn là kiểm tra các vấn đề liên quan như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa định kỳ để có thể có đủ thông tin về “bộ máy” sinh dục của mình, đảm bảo sức khoẻ sinh sản và phát hiện sớm các bất thường liên quan đến hệ sinh dục và chức năng sinh sản của mình.

Tử cung ngả sau có ảnh hưởng đến “chuyện ấy”?

Thường thì ở tư thế tử cung ngả sau, các phần phụ gồm buồng trứng và ống dẫn trứng cũng bị ngả ra sau dẫn đến tình trạng tất cả các bộ phận này đều có thể bị “thúc” và chấn động khi đầu dương vật thâm nhập sâu trong khi giao hợp. Tình huống này được gọi “giao hợp đau do va chạm”. Trong trường hợp này, người phụ nữ sẽ cảm thấy đau nhất khi giao hợp ở tư thế ở trên, và việc giao hợp mạnh bạo ở tư thế này có thể gây tổn thương hoặc làm rách các dây chằng quanh tử cung.

Tử cung ngả sau đôi khi cũng gây ra những vấn đề "khó nói" cho các cặp đôi trong chuyện "yêu". Ảnh: Gettyimages.

Tử cung ngả sau có ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thai kỳ?

Trong hầu hết các trường hợp, tử cung ngả sau không gây bất lợi đáng kể cho việc thụ thai, trừ khi độ ngả quá lớn dẫn đến gập tử cung gây cản trở đường di chuyển của tinh trùng đến gặp trứng (tương tự với tử cung ngả trước quá nhiều). Điều đó có nghĩa là nếu bạn có tử cung ngả sau, đừng quá lo lắng vì bạn vẫn có nhiều cơ hội thụ thai và mang thai khoẻ mạnh như bất kỳ người phụ nữ nào.

Tuy nhiên, nếu tử cung ngả sau là kết quả của những vấn đề khác ở vùng chậu và cơ quan sinh dục, khả năng thụ thai và mang thai của bạn có thể bị ảnh hưởng do các vấn đề này (chứ không chỉ do tư thế ngả sau của tử cung); do vậy nếu bạn được xác định tử cung ngả sau và gặp vấn đề về mang thai, hãy đến khoa phụ sản để tiếp tục kiểm tra các vấn đề khác về sinh sản để tìm ra nguyên nhân khó mang thai của mình.

Đặc biệt, nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau, đừng chần chừ việc đi khám để kịp thời can thiệp và điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc cho sức khoẻ sinh sản và tổng thể của bạn:

  • Đau vùng chậu và bụng nghiêm trọng.
  • Kinh nguyệt không đều hoặc đột nhiên trở nên không đều.
  • Trứng không rụng đều hoặc không thể thụ thai (sau một thời gian).

Với đa số các bà mẹ mang thai, tử cung ngả sau hầu như không ảnh hưởng đáng kể đến thai kỳ. Sau tam cá nguyệt đầu tiên, tử cung nở lớn trồi ra khỏi khung chậu, và trong thời gian còn lại của thai kỳ, nó sẽ tiếp tục phát triển và vươn ra trước giống như ở tư thế ngả trước thông thường. Trong một số ít trường hợp, tử cung đang phát triển bị “vướng” vào khung chậu (thường là ở xương cùng) – tình trạng này được gọi là tử cung bị “giam”. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn sẽ trải qua các triệu chứng đau và khó đi tiểu trong khoảng tuần thứ 12-14 của thai kỳ.

Điều trị tử cung ngả sau như thế nào?

Nhìn chung, tử cung ngả sau không cần phải điều trị hay can thiệp. Chỉ khi bạn gặp khó khăn trong quan hệ tình dục và sinh sản, bác sĩ mới cần chỉ định điều trị để giúp bạn dễ chịu hơn và khắc phục các vấn đề liên quan. Các phương pháp điều trị gồm có:

- Điều trị các vấn đề liên quan: chẳng hạn như phương pháp hormone để điều trị lạc nội mạc tử cung.

