Lưu trữ cho từ khóa: cơ thể suy nhược

Điểm mạnh dinh dưỡng của từng loại thịt khác nhau

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Thịt là một trong những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và mỗi một loại thịt có giá trị dinh dưỡng riêng. Nếu được sử dụng thích hợp, thịt sẽ phát huy hiệu quả đối với cơ thể.

Thịt bò

Các chuyên gia khuyên rằng, khi cơ thể suy nhược thì cách tốt nhất để hồi phục lại sức khỏe là ăn thịt bò. Cơ thể người cần amino axit tạo nên protein trong thịt bò hơn là trong thịt lợn, loại amino axit này có thể nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, bổ sung máu cho cơ thể sau khi phẫu thuật hoặc trị bệnh.

Tuy nhiên, thịt bò rất khó tiêu hóa do có hàm lượng cholesterol rất cao bởi vậy người già, trẻ em và những người tiêu hóa kém không nên ăn quá nhiều.

Thịt lợn

Thịt nạc và thịt mỡ của thịt lợn có sự khác biệt rất lớn. Thịt mỡ chứa nhiều chất béo trong khi lượng protein lại rất ít, nếu ăn quá nhiều loại thịt này sẽ dẫn đến chứng béo phì hoặc máu nhiễm mỡ. Phần lớn protein đều tập trung trong thịt nạc, ngoài ra, thịt nạc còn chứa nhiều hemoglobin, có tác dụng chống thiếu máu. Cơ thể sẽ dễ hấp thụ Hemoglobin trong thịt hơn là Hemoglobin trong thực vật. Bởi vậy, thịt nạc có tác dụng bổ sắt hiệu quả hơn rau.

Do mô xơ của thịt lợn tương đối mềm và có chứa mỡ nên thịt lợn sẽ dễ tiêu hóa hơn thịt bò. Các chuyên gia cho rằng, ăn thịt nạc thường xuyên sẽ có hiệu quả trong việc giảm ho và việc chữa trị táo bón.

Thịt gà

Thịt gà là loại thịt có chứa ít mỡ nhất. Thịt gà có tác dụng hiệu quả đối với việc chữa trị các chứng bệnh như mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu.

Thịt hải sản

Thịt tôm, cá có chứa nhiều các nguyên tố vi lượng như sắt, canxi, nhôm, đồng, mangan, coban, niken, kẽm, iốt, clo, lưu huỳnh. Đây đều là những nguyên tố cần thiết cho cơ thể. Mặc dù hải sản chứa nhiều dinh dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều. Chịu ảnh hưởng từ biển nên hải sản không tránh khỏi việc có chứa độc tố và thành phần gây hại. Do vậy nếu ăn quá nhiều, dạ dày sẽ bị tổn thương và có thể dẫn đến một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

 

Meo.vn (Theo Vietnamplus)

Công dụng dưỡng sinh của 7 loại hải sản

Các loại hải sản luôn được xem là thực phẩm quý bởi giá trị dinh dưỡng và rất ngon miệng. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nếu ăn đúng lúc, hải sản còn là phương thuốc quý.

Cá hố

Những người bị nóng gan ăn cá hố hấp dầu có thể cải thiện tình trạng bệnh. Có nhiều cách chế biến cá hố như hấp, kho tiêu, chiên..tuỳ theo sở thích. Nhưng cần chú ý không nên ăn nhiều trong 1 lần, đặc biệt nếu người dùng có tiền sử bị dị ứng da cần cẩn thận khi ăn loại cá này.

Cá chim

Cá chim giàu protein và các thành phần dinh dưỡng khác, có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, có lợi cho xương và gân cốt. Đặc biệt công hiệu đối với những người tiêu hoá không tốt, tì hư, tiêu chảy, thiếu máu, hay đau mỏi xương cốt…

Cá sú vàng

Ăn cá sú vàng thường xuyên có thể kích thích vị giác, phòng ngừa các bệnh về tì vị hoặc kết sỏi ở đường tiết niệu. Trong cá sú tươi, lượng protein đạt 18%, cao hơn nhiều so với các loại cá khác, lại thích hợp dùng cho người già, trẻ nhỏ và người cơ thể suy nhược sử dụng.

Mực ống

Mực ống có tác dụng giải độc cho gan, do đó có giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi. Ngoài ra, mực ống còn có công dụng điều hoà huyết áp, bảo vệ các tế bào thần kinh. Ăn mực ống thường xuyên còn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng lão hoá của cơ thể.

Cá hồi

Hiệp hội Y học Mỹ từng tiến hành điều tra và phát hiện ra những người mỗi tuần ăn 80g cá hồi có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch bằng ½ người không ăn các thực phẩm có chứa omega-3. Do đó rất nhiều bác sỹ khuyên bệnh nhân tim mạch nên ăn cá hồi hàng tuần, mỗi lần chỉ cần 1 miếng to bằng khoảng chiếc băng cát-sét.

Cá đối

Cá đối không chỉ hương vị thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, mà còn có tác dụng giảm đau, cầm máu. Có nhiều cách chế biến như làm sa lát, thái sợi xào, chiên, kho tộ, hoặc nấu canh…

Bào ngư

Bào ngư có tác dụng làm sáng mắt. Bào ngư thường được dùng để hầm canh, hoặc kho tộ…Tuy nhiên do bào ngư chứa nhiều natri, những người cao huyết áp không nên ăn nhiều, khi chế biến cũng không nên cho quá nhiều các gia vị như dầu hào, muối, mì chính…

Meo.vn (Theo Dân trí)

Bài học từ… ‘cá chuối’

Cũng bởi đắm đuối vì con mà các nàng “cá chuối” cứ phi như tên bắn từ bếp, ra chợ, đến trường học, vào công sở rồi lại vào bếp, ra chợ, đến trường học…

... để rút cục bị stress nặng và thậm chí đổ bệnh. Dưới đây là chuyện một “cá chuối” sau lần suýt “ tử  nạn”  đã biết cách sống chậm ra sao, biết sẻ chia gánh nặng thế nào...

