Lưu trữ cho từ khóa: đại tiểu tiện

Ði chợ, tìm mua rau bợ

Rau bợ hay còn gọi là cỏ bợ, cỏ tần, tứ diệp thảo, điền tự thảo, dạ hợp thảo… là một loại rau dại mọc khắp nơi trên đất nước ta, tập trung nhiều ở ao, mương, hồ và đầm lầy. Theo Đông y cỏ bợ có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn vào kinh tâm, tỳ; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc... Chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc từ rau bợ.

Bài 1: Rau bợ 20g, lá sen non 30g tất cả nấu canh ăn hằng ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, mát can thận, an thần hạ áp, trị sang nở, rôm sảy, mày đay, rối loạn chuyển hoá chức năng gan…

Bài 2: Cỏ bợ 30g, thiên hoa phấn 10g, hoài sơn 50g. Cỏ bợ và thiên hoa phấn sắc kỹ lọc lấy dịch chiết rồi cho hoài sơn vào nấu cháo. Bài thuốc có tác dụng kiện tỳ, lợi vị, kích thích tuyến tuỵ tiết insulin, ức chế hấp thu đường của tế bào, đồng thời làm chậm quá trình tổng hợp, lên men và đường hóa của tế bào, giúp cơ thể ổn định đường huyết, làm giảm cảm giác thèm ăn ở người tiểu đường. Thích dụng cho những người rối loạn chuyển hoá đường, tiểu đường, ăn uống kém…


Cây cỏ bợ.

Bài 3:

Cỏ bợ 50g, rau muống 50g tất cả đem nấu canh, dùng trong 7 - 10 ngày hoặc đến khi hết phù. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giảm viêm, lợi niệu, tiêu phù, thích dụng trong các trường hợp phù viêm thận cấp và mạn tính, viêm bàng quang, phù do suy tim, phù do tỳ trợ vận kém …

Bài 4: Cỏ bợ 100-200g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt uống liên tục 7- 10 ngày có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, cường thận, mạnh bàng quang, thông niệu đạo, bài sỏi. Thích dụng cho các trường hợp mắc sỏi thận, sỏi bàng quang và niệu quản, trị tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu không thông trong viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu, mẩn ngứa, mày đay, rôm sảy…

Bài 5: Cỏ bợ  50-100g, lá sen non 30g, cỏ nhọ nồi 20g, tất cả sơ chế đem xào hoặc nấu canh ăn 5-10 ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết giải thử, bền vững thành mạch, chống xuất huyết. Thích dụng cho những người chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, suy tĩnh mạch chi, rong kinh, phiền nhiệt, háo khát… Ngoài ra có thể vắt lấy nước cốt uống hằng ngày.

Bài 6: Rau bợ 30-50g, lá vông non 20g, tất cả đem nấu canh ăn 5-7 ngày, bài thuốc có tác dụng  nâng cao chính khí, an thần gây ngủ, thư giãn thần kinh, nhuận tràng. Thích dụng trong các trường hợp: suy nhược thần kinh, làm việc trí óc căng thẳng, đau đầu mất ngủ, táo bón, trĩ nội, trĩ ngoại…

Bài 7: Cỏ bợ 200-300g, rau rửa sạch thái nhỏ, cua đồng 200g, đem sơ chế giã lọc lấy nước cốt. Tất cả đem nấu canh ăn hằng ngày, bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, an thần, bồi bổ cơ thể, kích thích quá trình tổng hợp, phát triển, tái tạo tế bào xương. Tốt cho những người gãy xương, loãng xương, trẻ em còi xương, chậm phát triển chiều cao, thiếu canxi, mới ốm dậy, suy nhược cơ thể…

Chú ý: Rau bợ mọc sâu dưới bùn đất nên khi thu hái chỉ lấy phần thân và lá non, rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng cho bớt đi vị tanh của bùn. Hơn nữa do rau có tính hàn nên những người tỳ, vị hư nhược hay tỳ thận dương hư có các biểu hiện như lạnh bụng, đi ngoài phân lỏng, ăn uống tích trệ, ậm ạch khó tiêu, chân tay lạnh không nên dùng.

Lương y Chu Văn Tiến

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Rau mùi làm thuốc

Nhiều loại rau mùi là dược liệu tốt cho sức khỏe nếu chúng ta biết kết hợp với một số cây lá khác trong vườn nhà.

Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta thường sử dụng nhiều loại rau mùi khác nhau, mùa nào thức ấy giúp cho ngon miệng.

Bạc hà: Là loại rau được sử dụng trong nhiều món ăn. Bạc hà có vị cay mát, thường dùng để chữa cảm mạo, phong nhiệt, nhức đầu, viêm họng, đầy bụng do tích thực, đau mắt đỏ, mẩn ngứa, viêm loét miệng... Để chữa đau mắt đỏ thì dùng lá bạc hà và lá dâu, mỗi thứ 12 g, nấu nước xông mắt ngày 2 – 3 lần. Để chữa cảm mạo phát sốt,  dùng 12 g lá bạc hà; lá tía tô, kinh giới, củ tóc tiên (thiên môn), mỗi loại 10 g; cam thảo dây 6 g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ở các chợ thôn quê cũng như thành thị đều có bán rất nhiều loại rau mùi - Ảnh: Hồng Thúy

Dấp cá: Là loại rau không thể thiếu khi ăn thủy hải sản, còn gọi là ngư tinh thảo. Dấp cá có vị cay, chua, hơi tanh, tính mát, có tác dụng tán nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng (phù). Để chữa viêm phế quản dùng lá dấp cá, cam thảo đất, mỗi thứ 20 g. Sắc đặc uống ngày 1 thang. Để chữa ho gà, lấy lá dấp cá tươi 50 g, nấu đặc uống hằng ngày.

