Lưu trữ cho từ khóa: Dấu hiệu cảnh báo

Dấu hiệu cảnh báo suy tim sớm

Bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, hẹp, hở van tim và rất nhiều các bệnh tim mạch khác mặc dù nguyên nhân gây bệnh không giống nhau nhưng hầu hết đều chung điểm dừng chân cuối cùng là suy tim. Suy tim khó chữa khỏi, song việc phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp làm chậm tiến trình phát triển của bệnh. Hãy lắng nghe các dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể để giúp bạn chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị kịp thời.

1. Đau thắt ngực

Đau ngực thường xảy ra sau một hoạt động gắng sức (chạy bộ, leo cầu thang, làm việc nặng). Vị trí đau ở vùng ngực trái trước tim, có thể là cảm giác khó chịu, hoặc cảm giác bị đè ép sau xương ức lan đến cổ, hàm, vai trái, cánh tay trái. Đau ngực thường bắt đầu từ từ, kéo dài vài giây đến vài phút. Tần suất cơn đau cũng không ổn định, có thể vài tuần, vài tháng một lần, nếu nặng hơn là vài lần trong một ngày.

Nguyên nhân là do khi động mạch vành (ĐMV) bị co thắt có thể gây tổn thương lớp tế bào nội mạc, dẫn đến lắng đọng cholesterol và tạo thành các mảng xơ vữa hoặc một cục huyết khối nhỏ có thể hình thành và cư trú bên trong ĐMV làm tắc nghẽn dòng máu chảy tới nuôi cơ tim.

(Ảnh do nhãn hàng Ích Tâm Khang cung cấp)

2. Khó thở

Khó thở là triệu chứng hay gặp nhất của suy tim, thường xảy ra khi gắng sức, thậm chí khi nằm hoặc tư thế đầu thấp. Người bệnh có cảm giác như hụt hơi, hồi hộp, thở gấp, tức thở. Suy tim càng nặng người bệnh càng khó thở nhiều, có người chỉ bước lên vài bậc thềm, hoặc tự tắm giặt kỳ cọ cũng khó thở. Cuối cùng, người bệnh khó thở cả khi ngồi nghỉ.

Khi tim bị suy yếu không hút được máu từ phổi về, phổi bị ứ huyết, mất tính đàn hồi và trở nên cứng, các cơ thở phải mất nhiều công sức mới làm phổi giãn ra để không khí lọt vào được. Vì vậy gây nên tình trạng khó thở ở người bệnh.

3. Mệt mỏi

Nếu đột nhiên bạn cảm thấy kiệt sức sau một hoạt động nào đấy, mà hoạt động đó trước đây bạn thực hiện rất dễ dàng, hoặc cảm giác mệt mỏi gây khó khăn cho bạn ngay cả khi thực hiện những việc đơn giản như: leo cầu thang, xách giỏ đi chợ hay thậm chí khi đi bộ. Đó là những dấu hiệu cảnh báo trái tim của bạn đang bị suy yếu.

Do tim bị suy yếu, hoạt động bơm hút máu bị hạn chế dẫn đến tim không bơm đủ máu đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể. Thiếu máu, người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi và khó khăn trong mọi hoạt động.

4. Ho

Tình trạng ho kéo dài dai dẳng không rõ nguyên nhân có thể là một trong những triệu chứng của suy tim. Ho trong suy tim là ho khan, khó khạc đờm. Tình trạng ho kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, có khi khàn tiếng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh bị ho khi nằm, ngả lưng là ho và bắt buộc phải ngồi dậy mới dễ chịu. Tim suy yếu không hút được máu từ phổi, gây nên ứ máu tại phổi và dẫn đến tình trạng ho. Nhiều bệnh nhân dễ nhầm với các bệnh về phổi như viêm phổi, viêm phế quản.

5. Phù

Khi mới bắt đầu, người bệnh chỉ thấy hai mí mắt nặng khi ngủ dậy, mặt hơi phù như mọng nước; buổi chiều thấy phù nhẹ hai bàn chân, giày dép đi buổi sáng vừa, buổi chiều thấy chật. Lấy ngón tay ấn lên mắt cá chân, khi nhấc ngón tay thấy da vẫn lõm. Ở mức nặng hơn, phù làm bụng trướng, khó tiêu, nặng nề. Mặt to ra như béo lên, tuy nhiên, phù do suy tim không giữ nước nhiều như người bệnh thận.

