Lưu trữ cho từ khóa: chữa cảm mạo

Cháo nhông cát giúp chữa cảm mạo

Nhông cát không chỉ là đặc sản của miền Trung mà còn là một vị thuốc bồi bổ và chữa nhiều bệnh.

Nhông cát (Leiolepis belliana Gray) còn được gọi là nhông biển, nhông cát sử nữ sinh... là một loài bò sát giống thằn lằn, chỉ có ở các tỉnh miền Trung nước ta và là đặc sản từ Quảng Trị - Bình Thuận. Nhông cát có loại to, nặng khoảng vài trăm gam, có thể dài đến 0,8 - 1m kể cả đuôi và loại nhỏ bằng ngón tay được gọi là nhông que.

Thịt nhông cát có giá trị dinh dưỡng cao.

Về mặt thực phẩm, nhông cát có giá trị dinh dưỡng cao. Từ thịt nhông người ta chế biến nhiều món ăn ngon, rất hấp dẫn, trong dó có 7 món phổ biến là nhông nướng, nhông hấp, nhông quay, nhông xào lăn, nhông làm gỏi với lá me non, chả nhông và cháo nhông, món nào cũng ngon, lạ miệng.

Ngoài giá trị ăn uống, thịt nhông còn là một vị thuốc hay được dùng để bồi dưỡng sức khoẻ và chữa nhiều bệnh. Theo Đông y, thịt nhông cát có vị ngọt, mặn, mùi thơm, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể, giảm đau, kích thích, giúp tiêu hoá, tiêu độc, làm khô vết thương, chữa hen suyễn, nhức mỏi gân xương, thấp khớp, tê bại.

Dạng thuốc dùng thông thường là thịt nhông cát phơi khô hay sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống mỗi lần 10 - 20g, ngày uống 2 - 3 lần. Có thể trộn bột thịt nhông cát với mật ong làm thuốc viên.

Đối với những trẻ em suy dinh dưỡng, gầy còm, kém ăn, chậm lớn dùng món ăn - bài thuốc dưới dạng cháo nóng cho trẻ ăn hằng ngày. Cách chế: Dùng gạo ngon nấu cháo. Lấy thịt nhông băm nhỏ xào qua với dầu lạc, đợi cháo nhừ cho thịt nhông vào cùng với gia vị, mắm muối. Múc ra bát cho trẻ ăn ngay lúc còn nóng.

Ngoài ra, người ta còn dùng cháo nhông nóng để chữa cảm mạo, đặc biệt là với chứng cảm mạo phong hàn như người bệnh sợ lạnh, nhức đầu, không ra mồ hôi, tắc mũi và chảy nước mũi, ho, sốt... Gặp trường hợp này dùng cháo nhông nóng cho bệnh nhân ăn rất tốt. Bát cháo nhông nóng hổi, ngon ngọt, ăn đến đâu ấm dạ đến đấy, chỉ cần ăn một bát cháo nhông nóng sẽ toát mồ hôi, đắp chăn nằm nghỉ ở chỗ ấm. Khi mồ hôi ra đều, bỏ chăn ra, lau khô mồ hôi, thay quần áo, nằm nghỉ một lúc sẽ thấy người nhẹ nhõm, hết sốt.   

BS Kim Minh

Meo.vn (Theo Bee)

Các cách trị bệnh từ gừng

Nhiều người khi bị chóng mặt xây xẩm, buồn nôn hay giã gừng tươi nấu với nước lọc và đường để uống. Lại có người nướng gừng lên cho thơm sau đó giã nát và pha với nước sôi, đường, chanh để uống... Vậy nên uống nước gừng như thế nào cho đúng?

Gừng tươi (sinh khương) có vị cay, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị, tiêu đàm, cầm nôn mửa, lợi thủy, giải độc. Thường dùng làm thuốc chữa cảm mạo phong hàn (cảm lạnh), lạnh bụng, ăn uống không tiêu, nôn mửa, ho có đàm, giải độc cua, cá, thịt...

Có nhiều cách chế biến để sử dụng củ gừng gồm: Dùng ngoài, gừng tươi giã nhỏ đắp chữa tụ huyết do chấn thương, đau tức hoặc ngâm với rượu để xoa bóp tay chân nhức mỏi, đau nhức khi trời lạnh.

a

 

Củ gừng tươi đồ chín rồi đem phơi khô, có vị cay tính nóng, tác dụng tán hàn, dùng chữa cảm lạnh.