Húng quế: Còn có tên là húng chó, húng dổi. Đây là thứ rau không thể thiếu khi ăn lòng heo, thịt chó, thịt vịt... Húng quế có mùi thơm đặc biệt, vị hơi cay, tính ôn; có tác dụng kích thích tiêu hóa, sát khuẩn. Thường được đông y dùng để phòng ngừa và trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Để chữa viêm họng, dùng 20 g húng quế, 6 g rẻ quạt, 5 lát gừng tươi, sắc uống ngày 1 thang. Để chữa đầy bụng khó tiêu  dùng 20 g húng quế, gừng nướng 5 lát, sắc uống nóng ngày 1 thang.

Lá lốt: Là loại rau không thể thiếu trong các món ốc, lươn, ếch, rắn… Lá lốt có tác dụng làm tan hơi lạnh, trừ thấp, dễ thở, tốt cho tiêu hóa. Để chữa phong thấp, dùng lá lốt, chìa vôi, cỏ xước, gối hạc, bưởi bung, rễ quýt, mỗi thứ 12 g. Sắc uống ngày 1 thang. Để chữa đau nhức tay chân, dùng lá lốt, ngải cứu, mỗi thứ 50 g, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp chườm vào chỗ đau.

Hành hoa: Rất nhiều món ăn có dùng đến hành. Hành hoa có vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng thông dương, hoạt huyết, lợi thủy, giải độc, kích thích tiêu hóa. Đông y dùng hành hoa để chữa cảm mạo phong hàn, đau răng, giun sán, đại tiểu tiện không lợi, nhọt lở, ăn uống khó tiêu. Để chữa cảm mạo phong hàn, dùng hành hoa và tía tô, mỗi thứ 10 g, xắt nhỏ; lòng đỏ trứng gà 2 quả. Nấu cháo loãng, sau đó cho hành hoa, tía tô, lòng đỏ trứng vào đánh đều rồi ăn. Ăn xong, trùm mền cho ra mồ hôi.

Meo.vn (Theo TNO)

Bài thuốc làm đẹp độc đáo từ hoa đào

Theo dược học cổ truyền, hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc, có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thủng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt… Ngoài ra, hoa đào còn được dùng như một loại mỹ dược phẩm độc đáo để làm đẹp làn da cho phụ nữ.
Những bài thuốc độc đáo

* Để trị các vết rám đen ở mặt có thể dùng một số cách sau: Dùng hoa đào 4 phần, bạch dương bì 2 phần và bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g ngay sau bữa ăn. Bài thuốc này có tên gọi là Bạch dương bì tán, được ghi lại trong sách Trửu hậu phương. Hoặc dùng hoa đào tươi 50g, nhân hạt bí đao 50g, hai thứ nghiền nhỏ trộn với mật ong rồi bôi mỗi ngày vài lần lên da mặt. Hoặc dùng hoa đào tươi 250g và bạch chỉ 30g ngâm với 1.000 ml rượu trắng, sau 1 tháng thì dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 ml. Hoặc dùng hoa đào 10g, hoa sen 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

* Phụ nữ muốn có được làn da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng có thể dùng bài thuốc Ngọc nhan tán: hoa đào 200g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 250g, và bạch dương bì (vỏ cây bạch dương) 100g. Các vị đều sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn. Cũng có thể dùng hoa đào tươi 120g ngâm với 500 ml rượu trắng, sau 7 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 10 ml.

Hoa đào

* Danh y Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu cũng đã ghi lại hai phương thuốc dùng hoa đào để làm đẹp da mặt cho phụ nữ. Phương thứ nhất: hoa đào 4 lạng ta, nhân hạt bí đao 5 lạng ta, vỏ quýt 2 lạng ta, tất cả đều phơi khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 đồng cân với nước ấm sau bữa ăn. Muốn da trắng thì thêm nhân hạt bí đao, nếu muốn da đỏ hồng thì thêm hoa đào. Uống 50 ngày thì mặt trắng, uống thêm 50 ngày nữa thì da dẻ toàn thân cũng trở nên trắng trẻo. Phương thứ hai: vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, lấy hoa đào phơi khô, tán bột. Ngày mùng 7 tháng 7 chích lấy máu ở mào con gà, đem trộn với bột hoa đào rồi bôi lên da mặt, sau 2 – 3 ngày màng thuốc bong ra thì da mặt trở nên tươi sáng như hoa.

* Muốn tư âm bổ thận, nhuận da và dưỡng nhan sắc, có thể dùng món ăn: hoa đào 20 bông, tôm nõn 300g, củ cải 150g, hành tây 70g, tương cà chua 50g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoa đào tỉa lấy cánh rửa sạch, củ cải và hành tây rửa sạch thái mỏng, đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho tôm, củ cải, hành tây vào xào với lửa lớn, khi chín cho tương cà chua và gia vị vừa đủ, đổ ra đĩa, rắc cánh hoa đào lên trên, ăn nóng.

