Lưu trữ cho từ khóa: chườm nóng

Bệnh nào cần chườm nóng, bệnh nào cần chườm lạnh?

Khi bị đau một vùng nào đó trên cơ thể, người ta thường áp dụng phương pháp chườm nóng và chườm lạnh. Tuy nhiên nhiều người vẫn lúng túng vì không biết bệnh nào chườm nóng, bệnh nào chườm lạnh, bệnh nào không nên chườm, thời gian chườm bao lâu…

Cấp tính chườm lạnh, mạn tính chườm nóng

benh-nao-can-chuom-nong-benh-nao-can-chuom-lanh

BS Đinh Quang Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng, phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết, chườm là ứng dụng nhiệt trị liệu. Khi nào chườm lạnh, khi nào chườm nóng phải tùy vào cơ chế, tác dụng của từng trường hợp.

Chườm lạnh được sử dụng trong các chấn thương cấp tính, điển hình là các chấn thương phần mềm, bong gân (giãn dây chằng, đứt dây chằng) thường gặp trong chấn thương thể thao… Khi chấn thương gây nên đứt hoặc rách dây chằng thì nhiệt độ lạnh có tác dụng co mạch làm giảm nhẹ bớt tình trạng chảy máu tại chỗ bị chấn thương (giảm xuất huyết), làm giảm dịch tiết tại chỗ nên sẽ giúp giảm phù nề, giảm đau.

Nhiệt độ nóng có tác dụng làm giãn mạch, tăng cung cấp oxy cho các mô, tăng dinh dưỡng cho các mô, tăng tưới máu cho vùng chấn thương, có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Do đó, chườm nóng được dùng trong những trường hợp bệnh lý sưng đau mạn tính.

Chườm nóng có hai loại là chườm nóng ướt và chườm nóng khô. Chườm nóng ướt là dùng khăn hoặc gạc thấm ngâm vào nước nóng rồi chườm trực tiếp lên chỗ đau. Chườm nóng khô là dùng nguồn nhiệt tác động lên vùng cần chườm như hơi ấm của than, nước ấm đựng trong chai, trong túi, gạch nóng… Chườm nóng khô sức thấm không sâu nên chỉ áp dụng cho các trường hợp cơn đau dạ dày, đau phần mềm hoặc đau do các bệnh cơ xương khớp.

Chườm đúng mới có tác dụng

benh-nao-can-chuom-nong-benh-nao-can-chuom-lanh

BS Đinh Quang Thanh lưu ý, không áp dụng chườm nóng cho một số trường hợp viêm cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, các bệnh nhiễm khuẩn có mủ; các trường hợp đang sốt cao, đang chảy máu; các vùng có khối u, ung thư, lao chưa ổn định; các trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân; bệnh nhân bị mất cảm giác hoặc đang có bệnh ngoài da… Không nên áp dụng chườm lạnh cho những người già yếu, thân nhiệt thấp.

Kỹ thuật và thời gian chườm cũng quyết định hiệu quả. Với những trường hợp chấn thương cấp tính, chườm lạnh chỉ có tác dụng trong hai-ba giờ đầu, nếu trễ quá không còn tác dụng. Chấn thương nhẹ, phù ít, rướm máu ít thì chỉ cần chườm từ 24-48 giờ là đủ, mỗi đợt kéo dài từ 15-20 phút. Nếu chấn thương nặng, có thể chườm tiếp từ 48-72 giờ tiếp theo, khoảng cách giữa hai đợt từ 120-180 phút.

Kỹ thuật chườm nóng đòi hỏi cao hơn chườm lạnh vì không ít trường hợp đã bị bỏng do túi chườm. Khi tiến hành chườm nóng khô cần phải có nhiệt kế đo nhiệt độ của nước để điều chỉnh nhiệt độ đúng chỉ định, tốt nhất chỉ từ 50-60oC. Cần theo dõi vùng da chườm để tránh bị bỏng rát. Thời gian chườm từ 20-40 phút. Nếu cần thì nghỉ hai-ba giờ sau chườm lại vì chườm quá lâu làm cho da mềm, các lỗ chân lông giãn ra, vi khuẩn dễ xâm nhập.

