Lưu trữ cho từ khóa: đau chân

Nguyên nhân và cách điều trị chứng đau gót chân

Chứng đau tại vùng gót gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy vào vị trí đau có thể chia đau gót chân thành hai nhóm chính: đau vùng dưới gót và đau phía sau gót. Đau gót chân khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, do đó, cần phải biết nguyên nhân đau do đâu và điều trị sớm để giúp bệnh nhân tránh khỏi phiền toái do bệnh gây nên.

Vì sao bị đau gót chân?

Như thường lệ, chị Tr.T.H. chọn đôi giày cao 5cm để đi. Nhưng hôm ấy, chị xỏ chân vào giày xong, khi đứng lên thấy đau nhói ở vùng sau gót chân, không thể bước đi được. Chị vội bỏ giày ra, tập thử vài động tác mới thấy rõ gót chân mình bị đau nhiều hơn khi đưa bàn chân cao lên hoặc đưa mũi chân chúc xuống. Tình trạng đó tăng dần lên, sau vài ngày thì chị đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm bao hoạt dịch gân gót.

Trường hợp viêm bao hoạt dịch gân gót chị H. mắc phải chỉ là một trong số rất nhiều bệnh liên quan đến đau gót chân mà nguyên nhân gây bệnh lại cũng rất nhiều. Thường gặp nhất của đau vùng sau gót chân bao gồm viêm gân gót (viêm gân Achille) và viêm bao hoạt dịch gân gót. Viêm cân gan chân là nguyên nhân hay gặp nhất của đau mặt dưới gan chân. Cân gan chân là dải cân chạy từ mặt dưới các ngón chân đến tận cùng phía dưới của gót chân. Khi hoạt động, các động tác dồn lực nhiều lên gan chân như chạy nhảy, leo trèo, thậm chí đứng nhiều sẽ tác động lên cân gan chân, ban đầu gây kích thích cơ học, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm. Ở những người có bề mặt gan chân bất thường, ví dụ quá phẳng hoặc quá lõm hoặc béo phì, làm nghề phải đi bộ lâu hay đứng lâu… là những yếu tố thuận lợi gây ra chứng đau gan chân.

nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-chung-dau-got-chan

Vị trí đau gót chân.

Dấu hiệu nào cho biết bị bệnh?

Khi bạn thấy đau ở vùng mặt dưới gót chân, đau tăng lên khi thay đổi động tác từ nằm hay ngồi lâu sang động tác đứng, đặc biệt đau nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy bước chân xuống giường, sau khi đi lại vận động một lúc thì triệu chứng đau sẽ giảm dần đi thì đó chính là dấu hiệu bị bệnh ở gót chân. Lúc này, bạn cần đi khám để biết được mình bị đau do nguyên nhân gì để được điều trị kịp thời.

Điều trị bệnh như thế nào?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh. Biện pháp đầu tiên bao giờ cũng phải nghĩ tới đó là nghỉ ngơi, nẹp bất động bàn chân ở tư thế trung gian vào buổi tối, chườm túi đá vào vùng gót chân, tránh đi chân đất, tập các bài tập duỗi cơ cẳng chân như kéo các ngón chân về phía mặt trước cẳng chân nhiều lần vào buổi sáng; đi giày dép có lót đế mềm hoặc giày dép chỉnh hình khi có bất thường xương bàn chân. Khi bị đau quá thì có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam hoặc tiêm corticoid tại chỗ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Nếu đau gót chân thông thường mà không được điều trị kịp thời có thể có diễn biến xấu hơn, dưới đây xin nêu ra một số hậu quả của bệnh đau gót chân và phương pháp điều trị:

Gai xương gót là hậu quả của tình trạng viêm cân gan chân kéo dài dẫn đến mọc xương tân tạo tại vùng gót chân. Gai xương gót thường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đau ở gót chân vì nhiều người đau gót mà không có gai xương, ngược lại nhiều người hiện tại có gai xương mà lại không đau gót. Chính vì vậy, điều trị gai xương gót cũng tương tự như điều trị viêm cân gan chân và hiếm khi cần phải mổ cắt bỏ gai.

Hội chứng đường hầm cổ chân mắc phải do chèn ép dây thần kinh chầy sau dẫn đến đau hay rối loạn cảm giác như tê rát, tê cóng, căng chặt vùng bàn chân hay gót chân. Về điều trị phải tùy theo nguyên nhân, nhưng có thể dùng các loại thuốc bao gồm thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiêm corticoid tại chỗ hay các biện pháp phẫu thuật giải phóng chèn ép.