“Cá chuối” suýt…tử nạn

Tôi quỵ xuống trước cửa phòng tắm mà vẫn cố gượng dậy lết vào bếp. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến lúc đó là món mì ống trộn phô mai cho hai nhóc. Chị gái tôi đỡ tôi dậy rồi cuống cuồng gọi 115…

“Em không đi đâu. Bọn trẻ còn chưa ăn tối…Không sao đâu, thỉnh thoảng em vẫn thế…”, tôi thều thào. Phải, tôi làm sao có thể ốm được, tôi còn cả núi việc và bao nhiêu người đang trông chờ vào tôi, cả hai đứa con đang đói ngấu, cả đám khách hàng… Tôi ước gì mọi thứ lại ổn thỏa và cuộc sống diễn ra như trước. Ai ngờ, đó chính là ngày tôi buộc phải sống khác đi…

http://eva.vn/upload/news/2010-01-09/1263013571-tress-vi-be1.jpg

Cha mẹ rất dễ stress vì áp lực công việc và con cái. (Ảnh minh họa).

Cả chục năm nay, tôi vẫn bị xỉu hoài, nhưng tôi cứ lờ đi. Cuối cùng, khi đến gặp bác sĩ (một cách miễn cưỡng sau khi bị chị gái đẩy lên xe cấp cứu) tôi mới té ngửa là mình bị rối loạn nhịp tim và phải dùng máy tạo nhịp. Bác sĩ bảo đó là bởi tôi bị stress suốt một thời gian dài và cơ thể suy nhược nặng. Vậy là, mới 35 tuổi, đang phải nuôi hai con nhỏ mà tôi lại phải mang căn bệnh “tiểu thơ” đáng ghét này

Việc điều trị cơ bản thì nhanh thôi. Trong vòng 24 tiếng người ta đã lắp xong cho tôi máy tạo nhịp, sau 48 tiếng tôi đã có thể ra viện và sáu tuần sau, bác sĩ bảo tim tôi đã “ngon lành như mới”. Nhưng việc làm quen với cuộc sống của một “tiểu thơ” có trái tim “mong manh” thì phải mất một thời gian dài…

Có thể nói đau ốm là cái gì đó rất xa xỉ đối với một người mẹ như tôi. Trong suy nghĩ của tôi, làm mẹ nghĩa là phải bật dậy bất cứ lúc nào, phải gạt bỏ bản thân, phải lao đi như tên bắn và khi cần còn phải hy sinh như loài cá chuối (nhảy lên bờ giả chết để kiến bu vào làm mồi cho con!). Hẳn là tôi sẽ còn xả thân tiếp như thế nếu tôi không phải nhập viện lần thứ hai. Bác sĩ bảo: nhịp tim của tôi có thể ổn nhờ máy tạo nhịp nhưng nếu tôi không chịu giữ gìn thì máy móc cũng bất lực. Tóm lại tình hình chỉ có thể cải thiện nếu tôi chịu nghỉ ngơi, bớt tham công tiếc việc.

Và những bài học hữu ích

Vốn là tuýp phụ nữ của gia đình, là người mẹ đắm đuối vì con, nhưng hai lần nhập viện liên tục đã buộc tôi phải xét lại định nghĩa làm mẹ của mình.

Vâng, dù bạn có đảm đang thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng không thể quán xuyến mọi việc trong nhà khi mà bạn đau ốm. Đành phải gạt bớt việc đi nếu không muốn bị nó đè bẹp. Tôi đã làm như thế và tôi ngạc nhiên nhận thấy rằng: mọi thứ vẫn ổn và tôi hóa ra cũng chẳng phải là nhân vật không-thể-thiếu trong nhà như tôi vẫn tưởng. Điều này có thể làm chân dung “mẹ ưu tú” của tôi méo mó đi chút xíu, nhưng nó giúp tôi có thể quên đi số điện thoại 115 và đặc biệt là giúp tôi biết làm mẹ theo cách khôn ngoan hơn. Bệnh “tiểu thơ” đáng ghét hóa ra cũng dạy tôi được những bài học thật hữu ích…

Bài học từ... 'cá chuối', Làm mẹ, can bang cuoc song khi lam me, lam me, thu gian khi lam me, ap luc khi lam me, bai hoc tu ca chuoi, day con, nuoi con

Cùng du lịch là 'bí kíp' hạnh phúc của các gia đình. (Ảnh minh họa).

Bài học 1: Tự  hạ “điểm chuẩn”

Không được phép vung 120% sức lực ra mà “đảm việc nhà” nữa nên tôi đã tận dụng tối đa sự trợ giúp của các loại máy giặt, lò vi ba, máy rửa bát, nồi đa năng… Tôi cũng chẳng ngại chia sẻ việc nhà với chồng con nữa. Tôi khoán cho chồng lau nhà, xếp quần áo, giao cho con gái nhặt rau, để con trai xúc cơm lấy…Và điều quan trọng nhất là tôi đã tự xác định phải hạ thấp yêu cầu đối với những công việc trên. Ừ thì giặt máy đôi khi không sạch bằng tay, ừ thì nồi đa năng lắm lúc khiến rau quá nhừ, tủ quần áo chồng xếp hơi lộn xộn, rau con gái nhặt còn lẫn lá sâu... Nhưng điều quan trọng là tôi không quỵ ngã mà mọi việc vẫn được giải quyết. Một khi bạn đã học được cách hạ “điểm chuẩn”  thì bạn sẽ trở nên sáng suốt hơn trong việc xác định việc gì mình phải trực tiếp làm và việc gì có thể chuyển giao cho người khác.

