Lưu trữ cho từ khóa: corticoide

Thuốc chữa “tổ đỉa”

Bệnh tổ đỉa là một dạng đặc biệt của eczema. Eczema gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em còn gọi là chàm thể tạng. Vị trí tổn thương gặp bất kỳ nơi nào trên da. Nếu tổn thương xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân và rìa các ngón tay, ngón chân thì được gọi là eczema bàn tay, bàn chân hay bệnh tổ đỉa (pompholyx/dyshidrosis). Vậy tổ đỉa là một thuật ngữ để chỉ bệnh chàm/eczema bàn tay, bàn chân.

Bệnh tổ đỉa hay tái phát vào mùa hè, phát theo tuần trăng, ngứa nhiều khiến bệnh nhân phải gãi nên việc điều trị rất khó khăn.

Điều trị bệnh tổ đỉa cũng như điều trị bệnh chàm: Tại chỗ bôi thuốc theo từng giai đoạn của bệnh như thuốc nước, thuốc hồ và thuốc mỡ, kèm theo uống thuốc kháng histamin để giảm ngứa. Dùng thuốc kháng sinh nếu có bội nhiễm. Người bệnh cố gắng hạn chế gãi vì gãi là yếu tố tác động làm tăng tiết histamin tại chỗ, là căn nguyên chính gây nên ngứa của bệnh chàm.

Bệnh tổ đỉa là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh nhân phải biết giữ gìn để đề phòng tái phát. Khi thấy ngứa tại các vị trí cũ phải đến khám chuyên khoa da liễu ngay để điều trị kịp thời, bệnh nhanh khỏi, chi phí ít.

Thuốc dùng trong giai đoạn chàm cấp:

 

- Dung dịch jarish đắp lên thương tổn cho đến khi hết chảy nước.

- Dung dịch castellani/ xanh metylen bôi lên tổn thương khi có bội nhiễm.

- Toàn thân cho uống kháng histamin (loratadin, citirizin, telfast...) và kháng sinh phòng bội nhiễm. Nếu tình trạng nặng có thể dùng corticoid liều thấp dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc dùng trong giai đoạn chàm bán cấp:

-  Hồ tetrapred hoặc hồ nước bôi tại chỗ cho đến khi đỡ đỏ, đỡ phù nề. Có thể kết hợp với thuốc kháng sinh có corticoide (dạng kem bôi) như fusicort, fobancort, supricort-N.

Toàn thân tiếp tục uống kháng histamin và uống kháng sinh khi có bội nhiễm.

Thuốc dùng trong giai đoạn chàm mạn:

Bôi các loại mỡ corticoide như: eumovate, dermovate, flucinar, lorinden hoặc bôi thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus (FK 506/ protopic), kết hợp với một số thuốc làm ẩm da như physiogel cleanser, cetaphyl, skincare-U.

Toàn thân vẫn tiếp tục uống kháng histamin và một số sinh tố C, A, E. Nếu tổn thương lâu ngày, phải đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

ThS. Bs. Đỗ Xuân Khoát

Meo.vn (Theo SKĐS)

Hai gót chân bị thốn

*Tôi hiện đang sinh sống tại Singapore, khoảng hơn năm nay, mỗi khi leo cầu thang đầu gối trái của tôi thường rất đau và thốn. Co ra co vào thường nghe rộp rộp và tôi được bác sĩ báo rằng tôi bị khô khớp, sau đó tôi dùng thuốc thì giảm rất nhiều.

Hiện tôi đang dùng thuốc Joint-Care của Australia được khoảng 4 tháng nay. Nhưng gần đây hai gót chân của tôi rất thốn, nhất là gót phải. Nếu đi chân không thì càng đau. Xin bác sĩ vui lòng tư vấn cho tôi biết đó là triệu chứng của bệnh gì, cách điều trị? (Nguyễn Thị Kim Hương)

- Trả lời của phòng mạch online:

Chúng tôi rất tiếc là không biết bạn bao nhiêu tuổi. Việc chẩn đoán khô khớp chỉ là một cách giải thích dân dã của bác sĩ cho bệnh nhân thay vì phải giải thích tường tận một tình trạng thoái hóa khớp phức tạp hơn.