Khi lưu lượng máu qua tim bị chậm lại, máu trở về tim qua các tĩnh mạch bị ứ đọng lại làm các mao mạch căng lên và gây thoát dịch qua thành mao mạch vào các vùng lân cận, gây nên phù. Mặt khác, do thận lọc kém, nước tiểu ít đi, nước tích lại trong người cũng gây phù.

Như vậy, không nên chủ quan khi gặp các dấu hiệu: khó thở, mệt mỏi, ho, phù, đau thắt ngực,…nhất là khi bạn đang mắc một trong số các bệnh về tim mạch. Ngay khi phát hiện có một trong các dấu hiệu trên, hãy đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời trước khi trái tim bị suy yếu.

TPCN Ích Tâm Khang – có nguồn gốc từ thiên nhiên, với nhiều thành phần có lợi cho tim, giúp:

-  Làm giảm các triệu chứng của suy tim: mệt mỏi, khó thở, ho, phù, xanh xao, hồi hộp

-   Cải thiện tuần hoàn mạch vành, giúp giảm đau thắt ngực.

-   Phòng ngừa suy tim ở những người có nguy cơ cao (bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, bệnh van tim…)

Thông tin tư vấn sản phẩm: 04.3775.9865 – 08.3977.8085

(website: dongtay.net.vn)

(Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh)

 

Hôi miệng – Coi chừng bệnh nguy hiểm

Các bác sĩ khẳng định, ngoài nguyên nhân do vệ sinh răng miệng kém, hôi miệng còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nội tạng nguy hiểm.

Chồng lạnh nhạt vì miệng vợ hôi

Suốt mấy tháng nay, thấy chồng hững hờ chuyện chăn gối, thậm chí né tránh vợ, chị Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nghi ngờ chồng có bồ nhí. Hậm hực nhưng chưa có chứng cứ để "vạch mặt", chị âm thầm chịu đựng.

Một hôm, tình cờ chị nghe chồng tâm sự với ông bạn thân rằng anh không thể gần gũi hay đối diện với vợ bởi vì thời gian gần đây hơi thở của chị có mùi hôi rất khó chịu.

Nghe thấy những tâm sự của chồng, chị Thúy bất ngờ và thấy khó tin vì hàng ngày chị vẫn vệ sinh răng miệng rất chu đáo, còn sử dụng nước súc miệng. Tự kiểm nghiệm và chị phải thừa nhận đúng là hơi thở mình có vấn đề thật.

Cẩn thận chị Thúy đến bệnh viện Răng - Hàm - Mặt tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ xác nhận răng lợi của chị vẫn bình thường và khẳng định không phải nguyên nhân gây hôi miệng. Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Chị đi khám sức khỏe tổng thể, bác sĩ kết luận chị bị viêm xoang rất nặng, cần điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.

Ngoài chị Thúy, còn rất nhiều người bất ngờ bị hôi miệng mà nguyên nhân lại xuất phát từ viêm amidan, viêm xoang, viêm phổi, phế quản hoặc do các bệnh lý toàn thân như bệnh tiểu đường, bệnh suy thận, bệnh gan…

Bác sĩ còn cảnh báo chứng hôi miệng của chị có thể do mắc các bệnh nội tạng.

Coi chừng bệnh nguy hiểm

Hôi miệng là bệnh khá phổ biến của người Việt. Ngoài nguyên nhân do các bệnh về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém, lưỡi bẩn, bênh nha chu, khô miệng, chân răng nhiễm trùng… thì hôi miệng còn là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Nếu như trước đây, ngoài các vấn đề về răng miệng, chứng hôi miệng còn được cho là do hở van tâm vị thực quản thì ngày nay, nguyên nhân hôi miệng phức tạp hơn nhiều. Triệu chứng này còn là biểu hiện khi cơ thể bị viêm nhiễm ở một số bộ phận như viêm dạ dày, viêm thực quản, hẹp môn vị, loét dạ tràng… Ngoài các bệnh dạ dày, các nguyên nhân khác như viêm amiđan, viêm mũi, viêm họng… cũng có thể gây hôi miệng.