Gừng có thể ngừa chứng nôn nao dạ dầy ở những phụ nữ đang mang thai hay những người đang chữa hoá học trị liệu.
Gừng cũng có tác dụng ngăn chặn ảnh hưởng của chất serotonin sinh ra do não và dạ dày khi buồn nôn và ngừa việc sinh ra các gốc tự do là nguyên nhân gây ra các bệnh ở dạ dày.

Gừng khô (can khương): Củ gừng tươi đồ chín rồi đem phơi khô, có vị cay tính nóng, tác dụng tán hàn, dùng chữa cảm lạnh, thổ tả do lạnh. Khương lộ là nấu củ gừng cho chín rồi đem phơi sương. Khương lộ có vị cay, tính nóng, dùng chữa các chứng trúng hàn, trợ tiêu hoá, giải độc sương móc vùng lam sơn chướng khí, trừ được đàm. Thán khương tức gừng khô đem sao đến khi mặt ngoài cháy đen, trong còn màu vàng thẫm, dùng làm thuốc cầm máu khi bị xuất huyết, tay chân lạnh, truỵ mạch.

Ổi khương là gừng tươi đem nướng, gừng lùi, bóc bỏ vỏ cháy ở ngoài, cắt lát mỏng hoặc giã lấy nước, dùng chữa đau bụng lạnh, trúng thức ăn lạnh, nôn mửa nhiều, sợ gió lạnh. Tiêu khương là củ gừng sao vừa cháy sém vỏ ngoài, dùng chữa đau bụng lạnh, cầm máu.

Không nên dùng gừng để lâu ngày đã bị thối, ủng, để chế biến thức ăn, vì gừng bị thối, ủng, sẽ sinh ra chất lưu huỳnh, là loại độc tố có thể gây tổn thương cho gan.

Lương y Đinh Công Bảy
Meo.vn (Theo Bee)

Xông hơi “vùng kín”, không khéo hỏng… “hàng”

Tại TPHCM, các dịch vụ massage, spa đang nở rộ do nhu cầu thư giãn và làm đẹp của chị em ngày càng cao.

Nhằm “hút Thượng đế”,nhiều cơ sở đã đưa ra những chiêu rất “độc”- Xông hơi “vùng kín” để trị bệnh phụ khoa, “sạch người”… đang là một dịch vụ được nhiều quí bà, quí cô rất mặn mà!

Khổ như đi...  xông “lá nho”

Theo BS Hữu Vinh: Việc “xông ghế” để trị bệnh phụ khoa như quảng cáo của các điểm xông hơi là chưa được phép.

Cần phải đưa ra được phương pháp, mục đích trị liệu cụ thể. Người trị liệu là lương y, bác sỹ và nhất thiết phải xin phép cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, các điểm spa và massge chỉ quảng cáo bằng... miệng chứ không lưu hành văn bản nên chưa thể xử lý được.

Các “thượng đế” cần thận trọng khi dùng phương pháp trị liệu này.

Tại một số phòng khám, chữa bệnh Đông y, các spa... người ta gọi phương pháp này bằng cái tên khá ý nhị: Xông ghế.

Để “tận mục sở thị” có đúng như những lời quảng cáo hoa mỹ,  phóng viên GĐ&XH Cuối tuần đã chọn một spa có dịch vụ này.

Tại điểm spa HBL tại đường Kỳ Đồng (Q.3), khi hỏi dịch vụ “xông ghế”, cô nhân viên vồn vã tiếp thị ngay: “Xông ghế rất tốt cho phụ nữ, nó làm săn và sạch vùng “lá nho”. Hệ thống spa của chúng em “độc quyền” đó chị! Phương pháp này hay lắm nhé! Nước xông được nấu từ 7 loại thuốc Nam như sả, gừng, v..v, giá cả lại phải chăng. Chúng em chỉ lấy 100.000 đồng/lần/20 phút xông...”.

Miệng nói là “độc quyền” nhưng khi tôi hỏi giá một vài chỗ khác thì cô nhân viên mau mắn: “Chị mà lên mấy spa ở đường Võ Văn Tần thì người ta thu 150.000 đồng cơ! Còn ở đường Lê Văn Sĩ và Huỳnh Văn Bánh thì họ thu 130.000 đồng.  Giá ở đây là rẻ nhất rồi chị ơi! Xông một lần có thể trị được bệnh huyết trắng và một số bệnh phụ khoa khác. Nếu chị không có bệnh thì cũng làm săn, sạch, khỏe “lá nho”. Khỏe người lắm đó chị!