Bài học 2: Chấp nhận “phá cách”

Còn nhớ, mỗi lần buộc phải để chồng tiếp quản vai nội tướng (vì phải đi đâu xa đôi ngày),  tôi không chỉ chất đầy tủ các loại thịt cá rau quả mà còn dán khắp nhà những tờ nhắc việc. Tờ thì nhắc chiều thứ sáu con gái học tiếng Anh đấy, tờ thì dặn con trai thích trứng rán để nguyên hơn là xắt miếng, tờ lại lưu ý phải cho con tắm sớm để đầu kịp khô khi đi ngủ… Thực ra chồng tôi vẫn có thể thu xếp mọi chuyện theo cách của anh ấy mà không cần đến những “chỉ thị” kia, và bọn trẻ cũng chẳng để ý đến ba chúng có làm đúng những gì mẹ dặn dò hay không. Thậm chí chúng còn khoái sự “phá cách” của ba. Vậy thì tại sao tôi phải tốn công “nhắc vở” chứ?

Những ngày dưỡng bệnh, nhiều khi tôi chẳng còn biết bữa sáng bọn nhóc ăn gì, cũng chẳng rõ bộ đồ đến trường của chúng có phẳng phiu không và chúng có tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày không. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng: mấy chuyện này thực ra cũng chẳng quá quan trọng, phiên phiến đi rồi cũng ổn thôi. Chấp nhận “phiên phiến” không chỉ giúp tôi được nghỉ ngơi mà còn giúp cho mọi người trong nhà linh hoạt hơn, biết tuỳ cơ ứng biến chứ không cứng nhắc như trước.

Bài học 3: Biết trì hoãn và chối từ

Không được phép “bao đồng” nữa nên tôi phải rà soát lại việc nào cần làm ngay và việc nào có thể trì hoãn. Kết cục tôi nhận thấy việc cần làm ngay cũng ít thôi, còn những việc chưa-làm-cũng-chẳng-chết-ai mới chiếm phần đa. Một khi đã cắt xén bớt list công việc cần làm, tôi được rảnh rang hơn để có thể chợp mắt buổi trưa, ngâm bồn buổi tối hay đi gặp bác sĩ. Cũng nhằm mục đích giành nhiều thời gian hơn cho bản thân, thay vì nhiệt tình hết mình với các vụ cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật như trước, tôi đã học được thói quen từ chối bớt. Mà cũng không phải xin lỗi hay giải thích dài dòng, chỉ đơn giản là “Tớ bận mất rồi!” hoặc  “Tớ đang ốm”.Còn thích lý do cụ thể thì bịa rằng: “Trưa chủ chật bên họ nhà tớ cũng có đám cưới” hay “Hôm đó tớ mắc họp rồi”.

Bài học 4: Ủng hộ fast-food

Khi mà cuộc sống cuốn bạn đi với tốc độ tên lửa thì ngoài việc chế biến tốc hành những món ăn đơn giản tại gia, bạn có thể nhờ cậy đến gà của KFC, BBQ, pizza của Al Fresco… Hãy bỏ ngoài tai những lời chế giễu rằng các bà mẹ lười biếng đã giúp cho ngành công nghiệp fast-food phát đạt hay những cảnh báo rằng con cái bạn khéo mà phát phì… Khi mà bạn mệt mỏi đến mức không thể nấu nổi bữa cơm cho tử tế thì dùng fast-food còn tốt hơn là cứ cố đấm ăn xôi.

Bài học 5: Nào ta cùng “cúp cua”!

Mẫn cán một cách điên rồ và cầu toàn một cách thái quá đã khiến tôi stress. Cho nên giờ đây tôi sẵn sàng cáo ốm hoặc cho bọn nhóc “cúp cua” để cả nhà có thể cùng nhau du hí. Chẳng hạn nhân dịp đoàn thanh niên ở công ty tổ chức đi chơi xa, tôi sẽ xin cho con nghỉ học để đi cùng. Những lúc đó, tôi gạt hết công việc sang một bên (không điện thoại, không e-mail, không laptop) để hoàn toàn vui thú cùng gia đình.

Meo.vn (Theo GĐT)

4 bài thuốc chữa liệt dương

Theo Đông y, có 3 nhóm nguyên nhân gây liệt dương: cơ thể suy nhược (tâm tỳ hư), rối loạn thần kinh chức năng (thận hư) và viêm nhiễm hệ tiết niệu sinh dục kéo dài (thấp nhiệt tích trệ). Đơn thuốc được kê tùy theo các nguyên nhân này.

Liệt dương do suy nhược cơ thể

Thể này hay gặp ở người mắc bệnh mạn tính về tiêu hóa hoặc hệ thống tuần hoàn. Ngoài triệu chứng liệt dương, bệnh nhân còn có biểu hiện da xanh, mặt vàng, ăn kém, ngủ ít, thảng thốt, tinh thần bất an, đoản hơi, đoản khí.

Bài thuốc: Nhân sâm, long nhãn, bạch truật, phục thần mỗi thứ 12 g, hoàng kỳ, đương quy, toan táo nhân mỗi thứ 16 g, mộc hương 6 g, viễn chí 6 g, cam thảo 4 g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, uống trong 20 ngày thì nghỉ 10 ngày, liên tiếp trong 3 tháng.

Liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng

Thể này do hoạt động tình dục quá độ, thủ dâm gây ra.