Việc hai gót chân của bạn bị thốn, chúng tôi nghĩ rằng bạn có thể bị chứng bệnh gọi là viêm cân gan chân nằm trong một chứng bệnh gọi chung là đau gót chân, trong đó viêm cân gan chân là nguyên nhân hay gặp nhất.

Cân gan chân là lớp cân bám vào xương gót và xương bàn chân nhằm làm cho bàn chân có độ co giãn khi bước đi. Tình trạng viêm lâu ngày làm calci lắng tụ ở chỗ bám vào xương gót, khi chụp phim sẽ thấy có hình ảnh gai xương gót, nhưng trái với lầm tưởng của nhiều người, gai xương gót không phải là nguyên nhân mà chỉ là hậu quả của tình trạng viêm đau lâu ngày, có nhiều người tự đi chụp phim và khi đọc thấy gai xương gót thì xin mổ cho bằng được để lấy gai đi. Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây khó chịu vì đau.

Về điều trị bao gồm nhiều phương pháp phối hợp: dùng thuốc kháng viêm giảm đau bằng đường uống trong 2-4 tuần kết hợp với mang đế gót mềm, tránh đi chân trần, tránh đứng quá lâu hoặc đi lại quá nhiều, tập làm căng cân gan chân nhiều lần trong ngày (bằng cách bẻ ngược bàn chân lên trên).

Nếu không bớt sẽ chuyển sang chích corticoide tại chỗ, tối đa là ba mũi cách nhau mỗi tuần, thông thường thì bệnh sẽ khỏi, nếu không thì dùng biện pháp mổ cắt bán phần cân gan chân, tuy nhiên sau mổ phải tập đi lại sau 2 tuần nằm nghỉ không chống chân đau, khá là nặng nề.

Bệnh đau gót chân cần chẩn đoán phân biệt với hội chứng ống cổ chân là tình trạng chèn ép thần kinh chày khi đi trong ống cổ chân cũng gây tình trạng tê và đau vùng gan chân đôi khi lan lên cẳng chân, cần phải đo điện cơ để xác định chẩn đoán.

Nếu bạn đi khám bệnh các bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm cần thiết khi nghi ngờ bệnh gì.

BS TĂNG HÀ NAM ANH

giảng viên CTCH BV ĐH Y Dược TP.HCM

Chích ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh: Thời điểm nào là tốt nhất?

Có nên chích ngừa văcxin viêm gan siêu vi (VGSV) B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh? Nhiều bà mẹ lo lắng đặt câu hỏi khi biết có trẻ sơ sinh bị tử vong sau chích ngừa văcxin VGSV B. Các bác sĩ có ý kiến thế nào về vấn đề này?

VN nhiễm siêu vi B cao

Bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP.HCM - dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện nay trên thế giới có hơn 2 tỉ người đã từng bị nhiễm siêu vi B. Trong đó có 350-400 triệu người đang mang siêu vi B mãn tính. Hằng năm có khoảng 500.000-700.000 trường hợp tử vong vì các bệnh có liên quan đến nhiễm siêu vi B mãn tính là xơ gan, ung thư gan.

Khu vực có tỉ lệ nhiễm siêu vi B cao nhất hiện nay là châu Phi, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, với khoảng 8-20% dân số. Tại những vùng này, con đường lây nhiễm VGSV B nhiều nhất là từ mẹ sang con, kế đến là lây nhiễm ở lứa tuổi dưới năm tuổi. Trong khi ở các vùng khác, nguy cơ lây nhiễm chính lại là qua quan hệ tình dục, qua các dụng cụ bén nhọn có dính máu và dịch tiết làm rách da, niêm mạc. Lây qua máu và các loại huyết phẩm ngày càng giảm dần do các cơ sở y tế đã kiểm soát tốt.

VN là vùng lưu hành VGSV B cao, với tỉ lệ mang HBsAg khoảng 8-20% dân số. Mỗi năm, nước ta có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó số phụ nữ mang thai đang mang mầm bệnh khá nhiều nên nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh cao. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm siêu vi B từ mẹ sẽ trở thành người mang mầm bệnh mãn tính, và có nguy cơ tiến triển đến xơ gan, ung thư gan trong tương lai. Vì vậy, biện pháp phòng chống làm giảm tỉ lệ nhiễm bệnh hiệu quả là chích ngừa văcxin.

