Lưu trữ cho từ khóa: chống co thắt

Một số bài thuốc từ hoa quả

Hoa quả không chỉ đơn thuần cung cấp dinh dưỡng, màu sắc trong bữa ăn hàng ngày, mà còn là những vị thuốc hữu hiệu lại an toàn trong sử dụng và rất tốt cho sức khỏe.

Hoa quả là những vị thuốc hữu hiệu và an toàn trong sử dụng. (Nguồn: Internet)

- Cúc vàng, hoa hồng, quả quất, hay lá quất đều có dùng làm những vị thuốc quí. Cúc vàng vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, hạ hoả. Để chữa chứng đau mắt, nhức đầu và chống co thắt mạch máu não ở người huyết áp cao có thể dùng hoa cúc, ngưu tất, hạt muồng sao và hoa hoè sao mỗi thứ 12 gam sắc uống.

- Hoa hồng vị ngọt, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hoạt huyết, tiêu sưng. Để chữa mụn nhọt, tràng nhạc, mụn lở chảy nước dùng cánh hoa hồng giã nát rồi đắp.

- Chữa ho ở trẻ: Cánh hoa hồng bạch 5g trộn với đường phèn 4g, cho vào chén hấp trên nồi cơm chưng lấy nước uống dần.

- Ô mai mơ có thể chữa đau bụng giun, giun lên thực quản. Dùng 5 đến 7 quả ô mai mơ sắc lấy 1 chén nước để uống.

- Chữa lỵ mạn tính hay đại tiện ra máu, dùng ô mai mơ bỏ hạt đốt tồn tính, tán bột, uống 3-5 lần 1 ngày, mỗi lần 4g sẽ khỏi.

- Chữa viêm họng, ho khan hay ho gió: Lấy 1 quả quất thêm 1 chút muối và nhai ngậm.

- Chữa ho đờm: Lấy quả quất xanh hoặc chín để ngậm.

- Ho lâu ngày: Lấy quả quất khía 4 cạnh, bỏ hạt, ép bớt nước, cho thêm đường phèn vào chưng để ăn. Dùng đường cát làm mứt quất cũng chữa được ho lâu ngày.

- Chữa nôn mửa, ăn không tiêu hoặc ho có đờm xanh: Dùng 12g quả quất, gừng tươi 8g, ủ tróc, ngâm với gừng, sao lên và sắc uống.

- Chữa cảm: Dùng 30g lá quất, 20g lá hồng bì sắc lên uống lúc còn nóng để ra mồ hôi. Ngoài những loại hoa quả trên còn có táo, cam và chuối có thể chữa được bệnh hay quên ở người già nếu dùng thường xuyên mỗi ngày một quả.

Lưu ý: khi thực hiện những bài thuốc từ hoa quả, cần ngâm rửa sạch hoa quả trong nước muối để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Meo.vn (Theo VTV)

Câu chuyện về cây diệp hạ châu

Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH (Tham khảo tài liệu trên Internet)
Nicole Maxwell, tác giả cuốn Witch Doctor?s Apprentice, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961 trên cơ sở những nghiên cứu được tiến hành từ năm 1950 tại Peru, đã coi Chanca Piedra như một dược liệu quan trọng nhất để chữa bệnh. Bà Nicole Maxwell thường xuyên gặp gỡ các pháp sư và những người Ấn Ðộ ở vùng sông Amazon. Thời gian sau đó, bà được gặp một người Ðức đã từng sử dụng Chanca Piedra trong chữa bệnh tại Ðức. Ông ta nói rằng có tới 94% bệnh nhân của mình được hỏi đều cho biết sỏi thận đã hoàn toàn loại trừ sau 1-2 tuần điều trị. Tuy nhiên vài giờ sau khi loại bỏ được sỏi thận, một vài bệnh nhân đã bị chuột rút. Những thầy thuốc khác đã phỏng vấn những bệnh nhân được Nicole Maxwell cho sử dụng Chanca Piedra. Họ đều nói rằng có thể sử dụng vào bất cứ thời gian nào và không xảy ra tác dụng phụ gì.
CHANCA PIEDRA LÀ CÂY THUỐC GÌ?

Ðó chính là cây Phyllanthus ninuri, một cây thuốc cùng họ với cây Phyllanthus amarus mà dân ta gọi là diệp hạ châu đắng, còn cây diệp hạ châu ngọt được gọi với tên Phyllanthus urinaria..., cũng đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam dưới tên gọi dân dã là chó đẻ răng cưa, hoặc mỹ miều hơn là diệp hạ châu (ngọc dưới lá).