* Để trị trứng cá, mụn nhọt trên da mặt, Tuệ Tĩnh khuyên nên dùng hoa đào và nhân hạt bí đao với liều lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột, hòa với mật ong mà bôi; hoặc dùng hoa đào và đan sa với liều lượng như nhau, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 đồng cân (3-4g) vào lúc đói trong 10 – 20 ngày. Ngoài ra, để trị mụn nhọt ở vùng lưng, sách Thánh tễ tổng lục khuyên nên dùng bột hoa đào hòa với giấm đặc mà bôi lên tổn thương nhiều lần trong ngày.

Theo Thanh Niên

Cấp cứu ong đốt

Người bị ong đốt có thể sốc và tử vong chỉ trong vòng 10 phút tới vài giờ. Nếu bệnh nhân không bị sốc nhưng bị trên 10 con ong đốt có thể bị nhiễm độc nặng, cần phải điều trị tích cực. Do đó các trường hợp bị ong đốt cần xử trí cấp cứu rồi chuyển ngay tới bệnh viện mới mong cứu được bệnh nhân. Mùa hè, nhiều hoa nở, đàn ong hoạt động tích cực nên nguy cơ người bị ong đốt tăng lên, vì vậy chúng ta cần cảnh giác đề phòng ong đốt.

Ong nào hay đốt người?

Ong thuộc bộ cánh màng, các loại ong hay đốt người là: ong mật (Apidae), ong bầu (Bombidae), ong bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng (Vespidae ). Riêng ong vàng có thể tự nhiên đốt người, còn các loại ong khác chỉ đốt người khi tổ ong bị quấy rối. Ong mật ngòi có hình răng cưa nên khi đốt, ngòi cắm vào da người, bị đứt ra, phần cơ quanh túi nọc tiếp tục co bóp để tống nọc độc vào cơ thể nạn nhân, chỉ sau 20 giây đã có tới 90% lượng nọc được bơm vào cơ thể nạn nhân. Các loại ong khác do ngòi không có hình răng cưa như ong mật nên khi đốt ngòi còn nguyên vẹn, nên ong có thể đốt nhiều lần.

Sau khi vào cơ thể, các chất trong nọc ong gây ra: phản ứng dị ứng, gây sốc phản vệ có thể làm nạn nhân tử vong nhanh chóng. Làm ngưng kết tiểu cầu và gây tắc mao mạch, tổn thương nhiều cơ quan. Nếu các triệu chứng xảy ra càng nhanh, nguy cơ tử vong càng cao, hầu hết tử vong trong giờ đầu. Những ngày sau, bệnh nhân có thể bị nhiễm độc toàn thân nặng, dễ tử vong nếu không được điều trị tích cực, do tan máu, rối loạn đông máu, viêm gan, tiêu cơ vân, suy thận cấp...
Ong mật khi đốt, ngòi cắm vào da người.

Biểu hiện khi bị ong đốt

Một người bị ong đốt có những biểu hiện: sốc phản vệ là phản ứng nặng của cơ thể nạn nhân xảy ra không phụ thuộc số lượng ong đốt, thay đổi từ nhẹ tới nặng và tử vong. Hầu hết trường hợp sốc phản vệ xảy ra trong vòng 15 phút đầu hoặc trong vòng 6 giờ đầu. Triệu chứng gồm: lúc đầu là ngứa mắt, đỏ mắt, nổi mề đay toàn thân, ho khan. Các triệu chứng nặng lên nhanh chóng với các biểu hiện: bó ngực, co thắt hầu họng, thở rít, khó thở, da tím tái, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rét run và sốt; tiếng rít thanh quản, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ, đờm có bọt máu. Nạn nhân suy sụp rất nhanh và tiến tới suy hô hấp, trụy tim mạch rồi tử vong.

Nhiễm độc toàn thân trong trường hợp bị nhiều ong đốt (trên 10 con),  triệu chứng về tiêu hoá nổi bật hơn: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, sợ ánh sáng và ngất. Có thể có sốt, ngủ gà, co cứng cơ tự nhiên, phù nhưng có mề đay, co giật. Các triệu chứng này thường biến mất sau 48 giờ, nhưng có tổn thương nặng nề ở các cơ quan như: hoại tử gan; suy thận xuất hiện sau 1-2 ngày, do tan máu, tiêu cơ vân, nọc ong còn gây tổn thương ống thận, nếu không được điều trị sớm, tích cực, bệnh sẽ tiến triển thành suy thận cấp vô niệu, kéo dài có thể nhiều tuần đến hàng tháng; tan máu, giảm tiểu cầu, đông máu nội mạch rải rác; tiêu cơ vân ồ ạt khi số lượng vết đốt nhiều.
Một trường hợp sưng phù hai mi mắt do ong đốt.

Xử lí cấp cứu

Sơ cứu tại cơ sở: giảm nọc độc bằng cách lấy ngòi còn lại (ong mật): dùng kẹp gắp, cần làm ngay trong vòng vài giây sau khi bị đốt. Băng ép chi bị đốt, nới 30 giây mỗi 3-5 phút. Không bóp nặn vết đốt vì dễ làm tổn thương nặng thêm. Sát khuẩn vết đốt bằng cồn iốt, ôxy già…, cho nạn nhân uống thuốc kháng histamin, bôi mỡ kháng histamin, corticoid tại vết đốt. Chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện.

