Lưu trữ cho từ khóa: cúm

Làm sao để kiểm soát và hạn chế những xáo trộn lúc chuyển mùa

Chuyển mùa có thể gây rụng tóc, cảm cúm, dị ứng…, thậm chí trầm cảm. Làm sao để kiểm soát và hạn chế những xáo trộn này?

Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với một hay nhiều triệu chứng khi nắng nóng chưa dứt, mà những cơn mưa bất chợt ập đến. Cơ thể khó điều chỉnh kịp thời, nên tốt hơn hết chúng ta phải có những biện pháp cần thiết để giảm thiểu tổn hại đối với sức khỏe.

hat hoi

Ảnh: Shutterstock

Cảm cúm. Hắt hơi, cảm sốt, ho kéo dài hoặc hen suyễn là những bệnh thường gặp lúc chuyển mùa. Khi bị cúm, sẽ có các triệu chứng: vọp bẻ, đau nhức khớp, đau đầu, ho, sốt… Trong trường hợp nghiêm trọng, các biến chứng như viêm phổi hoặc mất nước có thể xảy ra. Cho đến nay người ta vẫn chưa rõ vì sao vi rút này có liên quan đến sự thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, cách ngăn ngừa hay nhất là bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng, rửa tay thường xuyên và nhanh chóng đi bác sĩ khi có triệu chứng cúm.

Dị ứng. Là phản ứng của hệ miễn dịch đối với yếu tố gây dị ứng mà cơ thể nhận định là có hại. Chuyển mùa thường gây phản ứng dị ứng dẫn đến các bệnh hô hấp – phổ biến nhất là viêm mũi, từ các yếu tố như bụi, ẩm mốc, ký sinh trùng, lá cây… Biểu hiện như chảy nước mũi, đỏ mắt và chảy nước mắt, hắt hơi, viêm họng, đau đầu.

Rụng tóc. Là hiện tượng dễ gặp và có thể chỉ thoáng qua. Bổ sung vitamin, sử dụng dầu gội phục hồi, mặt nạ nuôi dưỡng là những giải pháp giúp mang lại sức khỏe cho mái tóc. Những đợt rụng tóc theo mùa kéo dài từ 4-6 tuần. Nếu bạn từng gặp phải hiện tượng này, nên chủ động chuẩn bị từ trước thời điểm chuyển mùa, cả về thực phẩm và cách nuôi dưỡng tóc.

(Theo TNO)

Bệnh lây từ động vật sang người ngày càng tăng

Các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 60% các bệnh ở người. Việt Nam là một trong những “điểm nóng” về tình trạng này.

Thông tin được Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị triển khai công tác y tế dự phòng năm 2013 diễn ra tại Hà Nội ngày 25/3.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đã có hơn 200 bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật được mô tả, gây quan ngại ngày càng tăng.Việt Nam là một trong những nước được coi là “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Trong đó phải kể đến bệnh cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS)…

cum h1n1
Cúm đại dịch H1N1 năm 2009 cũng có nguồn gốc từ lợn.Ảnh minh họa: N.P

Riêng với cúm gia cầm trên người, từ năm đầu tiên được phát hiện là 2003 đến năm 2010, số ca mắc ở Việt Nam là 119, trong đó 59 người tử vong (chiếm 50%), đứng thứ hai trên thế giới. Sau đó, bệnh tạm lắng cho đến đầu năm 2012 đã có 4 ca mắc và hai người tử vong.

WHO khẳng định, sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người rất phức tạp và do nhiều yếu tố như: sự tiến hóa của hệ sinh thái, sự thích nghi của vi khuẩn, thực hành nông nghiệp, công nghệ và công nghiệp…

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cũng cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Các bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, than, liên cầu lợn… có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do sự biến đổi của môi trường, sự phát triển của kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật, sự kháng thuốc…

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.