Thấy tôi có vẻ ngần ngừ vì lí do: “Vừa sinh xong, không biết có ảnh hưởng gì không”, cô nhân viên liếng thoắng: “Chị yên tâm, phụ nữ vừa sinh xong, xông là tốt nhất. Chị cũng không phải ngại vì mỗi khách hàng có một phòng xông riêng rất thoải mái. Nếu chị thấy buồn, muốn xông cùng cô bạn đi cùng thì chúng em sẽ đặt hai ghế xông gần nhau”...

Tôi thắc mắc: “Bạn chị chưa có chồng. Thế phụ nữ chưa chồng có xông được không? Có bị ảnh hưởng gì không?- Cô nhân viên đáp luôn: “Không sao chị ạ. Xông ghế phù hợp với mọi phụ nữ, không nhất thiết là có chồng hay chưa chồng. Nó sẽ hút sạch chất dơ, bẩn, giúp các chị có cảm giác sạch sẽ, sảng khoái... Sau 20 phút xông, các chị sẽ được tắm qua nước ấm để gột bỏ mùi thuốc... Khách hàng đến đây rất thích dịch vụ này của chúng em. Sau khi xông hơi, các chị  nên massge body để được thư giãn, rất tốt cho sức khỏe”.

Tôi và cô bạn gật đầu đồng ý xông thử. Chúng tôi được bố trí ngồi trên hai ghế xông trong một căn phòng chưa đầy 1 m². Ghế xông cao chừng 40 cm, được đóng từ mấy thanh gỗ không có thành ghế, gá lại thành hình vuông, ở giữa khoét lỗ tương đương với... cái nồi xông. Phía dưới mỗi ghế được đặt một bếp điện từ để đun nóng nồi thuốc xông đang bốc hơi nghi ngút.

Tôi và cô bạn ngồi chưa đầy 5 phút đã giãy nảy lên vì... nóng quá không chịu nổi! Cô nhân viên thò đầu vào trấn an: “Các chị phải xông đủ 20 phút thì “tam giác vàng” mới được săn, sạch được. Nếu nóng quá thì các chị đứng lên một lúc rồi lại ngồi xuống xông tiếp. Đừng bỏ, phí đi...”.

http://chotructuyen.net/images_product/1295428022_1617.JPG
Ảnh minh họa: TL

Không trị được bệnh phụ khoa!

Thanh Mai - Khách hàng từng đi “xông ghế” chia sẻ: “Em có làm thử dịch vụ này ở spa vài lần, nhân viên tư vấn là sẽ làm săn, sạch vùng kín, trị bệnh phụ khoa bằng thuốc Nam, nếu có bệnh, sẽ khỏi ngay(?!) Sau vài lần thử dịch vụ này, em thấy huyết trắng xuất hiện còn nhiều hơn...”.

Trước những mỹ từ quảng cáo hấp dẫn cho dịch vụ xông “tam giác vàng” như thư giãn, giảm stress, làm sạch âm đạo, tránh nhiễm trùng, cải thiện để “cô nhỏ” mịn màng, đàn hồi tốt... không ít chị em đã tìm đến. Dịch vụ này càng có cơ hội hốt bạc.

Còn các chuyên gia khuyến cáo: Nếu chị em phụ nữ đi “xông vùng kín” không đúng cách sẽ rất dễ mua bệnh, thậm chí “hỏng hàng”.

Thu Quế - Nhân viên văn phòng - cho biết: “Em nghe quảng cáo xông ghế trị bệnh phụ khoa nhưng chưa dám thử! Nghe mấy chị kể qua, không biết thực hư thế nào...”. Còn chị Lan Vi – 39 tuổi - thì lại hào hứng: “Chị đi xông trên chục lần rồi. Cảm giác thích lắm. Tuần nào chị cũng đi xông một lần”...

BS Trần Hữu Vinh - Trưởng phòng Y học cổ truyền (Sở Y tế TPHCM ) -trao đổi với PV GĐ&XH cuối tuần: Xông hơi là phương pháp sưởi ấm cơ thể. Tinh dầu của lá xông có tác dụng sát trùng đường hô hấp trên, giúp người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, hết nghẹt mũi...

Việc dùng  thảo dược làm thuốc xông chữa cảm mạo là rất tốt, nhưng phải làm đúng cách. Tuy nhiên, phương pháp dùng các loại thuốc Nam để xông “vùng kín”, chữa bệnh phụ khoa phụ nữ thì bây giờ ông mới nghe nói đến.

“Rất nhiều điểm xông hơi – massage đã thực hiện sai phương pháp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng. Vì tại đây, nhân viên đều hướng dẫn cho khách hàng  xông hơi (khô hoặc ướt) trước rồi sau đó tắm lại ngay (bằng nước nóng, hoặc nước lạnh) trước khi lên bàn để được massage.