Đau vùng mặt sau gót chân hay gặp nhất là viêm gân gót hoặc viêm bao hoạt dịch gân gót. Viêm gân gót hay gặp ở những người vận động với cường độ cao hoặc gặp ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt những người trước kia là vận động viên. Khi đó gân gót bị kéo căng quá mức do vận động quá tải, cộng với những chấn thương lặp đi lặp lại mà không được xử trí đúng cách làm gân gót mất tính mềm dẻo, trở nên thoái hóa, có những tổn thương rách nhỏ do đó dễ bị viêm, thậm chí đứt gân. Những yếu tố thuận lợi khác dễ gây viêm gân gót như thay đổi giày đi, thay đổi chế độ luyện tập, ví dụ tăng lượng vận động. Về điều trị: ngưng những hoạt động gây đau, chườm đá tại chỗ, tập bài kéo giãn cơ bắp chân và mắt cá, đi giày dép có tác dụng nâng gót ở cả hai chân và có phần cứng bảo vệ gót chân, vật lý trị liệu như nhiệt nóng bằng paraffin, túi chườm, hồng ngoại, sóng ngắn.

Một trong những nguyên nhân khác gây đau gót chân là do chấn thương trực tiếp tại vùng gan chân do đi trên nền cứng không bằng phẳng, dẫm phải sỏi đá… làm tổn thương trực tiếp lên mô mỡ đệm ở gan chân. Thường chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là hết, thuốc giảm đau thông thường hay chống viêm giảm đau cũng có tác dụng tốt.

Tóm lại, đau gót chân là triệu chứng rất thường gặp và có nhiều nguyên nhân gây nên. Do đó, khi bị đau, bạn nên đi khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

ThS. Bùi Hải

Theo Suckhoedoisong.vn

Hay bị lạnh, tê gan bàn chân là bệnh gì?

Năm nay tôi 55 tuổi, hay bị lạnh, tê gan bàn chân, sáng khi vừa ngủ dậy bước xuống giường sẽ đau. Xin hỏi đây là triệu chứng của bệnh gì và có cách nào chữa khỏi?

(Lê Thị Mai – Đồng Nai)

hay-bi-lanh-te-gan-ban-chan-la-benh-gi

Bạn Mai thân mến!

Qua thư trình bày của chị, bàn chân bị lạnh, tê gan bàn chân, sáng khi vừa ngủ dậy bước xuống giường sẽ đau. Như chúng ta đã biết, ở điều kiện sinh lý bình thường ở gan dưới bàn chân có dây chằng chạy dài từ gót chân tới các đầu ngón chân.

Dây chằng này có nhiệm vụ giữ cho các xương cấu tạo bàn chân ở vị thế cong, nhờ đó ta đi nhún nhảy lại dễ dàng. Tuy nhiên, khi ta đứng lâu, đi lại nhiều thì dây này luôn luôn ở tình trạng căng và bị đau.

Vì thế khi có những biểu hiện như: đau, tê chứng tỏ có tổn thương vào buổi sáng tức là có thời gian cho bàn chân ở trạng thái nghỉ mà vẫn đau chứng tỏ phần dưới cái dây chằng từ gót lên đầu các ngón chân nó bị viêm sưng.

Viêm sưng này thường xảy ra về ban đêm, cho nên sáng ra, khi đặt bàn chân xuống sàn nhà cứng là nó đau. Chị nên đi khám bởi bác sĩ chuyên khoa xương, qua đó chỉ định chụp X-quang bàn chân xác định có gì bất thường hay không, rồi tiến hành điều trị.

Trong khi chờ đợi, chị cần cho chân được nghỉ ngơi, giảm sinh hoạt; tránh đi chạy nhảy trên mặt bằng cứng. Để giảm đau và sưng, chị chườm nóng lên gót chân, vì bàn chân lạnh thì tê và đau.

Uống giảm đau thông thường như Paracetamol, tập co giãn gân gót chân nhất là khi mới thức giấc buổi sáng. Đi giày mềm có độ cong nâng đỡ lòng bàn chân.

BS.CKI Trần Quốc Long

Theo Suckhoedoisong.vn

Hay bị đau buốt ở gót chân có phải bị viêm cân mạc cung bàn chân?

Thời gian gần đây, thỉnh thoảng em bị đau buốt ở gót chân, đau nhiều khi mới ngủ dậy, bước vài bước đầu. Có người bảo rất có thể em bị viêm cân mạc cung bàn chân. Vậy xin bác sĩ tư vấn rõ hơn về căn bệnh này và cách khắc phục.

Lê Thị Hoa (Thái Nguyên)

hay-bi-dau-buot-o-got-chan-co-phai-bi-viem-can-mac-cung-ban-chan

Ảnh minh họa – Internet

Cân gan chân là một dải gân cơ bám từ xương gót đến các chỏm xương bàn giúp bàn chân có độ nhún để duy trì độ cong sinh lý của bàn chân, làm giảm nhẹ trọng lực dồn xuống bàn chân khi vận động. Thông qua đó, nó giúp việc đi lại dễ dàng hơn, bảo vệ các khớp… Cân gan chân bị tổn thương sẽ gây đau nhức gót chân. Đau gót chân có thể tự xuất hiện và biến mất khi người bệnh vận động một lúc.

