Lưu trữ cho từ khóa: cơm tấm

Cơm tấm ngon cho ngày đầu tuần

Nguyên liệu: (4 người ăn)

- 4 chén cơm tấm nóng; 4 quả trứng gà; 100g thịt nạc; 100g bì; 50g thính.

- 4 lát sườn cốt lết; 2 tai nấm mèo; 1 lọn bún tàu, 100g thịt xay; 1 thìa cà phê tỏi bằm; 1 thìa hành trắng thái nhỏ.

- Đường, tiêu, hạt nêm, nước mắm, dưa leo, cà chua, ớt trái.

Cách chế biến:

com-4-1375631585_500x0.gif

- Bún tàu, nấm mèo ngâm nở, thái nhỏ. Hành tây thái hạt lựu, tỏi bằm nhỏ.

com-7-1375631585_500x0.gif

Trộn đều hỗn hợp thịt nạc xay, bún tàu, nấm mèo, hành tây, hành khô thái nhỏ. Đập 3 quả trứng cho vào, thêm hai thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường rồi trộn đều. Cho hỗn hợp đó vào chén rồi đem hấp chín

- Khi chả vừa chín đến, bạn lấy 1 lòng đỏ trứng, đánh tan rồi chế đều lên bề mặt chả, hấp chín để chả có màu vàng đẹp mắt.

com-3-1375631585_500x0.gif

- Lấy chày chần sơ qua miếng sườn. Ướp sườn với đầu hành đâm nhuyễn, 3 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê tiêu xay, 1 thìa cà phê sữa đặc có đường (bạn có thể thay bằng mật ong nếu thích).

com-8-1375632804_500x0.gif

- Trộn đều rồi ướp trong khoảng 1 đến 2 giờ cho thấm gia vị. Cho sườn vào lò nướng rồi nướng chín vàng.

com-5-1375631585_500x0.gif

- Bì, thịt nạc rửa sạch, luộc chín rồi thái sợi vừa ăn. Trộn đều thính vào rồi để riêng.

com-6-1375631586_500x0.gif

- Mỡ rửa sạch, thái hạt lựu phi lấy tóp mỡ. Hành lá thái nhỏ, cho vào ít muối, bột ngọt, tiêu. Chế mỡ đang nóng vào để làm mỡ hành.

com-2-1375631586_500x0.gif

- Các nguyên liệu sau khi chế biến xong được để riêng từng phần.

com-1-1375631586_500x0.gif

- Cơm tấm cho vào chén đầy rồi úp ra đĩa. Xếp sườn nướng, chả, bì lên xung quanh. Trang trí với ít mỡ hành, dưa leo, cà chua. Ăn kèm là chén nước mắm chua ngọt.

Khánh Hòa

Cách dùng nước chấm cho từng loại thức ăn

Trong ẩm thực Việt Nam, nước chấm là một thành phần không thể thiếu, đem lại sự tròn vị cho món ăn. Tuy nhiên, nước chấm cũng có năm bảy loại, tùy từng món ăn mà có các loại phù hợp đi kèm. Dưới đây là một vài bí quyết sử dụng nước chấm đúng với từng loại thức ăn dành cho bạn. 

Nước mắm sống

canh-chua-ca-1-jpg_1368504672[1332088530
Ăn canh chua cá thì không thể thiếu chén mắm sống bên cạnh. Ảnh: Khánh Hòa.

Thông thường thì nước mắm sống được dọn chung với rau luộc, thịt luộc… Miền Nam dùng cá trong món canh chua cá lóc với chén nước mắm sống dằm ớt tươi. Miền Trung ăn nước mắm ớt với rau luộc, làm gia vịt nêm cho món bún bò, đặc biệt còn dọn nước mắm tiêu với thịt đầu heo luộc, phèo non luộc,… Miền Bắc cũng dùng nước mắm sống với các loại thịt luộc hoặc rau luộc, có khi thêm ớt và vắt thêm chanh hay quất.

Nước mắm pha chua ngọt

Nước chấm loại này rất phổ biến nhất, có thể dùng trong bữa cơm gia đình với các loại rau sống, rau luộc, các món cuốn hay dùng với chả giò, bún, bánh cuốn, bánh xèo, cơm tấm… Nước mắm pha chua ngọt thường được pha chế bằng nước mắm, chanh hoặc giấm và đường, tỏi, ớt. Tùy từng món ăn thì các vị mặn, chua hay ngọt trong loại nước chấm này cũng được gia giảm khác nhau.