Sau khi xông hơi, tuyệt đối không được tắm lại dù là nước ấm hay nước lạnh. Bởi các lỗ chân lông vừa được xông hơi nóng đang nở ra sẽ hút nước. Nếu tắm ngay, sẽ khiến lỗ chân lông co bít lại, giữ nước, gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể. Thậm chí có thể bị cảm. Cần phải tắm, vệ sinh cơ thể trước, sau đó mới xông hơi nóng rồi lau lại bằng khăn khô sạch trước khi lên bàn massage thì mới khoa học.

Nếu xông hơi nóng thì ít cũng phải 6 tiếng sau mới được tắm. Riêng phương pháp xông hơi “vùng kín” bằng thảo dược, theo tôi không hề có tác dụng chữa bệnh phụ khoa như quảng cáo miệng -  BS. HữuVinh khuyến cáo.

Không khéo... hỏng “hàng”

Theo ThS. BS Hoàng Khánh Toàn- Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không phải bệnh phụ khoa nào cũng chữa được bằng xông thuốc. Hơn nữa, với mỗi loại bệnh phụ khoa, lại phải có những vị thuốc cụ thể để chữa bệnh cụ thể. Có loại bệnh phụ khoa xông được, có loại bệnh phụ khoa lại không thể xông được.

Thậm chí với một số loại bệnh, nếu lạm dụng việc xông sẽ khiến bệnh lan rộng, nặng hơn! Còn quảng cáo: Có thể giúp thư giãn sảng khoái nhưng nghe qua miêu tả là nồi lá để dưới bếp từ với nhiệt độ cao thì đi xông không bỏng là may chứ đừng nói gì đến chuyện “thư giãn”! Người bệnh không nên hồ đồ cả tin kẻo tiền mất mà bệnh lại nặng thêm!

Ông Phùng Đình Khánh - Chủ tịch Hội Đông y Ninh Bình thẳng thắn: “Dịch vụ “xông lá nho” chỉ là hình thức lừa bịp ăn tiền. Xông không bao giờ khỏi bệnh. Vì không một loại bệnh phụ khoa nào có thể khỏi được thông qua việc bốc hơi của nước lá.

Những loại bệnh nấm thông thường như trùng roi, nấm candida, chàm, nấm hắc lào... bác sĩ còn phải thông qua khám bệnh, soi tươi, xét nghiệm nấm, đặt thuốc hàng tháng trời chưa chắc đã khỏi chứ đừng nói đến chuyện những loại bệnh đó sẽ khỏi sau khi xông bằng nước lá.

Cũng theo ông Phùng Đình Khánh, một số cơ sở spa có liệt kê những bài thuốc xông gồm những vị như ngũ trảo, bạch chỉ, kinh giới, hoắc hương, bạc hà, địa liền, nhục quế, thiên niên kiện, đinh hương, tiểu hồi, phòng phong, xuyên khung, tế tân, khương hoạt, nhũ hương, mộc dược, lá trầu, lá lốt, củ nghệ, phèn chua... Đây đều là những vị thuốc xông rất bình thường có tinh dầu, mùi thơm giúp sát trùng ngoài da, hưng phấn thần kinh, kích thích tiêu hóa...

Đúng là hương của những vị thuốc này có thể giúp thần kinh hưng phấn và “vùng kín” cũng có thể sảng khoái nếu nóng đủ liều. Nhưng trên thực tế, xông tinh dầu thường chỉ dùng trong những trường hợp: cảm cúm, cảm lạnh...

Một số chuyên gia về lĩnh vực Đông y khi được hỏi cũng chia sẻ: Dịch vụ  này hết sức nhố nhăng.

Thông thường khi làm dịch vụ, khách đã vào phòng thì nhân viên bê nồi xông lên ngay- Như thế nghĩa là lá xông đã được nấu sẵn. Chỉ động tác này thôi đã thấy phản tác dụng. Bởi bất kể hình thức xông như thế nào (xông lá hay xông bằng vị thuốc quí), về nguyên tắc nấu như thế là không đúng! Thuốc xông đạt tiêu chuẩn phải là thuốc mới, còn mùi tinh dầu. Dùng tới đâu, cắt thuốc đến đó chứ không cắt sẵn, nấu sẵn. Vì chỉ để sau một vài giờ,  thuốc sẽ giảm tác dụng.