- Bài tập trị liệu: Với điều kiện việc di chuyển tử cung không bị cản trở bởi mô nội mạc tử cung lạc chỗ hay u xơ và bác sĩ có thể di chuyển tử cung trong qua trình khám, bạn có thể được hướng dẫn các bài tập để hỗ trợ định hướng lại tử cung. Tuy nhiên, cách này không phải là một giải pháp lâu dài vì trong hầu hết các trường hợp, tử cung sẽ ngả sau trở lại theo hướng tự nhiên của nó.

- Đặt vòng nâng tử cung – là thủ thuật đặt một vật nhỏ bằng silicon hoặc nhựa để nâng đỡ tử cung ngả về trước tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên, phương pháp này có những rủi ro nhất định là tăng nguy cơ viêm nhiễm và vật đặt thêm này có thể gây đau và khó chịu cho cả người phụ nữ và bạn tình khi giao hợp.

- Phẫu thuật nội soi để đặt lại vị trí tử cung tựa lên bàng quang là phương pháp tương đối đơn giản và có tỷ lệ thành công cao. Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể được xem xét.

- Điều trị cho tử cung bị “vướng”. Bệnh nhân cần được đưa vào phòng tiểu phẫu, đặt ống thông nước tiểu để làm rỗng bàng quang và kết hợp với một vài bài tập trị liệu để đưa tử cung thoát khỏi khung chậu.

Khắc phục đau khi “quan hệ”

Phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục sẽ làm cho sự ham muốn giảm đi, thậm chí mất hết cả khoái cảm. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dễ dẫn đến lãnh cảm.

Gửi bác sĩ,

Em có một vấn đề rất mong được bác sĩ tư vấn. Em kết hôn đã 6 tháng nhưng “chuyện vợ chồng” chưa suôn sẻ. Cứ mỗi lần làm “chuyện ấy” là em lại thấy đau. Dần dần, em cảm thấy chán nản vô cùng. Vòng kinh của em cũng không đều.

Em rất muốn có em bé ngay, nhưng chẳng biết làm sao để quan hệ vợ chồng được bình thường. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! – (Lê Hạnh)

khac-phuc-dau-khi-quan-he

Lê Hạnh thân mến,

Chúng tôi rất hiểu tâm trạng lo lắng của bạn lúc này. Đúng là “chuyện vợ chồng” mà không suôn sẻ thì khả năng thụ thai cũng khó khăn hơn.

Phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục sẽ làm cho sự ham muốn giảm đi, thậm chí mất hết cả khoái cảm, nếu tình trạng này kéo dài rất dễ dẫn đến lãnh cảm.

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho phụ nữ bị đau khi quan hệ tình dục, ví dụ như bị mắc bệnh như: viêm nhiễm, mắc bệnh hoa liễu , bài tiết, bệnh ngoài da, sẹo sau phẫu thuật vùng kín , bị rách vùng kín khi tai nạn; giãn dây chằng, màng trinh quá dày hay tử cung có cấu trúc không bình thường… hoặc do yếu tố tâm lý như lo sợ có thai ngoài ý muốn, bị ép quan hệ tình dục…

Tuy nhiên, đôi khi, nguyên nhân của hiện tượng này rất đơn giản: vì không muốn quan hệ, vì chưa được kích thích đầy đủ dể cho cơ vùng bụng dưới giãn ra, chưa quen với việc có “vật lạ” trong âm đạo… Bạn hãy kiểm tra xem mình bị đau ở cửa mình hay phần trong cùng âm hộ nhé. Ngoài ra, bạn có thể tự kiểm tra xem ở cửa mình hoặc môi dưới có vết sẹo hay cái gì khác thường không.

Bạn rất mong muốn có em bé nhưng lại không quan hệ tình dục được, bên cạnh đó vòng kinh của bạn không đều do bị đa nang buồng trứng. Tất cả những điều này diễn ra cùng lúc thì càng khiến bạn khó thụ thai.

Với những phụ nữ bị đa nang buồng trứng và có vòng kinh kéo dài thì việc dựa vào chu kỳ kinh để tính ngày rụng trứng là rất khó. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể xác định ngày rụng trứng bằng cách đi soi trứng rụng tại các bệnh viện chuyên về sản phụ khoa.

Để biết rõ nguyên nhân gây đau khi quan hệ tình dục, bạn hãy đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm và kiểm tra xem nguyên nhân có phải do một trong những bệnh nêu trên gây ra không. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục tình trạng của mình.

