Lưu trữ cho từ khóa: cư xử

Mẹ trầm cảm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con

Những bà mẹ bị trầm cảm dễ cư xử ảnh hưởng đến giấc ngủ của con họ.

Theo nghiên cứu mới đây thì những bà mẹ bị trầm cảm dễ cư xử ảnh hưởng đến giấc ngủ của con họ.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học bang Pennsylvania đã tiến hành khảo sát tại nhà của 45 bà mẹ và con của họ, độ tuổi từ 1 tháng đến 2 năm, trong vòng 7 ngày liên tiếp để thu thập thông tin về các triệu chứng trầm cảm ở những bà mẹ và chất lượng giấc ngủ của con họ.

Họ phát hiện ra rằng trẻ có mẹ bị các triệu chứng trầm cảm mức độ cao hơn có thời gian bị gián đoạn giấc ngủ nhiều hơn.

Sau đó các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem liệu các triệu chứng trầm cảm ở mẹ có khiến họ có những hoạt động ảnh hưởng đến giấc ngủ của con không và liệu việc trẻ thức giấc vào ban đêm có khiến mẹ chúng bị trầm cảm nặng hơn do thiếu ngủ không.

Kết quả cho thấy hành vi liên quan đến trầm cảm của mẹ ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Ví dụ như những bà mẹ bị trầm cảm và lo âu rất dễ bế trẻ lên khi chúng đang ngủ hoặc lo lắng xem trẻ có bị đói, khát hoặc khó chịu không.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Child Development ngày 17/4.

BACSI.com (Theo ANTD)

Dạy con ứng xử khi đến nhà người khác – Phần 1

(Webtretho) Trẻ em thường thích đi chơi, thích được hòa vào một không gian với nhiều người mới lạ và tham gia vào nhiều hoạt động... Nhưng trẻ con là trẻ con, rất có thể sẽ vô tình làm phiền đến những người xung quanh. Vậy nên, các bậc cha mẹ hãy dạy con mình phép lịch sự khi đến chơi hoặc thăm viếng nhà người khác, đặc biệt là trong dịp Tết nhất này. Làm như thế không chỉ để lại ấn tượng đẹp trong lòng chủ nhà mà còn khiến họ muốn mời bạn quay trở lại trong những lần tiếp theo.

webtretho_dạy con cách ứng xử

Dạy con phép tắc ngay từ khi con còn nhỏ (Ảnh: Inmagine)

Phương pháp tốt nhất mà bố mẹ có thể dạy con là hãy trở thành tấm gương tốt cho bé noi theo. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên dành thời gian hướng dẫn bé những kỹ năng, phép tắc cơ bản khi đến chơi nhà người khác.

Đừng nghĩ con còn nhỏ tuổi mà bỏ qua việc dạy dỗ bé những phép tắc này, vì một khi cách cư xử không tốt đã trở thành thói quen, bạn sẽ rất khó khăn trong việc uốn nắn lại. Những cách nói như “Làm ơn”, “Vui lòng”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Con có thể…” cần được chỉ dạy ngay khi bé lên 2 hoặc 3 tuổi. Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình cần tích cực hướng dẫn bé sử dụng những cụm từ trên trong những tình huống phù hợp. Từ đó, bé sẽ hình thành thói quen cư xử và nói năng lịch sự.

Nên nhớ là bạn phải thực sự kiên trì và luôn là hình ảnh mẫu mực để con trẻ noi theo. Trên nền phép lịch sự cơ bản ấy, bạn sẽ dễ dàng hướng dẫn con làm thế nào để trở thành một người khách quý.

1. Đối với trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ thường học theo kiểu bắt chước. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý tập cho con khả năng tiếp thu những điều mới mẻ, đặc biệt là những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, bởi ở độ tuổi này bé đã có thể hiểu và tiếp thu những gì bạn truyền đạt.

Đầu tiên, hãy tập trung vào những cụm từ, những cách nói thể hiện thái độ lịch sự và bạn phải luôn luôn là hình mẫu trong tất cả mọi điều bạn mong đợi ở con mình. Dành lời khen ngợi khi con có những biểu hiện tốt như chào hỏi người lớn, xin phép trước khi làm việc gì, cảm ơn khi được tặng quà hoặc được ưu đãi một điều gì đó. Đừng cho rằng con mình còn nhỏ mà bỏ qua các phép tắc này, vì hầu hết các bé đều đã có thể tự giác chào hỏi, cảm ơn ngay từ lúc còn rất nhỏ.