Tiêm trong 24 giờ sau sinh là cần thiết

Theo BS Anh Tuấn, lịch chủng ngừa VGSV B rất linh hoạt và có nhiều phác đồ khác nhau. Việc chọn lựa phác đồ nào tùy thuộc vào tình hình dịch tễ và chiến lược của mỗi quốc gia, nhưng hiệu quả phòng bệnh của các phác đồ là tương đương nhau. Lịch tiêm chuẩn cho người lớn và trẻ lớn là: 0-1-6 tháng. Ngoài ra còn có các phác đồ nhanh như: 0-1-2 tháng và nhắc lại sau 12 tháng; 0-7-21 ngày và nhắc lại sau 12 tháng. Phác đồ nhanh được áp dụng trong những trường hợp cần có miễn dịch nhanh để phòng lây nhiễm bệnh.

Với những trẻ có mẹ bị nhiễm VGSV B thì phải chích sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh mới đảm bảo bảo vệ cho trẻ. Trong khi đó, BS Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết ở VN, phác đồ chích ngừa VGSV B được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khuyến cáo theo phác đồ của WHO là 0 (trong 24 giờ đầu sau sinh) - 2-4 tháng tuổi.

BS Anh Tuấn cho biết đối với trẻ nhỏ, để thuận tiện cho người tiêm chủng, văcxin VGSV B được lồng ghép vào chương trình tiêm mở rộng. Liều đầu tiên được tiêm sau khi sinh và các liều còn lại sẽ được tiêm cùng lúc với văcxin ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, và hiện tại đã có những dạng văcxin chứa phối hợp cùng lúc ngừa được cả sáu bệnh này.

Tại các nước có tần suất mắc bệnh cao trên 8%, WHO khuyến cáo nên tiêm liều đầu tiên ngay sau sinh. Đặc biệt là con của những bà mẹ có HBsAg dương tính thì liều đầu tiên cần được tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và chỉ dùng văcxin đơn giá, không được dùng văcxin phối hợp. Việc tiêm ngừa sớm văcxin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu có thể ngăn chặn hầu hết các trường hợp nhiễm viêm gan B.

Với các trường hợp khác, việc tiêm liều đầu tiên có thể muộn hơn trong vòng một tuần hoặc có thể đến một tháng sau sinh. Đối với những trẻ sinh ra có cân nặng dưới 2kg, việc tiêm văcxin liều đầu được khuyến cáo nên dời lại sau một tháng hoặc cho đến khi trẻ có đủ cân nặng trên 2,8kg.

Các lần tiêm sau có thể tiêm cùng lúc với văcxin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và có thể dùng văcxin đơn giá hoặc văcxin kết hợp. Tạo miễn dịch cơ bản chỉ cần 3 hoặc 4 mũi thuốc chủng ngừa là đủ, không cần tiêm nhắc lại. Khoảng cách giữa các lần tiêm cũng cho phép dao động trong khoảng thời gian khá dài: giữa liều 1 đến liều 2 có thể dao động từ 1-4 tháng, giữa liều 2 đến liều 3 có thể dao động từ 6-18 tháng. Do đó việc tiêm trễ hơn lịch qui định vài ngày đến 1-2 tháng là hoàn toàn chấp nhận được.

Đối với VGSV B, khi đang tiêm loại văcxin này, ví dụ như đã tiêm văcxin Euvax-B của Hãng LG, Hàn Quốc mà vì một lý do nào đó trong lần tiêm sau không có loại văcxin này nữa thì hoàn toàn có thể chuyển đổi qua loại văcxin khác có cùng chủng loại, ví dụ như Engerix-B hoặc HBvax-pro... vì hiệu quả bảo vệ là như nhau.

Chú ý chống chỉ định

Tuy nhiên, theo BS Phan Thị Hiền Thu - phòng khám Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc chích ngừa văcxin cũng có chống chỉ định với một số trường hợp. Cụ thể, chống chỉ định tạm thời với người đang sốt cao; đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nặng; đang bị nhiều mụn mủ ngoài da, đang bị chàm; đang sử dụng liệu pháp corticoide dài hạn (đang điều trị các bệnh khớp, bệnh lý thận...). Chống chỉ định lâu dài với người đang có bệnh ung thư; người đang có bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.