Tuy nhiên, nếu vùng cân gan chân bị tổn thương nặng, những cơn đau có thể sẽ kéo dài từ một đến vài ngày. Tình trạng viêm cân gan chân thường gặp ở người có cấu tạo bàn chân phẳng khiến cân gan chân phải tiếp xúc nhiều với mặt phẳng. Lâu dần, vùng cân mạc bị thoái hóa, không còn mềm dẻo. Khi chân phải hoạt động mạnh, nhiều hơn bình thường sẽ dẫn đến đau buốt. Ngoài ra, những người hoạt động nhiều như: thường xuyên chạy bộ, chơi tennis quá sức, người thường xuyên đi chân không trên nền cứng, đi đứng liên tục trong thời gian dài.  Người mang giày gót cao, nhọn… cũng thường xuyên đau nhức. Trước hết, để loại bỏ những cơn đau gót do viêm cân gan chân, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau: đi dép thấp, mềm, vận động vừa phải. Không đi chân đất. Nếu người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cần được điều trị, luôn duy trì cân nặng ở mức trung bình. Ngoài ra, bạn có thể ngâm chân trước khi đi ngủ vừa giúp bạn ngủ ngon vừa giúp chân được thả lỏng. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thể dục, massage chân sau khi ngủ dậy.

Tuy nhiên, đau gót chân có rất nhiều nguyên nhân như viêm xương gót chân, tê thấp, viêm cột sống… Vì vậy, nếu sử dụng các biện pháp trên không đỡ, đau kéo dài thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được tư vấn và điều trị.

BS. Nguyễn Anh

Theo Suckhoedoisong.vn

Những chấn thương phổ biến ở chân khi chạy bộ

Nếu bạn chạy không đúng cách, hoặc không có sự chuẩn bị tốt, thì bạn rất dễ mắc phải các chấn thương ở chân phổ biến sau đây.

1. Chấn thương ở xương ống chân giữa

Chấn thương nằm ở phía bên trong của xương chày (kéo dài từ đầu gối đến mắt cá chân), sẽ khiến chân bạn bị sưng và đau. Nó thường xảy ra khi có lực tác động đến xương chày và mô liên kết các cơ bắp với xương. Bạn dễ gặp phải tổn thương này khi chạy nếu bạn trên dốc, các bề mặt cứng hoặc đi giày không phù hợp.

Để ngăn chặn tổn thương này, bạn nên thay đổi giày. Bạn cũng có thể luyện tập chéo – đi xe đạp, bơi lội, xen kẽ với chạy bộ. Bạn nên dần dần thiết lập tốc độ và quãng đường chạy phù hợp với mình, có thể giảm bớt số lần chạy để tránh nguy cơ tái phát.

nhung-chan-thuong-pho-bien-o-chan-khi-chay-bo

Ảnh minh họa

2. Bong gân mắt cá chân

Tổn thương này dễ xảy ra khi bạn chạy trên đường gồ ghề hoặc trơn trượt. Thông thường khi ngón chân bị quặp vào trong sẽ làm cho các dây chằng ở bên ngoài mắt cá chân bị kéo dãn và tổn thương. Điều này có thể dẫn đến các cơn đau cấp tính, sưng, bầm tím.

Bạn cần nghỉ ngơi khi tổn thương này xảy ra. Trong một số trường hợp bạn cần chụp X-quang để xác định mức độ tổn thương. Bạn cũng có thể dùng thuốc chống viêm để chống viêm nhiễm. Thường thì bạn cũng khó ngăn chặn được tổn thương này, vì nó thường xuất hiện ở cuối chặng đường chạy, khi bạn đã mệt mỏi và chạy không tập trung. Nếu bạn hay bị bong gân, bạn có thể dùng thiết bị hỗ trợ mắt cá chân và thử tập các bài tập cho bàn chân để tăng cường cơ bắp.

3. Viêm cơ mạc bàn chân

Viêm gân mặt bàn chân là hiện tượng sưng tấy các mô dày tại lòng bàn chân, gọi là cơ mạc bàn chân. Cơ mạc bàn chân là một lớp mô dày bao phủ xương phía dưới gót chân. Nó bắt nguồn từ xương gót chân, và trải rộng ra phía các ngón chân, trùm lên toàn bộ lòng bàn chân.

Chức năng chính của cơ mạc bàn chân là bảo vệ cho bàn chân từ phía dưới, giữ vài trò như một bộ phận giảm chấn và là cơ trợ lực. Khi bị viêm cơ mạc bàn chân, bạn thường cảm thấy đau nhói ở gót chân, đặc biệt là vào buổi sáng khi đi bước đầu tiên. Đau ở gót chân rồi lan tới các ngón chân, gót chân sưng nhẹ và tấy đỏ, bàn chân cũng có cảm giác đau nếu bạn nâng ngón chân lên khỏi mặt đất.