Với chườm nóng ướt, dung dịch chườm có thể là nước thường, cồn boric 2%, dung dịch NaCl 0,9%, rượu quế, rượu hồi, rượu ngải cứu… Nhiệt độ dung dịch chườm từ 40-50oC, có thể đun cách thủy. Để giữ được nhiệt độ của miếng chườm lâu, có thể phủ thêm bên ngoài một tấm ni lông hoặc vải dày.

Theo Phununonline.com.vn

Có nên chườm đá hoặc nước ấm khi bị đau mắt đỏ?

Bệnh đau mắt đỏ thường có tiến triển trong vòng một tuần đến 10 ngày, sau đó triệu chứng giảm dần và đi đến khỏi bệnh. Vậy, có nên chườm khi bị đau mắt đỏ?

Tôi bị đau mắt đỏ đã mấy ngày nay. Có người mách tôi nên chườm đá hoặc nước ấm cũng có tác dụng tốt. Có phải khi bị đau mắt đỏ, có thể chườm đá hoặc nước ấm không? Tại sao cùng bị đau mắt đỏ (triệu chứng như nhau) mà mỗi người lại được sử dụng những loại thuốc khác nhau? Nhà tôi 3 người bị đau mắt đỏ, cùng đi khám một bác sĩ nhưng mỗi người lại được sử dụng những loại thuốc khác nhauNguyễn Thanh Bình (Hoàng Mai, Hà Nội).

co-nen-chuom-da-hoac-nuoc-am-khi-bi-dau-mat-do

Ảnh minh họa.

TS Vũ Quốc Lương, Trưởng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Mắt T.Ư trả lời:

Bệnh đau mắt dịch (đau mắt đỏ) thường có tiến triển trong vòng một tuần đến 10 ngày, sau đó triệu chứng giảm dần và đi đến khỏi bệnh. Các thuốc dùng cho điều trị đau mắt đỏ thường có dạng nước để tra trong ngày và mỡ tra cho buổi tối. Các loại thuốc hay được sử dụng là kháng sinh, đặc biệt cho đau mắt đỏ do vi khuẩn; người ra, người bệnh được dùng các thuốc chống viêm, giảm đau khi cần thiết.

Thuốc kháng sinh thường không có hiệu quả trong trường hợp đau mắt do virus vì chúng không chịu tác dụng của kháng sinh. Chuyện cùng bị đau mắt đỏ nhưng mỗi người sử dụng thuốc điều trị khác nhau là bình thường, bởi nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người không giống nhau, sự tiến triển bệnh ở mỗi người cũng khác nhau. Khi bị đau mắt đỏ, chườm đá hoặc nước ấm cũng có tác dụng làm dịu bớt viêm, giảm cảm giác khó chịu và sưng mắt.

Theo Kienthuc.net.vn

Khi bị chắp mắt thì có những biện pháp điều trị nào?

Em gái tôi bị mọc chắp ở mắt, mỗi lần bị mọc chắp, em tôi thường chườm nóng để cho tan chắp nhưng vẫn thường bị tái lại nhiều lần.

Xin hỏi bác sĩ, khi bị chắp mắt thì có những biện pháp điều trị nào? – Phạm Thanh Nam (Hà Giang)

Chắp mắt là một u hạt xuất phát từ tuyến của sụn mi bị bít tắc. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính, có thể khởi phát cấp tính hoặc âm ỉ. Chắp mắt có nhiều dạng, có chắp mắt bên ngoài là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu; có chắp mắt bên trong kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, có trường hợp đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.

Chắp mắt có thể tự khỏi sau nhiều ngày đến nhiều tháng nhưng hay tái phát và hầu hết các chắp đều vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh không có giá trị.

Khi bị chắp có thể sử dụng cách chườm nóng hay xông mắt (bằng lá trầu không giã nát ngâm vào nước nóng và hơ mắt với khoảng cách 10cm) để làm giảm các triệu chứng. Đối với những chắp mắt to hoặc chắp dai dẳng có thể sử dụng corticoid nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa mắt khám, theo dõi, có thể chích chắp hoặc kết hợp cả hai phương pháp. Bạn nên khuyên em gái đến khám tại chuyên khoa mắt để có biện pháp điều trị triệt để hơn.