Ngoài ra, cần lưu ý chống chỉ định chích ngừa với các đối tượng đặc biệt như: đối với trẻ sinh non: hoãn mũi chích lao và VGSV B lần đầu cho đến khi trẻ được tròn một tháng tuổi; đối với trẻ suy dinh dưỡng nặng: không chủng ngừa sởi cho đến khi nào trẻ hết suy dinh dưỡng nặng; đối với những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch: chống chỉ định với các văcxin sống giảm độc lực.

Tuy nhiên, các văcxin bất hoạt cũng chỉ sử dụng được trong một số trường hợp và đáp ứng miễn dịch sẽ kém hơn so với người khỏe mạnh; đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh: có thể chủng ngừa an toàn nếu bệnh đang ở giai đoạn ổn định; đối với trẻ bị bệnh tim mắc phải do khớp: chỉ chích ngừa khi hết quá trình viêm; đối với trẻ có phản ứng mạnh ở lần tiêm trước như sốc phản vệ, co giật, sốt cao kéo dài... thì phải báo với BS và nên được chích trong bệnh viện để có sẵn các phương tiện cấp cứu triệt để hơn.

Theo Tuoitre

Thừa canxi dẫn đến táo bón, sỏi thận

Mua cốm canxi cho con ăn hằng ngày, uống sữa với hàm lượng canxi cao là một trong những nguyên nhân gây táo bón, sỏi thận.Theo BS Tạ Diệu Yên, trưởng khoa Xương khớp Bệnh viện Đa khoa Tràng An, hiện nay, nhiều bà mẹ tự ý thường xuyên mua cốm canxi, các thuốc tăng cường canxi cho con ăn uống hằng ngày để mong muốn con mình sẽ cao hơn, thông minh hơn mà không biết đến mối nguy hại.

Cao hơn, thông minh hơn và sỏi thận

Nhiều trẻ coi cốm canxi như bánh kẹo, ăn thoải mái, thích lúc nào ăn lúc đó. Thực ra, các sản phẩm tăng cường canxi chỉ được chỉ định dùng vào buổi sáng để phối hợp với ánh sáng ban ngày, canxi được hấp thụ triệt để vào cơ thể.

Nếu uống quá liều, uống vào buổi tối, lượng canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, táo bón, tăng canxi trong máu.

Khi cơ thể hấp thu quá nhiều canxi, thận sẽ phải làm việc nhiều để thải lượng dư thừa, lâu ngày sẽ gây sỏi thận.

Trẻ bị còi xương, chậm lớn, không chỉ do thiếu canxi. Có thể trẻ thiếu vitamin D, thiếu protit, gây hạn chế hấp thụ canxi ở ruột.

Các bệnh nội tiết, lạm dụng các thuốc kháng viêm nhóm corticoide cũng có thể dẫn đến thấp lùn. Trong những trường hợp này, cơ thể sẽ kém hấp thụ canxi nên việc cung cấp thêm canxi là vô nghĩa.

Cũng có thể trẻ thấp lùn do mắc một số bệnh như loạn sản sụn xương, bất thường về nhiễm sắc thể, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch, gan thận, huyết học, tiểu đường, suy tuyến giáp, thiếu hormon tăng trưởng…

Vì vậy, cha mẹ không được tự ý mua canxi cho trẻ uống mà phải đi khám để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời mới có thể cải thiện chiều cao.

Chỉ vì sợ loãng xương

Trong khi đó, theo bác sĩ Yên, do sợ bị loãng xương nên nhiều phụ nữ đã tự ý dùng các thực phẩm có hàm lượng canxi cao. Việc dùng nhiều các chế phẩm giàu canxi có thể làm cơ thể thừa canxi.

Tùy mức độ thừa canxi ít hay nhiều có thể gây các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, mất nước (do tiểu nhiều).

Lượng canxi thải qua đường tiểu cao sẽ kết hợp với phốt phát hoặc oxalat tạo thành sỏi thận. Do đó, nếu nghi ngờ loãng xương thì phải đến chuyên khoa xương khớp đo mật độ xương, tìm nguyên nhân cụ thể.