Các bác sĩ cho biết, ngoài các triệu chứng để nhận biết cơ thể bị nhiễm trùng như sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu tăng… thì cũng phải kể đến dấu hiệu hôi miệng. Vì vậy mà những bệnh nhân bị loét hoặc có khối u thì miệng có mùi hôi là điều rất dễ hiểu. Đó là biểu hiện các chất hoại tử trong cơ thể đang chuyển sang giai đoạn lên men nên gây hôi.

Điều đáng nói là đa phần người bị hôi miệng không tự phát hiện ra bệnh của mình. Hầu hết họ chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch là khỏi chứ không nghĩ đến nguy cơ các bệnh nguy hiểm khác.

Điển hình như trường hợp của chị Thúy, dù hơi thở có mùi hôi từ nhiều ngày nhưng chị không hề hay biết. Cũng may chị là người cẩn thận nên khi phát hiện sự thật này chị đã đi khám thật kỹ để tìm hiểu rõ nguyên nhân nên điều trị kịp thời.

Bác sĩ  Bùi Thị Thu Huyền, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Ngoài nguyên nhân phổ biến là các bệnh về răng miệng, bệnh hôi miệng còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Nhiều người dù đã giữ gìn vệ sinh răng miệng rất tốt nhưng vẫn bị chứng hôi miệng thì càng cần phải cẩn thận vì có thể đó là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng khác.

Khi đột ngột bị hôi miệng nặng, tốt nhất bạn nên đi khám xác định rõ nguyên nhân, chữa trị tận gốc, tránh những tai biến đáng tiếc. Không nên tìm đến các loại nước thơm để xử lý vì đó chỉ là giải pháp khắc phục tạm thời, sau đó mùi hôi sẽ tăng lên.

Vì vậy, trước mắt, những gì bạn có thể làm để hạn chế mùi hôi từ miệng hiệu quả nhất là thực hiện vệ sinh răng miệng một cách đầy đủ và hiệu quả như đánh răng thường xuyên (ngày 2 lần sau bữa ăn), cạo sạch bẩn ở lưỡi, dùng dung dịch sát trùng miệng, thay đổi thói quen ăn uống (giảm bớt tỏi, hành, các chất gia vị, rượu), không nên hút thuốc lá, đi khám răng miệng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, chăm sóc các răng sâu, thay răng giả bị hỏng, điều trị bệnh nha chu...

(Theo Tri thức trẻ)

 

Dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng (UTBT), thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, là một trong năm căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ.

Căn bệnh này đôi khi cũng xảy ra ở những phụ nữ trẻ, tuy nhiên nó thường ảnh hưởng nhiều đến số chị em khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Khoảng 90% phụ nữ được chẩn đoán bị bệnh UTBT vào thời điểm ngoài 45 tuổi.

Nguy cơ UTBT có khuynh hướng giảm ở những phụ nữ sinh đẻ nhiều hoặc sinh sớm trong giai đoạn thiếu nữ. Theo giới chuyên môn, một số ít những trường hợp bị UTBT gây ra bởi tình trạng cơ thể bị khuyết các gen nhất định như BRCA1 và BRCA2. Đặc biệt, nguy cơ UTBT thường gia tăng ở những phụ nữ có tiền sử cá nhân bị ung thư vú, hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư vú hoặc UTBT.



Các chuyên gia cho biết, có hai thể UTBT: ung thư biểu mô (epithelial) và ung thư không thuộc biểu mô (non-epithelial). Trong đó, thể thường gặp nhất ở phụ nữ là ung thư biểu mô buồng trứng - gây ảnh hưởng trực tiếp trên phần niêm mạc của buồng trứng.

Thể UTBT không thuộc biểu mô ít phổ biến hơn, nó bao gồm các thể ung thư nguyên bào, được hình thành từ các tế bào trong buồng trứng giữ vai trò sản xuất trứng. Thể ung thư này thường gặp ở những phụ nữ trẻ hơn.

UTBT được xem là “kẻ giết người thầm lặng” bởi vì nó chỉ được phát hiện sau khi các tế bào ung thư đã di căn ra khỏi buồng trứng, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn. Tình trạng UTBT nếu được phát hiện sớm có thể giúp gia tăng cơ hội chữa khỏi.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những triệu chứng phổ biến nhất để cảnh báo sớm bệnh UTBT bao gồm: bụng lình bình, đầy hơi; đi tiểu thường xuyên; đau khung xương chậu hoặc có cảm giác khó chịu ở vùng bụng; ăn uống khó khăn và có cảm giác mau no.