Theo Sức khỏe & Đời sống

3 điều cấm kỵ với người đau bụng cấp

Đau bụng cấp chủ yếu liên quan tới bất thường ở các bộ phận trong khoang bụng, vì vậy cần tránh cho bệnh nhân ăn uống. Nếu không, dạ dày và ruột không hoàn thành được nhiệm vụ tiêu hóa sẽ làm gia tăng chứng viêm; thất thoát dịch thể; thậm chí gây nôn mửa nặng; ách tắc hoặc chướng khí sau khi mổ.

Các nguyên nhân chính dẫn tới đau bụng cấp gồm: viêm ruột thừa, viêm dạ dày hoặc viêm tụy cấp, tắc ruột, viêm túi mật cấp, xuất huyết đường tiêu hóa… Việc chẩn đoán chậm hoặc xử lý không đúng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Sau đây là 3 điều cấm kỵ khác đối với các bệnh nhân thuộc nhóm này:

1. Không dùng thuốc giảm đau

Khi chưa có chẩn đoán rõ ràng, tuyệt đối không cho người bệnh dùng thuốc giảm đau. Triệu chứng bệnh bị lu mờ sẽ khiến bác sĩ khó phát hiện bệnh hoặc đưa ra chẩn đoán sai, làm mất cơ hội cứu sống người bệnh.

2. Không dùng các thuốc tẩy

Những thuốc này kích thích trực tiếp vào thành ruột, gây tăng nhu động ruột. Kết quả là áp lực ở khoang ruột tăng cao, có thể gây vỡ ruột hoặc làm tình trạng viêm lan rộng, dẫn tới viêm màng bụng cấp.

3. Không chườm nóng

Chườm nóng có thể giúp giảm cơn đau nhưng lại khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn. Hơn nữa, với những bệnh nhân xuất huyết nội tạng, chườm nóng rất nguy hiểm vì có thể gây giãn mạch, làm gia tăng tình trạng xuất huyết.

Nông Nghiệp Việt Nam

4 lầm tưởng nghiêm trọng về đau lưng

Nằm trên giường trong nhiều ngày để chờ đợi cơn đau qua đi sẽ tốn rất nhiều thời gian và kéo dài hơn việc chữa trị.

Chính bởi những lầm tưởng này mà rất có thể cơn đau của bạn sẽ kéo dài và trở nên khó trị.

1. Nếu lưng đau, nằm xuống cho đến khi cơn đau sẽ giảm

Thực tế: Hãy di chuyển

Nằm trên giường trong nhiều ngày hay nhiều tuần để chờ đợi cơn đau qua đi sẽ tốn rất nhiều thời gian và còn làm kéo dài hơn việc chữa trị. Đó không phải là một cách hồi phục bệnh tốt. Nghỉ ngơi hơn 48 giờ có thể gây teo cơ và làm yếu các cơ. Nếu bạn muốn mau hết bệnh và cơ lưng khỏe mạnh, hãy di chuyển. Tham gia vào các hoạt động nhẹ như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe có thể rút ngắn thời gian chữa bệnh.

2. Ngồi trên một quả bóng thể dục để làm việc sẽ tốt cho cơ lưng

Thực tế: Không nên ngồi lên bóng thể dục quá lâu

Tất nhiên, nếu cố gắng, bạn có thể ngồi trên quả bóng thể dục để làm việc trong tám giờ một ngày. Nhưng biện pháp thể dục chống đau lưng này có thể phản tác dụng. Bạn có thể cảm thấy nhức mỏi hơn do phải giữ thăng bằng trong thời gian dài. Thay vì đó, bạn chỉ nên ngồi trong một khỏang thời gian ngắn từ 15 đến 20 phút và sau đó ngồi lại trên ghế. Bạn có thể ngồi trên ghế nhiều lần trong ngày.


3. Hầu hết đau lưng xảy ra đột ngột

Thực tế: Có thể có sự cảnh báo trước

Đau lưng có thể xảy ra đột ngột nhưng nguyên nhân sâu xa của nó có thể xuất hiện từ trước. Đặc biệt là các trường hợp như khom lưng để mang vác vật nặng mà không khom gối… Các chấn thương này có thể không làm bạn đau ngay mà gây chấn thương bên trong và bộc phát sau một thời gian như vài tháng hoặc vài năm.