Ngoài ra yếu tố tâm lý cũng vô cùng quan trọng, bạn hãy nghe theo tiếng gọi của trái tim mình, hãy học cách thư giãn, hãy nghĩ đến khoái cảm, có thể bạn sẽ thấy cơn đau giảm đi nhiều. Sự giao lưu tâm tư, tình cảm, chia sẻ cảm xúc của vợ chồng cũng có tác dụng rất lớn trong việc giúp bạn thoải mái và quan hệ vợ chồng dễ dàng hơn.

Chúc vợ chồng bạn hạnh phúc!

(Theo Trithuctre)

Vì sao lại đau quặn ở bụng mỗi lần oral sex?

Thời gian này không hiểu sao mà mỗi lần oral-sex với chồng là em lại đau quặn ở bụng, dù là ở tư thế nào đi nữa.

Em muốn hỏi vấn đề tế nhị về oral-sex. Em mới chỉ biết được những vấn đề liên quan đến oral sex và bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng nói chung vợ chồng em giữ vệ sinh rất cẩn thận.

Thời gian này không hiểu sao mà mỗi lần oral-sex với chồng là em lại đau quặn ở bụng, dù là ở tư thế nào đi nữa. Em lo lắng không biết có phải em bị phản ứng với cái gì đó của chồng em hay không? Xin các anh chị giải đáp thắc mắc giúp em. Em xin cảm ơn! - (Lê Lê).

Hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng không còn e ngại với hình thức sinh họat tình dục oral sex, đôi khi oral sex được dùng với cả hai vai trò “khúc dạo đầu” hoặc gánh vác thay “phương tiện” truyền thống. Tuy nhiên, thực tế thì oral sex có khả năng truyền bệnh khá nhiều.

Các chuyên gia tình dục học thống kê có khoảng 20 chứng bệnh lây qua đường tình dục (STDs) và cũng có từng ấy khả năng chuyển giao qua đường miệng. Các bệnh có thể lây lan gồm lậu, giang mai, chlamydia, hạ cam mềm, mụn rộp sinh dục, viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS… mầm bệnh có trong dịch sinh dục (tinh dịch, dịch âm đạo…) và máu (từ vết trầy xước, vết thương, lở loét…). Tuy nhiên, bệnh muốn lây được thì cần thêm điều kiện là có các vết trầy xước li ti khi quan hệ tình dục, vết thương hở…

Do vậy, việc vệ sinh “cẩn thận” của vợ chồng em cũng cần phải được khẳng định bằng các xét nghiệm mới có thể chắc chắn rằng mình không bị mắc các bệnh SDTs.

Những phản ứng với “cái gì đó”  của em với chồng  có thể có những biểu hiện như mẩn đó, ngứa…, còn những triệu chứng như em kể thì thật khó xác định, trừ phi em đi siêu âm ổ bụng khi đó bác sỹ mới có câu trả lời chính xác cho em được.

Tốt nhất là cho dù có quan hệ bằng đường miệng thì vợ chồng em cũng nên dùng bao cao su để tránh tối đa việc lây nhiễm các bệnh STDs.

(Theo Tri thức trẻ)

Nguyên nhân khiến nam giới bị đau khi quan hệ

Đôi khi nam giới có cảm giác đau buốt khi quan hệ, đó là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm nhiễm dương vật.

Chứng hẹp bao quy đầu: Đây là vấn đề bẩm sinh và bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật

Nhiễm trùng đường tiểu do vi trùng xâm nhập qua đường niệu đạo, các vi trùng này có thể gây ra viêm tuyến tiền liệt và tấn công vào thận.

Nó gây đau khi quan hệ và có thể giảm bớt tác hại của bệnh này bằng cách uống nhiều nước

Nhiễm nấm men gây đau ngứa ở đầu dương vật đặc biệt là khi quan hệ tình dục

Chứng viêm da là một loại dị ứng gây viêm da dương vật. Với những ai đã cắt bao quy đầu thì tránh được trường hợp này

Bệnh mụn rộp: Bệnh này cũng gây ra vết loét ở dương vật và bạn nên để nó lành hẳn trước khi tiếp tục quan hệ tình dục

Bệnh vẩy nến: nó có thể không lây nhiễm cho bạn tình nhưng sẽ làm bạn đau nếu dương vật bị ma sát

Bệnh Peyronie gây đau dương vật khi quan hệ, nó có thể là do thiếu hụt vitamin E, hậu quả của chấn thương dương vật, rối loạn di truyền.