Meo.vn (Theo Gia đình & Xã hội)

Rau mùi làm thuốc

Nhiều loại rau mùi là dược liệu tốt cho sức khỏe nếu chúng ta biết kết hợp với một số cây lá khác trong vườn nhà.

Trong bữa ăn hằng ngày, chúng ta thường sử dụng nhiều loại rau mùi khác nhau, mùa nào thức ấy giúp cho ngon miệng.

Bạc hà: Là loại rau được sử dụng trong nhiều món ăn. Bạc hà có vị cay mát, thường dùng để chữa cảm mạo, phong nhiệt, nhức đầu, viêm họng, đầy bụng do tích thực, đau mắt đỏ, mẩn ngứa, viêm loét miệng... Để chữa đau mắt đỏ thì dùng lá bạc hà và lá dâu, mỗi thứ 12 g, nấu nước xông mắt ngày 2 – 3 lần. Để chữa cảm mạo phát sốt,  dùng 12 g lá bạc hà; lá tía tô, kinh giới, củ tóc tiên (thiên môn), mỗi loại 10 g; cam thảo dây 6 g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ở các chợ thôn quê cũng như thành thị đều có bán rất nhiều loại rau mùi - Ảnh: Hồng Thúy

Dấp cá: Là loại rau không thể thiếu khi ăn thủy hải sản, còn gọi là ngư tinh thảo. Dấp cá có vị cay, chua, hơi tanh, tính mát, có tác dụng tán nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng (phù). Để chữa viêm phế quản dùng lá dấp cá, cam thảo đất, mỗi thứ 20 g. Sắc đặc uống ngày 1 thang. Để chữa ho gà, lấy lá dấp cá tươi 50 g, nấu đặc uống hằng ngày.

Húng quế: Còn có tên là húng chó, húng dổi. Đây là thứ rau không thể thiếu khi ăn lòng heo, thịt chó, thịt vịt... Húng quế có mùi thơm đặc biệt, vị hơi cay, tính ôn; có tác dụng kích thích tiêu hóa, sát khuẩn. Thường được đông y dùng để phòng ngừa và trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Để chữa viêm họng, dùng 20 g húng quế, 6 g rẻ quạt, 5 lát gừng tươi, sắc uống ngày 1 thang. Để chữa đầy bụng khó tiêu  dùng 20 g húng quế, gừng nướng 5 lát, sắc uống nóng ngày 1 thang.

Lá lốt: Là loại rau không thể thiếu trong các món ốc, lươn, ếch, rắn… Lá lốt có tác dụng làm tan hơi lạnh, trừ thấp, dễ thở, tốt cho tiêu hóa. Để chữa phong thấp, dùng lá lốt, chìa vôi, cỏ xước, gối hạc, bưởi bung, rễ quýt, mỗi thứ 12 g. Sắc uống ngày 1 thang. Để chữa đau nhức tay chân, dùng lá lốt, ngải cứu, mỗi thứ 50 g, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp chườm vào chỗ đau.

Hành hoa: Rất nhiều món ăn có dùng đến hành. Hành hoa có vị cay, tính ôn, không độc, có tác dụng thông dương, hoạt huyết, lợi thủy, giải độc, kích thích tiêu hóa. Đông y dùng hành hoa để chữa cảm mạo phong hàn, đau răng, giun sán, đại tiểu tiện không lợi, nhọt lở, ăn uống khó tiêu. Để chữa cảm mạo phong hàn, dùng hành hoa và tía tô, mỗi thứ 10 g, xắt nhỏ; lòng đỏ trứng gà 2 quả. Nấu cháo loãng, sau đó cho hành hoa, tía tô, lòng đỏ trứng vào đánh đều rồi ăn. Ăn xong, trùm mền cho ra mồ hôi.

Meo.vn (Theo TNO)

Quất, cây thuốc quý

Truyền thuyết về cây quất

Truyện kể rằng, cách đây hơn 800 năm, vào giữa tiết trời đông giá lạnh, cả kinh thành Thăng Long vô cùng lo lắng bởi nhà vua và văn võ bá quan trong triều cùng hàng ngàn người dân đột nhiên mắc một chứng bệnh thời khí như sổ mũi, hắt hơi, đau nhức chân tay mình mẩy. Vua Lý Thần Tông đã hạ chiếu cho pháp sư Giới Không Thiền Sư lập đàn tế lễ, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày một lan rộng. Các quan ngự y được lệnh sưu tầm dược liệu để chế ra những phương thuốc trị bệnh. Sau một thời gian chạy chữa, các chứng bệnh lui dần, duy chỉ còn chứng ho, mất tiếng là dai dẳng kéo dài đến tận giáp Tết Nguyên đán. Nhà vua phải xuống chiếu cho nhân dân cả nước xem ai biết môn thuốc gì chữa khỏi chứng ho kéo dài này sẽ được trọng thưởng. Chiếu chỉ ban hành được vài ngày thì có một nông dân tên là Hoàng Quyết xin dâng lên nhà vua một vị thuốc dân gian, đó là quả quất luyện với đường phèn để chữa bệnh. Nhà vua bèn dùng thử thấy thuốc vừa chua, vừa ngọt, lại cay tê, đắng đắng, thơm mùi quất, chỉ trong hai ngày là khỏi bệnh. Bài thuốc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và từ đó, cây quất cũng được trồng và dùng làm thuốc chữa bệnh tại kinh thành Thăng Long.