Bạn dễ bị viêm cơ mạc bàn chân nếu bạn chạy với bàn chân của bạn phẳng, vòm chân cao, hoặc chạy mà hay bàn chân có xu hướng quay vào nhau. Bệnh tiểu đường và béo phì cũng được xem là các yếu tố liên quan.

Bạn nên tránh đi chân đất trên bề mặt cứng. Xoa bóp nhẹ nhàng cho bàn chân, kéo các ngón chân thẳng ra, một cách nhẹ nhàng, giữ yên trong vòng 30 giây, thư giãn rồi lặp lại nhiều lần.

nhung-chan-thuong-pho-bien-o-chan-khi-chay-bo

Ảnh minh họa

4. Viêm gân Achilles

Viêm gân Achilles xảy ra khi gân nối liền giữa xương gót chân với cơ bắp chân bị sưng tấy lên. Nếu bạn chạy không đúng cách, đi giày không vừa chân, các cơ bắp căng quá sức sẽ dễ dẫn đến viêm gân achilles.

Nếu bị tổn thương này, bạn cần nghỉ ngơi ngay lập tức. Bạn có thể dùng thuốc chống viêm, sử dụng dụng cụ chỉnh hình, vật lý trị liệu. Bạn có thể tập để tăng cường bắp chân (tay giữ chật thành lan can, ban đầu đứng trên các ngón chân, sau đó hạ dần dần gót chân xuống, lặp đi lặp lại nhiều lần). Bạn cũng có thể mang đồ nâng gót ở cả hai chân. Và mang giày chạy có phần cứng bảo vệ gót chân.

5. Đau đầu gối

Tổn thương này bao gồm hai kiểu: thứ nhất là đau xương bánh chè, ảnh hưởng đến phần trước của đầu gối, trình trạng sẽ càng tồi tệ khi bạn lên xuống cầu thang, gập đầu gối lại và ngồi gập đầu gối lâu. Thứ hai là hội chứng dải chậu chày (đau đầu gối do kích thích dải chậu chày ở đùi). Loại tổn thương này không ảnh hưởng gì khi bạn lên, xuống cầu thang, hay ngồi quá lâu.

Với hội chứng đau xương bánh chè, bạn cần giảm trọng lượng cơ thể, tăng cường các cơ bắp, chạy ở tư thế đúng (đầu gối hơi cong và cơ thể nghiêng về phía trước), tránh chạy xuống dốc hoặc chạy theo kiểu đường zic-zắc. Với hội chứng dải chậu chày, bạn cần tăng cường các cơ bắp đùi. Trong một số trường hợp nặng, bạn cần điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, sử dụng các thuốc chống viêm.

Theo Afamily.vn

Trẻ hay mỏi chân về đêm có phải do thiếu canxi?

Con gái tôi 4 tuổi, cao 1m. Mấy ngày gần đây, bé thường hay kêu mỏi hai đầu gối về ban đêm, bé không có biểu hiện gì khác… Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân nào khiến bé bị như vậy? Có phải do cháu thiếu canxi?

Nguyễn Thúy Hà ([email protected])

Chứng nhức mỏi chân ở trẻ có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu hay gặp là do hệ xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nhất là xương cẳng chân. Đây là than phiền hay gặp ở trẻ em tuổi đi học (3 – 7 tuổi) sau 1 ngày chạy nhảy, vận động nhiều hoặc có té ngã. Nếu bé bị đau do bé vận động nhiều hoặc do tiếp xúc, va chạm với các vật cứng thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, đau khớp gối, nhức chân nếu xảy ra bất chợt và tái đi tái lại kèm theo: sốt cao kéo dài, xanh xao, bầm hay chảy máu răng, chảy máu mũi hoặc sưng đau khớp gối, không đi được… có thể là những dấu hiệu sớm của ung thư máu trẻ em.

dauchan

Ảnh nguồn google.

Trường hợp con gái chị kêu mỏi 2 đầu gối về đêm và không kèm theo biểu hiện nào khác thì chị cứ yên tâm, đó chỉ là đau khớp tăng trưởng. Sở dĩ trẻ thường đau mỏi vào ban đêm vì đó là thời điểm xương phát triển nhanh nhất. Do cháu đang ở thời kỳ xương phát triển quá nhanh trong khi các chất cần thiết cho sự phát triển của xương như sắt, canxi không được cung cấp kịp thời. Nếu do nguyên nhân này thì không đáng ngại, chỉ cần bổ sung thêm canxi (dưới dạng thuốc, sữa và các thức ăn có chứa nhiều canxi) là bé sẽ khỏi. Nhưng nếu là đau mỏi khớp gối kèm theo các biểu hiện như nói ở trên thì không được chủ quan mà phải đưa bé đến khám và làm xét nghiệm máu tại khoa nhi hoặc bệnh viện nhi… Sau khi tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp cho bé.

