Lưu trữ cho từ khóa: dân tộc

Hoạt động vì cộng đồng “Xuân yêu thương”

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón xuân, các học sinh của hệ thống trường dân lập Quốc tế Việt Úc không quên hướng đến cộng đồng, với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa gắn với thông điệp “Sẻ chia hạnh phúc” nhằm nhân rộng niềm vui đón Tết cho các bạn nhỏ đồng trang lứa có hoàn cảnh kém may mắn hơn.

Kết chặt vòng tay, hòa chung nụ cười (thăm trường chuyên biệt Cần Thạnh, Cần Giờ) (Ảnh được cung cấp bởi trường Việt Úc)

Các “sứ giả nhân ái” của trường Việt Úc mang yêu thương theo hành trình đến với các trường học ở vùng sâu vùng xa của thành phố, các mái ấm và tổ chức từ thiện – nơi rất cần sự hỗ trợ về vật chất và trên hết là tinh thần, tấm lòng sẻ chia. Trước đó, các học sinh cùng nhà trường đã tham gia thực hiện những chương trình sáng tác nghệ thuật và vui hội xuân nhằm kêu gọi sự quyên góp để thu về nhiều vật phẩm cùng với số tiền bán tranh từ cuộc thi vẽ “Sắc màu cuộc sống” nhằm chuẩn bị cho những chuyến đi “Sẻ chia hạnh phúc”.

Chuyến đi đầy ắp nghĩa tình của các học sinh cơ sở Hoàng Văn Thụ (Di Linh – Lâm Đồng) (Ảnh được cung cấp bởi trường Việt Úc)

Khởi đầu với chuyến ghé thăm các bạn học sinh khuyết tật, chậm phát triển hoặc có gia cảnh khó khăn thuộc trường Chuyên biệt Cần Thạnh (Cần Giờ). Bên cạnh việc trao tặng số tiền 32 triệu đồng cùng một số quần áo, học sinh Việt Úc và các bạn nhỏ tại đây đã có một buổi giao lưu thân tình vui vẻ, cùng chuyện trò, ca hát vui đùa hay đầy hào hứng trước các tiết mục ảo thuật do nhà trường thực hiện. Tiếp nối chuỗi hoạt động cộng đồng, các học sinh của các cơ sở thuộc hệ thống trường đã thực hiện những chuyến đi riêng biệt như hành trình đến với chùa Di Đà (Di Linh, Lâm Đồng) của cơ sở Hoàng Văn Thụ để tặng quà cho trẻ em nghèo tại nhà trẻ buôn Đăng Đừng và 100 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ, trường tiểu học Liên Trung (Củ Chi), cô nhi viện Chùa Kỳ Quang và chùa Bồ Đề Đạo Tràng. Cơ sở Lê Quý Đôn thăm và gửi tặng nhu yếu phẩm đến mái ấm Tâm Đức (quận 4).

Chuyến đi của sự quan tâm sẻ chia (thăm các bạn nhỏ mồ côi, khiếm thị tại mái ấm Như Nghĩa - Cơ sở Phan Xích Long) (Ảnh được cung cấp bởi trường Việt Úc)

Thêm vui, thêm xuân gửi đến Mái ấm Tâm Đức (Cơ sở Lê Quý Đôn) (Ảnh được cung cấp bởi trường Việt Úc)

Cơ sở Phan Xích Long ghé thăm và tặng quà cho các bạn nhỏ mồ côi, khiếm thị tại mái ấm Như Nghĩa và còn rất nhiều các chuyến đi khác trước thềm năm mới của cơ sở Ba Tháng Hai ghé thăm trường Hy Vọng (quận 6), trường khuyết tật dân lập Đa Thiện (quận 7), chùa Từ Hạnh (quận Bình Tân). Cơ sở Trần Cao Vân thăm và giao lưu cùng trường tiểu học Liên minh Công Nông (Củ Chi). Cơ sở Cách Mạng Tháng Tám đến với trường chuyên biệt Ánh Dương (quận 12)… Chắc hẳn qua những hoạt động vì cộng đồng kết nối tinh thần sẻ chia yêu thương này, các em học sinh không chỉ mở rộng thêm thế giới quan mà còn đọng lại những cảm xúc rất thật về các giá trị sống – giá trị của tình yêu thương, sự tôn trọng, tính giản dị và khiêm tốn…

Cảm xúc đong đầy nơi các học trò Việt Úc sau chuyến đi (Ảnh được cung cấp bởi trường Việt Úc)

Có được mái ấm gia đình, điều kiện học tập thuận lợi và sống trong tình thương yêu nhưng vẫn biết quan tâm và chia sẻ đến xã hội bằng những hành động thiết thực là điều nhà trường mong muốn trong việc giáo dục nhân cách và lối sống cho học sinh mình. Và các thế hệ học sinh trường Việt Úc sẽ luôn tiếp nối truyền thống này bên cạnh việc học tốt, chăm ngoan để mãi là niềm tự hào của nhà trường và gia đình.