Quấy - cây cảnh ngày Tết, quả để ăn và làm thuốc chữa bệnh

Từ xa xưa, trong dịp Tết Nguyên đán, quất được dùng làm cây cảnh trang trí trong nhà. Những quả quất màu vàng au hoặc đỏ cam tròn trĩnh và xinh xắn xen lẫn lá xanh dày tượng trưng cho mùa xuân đầy sức sống và sự vươn lên.

Quất chẳng những là cây cảnh của mùa xuân, từ quả quất chín mọng, qua bàn tay khéo léo của con người được chế biến thành mứt quất, một món ăn của ngày Tết, nếu một lần được thưởng thức sẽ chẳng bao giờ quên bởi hương vị đặc trưng: ngọt, thơm, cay dịu... Quất còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Quả quất có mùi thơm, vị ngọt, chua và tinh dầu thơm cay của vỏ. Quả quất được dùng dưới dạng quả còn non hoặc đã chín.

Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can. Nó có công năng hóa đảm, trị ho, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Vỏ có tác dụng mạnh hơn. Quất để càng lâu càng tốt. Hạt quất có tác dụng giảm ho, cầm máu, chống nôn, lá quất có nhiều tinh dầu, có tác dụng chữa cảm mạo phong hàn rất tốt.

Những bài thuốc chữa bệnh bằng quất

Cảm mạo: Lá quất 30g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, hòa đường vừa đủ, uống lúc nóng.

Nôn mửa: Vỏ quất, gừng tươi, đất nung mỗi thứ 9g, sắc uống.

Nghẹn: Vỏ quất 20g, sấy khô, tán thành bột, sắc uống nóng.

Sa nang sưng đau: Rễ quất 15 - 16g, sắc uống.

Ho nhiều đờm: Quất 5 quả, đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy, ngày ăn 2 lần, liền trong 3 ngày.

Ho gà trẻ em: Quất 10g, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.

Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.

An thần giảm ho: Quất 2 quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.

Chữa hậu sản, phù nề, vàng da: Quả quất non 50g, nghệ vàng 100g, nghệ đen 100g, hương phụ 100g, cặn nước tiểu 5g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 10 viên.

Nước giải khát có tác dụng bổ, dễ tiêu: Quả quất chín 1kg rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim sạch châm sâu vào quả 5 - 6 lỗ rồi cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính 2kg; cứ một lớp quất lại một lớp đường. Đậy kín, để trong 7 ngày, được dịch quất đường (sirô quất) màu vàng mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 - 2 thìa to sirô này pha với 150ml được đun sôi để nguội. Khuấy đều rồi uống.

Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, thêm 20g đường phèn hấp cơm, uống 2 - 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 - 10ml (1 thìa café).

Chữa nôn ra máu: Hạt quất 20g, bóc bỏ vỏ lấy nhân, sao vàng, giã nhỏ, sắc lấy nước uống 2 lần/1 ngày. Cần chú ý tránh nhầm lẫn giữa hạt quất và hạt quýt (y học cổ truyền gọi là quất hạch).

Ngoài ra, trong vỏ của quất, cam, quýt có chất tinh dầu giúp ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da... Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.

(theo suckhoedoisong)

Đông y chữa bệnh hiệu quả cao: Tham khảo tại thaythuoccuban.com

Trà dược chữa cảm cúm

Cảm cúm là bệnh thường gặp vào mùa đông xuân, hay gây thành dịch. Nguyên nhân do tà khí xâm nhập vào người bệnh. Biểu hiện chủ yếu là người ớn lạnh, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, đầu nặng hoặc đau đầu, không ra mồ hôi; đôi khi có rối loạn tiêu hóa như nôn, đại tiện lỏng. Sau đây xin giới thiệu một số bài trà dược để bạn đọc tham khảo áp dụng.