Những cây thuốc cùng họ Euphorbiaceae cũng được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, và người ta cho rằng đây là một dược thảo phổ biến ở các nước nhiệt đới. Tại Ấn Ðộ, theo mô tả của các nhà khoa học, cây thuốc này có thể cao từ 30-60cm và có hoa màu vàng. Ngoài ra còn được tìm thấy ở các nước khác như Trung Quốc (Phyllanthus urinaria), Cu Ba, Nigeria, Guam, Philippines... Toàn bộ cây được sử dụng làm thuốc, có tác dụng giảm đau, chữa viêm gan... Các nhà khoa học đã chứng minh đây là một cây thuốc mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe con người.
NHỮNG CÔNG DỤNG CỦA CÂY DIỆP HẠ CHÂU

Tại Pháp, Chanca Piedra còn được sử dụng điều trị sỏi thận, sỏi mật. Sản phẩm của Chanca Piedra gọi là Pilosuryl, được bán như một thuốc lợi tiểu. Chanca Piedra có thể sử dụng kéo dài nhằm khôi phục chức năng bình thường của gan và giải độc cơ thể (do gan có chức năng thải độc, chống độc cho cơ thể). Việc ăn các thức ăn có nhiều bơ, sữa, thịt, đường, thức ăn nhanh, hóa chất sát trùng, uống nước tiệt trùng bằng Clo, nước chứa ký sinh trùng, sử dụng thuốc tránh thai ở phụ nữ trẻ và hormone ở phụ nữ mãn kinh, điều trị bằng các hormone steroid, hóa trị liệu điều trị ung thư, sử dụng thuốc chữa bệnh tim mạch và ngăn ngừa chống loãng xương... cũng chính là những nguyên nhân thường gặp gây tổn hại cho gan.

Một nghiên cứu được tiến hành tại trường Ðại học Dược Santa Catarina (Brazil) vào năm 1984 về Chanca Piedra đã phát hiện có một alkaloid là phyllan thoside. Alkaloid này có tác dụng chống co thắt mạnh. Phyllanthoside có tác dụng chống co thắt cơ vân và cơ trơn, do vậy có thể giải thích được hiệu quả chữa bệnh của nó trong điều trị sỏi thận, sỏi mật.

Các nhà nghiên cứu Brazil cũng khám phá tác dụng giảm đau mạnh và bền vững của vài giống Phyllanthus, bao gồm Phyllanthus niruri. Trong một cuốn sách có tựa đề "Cats claw, cây leo chữa bệnh" của Peru, tác giả Kenneth Jones đã dành hẳn một chương mục để nói về Chanca Piedra. Chúng ta biết rằng, morphin là một thuốc giảm đau gây nghiện cổ điển nhất trên thế giới và indomethacin cũng là một thuốc chống viêm, giảm đau. Thế nhưng, trong các cuộc thử nghiệm, Phyllanthus niruri có tác dụng giảm đau mạnh hơn indomethacin gấp 4 lần và mạnh hơn 3 lần so với morphin!

Tác dụng giảm đau của Phyllanthus đã được các nhà khoa học Brazil cho là do acid gallic, ester ethyl và hỗn hợp steroid như beta sitosterol và stigmasterol. Từ những năm 1960 đã có thông tin nói về Chanca Piedra. Những nghiên cứu của Brazil và Ấn Ðộ trước hết được áp dụng trên những người bản xứ. Trong một vài nghiên cứu khác đã được báo cáo, người ta không thấy có sự khác biệt nào của Phyllanthus niruni và Phyllanthus amarus vì các hoạt chất của 2 cây này là giống nhau. Trong thực tế, các nhà khoa học cho rằng nó chỉ là một loại cây với hai tên gọi khác nhau mà thôi. Tác dụng chống co thắt của Chanca Piedra trong nghiên cứu giữa năm 1980 của các nhà khoa học Brazil đã giải thích tác dụng điều trị sỏi thận và sỏi bàng quang trong dân gian của cây thuốc này.