4. Tắm nóng và chườm nóng để giảm đau lưng

Thực tế: Lạnh trước, nóng sau

Tắm nóng ngay từ đầu có thể làm cơn đau của bạn cảm thấy tốt hơn nhưng sức nóng có thể làm tăng tình trạng viêm bởi nhiệt độ làm giãn mạch máu. Vì thế, ban đầu nên chườm lạnh trong 20 phút, thực hiện từ 6 đến 8 lần một ngày trong suốt cả ngày. Sau 48 giờ kể từ cơ đau, bạn nên chuyển sang chườm nóng.

Meo.vn (Theo afamily)

Nam giới hãy gặp bác sĩ khi…

Nam giới thường ngại đi khám bệnh vì họ luôn nghĩ mình khoẻ mạnh. Đặc biệt khi những vấn đề trục trặc liên quan tới bộ phận nhạy cảm.

Tuy nhiên, có những bệnh và những biểu hiện mà bạn không thể trì hoãn việc đi khám.

Nếu bạn gặp các biểu hiện dưới đây, nhất thiết hãy tìm đến bác sĩ:

- Có tổn thương không đau ở thân hay đầu dương vật: Đây có thể là u sùi, giang mai hay một hình thái ung thư.

- Sưng đau ở bìu: Có thể do viêm mào tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn. Viêm mào tinh hoàn có thể rất đau, sốt, khó tiểu, nước tiểu có thể có mủ, cần phải được nằm nghỉ vài ngày. Bệnh thường bình phục sau một tuần. Những trường hợp nặng hoặc nếu không được điều trị, ống dẫn tinh và mào tinh có thể tạo sẹo làm nghẽn một phần hoặc cả ống, có thể dẫn đến vô sinh.

Việc chữa trị không triệt để có thể gây thành mạn tính, nhất là những lúc căng thẳng, bị kích thích tình dục mạnh, hay sức ép làm nước tiểu chảy ngược có thể gây tái viêm mào tinh hoàn.

 


- Tiết dịch màu vàng nhạt hay hơi xanh ở đầu dương vật: Dịch có thể trong, nhầy, trắng đục hoặc màu vàng. Có khi chỉ biểu hiện là ướt hoặc dính ở miệng sáo mà thôi. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan, vì đó là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm nấm, hay nhiễm khuẩn niêm mạc quy đầu, viêm niệu đạo.

- Đi tiểu có cảm giác nóng rát: Nếu bạn bị đau khi đi tiểu sau xuất tinh hoặc khi xuất tinh cũng có thể xảy ra khi bị viêm đường tiết niệu và đường sinh dục, kể từ niệu đạo (đi từ bàng quang đến đầu dương vật), tuyến tiền liệt (tuyến bao quanh cổ bàng quang và niệu đạo) và mào tinh hoàn (ống nhỏ chứa tinh trùng ở phía trên tinh hoàn). Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các nhiễm khuẩn khác ở đường niệu sinh dục hay tình trạng dị ứng với các chất bôi trơn, thuốc diệt tinh trùng ở bao cao su cũng đều có thể gây đau.

- Tinh dịch có lẫn máu hoặc đau khi xuất tinh: Có thể là viêm tuyến tiền liệt, viêm hay nhiễm khuẩn túi tinh, cũng có thể là vỡ mạch máu nào đó trong đường ống dẫn tinh hoặc túi tinh, tuyến tiền liệt (hậu quả của viêm mào tinh hoàn, sỏi túi tinh, tuyến tiền liệt, polip niệu đạo). Tình trạng xuất tinh ra máu đỏ tươi có thể tự khỏi sau khi mạch máu được bít lại.

Trường hợp chảy máu do viêm túi tinh, tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, sỏi túi tinh, lao, ung thư tinh hoàn, mào tinh hoàn... thì tinh dịch có màu gỉ sắt hoặc hỗn hợp gỉ sắt với màu đỏ tươi. Khi cần thiết có thể chườm nóng hay dùng thuốc giảm đau nhe.

- Khi giao hợp có cảm giác đau: Có thể do nhiều nguyên nhân như dị ứng với phương tiện tránh thai (thuốc diệt tinh trùng, màng ngăn...), viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn hay âm đạo của đối tác bị khô. Ngoài ra, cũng không loại trừ đó là dấu hiệu của các bệnh hẹp bao quy đầu, viêm túi tinh, dương vật dị dạng, có u sùi ở “cậu nhỏ”...

- Đau nhiều ở tinh hoàn mà không do chấn thương: Có thể do viêm mào tinh hoàn thể nặng hoặc xoắn tinh hoàn, khiến bộ phận này không có máu đến nuôi dưỡng. Cần đi khám khẩn cấp.