Trà ngũ thần: kinh giới 10g, tô diệp 10g, lá chè 6g, gừng tươi 10g, đường hoa mai 30g. Kinh giới, tô diệp, gừng tươi đun trong lửa nhỏ khoảng 10 – 15 phút, sau cho đường vào chờ tan hết là được. Mỗi ngày uống 1 thang, chia 2 lần sáng chiều, uống nóng. Công dụng: phát tán phong hàn, giảm thống. Chữa cảm mạo phong hàn, rét run, đau mình mảy, không ra mồ hôi.

Trà bạch chỉ, kinh giới: bạch chỉ 30g, hoa kinh giới 3g, trà khô 3g. Bạch chỉ và hoa kinh giới tán bột, cho trà vào, đổ nước vừa đủ nấu nước uống. Ngày 2 lần mỗi lần 6g.

Trà tô khương: lá tía tô, khương hoạt, chè mỗi thứ 9g. Tất cả tán thành bột thô, đổ nước sôi hãm uống. Ngày 1 thang, uống tùy ý trong ngày. Công dụng: tán giải phong hàn, đau đầu, tăng nhiệt để ra mồ hôi.

Trà hạnh đào thông dương:

hạnh đào nhân 25g, hành củ 25g, gừng tươi 25g, chè 15g. Hạnh đào nhân, hành, gừng giã nát, cho vào nồi đất cùng với chè, thêm nửa bát nước đun sôi, gạn bỏ bã lấy nước uống. Mỗi ngày 1 thang, uống nóng, uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi. Chú ý tránh gió. Công dụng: giải biểu tán hàn, tỏa mồ hôi. Chữa trị cảm mạo phát sốt, đau đầu nặng người không ra mồ hôi được. Hoặc gừng, hành mỗi thứ 15g, muối ăn 3g giã nát, cho vào túi vải vắt lấy nước để xoa ngũ tâm (ngực, lưng, gan bàn tay bàn chân, nách và khoeo chân, nếp gấp khuỷu tay) để chữa cảm mạo rất tốt.

 

Trà khương đường: gừng tươi 3 lát, đường hoa mai vừa đủ. Pha hai thứ với nước sôi uống thay chè. Ngày uống 1 – 2 lần.

Trà cảm mạo: khương hoạt 30g, bạch chỉ 12g, hoàng linh 15g. Cho cả 3 vị vào nước sôi hãm uống thay chè. Ngày 1 thang chia uống trong ngày, uống nóng. Công dụng: trừ phong tán hàn. Chữa ngoại cảm phong hàn, đau đầu, đau mình, ngạt mũi, sổ mũi, sốt.

Trà khương tô: gừng tươi 3g, tô diệp 3g. Gừng tươi thái chỉ, lá tía tô rửa sạch. Cho cả hai thứ vào cốc rót nước sôi ngâm 10 phút uống thay trà. Ngày uống 2 thang sáng chiều, uống nóng. Chữa cảm phong hàn, đau đầu phát sốt, buồn nôn, cồn ruột, đau dạ dày, chướng bụng.

Lương y Đình Thuấn

Thuốc Nam chữa bệnh trong mùa hè

Mùa hè đến, do thời tiết nắng nóng nhiều nên nhiệt độ môi trường tăng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người, nhất là người cao tuổi và trẻ em dễ bị say nắng, cảm mạo, các bệnh đường ruột, nhiễm khuẩn phát triển. Để đề phòng các bệnh trên cũng như chữa bệnh kịp thời ngay tại nhà, các gia đình nên có sẵn một số vị thuốc Nam sau đây để sử dụng:

- Gừng sống (Đông y gọi là sinh khương): gừng có tác dụng tán hàn giải biểu, ôn trung làm hết nôn, cầm đi lỏng do điều lý được trung tiêu, tán vị hàn, ôn phế chỉ ho, giải độc, chóng mặt hoa mắt do huyết áp thấp…

Cách dùng: nếu bị nôn mửa do đờm ẩm dùng cùng bán hạ, do lạnh dùng với trần bì, có thể dùng riêng gừng sống nhai nuốt, chiêu bằng nước nóng hoặc giã nát vắt lấy nước uống.

Nếu bị ho do phong hàn dùng với tử tô, hạnh nhân, trần bì. Trường hợp mới bị ngứa cổ, ho chỉ cần nhai và ngậm gừng sống là đủ.

Bị ngộ độc cua cá (hải sản), dùng độc vị hoặc dùng với tử tô, nam tinh, bán hạ.