Những Alkaloid của Phyllanthus có tác dụng làm giãn cơ, đặc biệt là đối với cơ quan bài tiết. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán nó có tác dụng làm mòn sỏi ở đường tiết niệu (thận và bàng quang). Nghiên cứu của Nhật Bản và Ấn Ðộ trong năm 1980 đã xác định những tác dụng điều trị của Chanca Piedra đối với bệnh gan là do tác dụng của các hoạt chất phyllanthin, hypophyllathin và triacontanal. Glycoside được tìm thấy trong Chanca Piedra đã ức chế men Aldose reductase (AR), do các nhà nghiên cứu Nhật Bản kết luận thông qua một nghiên cứu tiến hành vào những năm 1988-1989. Còn vào các năm 1994-1995, các nhà khoa học Brazil đã phát hiện tác dụng giảm đau của Chanca Piedra. Trong một ghi chú đặc biệt, cuối những năm 80, Break Stone đã gây được sự chú ý đối với toàn thế giới về tác dụng chống virus viêm gan B của cây thuốc này.

Những thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em với bệnh viêm gan truyền nhiễm bằng một thuốc chứa Phyllanthus amarus của Ấn Ðộ đã cho kết quả hứa hẹn trong cả Invivo và Invitro. Nghiên cứu Invitro về sự ức chế virus viêm gan B của Break Stone được báo cáo tại Ấn Ðộ vào năm 1982. Trong nghiên cứu trên Invivo, Break Stone cũng đã loại trừ virus gây bệnh viêm gan B ở những động vật có vú trong 3-6 tuần.

Những nghiên cứu khác tiến hành vào những năm 1990-1995 đã cho thấy Chanca Piedra có tác dụng chống lại virus viêm gan B.

Chúng ta cũng biết rằng virus viêm gan B không chỉ tồn tại trong giai đoạn cấp tính mà còn tồn tại trong cơ thể và có thể tiến tới gây ung thư gan. Các nghiên cứu cho thấy có tới 90% bệnh nhân bị ung thư gan đã từng mắc bệnh viêm gan virus B và đây quả là một điều đáng sợ! Phyllanthus niruri và Phyllanthus amatrus đã cho thấy các dược chất tự nhiên không độc mà nó chứa đựng có tác dụng đối với virus viêm gan B.

Cây thuốc này còn có tác động tới cả hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi mà AIDS trở thành đại dịch nguy hiểm trên thế giới và cho tới nay việc điều trị vẫn còn là một thách thức đối với khoa học, thì những nghiên cứu gần đây nhất của Break Stone đã phát hiện tác dụng chống virus HIV của cây thuốc này. Vào năm 1992, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã khám phá tác dụng ức chế sự phát triển HIV-1 của Phyllanthus niruri thông qua sự kìm hãm quá trình nhân lên của virus HIV với cao lỏng của cây thuốc. Trong một nghiên cứu khoa học được tiến hành vào năm 1996, Viện nghiên cứu Dược học Bristol Myezs Squibb cũng đã chiết xuất được ít nhất một hoạt chất có tác dụng này và người ta đã đặt tên nó là "Nuruside".
DIỆP HẠ CHÂU CÓ ÐỘC TÍNH KHÔNG?

Người ta không gặp bất cứ độc tính nào ngoại trừ hiện tượng gây chứng chuột rút trong thời gian sử dụng thuốc. Nếu có hiện tượng chuột rút thì cần giảm 1/2 liều điều trị, thuốc đảm bảo an toàn ở phụ nữ có thai.

(ykhoanet.com)

Nhức đầu khi làm 'chuyện ấy' có nguy hiểm?

Theo cơ quan quốc gia chuyên nghiên cứu về căn bệnh nhức đầu của Mỹ (National Headache Foundation), thì hành vi tình dục đạt được đỉnh điểm khoái cảm có thể gây ra hai kiểu nhức đầu.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

1. Nhức đầu xảy ra do những căng thẳng thần kinh, cố gắng về thể chất trong lúc giao hợp; các mạch máu của não giãn ra và các cơ vùng đầu cổ co rút do hưng phấn sắp đạt đỉnh điểm khoái cảm.

Kiểu nhức đầu này thường lành, không có hại gì và ít khi kết hợp với vấn đề sức khỏe trầm trọng; chỉ cần dùng thuốc chống đau (loại không có nhân steroid) là có thể đỡ.

Tuy nhiên, cũng nên gặp thầy thuốc nếu nhức đầu kèm với một trong những triệu chứng sau đây hoặc nhức đầu hay tái diễn: đau co cơ rút cơ ở cổ rất nặng - buồn nôn - nôn - mất ý thức.