Xem thêm thông tin của trường tại www.vas.edu.vn

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Tết ta chỉ nên ít ngày

GS-TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu TW cho rằng, nên kéo dài nghỉ Tết Tây, còn Tết ta chỉ nên nghỉ 1-2 ngày. Làm vậy, cũng “đừng sợ đánh mất bản sắc dân tộc!”.

Đề xuất của GS. Võ Tòng Xuân: ăn Tết ta theo dương lịch, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trao đổi. Dưới đây là bài viết của GS-TS Nguyễn Anh Trí, anh hùng lao động, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu TW.

GS-TS Nguyễn Anh Trí viết:  Qua theo dõi những ý kiến, chúng tôi thấy những ý kiến phản đối tập trung chủ yếu nhất là sợ bị đánh mất bản sắc dân tộc, sợ bị Tây hóa. Dù có thể dưới cách biểu thị từ tốn, bình tĩnh hoặc dưới cách biểu thị bực bội, nóng nảy, tôi nghĩ tất cả ý kiến các quý vị đều có lý và thể hiện tình cảm sâu sắc với dân tộc, với đất nước. Xin được trân trọng cảm ơn! Như vậy chúng ta cùng chung tình cảm đấy chứ! Tuy nhiên, tôi xin phép được bàn luận thêm như sau:
GS Nguyễn Anh Trí: 'Đừng sợ mất bản sắc dân tộc'

tet
Dịp Tết tây nghỉ dài ngày, còn Tết ta nên co ngắn ngày nghỉ.

1. Chúng tôi đề xuất nghỉ dài hơn vào Tết dương lịch (vào dịp từ 26-12 đến 5-1 năm sau), còn nghỉ Tết âm lịch ngắn hơn, (vào dịp từ 30 tháng Chạp đến mùng 1 hoặc 2 tháng Giêng). Cần lưu ý là chúng tôi dùng từ “vào dịp”  và có nói là dài ngắn mấy ngày là do Nhà nước quy định cho hợp lý.

Năm nay chúng ta đang được nghỉ làm 2 lần: Tết dương 4 ngày và Tết âm 9 ngày kể cả nghỉ bù. Đề xuất của chúng tôi cũng như vậy, chỉ khác về số ngày nghỉ Tết âm và nghỉ Tết dương là khác với cách nghỉ Tết hiện nay.

2. Chúng tôi cũng đề nghị không bỏ đi, mà phải giữ gìn, phát huy tất cả những gì thuộc về “cổ truyền” của chúng ta, như các ngày giỗ chạp của gia đình, dòng họ, làng xã, ngày Giỗ tổ Hùng Vương…tất cả đều diễn ra bình thường.

Đón giao thừa vào Tết âm, hay Tết dương tùy theo từng gia đình, miễn sao đầm ấm, linh thiêng là được. Tết ông Công, ông Táo xin cứ làm đúng ngày 23 tháng Chạp (lâu nay các mẹ, các chị vẫn làm mà có phải đợi Nhà nước cho nghỉ đâu nào!).

3. Có ý kiến cho rằng, dịp Tết dương lịch chưa có tiết Xuân? Tôi không là chuyên gia về vấn đề này, nhưng tôi thấy “tiết Xuân” là một khái niệm rộng. Nó khác nhau ở từng quốc gia, từng vùng miền, và cả với từng năm nữa.

Lịch thì có ghi một ngày nào đó cố định, nhưng trên thực tế nhìn vào cây cối: Có năm ra hoa chính xác, có năm muộn hơn, có năm sớm hơn. Xin cứ xem cây nhãn, cây vải, cây cau, cây khế… thân thuộc ngay trong vườn nhà mình mà xem.

Người miền Bắc sợ không có cái rét tháng Giêng, sợ nấu thịt đông không được… Xin thưa, năm nào mà ở miền Bắc không lạnh vào từ đêm Noel! Ví dụ năm nay, Tết dương lịch miền Bắc lạnh lắm rồi đấy chứ.

Bây giờ tôi ngồi viết những dòng chữ này, chưa đến Tết âm lịch mà miền Bắc đã lạnh từ 15 đến 5 độ đây này. Còn thịt đông, tôi thấy bây giờ không đợi đến Tết mới có; mà do biết cách nấu và có tủ lạnh thì hầu như lúc nào cũng nấu được đấy thôi!