- Kinh giới (Đông y gọi là kinh giới tuệ): bộ phận dùng là cành lá và hoa. Tính bình vào kinh phế, có tác dụng giải biểu khu phong, chỉ huyết. Dùng để chữa cảm mạo phong hàn không có mồ hôi…

Cách dùng:

- Nếu bị cảm mạo do phong hàn không có mồ hôi, dùng kinh giới với phòng phong, khương hoạt.

- Nếu bị cảm mạo do phong nhiệt, dùng với ngân hoa, bạc hà, liên kiều.

- Cấp cứu trúng phong: dùng độc vị kinh giới tuệ tán mịn hoà với rượu uống.

- Nếu bị mẩn ngứa nhiều hoặc sởi đang mọc không tốt, dùng với thuyền thoái, ngưu bàng tử, ngân hoa, bạc hà.

- Chỉ huyết (cầm máu): hoa kinh giới sao thành than để chữa các chứng chảy máu (nôn ra máu, ỉa ra máu, đái ra máu), ho ra máu, chảy máu cam, rong kinh… dùng với trắc bá diệp sao đen, hoa hoè sao đen. Sắc đặc để uống.

Liều dùng: nếu dùng tươi 30g/ngày. Nếu dùng khô (sao vàng) 8 – 16g.

Kinh giới.
Một số bài thuốc có kinh giới:
Bấm vào cửa sổ xem Hình

- Kinh giới 16g, tía tô 10g. Sắc uống chữa cảm mạo không ra mồ hôi.

- Kinh giới, bạc hà mỗi vị 8g, ngân hoa 16g, lá tre 16g, cam thảo đất 12g để giải biểu, chữa cảm mạo do phong nhiệt.

- Cát căn 6g, kinh giới 6g, phòng phong 6g, cát cánh 6g, ngưu bàng tử 6g, tiền hồ 6g, liên kiều 6g, kim ngân hoa 6g để tuyên thấu độc sởi, chữa sởi thời kỳ đầu.

- Bạc hà: Bộ phận dùng: lá, cành non, tính vị cay, tân lương, thơm, vào kinh phế, kinh can.

Công dụng: sơ phong thanh nhiệt, tán phong nhiệt ở thượng tiêu, ở hầu họng, mắt, sơ can giải uất, hành khí. Có tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt, họng đau do ngoại cảm, đau đầu, mắt đỏ, phong chẩn, ngứa, chứng chẩn phát ra khó khăn ở bệnh sởi… Liều dùng: từ 2 – 6g.

- Phương thuốc có bạc hà: bạc hà 6g, kinh giới 8g, ngân hoa 16g, trúc diệp 16g, cam thảo sống 4g (sắc uống). Tác dụng chữa ngoại cảm phong nhiệt.

- Tang diệp 16g, cúc hoa 12g, bạc hà 8g, kinh giới 10g, mạn kinh tử 12g (sắc uống). Chữa đau đầu, viêm họng, đau mắt do phong nhiệt.

- Tía tô (còn gọi là tử tô, tử tô diệp, tô ngạnh).

- Tử tô: cành non của cây tía tô.

- Tử tô diệp: lá của cây tía tô.

- Tô ngạnh (tử tô ngạnh): cành non hoặc cành già cây tía tô.

Công dụng: phát tán phong hàn, hành khí, an thai, giải độc. Chữa ngoại cảm phong hàn, khí trệ ở tỳ vị, chữa đau bụng, nôn mửa, dị ứng do cua cá.

Có sách viết: 'Tử tô tán hàn khí, thanh phế khí, khoan trung khí, an thai khí, hạ kết khí, hoá đờm khí, nãi trị khí chi thần dược'.

- Liều dùng: 6 – 12g.

Phương thuốc có tử tô:

- Tô diệp 8g, hương phụ 8g, trần bì 8g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 2 lần để chữa cảm phong hàn có nôn mửa.

- Tô diệp tươi 10g, gừng sống 8g, cam thảo 4g. Sắc uống để chữa đau bụng đi ngoài, mẩn ngứa.

- Tử tô, đương quy, xuyên khung, nhân sâm, trần bì, đại phúc bì, cam thảo, gừng sống mỗi vị 6 – 8g để chữa thai khí nghịch lên bụng, đau bụng, đau đầu. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nhân sâm 10g, tô diệp 10g, cát căn 10g, tiền hồ 10g, trần bì 8g, bán hạ 10g, chỉ xác 8g, phục linh 10g, cát cánh 8g, cam thảo 8g để ích khí giải biểu trị ho, hóa đờm, người yếu bị ngoại cảm phong hàn.

(Theo suckhoe-doisong)