Trẻ từ 5 đến 6 tuổi cần phải biết:

- Tự rửa tay trước khi ăn;

- Ngồi nghiêm túc bên bàn ăn hoặc bàn khách;

- Nói và thể hiện lời cảm ơn thông qua hành động, cử chỉ;

- Chào người lớn và biết bắt tay đúng cách;

- Biết sắp xếp đồ cá nhân, đồ chơi và những vật dụng một cách ngăn nắp sau khi được cho mượn;

- Nếu có nhu cầu đi vệ sinh, biết lịch sự hỏi xem nhà vệ sinh ở đâu; trong quá trình sử dụng, có gì thắc mắc thì biết hỏi chủ nhà để giữ gìn sự sạch sẽ và tránh làm hư hại các vật dụng.

Những kỹ năng này không hề khó nhưng cần phải luyện tập nhiều lần mới có thể ăn sâu vào trí nhớ của bé được. Bạn có thể cùng con đến chơi nhà người khác và chú ý nhắc nhở bé làm theo những nguyên tắc nêu trên. Hoặc thỉnh thoảng, khi có khách đến nhà chơi, bạn có thể cho con đóng vai trò chủ nhà để chúng hiểu rõ hơn vì sao mình lại cần phải có thái độ đúng đắn khi làm khách nhà người khác.

Hầu hết mọi đứa trẻ ở tuổi này đều là những vị khách lịch sự khi đi cùng bố mẹ, nhưng không ít trong số đó sẵn sàng phá vỡ nguyên tắc khi đi chơi một mình, thậm chí tỏ ra hoàn toàn trái ngược. Chúng tha hồ thể hiện sự tự do của mình vì không bị bố mẹ giám sát. Vì thế, bạn hãy thiết lập mối quan hệ thân thiết với những gia đình mà con đến chơi để có thể biết được bé cư xử như thế nào khi làm khách một mình và phối hợp uốn nắn kịp thời.

webtretho_dạy con cách ứng xử

Có thể cho con đóng vai chủ nhà để hiểu hơn những phép tắc khi làm khách (Ảnh: Inmagine)

Và hãy nhớ, những điều bạn mong đợi ở con không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải cần rất nhiều thời gian. Hãy tập trung vào những bài học cụ thể cho từng lứa tuổi khác nhau, như vậy bé mới tiếp thu và thực hành một cách tốt nhất. Nếu làm được điều này, bạn sẽ có được niềm hạnh phúc và tự hào của người làm cha làm mẹ có đứa con ngoan ngoãn và cư xử khéo léo.

Những điểm chính cần lưu ý:

- Trẻ từ 2 đến 6 tuổi cần được học các kỹ năng ứng xử cơ bản; tùy thuộc vào từng thời điểm mà bạn có thể tập trung dạy bé những kỹ năng phù hợp;

- Các bậc phụ huynh cần tỏ ra gương mẫu không chỉ khi làm khách mà ngay cả trong chính ngôi nhà của mình. Nếu bạn là một tấm gương tốt, các con của bạn sẽ học hỏi theo và tiến bộ rất nhanh;

- Hãy tỏ ra bình tĩnh khi con có những sai phạm, và tuyệt đối không la mắng con trước mặt người khác, hãy nhắc nhở kín đáo để bé không bị xấu hổ và có thể tiếp thu một cách tốt nhất.

(Còn tiếp)

5 điều nên làm trong quan hệ vợ chồng

Trong tình yêu, mối quan hệ giữa hai người được ví như chiếc xe cần được chăm sóc và điều chỉnh thường xuyên để có thể vận hành trơn tru và bền bỉ. Nếu bạn không muốn ngày nào đó phải thức dậy trong nước mắt và khổ sở giải quyết rạn nứt, hãy dành chút thời gian nghe những lời khuyên sớm từ các chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình.