(Theo Vnexpress)

Chích ngừa cúm an toàn cho thai phụ

 Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học khẳng định, chích ngừa cúm hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ và thậm chí có thể làm giảm nguy cơ sảy thai và các biến chứng.

mang-thai

Các nhà nghiên cứu Mỹ và Na Uy xem xét các hồ sơ y tế của 113.331 phụ nữ mang thai ở Na Uy trong đại dịch cúm 2009-2010 cho thấy có 2.794 bà mẹ tương lai được chẩn đoán cúm, trong khi đó những người đã tiêm phòng cúm giảm 70% khả năng mắc bệnh. Những người phụ nữ bị cúm trong thời gian mang thai tăng gấp 2 lần nguy cơ sảy thai.

Theo các nhà nghiên cứu, không có bằng chứng về tác hại của vaccine phòng cúm đối với phụ nữ mang thai, vì vậy Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine phòng cúm.

(Theo ANTD)

Cảm lạnh và cảm cúm khác nhau ra sao?

 Sổ mũi, ho và sốt là những triệu chứng của cảm lạnh hoặc cúm, những bệnh phổ biến vào mùa đông. Vậy làm thế nào để phân biệt được 2 bệnh này?

cam

Tiến sĩ, bác sĩ Sherif Mossad, tại bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các triệu chứng cảm lạnh và cúm là nhiệt độ cơ thể. Mặc dù cả hai bệnh có thể gây ra sốt, tuy nhiên sốt nhẹ thường biểu hiện của cảm lạnh, trong khi sốt cao 39-40 độ C là biểu hiện của cúm. Khi bị cúm, sức khỏe suy sụp rất nhanh, buổi sáng bạn cảm thấy khỏe nhưng về chiều thì mệt mỏi, kiệt sức.

Ngoài ra, Tiến sĩ Mossad chỉ ra rằng ho, đau họng, nhức đầu, đau nhức người, sốt là dấu hiệu nổi bật của bệnh cúm.  Hắt hơi, chảy mũi, ho là triệu chứng đặc trưng của cảm lạnh.

Cúm do virus gây ra nên không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Vì thế khi bị cúm tốt nhất là dùng thuốc trị các triệu chứng, giảm đau nhức và ngăn chặn các biến chứng. Nếu cúm nhẹ, có thể tự chữa trị ở nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước nóng, súc miệng nước muối, tránh tiếp xúc với mọi người. Nếu thấy khó thở, ho nhiều, thì phải đến bệnh viện, vì bệnh cúm đã biến chứng thành viêm phổi. Khi bị cúm hoặc cảm lạnh, bạn nên che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời thường xuyên rửa tay để tránh lây lan.

 (Theo ANTD)

Nước Mỹ đang chống chọi với dịch cúm nguy hiểm

 Toàn nước Mỹ đang phải chống chọi với dịch cúm nguy hiểm nhất 10 năm trở lại đây, cướp đi mạng sống của gần 20 người, khiến nhiều thành phố lớn phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Từ Florida đến Maine, giường bệnh trong các phòng cấp cứu luôn trong tình trạng quá tải bởi số lượng lớn bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu của cúm. Trong tháng 1 năm ngoái, số bệnh nhân mắc cúm ở thành phố Boston chỉ là 70 trường hợp nhưng nhanh chóng tăng lên 700 người vào cuối năm, bổ sung thêm thiệt hại vào tổng số 18 người chết ở bang Massachusetts.

a
Cả nước Mỹ đang chống chọi với dịch cúm.

Tiến sĩ Barbara Ferrer, Giám đốc điều hành Ủy ban Y tế công cộng Boston cho biết: “Chỉ trong 2 tuần qua, số người mắc cúm đã tăng gấp đôi. Nếu tốc độ gia tăng bệnh nhân vẫn tiếp tục, Boston sẽ chìm trong dịch cúm”. Trong khi đó, số người nhiễm cúm trên khắp nước Mỹ cũng tăng gấp đôi chỉ trong tháng qua, buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên nhiều bang.

Tính tới thời điểm hiện tại, 44 bang của Mỹ đang phải vật lộn với dịch cúm đang ngày càng lan rộng. Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, với tần suất có thêm 100 bệnh nhân có triệu chứng cúm mỗi ngày. Đặc biệt, dịch cúm bùng phát kéo theo tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu trên khắp đất nước.