2. Kiểu nhức đầu thứ hai xảy ra ngay trước khi đạt khoái cảm đỉnh điểm, đó là do ảnh hưởng của sự vận mạch nên gây nhức đầu, dù hành vi tình dục có phải gắng sức hay không.

Kiểu nhức đầu nặng và căng này đôi khi có thể do huyết áp cao, thường gặp ở nam giới nhiều hơn và những người bị bệnh nhức nửa bên đầu (migraine) lại càng dễ bị. Cảm giác nhức ở quanh hoặc sau mắt, thường kéo dài vài phút nhưng cũng có khi vài giờ. Nằm yên bất động có thể làm cho cơn nhức đầu giảm bớt.

Nếu kèm theo bất cứ một triệu chứng bất thường khác như đau cứng cổ thì cần gặp thầy thuốc sớm để kiểm tra xem có nguyên nhân gì nghiêm trọng hơn không như đột quỵ, u não hay chảy máu trong hoặc quanh não.

Nếu chỉ là do bệnh nhức nửa đầu thì dùng thuốc chống co thắt mạch máu có thể tốt trước khi quyết định quan hệ tình dục.

Theo BS. Đào Xuân Dũng

Gia đình & xã hội

Phòng và trị bệnh bằng hoa

Dược thảo trong y học cổ truyền được sử dụng với 3 mục đích: trị bệnh phòng bệnh, và tăng cường sức khỏe. Người ta có thể sử dụng toàn bộ cây hoặc từng bộ phận của cây, như củ rễ, lá, thân, vỏ rễ, vỏ quả, hoa...

Nói đến hoa, chúng ta thường nghĩ đến vẻ đẹp, mùi hương của hoa, nhưng sẽ lý thú hơn khi nhắc đến công dụng của hoa trong việc phòng và trị bệnh.

Hoa cúc:

Có thể sử dụng với dạng nấu nước uống như nước giải khát hoặc sắc uống để chữa đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau mắt, cao huyết áp, sốt. Mỗi ngày có thể dùng 10-16g dưới dạng thuốc sắc, ngâm rượu uống, hoặc giã nát đắp mụn nhọt.

Hoa lài:

Thường dùng ướp trà uống hoặc dùng 2-4g hoa khô sắc uống chữa kiết lị, chữa mất ngủ hoặc dùng để rửa mắt.

Hoa sứ:

Có tác dụng hạ huyết áp, chữa ho, tiêu đờm, tiêu thũng, liều dùng 6-12g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc. Người ta còn dùng nước sắc hoa sứ chữa cảm sốt, kiết lị. Một số ghi nhận ở Lào cho thấy hoa sứ còn có tác dụng chữa viêm tắc động mạch, ở Campuchia chữa hắc lào.

Hoa hồng:

Có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, giải độc, dùng để chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, ho viêm họng, lở loét mồm, liều dùng 3-6g/ngày dưới dạng thuốc sắc. Tinh dầu hoa hồng pha nước tắm có tác dụng an thần.

Hoa hòe:

Vị đắng trong hoa hòe có từ 6-30% là rutin, một chất làm bền thành mạch, người ta thường sử dụng để điều trị trong cao huyết áp, ngăn ngừa tình trạng xuất huyết do vỡ mao mạch, điều trị ho ra máu, tiểu ra máu, chảy máu cam.

Liều dùng 5-20g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc. Có thể sao khô để dành pha uống như nước trà. Hiện nay hoa hòe được bào chế thành dạng thuốc viên, hàm lượng 0,02g, ngày uống 3 lần/ngày, mỗi lần uống 1 viên.

Kim ngân hoa:

Thường được trồng làm cảnh hoặc hàng rào, mọc nhiều ở vùng núi miền Bắc và Tây Nguyên, có tác dụng tiêu độc, trị ghẻ lở, nhọt độc ngứa, dị ứng, thấp khớp, một số nghiên cứu chứng minh nước sắc hoa kim ngân có tác dụng kháng sinh đối với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn...

Hoa bưởi:

Tinh dầu hoa bưởi có rất nhiều thành phần, có thể đến 41 thành phần. Người ta nhận thấy tinh dầu hoa bưởi có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm (phế cầu), tụ cầu vàng...

Hoa cam:

Dùng để pha chế thuốc theo đơn, hoa cam chứa nhiều tinh dầu, có tính kháng khuẩn nhưng kém hơn tinh dầu vỏ quả, có thể dùng nước hoa cam uống để làm êm dịu thần kinh.