- Một tinh hoàn có cục nhỏ, rắn, không đau: Nên đề phòng ung thư tinh hoàn hoặc một tổn thương lành tính ở đường dẫn tinh.

- Bìu to tròn, căng như quả bóng: Có nước ở tinh mạc. Nếu có một nang nhỏ thì có thể là do viêm mào tinh hoàn.

- Sưng to nhưng mềm ở phía trên tinh hoàn và càng to hơn khi hoạt động, khi nâng vác vật nặng hay khi ho: Có thể là thoát vị bẹn, do có một quai ruột chui vào bìu. Hiếm khi quai ruột bị xoắn nhưng nếu xảy ra thì cần phải mổ. Có loại trang phục mặc vào làm cho ruột đỡ sa và đỡ khó chịu.

BS. Nguyễn Xuân Đào

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Liệt mặt – Ai dễ mắc?

Bệnh tê liệt thần kinh mặt hay còn gọi là Bell’s Palsy là bệnh ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng làm cho bệnh nhân đau khổ trong một thời gian dài.

Bệnh xảy ra khi dây thần kinh điều khiển các cơ mặt bị viêm và bị chèn ép. Tuy mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng ít gặp ở người dưới 15 và trên 60 tuổi.

Dấu hiệu phát hiện bệnh?

Thường sau một đêm ngủ, người bệnh thức dậy, cảm thấy một bên mặt hơi cứng khác thường.

Nếu soi gương bệnh nhân sẽ thấy một bên mặt bị xệ xuống và miệng bị méo sang một bên. Một bên mắt cũng không thể nhắm kín và thường có nước mắt chảy ra.

Với các triệu chứng đó, người ta thường nghĩ đến một tai biến mạch máu não. Song bình tĩnh lại, nếu bạn thấy các triệu chứng chỉ giới hạn ở mặt, thì phần nhiều đây là bệnh liệt dây thần kinh mặt.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh xảy ra ban ngày, bệnh nhân đột ngột bị tê liệt hay yếu hẳn một bên mặt khiến khó cười khó nói, khó nhắm mắt, khó cử động da mặt bên bị bệnh; bị đau trong tai phía bên bệnh; nghe âm thanh to hơn phía tai bệnh; nhức đầu; mất vị giác; lượng nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn bình thường.

Bệnh sẽ giảm trong vòng vài tuần và khỏi hoàn toàn trong vòng từ 3- 6 tháng. Trong đó khoảng 8 - 10 % bị tái phát, đôi khi ở phía mặt bên lành trước đây. Một số ít bệnh nhân bị vài triệu chứng bệnh suốt đời.

Bệnh liệt thần kinh mặt nhẹ sẽ khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh nặng các dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.


Sơ đồ cấu tạo các dây thần kinh mặt

Vì sao bị liệt thần kinh mặt?

Từ trong não đi ra, trên đường đi tới mặt, dây thần kinh điều khiển các cơ mặt phải đi qua một khe hẹp là một hốc xương nhỏ.

Vì vậy khi bị nhiễm vi khuẩn, các dây thần kinh này sưng lên, bị kẹt trong hốc xương hẹp.

Do bị chèn ép các dây thần kinh bị tổn thương lớp màng bọc bên ngoài khiến tín hiệu thần kinh bị cản trở, gây ra tê liệt và yếu các cơ mặt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các đối tượng sau đây dễ bị liệt dây thần kinh mặt là: phụ nữ có thai, bệnh nhân tiểu đường, người đang bị cảm cúm, người bị suy giảm miễn dịch như đang điều trị tia xạ, dùng thuốc corticosteroid, nhiễm HIV…

Nên làm gì để chữa và phòng bệnh?

Để giúp bệnh mau bình phục người ta có thể dùng thuốc steroid chống viêm. Trường hợp các dây thần kinh mặt bị viêm thì dùng thuốc này có thể làm giảm viêm, giảm sưng giúp cho các dây thần kinh giảm hẳn bị chèn ép trong hốc xương.

Nếu dây bị nhiễm virut, việc dùng các thuốc kháng virut có thể làm ngưng bệnh nhanh chóng. Phương pháp vật lý trị liệu nên dùng bởi vì những bắp thịt bị liệt có thể rút ngắn lại gây co thắt mạn tính. Khi đó dùng xoa nắn và vận động những bắp thịt ở mặt có thể giúp chống co thắt.