Tại bệnh viện: Nếu nạn nhân không sốc cần bảo đảm hô hấp, giảm đau, truyền dịch, kháng histamin, corticoid, adrenalin 1/3mg tiêm dưới da.
Nếu nạn nhân bị sốc: tiêm tĩnh mạch methyl presnisolon 1 ống 40mg. Áp dụng phác đồ xử trí sốc phản vệ do Bộ Y tế đã ban hành: adrenalin 1/3-1mg tiêm dưới da, nhắc lại sau 15 phút cho đến khi huyết áp ổn định. Tiêm adrenalin tĩnh mạch nếu trụy mạch không đáp ứng với tiêm dưới da. Nguy cơ đe dọa tử vong: tiêm 1/3mg, nhắc lại mỗi 10 phút cho đến khi huyết áp tối đa trên  90mmHg thì chuyển sang truyền tĩnh mạch dung dịch đẳng trương, theo dõi huyết áp để điều chỉnh liều kịp thời. Thở ôxy. Khí dung có thể dùng ventolin 2,5mg, nhắc lại sau 5 phút nếu cần. Truyền dịch nâng huyết áp và dự phòng suy thận cấp do tiêu cơ vân. Có thể dùng natriclorua đẳng trương, nếu tụt huyết áp kéo dài có thể truyền các dung dịch cao phân tử. Tiêm phòng uốn ván dùng SAT 1500 đơn vị. Chống suy thận bằng lợi tiểu. Cân bằng nước điện giải.

Nọc ong độc như thế nào?

Nọc ong có các hợp chất gây độc cơ thể người là: melittin có nhiều trong nọc ong, chủ yếu gây đau, có đặc tính hoạt động trên bề mặt tế bào, gây tan máu và làm cho các tiểu cầu ngưng kết với nhau. Men phospholipase A2, sau khi melittin phá hủy màng tế bào, phospholipase A2 gây tan hồng cầu bằng cách tách rời các liên kết trên màng tế bào hồng cầu. Peptide làm thoái hoá các hạt của bạch cầu hạt ưa kiềm, giải phóng histamin. Men hyaluronidase vừa là kháng nguyên, vừa có tác dụng phân hủy acid hyaluronic của tổ chức liên kết, làm cho nọc ong dễ lan tràn trong cơ thể nạn nhân. Apamine là chất độc với thần kinh, tác dụng mạnh trên tủy sống, gây tăng kích thích, co thắt cơ, co giật. Các chất: histamin, serotonin, catecholamin, kinin: gây đau, gây viêm có tính chất hoạt mạch, gây các triệu chứng tại vết đốt, thúc đẩy sự hấp thu các kháng nguyên trong nọc ong. Các chất có hoạt tính tiêu fibrin, ức chế prothrombin và thromboplastin và nhiều kháng nguyên.

ThS. Bùi Thị Hoa
(suckhoe-doisong)

Đông y trị bệnh huyền ung

Theo Đông y, tinh hoàn (âm nang) là ngoại thận. Do ngoại cảm lục dâm, độc tà xâm nhập vào hạ tiêu, ảnh hưởng đến 2 kinh mạch Can và Thận. Khi thấp nhiệt hạ chú ở hạ tiêu làm cho âm nang sưng đau. Hoặc do nằm ngồi lâu ngày ẩm thấp hoặc chấn thương hoặc ăn nhiều chất cay nóng, uống nhiều rượu thấp nhiệt uất kết tại âm nang hoá hoả sưng đau.Bệnh lâu ngày sưng đỏ hoá nùng ảnh hưởng đến đại tiểu tiện và toàn thân. Sau đây là một số bài thuốc điều trị bệnh viêm tinh hoàn (huyền ung) theo từng thể bệnh cụ thể để bạn đọc tham khảo:

Thể thấp nhiệt hạ chú

* Triệu chứng: âm nang nặng tức, sưng nhẹ, ấn đau, bụng dưới đau; Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày. Mạch huyền sác.

* Phương pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, ích khí.

Dùng Quốc lão thang gồm: đại điều thảo (cam thảo loại to có tằm ở lõi) 40g, rượu trắng 400ml + nước 400ml, sắc lọc bỏ bã lấy 150ml. Sắc uống ngày 1 thang, uống ấm, chia đều làm 5 lần, uống liền trong 15 ngày. Sau đó uống tiếp bài Tướng quân thang gồm: đại hoàng 12g, bối mẫu 12g, bạch chỉ 16g, cam thảo tiết 16g. Các vị trên + rượu trắng 500ml + nước 500ml, sắc lọc bỏ bã lấy 180ml. Sắc uống ngày 1 thang, chia đều làm 5 lần.

Thể can kinh uất nhiệt

* Triệu chứng: âm nang sưng to nóng đỏ, da căng bóng, sốt sợ lạnh, miệng khát, buồn nôn, đau đầu, tiểu tiện vàng sẻn hoặc âm nang thành cục cứng, bụng dưới đau tức, tinh thần mệt mỏi. Mạch huyền hoạt.

* Phương pháp điều trị: sơ can, lý khí, hoá ứ, tán kết.

Bài thuốc Long đởm tả can thang, gia vị gồm: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 16g, chi tử 8g, trạch tả 12g, xa tiền 16g, mộc thông 12g, đương quy 12g, sinh địa 12g, sài hồ 16g, cam thảo 4g, quất hạch 12g. Các vị trên + nước 2.000ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.

Gia giảm:

- Nếu thành cục cứng khó tiêu, gia: tam lăng, nga truật, xuyên sơn giáp.

- Nếu cảm giác có thủy dịch, gia: xích phục linh, trạch tả.

suckhoe&doisong

Hoa hòe – Vị thuốc quý trị tăng huyết áp

Đông y gọi hoa hòe là hòe mễ, mễ là hạt gạo, ý nói vị thuốc từ hoa hòe, có kích thước chỉ bằng hạt gạo, nghĩa là còn ở dạng nụ hoa, mới được dùng làm thuốc. Do vậy, ta phải thu hái hoa hòe,  ngay từ khi nó còn là nụ hoa, là như vậy.

