Lưu trữ cho từ khóa: Cỏ nến

Cỏ nến chữa ghẻ ngứa

Cỏ nến còn có tên gọi là bồn bồn, hương bồ thảo, thủy hương. Cây cao 1-3m. Lá mọc từ gốc, hẹp, hình dải giống như lá lúa, xếp thành 2 dãy đứng quanh thân. Hoa đơn tính, thành bông dày, đặc, hình trụ, bông đực có lông màu nâu đậm, có răng ở chóp; bông cái màu nâu nhạt, có lông nhiều. Vị thuốc thông dụng nhất từ cây cỏ nến là phấn hoa lấy từ hoa đực. Khi hoa nở, nhị bắt đầu nứt, cắt lấy những bông đực, đem về phơi khô, rồi lăn và xoa nhẹ cho hạt phấn rơi ra (thường hứng qua rây để loại bỏ tạp chất). Thường sấy khô làm thuốc. Dược liệu cỏ nến được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là bồ hoàng. Theo Đông y, bồ hoàng có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào, có tác dụng hoạt huyết, chữa hành kinh đau bụng, ghẻ ngứa...

Chữa đau bụng khi hành kinh, kinh nguyệt không đều:

Bồ hoàng và lá lốt, mỗi vị 50g. Bồ hoàng sao vàng, lá lốt tẩm muối sao và tán mịn. Trộn đều 2 thứ trên, luyện với mật thành viên bằng hạt đỗ. Trước mỗi kỳ kinh khoảng một tuần, mỗi ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần uống 1 viên, uống bằng nước sôi còn ấm. Uống liên tục trong 5 ngày.

 

Trị ho do viêm họng: Bồ hoàng 5g, cao ban long 4g, cam thảo 2g. Tất cả sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày. Nên uống khi thuốc còn ấm. Uống trong 3-5 ngày.

Trị ghẻ ngứa: 25g bồ hoàng sao đen rắc vào chỗ ghẻ ngứa. Ngày làm 1 - 2 lần. Thực hiện đến khi vết ghẻ giảm ngứa, không lở loét.

BS. Nguyễn Huyền

Thuốc từ cây cỏ

Có nhiều loại cây cỏ quanh ta tưởng chừng như vô dụng, nhưng trên thực tế, bạn sẽ bất ngờ khi biết được những thông tin sau:

Cỏ mần trầu hay còn gọi là thanh tâm thảo, có họ Lúa, dễ nhầm với cỏ chân vịt. Cỏ mần trầu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt, mát gan, lợi tiểu, ra mồ hôi, kích thích tiêu hoá, đun nước gội đầu ngăn rụng tóc và sạch gàu.

Chữa bệnh tăng huyết áp: Cỏ mần trầu cả cây 500g, rửa sạch, băm nhỏ, giã nát. Thêm vào 1 bát nước đun sôi để nguội, bóp, lọc lấy nước cốt.

Thêm ít đường cho dễ uống. Uống trong ngày, chia làm 2 lần sáng – tối (trước khi đi ngủ).

Chữa sốt cao, co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu tươi 120g, sắc với 600ml nước sạch, còn lại 400ml. Uống làm nhiều lần trong 12 giờ.

Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa: Cỏ mần trầu tươi giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

Cỏ mực chữa được nhiều bệnh

Cỏ mực còn gọi là cây nhọ nồi, thuốc họ Cúc, có vị ngọt, chua, mặn, tính mát, có tác dụng bổ thận, mạnh gân xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.

Có rất nhiều bài thuốc từ cỏ mực, có thể dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác để cầm máu, chữa rong kinh, rong huyết, chảy máu kéo dài, sốt xuất huyết, đái ra máu do viêm mạn tính đường tiết niệu, động thai, băng huyết, rối loạn kinh nguyệt, lỵ amip và trực trùng, di mộng tinh, ho do viêm đường hô hấp trên, lao phổi, tưa lưỡi ở trẻ em, chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu ở tuỷ xương, chữa viêm gan siêu vi, bại liệt trẻ em trong giai đoạn khởi phát, chữa đau nhức khớp do phong tê thấp, thấp khớp, chữa các chứng đau sưng ở người lớn và trẻ em cùng nhiều bệnh khác như bệnh nấm ngoài da, đau răng, rụng tóc, tóc bạc sớm, nhức đầu…

Bài thuốc chữa động thai, băng huyết: Nhọ nồi 1 nắm, ngải cứu 1 nắm, trắc bách điệp 1 nắm sao cháy đen, cành tía tô 12g, củ gai 12g. Sắc đặc, uống làm 1 lần.

Bài thuốc chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu ở tuỷ xương: Nhọ nồi, thục địa, mỗi vị 16g, hoài sơn, mai ba ba, ngẫu tiết, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g, phục linh, sơn thù, đơn bi, trạch tả, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa di mộng tinh: Nhọ nồi 12g, tỳ giải, bồ công anh, hoài sơn, mỗi vị 16g, ý di, hoàng bá nam, mẫu lệ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa thấp khớp (đang sưng khớp): Nhọ nồi 16g, rễ cỏ xước, hy thiêm, mỗi vị 16g, phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc đặc. Uống ngày 1 thang. Sắc uống trong 7 – 10 ngày liên tục.