Nếu loãng xương do thoái hóa, giảm quá trình phân hủy xương thì phải dùng thuốc đặc hiệu tăng quá trình tái tạo xương. Các sữa có hàm lượng canxi cao chỉ cung cấp canxi chứ không phòng chống được loãng xương.

Vì vậy, tốt nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống giàu canxi như tôm, tép, ốc, cua, trứng, và các loại rau, đậu… để cơ thể hấp thụ canxi tự nhiên một cách an toàn.

Theo Bee.net.vn

Viêm xoang do nấm

Thủ phạm gây viêm xoang là 7 loại nấm thuộc họ Aspergillus. Bào tử nấm trú ngụ trong đất, không khí nhiều bụi và xác động thực vật. Khi con người hít phải những bào tử này, chúng sẽ bám vào hốc mũi xoang chờ cơ hội gây bệnh.

Bảy loại nấm Aspergillus gây bệnh là Aspergillus fumigatus (90% gây bệnh cho xoang), flavus, glaucus, versicolor, nidulans, niger... Nấm có thể phát triển thành khối choán đầy trong xoang, phá hủy thành xoang rồi xâm lấn vào những cơ quan lân cận như hốc mắt, sọ não. Khi nấm xâm nhập vào hốc mắt sẽ gây mờ mắt và có thể mù vĩnh viễn. Nếu xâm nhập vào nội sọ, nấm sẽ gây viêm màng não, viêm não. Khi xâm nhập vào các dây thần kinh và mạch máu, nấm sẽ gây liệt các dây thần kinh và gây chảy máu ồ ạt khiến bệnh nhân tử vong.

Những yếu tố thuận lợi cho việc nhiễm nấm:

- Vùng khí hậu nóng và ẩm ướt, nhiều bụi bặm.

- Nông dân tiếp xúc thường xuyên với ngũ cốc.

- Khi bị giảm thông khí xoang và giảm dẫn lưu của xoang như tắc lỗ thông mũi xoang do viêm xoang mạn tính, polype mũi xoang, dị vật trong mũi xoang.

- Bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh về máu, điều trị bằng hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV..., bệnh tiểu đường, dùng thuốc corticoide kéo dài, kháng sinh phổ rộng.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh:

- Nhức đầu, nghẹt mũi, chảy mũi trong hay đục.

- Trong viêm xoang hàm thường nhức đầu vùng gò má, thái dương.

- Viêm xoang bướm gây nhức đầu thường khu trú ở vùng đỉnh, vùng chẩm lệch về bên xoang bị bệnh.

- Khịt mũi, khạc đàm có lẫn ít máu.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

- X-quang thông thường có thể thấy xoang mờ với những ổ lắng đọng canxi. Tuy nhiên, 55% X-quang thông thường không phát hiện được hoặc nhầm với vài bệnh khác của xoang.

- CT-scan: cho hình ảnh rõ hơn phim thường. Mật độ cản quang tăng ở giữa đám mờ, đôi khi dưới dạng một khối giả u. Hình ảnh hủy xương các thành xoang hoặc các vách xương dày lên.

- Giải phẫu bệnh lý: khi mổ xoang nhìn thấy trong xoang những khối giống như dung nham núi lửa màu nâu đen, dễ vỡ hoặc giống như bùn màu xanh đen nên nghi ngờ đến nấm. Nhìn dưới kính hiển vi thấy những sợi nấm và những bào tử nấm thâm nhập trong các lớp của niêm mạc xoang.

- Xét nghiệm vi sinh: khối nghi ngờ là nấm được nuôi cấy trong môi trường thích hợp cho chúng sinh sôi nảy nở nhiều lên. Sau đó quan sát dưới kính hiển vi dựa vào hình thái của sợi nấm cũng như kích thước, màu sắc của bào tử nấm để định danh nấm.

- Huyết thanh chẩn đoán: xét nghiệm máu có thể biết được bệnh nhân có bị nhiễm nấm hay không. Có những thử nghiệm miễn dịch đặc hiệu cho nhiễm nấm Aspergillus như phản ứng kết tủa với thạch, phản ứng ngưng kết hồng cầu thụ động, thử nghiệm ELISA, miễn dịch huỳnh quang gián tiếp. Huyết thanh chẩn đoán thường âm tính trong những trường hợp bệnh nấm mũi xoang ở giai đoạn chưa xâm lấn và dương tính cao ở giai đoạn xâm lấn.