BS. Vũ Hồng Ngọc

Theo Suckhoevadoisong.net

Đau gót chân – Không nên xem thường

Gót chân đau thốn không những khiến việc đi đứng khó khăn mà còn ảnh hưởng đến vẻ đẹp vóc dáng… Do đó, phát hiện và tránh bệnh từ xa là điều cần quan tâm….

Đau đi không được

Giày, guốc cao giúp tôn vóc dáng, yểu điệu hơn nên phần lớn phụ nữ yêu thích. Nhưng nếu mang giày vào thấy đau thì cần xem xét lại những yếu tố sau: Bỏ giày ra vẫn đau (đau nhiều nhất lúc đưa bàn chân lên cao hoặc chúc mũi chân xuống), cơn đau tăng dần, đến mức có cảm giác như đi trên chông là báo hiệu viêm bao hoạt dịch gân gót. Không đi giày nhưng chạy bộ quá sức thường bị viêm gân gót (viêm gân Achilles).

Cơn đau xuất hiện khi gân nối xương gót với cơ bắp chân bị sưng. Đau gót chân còn xuất hiện vào buổi sáng, cảm nhận khi “thò” chân xuống giường và bước những bước đầu tiên bị đau thốn tận óc. Sau khi đi một lúc thì cơn đau nhẹ dần và hết. Sáng hôm sau cơn đau lại đến và sau đó cũng rút lui như trước. Nhưng, nếu cơn đau ngày càng tăng, cần đi khám để biết nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Cơn đau ở gót chân còn do viêm cân gan chân. Bệnh thường xuất hiện ở những người thực hiện những động tác mà chân phải chịu lực quá lớn: chạy, nhảy, đứng lâu, béo phì… Viêm cân gan chân kéo dài sẽ dẫn đến gai xương gót. Nghe gai ai cũng có cảm giác đau như bị gai đâm và luôn có tâm lý muốn mổ để “nhổ” gai. Song, thực tế có trường hợp có gai nhưng không hề có cảm giác và ngược lại gai chưa xuất hiện đã đau thấu trời. Do đó, điều trị gai xương gót chủ yếu là điều trị viêm cân gan chân, hiếm khi phải “nhổ” gai bằng phẫu thuật.

Theo BS Hồ Phạm Thục Lan – Bệnh viện Nhân Dân 115, đau vùng gót chân có thể do nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý gân cơ tại chỗ như viêm gân gót Achilles, đứt gân Achilles, viêm cân gan bàn chân, hội chứng ống cổ chân… cho đến những nguyên nhân toàn thân, phức tạp như gãy/nứt xương gót, u xương, viêm xương tủy, viêm thần kinh ngoại biên, gút, viêm khớp dạng thấp, đau xơ cơ…

dau-got-chan-khong-nen-xem-thuong

Đuổi cơn đau

Bên cạnh những cơn đau gót do chấn thương, nứt, gãy, u… xương cần điều trị ngay, còn có những nguyên nhân mà theo BS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP.HCM do tự ta gây ra, đó là mang giày cao gót, thừa cân béo phì, chạy nhảy quá sức… Mang giày không phù hợp không chỉ gây đau gót mà còn đau cổ chân, ngón, khớp gối… những điều này rất dễ nhận biết khi thấy có vết chai xuất hiện ở gót chân và một số vùng khác. Vì vậy, không nên thường xuyên mang giày gót cao. Tốt nhất là chiều cao gót không được quá 5cm, chiều rộng gót 2cm, góc sườn (độ dốc) vừa phải, phần mũi giày có độ hếch hợp lý với bước chân đi. Kế đến là tạo điều kiện cho chân được nghỉ ngơi bằng cách hạn chế chạy, nhảy…

Chân bị đau còn do thoái hóa khớp khi tuổi đã cao. Để không bị đau khi lớn tuổi, tốt nhất giữ cân ngay từ tuổi trung niên. Đôi chân chịu trọng lượng toàn cơ thể vì thế không nên tạo thêm áp lực cho chân, nên giữ cân nặng vừa đúng chiều cao.

BS Hồ Phạm Thục Lan khuyên: “Do nguyên nhân của đau gót đa dạng nên những trường hợp đau, sưng nhiều vùng gót chân sẽ làm hạn chế cử động, đau kéo dài, đau kèm dị cảm, có triệu chứng toàn thân (sốt, mệt mỏi, sụt cân), cần tới ngay đơn vị y tế chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị thích hợp”.

Theo Phunuonline.com.vn

Cách sơ cứu khi bị trật khớp

Nếu bạn lao động hoặc chơi thể thao sai cách thì việc bị trật khớp là điều không thể tránh khỏi. Bạn đã biết cách sơ cứu khi gặp tình huống này.

