Lưu trữ cho từ khóa: da tổn thương

Cách xử trí khi da bị tổn thương

Tổn thương da không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng thường diễn biến dai dẳng và gây phiền toái cho người bệnh.

Làn da của bạn rất dễ bị tổn thương do các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh… Tổn thương da không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng thường diễn biến dai dẳng và gây phiền toái cho người bệnh.

Tổn thương da bao gồm nhiều loại bệnh với các nguyên nhân khác nhau từ bệnh giời leo, mụn cóc nấm ngoài da, phát ban hay vết loét lạnh…. Biến chứng thường gặp của tất cả các bệnh tổn thương da là do gãi nhiều và nhiễm trùng tại các vết trợt loét.

Zona

Zona do một dạng vi khuẩn Herpes gây ra. Người mắc bệnh Zona sẽ phải chịu đựng cảm giác đau rát ở vùng phát ban. Nếu bạn đã từng mắc chứng thuỷ đậu (bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ), đây là điều kiện thuận lợi để bệnh Zona hình thành và phát triển. Bởi lẽ khi mắc thuỷ đậu (mặc dù đã được điều trị), cơ thể sẽ tồn tại một loại virus “ẩn nấp” trong các tế bào thần kinh.

Khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu, đó chính là lúc loại virus này “ lộ diện” và gây nên căn bệnh Zona. Đối tượng thường mắc căn bệnh này là những người trên 50 tuổi hoặc có hệ thống miễn dịch suy kém. Nếu điều trị muộn hoặc điều trị sớm mà không đủ liều thì sẽ để lại nhiều biến chứng.

Thời gian để trị liệu cho kết quả tốt nhất là 48 giờ sau khi có tổn thương da. Trong vòng một tuần thì kết quả chậm hơn nhưng vẫn tốt. Nếu để muộn quá thì kết quả điều trị kém và có thể để lại các di chứng như: đau kéo dài nhiều tháng, nhiều năm thậm chí có những người đau kéo dài đến hết cuộc đời, đặc biệt ở những người cao tuổi.

Nếu zona gây tổn thương nhánh mắt dây thần kinh số V (được chẩn đoán là zona mắt) thì có thể gây giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn. Nếu zona gây tổn thương dây thần kinh số VII (Hội chứng Ramsay Hunt) có thể gây liệt mặt, méo mồm. Các biến chứng khác có thể gặp như: loét, sẹo lồi…
Phát ban

Phát ban ở da có thể là do nhiều lý do như sốt, nhiễm trùng trong cơ thể bởi các phản ứng dị ứng, thuốc, đồ kim hoàn giả, các sản phẩm chăm sóc da … Sốt phát ban do virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bệnh được theo dõi điều trị và hỗ trợ bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi phù hợp, uống đủ nước, theo dõi các biến chứng và nhất là biểu hiện về thần kinh.

Nếu người bệnh sốt quá cao, gây rối loạn về tri giác, trở nên chậm chạp, li bì, kích thích, vật vã… thì phải đến bệnh viện ngay để tránh biến chứng viêm não. Tại bệnh viện cũng đang điều trị cho một vài trường hợp sốt phát ban có biểu hiện viêm não

Côn trùng cắn

Khi bị các loại côn trùng cắn, đốt, phản ứng ngoài da thường gặp nhất là tình trạng ngứa ngáy dữ dội nơi bị cắn, nổi hồng ban sưng phù, tróc vẩy, nổi mụn nước, bóng nước và các nốt dạng hạch lympho. Những vết đốt không nguy hiểm thường giảm và khỏi sau một ngày, nhưng đối với một số côn trùng có nọc độc như o­ng, kiến, nhện,… có thể đưa đến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó khi bị côn trùng cắn đốt, chúng ta cần biết cách xử lý vết đốt cũng như cách nhận biết các triệu chứng nguy hiểm để đến cơ sở y tế kịp thời.

Nấm ngoài da

Đây là một bệnh nhiễm trùng nấm. Bệnh rất dễ tái phát nếu không điều trị dứt. Áp dụng một loại kem chống nấm hoặc rắc bột chống nấm bụi. Tham khảo ý kiến một bác sĩ da liễu trong trường hợp nhiễm trùng nặng.

Ung thư da

Giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư da luôn khởi đầu với những thương tổn tiền ung thư. Ung thư da có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm.

Chàm

Chàm là một bệnh da không lây truyền, ngứa, viêm, có thể là cấp, bán cấp hay mạn tính. Biểu hiện bệnh rất đa dạng, nhưng có chung đặc tính: ngứa, có mụn nước sắp xếp thành từng mảng giới hạn không rõ, tiến triển thành từng đợt, dai dẳng, hay tái phát. Hai yếu tố cơ bản phát sinh ra chàm là thể tạng dị ứng và tác nhân kích thích ở trong hay ngoài cơ thể vào thể tạng ấy.

Người bệnh cần khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây bệnh, khi loại bỏ được nguyên nhân dị ứng là khâu quyết định để chữa khỏi bệnh; dùng thuốc uống phối hợp với thuốc bôi ngoài da; về dinh dưỡng trong đợt cấp, tránh dùng rượu, nước chè, cà phê, thuốc lá, tôm, cua, cá, đồ hộp, rau sống…; không nên dùng các loại thuốc mạnh, nên điều trị thử nếu thuốc không gây dị ứng mới dùng; người bệnh không nên gãi làm trầy da khi ngứa, không dùng các loại: xà phòng, thuốc bôi, đắp theo lời mách bảo của người thân… Những thuốc có tác dụng an thần, chống ngứa: kháng histamin, an thần, thuốc giải mẫn cảm (vitamin C liều cao), các loại vitamin D2, A, B2, B6, P, PP… thuốc Đông y; dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm.
Mề đay

Bệnh có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Phát ban cơ bản là một phản ứng của da khi bị trầy xước. Vài yếu tố phổ biến được tìm thấy trong phát ban dị ứng thức ăn, nhiễm trùng và ma túy gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến có thể là ma sát, ánh sáng mặt trời, do ảnh hưởng của nhiệt độ. Khi bị bệnh cấp tính hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu ngay lập tức.