Cỏ ngọt hạ đường huyết

Cỏ ngọt hay còn gọi là cúc ngọt, thuộc họ Cúc có tác dụng hạ đường huyết, giãn mạch, hạ huyết áp, kháng khuẩn, tránh thai.

Cỏ ngọt có độc với thận nếu dùng liều cao. Cỏ có vị ngọt rất đậm, thường dùng cho người bệnh đái tháo đường, béo phì và cao huyết áp.

Cỏ nến phương thuốc quý chữa bệnh về huyết

Cỏ nến còn gọi là bồ hoàng, thuộc họ Hương bồ. Phấn hoa cỏ nến có vị ngọt nhạt, tính bình, quy 3 kinh can, tỳ, tâm bào. Cỏ nến dễ sống, có tác dụng lợi tiểu, giảm đau, chống viêm, tiêu huyết ứ, bế kinh. Cỏ nến sao đen có tác dụng cầm máu, bổ huyết. Lưu ý, cỏ nến có thể ảnh hưởng đến sự co bóp dạ con. Tác dụng cầm máu của cỏ nến thể hiện rõ ràng trong các trường hợp có xuất huyết thông thường. Ho ra máu 2 – 6 ngày, xuất huyết tử cung 2 – 4 ngày, đại tiện, tiểu tiện ra máu… chỉ 2 ngày sử dụng là hiệu quả trông thấy, giảm bớt và có thể cầm máu hoàn toàn.

Chữa thổ huyết: Cỏ nến sao 80g. Uống 4 – 8g một lần cho đến khi ngừng thổ huyết.

Chữa chảy máu cam: Cỏ nến 4g, thanh đại 4g. Uống trong ngày.

Chữa đi cầu ra máu: Cỏ nến sao, lá sen tươi phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, 2 vị lượng bằng nhau, trộn đều. Uống với nước sắc vỏ rễ cây dâu, mỗi lần 8 – 12g.

Chữa trĩ mãn tính: Lá cỏ nến phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với đường mật mía. Ngày uống 80-100g, chia làm 4 lần trong ngày.

Cỏ tháp bút chữa các bệnh về mắt

Cỏ tháp bút còn có tên mộc tặc, họ Mộc tặc. Cỏ tháp bút có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào 4 kinh can, đởm, phế, thận, có tác dụng tán phong, giải độc, cầm máu, lợi tiểu, ra mồ hôi. Cỏ tháp bút được dùng chữa đau mắt đỏ do viêm giác mạc, màng mộng, viêm gan, vàng da, bí tiểu, sỏi tiết niệu, trĩ, huyết lỵ, rong kinh, ho hen, cảm mạo, đôi khi trị cả bệnh lậu.

Chữa viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi: Cỏ tháp bút, mộc thông, mã đề (hạt hay lá bông), sinh địa, cỏ xước (hay ngưu tất), rễ cỏ tranh, mỗi vị 15g. Sắc uống với bột hoạt thạch 15g, chia làm 3 lần.

Chữa đau mắt, mộng mắt và các bệnh mắt khác: Cỏ tháp bút, cỏ dùi trống, thảo quyết mình, gai chống, xác rắn, dinh địa, hoa cúc, mật mộng hoa, mỗi vị 10g, sắc uống.

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, sưng đỏ sưng đau, chói sợ sáng, mờ mắt, chảy nước mắt: Cỏ tháp bút, hoa cúc, lá dâu, hạt mào gà trắng, mỗi vị 12g, cỏ thanh ngâm 6g.

Chữa tiêu chảy ra máu mạn tính, rong kinh, băng huyết: Cỏ tháp bút 20-30g sắc uống hàng ngày.

Cỏ roi ngựa chữa đái rắt, đái buốt

Cỏ roi ngựa còn gọi là mã tiền thảo, họ Cỏ roi ngựa. Cỏ roi ngựa có vị đắng, tính hơi mát, vào 2 kinh can và tỳ, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thông kinh, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, sát trùng.

Công dụng chữa bệnh của cỏ roi ngựa rất nhiều: chữa bế kinh, trướng bụng, sưng vú, rối loạn kinh nguyệt, bệnh về gan mật, cảm lạnh, rối loạn tâm thần. Dùng ngoài trị vết thương, áp xe, u cục, eczema, thấp khớp…

Chữa rối loạn kinh nguyệt: Cỏ roi ngựa 12g, hương phục chế 16g, quy vĩ 12g, tô mộc 19g, tam lăng 8g, huyền hồ 8g, hồng hoa 8g, cam thảo 4g. Sắc với 400ml nước còn 100ml. Uống trong ngày, chia làm 3 lần.

Chữa viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang, đái vàng thẫm, đái đỏ, đái ra sỏi: Cỏ tháp bút, mộc thông, mã đề (hạt hay lá bông), sinh địa, cỏ xước (hay ngưu tất), rễ cỏ tranh, mỗi vị 15g. Sắc uống với bột hoạt thạch 15g, chia làm 3 lần.

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, mắt đỏ sưng đau, chói sợ sáng, mờ mắt, chảy nước mắt: Cỏ tháp bút, hoa cúc, lá dâu, hạt mào gà trắng, mỗi vị 12g, cỏ thanh ngâm 6g. Sắc uống.

24H.COM.VN