Dùng phương pháp chườm nóng cũng có tác dụng làm giảm đau, giảm co thắt bắp cơ. Bạn cũng nên học cách thư giãn, sử dụng phương pháp châm cứu, uống bổ sung các loại vitamin, nhất là B12, B6 và kẽm cũng rất có ích trong việc phục hồi và phòng bệnh.

Bạn cần biết các cách tự chăm sóc: khi mắt bạn không nhắm kín được, bạn cần giữ cho mắt khỏi khô bằng cách nhỏ thuốc mỗi giờ vào ban ngày và tra thuốc mỡ vào mắt ban đêm, như vậy để tránh mắt bị quá khô, màng kết mạc của mắt có thể bị tổn thương dẫn đến mất thị giác.

Việc đeo kính ban ngày và đeo miếng che mắt ban đêm để tránh cho mắt khỏi bị chấn thương hay bị trầy xước.

Việc phòng bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp tránh bị nhiễm lạnh, nhất là khi ngủ ban đêm.

Phòng chống nhiễm vi khuẩn bằng cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể: tập thể dục thường xuyên điều độ; ăn uống đủ chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp.

Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường hoặc đến những nơi công cộng như bến tàu xe, siêu thị, chợ… để tránh bị lây nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây ra. Không lạm dụng thuốc corticosteroid trong điều trị các bệnh cơ xương khớp.

Theo ThS Phạm Phú Vinh

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Khi nào nam giới cần đi khám hệ sinh dục?

Hãy đi gặp bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện vết rộp hay viêm trợt ở đầu dương vật. Đó có thể là biểu hiện nhiễm nấm, virus herpet và thậm chí cả ung thư.

Bạn cũng đừng trì hoãn việc đi khám nếu có một trong các biểu hiện sau:

- Có tổn thương không đau ở thân hay đầu dương vật: Đây có thể là u sùi, giang mai hay một hình thái ung thư.

- Sưng đau ở bìu: Có thể do viêm mào tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn.

- Tiết dịch màu vàng nhạt hay hơi xanh ở đầu dương vật: Là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục hay nhiễm khuẩn niêm mạc quy đầu, viêm niệu đạo.

- Đi tiểu có cảm giác nóng rát: Là triệu chứng viêm bàng quang hay niêm mạc niệu đạo, viêm niệu đạo.

- Toàn bộ quy đầu đau và sưng: Có thể do nhiễm khuẩn quy đầu.

- Tinh dịch có lẫn máu hoặc đau khi xuất tinh: Có thể là viêm tiền liệt tuyến, viêm hay nhiễm khuẩn túi tinh. Khi cần thiết, có thể chườm nóng hay dùng thuốc giảm đau nhẹ.

- Khi giao hợp có cảm giác đau: Có thể do nhiều nguyên nhân như dị ứng với phương tiện tránh thai (thuốc diệt tinh trùng, màng ngăn...), viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn hay âm đạo khô.

- Đau nhiều ở tinh hoàn mà không do chấn thương: Có thể do viêm mào tinh hoàn thể nặng hoặc xoắn tinh hoàn, khiến bộ phận này không có máu đến nuôi dưỡng. Cần đi khám khẩn cấp.

- Đau nhẹ quanh tinh hoàn: Có thể viêm mào tinh hoàn thể nhẹ.

- Một tinh hoàn có cục nhỏ, rắn, không đau: Nên đề phòng ung thư tinh hoàn hoặc một tổn thương lành tính ở đường dẫn tinh.

- Bìu sưng to và mềm ở một hay cả hai bên: Có thể do giãn tĩnh mạch ở bìu.

- Bìu to tròn, căng như quả bóng: Có nước ở tinh mạc. Nếu có một nang nhỏ thì có thể là do viêm mào tinh hoàn.

- Sưng to nhưng mềm ở phía trên tinh hoàn và càng to hơn khi hoạt động, khi nâng vác vật nặng hay khi ho: Có thể là thoát vị bẹn, do có một quai ruột chui vào bìu. Hiếm khi quai ruột bị xoắn nhưng nếu xảy ra thì cần phải mổ. Có loại trang phục mặc vào làm cho ruột đỡ sa và đỡ khó chịu.