Sau khi thu hái hoa hòe, người ta tuốt lấy nụ hoa, nhặt bỏ các cành con và lá còn sót lại, rồi đem sao. Do hoa hòe có giá trị, nên một số người đã làm giả mạo nụ hòe bằng cách, lấy những cành hòe nhỏ, có kích thước gần bằng nụ hoa, đem thái nhỏ, rồi trộn lẫn vào vị thuốc. Do đó đã làm giảm giá trị chữa bệnh của hoa hòe.

Theo YHCT, hoa hòe có vị đắng nhẹ. Tính hơi hàn. Quy kinh can, đại tràng, có công năng lương huyết, chỉ huyết, dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, gây xuất huyết, như chảy máu cam, lỵ, trĩ ra máu, đại tiểu tiện ra máu. Phụ nữ băng kinh, băng huyết. Trên thực tế, hoa hòe có thể sử dụng dưới nhiều hình thưc khác nhau.

Hoa hòe được dùng làm thuốc trong các trường hợp:[/b]

- Cầm máu, ngăn ngừa sự xơ vữa các động mạch… phòng và trị chứng tăng huyết áp, hoặc niêm mạc miệng, lưỡi bị lở loét: có thể dùng hoa hòe sao vàng, hãm uống. Ngày 4 – 6g.

- Với trường hợp hay bị xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết dưới da, dùng hoa hòe sao đen (đem hoa hòe sao nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài hoa có mầu đen, bên trong vẫn còn mầu vàng), hãm với nước sôi, uống ấm, ngày nhiều lần. Có thể phối hợp với một số vị thuốc cầm máu khác, như trắc bách diệp, lá sen, cỏ nhọ nồi,  huyết dụ, địa du, mỗi vị 6g (đều sao cháy), sắc uống, ngày một thang. Uống liền một vài tuần lễ.

Trong Đông y, thường dùng bài cổ phương hòe hoa tán gồm: hòe hoa 12g, trắc bách diệp 12g, kinh giới tuệ 12g, chỉ xác 12g. Phương thuốc này, cho hiệu quả tốt,  đối với các trường hợp xuất huyết: Trĩ huyết, đại tiểu tiện ra huyết, chảy máu cam…, hoặc vừa có ứ huyết vừa xuất huyết: Chấn thương, sưng đau, và chảy máu. Dùng dưới dạng thuốc bột, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 6-8 g với nước ấm.

Hoa hòe còn được dùng để làm thuốc xông hơi và ngâm rửa khi bị trĩ gây đau đớn: hoa hòe, chỉ xác, mỗi vị 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 20g, cho vào nồi, thêm nước sạch, bịt kín nồi bằng lá chuối tươi, đun sôi 10 phút. Chọc một lỗ nhỏ, xông nhẹ vào nơi bị trĩ. Sau đó để nước ấm, rồi ngâm, rửa các búi trĩ, sẽ giảm được đau đớn và nhanh khỏi.
Ngoài hoa hòe ra, người ta còn dùng một số bộ phận khác của cây hòe, cũng dùng làm thuốc như quả hòe, còn gọi là hòe giác, có vị đắng, tính hàn. Quy kinh  can, đại tràng; có công năng thanh can đởm, trừ phong, lương huyết, dùng sắc uống trong các trường hợp tỳ vị nhiệt, chảy nhiều dãi, trị mụn nhọt, phụ nữ bị nhọt vú, hoặc trị tăng huyết áp, trị di, mộng tinh. Hoặc lá hòe, dùng lá tươi, sắc đặc tắm khi bị ngứa, lở, dị ứng. Hoặc đem lá hòe, đồ chín, phơi khô, sắc uống hàng ngày, trị mắt bị mờ.

(suckhoe-doisong)

Thuốc Nam chữa cổ trướng

Bệnh cổ trướng trong y học cổ truyền tức là bệnh xơ gan của y học hiện đại. Xơ gan là do các tổ chức ở gan: tổ chức mô gan, tổ chức liên kết, hệ thống mật quản, tĩnh mạch… mỗi bộ phận này bị tổn thương ảnh hưởng đến toàn bộ tổ chức gan dẫn đến xơ gan bằng hai quá trình: viêm và thoái hóa nhu mô gan và xơ hoá tổ chức liên kết. Căn cứ vào quá trình diễn biến, tình hình nhẹ nặng và đặc điểm lâm sàng, Đông y có các bài thuốc điều trị theo từng thời kỳ:

Thời kỳ đầu: Biểu hiện bụng to, đầy hơi, mắt vàng, gan bàn tay nóng, ăn kém, hay nôn oẹ, có sốt nhẹ, lưỡi nhờn, mạch huyền hoạt. Phép chữa: sơ can kiện tỳ, tiêu tích (làm cho gan thư thái, tỳ vị mạnh và tiêu tức là điều hoà gan và tỳ vị).
Rau má

Dùng Toa căn bản gồm: rau má 20g, lá mơ 16g, cỏ mần trầu 12g, ké đầu ngựa 12g, cỏ mực 12g, củ sả 20g, cam thảo đất 12g, rễ cỏ gianh 16g, vỏ quýt 12g, gừng tươi 12g. Đổ 1 lít nước sắc lấy 400ml chia làm 3 lần uống khi đói và khi đi ngủ.

Nếu táo bón, thêm lá muồng trâu 16g.