Tuy được đánh giá là nguy hiểm nhưng tác hại của đợt cúm đối với hầu hết các bang đều không quá nghiêm trọng so với dịch cúm lợn bùng phát ở Mỹ năm 2009. Tuy nhiên, tại một số vùng, dịch cúm mới nhanh chóng bỏ xa những hậu quả của dịch cúm H1N1 trong hơn 3 năm trước, với khá nhiều bệnh nhân thiệt mạng do virus.

Các nhà chức trách cho biết, mùa cúm ở Mỹ thường kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4. Chính vì lẽ đó, số người chết hoặc nhập viện vì mắc cúm chắc chắn sẽ có khả năng gia tăng. Nhằm ngăn ngừa dịch cúm lây lan, các nhà chức trách y tế Mỹ đang cố gắng cung cấp đủ vắc-xin phòng cúm theo mùa cho các cơ sở y tế nhằm hỗ trợ kịp thời tới người dân.

(Theo Infonet)

TP.HCM lập hội đồng xem xét vụ tử vong sau khi tiêm vắc xin

Ca tử vong đầu tiên sau tiêm vắc xin “5 trong 1” tại TP.HCM đang được Sở Y tế TP.HCM lập hội đồng xem xét.

Hôm nay 14.1, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đang lập hội đồng để xem xét về trường hợp một em bé tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Đó là vắc xin ngừa năm bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ và viêm gan siêu vi B, mà thời gian qua xảy ra một số ca tai biến sau khi tiêm rải rác tại các tỉnh thành.

Trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin trên tại TP.HCM theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đó là bé trai ngụ Q.Thủ Đức, xảy hồi cuối tháng 10.2012.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết, trường hợp này phía trung tâm đã đến nơi cư ngụ của bé bị tử vong để tìm hiểu dịch tễ, và đã cung cấp toàn bộ thông tin, dữ liệu cho Sở Y tế TP.HCM.

Trước ca tử vong trên, Viện Pasteur TP.HCM cũng đề nghị Sở Y tế TP.HCM sớm họp hội đồng, đưa ra nhận định, đánh giá để báo cáo về Cục Y tế dự phòng và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

(Theo Thanhnien)

Thực phẩm phòng tránh cúm cho bé

Ngoài mặc áo, giữ ấm bé trong phòng tránh không khí lạnh, bạn có thể giúp con ấm áp, tránh cảm cúm, bệnh tật bằng những thực phẩm tươi ngon.

Hoa quả tươi

Những loại quả rất tốt cho mùa đông có tác dụng giữ nhiệt đó là táo, bưởi, cam. Các loại quả này có chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin C… Mỗi ngày ăn một loại quả này giúp bé phòng tránh các bệnh cảm cúm, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Bạn nên cho bé ăn nguyên quả, nguyên tép, múi hơn là vắt nước bởi vì “thịt” của các loại trái cây này chứa chất xơ rất tốt cho bé, chúng còn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm do không khí lạnh.

Thêm vào đó, hoa quả có chứa rất nhiều vitamin C. Vì vậy, nếu muốn bé không bị ốm, bạn hãy tích cực cho con ăn thật nhiều trái cây tươi. Ngoài táo, bưởi, cam, các mẹ cho ăn thêm cả đu đủ, dâu tây, dưa hấu đỏ, chuối…

trai-cay
Hoa quả rất tốt cho sức khỏe của con (Ảnh minh họa)

Rau xanh

Rau xanh rất giàu vitamin A – loại này rất tốt cho cơ thể bé. Rau không chỉ giúp cơ thể con cân bằng mà còn khiến con khỏe và sở hữu một hệ miễn dịch tối ưu.

Vì thế, hãy đảm bảo ít nhất 3 loại rau xanh và trái cây với các màu sắc đa dạng trong thực đơn mỗi ngày để ngăn chặn sự “hỏi thăm” của các bệnh đường hô hấp cho con nhé!