Vết loét lạnh

Vết loét lạnh còn được gọi là mụn nước. Đây là một virus herpes nhiễm trùng. Virus này đặc biệt trở nên tiềm ẩn trong cơ thể và trở thành phản ứng do căng thẳng bất kỳ. Tổn thương đau đớn và thường xảy ra xung quanh môi và mũi. Nếu dịch xảy ra thường xuyên hơn, tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.

Nhọt

Nó xảy ra do nhiễm trùng ở da và nang lông. Nói chung, nó là một nhiễm trùng do vi khuẩn, nó sẽ xảy ra khi da tiếp xúc với một cảm giác cực kỳ nóng. Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhọt tái phát, ở trẻ em là do điều kiện không hợp vệ sinh. Hãy khám bác sĩ được được điều trị tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Bỏng

Bỏng có thể hủy hoại làn da của bạn. Trong khi bỏng nhẹ thường không nguy hiểm, bệnh nặng có thể phát triển các biến chứng. Bạn có thể dùng một loại kem nước bỏng hòa tan trong trường hợp là không có phồng rộp. Không áp dụng bất kỳ dầu hoặc bơ vì nó có thể làm cho vết bỏng sâu hơn bằng cách giữ lại nhiệt.

Mụn cóc

Đây là một nhiễm virus có thể lây nhiễm. Có nhiều loại khác nhau của mụn cóc như mụn cóc sinh dục, bằng phẳng, giống như ngón tay và chân. Việc điều trị hiệu quả nhất là loại bỏ các mụn cóc bằng cách chữa bệnh hoặc laser do bác sĩ da liễu điều trị. Có thể điều trị bằng thuốc nếu mụn có kích thước nhỏ.

Mụn trứng cá

Mụn thường được gọi là mụn nhọt hoặc mụn. Đó là một tình trạng rất thường thấy ở tuổi niên thiếu. Propionibacterium acnes là vi khuẩn chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Sự mất cân bằng nội tiết, thiếu chăm sóc da, tiêu thụ đồ ăn vặt, sử dụng sai mỹ phẩm là những lý do gây ra mụn trứng cá.

Để làm sạch mụn trứng cá nên sử dụng các sản phẩm không gây mụn. Không nên nặn trứng cá vì nó dẫn đến dấu hiệu rất xấu, khó coi. Nếu bệnh nặng nên tư vấn vấn bác sĩ để được điệu trị triệt để.

(Theo VnMedia)

Thanh nhiệt, trừ phong nhiệt độc từ khế

Theo Ðông y, quả khế vị chua ngọt, tính bình, tươi hơi mát có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc.

Cây khế tên chữ Hán là ngũ liễu tử, ngũ lăng tử. Theo Ðông y, quả khế vị chua ngọt, tính bình, tươi hơi mát, chín thì ôn có tác dụng sinh tân dịch giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt giải độc. Trong dân gian khế được dùng chữa một số chứng bệnh như sau:


Dị ứng do tiếp xúc sơn ta: Khế thái miếng hoặc dùng lá vò đắp xát trực tiếp lên da tổn thương hoặc uống. Thường chọn lá khế tươi già, lấy nước cốt uống, quả để rửa vết thương lở loét.

Nước ăn chân: quả khế chín lùi trong tro nóng áp lên chỗ tổn thương.

Bí đái: lấy một quả khế, một củ tỏi giã nhuyễn đắp lên rốn.

Cảm cúm: sốt, đau mình, hắt hơi sổ mũi, ho, dùng ba quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50 ml rượu để uống.

Phong nhiệt mẩn ngứa mề đay: Vỏ cây khế cạo bỏ lớp ngoài sắc uống.

Trẻ em bị sởi: Thúc sởi mọc bằng cách lấy lá và vỏ nước nấu cho trẻ tắm.

Ðái dắt, đái buốt, đái ra máu do viêm bàng quang, âm đạo: Lá cây khế 100g, rễ cỏ tranh 40g, sắc uống một tháng.

Viêm họng: Lá khế 40g, thêm vài hạt muối giã nhỏ, vắt nước cốt ngậm.

Cảm nắng, sốt, khát nước, nhức đầu: 100g lá khế tươi, 40g lá chanh, giã vắt lấy nước uống hoặc quả khế tươi nướng qua vắt lấy nước uống.

Ho khan hoặc có đờm: Hoa khế, tẩm nước gừng sao qua lửa, sắc lấy nước uống, có thể thêm cam thảo nam.

Sơ cứu ngộ độc mã tiền: Ép quả khế lấy nước uống thật nhiều. Tuy nhiên cần thận trọng vì mã tiền rất độc có thể dẫn đến tử vong, vì thế nên đưa người bệnh đi bệnh viện ngay sau khi sơ cứu.

Ðặc biệt khế có thể dùng để thanh nhiệt, giải độc khi bị nhiễm phóng xạ và hóa chất, khi điều trị ung thư bằng cách rửa sạch khế gói trong vải khô vắt lấy nước, thêm nước đường nấu sôi. Sau đó cho thêm táo tây gọt vỏ thái miếng, cùng chuối, cam múi, nho thái nhỏ, nấu sôi cho bột rồi múc ra bát uống.

Meo.vn (Theo Nhandan)

Tẩy da – Đẹp và hại

Lột da (tẩy da) để làm đẹp và trẻ hóa da bằng cách dùng các loại hóa mỹ phẩm có tác dụng gây bong tróc lớp da bên ngoài, đặc biệt ở mặt, cổ, bàn tay là phương pháp thường được sử dụng.

Hiện nay, có rất nhiều loại hóa mỹ phẩm lột da từ nông đến sâu, cho kết quả làm đẹp và trẻ hóa da mặt rất khả quan nếu được sử dụng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những biến chứng không mong muốn như sạm da, để lại sẹo xấu cũng có thể xảy ra.

Hóa chất nào được sử dụng để lột da?

Lột nông: Hóa chất thường sử dụng là AHA (alpha hydroxy acids) 3 -7%: glycolic, lactic, citric, tartaric và malic acid. AHA có tác dụng làm tách rời thượng bì với lớp trung bì bên dưới. Tiến trình lột da nhẹ và nông này không cần gây tê, kéo dài nhiều ngày, hoàn tất sau 7-10 ngày. Lột da nhẹ được chỉ định dùng cho các trường hợp làm da phẳng, mịn, cải thiện làn da sậm màu, da tổn thương do ánh nắng.