Nếu đại tiện lỏng, thêm hoài sơn 16g, biển đậu 16g.

Thời kỳ phúc thuỷ (bụng có nước): Biểu hiện bụng càng ngày càng to hơn, mặt vàng và khô, cơ thể gầy mòn, mỏi mệt, hay ngủ, mặt hốc hác, cầu mắt lõm xuống, xương má gồ lên, đái ít, lưỡi đỏ hoặc có rêu vàng, mạch nhu hoãn hoặc trầm tế huyền sác, dùng bài thuốc sau, uống kèm với toa căn bản. Dùng bài thuốc: hắc sửu (bìm bìm) sao 40g, mộc hương 20g, thanh bì (sao) 16g, bình lang 16g, trần bì (sao) 16g, chỉ thực (sao) 16g, la bạc tử (sao) 20g, rễ cỏ gianh 20g. Các vị sao xong hợp lại sấy (phơi) khô, nghiền thành bột nhỏ mịn, đựng vào lọ kín, mỗi lần dùng 12g chiêu với nước chín, ngày 2 lần uống kết hợp uống thuốc sắc toa căn bản.

Sau 6 giờ sáng và 2 giờ chiều, uống toa căn bản.

9 giờ sáng và 6 giờ chiều, uống thuốc hoàn.

Nếu thấy bệnh nhân cơ thể suy yếu, có thể cho uống thêm bài thuốc bổ sau: Củ mài (hoài sơn) 20g, củ sả 16g, rễ vú bò (sao vàng) 16g, rau má 20g, bố chính sâm (tẩm nước gừng sao) 20g, ý dĩ (tẩm nước gừng sao) 20g, rễ đinh lăng nhỏ lá (tẩm nước gừng sao) 20g. Đổ 600ml nước sắc lấy 300ml chia 2 lần uống.

Thời kỳ sau (bệnh nặng): Biểu hiện bụng to, gân xanh nổi lên, mặt xanh bợt hoặc đen sạm, gầy còm chỉ thũng, sau khi ăn đầy tức không chịu nổi, chân răng chảy máu, đại tiểu tiện bất thường, buồn phiền không yên, quá hơn nữa sẽ toát mồ hôi rồi chuyển vào giật quyết lạnh và hôn mê dẫn đến tử vong.

Thời kỳ này phải kết hợp điều trị bằng phương pháp y học hiện đại.

(suckhoe-doisong)

Công dụng chữa bệnh bất ngờ của hoa cau

Hoa, quả, thậm chí cả rễ của cây cau đều có nhiều tác dụng chữa bệnh rất tốt, từ chán ăn, hen suyễn, ho, sốt rét, táo bón, dạ dày, khó tiêu, trĩ, đến cả …cường dương.

Hoa cau tốt cho dạ dày

Hoa cau: là nụ hoa đực của cây cau, có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng bổ tim, gan, dạ dày, trị ho, thanh nhiệt, thông khí, tán ứ trệ khí ở dạ dày… Trong hoa cau còn có vitamin A, vitamin C và có nhiều chất xơ.

Trị ho, đau tức ngực, tê đau các khớp, chướng khí ở bụng: Lấy 0,5 lạng hoa cau hầm với thịt lợn để ăn

Trị ho, làm tốt dạ dày, bổ tỳ: Lấy 4 lạng hoa cau, 2,5 lạng sườn, muối đủ dùng. Hoa cau cắt đoạn nhỏ, bỏ cuống, ngâm rửa sạch với nước muối, vớt ra để ráo.

Sườn chặt miếng, chần nước nóng, vớt ra để ráo. Cho sườn, hoa cau vào nồi, đổ 4 bát nước ăn cơm rồi đun to lửa đến lúc sôi thì vặn nhỏ lửa, đun tiếp 30 phút rồi cho muối vừa ăn.

Hạt cau: có vị đắng chát, có tác dụng tiêu tích, lợi thủy, thông khí, diệt khuẩn, trị tả lỵ, sốt rét, phù thũng, tê phù.

Trị chứng đại tiểu tiện không thông, táo bón, đau dạ dày: Lấy 0,1 lạng hạt cau, 0,1 lạng mạch tiền đông nấu lên, uống lúc còn nóng.

Trị chứng tê phù, kết đờm: Lấy 0,1 lạng hạt cau đã tán bột pha với nước sôi hay hãm trà uống trong ngày.

Trị chứng khó tiêu, chướng bụng, chán ăn: Lấy 10g hạt cau, 10g sơn tra sắc lấy nước uống.

Trị chứng sốt rét: Lấy 2g hạt cau, 1g thảo quả, 4g cát căn, 6g thường sơn. Cho các vị trên vào nồi, đổ 600ml nước sắc kỹ lấy 200ml nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Trị chứng trĩ, đi ngoài không thông: Lấy 8g hạt cau rừng tán nhỏ, uống với nước nóng lúc đói sẽ có kết quả.

Trị mắc giun sán, đau bụng, ứa nước miếng trong: Lấy 80g hạt cau thái nhỏ sắc với nước. Buổi sáng khi chưa ăn sáng thì ăn một nắm hạt bí ngô rang chín, sau đó 2 tiếng thì uống nước sắc hạt cau

Trị chứng phụ nữ sau đẻ tiểu tiện không thông: Lấy hạt cau già, hạt vông vang, hoạt thạch, hoa đào. Các vị lấy lượng bằng nhau, nghiền thành bột, mỗi lần uống 8g hỗn hợp trên, pha với rượu.