Hoa khế:

Dùng chung với lá khế, cành non, nấu sôi dùng để xông hoặc tắm chữa lở loét, dị ứng.

Ngoài ra, người ta còn sử dụng hoa như một loại thực phẩm: hoa chuối làm gỏi, làm rau ăn sống; hoa thiên lý xào hoặc nấu canh với thịt; dùng nước sắc hoa hồng, hoa cúc ướp thịt để nướng hoặc để hầm giúp êm dịu thần kinh dễ ngủ.

Tuy nhiên, có những loại hoa có độc phải được bác sĩ chuyên khoa kê toa hoặc hướng dẫn sử dụng như hoa cà độc dược dùng để chữa ho hen, chống co thắt chữa các cơn đau dạ dày, nôn ói, có thể sắc uống, thuốc bột hoặc cuộn tròn thành điếu để hút; hoa sói dùng để ướp trà uống, cần lưu tâm về liều lượng, có thể gây độc.

Một vài loại hoa ít được người sử dụng quan tâm, nhưng cũng là vị thuốc:

- Hoa dâm bụt:

Dùng lá và hoa giã nhỏ trộn với muối đắp lên mụn nhọt sẽ giúp giảm đau và chóng vỡ mủ. Ở Malaysia, người ra dùng hoa pha nước uống như uống trà để thông tiểu và chữa mẩn ngứa.

- Hoa mào gà:

Sắc uống mỗi ngày từ 8-16g, chữa đi tiêu ra máu, hoặc dùng 10g hoa sấy khô, tán nhỏ, chia nhiều lần uống trong ngày. Mỗi lần uống 1-2g chữa lị ra máu, tiêu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.

Theo BS Trần Hữu Vinh

Tuổi trẻ

Bệnh sán lá gan và thuốc trị

Sán lá gan là một ký sinh trùng sống ký sinh ở các động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu, dê… Chu kỳ sinh sản của sán lá gan lớn cần phải có môi trường nước và vật chủ trung gian là các loài ốc nước ngọt. Các loại động vật ăn cỏ ăn phải ấu trùng hoặc người không may ăn phải các loại rau, củ thủy sinh có chứa ấu trùng thì sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn.


Ấu trùng sán lá gan có trong cá nước lợ và chủ yếu hơn là trong các loại rau sống trong nước (cải xoong, ngổ, rau om, rau cần, ngó sen, rau nhút…). Khi ăn gỏi cá, rau sống, ấu trùng xâm nhập vào dạ dày ruột, rồi tự lột lớp vỏ, xuyên qua màng ruột, theo máu vào gan, phát triển trong gan rồi sau đó định hình ở ống mật.

Người dân hay ăn gỏi cá, ăn sống các loại rau trồng hoặc mọc ở dưới nước có nguy cơ mắc bệnh sán lá gan lớn khá cao. Khi bị mắc bệnh sán lá gan lớn, bệnh nhân thường thấy các biểu hiện như toàn thân mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, thiếu máu nhẹ, sốt thất thường hay sốt cao. Đối với hệ tiêu hóa thường thấy đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, chán ăn, ăn khó tiêu, xuất huyết tiêu hóa, gan to, vàng da… Các triệu chứng khác thấy kèm theo như bị ban đỏ dị ứng, đau khớp, đau cơ, ho, tràn dịch màng phổi, màng bụng, cũng có thể bị tổn thương ở những nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ… Khi người bệnh có các biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn, viêm túi mật, áp-xe gan đồng thời lại có tiền sử ăn rau sống, rau tái, đặc biệt là ở các vùng đang có bệnh lưu hành thì cần nghĩ đến bệnh sán lá gan lớn.

Thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn

Triclabendazole (biệt dược egaten của Thụy Sĩ) là dẫn xuất của benzimidazole. Triclabendazol (TCB) ngăn cản quá trình phosphoryl-ôxy hóa ở ty lạp thể, làm cho sán không kiểm soát được hô hấp, đồng thời gắn kết với các phân tử tubulin ngăn cản quá trình hình thành vi ống ở sán. Từ đó, sán bị tê liệt rồi chết. TCB có hiệu lực với sán lá gan lớn trong giai đoạn non và trưởng thành. Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng điều trị cả bệnh sán lá phổi Paragonimus.