Hiện nay, có rất nhiều loại hóa mỹ phẩm lột da từ nông đến sâu, cho kết quả làm đẹp và trẻ hóa da mặt rất khả quan nếu được sử dụng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những biến chứng không mong muốn như sạm da, để lại sẹo xấu cũng có thể xảy ra

Lột vừa: Người ta thường dùng trichloroacetic acid (TCA) nồng độ 20 - 35% để lột da với độ sâu trung bình, từ lớp tế bào gai đến lớp tế bào lưới của trung bì. Vì phương pháp này làm bỏng da nên trước khi thực hiện, da mặt có thể được làm lạnh hay gây tê. Tiến trình lột kéo dài nhiều ngày và hoàn tất sau 10-14 ngày. Lột da vừa có thể giúp tẩy xóa các vết thâm nhẹ, làm phẳng các vết nhăn nông, giảm một số rối loạn sắc tố nhẹ ngoài da.

Lột sâu: Thường áp dụng cho những vết nhăn sâu ở da do tuổi tác, do sẹo mụn hay do triệu chứng tiền ung thư da. Tác dụng lột sâu đến dưới lớp tế bào lưới; hóa chất cơ bản dùng là phenol nguyên chất với nồng độ 88% hay pha lẫn với xà phòng, dầu olive, dầu croton. Phenol có tác dụng làm đông đặc và bong lớp sừng, cũng đòi hỏi phải gây tê trước khi thực hiện. Một số bệnh nhân còn có thể phải dùng thêm thuốc giảm đau và an thần. Biến chứng mất sắc tố có thể xảy ra cho tất cả các loại da.

Phenol được hấp thu qua da, biến dưỡng bởi gan và bài tiết qua thận. Phenol có độc tính cao, trực tiếp gây độc cho cơ tim; dùng quá liều phenol có thể gây tổn thương gan, thận và dẫn đến sự kích thích làm loạn nhịp tim, được ghi nhận khoảng 23% trường hợp sau khi lột được 30 phút.

Những điều cần lưu ý

Bác sĩ đã rất cẩn thận khi chỉ định lột da bằng hóa chất cho người có tiền sử bệnh tim, gan, thận và các hóa chất được sử dụng cũng thay đổi tùy theo bệnh lý. Việc dùng nội tiết tố, thuốc ngừa thai, isotretinoin hay các thuốc nhạy cảm với ánh sáng cũng có thể dẫn đến sự biến đổi sắc tố không biết trước và thành sẹo xấu. Tốt nhất là nên ngưng sử dụng các thuốc kể trên vài tuần trước khi quyết định lột da.

Nếu bệnh nhân có tiền sử nhiễm virut herpes simplex, bác sĩ cần chỉ định dùng thuốc kháng virut dự phòng trước và sau khi lột da để giảm thiểu nguy cơ virut tái hoạt không mong muốn khi tiến trình tái tạo thượng bì diễn ra. Ngoài ra, tất cả các tổn thương hiện có trên bệnh nhân cần phải được chữa lành trước khi tiến hành lột da.

Việc chăm sóc da sau lột và tránh nắng là rất quan trọng, quyết định sự bình phục vết thương và tránh biến chứng. Một số bệnh nhân dùng ánh sáng trị liệu bệnh ngoài da trước khi lột hay đang dùng loại thuốc isotretinoin có thể bị sẹo xấu và vết lột chậm lành. Việc dùng isotretinoin là chống chỉ định tuyệt đối khi áp dụng phương pháp lột da vừa và lột sâu. Bệnh nhân phải ngưng dùng isotretinoin ít nhất 6 tháng để các phần phụ của lớp thương bì hồi phục trước khi quyết định lột da.

Trước khi lột: phải làm sạch mặt với xà phòng không dư lượng vào buổi tối trước và buổi sáng ngày thực hiện; không nên trang điểm hoặc sử dụng mỹ phẩm để trang điểm và dưỡng da.

Các trường hợp chống chỉ định như vùng da có vết thương hở; tiền sử dị ứng thuốc, da nhạy cảm với ánh sáng khi dùng thuốc; hen phế quản; tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virut, nhiễm nấm cấp tính; mắc bệnh ngoài da mạn tính; có sẹo lồi; người có tiền sử bệnh tim mạch, gan, thận…

Các biến chứng thường gặp

Lột da mặt có thể giúp tái tạo làn da, cải thiện chất lượng của da mặt nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng không mong muốn liên quan đến độ sâu da cần lột, loại da bệnh nhân và hóa chất lột được sử dụng. Các biến chứng thường gặp là:

- Hồng ban có thể lặn trong vòng 90 ngày nhưng cũng có thể tồn tại lâu dài kèm biểu hiện tăng sắc tố và ngứa nhiều. Nhóm người có nguy cơ cao bao gồm những người đang dùng thuốc ngừa thai, thuốc nhạy cảm với ánh sáng.

- Da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, một trong những nguyên nhân gây ung thư da. Bệnh nhân được khuyến cáo hạn chế ra nắng từ 6-12 tháng và phải thường xuyên dùng kem chống nắng.

- Da mất sắc tố do các tế bào hắc tố bị hủy hoại không hồi phục trong quá trình lột dưới tác dụng của hóa chất, đặc biệt là phenol.

- Sẹo teo da do vết lột chậm lành. Biến chứng này rất trầm trọng, đòi hỏi sự chăm sóc da sau lột thật kỹ và điều trị tích cực chóng lành.

- Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp, đặc biệt do vi khuẩn Pseudomonas, do virut herpes bùng phát.

- Xuất huyết tại vị trí lột sâu có thể xảy ra ở người đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin. Bệnh nhân đang dùng aspirin được khuyến cáo nên tạm ngưng dùng thuốc ít nhất 1 tuần trước khi quyết định lột sâu.

Theo SKĐS

Bí quyết để có làn da trắng mịn khi thu về

Có thể nói tiết trời heo may của mùa thu là thời điểm lý tưởng để bạn diện những chiếc áo hai dây mà không sợ ánh nắng chói chang như mùa hè. Nhưng liệu bạn đã thật sự tự tin với làn da của mình? Rất nhiều bạn gái đã lựa chọn phương pháp tắm trắng da để lấy lại vẻ tươi mịn, trắng hồng cho làn da sau mùa đi biển.