Nếu do thận âm hư, người bệnh có triệu chứng: liệt dương, di tinh, hoạt tinh, người gầy, da khô, đau lưng, mỏi gối, ù tai, ngủ ít. Dùng bài thuốc: thục địa 16 g, sơn thù, trạch tả, đan bì mỗi thứ 8 g, hoài sơn, phục linh, kỷ tử, nhục thung dung, ngũ vị tử, trâu cổ, long nhãn mỗi thứ 12 g. Ngày sắc uống 1 thang, uống trong 20 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày, trong 3 tháng liên tiếp.

Nếu do thận dương hư, người bệnh có triệu chứng: liệt dương (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn), di tinh, hưng phấn giảm, đau lưng, mỏi gối, ù tai, mệt mỏi, sợ lạnh, tay chân lạnh. Dùng bài thuốc: thục địa, thỏ ty tử, phá cố chỉ, bá tử nhân, phục linh, lộc giác giao mỗi thứ 120 g, làm viên hoàn, ngày uống 30 g.

Liệt dương do viêm nhiễm

Hay gặp trong sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang, viêm bàng quang mạn tính. Người bệnh có triệu chứng: liệt dương, khát nước, tiểu tiện đỏ.

Bài thuốc: hoàng bá nam 20 g, ý dĩ, trâu cổ mỗi thứ 16 g, mạch môn, kỷ tử, thục địa, ích trí nhân, ô dược, ngưu tất mỗi thứ 12 g, tỳ giải 24 g, sắc uống ngày 1 thang, uống 20 thang trong 1 tháng.

Chú ý: Trong thời gian uống thuốc, cần tránh quan hệ tình dục.

BS Khang Ninh, Sức Khỏe & Đời Sống

Hỏi đáp về thuốc đông y tăng cường 'sức mạnh đàn ông'

Tôi hay bị trục trặc trong chuyện phòng the. Rất nhiều người nói, chỉ cần mua những loại thuốc 'bổ thận tráng dương' của Đông y về uống thì bệnh sẽ khỏi. Xin lương y trả lời cho biết có đúng hay không?

(Bạn đọc xin giấu tên - Hòa Vang, Đà Nẵng)

Hiện tại trên thị trường đang lưu hành rất nhiều loại thuốc Đông y, dùng để chữa chứng 'Dương nuy' (liệt dương) ở nam giới.

Tuy có tên  thương mại rất khác nhau, nhưng hầu hết đều sử dụng cùng một số dược liệu có chung một tác dụng  'bổ thận tráng dương', hay còn gọi là bổ 'mệnh môn hỏa'.

Ví dụ như nhung hươu, lộc tiên (dương vật hươu), mã tiên (dương vật ngựa), ngưu tiên (dương vật bò), hải mã (cá ngựa), dâm dương hoắc, nhục thung dung, ba kích...

Thực ra, các loại thuốc kể trên chỉ thích hợp với những đối tượng liệt dương, kèm theo hội chứng  mà Đông y gọi là 'Thận dương hư' (còn gọi là 'Mệnh môn hỏa suy', 'Chân dương bất túc', ...).

Cụ thể, ngoài liệt dương, còn có những biểu hiện: Sắc mặt trắng nhợt hoặc sạm đen; lưng gối tê lạnh, đau mỏi, chịu rét kém, tứ chi lạnh, nhất là chi dưới; Tinh thần uể oải, người mệt mỏi; Di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm), tinh dịch loãng, ham muốn tình dục giảm.

Hoặc kèm theo đau bụng ỉa chảy lúc sáng sớm (ngũ canh tả), phân lẫn thức ăn chưa tiêu hóa; Hoặc kèm theo tiểu tiện nhiều lần, tiểu tiện trong dài, tiểu đêm nhiều; Hoặc tiểu tiện ít, toàn thân phù thũng; Lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng; Mạch trầm tế vô lực (chìm, nhỏ yếu).

Tình trạng bệnh lý này thường hay gặp nhất ở những người cao tuổi, bị rối loạn cương dương do lượng nội tiết tố sinh dục suy giảm theo tuổi tác.

Còn đối với những người bị dương nuy do những nguyên nhân khác, thuốc bổ thận tráng dương không những không có tác dụng, mà còn khiến bệnh càng trầm trọng. Hoặc sử dụng có thể bị mắc thêm một số chứng bệnh khác như chóng mặt, ù tai, tăng huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt, miệng khô, lưỡi rát, mất ngủ, họng sưng, chảy máu mũi, táo bón, trĩ.

Đặc biệt, không được sử dụng thuốc bổ thận tráng dương  đối với  những người bị liệt dương do 'âm hư hỏa vượng'; với những biểu hiện: Người gầy gò, hai gò má ửng hồng hoặc cảm giác sốt nóng về chiều; Đêm ngủ thường ra mồ hôi trộm, giữa ngực và lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng (ngũ tâm phiền nhiệt), miệng háo họng khô, choáng đầu hoa mắt, mất ngủ, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo kết; Chất lưỡi đỏ ít rêu; Mạch tế sác (nhỏ, nhanh).

Như vậy, câu trả lời là 'có' và 'không'. Vì vậy, bạn nên tìm đến thầy thuốc chuyên khoa giàu kinh nghiệm, để được chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.

Rượu bìm bịp có tác dụng tăng cường sinh lý ?

Tôi năm nay mới gần 50,  nhưng đã bắt đầu có những biểu hiện suy nhược về sinh lý. Gần đây có người mách, dùng con con bìm bịp ngâm rượu uống có thể khắc phục được. Xin lương y cho biết: Bìm bịp có tác dụng tăng cường sinh lý hay không? Chỉ cần dùng bìm bịp ngâm rượu uống hay cần phối hợp thêm với những vị thuốc khác ? Sử dụng thường xuyên có gây tác dụng phụ gì không?