Mặc dù những dấu hiệu được đề cập ở trên là khá phổ biến và có thể xảy ra với bất cứ chứng bệnh nào, nhóm nghiên cứu ung thư đề xuất, chị em nên tới ngay bệnh viện kiểm tra nếu nhận thấy các biểu hiện trên xảy ra bất thường và kéo dài lâu hơn một vài tuần.

Những triệu chứng khác của bệnh UTBT bao gồm: mệt mỏi, đau lưng, tình trạng khó tiêu dai dẳng, có cảm giác buồn nôn hoặc nôn, thường bị táo bón hoặc tiêu chảy, có những vấn đề ở dạ dày, đau khi quan hệ tình dục, sụt cân.

Vài triệu chứng ít phổ biến khác khi bị UTBT gồm: xuất huyết âm đạo bất thường (xuất huyết nhiều khi hành kinh hoặc xuất huyết sau giai đoạn mãn kinh), sưng chướng vùng bụng do sự tích lũy chất lỏng, gây nên tình trạng hít thở nông.

Lưu ý: Hầu hết các triệu chứng của bệnh UTBT thường không mang tính đặc thù. Thông thường, chị em có thể được chẩn đoán bị UTBT chỉ khi kết hợp với một căn bệnh khác. Các chuyên gia cho biết, UTBT thường được chẩn đoán nhầm lẫn với hội chứng đi cầu khó, trầm cảm hoặc phiền muộn. Ngoài ra, chứng u nang buồng trứng và các căn bệnh không thuộc ung thư khác ở buồng trứng cũng gây nên những triệu chứng tương tự như bệnh UTBT.

 

Meo.vn (Theo PNO)

Dấu hiệu cảnh báo chứng tâm thần tuổi teen tấn công

Nghe đáng sợ quá phải không các ấy???

Tuổi dậy thì là giai đoạn bắt đầu có những thay đổi về hình thể và tâm lý. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp các bạn không hiểu được chính bản thân mình, thậm chí không chấp nhận chính cả bản thân mình và từ đó dễ có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc...

Làm sao để biết tớ đã bắt đầu “nhiễm bệnh”?

Rối loạn hành vi nổi loạn

Chủ yếu gặp ở teen boy, những ấy này thường gặp khó khăn khi phải chịu đựng sự sắp xếp, ý kiến, đòi hỏi của người khác. Để tỏ rõ cá tính của mình, các ấy thường có xu hướng nổi loạn, làm ngược lại với yêu cầu được đưa ra, gây lo buồn cho mọi người. Hầu hết các teen này khi càng bị đánh, bị phạt thì càng bất mãn và tỏ thái độ chai lì nhiều hơn.


Rối loạn ứng xử

Bao gồm các hành vi chọc ghẹo người khác một cách vô ý thức, đôi khi các ấy này còn cảm thấy vui vẻ, thú vị khi khiến đối phương phải khóc. Ngoài ra, rối loạn ứng xử còn thể hiện qua việc dễ nổi cáu, gây gổ, đánh nhau, thô bạo với người hoặc động vật. Nặng hơn, một số teen còn ăn cắp, trấn lột, phá phách, bỏ nhà đi bụi…

Rối loạn cảm xúc

Các teen biểu hiện vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái buồn thái quá (trầm cảm)… Đối với những ấy bắt đầu nhiễm bệnh thường có cảm xúc không ổn định, khóc cười vô duyên vô cớ, nói lẩm bẩm và hay cười một mình. Bên cạnh đó, khi rơi vào trạng thái buồn thái quá, các bạn thường có những hành động tự làm đau bản thân, có ý định và hành vi tự sát mà không phải do bế tắc trong cuộc sống (hoặc do hiện tưởng giả bế tắc)

Rối loạn suy nghĩ

Là những biểu hiện của teen có suy nghĩ lệch lạc từ nhẹ đến nặng. Ví dụ như có ấy bị ám ảnh có người yêu mình hay luôn xuất hiện trong đầu những ý nghĩ kì lạ, bất thường, có tiếng nói bình luận, ra lệnh cho mình làm việc này việc khác. Nhiều ấy lại hay cho rằng có người luôn muốn hãm hại và điều khiển mình…


Từ những rối loạn hành vi này, các ấy sẽ dễ chuyển sang rối loạn tâm thần với những triệu chứng hoang tưởng, sống cách biệt với người khác… Dần dần, teen sẽ có những hành vi và lời nói không phù hợp với thực tế (hay còn gọi là chứng hoang tưởng cấp độ 1)

Nguyên nhân là do đâu nhỉ?