Chỉ một vài thay đổi nho nhỏ có thể giúp mối quan hệ của bạn ngọt ngào và hạnh phúc hơn - Ảnh: Gettyimages

1. “Dẹp hết những e thẹn, đổ lỗi, trách móc và chỉ trích đi. Thay vào đó, hãy đòi hỏi những gì bạn muốn một cách rõ ràng, cụ thể với một thái độ tích cực và dành sự tôn trọng cho anh ấy. Cần nói thêm rằng: đàn ông cần cảm thấy họ có khả năng làm điều gì đó và được ghi nhận. Họ muốn biết những gì họ làm có thể khiến bạn hạnh phúc. Đàn ông cũng có xu hướng thể hiện tình cảm qua hành động, vì thế bạn nên xem những hành động của chàng chính là tình yêu mà chàng dành cho bạn. Khi anh ấy biết những gì cần làm và hiểu chúng, anh ấy sẽ làm thôi.”  – Harville Hendrix, tác giả cuốn Yêu như mong muốn.

2. “Sửa đổi thói quen “bới bèo ra bọ” – khi mà bạn chỉ tập trung trách móc những lỗi lầm của anh ấy, sang một cách nhìn nhận tích cực hơn – rằng trong khi mắc lỗi thì anh ấy cũng đã làm một vài điều tốt đẹp. Hãy ghi nhận từng việc nhỏ và thể hiện sự trân trọng của bạn với chúng. Điều này sẽ giúp bạn xoay chuyển tình trạng leo thang tiêu cực trong mối quan hệ của mình thành văn hóa cư xử tôn trọng bạn đời (hoặc người yêu) của mình.” – John Gottman, tác giả cuốn Phương thuốc cho các mối quan hệ: 5 bước củng cố hôn nhân, gia đình và tình bạn của bạn.

3. “Khi mối quan hệ của bạn bắt đầu xuống dốc là lúc bạn cần đến 3 chữ H sau: sự Hối lỗi, Hàn gắn yêu thương và Hứa hẹn sửa đổi. Bạn cần nhận lỗi về những gì mình đã nói (hoặc làm) gây tổn thương hoặc khiến anh ấy thất vọng. Hãy gạt tự ái sang bên, ôm lấy anh ấy, hôn hoặc dùng một cử chỉ đặc biệt nào đó giữa hai người để thể hiện sự hối cải và tạo cảm giác ấm áp. Hãy cam kết với anh ấy điều mà hai bạn đang vướng mắc, chẳng hạn “Từ giờ, em sẽ…”; và hãy thành thực ghi nhớ điều ấy, đừng chỉ nói suông cho qua chuyện. Phương pháp 3H này chỉ mất đôi ba phút, nhưng nó giúp bạn chữa lành phần nào vết thương quá khứ, xây dựng lại cầu nối hiện tại và tạo hy vọng tương lai cho mối quan hệ của hai người.” – Mira Kirshenbaum, tác giả của Cuộc hôn nhân cuối tuần.

Hãy là người phụ nữ đáng yêu của anh ấy cả tâm hồn lẫn thể xác - Ảnh: Gettyimages

4. “Người đàn ông của bạn nhiều khả năng cũng nằm trong số những quý ông xem các văn hóa phẩm khiêu dâm là thú giải trí bình thường của đàn ông. Nhưng yên tâm đi, họ không muốn bạn giống những ngôi sao phim đen đó. Hãy để cho anh ấy cảm nhận sự gợi cảm tuyệt vời bạn, người phụ nữ của anh ấy với tất cả sự mềm mại, nhạy cảm, ngọt ngào, tinh tế, sáng tạo và nữ tính của bạn. Tất cả những phẩm chất đó không chỉ thể hiện bằng tình dục mà còn phải toát lên từ chính con người và tâm hồn bạn. Hạnh phúc lứa đôi không chỉ là chuyện khoái cảm ở trên giường, phải không nào?” –  Ian Kerner, tác giả cuốn Nhắc đến nàng.

5. “Mọi mối quan hệ đều có thể trở nên cũ mòn theo thời gian, và mối quan hệ đó càng kéo dài, sự nhàm chán sẽ càng nặng nề. Hãy thổi một làn gió mới cho mối quan hệ của mình. Nếu hai bạn có thể thu xếp một kỳ nghỉ dài lãng mạn thì điều đó quá tuyệt vời. Nhưng chỉ cần vài giờ lén lút đi “hú hí” với nhau trong một khách sạn nào đó, tắt hết điện thoại và các loại máy móc chỉ để dành hoàn toàn tâm hồn và thể xác cho nhau cũng đã đủ để cả hai cùng hạnh phúc ngất ngây rồi.” – Tiến sĩ Ruth Westheimer, chuyên gia tâm lý trị liệu và tác giả của 52 bài học giao tiếp khi yêu.