Trật khớp là một tổn thương trong đó đầu xương bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Nếu bạn cảm thấy khớp bị biến dạng và đau khi vận động, sưng tấy, đau dữ dội hoặc nhói buốt, tê gần vùng bị tổn thương…thì bạn đã bị trật khớp. Bạn nên làm theo những cách dưới đây để “xử lý” thông minh nhất vấn đề này:

Hạn chế di chuyển, cử động

Việc đầu tiên cần làm khi bị trật khớp là không nên di chuyển, cử động để tránh lực tác động lên khớp đang bị sai. Nhiều người không hiểu điều đó nên ra sức lắc, xoay khớp, nắn bóp hoặc cố cử động nhẹ nhàng nhằm đưa khớp trở lại vị trí ban đầu. tuy nhiên, điều này có thể gây tổn thương khớp, cơ, dây chằng, dây thần kinh hoặc các mạch máu ở xung quanh vùng khớp đang bị tổn thương.

cach-so-cuu-khi-bi-trat-khop

Trật khớp thường xuyên diễn ra khi bạn chơi thể thao hoặc lao động nặng sai cách

Cố định khớp

Nếu chỉ ngồi im, hạn chế di chuyển, cử động vẫn chưa ổn, bạn phải cố định khớp ở tư thế đúng với vị trí trước đó. Tùy từng vị trí trật khớp để tìm ra vùng cố định nâng đỡ cho phần khớp đang bị tổn thương. Ví dụ, bạn bị trật khớp khuỷu tay, hãy dùng một miếng vải hoặc áo buộc cố định cánh tay vào thân người để cố định phần khớp khuỷu tay đang bị đau.

Chườm lạnh

Nhiều người khi bị đau khớp thường chườm nóng, đắp muối hoặc dùng rượu thuốc, mật gấu để xoa bóp nhằm giảm đau. Tuy nhiên, đó là cách làm hoàn toàn sai. Nếu bạn có những triệu chứng của trật khớp, thì bạn chỉ nên chườm lạnh lên vùng khớp đang bị sai để tránh và giảm sung phù. Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da vùng khớp đang bị sưng, đau hoặc cho đá vào miếng vải để chườm.

cach-so-cuu-khi-bi-trat-khop

Hãy cố định khớp và chỉ nên chườm lạnh vết thương thôi nhé

Đến bệnh viện

Thông thường, trật khớp được chúng ta coi là bệnh không nguy hiểm, nếu nó không quá đau và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn thì hẳn là chẳng ai đến bệnh viện để khám chữa hay điều trị với chứng bệnh này. Nhưng nếu bạn bị trật khớp và cảm thấy không quá đau sau khi đã cố định khớp và chườm lạnh thì bạn cũng nên đến cơ sở y tế để các bác sỹ kiểm tra và điều trị.

Chăm sóc vết thương sau khi điều trị

Sau khi đã được các bác sỹ giải quyết êm thấm vấn đề trật khớp, một trong những vấn đề không kém phần quan trọng tiếp theo chính là việc chăm sóc vết thương sau khi bị trật khớp này. Bạn nên làm những việc như sau:

- Xoa và uống thuốc bổ trợ khớp đều đặn theo chỉ dẫn. Không dùng những loại thuốc lạ nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

- Ngay sau khi vừa tháo băng hoặc mới hồi phục, bạn không nên trở lại chơi bóng ngay, mà phải kiên trì ngừng chơi trong thời gian quy định của bác sĩ. Vì khi đó các khớp mới lành lại và chân còn yếu, nên có thể bị tái phát trở lại nếu bạn bắt chúng đương đầu với những cú va chạm mạnh.

cach-so-cuu-khi-bi-trat-khop

Bạn cũng nên đến bệnh viện để các bác sỹ kiểm tra lại vết thương

- Đồng thời tránh tối đa các lực tác động mạnh lên khớp chân bằng cách giảm hoạt động thường ngày, tránh đạp xe hoặc va chạm phải các đồ vật trong nhà…

- Nếu bị đau trở lại hoặc vết thương sưng tấy lên thì cần đến gặp bác sĩ để được khám lại và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa tình trạng trật khớp gây đau đớn, bạn nên:

- Chọn lựa các môn thể thao phù hợp với sức khỏe để tránh tình trạng quá sức. Nếu bạn thích chơi các môn thể thao mạnh, có sự va chạm, nguy hiểm cho xương khớp, bạn nên trang bị bảo vệ cho các khớp xương dễ gặp nạn.

- Khi đã bị trật khớp một lần bạn cần hết sức lưu ý vì khớp rất dễ bị trật lại. Để tránh trật khớp tái diễn, nên chọn những môn thể thao như: đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, và vận động nhẹ vì nó tốt cho các khớp xương của bạn hơn.

Theo Webphunu.net

Vì sao chân bị sưng phù bất thường?

Chân phù lớn là triệu chứng của khá nhiều bệnh đó bạn ạ!