Điều trị viêm xoang do nấm:

- Lấy dị vật trong mũi xoang nếu có, giải quyết những nguyên nhân gây bít tắc xoang như cắt polyp, khối u hoặc những dị hình khác...

- Lấy khối nấm trong xoang, bơm rửa sạch lòng xoang.

- Dùng thuốc kháng nấm tùy theo giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên thuốc kháng nấm thường gây độc cho gan nên thường phải kiểm tra chức năng gan trước khi dùng thuốc.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Mắc bệnh glaucoma vì thuốc nhỏ mắt

Chỉ vì lạm dụng thuốc nhỏ mắt mà nhiều người bị bệnh glaucoma, loại tổn thương không có thuốc hay ca mổ nào phục hồi được, gây mù vĩnh viễn.



Tiến sĩ Đào Thị Lâm Hường, Trưởng khoa Glaucoma, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, glaucoma là nguyên nhân gây mù thứ hai sau bệnh đục thủy tinh thể ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hiện có khoảng 70 triệu người mắc. Việt Nam hiện có khoảng 25.000 người mù vì bệnh này.

Điều đáng báo động là có rất nhiều người mắc bệnh do lạm dụng và tự ý sử thuốc nhỏ mắt. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2009, bệnh nhân bị glaucoma góc mở có tiền sử tra corticoide kéo dài chiếm 32% - 33%, trong đó 2/3 là người trong lứa tuổi lao động (25 - 59 tuổi).

Tiến sĩ Hường cảnh báo, nếu như bệnh đục thể thủy tinh có thể điều trị lấy lại ánh sáng cho bệnh nhân bằng can thiệp phẫu thuật thì với bệnh glaucoma, không có thuốc hay phương pháp phẫu thuật nào có thể giúp phục hồi các tổn thương, bệnh nhân sẽ mù vĩnh viễn.  Do đó, những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người trên 35 tuổi, có thân nhân từng bị glaucoma, có tiền sử sử dụng corticoid kéo dài, bị tiểu đường, cao huyết áp.. nên đến cơ sở chuyên khoa mắt khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Cách điều trị bệnh vẩy nến

Anh trai tôi bị bệnh vẩy nến đã 10 năm nay rồi. Đã chữa nhiều nơi nhung vẫn không giảm. Cho tôi hỏi là bệnh này nguyên nhân như thế nào? Có ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ không? Có thể chữa khỏi được không và nên chữa ở đâu? Nên chữa theo Tây y hay theo thuốc của các hiệu thuốc cổ truyền. Xin cảm ơn rất nhiều! (Nga Nguyễn)

- Trả lời:

Vẩy nến là bệnh thường gặp ở khoảng 3% dân số. Nguyên nhân bệnh chưa rõ, nhưng ở 1/3 bệnh nhân, bệnh có tính chất gia đình.

Các yếu tố khởi phát thường là: nhiễm liên cầu trùng ở Tai Mũi Họng, nhất là ở người trẻ xúc động về tình cảm tâm lý rất hay gặp. Bệnh thường tiến triển kéo dài, nhưng thường lành tính (không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe).

Không có cách điều trị đặc hiệu, nhưng hiện điều trị triệu chứng mang lại nhiều hiệu quả. (Việc phơi nắng cho thấy có tác dụng tốt trên 3/4 bệnh nhân). Cách trị bệnh cũng cần thay đổi cho phù hợp với tiến triển và hình thái bệnh, yếu tố tâm lý của từng người bệnh.

Các thuốc được dùng thường là: (tắm) xà phòng, thuốc khử trùng (thuốc tím), mỡ Salicyle đến các chất khử mạnh như hắc ín, acide chrysophanique, dioxyanthranol, corticoide tại chỗ, caryolysine.

Điều trị toàn thân: Corticoide và thuốc chống sốt rét tổng hợp là chống chỉ định vì gây các biến chứng đáng ngại sau khi ngừng thuốc. Tigason (ester retinoique của Vitamine A acide) chỉ định tốt nhất với vẩy nến có mủ.