Sử dụng TCB để điều trị bệnh sán lá gan lớn với liều lượng tùy theo trọng lượng của từng bệnh nhân.  Viên thuốc có hàm lượng 250mg, loại viên nén có vạch và dễ bẻ thành hai nửa bằng nhau để thuận tiện trong việc chia liều chính xác. TCB dùng đường uống, sau khi ăn no, nuốt cả viên với một ít nước, không nhai. Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm, cần điều trị tiếp lần 2. Nếu sau 60 ngày không hết triệu chứng, dùng thêm 1 lần. Có thể điều trị hỗ trợ thêm bằng thuốc kháng sinh có phổ  diệt khuẩn rộng để chống bội nhiễm, thuốc hạ sốt, giảm đau… Bảo đảm chế độ ăn uống, bồi dưỡng hợp lý để bổ sung năng lượng cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị phải theo dõi diễn biến của bệnh để đánh giá kết quả. Cần kiểm tra bằng xét nghiệm siêu âm chẩn đoán và thử nghiệm test Elisa trước và sau điều trị vào các ngày thứ 1 đến thứ 7, ngày 15, 30 và 60. Thời gian theo dõi để tránh tái nhiễm từ 6 tháng đến 1 năm.

Khi có triệu chứng nghi ngờ bị sán lá gan, cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ký sinh trùng. Nếu phát hiện bệnh, cần điều trị triệt để, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. TCB là loại thuốc được ưu tiên lựa chọn vì có hiệu quả và ít tác dụng phụ. Nếu có viêm tắc đường mật, phải phối hợp kháng sinh và phẫu thuật. Các thuốc điều trị sán lá gan trước đây như emetin, dehydroemetin, chloroquin, albendazole, mebendazole… hiện nay không dùng nữa do hiệu quả kém hoặc độc tính cao.

TCB không gây độc nghiêm trọng, chỉ thấy mệt, suy nhược, đau ngực, sốt, buồn nôn, ói mửa, đau thượng vị, đau hạ sườn phải, gan to, rối loạn nhẹ chức năng gan (enzym ASAT, ALAT, phosphatase kiềm tăng), đau vùng túi mật, vàng da (bilirubin toàn phần tăng). Những hiện tượng này có thể do sán tê liệt phóng thích ra kháng nguyên hơn là do bản thân thuốc. Một số biểu hiện khác hiếm gặp hơn: ngủ gà, ngứa, đau lưng, ho, khó thở. Dự kiến có cơn đau nặng ở đường mật do sán bị tống ra khi dùng thuốc nhưng trong thực tế thường chỉ thấy đau nhẹ vùng đường mật hoặc không thấy đau. Một vài nghiên cứu mới đây của nhà sản xuất nhận thấy thuốc gây quái thai trên súc vật (với liều quy ra gấp 10 lần liều dùng trên người) nhưng chưa ghi nhận được trường hợp quái thai nào ở người. Chưa có thông tin đầy đủ về việc thuốc tiết qua sữa. Chưa xác định được tính an toàn cho trẻ nhỏ. Không nên dùng thuốc cho người có thai, cho con bú, trẻ dưới 6 tuổi. Tùy từng trường hợp có thể phối hợp với thuốc chống co thắt (để giảm đau, tránh vàng da), prednisolon (trong trường hợp cấp hay có biểu hiện nhiễm độc do kháng nguyên Fasciola), kháng sinh (dự phòng nhiễm khuẩn do tổn thương đường mật). Không dùng cho người bị mẫn cảm với TCB hay với các dẫn chất bendazol. TCB có thể gây tán huyết (thận trọng với người thiếu men glucose-6-phophat-deshydrogenase).

Để phòng bệnh sán lá gan lớn

Không ăn thịt, gan hoặc lòng gia súc chưa nấu chín kỹ. Do ốc là vật chủ trung gian và ăn rau sống hay ăn các loại cây thủy sinh là căn nguyên mắc bệnh nên biện pháp dự phòng đơn giản nhất là không ăn rau sống, các loại rau, cây thủy sinh như cải xoong, rau diếp, húng, mùi tây, ngổ, cá gỏi, nhất là những vùng dân cư còn sử dụng phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp, uống nước trực tiếp từ sông suối không qua nấu chín, vì sán lá gan xâm nhập vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa.