Chào bác sĩ,

Khoảng vài tuần trở lại đây, em tự nhiên rất hay bị sưng nhẹ ở mu bàn chân. Ban đầu tình trạng này chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ hoặc cùng lắm là kéo dài trong nửa ngày thì sẽ tự hết. Nhưng không hiểu sao vài hôm gần đây, em bị sưng phù lan sang cả các ngón chân, những lúc như vậy thấy da ở vùng sưng rất căng, ấn vào thì cảm giác da lõm xuống và hơi tức tức khó chịu. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!(seeb…@yahoo.com).

vi-sao-chan-bi-sung-phu-bat-thuong

Trả lời:

Chào em,

Sưng phù nề (hay phù thũng) có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của cơ thể nhưng thường được nhận thấy nhất vẫn ở bàn tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân.

Phù xảy ra khi mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ thể bị rò rỉ dịch. Khi đó, thận bắt đầu giữ lại nhiều natri và nước hơn bình thường để bù cho các chất lỏng bị mất. Điều này làm tăng lượng nước lưu thông trong cơ thể, gây ra các mô bị sưng lên.

Nguyên nhân của các trường hợp phù nhẹ có thể do:

- Ngồi hoặc ở trong một vị trí lâu.

- Ăn quá nhiều thức ăn mặn.

- Dấu hiệu và triệu chứng tiền kinh nguyệt.

- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm: thuốc giãn mạch, đối kháng calcium, chống viêm không steroid (NSAIDs), estrogen…

Tuy nhiên, phù nề cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn như:

- Suy tim sung huyết: Khi một hoặc cả hai buồng tâm thất mất khả năng bơm máu hiệu quả, máu có thể giữ lại trong chân, mắt cá chân và bàn chân, gây phù nề.

- Xơ gan: Bệnh tạo sẹo trong gan, cản trở chức năng gan, gây ra những thay đổi về hormone và hóa chất điều tiết chất dịch trong cơ thể cũng như làm tăng áp suất trong mạch máu lớn (cổng tĩnh mạch), trong đó mang máu từ ruột, lá lách và tuyến tụy vào gan. Những vấn đề này có thể dẫn đến chất lỏng tích tụ ở chân và ổ bụng (cổ trướng).

- Bệnh thận: Khi bị bệnh thận, thận có thể không loại bỏ đủ chất lỏng và natri trong máu. Nước dư thừa và natri tăng áp lực trong mạch máu gây phù nề.

- Suy tĩnh mạch: là tình trạng van trong các tĩnh mạch ở chân bị suy yếu hoặc bị hư hỏng, không thể bơm đủ máu trở lại tim. Máu còn lại tăng áp lực trong các tĩnh mạch, gây phù.

- Thiếu hệ thống bạch huyết: Hệ bạch huyết giúp cơ thể làm sạch chất lỏng dư thừa từ các mô. Nếu hệ thống này bị hư hỏng hoặc do phù bạch huyết xảy ra vì một căn bệnh nào đó như ung thư, nhiễm trùng… thì chúng sẽ không hoạt động chính xác, dẫn đến phù nề.

Nếu không chữa trị kịp thời, phù nề có thể gây ra các biến chứng:

- Căng da, có thể trở nên ngứa và khó chịu.

- Tăng nguy cơ lây nhiễm trong khu vực bị sưng.

- Sẹo giữa các lớp của mô, gây xơ mô.

- Giảm lưu thông máu và tính đàn hồi của động mạch, tĩnh mạch, khớp, cơ bắp.

- Tăng nguy cơ viêm loét da.

Xác định và điều trị nguyên nhân cơ bản của phù nề là chìa khóa để có hiệu quả kiểm soát nó. Các biện pháp tự chăm sóc cùng với thuốc loại bỏ nước thừa thường có hiệu quả cao trong điều trị phù nề.

Rất đáng tiếc những gì em mô tả trong thư quá chung chung, không rõ ràng nên bác sĩ Mèo chưa thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra chứng phù nề trong trường hợp của em.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám và làm các xét nghiệm cần thiết để nhận được phác đồ điều trị thích hợp nhất cho tình trạng của mình.

Ngoài ra, em cũng nên thực hiện những điều sau để khắc phục triệu chứng của bệnh:

- Hạn chế muối trong chế độ ăn uống để giảm giữ nước.

- Di chuyển và sử dụng các cơ bắp ở phần của cơ thể ảnh hưởng bởi phù nề có thể giúp bơm chất lỏng dư thừa ra.

- Nâng cao các phần cơ thể bị ảnh hưởng trong khi ngủ như kê cao chân.

- Massage vùng bị ảnh hưởng nhưng không gây đau, áp lực có thể giúp di chuyển trong chất lỏng dư thừa của khu vực đó.