Tủa cau rũ: Lấy tủa cau rũ ở đầu buồng cau, đốt tồn tính rồi tán nhỏ. Mỗi lần lấy từ 4-8g trộn với cháo trắng để ăn, chữa chứng hen suyễn kết đờm.

Rễ trắng cau: Lấy 40-60g rễ trắng của cây cau, sao vàng rồi sắc uống có tác dụng cường dương.

Theo BS Thành Đức / Tienphong Online

Xấu hổ vì chồng thô lỗ

“Đã hơn 20 năm qua, tôi chịu đựng sự thô lỗ của chồng trong sự tủi hổ đau đớn.

 

Họ đều là người có học, hơn thế, còn có chức có tước. Không phải không yêu vợ, cũng không phải muốn bỏ vợ, nhưng nhiều ông chồng luôn đối xử với vợ một cách hết sức thô lỗ khiến người vợ lúc nào cũng ở trong trạng thái căng thẳng vì bị coi thường…

Anh ấy không bao giờ đánh tôi, đi làm về cũng đưa lương cho vợ đầy đủ, nhưng cách ăn nói với vợ thì không thể chịu nổi” - chị Duyên tâm sự.

Chị Duyên lấy chồng khi mới 22 tuổi. Lúc yêu nhau, anh tận tình chu đáo và ít nói. Chỉ 2 tháng sau khi yêu nhau, Duyên đã quyết định cưới vì chị không muốn tiếp tục ở chung với mẹ kế. Tuy nhiên, chân ướt chân ráo về nhà chồng, ngay hôm đầu tiên chị đã choáng váng khi nghe chồng… văng tục trước mặt cả mẹ đẻ và vợ.

Kể từ ngày đó, cuộc sống của chị Duyên lúc nào cũng nặng nề. Chồng chị làm trưởng phòng ở Chi cục Thuế của của tỉnh. Anh là người tốt tính, nhưng bất kỳ điều gì cũng khiến anh văng tục, chửi bậy, kể cả lúc vui vẻ hay cáu giận. Mà anh lại có tật nói to, mỗi khi có chuyện không vừa lòng, anh văng bậy om xòm khiến hàng xóm cách xa cả vài nhà cũng nghe thấy.
“Tôi rất sợ phải đi cùng chồng đến nơi công cộng hoặc gặp gỡ bạn bè. Ở nhà, anh ta nói bậy chửi tục thì tôi cắn răng nhịn, nhưng chỗ đông người, hàng trăm con mắt nhìn vào, tôi xấu hổ không chịu được. Kinh khủng nhất là anh ta cứ thoải mái dùng các từ chỉ bộ phận cơ thể hay các hành động theo đúng nghĩa đen một cách trực diện, khiến bất cứ ai nghe thấy cũng phải đỏ mặt (kiểu như đi ăn nầm dê hay món ngẩu pín, đại tiểu tiện chẳng hạn). Trong khi đó, nếu bị nhắc nhở thì anh ta lại cười xoà bảo: Tính tôi nó thoải mái thế!” - chị Duyên chán nản kể.

Xấu hổ cả với con

Mai cũng đau khổ vì phải chịu cảnh chồng thô lỗ, nói năng bậy bạ. Mặc dù vợ đã góp ý nhiều, nhưng chồng Mai vẫn chứng nào tật ấy, văng bậy hoặc quát tháo, mắng chửi vợ trước mặt cả các con. Yêu nhau từ hồi phổ thông, thỉnh thoảng thấy Tuấn nói bậy hoặc quát mình nhưng Mai vẫn cho qua, vì kiểu cư xử bạn bè đã quen.

Thế nhưng lấy nhau rồi, Tuấn vẫn tiếp tục cư xử như một cậu học trò hư. Thích là mày tao với vợ, nhưng không phải là đùa như hồi còn là sinh viên, mà Tuấn lại nói cả trong những lúc vợ chồng cãi cọ.

Có lúc, chỉ vì vợ Tuấn dạy con nhưng phát âm tiếng Anh không chuẩn cũng bị chồng chửi là “ngu thế” ngay trước mặt con. Hậu quả là đã có lần, con chị Mai cũng thẳng thừng mắng mẹ là “mẹ ngu thế?”.

“Em buồn lắm chị ạ. Chả lẽ vợ chồng lại bỏ nhau chỉ vì chồng hay nói tục, chửi bậy. Nhưng vợ chồng em còn trẻ mà ở với nhau kiểu này chả còn gì là thi vị nữa. Em cứ nhịn rồi cho qua hết lần này đến lần khác, nhưng nghĩ lại cứ thấy mình mỗi ngày lại trở nên tầm thường hơn. Vì bị chồng đối xử thô bạo mãi, em cũng “ăn miếng trả miếng”. Thế là, dù cả hai vợ chồng đều có học, nhưng lại cư xử với nhau cứ như phường chợ búa” - Mai tâm sự.

Sợ ế chồng vì bố... chửi bậy

Con cái luôn muốn tự hào về bố mẹ và ngược lại, cách cư xử của bố mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự tin của những đứa con.

“Ở nhà, ba em rất hay chửi tục, nói câu nào đau câu ấy, nhiều khi em nghe còn thấy ngượng cho ba. Được cái ba em chu đáo, lo lắng cho cả nhà. Người ngoài lúc nào cũng khen ông nói chuyện hay. Khi quen má toàn nói câu tình tứ, làm thơ tình nữa, nhưng chỉ có người trong nhà mới hiểu. Ba nói bậy đến mức, em không dám dẫn bạn trai về nhà vì rất sợ anh ấy coi thường nhà mình. Má cũng thương và lo cho em nhưng bất lực với ba.” - Thuỷ Hường, một sinh viên tâm sự trên face book.