(Theo suckhoedoisong)

11 lợi ích của trà cúc La Mã

Hoa cúc La Mã từ lâu đã được người Ai Cập cổ xem là một phương thuốc trị bách bệnh. Trà của loại dược thảo quý này đã được sử dụng hàng trăm năm qua với nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2009/11/17/hoa-cuc-181109.jpg

Trị đau thắt dạ dày

Trà cúc La Mã là người bạn tốt của dạ dày. Loại hoa cúc này có chứa các thành phần chống co thắt và kháng viêm mạnh vì vậy trị các chứng co thắt ruột và dạ dày rất hiệu quả.

Hãy pha một tách trà theo cách thức hướng dẫn trên bao bì và uống hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối khi gặp phải những triệu chứng trên. Trà hoa cúc thường pha với bạc hà để hỗ trợ tiêu hóa.

Trị hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hoa cúc La Mã làm giảm co thắt, đau quặn ruột cũng như trị đầy hơi.

Một tách trà cúc La Mã sẽ giúp giảm hội chứng ruột bị kích thích, buồn nôn và bệnh đau bụng do virus gây ra.

Trị chứng đau nửa đầu

Khi có triệu chứng đau nửa đầu, hãy dùng một tách trà cúc và tốt nhất nên dùng sớm, trước khi chứng này trở nên trầm trọng.

Trị bỏng và các vết trầy xước

Trà cúc pha đặc được dùng để trị các vết bỏng và trầy xước: pha 3 gói trà với một bát nước sôi. Khi nước nguội, nhúng khăn vào và đắp khăn lên vùng bị thương.

Người Ai Cập, La Mã và Hy Lạp thường sử dụng loại cúc này đắp lên các vết thương cho chóng lành. Trong một nghiên cứu, những con chuột được cho uống loại nước có pha hoa cúc La Mã thường mau lành vết thương hơn. Dầu hoa cúc cũng rất hữu hiệu để trị các vết bỏng nặng. Thoa nhẹ một ít dầu cúc lên vùng bị bỏng mỗi ngày một lần.

Làm sáng da mặt

Để có một làn da sáng hơn, hãy đun sôi hai gói trà cúc La Mã với hai lít nước rồi dùng nước đó để xông mặt. Tắm bằng nước có pha trà hoa cúc cũng cho tác dụng tương tự.

Giảm quầng thâm quanh mắt

Nhúng hai túi trà cúc La Mã vào nước ấm trong 5 phút, sau đó lấy ra và để nguội theo nhiệt độ trong phòng rồi đắp lên hai mắt vào ban đêm. Trà cúc có thể giúp đỡ mỏi mắt và giảm các quầng thâm.

Giúp ngủ ngon

Lợi ích phổ biến nhất của loại thức uống này là hỗ trợ giấc ngủ. Nó được biết đến với các đặc tính giúp cơ thể cảm thấy thư giãn, dễ dịu và thường được uống trước khi đi ngủ để có được một giấc ngủ thư thái.

Trị chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt

Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng hoa cúc La Mã để trị chứng hay bị chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu phát hiện việc uống trà hoa cúc La Mã làm tăng lượng glycine (một hợp chất giảm co rút cơ) trong nước tiểu. Các nhà khoa học cho rằng đây là lý do tại sao trà cúc La Mã có thể giúp giảm triệu chứng này.

Chống cảm lạnh

Hoa cúc La Mã có các đặc tính tăng sức đề kháng và giúp chống cảm lạnh nhờ vào tính kháng khuẩn của nó.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học cũng đã tìm hiểu lợi ích của trà cúc La Mã trong việc chế ngự tiểu đường. Một nghiên cứu tại khoa dược, Đại học Toyama, Nhật Bản đã cho thấy việc uống trà cúc La Mã hằng ngày giúp ngăn ngừa hiện tượng đường huyết tăng quá cao và những biến chứng của bệnh tiểu đường.

Chống ung thư

Nhiều nghiên cứu cho thấy hoa cúc La Mã có thể ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư khác nhau.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng trà cúc La Mã:

- Những người dị ứng với hoa cúc La Mã, ngay cả những hoa họ cúc nên cẩn thận khi dùng loại trà này.

- Tránh dùng trà cúc La Mã trong thời kỳ mang thai vì nó có thể kích thích dạ con làm tăng nguy cơ sấy thai.

- Những người bị chứng rối loạn xuất huyết hay đang dùng các thuốc chống đông máu không được khuyến cáo vì trà hoa cúc chứa hợp chất coumarin làm tăng nguy cơ xuất huyết.

- Trà cúc La Mã còn gây buồn ngủ nên cần lưu ý sử dụng khi lái xe hay vận hành máy móc. Uống với liều lượng cao có thể gây nôn mửa và những phản ứng ngoài da đối với nhiều người.