(Trần Mạnh Quân - Đại Từ, Thái Nguyên)

Bìm bịp có 2 loại: 1. Bìm bịp lớn (Centropus sinensis intermedius Hume) thường gặp ở đồng bằng,  trung du và vùng núi ở độ cao dưới 600m. 2. Bìm bịp nhỏ (Centropus bengalensis bengalensis Gmelin) hay gặp ở vùng trung du và vùng núi, có độ cao không quá 800m. Cả hai loại đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng chỉ nên dùng những con đang sống hoang dã.

Theo Đông y, bìm bịp có vị ngọt, tính ấm, không độc. Có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết; Dùng chữa cơ thể suy nhược do huyết hư, phong tê thấp chân tay tê đau, đòn ngã chấn thương, phụ nữ kinh nguyệt không điều hòa. Kiêng kỵ: Theo sách Quảng Tây trung dược chí thì những người dương thịnh và huyết táo không nên sử dụng.

Hiện nay, việc sử dụng bìm bịp làm thuốc, vẫn chỉ phổ biến trong phạm vi dân gian. Kinh nghiệm dân gian cho rằng, bìm bịp là loài chim rất khỏe, thịt bìm bịp có tác dụng bổ máu, bồi bổ cơ thể và chữa đau nhức. Bìm bịp thường dùng làm thuốc bổ dưỡng cho người già cơ thể suy nhược, giúp ăn ngủ khỏe, chữa phong tê thấp, đau lưng, nhức mỏi ...

Bìm bịp không phải là vị thuốc đặc trị chứng bệnh yếu sinh lý, nhưng do có tác dụng bổ huyết, giúp ăn ngủ ngon ngủ và chống mệt mỏi, nên có thể cũng có tác dụng nhất định.

Đặc biệt là đối với những người mắc chứng 'huyết hư', với những biểu hiện chính: Sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng sạm, môi nhợt hoặc tím tái, móng tay xanh nhợt, đầu choáng, mắt hoa, trống ngực, mất ngủ, hay quên, chân tay tê đau, nữ giới kinh nguyệt lượng huyết ít sắc nhợt, vòng kinh kéo dài hoặc bế kinh; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế vô lực (nhỏ yếu). Bạn có thể sử dụng theo phương pháp như sau:

Bắt những con bìm bịp sống hoang dã, đem về làm thịt (làm sạch lông và bỏ ruột), rồi đem ngâm rượu. Theo kinh nghiệm dân gian, nên ngâm đồng thời 2 con, cùng với một số vị thuốc nam.

Công thức rượu bìm bịp thường dùng: Bìm bịp 2 con, đẳng sâm 30g, đương quy 30g, thục địa 30g, trần bì (sao) 10g, táo tàu 10 quả, cam thảo 8g.

Cách ngâm: Đầu tiên đặt bìm bịp đã làm sạch vào dưới đáy bình, sau đó đặt các vị thuốc lên phía trên, đổ vào 3 lít rượu trắng tốt (trên 45 độ), nút kín, ngâm 3 tháng rồi đem ra dùng. Có thể uống ngày 2-3 lần vào bữa ăn và trước khi nằm ngủ, mỗi lần 1 chén con (25 - 30ml).

Thuốc 'Lục vị' có thể chữa cao huyết áp

Tôi bị cao huyết áp đã 5 năm nay, uống thuốc tân dược tuy giảm được huyết áp, nhưng  tốn kém nhiều và người rất mệt. Gần đây có người mách, mua thứ thuốc Đông y có tên là 'Lục vị' về uống hàng ngày, cũng có thể khống chế được bệnh. Tôi rất muốn sử dụng thử,  nhưng vẫn còn do dự vì chưa biết rõ, thuốc 'Lục vị' có tác dụng gì? Có thể sử dụng cho những người bị tăng huyết áp hay không? Mong được Quý tạp chí vui lòng giải đáp cho biết.

(Trần Đăng Tuấn - Tân Lạc, Hòa Bình)

'Lục vị' là một phương thuốc kinh điển, tính tới nay đã hơn 1.000 tuổi. Hiện tại, Lục vị vẫn là một trong số những bài thuốc Đông y có tần suất sử dụng thuộc loại cao nhất trên lâm sàng.

'Lục vị' là tên gọi tắt của  'Lục vị địa hoàng',  có nghĩa bài thuốc gồm có 6 vị, trong đó 'Địa hoàng' là chủ vị. Dạng thuốc viên gọi là 'Lục vị địa hoàng hoàn' (gọi tắt là 'Lục vị hoàn'), dạng cao lỏng  gọi là 'Lục vị địa hoàng ẩm' (Lục vị ẩm).

Hai dạng này hiện đang có bán ở hầu hết các hiệu thuốc tân dược, cũng như đông dược. Nếu muốn sử thuốc thang (sắc uống), có thể tự mua thuốc theo đơn:  Thục địa 24g, sơn thù du 12g, sơn dược 12g, trạch tả 9g, đan bì 9g, phục linh 9g.

Ban đầu 'Lục vị' được lập ra để chữa trị chứng 'Thận âm hư'. Hiện tại, thường được sử dụng để chữa trị 'Can thận âm hư', vì bệnh lý Can và Thận liên quan mật thiết với nhau.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, 'Lục vị' có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện tuần hoàn máu, điều hòa huyết áp, cải thiện chức năng lọc của thận,  cải thiện  tuyến sinh dục, ...

Vì vậy, có thể sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ cuối, cao huyết áp, tiểu đường, viêm thận mạn,  lao phổi, viêm võng mạc và nhiều bệnh phụ khoa - khi có kèm theo hội chứng 'Can thận âm hư'.