Có một làn da trắng là mơ ước của nhiều bạn gái. Bởi thế, làm trắng da sau mùa hè đầy nắng cũng được khá nhiều chị em quan tâm. Dịch vụ làm trắng da của các spa thời gian này cũng khá nhộn nhịp. Đối tượng chính đa số là các chị em sắp lập gia đình hoặc muốn lấy lại dáng vẻ xinh tươi sau mùa đi biển. Giá cả cũng rất phong phú: trọn gói từ 2 - 5 triệu tuỳ cơ sở.

Có rất nhiều hình thức làm trắng da. Tẩy trắng da là hình thức lột nhẹ lớp da đen bên ngoài để phơi bày ra lớp da bên trong, trắng và mịn hơn. Phương pháp này cần được thực hiện một cách cẩn trọng và không nên lạm dụng vì da có thể dị ứng hoá chất. Bên cạnh đó, sau khi tẩy trắng da, bạn cần một chế độ bảo vệ nghiêm ngặt vì lớp da non rất dễ bắt nắng và bị tổn hại. Nhìn chung, tẩy trắng da nguy hiểm hơn tắm trắng.

Tắm trắng là phương pháp sử dụng thuốc, thảo dược, mỹ phẩm… có chất làm trắng da, loại bỏ các tế bào sừng và các hắc sắc tố melanin. Tại các thẩm mỹ viện, các loại mỹ phẩm sử dụng để làm trắng da rất khác nhau, vì thế bạn cần chọn những địa chỉ tin cậy để tránh gây hại cho bản thân. Thông thường tắm trắng bằng thảo dược là phương pháp lành tính được rất nhiều người ưa chuộng. Một số hãng mỹ phẩm cũng tung ra những chiêu bài như nhóm sản phẩm thắp sáng hay tái sinh làn da...  

Để cải thiện làn da sậm màu, phương pháp tắm trắng phải loại bỏ các tế bào chết, thâm đen sần sùi trên bề mặt da chứ không phải lột đi lớp da bên ngoài. Tiếp theo, bổ sung dưỡng chất để tăng cường hoạt chất làm trắng nuôi dưỡng da đồng thời kiểm soát và hạn chế sự phát triển của hắc tố melanin, làn da phải sáng lên trông thấy ngay sau khi làm dịch vụ và duy trì lâu dài sau đó. Đặc biệt, phương pháp tắm trắng hiệu quả phải đảm bảo không làm da trở nên bắt nắng, ăn nắng và yếu đi so với trước khi tắm trắng. Sắc diện da sau khi tắm trắng phải sáng hồng chứ không trắng bệch. Da mịn màng, tươi mát chứ không rít và lốm đốm, loang lổ. Hiện nay, tại các beauty salon, phương pháp tắm trắng phổ biến là đắp thảo dược, thuốc bắc, tảo biển, nghệ, mỹ phẩm… Nhưng nhìn chung là bạn sẽ phải qua một quá trình bao gồm từ thanh tẩy da chết toàn thân bằng muối biển để làn da bóng khoẻ hơn, có thể hấp thu dưỡng chất từ lớp đắp. Sau đó mới là bước tắm trắng.

Tuy nhiên, sau khi tắm trắng, bạn phải tránh ánh nắng và chú ý dưỡng da thật tốt, che chắn bằng găng, áo chống nắng và khẩu trang. Vì làn da lúc này dễ ăn nắng và cần chế độ chăm sóc đặc biệt, nếu không ánh nắng mặt trời có thể khiến da tổn thương và bị nám.

(Theo Khamphađep)

Những điều cần biết khi mắc bệnh ngoài da

Khi mắc bệnh ngoài da, việc chăm sóc da đúng cách và thực hiện đúng y lệnh góp phần rất lớn vào sự khỏi bệnh. Nhiều khi bác sĩ kê đơn thuốc đúng và phù hợp với tình trạng bệnh nhưng do bệnh nhân không biết cách chăm sóc da đã làm cho bệnh không đỡ thậm chí còn tồi tệ hơn.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Khi mắc bệnh ngoài da cần biết chăm sóc da đúng cách.

Gội đầu: Khi mắc các bệnh trên da đầu và tóc bạn gội loại dầu theo chỉ dẫn của bác sĩ. Gội 3-4 ngày 1 lần. Nếu gội nhiều quá sẽ tẩy hết chất bảo vệ trên da đầu làm bệnh lâu khỏi. Cách gội đúng: Làm ướt tóc. Cho một lượng dầu gội vừa đủ (khoảng 4-5ml cho 1 lần gội). Gãi nhẹ nhàng trong 4-5 phút. Không được gãi mạnh, chà xát hoặc cào mạnh làm xây xước da đầu thì tổn thương sẽ lan rộng ra và lâu khỏi. Xả sạch bằng nước sạch. Nước pha đủ ấm nếu trời lạnh, không nên dùng nước nóng quá sẽ làm hại da đầu và chân tóc.

Tắm rửa: Nên tắm hoặc rửa ngày 1 lần. Không cạo, không chà xát mạnh, không dùng đá kỳ. Rửa vùng da tổn thương nhẹ nhàng, không làm xây xước da. Không cho xà phòng vào vùng da bị tổn thương. Bạn có thể tắm bằng nước chanh pha loãng hoặc bằng nước máy sạch là được. Nếu da khô nhiều hoặc viêm da nặng thì bạn dùng loại sữa tắm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bàn tay, bàn chân bị khô, da nứt nẻ thì không nên ngâm nước (kể cả nước lá hoặc pha thuốc) vì ngâm nước sẽ làm da khô hơn và bong vảy nhiều hơn.

Bôi thuốc

- Không gãi, cạo hoặc đánh bằng bàn chải trước khi bôi thuốc.

- Không chà mạnh trong và sau khi bôi thuốc.

- Bôi thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian.

- Khi bệnh chưa khỏi thì phải đi khám lại bác sĩ chứ không nên tự ý dừng thuốc hoặc lại mua thêm thuốc theo đơn đã kê.