Meo.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Kiêng kỵ sau khi sảy thai

Các cụ vẫn thường nói “một lần sa bằng ba lần đẻ”, cháu mới bị sảy thai. Xin hỏi bác sĩ cháu phải kiêng những gì?

Hỏi: Các cụ vẫn thường nói “một lần sa bằng ba lần đẻ”, cháu mới bị sảy thai. Xin hỏi bác sĩ cháu phải kiêng những gì? Lê Thị Thu (Thanh Hóa)

Trả lời: Sảy thai không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây tổn hại cả tinh thần của người mẹ, thai càng to thì mức độ càng trầm trọng. Thực hiện các kiêng cữ như sản phụ sau khi sinh, đó là: kiêng lạnh (tắm nước lạnh, uống nước lạnh, giặt quần áo). Chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày: mỗi ngày tối thiểu 2 lần pha nước ấm với thuốc vệ sinh phụ nữ để vệ sinh vùng kín, vừa chống nhiễm khuẩn vừa giúp khử mùi hôi.

Dùng túi chườm nóng (hoặc chai nước nóng) hoặc túi để chườm bụng, lưng và hai bên bẹn. Việc này có tác dụng chống đau lưng, mỏi gối, giúp cơ thể chóng hồi phục. Sau khi sảy thai vài ngày nên vận động trở lại để máu huyết lưu thông, cơ thể thoải mái, từ đó việc ăn uống và ngủ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên không nên vận động quá nhiều, làm ảnh hưởng đến sức khỏe vì các cơ ở bụng chưa co lại bình thường.

Chế độ ăn uống cần đầy đủ chất để giúp cơ thể nhanh hồi phục: ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh những món ăn có tính hàn như cua, rau đay; tránh những thức ăn gây dị ứng; không nên ăn quá sớm những thức ăn tanh như cá, ốc. Nên ăn nhiều rau và trái cây. Bên cạnh đó cần kiêng sinh hoạt tình dục trong một thời gian tuỳ thể chất và tâm trạng mỗi người. Nếu sảy thai (to) thì kiêng khoảng 6 tuần.

Meo.vn (Theo Eva)

Trị viêm đại tràng bằng Đông y

Bệnh đại tràng rất hay gặp ở người trung và cao tuổi. Trong y học cổ truyền có 3 chứng bệnh mạn tính, bệnh thường kéo dài, khó điều trị, tuy nhiên người bệnh có thể tham khảo bài thuốc dưới đây.

Chứng tỳ vị hư nhược: Đau bụng âm ỉ, đầy trướng, sôi bụng, chườm nóng đỡ đau. Người mệt mỏi, ăn kém chậm tiêu, đại tiện thường nát lỏng, chất lưỡi bệu có hằn răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm nhược. Các vị thuốc thường dùng là nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo, sa nhân, trần bì, cát cánh, biển đậu, sơn dược, liên tử nhục, ý dĩ nhân.

http://bee.net.vn/dataimages/201109/original/images774008_T12_thuoc_cho_nguoi_cao_tuoi_mau.jpg
Bệnh đại tràng rất hay gặp ở người trung và cao tuổi.

Chứng Thận dương hư suy: Trước khi trời sáng xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn, sôi bụng rồi đại tiện lỏng (ngũ canh tả), sau đại tiện thì giảm đau. Cơ thể lạnh, chân tay lạnh, lưng gối mỏi yếu, lưỡi nhạt râu trắng, mạch trầm tế. Bài thuốc thường dùng là phá cố chỉ, nhục đậu khấu, ngô thù du, ngũ vị tử, phụ tử, bào khương.

Chứng can khí thừa tỳ: Đầy chứng mạng sườn, ợ hơi ăn ít, mỗi khi do uất ức phiền nộ, hoặc tinh thần căng thẳng, liền phát sinh đau bụng ỉa chảy, sôi bụng lan chuyển, luỡi hồng nhạt mạch huyền. Các vị thuốc thường dùng là bạch thược, bạch truật, phòng phong.

Các vị thuốc trên tùy vào cơ thể và bệnh tật mỗi người mà có liều lượng khác nhau, vì vậy bệnh nhân nên thăm khám để được kê đơn đúng liều và sắc thường xuyên ngày uống 3 lần.

Meo.vn (Theo Bee)