Các loại rau xanh nên dùng như cải xanh, cải xoăn, măng tây, rau bina…

Thực phẩm giàu protein

Giúp con phòng tránh cảm cúm, cảm lạnh trong mùa đông lạnh giá thì thực phẩm có chứa nhiều protein là tốt nhất. Amino axit trong protein sẽ tạo ra các tế bào cho cơ thể, các tế bào này giúp tăng cường hệ miễn dịch cho con. Nếu thiếu hụt protein, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hiệu quả do các tế bào không được nuôi dưỡng tốt.

Trứng, cá và thịt là những nguồn cung cấp protein chính cho cơ thể bé. Tuy nhiên, mẹ nên tổ chức bữa ăn hợp lý cho con, tốt hơn hết nên lựa chọn thịt trắng (thịt gia cầm) thay cho thịt đỏ.

Bên cạnh đó, trong protein thực vật chứa nhiều chất giúp cải thiện hệ miễn dịch và hoạt chất có tính kháng các loại virus. Bà mẹ có thể cho con uống sữa đậu nành mỗi ngày. Tuy nhiên, việc lựa chọn sữa và cách sử dụng cũng cần phải có những lưu ý để trẻ được uống sữa một cách khoa học nhất.

Chất béo có lợi

Không phải chất béo nào cũng có hại cho cơ thể, bạn hãy tập cho bé ăn các loại thực phẩm béo có trong các loại quả như quả bơ, các loại hạt, và các loại axit béo có chứa omega-3 có trong một số loại cá tăng cường hệ miễn dịch có khả năng kháng thể.

Hải sản

Hải sản có chưa nhiều omega-3, chúng mang đến cho cơ thể bé rất nhiều kẽm – một chất chống ôxy hoá kích thích hoạt động của hệ miễn dịch.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên cho bé “chăm chỉ” ăn cá 3 lần mỗi tuần, nên sử dụng dầu thực vật (dầu ôliu) với liều lượng hợp lý trong bữa cơm gia đình.

Bên cạnh đó, cá hồi là loại cá được xếp đầu bảng cung cấp nhiều axit béo omega 3 cũng như dầu cá. Đây là những loại chất béo đã được chứng minh là giúp tăng cường sự khỏe mạnh của hệ miễn dịch.

Gia vị: tỏi, hành, gừng

Nhiều mẹ “lười” không cho những gia vị này vào đồ ăn cho con, hoặc “sợ chúng dậy mùi”, suy nghĩ đó nên được thay đổi. Bởi thêm nhiều hành và tỏi… trong các món ăn vào mùa đông có tác dụng tăng sức đề kháng cho cơ thể bé trước các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi.

Đặc biệt, tỏi tây có chứa rất nhiều vitamin B, C, các chất khoáng như sắt, canxi, phôtpho, magiê, natri, kali,… có tác dụng bổ thần kinh, tránh cảm.

Hành tây có tác dụng lợi tiểu, dễ tiêu hóa, trị ho, an thần nhẹ, mệt mỏi, bổ dưỡng cơ thể. Củ gừng tươi có khả năng đánh bại những căn bệnh cảm cúm.
Một hợp chất tự nhiên từ thực vật có tên là gingerol được tìm thấy trong củ gừng tươi có khả năng tránh cúm rất tốt.

Có thể dùng tỏi tây, hành tây, gừng dưới dạng thái nhỏ trộn chung với các loại rau khác, nấu canh, nấu súp với khoai tây, cà rốt và xào với đậu hũ, thịt bò, heo… cho bé mỗi ngày.

 (Theo TTOL)

Những người nào dễ bị bệnh cảm

 

 Bệnh cảm thường dễ ảnh hưởng đến những người thích ngủ nướng, ăn kiêng quá độ, lười vận động…

1. Thích ngủ nướng.

Thiếu ngủ khiến hệ thống miễn dịch kém đi. Mỗi ngày nên ngủ đủ 8 tiếng. Tuy nhiên, giáo sư chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu bệnh cảm lạnh phổ thông thuộc đại học Cardiff, Anh quốc cũng khuyến nghị, nếu ngủ quá nhiều sẽ khiến tuần hoàn máu bị chậm lại, gây ảnh hưởng hệ miễn dịch.