Mặt nữa, tiết xuân thì chủ yếu là thụ hưởng qua cảm nhận từ sắc trời, cây cối, hoa lá, gương mặt người, hình ảnh của quê hương, đất nước… Tất cả những cái đó đều thực hiện được khi đang làm công việc khác. (Có ai ngồi một chỗ nào đó để  ngắm và thụ hưởng “tiết Xuân” suốt vài ngày đâu!).

Còn hoa đào, hoa mai? Ai cũng thấy, không phải năm nào cây cũng nở đúng vào dịp Tết âm lịch! Với lại bằng kỹ thuật bây giờ, những người trồng hoa có thể cho hoa nở vào bất cứ dịp nào mình muốn cơ mà!

4. Có một ý kiến rất hay, cho rằng cần phân biệt 2 khái niệm “nghỉ Tết” và “ăn Tết”. Đây là 2 khái niệm mà chúng ta cần thấy có thể xảy ra đồng thời, có thể xảy ra không đồng thời. Trước đây, đất nước còn khó khăn, kinh tế còn hạn hẹp, nên thông thường chỉ ăn Tết khi nghỉ Tết. Còn nay thì nhiều gia đình đã ăn (như) Tết ngay cả những ngày không phải là Tết.

Cụ thể như bánh chưng, bánh tét, mứt gừng… lúc nào mà không có? Như vậy thì vấn đề này không còn là quá lớn nữa rồi! Mặt nữa, có lẽ nên đưa thêm những khái niệm không mới nhưng có lúc chúng ta không chú ý, đó là “thưởng thức Xuân” và “chơi Xuân” nữa. Những năm qua, với sự phát triển của dân trí, nhân dân ta đã biết thưởng thức Xuân hơn, và nhờ sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước nên chúng ta cũng có nhiều thời gian để chơi Xuân hơn. Chỉ mong sao khi chơi Xuân nhớ bảo vệ sức khỏe đừng lãng phí thời gian.

5. Có ý kiến cho rằng “…tại sao không nghĩ cách để Tết cổ truyền của Việt Nam được quảng bá ra thế giới”. Đây là một ý kiến mới và rất táo bạo! Tôi nghĩ, nếu mình giữ gìn được, nếu chúng ta biết cách phát huy, làm đẹp nó lên bằng những hoạt động có giá trị văn hóa… biết đâu có ngày được UNESCO đồng ý đấy chứ! Năm qua, chúng ta rất vui vì “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng ta có quyền hy vọng điều tương tự nếu làm tốt việc giữ gìn và phát huy bản sắc của Tết âm lịch Việt Nam ta!

6. Cũng cần nói thêm, tôi hiểu sâu sắc sự bức xúc của một số người khi nêu ra vấn đề này: vì sự thay đổi đó làm thay đổi một số truyền thống, những thói quen, những hành vi của chúng ta. Ít hay nhiều là tùy người, tùy gia đình, tùy dòng họ… Và  cũng xin tiết lộ thật là, điều đó cũng có ảnh hưởng ngay cả cho bản thân tôi, vì ngày giỗ hai cụ thân sinh tôi cũng đúng dịp Tết âm lịch!. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nghĩ lại, đâu là lợi ích đại cục của một quốc gia, của sự phát triển mang lại no ấm, phồn vinh cho đất nước thì tôi tin rằng chúng ta sẽ sẵn sàng vào cuộc, sẵn sàng thay đổi.

Vậy cho phép tôi nói lại, chúng tôi chỉ đề xuất ý kiến điều chỉnh về thời gian để phù hợp với xu thế hiện tại và nhằm để hội nhập cho đất nước phát triển thôi. Và qua phân tích ở trên cho thấy chúng ta có đủ điều kiện để không đánh sắc mất bản sắc dân tộc.

Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, khi đất nước trở nên mạnh giàu hơn, với tình cảm sâu nặng về bản sắc dân tộc, như các quý vị bày tỏ, thì bản sắc ngày xuân Việt Nam chắc chắn sẽ được bảo tồn hơn và sẽ trở nên đẹp hơn bao giờ hết.

(Theo VTC News)

Dấu hiệu có khiếu của trẻ 5 – 8 tuổi

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một đứa trẻ có thể vừa có năng khiếu lại vừa rất chậm chạp. Nhiều thiên tài khi còn nhỏ còn bị coi là “hơi khù khờ”. Tuy nhiên một số dấu hiệu sau đây cũng gợi ý cho bạn phần nào xem con mình có khiếu không:

Có thể con của bạn có khiếu nếu bé:

- Suy nghĩ trừu tượng. Nghĩa là cháu có khả năng nắm bắt những khái niệm ngôn ngữ học và toán học cao hơn và có khả năng bàn luận những vấn đề phức tạp như đạo đức học, luân lí và tôn giáo.