Quang hóa liệu pháp là một thành tựu lớn mới đây để điều trị các vẩy nến dai dẳng khó chữa, diện rộng trên 40% cơ thể. Nhưng quang hóa liệu pháp có thể chống chỉ định với trẻ dưới 15 tuổi, người đã chữa thuốc có As hoặc đã bị ngộ độc As, đục nhân mắt, suy gan - thận (quang hóa liệu pháp: dùng một thuốc nhạy cảm ánh sáng loại psoralene, 2 giờ sau chiếu tia cực tím A lên da trong buồng kín).

Bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có cách điều trị thích hợp!

BS LƯU MẠNH TÙNG

Chuyên khoa II, Nội khoa/Tuổi trẻ

Những tin tức liên quan

Bệnh cước do rét

Rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày qua, nhiệt độ ở một số tỉnh miền Bắc liên tục dưới 100C, thậm chí ở vùng núi cao nhiệt độ xuống âm 10C  làm cho nhiều người dân bị cước . Đây là một loại chấn thương do lạnh thường xuất hiện vào mùa đông và hay gặp ở những người lao động chân tay như: nông dân, công nhân lâm trường, người làm nghề chài lưới, bơi đò, vận động viên đua thuyền... và cũng hay gặp ở nhóm người bị thiểu năng tuần hoàn ngoại vi, người cao tuổi và trẻ em.

Do khí hậu lạnh, độ ẩm cao gây kích thích co mạch ngoại vi làm cho tổ chức vùng đó bị thiếu ôxy nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử tế bào, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm đôi khi có mụn nước xuất huyết. Người bệnh cảm thấy đau đớn vùng bị tổn thương và ngứa ngáy khi  ủ ấm làm ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt. Vị trí thương tổn hay gặp ở các ngón chân, bàn chân, ngón tay, bàn tay, tai và mũi.

Cước được chia làm hai thể: cước cấp tính và mạn tính.

Cước cấp tính hay gặp ở trẻ em, là thể nhẹ của chấn thương do lạnh và nhanh khỏi không tái phát.

Cước mạn tính là thể nặng, gặp ở người có tuổi, mùa đông nào cũng bị, khỏi hoàn toàn về mùa hè và tái phát vào mùa đông năm sau. Bệnh có thể đi kèm với Cryoglobulin niệu hoặc lupus ban đỏ.

Mùa đông cần giữ ấm cơ thể.

Đề phòng cước, các bạn nên giữ ấm chân tay bằng cách đi găng tay, bít tất len và sưởi ấm ngay sau khi nhiễm lạnh. Bỏ thuốc lá vì chất nicotin gây co thắt mạch ngoại vi làm bệnh nặng thêm. Nhất là người cao tuổi và trẻ em dưới 10 tuổi phải được chăm sóc đặc biệt, tránh bị nhiễm lạnh dễ viêm phổi, tắc mạch chi gây hoại tử tại chỗ.

Khi đã bị cước, nên đến khám tại các phòng khám chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Có thể dùng một số loại thuốc sau:

+ Nicotinamide (astymicin fort) 100mg, 3 lần/ngày hoặc dipyridamole 25mg, 3 lần/ngày. Thuốc có tác dụng cải thiện tuần hoàn ngoai vi và tăng cường chất dinh dưỡng cho tế bào. Ngoài ra tại chỗ bôi mỡ corticoide như: supricort N, endix G, flucinar…), xoa dầu nóng như cao sao vàng, dầu Phật linh, dầu quế..., ngâm chân tay vào nước gừng ấm trước khi đi ngủ .

ThS. Đỗ Xuân Khoát

Trị nấm da thường xuất hiện trong mùa mưa

Nhiều người chỉ sợ ánh nắng gây hại làn da mà chưa hề cảnh giác với những hạt mưa và trời ẩm ướt gây nấm trên da.

Những bệnh nấm thường gặp

Nấm chân: Phổ biến nhất trong số các loại nấm da vào mùa mưa. Nam giới được “ưu tiên” viếng thăm hơn cả bởi thói quen đi giày- tất. Khi gặp mưa, tất bẩn và ướt sẽ là mảnh đất màu mỡ để nấm chân phát triển. Có 3 thể thường gặp là thể tróc vẩy khô, mụn nước và viêm kẽ thường gặp ở các kẽ ngón.