2. Ăn kiêng quá độ.

Chất béo ức chế chức năng của tế bào miễn dịch. Nhưng không nên vì giảm cân mà ăn uống quá kiêng khem, vì điều này khiến steroids rối loạn, giảm miễn dịch của cơ thể.

3. Không tắm nắng.

Vitamin D có tác dụng rất quan trọng trong quá trình hình thành tế bào miễn dịch, mà tia tử ngoại lại thúc đẩy sản sinh vitamin D. Nếu ít tiếp xúc với nắng sẽ dễ mắc bệnh cảm. Mùa đông ánh nắng yếu, có thể ăn thêm nhiều cá, trứng để bổ sung loại vitamin này.

4. Lười vận động.

Theo một hạng mục nghiên cứu của Mỹ, mỗi tuần thể dục 3 lần (chạy bộ, đi bộ nhanh…), mỗi lần 30 phút có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Vận động làm tăng tốc độ tuần hoàn máu, giúp bạch cầu phân bố đều khắp cơ thể, và thông qua việc biến đổi nồng độ hormone sẽ tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, những người đã bị cảm nếu như triệu chứng chưa nghiêm trọng thì không nên nằm nghỉ quá nhiều, luyện tập nhẹ nhàng lúc đó giúp khỏi bệnh nhanh hơn.

5. Thường táo bón.

Việc táo bón kinh niên khiến đường ruột không có thời gian nghỉ ngơi để đủ sức chống lại các vi khuẩn. Theo nghiên cứu của Đan Mạch, việc bổ sung lợi khuẩn trong thức ăn sẽ rút ngắn thời gian bị bệnh cảm 48%; còn nghiên cứu mới của Thái Lan thì cho biết lợi khuẩn có thể giúp cơ thể phòng cảm lạnh. Vì vậy, mùa cúm nên ăn các thực phẩm chứa lợi khuẩn, ví dụ sữa chua, và tránh để táo bón dài ngày.

6. Ít bạn bè.

Mọi người cho rằng càng tiếp xúc nhiều người bên ngoài sẽ càng dễ lây truyền virus cúm, kì thực, hệ thống miễn dịch có khả năng ghi nhớ những loại vi khuẩn mà chúng từng “làm bạn”. Do đó, thường xuyên giao lưu sẽ giúp luyện tập khả năng phòng bệnh của cơ thể, đặc biệt, rất có lợi cho giảm áp lực tinh thần.

(Theo ANTD)

 

Phân biệt cảm cúm nặng, nhẹ để biết cách phòng tránh

Khi trời bắt đầu trở lạnh cũng chính là lúc các virus cảm cúm có cơ hội phát triển. Không có ít người vẫn chỉ nghĩ cảm cúm là một bệnh xoàng, chỉ cần dùng vài viên thuốc trị cảm là giải quyết xong vấn đề. Song, sự thật về cảm cúm không đơn giản như thế.

Một trong những nội dung tập huấn quan trọng của chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng “Bác sĩ tại gia” là phân biệt cảm cúng nặng và nhẹ, vì nó có những triệu chứng tương tự nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Chương trình đã lần lượt diễn ra tại 13 tỉnh thành phố trong cả nước.

Theo các chuyên gia tư vấn của chương trình, nếu cảm nhẹ (hay còn gọi là cảm lạnh), cơ thể sẽ có 3 triệu chứng thường gặp nhất là: hắt hơi, sổ mũi (hoặc nghẹt mũi), đau đầu và có thể kèm sốt nhẹ hoặc nhức mình mẩy… Nguyên nhân gây ra cảm nhẹ là do cơ thể có sức đề kháng kém nên sẽ dễ bị nhiễm các siêu vi trùng có trong không khí trong mùa cảm cúm. Bạn cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và rửa tay đúng cách để tránh bị lây nhiễm.