- Có tài đặc biệt như khả năng thực hiện các phép tính toán học trong đầu, hoặc hiểu được các khái niệm như toán nhân trước khi được dạy ở trường.

- Có khả năng tập trung cao độ vào một hoạt động nào đó với thời gian dài.

- Có vốn từ phong phú và hiểu được nhiều từ không đặc trưng dành cho những trẻ cùng tuổi.

- Là người lãnh đạo, nghĩa là cháu thường tổ chức các hoạt động nhóm, bày trò chơi khi đi với các trẻ khác.

- Tin tưởng vào những ý kiến và các việc đã làm của mình.

- Thực hiện tốt các lĩnh vực học thuật.

- Có tính sáng tạo, nghĩa là thích kể chuyện, vẽ hoặc soạn nhạc.

- Có óc khôi hài và nhanh trí.

- Thích tiêu khiển với những trẻ lớn hơn và người lớn

- Thực hiện những công việc học thuật mà hai năm đầu của cấp học đòi hỏi.

- Nhạy cảm với tình cảm của người khác.

- Ghi nhớ các sự việc một cách dễ dàng và có thể nhớ lại và kể lại những sự việc đó vào những lúc thích hợp.

Kiểm tra năng khiếu của trẻ

Có lẽ bạn rất muốn biết liệu con bạn có năng khiếu thật sự hay không. Thế nhưng hầu hết trẻ em không cần kiểm tra năng khiếu trước khi bước vào bậc tiểu học.

Nếu con bạn đã đến tuổi đi học, hãy nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm, nhờ chú ý đến em kỹ hơn. Nếu con bạn có những biểu hiện chán đi học hay có những vấn đề trong đời sống tình cảm và xã hội thì nên hỏi ý kiến một chuyên gia sức khỏe và tinh thần.

Nếu con bạn không được vào học ở trường hay trường học không như ý muốn của bạn, hãy hỏi các nhà tư vấn để được giới thiệu một nhà tâm lý học trẻ em, người có thể đưa ra những bài trắc nghiệm sự thông minh của trẻ. Việc trắc nghiệm cá nhân thường rất đắt (làm kiểm tra và việc thảo luận kết quả điều tra ở Mỹ có thể mất đến 1000 đô la). Ở TP. HCM, bạn có thể làm trắc nghiệm cho con mình tại Trung tâm tư vấn 43 Nguyễn Thông, quận 3, điện thoại (08) 932 5111. Giá mỗi lần trắc nghiệm là 75.000 đồng, phải đăng ký với Trung tâm trước ít nhất là 2 ngày.

Trẻ em khoảng 3 tuổi có thể được kiểm tra về khả năng và chỉ số thông minh, nhưng các chuyên gia tin rằng kết quả các đợt kiểm tra chỉ số thông minh thu được trước 5 tuổi thường không ổn định. Ðiều đó nghĩa là, nếu một đứa trẻ trước 5 tuổi được kiểm tra chỉ số thông minh lại thường xuyên, điểm của chúng có thể dao động, không ổn định. Nhiều năm trước, trẻ em có chỉ số thông minh trên 130 được xem như có tài (mức độ thông minh trung bình là 85 đến 115). Hiện nay, chỉ số thông minh là một trong nhiều yếu tố để đánh giá trước khi một đứa bé được công nhận là có năng khiếu. Các bậc phụ huynh và giáo viên thường được yêu cầu nói lên ấn tượng của họ về đứa trẻ, và những ý kiến chủ quan này cũng được xem là quan trọng trong việc kiểm tra năng khiếu cho trẻ.

Khi năng khiếu khó nhận thấy

Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng một đứa trẻ có thể vừa có năng khiếu lại vừa rất chậm chạp. Nhiều thiên tài khi còn nhỏ còn bị coi là “hơi khù khờ”. Quan trọng là bạn giáo dục con mình như thế nào nữa!

Trên thế giới, ở một số dân tộc ít người còn duy trì những sinh hoạt văn hóa truyền thống và ở một số nước sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ phụ, năng khiếu của trẻ em thường bị lãng quên. Nước ta cũng mới chỉ đi những bước đầu trên lĩnh vực này. Cho nên, nếu có phát hiện năng khiếu lạ nơi con bạn, tốt hơn hết là tìm một giáo viên gần gũi với em để quan sát và tìm ra những năng khiếu đặc biệt của trẻ mà qua những bài kiểm tra thông thường chúng không thể bộc lộ được. Nếu có điều kiện cũng nên tìm một nhà tâm lý học nhạy cảm với các vấn đề này.

Nhưng trên hết, bạn hãy luôn cho con mình cảm thấy được yêu thương!