Nước mắm pha chua ngọt có khi còn được thêm vào ít củ kiệu chua xắt nhuyễn, có khi là hành tây và cà rốt xắt nhuyễn. Thường thấy trong nước chấm món bánh xèo, bánh khọt hoặc cơm tấm là đồ chua gồm củ cải trắng và cà rốt ngâm giấm đường. Nước mắm pha chua ngọt dọn ăn với các món chiên thì thường có vị hơi chua nhằm giảm độ ngấy của dầu, mỡ, dọn với món cơm tấm thì pha hơi ngọt, ít chua…

Nước mắm gừng

Phù hợp với các món cá trê nướng hoặc chiên giòn, thịt vịt luộc. Nước mắm gừng trong các món này là nước mắm nguyên chất, pha với đường, gừng giã nhuyễn và chút chanh, ớt. Nếu ăn với cá trê, thịt vịt cần pha thật đậm đà, không thêm nước, còn dùng chung với gỏi vịt hoặc để chấm với ốc, nghêu thì cần phải pha loãng với nước đun sôi để nguội, vị ngọt chua dịu.

nuoc-mam-gung-jpg[1332088530].jpg
Mắm gừng hơi ngọt, cay nồng vị gừng thích hợp với các món ốc luộc, thịt vịt... Trong ảnh là món ốc bươu nhồi thịt chấm mắm gừng. Ảnh: Khánh Hòa.

Nước mắm me

Đây là món nước chấm đặc trưng của miền Nam. Chuẩn bị me vừa chín, cho me vào nước sôi, khuấy đều, bỏ hạt và xơ. Sau đó cho tỏi, ớt, gừng băm nhuyễn vào nước me. Thêm đường và nước mắm vào và trộn đều. Nước mắm me được dùng với các món lươn như lươn chiên giòn, lươn om lá lốt hoặc các món cá kèo chiên giòn, món khô cá khoai nướng…

Muối tiêu chanh

Thức chấm thông dụng của miền Bắc, tuy vậy cũng khá phổ biến ở nhiều địa phương khác. Muối, tiêu chanh thường dùng với thịt gà luộc, món nướng hoặc các món hải sản.

Muối ớt

Là món nước chấm miền Nam, thường được dùng chung với món cà ri hoặc các món gà nướng, cá nướng. Muối ớt miền Nam có khi được vắt thêm chanh. Muối để làm món chấm này là loại muối hạt to, miền Nam gọi là muối cục.

Nước tương

Đây cũng là loại nước chấm thông dụng của người Việt do ảnh hưởng ẩm thực Trung Hoa. Nước tương thường được dùng chung với các món thịt heo quay, vịt quay hay trong các món súp…. với ớt tươi, giấm đỏ. Bên cạnh đó nước tương còn được sử dụng nhiều trong các món chay, dùng chấm với rau, đậu. Nước tương được pha chế loãng, có vị chua ngọt, gần giống cách pha nước mắm chua ngọt để dùng với các món mì xào chay, bún xào chay, hoặc món chả giò chay….

Chao

Ngoài việc sử dụng chao làm món ăn trong bữa chay, có thể sử dụng chao để chế biến thành nước chấm ăn kèm với các loại rau, đậu hoặc trong một số món mặn như món gỏi cá, món dê nướng, lẩu dê…. Đơn giản là dùng chao tán nhuyễn, trộn chung tỏi, ớt, đường băm nhuyễn, cũng có thể thêm sa tế hoặc sả băm, gừng tùy món ăn.

Mắm nêm pha thơm

nuoc-mam-nem-jpg[1332088530].jpg
Nước mắm nêm với hương vị thơm ngon đậm đà thích hợp với các món bò, cá nướng, cá hấp cuốn bánh tráng... Ảnh: Khánh Hòa.

Đây là món chấm đặc trưng miền Trung, thường dùng trong bò bảy món hoặc các món cá nướng, cá hấp cuốn bánh tráng. Thơm chín, sả, tỏi, ớt băm nhuyễn, trộn chung với đường và mắm nêm. Thêm một ít nước đun sôi để nguội. Khuấy tất cả cho đều, có thể thêm sả, tỏi phi vàng cho ngon.

Mắm tôm

Mắm tôm được vắt thêm chanh hoặc quất, đánh đều cho sủi bọt, thêm chút đường. Có người còn thích pha mắm tôm với chút rượu trắng để làm tăng hương vị món nước chấm độc đáo này. Mắm tôm có thể được dùng làm nước chấm trong các món ăn gia đình lẫn trong các món chơi như cà pháo, đậu rán, lòng luộc, thịt chó hoặc dùng trong món bún đậu. Mắm tôm còn được ăn với món bún riêu, bún ốc hoặc bún thang, khi đó món ăn không cần pha chế thêm.

Tương xay

Cùng là loại nước chấm làm từ đậu nành, tuy nhiên cách chế biến tương cũng như cách pha chế ở các địa phương có khác nhau. Miền Bắc thường sử dụng loại tương Bần, dùng chung với các món bê thui hoặc rau luộc. Miền Trung pha chế tương xay với gan heo bằm nhuyễn, thêm nếp xay nhằm tạo độ sánh dùng làm “nước lèo” cho món bánh khoái. Miền Nam cũng sử dụng tương xay pha với đường, nếp, đậu, nước cốt dừa…cho các món nem nướng, chạo tôm, hoặc chỉ pha loãng với đường, thêm đậu phộng rang, tỏi phi, ớt, đồ chua cho món bò bía…

Khánh Hòa tổng hợp

Cơm tấm sườn trứng dinh dưỡng cho bữa sáng

Từ xưa, người Việt vẫn có thói quen dằn bụng buổi sáng bằng cơm. Cơm tấm cũng là một trong những món cơm được ưa thích.