(Ảnh được cung cấp bởi nhãn hàng Panadol Extra)

Trong khi đó, người bị cảm nặng (cảm cúm) sẽ có 6 triệu chứng thường gặp nhất là: sốt cao kèm đau nhức mệt mỏi toàn thân, ho, đau họng, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh do virus cúm truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hơi thở, nước mũi. Khi xác định bị cảm cúm nặng, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm.

Lý do cần phải lưu ý 2 loại cảm nhẹ và nặng là vì thuốc cảm là thuốc không kê toa nên đang có tình trạng: người muốn mua cứ mua, người bán cứ bán. Cả 2 đối tượng đều bỏ qua giai đoạn tìm hiểu và gọi tên bệnh cho đúng để dùng đúng thuốc và điều trị cho hiệu quả. Nếu người cảm nhẹ mà dùng các loại thuốc trị cảm liều mạnh rất dễ dẫn đến tình trạng ngà ngật, buồn ngủ thiếu tỉnh táo ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt hằng ngày. Ngược lại, người bị cảm nặng nhưng lại dùng thuốc điều trị cảm nhẹ sẽ không dứt được bệnh làm cho bệnh kéo dài lâu ngày dễ dẫn đến bội nhiễm, thậm chí viêm phổi rất nguy hiểm.

“Bác sỹ tại gia” là chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Hội liên hiệp Phụ nữ ViệtNamkhởi xướng và được tài trợ bởi công ty GlaxoSmithKline – nhãn hàng Thuốc Panadol cảm cúm Extra.

Nội dung lớp tập huấn nêu ra thông điệp rất đơn giản giữa cảm nhẹ và cảm nặng khi dùng các con số 3, 6 để phân biệt triệu chứng cảm cúm nhẹ và cảm cúm nặng. Thông điệp khẳng định dùng thuốc 3 thành phần trị cảm nhẹ và 6 thành phần  trị cảm nặng. Việc này cũng giúp ích cho các chị em xử lý bệnh cảm ngay tại nhà trước khi phải đến các cơ sở y tế tuyến trên.

 

8/4 Bộ Y tế tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắcxin H5N1 trên người

8/4 Bộ Y tế tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắcxin H5N1 trên người
Ảnh minh họa: Newsdaily.

Ngày 8/4, Bộ Y tế tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắcxin cúm A(H5N1) trên người, giai đoạn 3 tại Hà Nam. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng để xác định xem có cho phép sản xuất vắc xin trên quy mô đại trà hay không.

Đợt thử nghiệm này sẽ tiến hành trên 1.000 người tình nguyện ở 2 tỉnh là Thanh Hóa và Hà Nam. Những người tham gia thử nghiệm đều được kiểm tra kỹ càng về sức khỏe, phụ nữ không mang thai. Đây là mũi tiêm thứ 2, mũi thứ nhất được tiêm cách đây một tháng.

28 ngày sau tiêm, họ sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm, đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắcxin. Học viện Quân y sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lần cuối này vào tháng 5, rồi chuyển Bộ Y tế nghiệm thu để đưa ra kết quả chính thức.

Trước đó, vắcxin này đã qua thử nghiệm giai đoạn 1 và 2. Kết quả cho thấy nó an toàn trên người tình nguyện, không gây ra các phản ứng không mong muốn trầm trọng, chủ yếu là chỉ là đau tại chỗ tiêm thoảng qua và tự khỏi sau 24 giờ mà không cần điều trị. Các chỉ số sinh hóa ở những người tình nguyện sau khi tiêm vắcxin là bình thường. Vắcxin cho kết quả đáp ứng miễn dịch tốt ở 100% các đối tượng được tiêm từ liều 7,5mcg trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu.

Vắcxin phòng cúm A(H5N1) do Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nghiên cứu từ năm 2004 và được Bộ Y tế công nhận là 1 trong 26 thành tựu nổi bật. Với việc tự sản xuất được vắcxin cúm trong nước, Việt Nam có thể chủ động trong việc phòng chống các đại dịch cúm trong tương lai, không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung của nước ngoài.

Tính đến nay, cả nước đã có 123 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó 61 ca tử vong, tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

BACSI.com (Theo Vnexpress)