Cũng như Hường, nhiều cô gái rất ngại bố cư xử thô lỗ trước mặt bạn trai của mình. Minh Thương kể, có lần cô dẫn mấy đứa bạn học về nhà chơi, trong đó có cả mấy cậu con trai. Đúng lúc bố Thương đang uống rượu, ông liền mời mấy cậu con trai một chén. Một cậu không biết uống nên từ chối, liền bị bố Thương chửi luôn: “Không biết uống thì cút m... mày đi, mày không phải là đàn ông!” Thương ngượng quá, từ đó không bao giờ dám dẫn bạn trai về nhà nữa. Mẹ Thương thấy vậy cứ thở ngắn than dài, lo con gái đến ế chồng vì có ông bố vừa nát rượu, vừa thô lỗ.

Con gái chị Duyên giờ đã vào đại  học. Cô bé bảo, sẽ lấy chồng là người nước ngoài thôi, như thế sẽ đỡ ngượng vì bố ăn nói thô lỗ, cục cằn và hay chửi bậy.

Nấm mèo – Dược thiện tốt cho phụ nữ

Nấm mèo chính là mộc nhĩ, một loại thức ăn rất quen thuộc đối với văn hóa ẩm thực của các dân tộc châu Á, đặc biệt vào các dịp cỗ bàn ngày Tết, ngày giỗ, cưới...

Nấm mèo được sử dụng rất nhiều trong các món ăn và bài thuốc.

Món ăn có nấm mèo (mộc nhĩ)

Cháo mộc nhĩ: Mộc nhĩ 30g, gạo tẻ 100g, đại táo 5 quả. Có tác dụng nhuận phế, sinh tân, tư ân dưỡng vị, ích khí chỉ huyết, bổ não cường tâm. Dùng cho người suy nhược thần kinh và thể lực, bệnh đường hô hấp (ho khan) các bệnh có chảy máu như trĩ, đại tiểu tiện ra máu, rong kinh do huyết ứ, phụ nữ sau sinh đẻ.

Canh măng, mộc nhĩ: Măng tre khô 10g, mộc nhĩ trắng 10g, trứng gà, gia vị. Có tác dụng tiêu mỡ ở bụng, chống béo phì.

Canh mộc nhĩ, thịt lợn: Mộc nhĩ 25g, thịt lợn nạc 150g, rau hẹ 25g, tinh bột nước 10g, nước 1 lít, muối gia vị vừa đủ. Dùng cho phụ nữ sinh đẻ để bồi bổ khí huyết.

Canh măng mộc nhĩ.

Thịt gà mộc nhĩ chưng cách thủy:

Mộc nhĩ 30g, thịt gà 200g. Tác dụng khứ ứ cầm máu ở phụ nữ sau sinh đẻ có “máu hôi” ra liên tục không dứt, cục thâm kèm đau bụng.

 

Thịt lợn xào, mộc nhĩ: Mộc nhĩ 50g, thịt lợn nạc 100g. Tác dụng: thanh nhiệt, lợi thấp, cầm đới hạ ở những trường hợp do huyết nhiệt sinh ra rối loạn kinh nguyệt, kinh không đều, kinh nhiều, rong kinh, đau bụng kinh.

Gan lợn, mộc nhĩ: Mộc nhĩ trắng 20g, gan lợn 240g, táo tầu đỏ (bỏ hột) 2 quả, gừng sống 1 lát. Tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Chữa suy nhược thần kinh (đau đầu, mất ngủ). Phụ nữ kinh nguyệt không đều như bài trên. Dùng tốt cho sản phụ.

Mộc nhĩ chưng đường phèn: Chữa gan nóng (can nhiệt) miệng khô khát nước, đắng, mắt nhiều nhử nhìn khó, lòng trắng có tia máu.

Mộc nhĩ đậu đen: Nấu chè cho người già ăn có tác dụng bổ can thận, chữa đau lưng khớp, làm mắt sáng.

Một số bài thuốc

Chảy máu cam: Mộc nhĩ (tốt nhất mọc trên cây dâu) đốt tồn tính tán bột viên thêm nước vo viên nút lỗ mũi.

Trĩ xuất huyết: Mộc nhĩ 6g, hồng khô 30g, nấu chè ăn hằng ngày.

Mộc nhĩ (nấm mèo).

Rong kinh:

Mộc nhĩ sao vàng 40g, rễ cây vú bò 20g, củ rau má già 100g, gừng khô 16g. Sắc nước uống.

 

Huyết áp cao: Mộc nhĩ 30g (mọc trên cây dâu) ngâm rửa sạch rồi hấp với đường ăn buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng nhiều lần.

Mặt phát ban sậm màu: Mộc nhĩ (cây dâu) đốt tồn tính, chưng nóng uống sau bữa ăn (khi no).

Giải độc: Thường dùng giải nấm độc. Sau khi đã gây nôn sắc mộc nhĩ cho uống.

Cơn đau tim: Chỉ nên dùng hỗ trợ sau khi có xử trí bằng phương pháp y học hiện đại. Dùng nước sắc mộc nhĩ cho uống.

Đau bụng do giun sán: Sắc mộc nhĩ cho uống hỗ trợ tạm thời. Cơ bản phải cho xổ giun sán.

BS.  Phó Thuần Hương