Hội chứng 'Can thận âm hư' có những biểu hiện chính: Người gầy, họng khô miệng háo, khát nước uống nhiều, gò má ửng đỏ, lưng đau gối yếu, đầu choáng mắt hoa, tai ù, lòng bàn chân bàn tay và ngực hâm hấp nóng (ngũ tâm phiềnnhiệt); Lưỡi đỏ rêu lưỡi ít; Mạch tế sác (nhỏ, nhanh). Hoặc kèm theo: Hay quên, mất ngủ, thị lực giảm,  mồ hôi trộm; Nam di tinh, tảo tiết (xuất tinh sớm); Nữ kinh huyết ít hay bế kinh, hoặc băng lậu.

Nếu bạn cũng có khoảng 70-80% trong số các triệu chứng kèm theo kể trên, thì có thể sử dụng thuốc 'Lục vị' để chữa; kết quả rất tốt.

Lương y Huyên Thảo/Tiền Phong

Những tin tức liên quan

Chế độ ăn khi trẻ bị mệt

Khổ sở vì con không ăn đựợc gì trong khi sức khỏe ngày càng èo uột chị Tâm rối bời vì không biết làm cách nào để con ăn ngon miệng, cải thiện tình hình sức khỏe cho con.

 

Mấy ngày nay bé Tu Ti ốm, nhìn con ủ rũ, mệt mỏi rồi thờ ơ với chuyện ăn uống, chị Tâm cũng não lòng. Muốn con cố gắng ăn uống để chóng khỏe nên chị sốt sắng cưng nựng để bé ăn. Nhưng hễ cứ mang cơm vào cho con là bé Tu Ti hoặc là khóc hoặc nếu có ăn thì được một lúc cũng nôn trớ bằng hết.

Khi bị bệnh, trẻ thường cảm thấy rất phiền toái vì phải ăn. Hầu hết trẻ sẽ thờ ơ, ủ rũ nhìn và biếng ăn với ngay cả những món ăn hàng ngày mà con yêu thích bởi khi ốm, trẻ thường bị mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa do cơ thể mệt mỏi. Mặt khác, cảm giác đau họng, nghẹt mũi khiến trẻ không thể nắm bắt được hương vị ngon nhất của món ăn cũng khiến trẻ không còn hứng thú khi ăn uống.
Để giúp cơ thể trẻ đánh bại căn bệnh đòi hỏi một “kho vũ khí” các vitamin và chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã tìm thấy rằng trong thời gian bị bệnh của trẻ em nhu cầu protein, chất béo và carbohydrates hầu như không thay đổi. Điều này có nghĩa rằng một em bé nên vẫn còn có chế độ ăn uống cân bằng và giàu vitamin, đặc biệt nên là vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
Quy tắc chung để tổ chức bữa ăn cho trẻ bị bệnh

- Cho ăn thức ăn của con thường xuyên hơn và chia làm các phần nhỏ. Không nên tập trung toàn bộ khẩu phần ăn vào một bữa ăn như khi trẻ còn khỏe mạnh. Ngay cả khi chỉ cho con ăn một vài thìa nhỏ từng lúc giúp con dễ ăn hơn là cũng một lúc cho con ăn tất cả rồi ngay sau đó trẻ nôn ói vì cảm giác khó chịu rất tốt.

- Trước khi ăn, hãy cố gắng cung cấp cho con bạn một ly nước ép trái cây hoặc rau quả, sữa chua. Những thức uống nay sẽ giúp cải thiện sự ngon miệng cho trẻ.

-  Sốt, suy nhược, rối loạn đường tiêu hóa làm tăng nhu cầu của cơ thể trẻ đối với chất lỏng. Vì vậy, mẹ cần bổ sung càng nhiều nước càng tốt, hãy cho trẻ uống nước trái cây, trái cây nấu với nước đường, các món canh, rau, và cho trẻ ăn cháo thay vì ăn cơm.

- Khuyến khích con dùng ít sup hoặc canh gà ít chất béo. Đây là món ăn tốt để bổ sung cho sự thiếu hụt chất lỏng và cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể suy nhược của trẻ. Các món ăn tốt nhất ở dạng lỏng hoặc nửa lỏng. Đây cũng là dạng thức ăn giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn và không quá khó khăn khi bị đau cổ họng.

- Khi bị ốm, trẻ phải sử dụng lâu dài của các loại thuốc có thể dẫn đến dysbacteriosis đường tiêu hóa, do đó trong chế độ ăn uống của trẻ cần bổ sung các sản phẩm từ sữa nhiều hơn, vì chúng có thể dễ dàng tiêu hóa và cải thiện hệ vi sinh đường ruột.

- Nếu trẻ bị đau họng, me không nên cung cấp cho con đồ ăn có vị quá chua và những thực phẩm đựợc chế biến mặn. Thay vào đó, các mẹ hãy thông qua các loại nước có tính axit tốt hơn (nước từ các loại quả có múi) để loại trừ ho và kích ứng họng ở trẻ.

Nếu con bạn bị bệnh nặng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được chế độ ăn uống đặc biệt, hợp lí cho trẻ.

Món ăn, bài thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi

Theo quan niệm của đông y khi cơ thể suy nhược gọi là khí huyết kém sẽ dẫn đến tình trạng đau lưng, nhức mỏi cơ gân, xương khớp, người hay mệt mỏi, uể oải,... Để khắc phục tình trạng trên chúng ta phải ăn uống, tập thể dục đều đặn, lao động vừa phải... Sau đây là một số món ăn đơn giản để bồi bổ cơ thể và khắc phục tình trạng trên.