- Tránh tắm nước nóng trong bồn tắm và phòng tắm hơi.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Theo TTVN.vn

Nguyên nhân gây đau ở gót chân

Gót chân là một phần rất nhỏ của cơ thể của chúng ta nhưng khi bị đau ở gót chân thì có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Bạn có biết rằng, đau gót chân không chỉ đơn thuần chỉ là những cơn đau ở chân mà nó còn có thể liên quan đến các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, thậm chí là do sự tắc nghẽn trong cơ thể gây ra. Nếu muốn biết thêm về triệu chứng đau gót chân và nguyên nhân gây ra chúng, bạn hãy tham khảo bài viết sau đây nhé.

nguyen-nhan-gay-dau-o-got-chan

Gót chân là một phần rất nhỏ của cơ thể nhưng khi bị đau ở gót chân thì có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Ảnh minh họa

Các triệu chứng thường gặp khi bị đau gót chân

Đau ở gót chân là một triệu chứng rất phổ biến, có thể xảy ra với mọi lứa tuổi, đặc biệt là với những người ở độ tuổi trung niên trở lên.

Đau gót chân thường bắt đầu với những cơn đau nhẹ ở một bên chân và nếu không được điều trị nhanh chóng, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Đau gót chân có thể kéo theo phù chân, cơn đau lan rộng sang các khu vực khác quanh mắt cá chân.

Một số người bị đau gót chân còn cảm thấy vô cùng đau đớn khi đứng dậy và bước đi hoặc sau khi ngồi hoặc nằm xuống. Một số người khác lại có thể cảm thấy đau buốt khi đứng quá lâu.

Tuy nhiên, hầu hết những người bị đau gót chân đều cảm thấy không đau khi ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Nguyên nhân gây đau ở gót chân

1. Yếu thận

Theo Đông y, thận có mối liên hệ tới gót chân, thậm chí lưu thông từ thận còn chuyển xuống khắp bàn chân, cung cấp các chất dinh dưỡng để nuôi xương. Khi thận bị suy yếu, năng lượng của thận không đủ để cung cấp máu tới chân, hậu quả kéo theo là bàn chân và gót chân bị đau. Cơn đau này sẽ tăng lên nếu bạn đứng hoặc đi bộ lâu và sẽ giảm đi nếu bạn để cho chân được nghỉ ngơi.

Ngoài đau gót chân, thận yếu còn có thể gây ra các triệu chứng sau đây: thiếu năng lượng cho cơ thể, đau lưng dưới, chân yếu, khó nhấc chân, đi tiểu thường xuyên vào ban đêm, thức dậy sớm, trí nhớ kém, ham muốn tình dục giảm, mãn kinh sớm…

Để giảm cơn đau gót chân cũng như đau ở các bộ phận khác trong cơ thể, bạn cần:

- Bảo vệ lưng khi làm những việc như tập thể dục, đi bộ, làm việc…

- Để cho lưng, chân được nghỉ ngơi sau khi thực hiện hoạt động nặng hoặc làm việc trong thời gian dài.

- Đảm bảo bạn có một giấc ngủ tốt, đặc biệt là vào buổi sáng sớm.

- Ăn những thức ăn giúp năng lượng cho thận như canh xương thịt bò, tôm, sò, đậu nành hay đậu phụ…

nguyen-nhan-gay-dau-o-got-chan

Đau ở gót chân là một triệu chứng rất phổ biến, có thể xảy ra với mọi lứa tuổi. Ảnh minh họa

2. Lưu thông máu kém

Đây cũng là một nguyên nhân rất phổ biến gây ra tình trạng đau ở gót chân. Nó thường được kết hợp với một vết thương cũ có thể đã xảy ra ở phần dưới của cơ thể (ví dụ như ở thắt lưng, hông, chân… ). Nếu chấn thương này không được điều trị hiệu quả triệt để, nó có thể gây ra tình trạng lưu thông máu kém, thậm chí là tắc nghẽn lưu thông trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu đến gót chân, gay đau ở gót chân.

Nếu bị đau gót chân do tắc nghẽn lưu thông máu trong cơ thể, cơn đau sẽ tăng lên lúc bạn đứng dậy sau khi ngồi hoặc nằm xuống sau khi đứng lâu. Trong trường hợp nặng, cơn đau có thể xuất hiện ở toàn bộ gót chân chứ không phải tại một điểm nào đó.

Để khắc phục tình trạng đau gót chân do lưu thông máu trong cơ thể kém, bạn cần:

- Chữa trị các vết thương cũ trong khi đang điều trị đau ở gót chân.

- Tập thể dục thích hợp cho phần dưới của cơ thể để cải thiện lưu thông và ổn định nguồn cung cấp máu đến gót chân.

- Tránh đứng trên sàn nhà/bề mặt lạnh với đôi chân trần.

- Ngâm chân trong nước ấm 20 phút mỗi ngày khi bị đau.

Ngoài 2 nguyên nhân chính nói trên, một số yếu tố khác cũng có thể góp phần gây ra tình trạng đau ở gót chân, bao gồm: Nhiễm trùng ở chân, đứng lâu hoặc đi bộ nhiều với đôi giầy không thoải mái…

Nếu đã áp dụng các cách đơn giản mà sau 1 tháng tình trạng đau ở gót chân vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi khám để được điều trị tích cực và hiệu quả nhất.

Theo TTVN.vn