Thường xảy ra ở nam giới độ tuổi 40, có thể điều trị bằng thuốc.

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm nhiễm tuyến tiền liệt gây ra đau buốt dương vật khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục.

(Theo NAM)

Đừng lơ là những dấu hiệu này nếu bạn là nữ giới! (Phần 1)

(Webtretho) Ngoài bản năng chính là sinh nở và nuôi dạy con, người phụ nữ còn có một bản năng phụ là xem xét thông điệp cơ thể của mình. Bạn thường liên tưởng đến chứng đau dạ dày nếu thường đau bụng và ợ hơi, đau bụng mỗi kỳ kinh và buồn phiền, căng thẳng thường được quy về hội chứng PMS ( tiền kinh nguyệt)…Tuy thế có một số tín hiệu từ cơ thể lại là những tiếng kêu cứu mà chưa được để ý đúng mức. Bạn nên lưu ý một số triệu chứng sau:

1. Bị đau khi quan hệ

Nếu bạn cảm thấy bị đau khi bắt đầu quan hệ, thủ phạm có thể là thiếu sự khơi gợi cần thiết,  bị khô âm đạo, viêm nhiễm… điều này thường xuất phát từ việc hóc môn nữ bị hạ thấp sau khi sinh và suốt thời kỳ cho con bú. Bác sĩ có thể cho một loại kem bôi tăng cường hóc môn hoặc đề nghị bạn dùng một loại dầu bôi trơn âm đạo.

Đau khi quan hệ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác ngoài nguyên nhân do thiếu hóc môn bình thường. Ảnh: Inmagine

Nguyên nhân đau rát cũng có thể là do sinh mổ, mặc dù vết mổ sẽ lành trong vòng khoảng 2 tháng nhưng những tháng kế tiếp bạn sẽ vẫn cảm thấy đau khi giao hợp. Tuy nhiên, có khi cơn đau đến sau khi quan hệ lại có thể có ý nghĩa hoàn toàn khác. Bác sĩ y khoa Donna Sweet, giáo sư khoa nội của Đại học Y Kansas tại Wichita cho biết: “Nếu quan hệ tình dục diễn ra một cách êm thấm từ đầu nhưng cơn đau lại diễn ra đúng lúc cao trào hoặc dồn dập trong suốt khi quan hệ, thì nguyên nhân phổ biến nhất là sự phát triển của các khối u nang hoặc do u bướu lành hay ác ở trong âm đạo, tử cung hoặc buồng trứng.”

Nếu cơn đau diễn ra khi quan hệ có chiều hướng tập trung vào trước kỳ kinh thì rất có thể đó là bệnh lạc nội mạc tử cung. Đừng chủ quan và bỏ qua những biểu hiện bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để siêu âm ổ bụng và được hướng dẫn điều trị đúng cách để tránh biến chứng về sau.

2. Mệt mỏi

Làm mẹ, hẳn nhiên bạn sẽ mệt mỏi! Chắc chắn bạn cũng vừa trồi sụt vài cân kể từ lúc có con, giờ giấc ăn uống của bạn trở nên thất thường. Không những thế, kỳ hành kinh của bạn gặp phải đôi chút “vô tổ chức”, hóc môn trong cơ thể thì cứ như một con lăn tụt dốc.

Ngoài những yếu tố ấy, bạn cần lưu tâm đến tuyến giáp, một tuyến nhỏ chuyên sản xuất hóc-môn nằm ở họng giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Christine Laine, bác sĩ Y khoa, phó tổng biên tập tờ Annals of Internal Medicine cho biết: “Người ta rất dễ coi nhẹ sự mệt mỏi và lên xuống cân nặng, bởi lẽ những điều này quá thông thường ở các bà mẹ nuôi con nhỏ.” Chứng bệnh về tuyến giáp này thường chỉ biểu hiện ở những phụ nữ từ 20 – 40 tuổi sau thời gian mang thai.