Thịt rắn: Theo Đông y, ngoài công dụng chữa trị các bệnh như thần kinh, tê liệt, thịt rắn còn chữa trị chứng đau lưng, nhức mỏi rất hiệu nghiệm. Thịt rắn có vị ngọt, phối hợp với một số gia vị như sả, nghệ, lá lốt... xào lăn, ăn với bánh tráng, hoặc làm món thịt rắn hầm.

http://images.timnhanh.com/tintuc/20090624/Image/917868973_8013___news__3.jpg

Thịt bò lá lốt: Thịt bò 100g, lá lốt 70g. Thịt bò rửa sạch, thái mỏng, ướp gia vị 5 - 10 phút, rồi xào sơ qua, sau đó cho lá lốt vào, đảo sơ. Món này ăn với cơm bình thường (một tuần khoảng 3 lần), vừa có công dụng bổ máu, vừa trị đau nhức cơ thể... Thịt bò có vị ngọt, bổ máu. Lá lốt có vị cay, thơm, tính ấm, có công dụng trừ thấp (trị đau nhức xương, ra mồ hôi...).

Đuôi lợn nấu với đậu đen, đỗ trọng và tục đoạn: Kinh nghiệm dân gian, mỗi tuần dùng món này 3 - 4 lần (dùng cách nhật), thay canh, có công dụng chữa trị chứng đau, mỏi lưng rất tốt. Cách dùng: Đuôi lợn một cái rửa sạch, xắt thành từng khoanh nấu với đậu đen100g và hai vị thuốc bắc có bán ở các nhà thuốc y học cổ truyền là tục đoạn 5g và đỗ trọng 50g. Nấu 2,5 bát nước to, cô đặc còn lại hơn nửa bát, lấy nước uống.

Ngoài một số món ăn trên, đông y còn có những bài thuốc  chữa trị đau lưng, nhức mỏi gối rất hiệu quả. Lưu ý không dùng cho người tăng huyết áp:

Độc hoạt 12g, đảng sâm 4g, cam thảo 6g, bạch thược 12g, tam ký sinh, tế tân, phòng phong, tần giao, xuyên khung, đỗ trọng, phục linh mỗi thứ 10g, ngưu tất 8g, quế chi 4g, đương quy 14g, sinh khương 3 lát, thục địa 16g, táo tàu 3 quả. Cách chế biến: Cho các thứ trên cùng 4 bát nước, nấu còn 1 bát. Lấy phần xác cho tiếp 3 bát nước vào, nấu còn 1/2 bát. Trộn hai bát nước trên, rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Món này vừa dễ làm, vừa rẻ tiền.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Người đàn ông chết dần vì nhiễm vi khuẩn độc

Từ một vết loét nhỏ, sau lần ngã vào vũng bùn bẩn, chân ông Len, 50 tuổi, đột nhiên sưng to, cơ thể suy nhược nhanh chóng. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị nhiễm khuẩn độc Burkholderia pseudomallei. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, bà Lại Thị Bảy, vợ của bệnh nhân cho biết, ban đầu vết loét ở chân chỉ bằng đầu đũa, nhưng sau lần ông bị ngã xuống hố nước bẩn, vết thương bắt đầu sưng to nhanh chóng, cơ thể suy kiệt.

Bệnh nhân đang thoi thóp vì nhiễm vi khuẩn và thiếu tiền điều trị. Ảnh: Cao Lâm

“Ông ấy đau nhức, thường xuyên lên cơn sốt. Tưởng chỉ bị sốt như thông thường, tôi mua thuốc cho chồng uống nhưng không khỏi. Chỗ loét ung đầy mủ xanh. Đến bệnh viện khám, tôi mới biết chồng bị bệnh Melioidosis do nhiễm vi khuẩn”, bà Bảy nói.

Bác sĩ Điều Hòa Lễ, Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, cho hay, bệnh Melioidosis do loại vi trùng độc, tỷ lệ tử vong rất cao đối với các trường hợp nhiễm. “Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất, nước hoặc những môi trường bị ô nhiễm. Vi khuẩn có thể lây khi tiếp xúc qua da, đường tiêu hóa hoặc hít thở”, bác sĩ Lễ nói.

Sau hơn 20 ngày điều trị, ông Len vẫn trong tình trạng chỉ còn da bọc xương, mắt hõm sâu, nói không ra tiếng và không thể ăn uống. Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến ông Len không đáp ứng với thuốc diệt vi khuẩn là do cơ thể ông quá yếu và có sẵn bệnh tiểu đường.

"Gia đình nghèo, đã phải vay nợ hơn 40 triệu đồng nhưng bệnh không khỏi. Nay mỗi ngày phải mất gần 2 triệu đồng dịch truyền dinh dưỡng, chắc tôi phải đưa chồng về quê chờ chết", vợ bệnh nhân nói.

Theo các bác sĩ, khi bị mắc bệnh Melioidosis, vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn huyết, gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp và mắt.

Do tính chất nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ khuyên người có vết thương, đặc biệt là những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch như bệnh nhân AIDS, ung thư, người bị tiểu đường… nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại bị ô nhiễm.

Sản phụ nên ăn loại hoa quả nào?

 

Không chỉ hỗ trợ tiêu hoá, bổ sung vitamin và khoáng chất, tăng cường sức khoẻ mà những loại quả dưới đây còn rất tốt cho tình trạng bầu bí.