Nấm bẹn (còn gọi là hắc lào): Cũng thường “ra oai” vào mùa hè khi thường xuyên đổ mồ hôi nhiều hay mặc đồ ẩm ướt sau khi mắc mưa. Từ một bên bẹn nấm sẽ lan sang bên kia, lên mông, thắt lưng.

Nấm thân: Nhiều khi do người bị bệnh hắc lào gây ngứa, gãi và làm lây lan trên cơ thể. Nấm thân rất dễ lây lan do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như: quần, áo, khăn mặt, khăn tắm, ngủ chung giường, đắp chung chăn…

Nấm móng: Thường do vi nấm Trichophyton hoặc Candida gây nên. Khi bị bệnh, móng mất màu bóng, bị trồi lên hoặc khuyết vào, trên mặt móng lỗ chỗ hoặc khứa rãnh. Dưới rãnh có chất như bột vụn. Móng sẽ càng ngày càng bị sù sì, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.

Bệnh lang ben: có “thủ phạm” là vi nấm Pityrosporum orbiculare gây nên, có hai dạng: màu trắng và màu nâu. Bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay ra nhiều mồ hôi. Bệnh tùy thuộc khá nhiều vào việc vệ sinh da, sức đề kháng của cơ thể, phụ thuộc vào độ pH của da và cả độ ẩm của da. Vì vậy một số trường hợp trong một gia đình có người mắc bệnh lang ben nhưng người khác lại không mắc.

Nên làm gì khi bị bệnh nấm da?

Hãy “hành động” ngay để nấm không có điều kiện phát triển thêm, cũng như tái phát hay lây lan cho người khác. Giữ gìn vệ sinh, không dùng chung khăn mặt, áo quần chung, luộc sôi quần áo có nhiễm nấm.

Điều trị nấm da bằng các thuốc thoa, uống. Dùng các thuốc thoa có chứa ketoconazole 2%, uống thuốc có chất itraconazole hoặc ketoconazole… theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ, không nên dùng các thuốc trị nấm da pha lẫn corticoide vì có thể gây tác dụng phụ như teo da, rạn da, và tạo cơ hội nấm phát triển nhiều hơn, khó chẩn đoán và điều trị sau này.

Thành lập khoa cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Ngày 6/1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã thành lập khoa Chăm sóc Giảm nhẹ dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và đơn vị Tư vấn – Tầm soát và Phát hiện sớm ung thư vú và ung thư phụ khoa.

Ước tính mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM quản lý trên dưới 10.000 bệnh nhân ung thư điều trị nội trú và ngoại trú, 1/3 trong số đó có nhu cầu được chăm sóc giảm nhẹ tích cực vào những ngày cuối đời.

a
TS.BS Lương Ngọc Khuê cùng GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đang cắt băng khánh thành

Trước đây, tại các khoa lâm sàng, bệnh nhân giai đoạn cuối cũng đã được chăm sóc nhưng không toàn lực và đầy đủ, môi trường xung quanh ồn ào, đông đúc, 2 – 3 người/giường.

Hiện nay, khoa Chăm sóc Giảm nhẹ với các phương pháp chăm sóc chuyên biệt hơn sẽ được áp dụng: các chỉ định sử dụng thuốc chống/giảm đau (morphine), những phương pháp dùng thuốc như corticoide chống chèn ép tủy ở những bệnh nhân yếu liệt, tư vấn dinh dưỡng đặc biệt... Người bệnh ở đây đều chi trả một mức giá như các khoa khác.

Còn đơn vị tư vấn – tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú và ung thư phụ khoa được lắp đặt trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại trong siêu âm nhũ ảnh định vị, tư vấn về các loại bệnh ung thư đặc biệt là phụ khoa cho cả những người dân bình thường …

TS.BS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là nơi đầu tiên thành lập khoa Chăm sóc Giảm nhẹ dành cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Việc thành lập một khoa chuyên chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không chỉ đơn thuần là bệnh viện điều trị căn bệnh ung thư cho bệnh nhân mà nó mang giá trị nhân văn. Dự kiến trong thời gian sắp đến là Hà Nội, Huế và TP.Cần Thơ cũng sẽ triển khai mô hình này.