- Đặc biệt các tổn thương trên da mặt phải được chỉ định bôi thuốc và chăm sóc hợp lý bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu thì mới không làm hại da mặt trong và sau khi điều trị.

Ăn uống

- Chỉ cần kiêng các thức ăn biết chắc hoặc nghi ngờ gây dị ứng.

- Kiêng rượu, bia, ớt, hạt tiêu trong thời gian dùng thuốc.

- Không cần kiêng các thức ăn như: tôm, cua cá, thịt gà... nếu không bị dị ứng.

- Tăng lượng rau xanh, hoa quả, thức ăn luộc nấu, các đồ uống mát như bột sắn, đỗ đen...

- Uống nhiều nước.      

Uống nhiều nước tốt cho da.

TS. Nguyễn Thị Lai - SK&ĐS

Cách phòng chống các loại tia phóng xạ

 

Ngày 12/03/2011 thông tin Nhật Bản bị rò rỉ tia phóng xạ đã làm cho khắp nơi lo ngại đến vấn đề sức khỏe và sinh hoạt. Nhận thức thật đúng đắn về tia phóng xạ sẽ giúp giảm bớt những lo lắng không đáng có.

Một trường hợp bị viêm thực quản do tia xạ

Các loại tia phóng xạ

Tia bức xạ hạt nhân (hay còn gọi là tia phóng xạ) chủ yếu có 3 loại tia là: tia α, tia β và tia γ.

Tia α có lực xuyên suốt nhỏ, chỉ cần nguồn tia bức xạ không vào trong cơ thể thì ảnh hưởng sẽ không lớn. Con đường chính để vào cơ thể là qua đường hô hấp và thức ăn và qua các vết thương.

Tia β có độ xuyên suốt nằm ở giữa tia α và γ, dễ bị lớp tế bào biểu bì da hấp thụ, gây ra tổn thương bức xạ ở các lớp mô tế bào. Vì thế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các vật nhiễm phóng xạ và khi cần thiết nên áp dụng biện pháp che chắn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Độ xuyên suốt của tia γ là mạnh nhất, có thể xuyên cơ thể và các vật liệu xây dựng, có tầm ảnh hưởng rộng nhất.

Nguy hại của tia phóng xạ đối với cơ thể

Tia phóng xạ có thể gây ra các triệu chứng sau: mệt mỏi, đau đầu hoa mắt, mất ngủ, da mẫn đỏ, lở loét, xuất huyết, rụng tóc, bệnh máu trắng, nôn mửa, đau bụng đi ngoài... Do tế bào bạch cầu không ngừng hạ thấp, thậm chí còn tăng thêm tỉ lệ phát bệnh ung thư, các bệnh di truyền và quái thai. Nếu lượng tia phóng xạ chiếu vào trên 50ge thì có thể gây tổn thương não, người bị nhiễm sẽ tử vong trong vòng 2 ngày.

Dân văn phòng nếu bị tia bức xạ hạt nhân chiếu vào trong thời gian dài sẽ gây ra các bệnh bức xạ mãn tính. Nếu bị tia bức xạ chiếu vào từng vùng của cơ thể sẽ làm cho da tổn thương mãn tính, gây trở ngại cho việc tạo máu….

Trẻ em và thai nhi rất nhạy cảm đối với tia bức xạ và có thể nói là thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất. Do cơ thể trẻ đang phát triển, các tế bào có khả năng tự khôi phục và vì thế nguy cơ xuất hiện tế bào lỗi càng lớn.

Trước khi có thai nếu tiếp xúc với tia phóng xạ thì sẽ làm tăng tỉ lệ thai chết lưu. Khi các bộ phận trong cơ thể thai nhi đang hình thành mà tiếp xúc với tia phóng xạ thì có thể làm tăng tỉ lệ dị dạng, bị bệnh ung thư máu nếu chào đời và nhiều trường hợp tử vong ngay sau khi chào đời.

Biện pháp phòng chống

Chủ yếu có 3 cách:

- Hạn chế tối đa xuất hiện dưới ánh mặt trời;

- Làm tăng khoảng cách với nguồn bức xạ;

- Sử dụng các biện pháp che chắn bảo vệ bằng các vật liệu như nhôm, bê tông cốt thép và nước.

Đau đớn chuyện dùng muối, đá lạnh, nước… chữa bỏng

Cô con gái 5 tuổi bị bỏng bô xe máy, bố mẹ liền lấy cả kg muối cho vào một chiếc túi vải rồi quấn vào vết bỏng ở chân con, khiến gần tháng trời vết thương không lành.

Trường hợp bệnh nhân quê Hải Hậu, Nam Định này khiến các bác sĩ Viện Bỏng Quốc Gia nhớ mãi. Khi tới viện, vết bỏng của em bé đã rất sâu. Bố mẹ em cho biết, quê họ miền biển, lưu truyền bài thuốc dân gian chữa bỏng bằng muối rất hiệu nghiệm và họ áp dụng ngay để chữa cho con.

Nhiều bệnh nhân nhập viện bị biến chứng sau bỏng do cách điều trị hết sức lạ lùng. Ảnh VNE

Tuy nhiên theo các bác sĩ, muối có tính kiềm, có khả năng 'ăn' da, không thể dùng để chữa bỏng. Chính bởi thế, ngay cả thuốc đánh răng - một thứ 'thuốc' được nhiều người dùng bôi khi bị bỏng - dù chỉ chứa một lượng kiềm rất nhỏ - cũng không tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Hải An, phó chủ nhiệm Khoa Trẻ em, Viện Bỏng Quốc Gia cho biết, rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nhẹ nhưng do người nhà không biết cách xử lý hoặc áp dụng các kinh nghiệm chữa sai, khiến vết thương nặng hơn rất nhiều.

Vào viện hai hôm trước, cháu Hà, 5 tuổi ở Quảng Ninh bị bỏng khi ngồi nướng mực cùng bố mẹ. Khi thấy lửa yếu đi, bố em liền đổ cả nửa lọ cồn vào khiến ngọn lửa bốc lên. Mẹ em thấy vậy lấy luôn ca nước cần đó hất vào khiến lửa càng bùng lên cao, 'liếm' trọn từ ngực lên mặt của cô con gái nhỏ.