Thay đổi về hình thể bên ngoài

Khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các teen có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển nhiều so với trước kia. Do đó, nếu cùng lứa tuổi với nhau, bạn nào có trước tiên những biểu hiện này sẽ dễ bị bạn bè “hiểu lầm” và bị phân biệt đối xử, ngược lại, bạn nào có muộn hơn lại rơi vào trạng thái tự ti, dần dần tạo ra thay đổi về tâm lý.

Ngoài ra, sự thay đổi tâm lý từ lứa tuổi “chẳng biết gì” sang độ tuổi “biết chút ít” khiến nhiều ấy trở nên nhạy cảm, hay bị ám ảnh bởi những lời lẽ nhận xét từ bên ngoài nên dễ tự ti hoặc tự tin thái quá về bản thân mình. Có ấy sẽ trở nên sống khép mình hơn, e dè, ngại tiếp xúc. Đây chính là nguyên nhân khiến teen mắc bệnh trầm cảm lúc nào không hay.


Áp lực học hành

Áp lực đến từ chương trình học, sự kỳ vọng của cha mẹ, tâm lý bằng cấp lại không có người để chia sẻ, không được định hướng mình cần làm gì, nên làm gì… sẽ tạo ra những phản ứng ngược lên lứa tuổi chúng mình. Một số teen gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ do căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung, hay quên... Những bạn bị áp lực học tập tấn công thường có biểu hiện toát mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp, bụng cồn cào, tay run, hay lo âu, hồi hộp, khó ngủ...

Áp lực từ việc học hành còn gây ra những ảnh hưởng về tình cảm. Nhiều ấy bị tổn thương do không tìm được nguồn chia sẻ, cảm thấy cô độc, luôn trong trạng thái mệt mỏi. Sự tổn thương này sẽ gây ra những ảnh hưởng về chức năng nhận thức, khiến các teen bị rối loạn, tư duy chậm, khó nhớ, sa sút về trí tuệ rồi trở thành những bệnh nhân tâm thần.

Vậy chúng tớ phải làm sao???

Trước tiên, các ấy phải nhớ rằng, muốn có sức khỏe tinh thần tốt thì phải có một thể chất vững chắc trước đã. Vậy nên, dù chán ăn, mệt đến mấy thì teen cũng phải gắng sức măm măm các loại hoa quả để tạo ra màng bảo vệ tâm lý từ bên trong. Bật mí cho teen nhé, khi mệt mỏi, các ấy hãy uống một cốc nước cam mát, có vị ngọt dịu, nó sẽ giúp stress bị đẩy lui tạm thời đấy!

Chưa hết, để đề phòng rối loạn tâm trí, các ấy cần kết hợp giữa học tập chính khóa với các hoạt động khác giúp tăng thể chất như đi tham quan, tập thể dục, thể thao, tham gia các câu lạc bộ trong trường. Teen cũng nên chú ý lập kế hoạch học tập khoa học, thư giãn hợp lý. Khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường thì các ấy nên giảm thời gian học, nghỉ ngơi và chuyển sang nghe một bản nhạc hay chơi trò chơi nhẹ nhàng trước nhé!


Đặc biệt, chia sẻ chính là liều thuốc tuyệt vời nhất cho teen trong giai đoạn này đó nghen! Nếu các ấy chưa sẵn sàng nói chuyện với bố mẹ về những suy nghĩ của mình, teen có thể chọn những phương pháp khác như viết thư, tin nhắn, gửi thiếp… Các ấy cũng có thể tìm đến một người bạn lớn tuổi (anh, chị, cô, dì…) mà ấy cảm thấy tin tưởng, có thể hiểu được suy nghĩ của mình để làm cầu nối. Ngoài ra, việc mở lòng tâm sự những khó khăn, thắc mắc với một nhóm bạn thân cũng là một ý kiến không hề tệ đâu phải không nào? Teen hãy nhớ nhé! Những thay đổi cảm xúc tưởng chừng như vô hại của chúng mình cũng có thể dẫn đến hậu quả đáng sợ về sau nếu các ấy không tỉnh táo để tìm cách giải quyết hợp lý đó!

Meo.vn (Theo Kenh14)