Có hai biểu hiện bệnh về tuyến giáp là cường giáp và suy giáp, có thể đo được nồng độ của hóc-môn điều chỉnh tuyến giáp (TSH). Nhưng ban đầu bạn cần phải nhận biết những triệu chứng. Một tuyến giáp suy giảm chức năng có thể gây ra những triệu chứng như hành kinh thất thường, mệt mỏi, tăng cân không giải thích được, và cũng có khi là chứng táo bón. Bạn có thể được chữa trị dễ dàng bằng việc uống thuốc tăng hócmôn tuyến giáp theo toa.

Một tuyến giáp hoạt động quá mạnh (cường giáp) thường dẫn đến tiêu chảy, lo lắng, hay những lần hành kinh rất nhiều và bất thường. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, dùng thuốc làm giảm mức độ hóc-môn tuyến giáp hoặc kích hoạt phóng xạ I-ốt để phá hủy tuyến giáp – cách này thường kèm theo sử dụng các loại thuốc thay thế một lượng hóc-môn tuyến giáp thích hợp.

Ảnh: Inmagine

3. Khát nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường

Đây là những triệu chứng thông thường của bệnh tiểu đường tuýp 2, là căn bệnh mà cơ thể dần dần mất đi độ nhạy với insulin, dẫn đến lượng đường huyết cao không tốt cho sức khỏe. Tỉ lệ mắc tiểu đường tuýp 2 đang tăng vọt, và đối với phụ nữ, bệnh này thường được chẩn đoán trong những năm sau khi sinh.

Nguyên nhân chủ yếu là do béo phì, cân nặng tăng nhanh vì mang thai. “Một vài phụ nữ tăng cân rất nhiều trong thời kỳ mang thai và không thể giảm lại như cũ, và việc tăng cân quá mức này khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường,” bác sĩ Sweet cho biết. (Ngược lại, với tiểu đường tuýp 1, một bệnh tự miễn nhiễm xảy ra ở những cơ thể  mất khả năng tạo ra insulin, bệnh thường được phát hiện trong thời thơ ấu và tuổi thanh niên.). Nếu mắc tiểu đường trong khi mang thai, bệnh sẽ hết sau sinh nhưng dễ tái phát vào những năm sau đó. Vậy nên cần tích cực tập thể dục, cân đối dinh dưỡng hợp lý sau sinh để tầm soát bệnh.

4. Sự thay đổi ở da, xuất hiện nốt ruồi

Ung thư hắc tố melanoma – loại ung thư da nguy hiểm nhất – khi phát hiện sớm, có 90% khả năng chữa trị. Nhưng nếu bệnh di căn đến những u bạch huyết hay xa hơn, khả năng sống sót giảm xuống đến dưới 50%.

Chúng ta rất dễ không chú ý đến một nốt ruồi nhìn có vẻ đen hơn một chút. Điều này xảy ra nhiều sau khi mang thai, liên quan đến các sự thay đổi hócmôn. Một số loại thuốc dùng để tránh thai cũng có thể làm thay đổi cấu trúc và màu sắc của nốt ruồi trên cơ thể.

Bác sĩ Laine khuyến cáo: “Bất cứ khi nào có một nốt ruồi thay đổi, bạn cũng nên đến bác sĩ da liễu để kiểm tra.” Hãy theo thứ tự ABCD (dùng để phát hiện ung thư hắc tố melanoma), khi bạn để ý đến làn da của mình:

•   Asymmetry : Hãy tìm kiếm sự bất đối xứng ( nốt ruồi có hình dạng bất thường thay vì hình tròn hay hình ôvan như bình thường);

•    Border : Đường viền (nốt ruồi có đường viền gợn sóng và không rõ nét);

•    Color : Màu sắc (các nốt ruồi có nhiều màu sắc, với những mảng nhỏ màu nâu, đen, đỏ, thậm chí là màu xanh nhiều hơn là màu nâu tuyền của một nốt ruồi bình thường);

•     Diameter : Đường kính (lớn hơn đường kính đầu gôm của bút chì cỡ chuẩn).
Bên cạnh đó, nếu nốt ruồi gây ngứa, chảy máu hoặc đau, hãy đi kiểm tra ngay.