Theo các bác sĩ, trong trường hợp này, người mẹ chỉ cần dùng một tấm vải ướt phủ lên thì có thể dập tắt lửa ngay. Chị không biết là cồn nhẹ nổi trên nước nên nếu lượng cồn nhiều thì việc thêm nước chẳng khác nào 'bỏ dầu vào lửa'.

Ngay gần đây, cháu Nam, 14 tháng ở Tứ Kỳ, Hải Dương bị vấp vào phích nước sôi khi đang chơi ở nhà cùng cụ nội. Bà cụ 85 tuổi không biết phải xử trí thế nào bèn gọi hàng xóm sang giúp. Khi ấy, mấy người bổ về nhà lấy đá đến đắp vào vết bỏng cho bé để... hạ nhiệt. Sau đó, vùng da này bị hoại tử, em bé phải phẫu thuật cấy da.

Bác sĩ cho biết, việc áp ngay đá lạnh vào vết thương trong thời gian dài có thể làm tê bì các mút thần kinh và gây bỏng lạnh. Trong trường hợp của bé Nam, chỉ cần ngâm vùng cơ thể bị bỏng của em vào nước lạnh sạch trong 15-20 phút thì vết thương của em sẽ dịu lại ngay.

Tuy nhiên, việc đơn giản này không phải ai cũng hiểu đúng và làm đúng. Cũng nghe nói nên ngâm vùng bỏng vào nước lạnh mà anh Hảo (Thường Tín, Hà Nội) đã 'dìm' ngay cậu con trai gần một tuổi vào xô nước giếng khi cậu bé bị nồi canh nóng làm bỏng phần mặt và cổ.

Lúc đưa đến Viện Bỏng khám, các bác sĩ xác định vùng tổn thương của bé rất nhẹ nhưng cuối cùng em rơi vào tình trạng nguy kịch, phải hồi sức cấp cứu vì bị viêm phế quản do sặc nước và nhiễm lạnh.

Trường hợp khác, cách đây đã vài năm, một người đàn ông ở Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội), khi thấy vợ bị bỏng do pháo nổ, đã lẳng ngay chị vào bể nước mưa của gia đình, khiến người vợ suýt chết đuối và sau đó phải điều trị về hô hấp.

Bác sĩ Hải An cho biết, chính ông và các đồng nghiệp trong khoa nhiều khi phải giật mình trước những cách chữa bỏng rất 'sáng tạo' của nhiều vị phụ huynh. Có mẹ dùng vôi bôi lên vùng da tổn thương của con vì bà nội hay ăn trầu bảo vôi mát, lại lành. Người khác thì dùng tỏi đắp vào vết rộp ở chân con khiến vùng tổn thương càng phỏng nặng. Rồi những thứ như trứng, nhựa chuối, tương, mắm... cũng được họ biến thành 'thuốc' chữa bỏng.

Ngoài ra, không ít người lại chuộng đắp lá, dùng thuốc đông y để chữa bỏng cho trẻ vì cho rằng như vậy mới lành, lại rẻ.

Ca bệnh của cháu Dung, Vĩnh Phúc ở một điển hình. Cháu bị bỏng nước sôi cả vùng bụng, bố mẹ nghe mách một thày lang trong vùng có loại lá thuốc chữa bỏng rất tốt bèn tìm đến nhờ chữa cho con. Đắp lá hơn một tháng mà con vẫn chẳng khỏi, gia đình mới đưa bé vào viện. Lúc này, da vùng tổn thương của em đã bị hoại tử, các bác sĩ phải phẫu thuật mấy lần để cắt bỏ phần da chết và cấy da mới em mới khỏi được.

Bác sĩ Nguyễn Hải An cho biết, thực ra, việc xử lý khi trẻ bị bỏng khá đơn giản. Nước - liệu pháp rẻ tiền, sẵn có nhất đã được nghiên cứu và chứng minh là rất hiệu quả. Ngâm nước lạnh 15-30 phút vừa giúp vết bỏng hạ nhiệt, vừa giảm đau, giảm phù nề cho vết thương. Sau đó, đắp gạc ướt lên rồi băng ép và đưa con đến cơ sở y tế chuyên môn để được các bác sĩ tư vấn và điều trị thích hợp.

Nếu bị bỏng ở những vùng cơ thể khó ngâm nước như mặt, cổ... thì có thể dùng khăn sạch, ướt đắp lên.

Theo bác sĩ, khi bị bỏng cần được xử lý ngay lập tức, tốt nhất là trong 15 phút đầu. Nếu để muộn, tổn thương càng sâu thì việc điều trị càng mất nhiều thời gian, phức tạp và để lại di chứng, sẹo xấu. Da trẻ còn rất non nớt, mỏng manh, non nên bố mẹ tuyệt đối càng không được đắp các loại lá, hay 'thuốc' tự chế cho con, khiến bệnh càng nặng thêm.

(Theo VNE)

Cách xử trí tai nạn mùa nóng ở trẻ

Để giảm bớt cái nóng của mùa hè, những ngày này, phụ huynh thường cho trẻ đến hồ bơi, công viên nước… để vui chơi. Với tính hiếu động của trẻ, những tai nạn đáng tiếc đều có khả năng xảy ra. Bên cạnh dó, trong mùa nóng thực phẩm khó bảo quản, dễ ôi thiu, càng tăng thêm nguy cơ ngộ độc cho trẻ. Gặp những trường hợp này, cần phải xử trí ban đầu như thế nào cho đúng?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Phụ huynh cần theo dõi sát trẻ khi đi tắm đề phòng ngạt nước.