1. Chuối tiêu

Trong chuối tiêu có chứa hàm lượng lớn chất xenlulozơ và sắt, có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, bổ máu. Sản phụ thường nằm nhiều, dễ dẫn đến hiện tượng táo bón. Sau sinh do mất máu nên rất cần bổ sung máu, sắt lại là một trong những chất chính tạo máu nuôi cơ thể. Do vậy sản phụ ăn nhiều chuối tiêu có thể tránh được hiện tượng táo bón và thiếu máu sau sinh. Lượng sắt nạp vào cơ thể người mẹ nhiều, lượng sắt trong sữa cũng tăng theo, còn có tác dụng phòng tránh hiện tượng thiếu máu ở trẻ sơ sinh.

2. Quýt


Trong quýt có hàm lượng Vitamin C và Can-xi tương đối lớn. Vitamin C giúp tăng cường tính co giãn, đàn hồi của thành mạch máu, ngăn ngừa hiện tượng chảy máu. Sau khi sinh, lớp màng bên trong cổ tử cung sản phụ xuất hiện vết thương tương đối lớn, chảy nhiều máu. Nếu ăn một lượng quýt thích hợp, có thể ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu.

Can-xi là thành phần quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương và răng ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ ăn một lượng quýt thích hợp có thể thông qua sữa của mình cung cấp chất can-xi cho trẻ, như vậy không chỉ thúc đẩy quá trình tăng trưởng hệ thống xương và răng của trẻ, mà còn có thể ngăn ngừa bệnh còi xương cho bé.

Ngoài ra, hạt quýt, sơ quýt còn có tác dụng thông sữa. Khi tuyến sữa của người mẹ bị tắc, dẫn tới việc sữa bị ít đi, thậm chí gây ra bệnh viêm tuyến sữa cấp tính, ảnh hưởng đến việc nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ. Ăn quýt có thể tránh được các hiện tượng trên.

3. Sơn trà

Trong sơn trà có nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng dinh dưỡng nhất định với sản phụ. Sơn trà còn chứa lượng lớn axit citric, và maslinic có tác dụng giải khát, hoạt huyết. Sản phụ sau khi sinh thường bị kiệt sức, không muốn ăn, miệng khô. Nếu ăn một lượng sơn trà thích hợp có thể kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ và việc nuôi trẻ. Ngoài ra, sơn trà còn có tác dụng hoạt huyết, có thể đào thải máu đọng bên trong cổ tử cung, giúp giảm đau.

4. Táo đỏ (Táo tàu)

Táo đỏ có hàm lượng vitamin C cao, và lượng lớn chất glucozơ và protein. Trung y quan niệm táo đỏ là loại thuốc tốt nhất trong các loại quả, có tác dụng giải độc, bổ tì hoạt vị, điều hoà huyết mạch… đặc biệt thích hợp cho sản phụ để bổ sung khí huyết, chữa hiện tượng tì vị suy nhược sau sinh. Táo đỏ có hương vị thơm ngọt, nhiều cách ăn, có thể ăn sống hoặc ninh cháo ăn nóng.

5. Long nhãn

Long nhãn là một loại quả giàu chất dinh dưỡng. Theo Trung y, long nhãn vị ngọt, tính bình, không độc, là loại quả tốt cho việc bổ huyết dưỡng tì. Sản phụ cơ thể suy nhược sau sinh, ăn một lượng long nhãn tươi hoặc long nhãn khô thích hợp, vừa có thể bổ khí cho tì vị, vừa có thể bổ máu.

Vị thuốc tía tô

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiĐông y gọi lá tía tô là tử tô diệp, cành là tô ngạnh, nụ là tử tô bao, hạt là tô tử. Các bộ phận của cây tía tô có tác dụng chữa bệnh khác nhau phụ thuộc vào thời gian thu hái và cách bào chế.

Theo lương y Huyên Thảo (Hà Nội), lá tía tô có vị cay, tính ấm có tác dụng trị cảm lạnh, đầy bụng, nôn mửa, giải độc tôm cua, giải độc mật cá. Cành tía tô có vị cay ngọt, tính hơi ấm có tác dụng an thai, làm mạnh dạ dày, chống nôn mửa, giảm đau. Cành non thường được dùng chữa chứng 'can khí phạm vị' với những biểu hiện: ngực bụng và hai mạng sườn đầy, đau; ăn khó tiêu, đại tiện lúc nhão lúc rắn. Cành già thường sử dụng vào việc an thai, mới có thai nôn ọe, chữa bụng trướng đau. Nụ tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi giải cảm dùng chữa phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cơ thể suy nhược bị cảm lạnh, một số trường hợp xuất huyết. Hạt tía tô có tác dụng trừ đờm, nhuận tràng dùng trong các trường hợp ngực đầy tức, hen suyễn, khó thở. Cụ thể:

+ Lá tía tô, nhân sâm, trần bì, chỉ xác, cát cánh, cam thảo, mộc hương, bán hạ, can khương, tiền hồ, mỗi vị 2g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau các khớp xương.

+ Lá tía to giã nát, vắt lấy nước chia làm nhiều phần, mỗi lần uống một chén nhỏ, cứ khoảng 30 phút uống một lần. Lấy bã xát vào chỗ ngứa. Trong thời gian uống thuốc kiêng ra gió, dầm nước. Bài thuốc này chữa ngộ độc dị ứng do ăn cua, cá, sò hoặc tiếp xúc nước lạnh.

+ Một nắm lá tía tô, sắc lấy nước uống, bã đắp vào vú để chữa vú sưng.

+ Dùng hạt tía tô, hạt cải bẹ, hai thứ bằng nhau, trộn lại, tán thành bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 8g. Nước uống thuốc dùng nước sắc lá táo chua 12g, dây tơ hồng 12g. Bài thuốc này chữa chứng ho nhiều đờm ở người già hiệu quả.

+ Cành tía tô 12g, củ sắn dây 12g sắc nước uống trong ngày để chữa động thai.

Theo Thanh Niên