Nguyên liệu:

200g gạo tấm
250g s ườn heo
4 quả trứng gà
100g đồ chua
20g hành lá
Nước ướp sườn: 15g hành tím, 15g tỏi xay nhuyễn, 2 thìa cà phê dầu ăn,1 thìa súp nước mắm, 1 thìa súp đường, 2 thìa súp hạt nêm, 2 thìa cà phê mật ong, 2 thìa cà phê dầu hào, 1/2 thìa cà phê dầu mè, 1/2 thìa cà phê tiêu xay
Nước mắm chấm: 4 thìa súp nước mắm, 4 thìa súp đường, 1 thìa súp ớt băm,1 thìa súp tỏi băm, 1 thìa súp nước cốt chanh

Các bước thực hiện:

1. Gạo tấm vo sạch, nấu chín. Sườn rửa sạch, cắt lát mỏng khoảng 1,5 cm. Trộn đều các nguyên liệu ướp sườn, cho sườn vào để ít nhất 2 giờ cho thấm gia vị. Trứng gà chiên ốp la. Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.

2. Cho thịt lên vỉ, đặt trên lò than đỏ, nướng và trở đều mặt cho chín. Làm nóng dầu bằng 2 thìa súp dầu ăn, để dầu nóng, cho hành lá vào, tắt bếp, trộn đều.

3. Nước mắm: Cho đường vào nước mắm, nấu khoảng 5 phút cho cô lại, nhắc bếp xuống để nguội, cho ớt, tỏi băm và nước cốt chanh vào, trộn đều.

4. Cơm chín xới đều, cho cơm vào chén, nén chặt, cho ra đĩa, rưới mỡ hành lên. Sườn cắt miếng. Đặt sườn, trứng ốp la và đồ chua lên, ăn kèm nước mắm.

Mách nhỏ:
Trộn 1 thìa cà phê mật ong và dầu ăn, khi nướng phết lên mặt sườn để sườn không bị khô và thịt vàng, thơm.

(Theo MNVN)

Cơm tấm, bún bò Huế được CNN xem là món hè phố hấp dẫn

Đĩa cơm nóng hổi nấu từ những hạt tấm ăn với bì lợn, sườn nướng, trứng ốp la, mấy lát dưa leo, vài lát ớt và nước mắm chua ngọt – cơm tấm Việt được trang CNN giới thiệu là món ăn hè phố hút khách.

Trước đây cơm tấm được mệnh danh là món ăn của “con nhà nghèo”, bởi nó được chế biến từ những hạt gạo vỡ vụn có giá rẻ bèo mà người ta chỉ ăn khi túng quẫn. Nguồn gốc khiêm tốn là vậy, song hiện nay cơm tấm thực sự trở thành món ăn được ưa chuộng rộng rãi ở Việt Nam.

Cơm tấm, bún bò Huế được CNN xem là món hè phố hấp dẫn
Dĩa cơm tấm với sườn nướng, trứng ốp la, bì lợn… bắt mắt. Ảnh: CNNGo.

Trang CNNGo miêu tả một dĩa cơm tấm thường được xếp ra với ít bì lợn để một bên, một quả trứng ốp la và miếng sườn lợn nướng đặt lên trên. Món này dùng với nước mắm pha chua ngọt.

Trang báo cũng giới thiệu một món ăn bình dân khác ở Việt Nam được bạn bè nước ngoài yêu thích là bún bò Huế. Bún bò Huế được ví là “người anh em của phở”. Một tô bún bò đậm đà mùi thơm của xả, vị cay của ớt, vị béo của thịt, chả, dầu ăn và huyết lợn. Tất cả hòa quyện trong hỗn hợp nước súp có màu đỏ au.

Cơm tấm, bún bò Huế được CNN xem là món hè phố hấp dẫn
Bún bò Huế. Ảnh: CNNGo.

Bánh cuốn cũng được xếp trong danh sách những món ăn bình dân ngon và hút khách. Đó là loại bánh được làm từ bột gạo, bên trong có nhân là thịt bằm, nấm tai mèo và một ít tiêu, ớt. Hương vị của món ăn này là sự hòa quyện giữa sự tươi mát của dưa chuột, rau sống; cái béo của bánh tôm chiên, đậu hũ; mùi thơm, vị ngọt của hành phi và nước mắm pha chua ngọt.

Cơm tấm, bún bò Huế được CNN xem là món hè phố hấp dẫn
Bánh cuốn, món ăn điểm tâm được ưa chuộng ở Việt Nam. Ảnh: CNNGo.

Hai món ăn đường phố quen thuộc ở Việt Nam là “gỏi gà đi bộ” và trứng vịt lộn cũng xuất hiện trên CNN, góp phần làm nên vẻ phong phú trong văn hóa ẩm thực của đất nước hình chữ S.

(Theo Vnexpress)