Ngộ độc thức ăn

Những ngày nóng bức này, thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu cao. Một nguyên nhân gây ngộ độc nữa là hóa chất còn đọng lại trong thực phẩm do quá trình rửa chưa lấy đi hết. Bộ máy tiêu hóa của trẻ còn yếu nên ngộ độc dễ xảy ra. Trẻ sẽ có dấu hiệu: đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy nhiều lần có lẫn máu, sốt cao, mất nước. Những dấu hiệu này xảy ra sau khi ăn hoặc uống trước đó trong vòng 24 tiếng. Nguy hiểm nhất đối với ngộ độc thức ăn là tình trạng mất nước, nên phải bù nước cho trẻ kịp thời. Khi thấy trẻ khóc không có nước mắt, môi lưỡi khô, da không đàn hồi, sụt cân… là tình trạng mất nước đang xảy ra. Phụ huynh nên bù nước nhanh chóng cho trẻ bằng nước muối sinh lý (oresol) có bán sẵn tại các quầy thuốc, hoặc nước dừa pha chút muối và một số loại nước trái cây. Nôn ói là một dấu hiệu tốt khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, chú ý tư thế của trẻ khi nôn, đầu phải thấp và nghiêng về một bên. Như vậy sẽ hạn chế chất nôn tràn vào phổi gây viêm phổi, ngạt thở rất nguy hiểm. Ngừng ngay việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Mang cả chất nôn và thức ăn nghi ngờ có độc vào bệnh viện để tiện cho việc xét nghiệm. Lưu ý phụ huynh tuyệt đối không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy. Việc bảo đảm vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, cho trẻ uống sôi, ăn chín cũng cần thiết để ngộ độc thực phẩm không có cơ hội xảy ra trong những ngày này.

Ngạt nước

Ngạt nước làm nước sặc vào phổi và dạ dày quá nhiều làm trẻ không thở được và tử vong. Cũng có trường hợp lượng nước vào trong phổi ít nhưng gây phản xạ co thắt thanh quản làm trẻ tím tái, ngưng hô hấp, hệ tuần hoàn ngưng hoạt động… Việc sơ cứu khi đưa trẻ ra khỏi môi trường nước là hết sức cần thiết. Đặt trẻ nằm ngửa cằm lên cao, làm động tác hà hơi thổi ngạt, ấn tim năm lần một nhịp… Vẫn tiếp tục sơ cứu trong lúc đưa trẻ đến bệnh viện hay nhập viện để ngăn ngừa suy hô hấp muộn. Phụ huynh nên cho trẻ học bơi và cách sơ cứu khi xuống nước để tránh tai nạn ngạt nước. Trước khi xuống nước nên khởi động tay chân để không bị chuột rút trong môi trường nước.

Phỏng

Phỏng có nhiều nguyên nhân: phỏng nước sôi, phỏng lửa, phỏng hóa chất, phỏng điện… Phỏng vào mùa hè thì nguy cơ cao nhất vẫn là phỏng điện, lửa do thời tiết nóng chập điện, gây cháy… Phỏng gây đau rát vùng da tổn thương nên trẻ sẽ khóc quấy dữ dội. Sơ cứu trẻ bị phỏng: đầu tiên cởi bỏ lớp áo quần nơi phỏng. Lưu ý không nên cố gỡ bỏ mảnh áo quần dính vào da, hay cố rửa chất bẩn nơi vết phỏng không đúng cách, vì có thể làm nhiễm trùng nặng thêm. Tuyệt đối không dùng các loại kem, thuốc gia truyền, nước mắm, giấm… đắp lên vết phỏng mà chỉ cần rửa dưới nguồn nước lạnh. Nhiều trường hợp, trẻ bị vết phỏng nhẹ nhưng phụ huynh lại dùng nước mắm, kem đánh răng bôi vào vết thương gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng và hoại tử vết phỏng.

BS. NGỌC LAN

(suckhoe-doisong)

Bóng nước trên da

Bệnh viêm da bóng nước ở trẻ dễ bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu, tay chân miệng. Làm sao để phân biệt đâu là bóng nước do viêm da?

Buổi chiều đi làm về, chị Nguyễn Thụy Khánh, 30 tuổi, nhà ở đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM, phát hiện gần gót chân đứa con trai 2 tuổi xuất hiện một vệt đỏ, dài khoảng 10cm. Vết đỏ bắt đầu phồng rộp. Chị hỏi chồng và người giúp việc nguyên nhân gây ra vết đỏ nhưng không ai biết.

Viêm da bóng nước bội nhiễm

Anh Thành, ông xã chị, phỏng đoán bé An bị phỏng pô xe vì lúc anh dắt xe vào nhà có thấy bé leo trèo quanh đó. Nghĩ con có khả năng bị phỏng pô, chị lấy thuốc nghệ và dầu mù u bôi vào vết đỏ.

Ngày hôm sau, vết phồng rộp đó lan rộng và dài hơn. Đến ngày thứ hai, ở tay, chân, bẹn và mông bé An bắt đầu nổi những nốt đỏ và có bóng nước. Đặc biệt, những bóng nước này tập trung nhiều ở đầu gối và khuỷu tay. Lo sợ con bị thủy đậu hoặc bệnh tay chân miệng, chị đưa con đến bệnh viện.  

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bệnh viêm da bóng nước thường khởi phát từ một tổn thương như vết trầy xước trên da, ghẻ, chàm, bị nhiễm trùng và tạo ra bóng nước

Sau khi khám, bác sĩ cho biết con chị Khánh bị viêm da bóng nước bội nhiễm. Sau đó, bác sĩ kê toa thuốc uống và thoa 5 ngày. Bác sĩ cũng dặn, nếu sau 3 ngày thấy các bóng nước không giảm, không đóng mày, chị Khánh nên đưa con quay lại tái khám.

Về nhà, chị Khánh bôi thuốc và cho con uống thuốc theo lời bác sĩ. Kết quả rất khả quan. Các bóng nước trên da bé An bắt đầu khô, đưa con đi tái khám và thoa thuốc thêm 3 ngày, các bóng nước dần biến mất sau 10 ngày.

Theo bác sĩ Trần Nguyên Khôi, bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết, những bóng nước xuất hiện trên da trẻ thường do các nguyên nhân như thủy đậu, bệnh tay chân miệng, dị ứng và viêm da bóng nước.

Bố mẹ rất khó phân biệt nguyên nhân gây ra bóng nước trên da trẻ. Do đó, bố mẹ cần phải đưa con đi khám để điều trị đúng bệnh, đặc biệt là để đề phòng các bệnh có biến chứng nguy hiểm như thủy đậu và tay chân miệng.

Phân biệt dấu hiệu của viêm da bóng nước

Bệnh viêm da bóng nước thường khởi phát từ một tổn thương như vết trầy xước trên da, ghẻ, chàm, bị nhiễm trùng và tạo ra bóng nước. Bệnh do nhiễm khuẩn như tụ cầu và liên cầu, hoặc do nhiễm siêu vi Herpes Simplex…

Do đó, trẻ cần được bôi đúng loại thuốc tại vị trí da tổn thương phối hợp với thuốc uống toàn thân để các bóng nước khô và không lan rộng. Nếu bôi không đúng thuốc, cơ thể trẻ có sức đề kháng kém, cộng với da là môi trường dễ lây lan vi khuẩn sẽ khiến các bóng nước lan rộng gây ra tình trạng bội nhiễm như con chị Khánh.

Cách đề phòng và chữa trị

Tốt nhất, khi phát hiện bóng nước xuất hiện trên da con, bố mẹ nên đưa con đi khám để được điều trị đúng bệnh. Khi về nhà, bố mẹ vẫn tắm rửa và giữ vệ sinh cho cơ thể trẻ sạch sẽ.

Ngoài ra, bố mẹ không nên cho bé ăn uống kiêng khem như không ăn tôm, thịt bò vì sợ làm thâm da, sẹo lồi khi các bóng nước lành. Đây là những quan niệm sai lầm.

Trong thời gian này, bé cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước cam, chanh để cơ thể tăng cường sức đề kháng. Bố mẹ cũng mặc áo quần dài để trẻ tránh gãi các bóng nước. Các bóng nước bị vỡ có thể gây lây lan vi khuẩn và làm xuất hiện các bóng nước mới.

Bệnh viêm da bóng nước có thể tái phát nếu người lớn không giữ vệ sinh cho bé tốt. Bố mẹ nên thường xuyên rửa đồ chơi, giặt chăn màn, giữ phòng bé luôn sạch và sát khuẩn thường xuyên để phòng bệnh viêm da và đề phòng một số bệnh khác như viêm nhiễm đường hô hấp, dị ứng…

Theo TTO

Bạch biến – bệnh dễ mắc, khó chữa

Trong bệnh bạch biến, sắc tố ở da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ. Bệnh chiếm 1-2% dân số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, nhưng hay gặp nhất ở tuổi thanh niên.

Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được rõ. Có giả thuyết cho rằng bệnh liên quan tới quá trình tự miễn làm phá hủy các tế bào sinh sắc tố (tế bào sắc tố). Một giả thuyết khác lại cho rằng bệnh có liên quan tới cơ chế tự phá hủy enzym và rối loạn hoạt động thần kinh. Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò khá quan trọng vì khoảng 30% bệnh nhân bạch biến có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh.

Bệnh thường xuất hiện sau những căng thẳng tinh thần, xúc động mạnh, chấn thương thể chất như phẫu thuật, tai nạn, mang thai, mất việc làm, mất người thân... Các tác nhân hóa học như phenol, catfechin, thiol cũng có thể gây bệnh. Bạch biến có thể kết hợp với một số bệnh khác như rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chức năng gan, thiếu máu ác tính, viêm màng não vô khuẩn, đái tháo đường, sợ ánh sáng, khiếm thính, rụng tóc.

Bệnh đặc trưng bởi những đốm, đám tròn mất sắc tố, có giới hạn rõ rệt với vùng da lành. Vùng rìa của thương tổn có màu sắc sẫm hơn, thường xuất hiện đối xứng hai bên cơ thể. Vùng da thương tổn bị mất sắc tố đều nên có màu trắng đều, cũng có trường hợp trên nền trắng có những chấm màu nâu. Kích thước của vùng da bị tổn thương thay đổi rất nhiều; lúc đầu xuất hiện chấm trắng, sau đó lan rộng và có thể liên kết với nhau tạo thành những đám rất rộng, bờ vằn vèo, loang lổ, có thể lan rộng hầu hết mặt da của cơ thể. Lông, tóc trên vùng da bị bệnh thường có màu trắng. Vùng da bệnh không bong vảy và vẫn có cảm giác bình thường.

Số lượng và vị trí của đốm mất sắc tố rất thay đổi, có thể gồm một hoặc nhiều đốm, vị trí thường gặp là mu bàn tay, cổ tay, cẳng tay, lưng, cổ, vùng mặt và vùng sinh dục. Đặc biệt bạch biến hầu như không gặp ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng niêm mạc. Đôi khi các đám mất sắc tố xuất hiện xung quanh nốt ruồi, bớt, vết bỏng.

Bệnh tiến triển không theo quy luật, rất khó đoán trước, thường không biết bệnh khởi phát khi nào. Nó có thể xuất hiện ngay sau một chấn thương tinh thần hoặc chấn thương thể chất nặng. Bệnh tiến triển mạn tính, có thể có những đợt nặng lên. Tổn thương thường tăng lên vào mùa hè, giảm đi vào mùa đông hoặc ổn định lâu dài. Ngoài ra, bệnh cũng có tỷ lệ tự khỏi khoảng 15-30%.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh bạch biến. Nhưng cũng có một số thuốc và biện pháp điều trị đã được áp dụng, cho hiệu quả khác nhau giữa các bệnh nhân. Chẳng hạn như phương pháp quang hóa trị liệu - PUVA: dùng psoralen đường uống hoặc bôi tại chỗ kết hợp với chiếu tia cực tím. Bệnh nhân dùng quang hóa trị liệu phải tuân thủ đúng thời gian phơi nắng hoặc chiếu tia, uống thuốc vào thời điểm thích hợp. Khi điều trị, phải đeo kính râm chống tia cực tím, tránh dùng các thuốc nhạy cảm với ánh sáng (như tetracyclin, phenothiazine, sulfamid...).

Khi các biện pháp điều trị trên không hiệu quả hoặc chống chỉ định, có thể dùng các biện pháp như ghép da, cắt bỏ vùng da tổn thương (nếu tổn thương khu trú, kích thước nhỏ), thậm chí phải chấp nhận dùng kem hóa trang bôi vào vùng da mất sắc tố.

Trong điều trị bạch biến, bệnh nhân phải kiên trì điều trị. Không nên quá lo lắng, bi quan vì điều này có thể khiến bệnh nặng thêm và giảm hiệu quả điều trị. Vì cơ chế gây bệnh còn chưa rõ ràng nên cách phòng ngừa tốt nhất là giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập và làm việc hợp lý.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)