Triệu Minh

Theo homeremedies & healthdiaries

Sỏi mật, dùng thuốc gì?

Sỏi mật có thể ở đường dẫn mật trong gan nơi giao nhau giữa ống dẫn mật và túi mật hoặc ở ống mật chủ hoặc túi mật.

Phân loại

Sỏi mật có nhiều loại:

Sỏi cholesterol: Tạo thành khi có rối loạn về cholesterol, acid mật, lecithin (như gia tăng dị hoá cholesterol gan, ăn nhiều thức ăn giàu cholesterol, giảm biến đổi cholesterol thành acid mật). Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự hình thành sỏi: tuổi, giới (nữ gấp 3 lần nam), chủng tộc, gia đình, bệnh tật (béo phì), thuốc (ngừa thai, hạ mỡ máu) ăn uống (quá thừa năng lượng).

Sỏi sắc tố mật: Tạo thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng. Đây là trường hợp huyết tán trong xơ gan. Sỏi có màu đen. Hoặc hình thành do hậu quả của giun chui ống mật hay nhiễm khuẩn đường ruột. Sỏi có màu nâu.

Sỏi muối mật: Tạo thành do kết tinh muối mật. Có màu đỏ, dễ kết hợp với calci.

Thuốc dùng trong sỏi mật

Gồm các thuốc: giảm đau, làm tan sỏi, điều trị biến chứng

Thuốc giảm đau: Nguyên nhân gây đau là do sỏi gây co thắt đường dẫn mật, túi mật. Điều trị giảm đau bằng các thuốc chống co thắt cơ trơn với cơ chế có vài điểm khác nhau:

- Các thuốc giảm đau có tác dụng hướng cơ: có tác dụng huỷ các co thắt sinh ra do chất trung gian hoá học acetylcholin (kháng cholinergic), nên có tác dụng giảm đau như alverin, atropin.  - Papaverin chống co thắt cơ trơn theo hai cơ chế: ức chế phosphoryl hoá (do ôxy hoá) và cản trở  co cơ do calci (chẹn calci), tác dụng trực tiếp lên cơ, không lệ thuộc vào hệ thần kinh ở cơ. Mặc dù là alcaloid của thuốc phiện, nhưng papaverin ít có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương (trừ khi dùng liều quá cao).

- Visceralgin (tiemonium) chống co thắt cơ trơn. Người bệnh có thể tự dùng thuốc này để giảm đau bước đầu (tránh choáng). Nhưng không vì đỡ đau mà nấn ná không đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Nếu đến muộn dễ bị các biến chứng gây khó khăn thêm cho việc điều trị sau này. Không dùng các loại thuốc giảm đau họ thuốc phiện (làm hết đau song làm mất hết các triệu chứng đặc trưng gây khó khăn cho chẩn đoán).

Thuốc làm tan sỏi:

- Acid ursodesoxycholic (ursodiol): Là thành phần của sinh lý mật, có tác dụng  hoà tan sỏi cholesterol do giảm luồng mật của cholesterol, từ đó làm thay đổi tỷ số phospholipid và acid mật trên cholesterol. Thuốc chỉ dùng khi sỏi mật ít, không có triệu chứng, không bị calci hoá, sỏi có đường kính nhỏ hơn 20mm cho những người từ chối hay có chống chỉ định cắt bỏ túi mật hoặc có khuynh hướng gia tăng nguy cơ trong lúc phẫu thuật. Còn dùng trong dự phòng sỏi mật ở người béo phì đang dùng cách giảm cân nhanh, trong bệnh gan ứ mật mạn (đặc biệt là xơ nang mật sơ phát, viêm đường mật xơ cứng). Không dùng trong trường hợp sỏi mật bị calci hoá, cản tia Xquang, trường hợp bắt buộc phải cắt bỏ túi mật, trường hợp có thai, cho con bú. Thận trọng với người  có các chứng gan, đường ruột. Lúc mới bắt đầu và sau đó định kỳ mỗi 6 tháng cần kiểm tra các enzym gan (transaminase, phosphatase kiềm). Nếu các enzym gan tăng cao dai dẳng thì phải tạm ngưng thuốc. Trong quá trình dùng cần kiểm tra tiến triển sỏi mật (chụp túi mật sau 6 tháng điều trị). Làm âm vang đồ (sonogram)  vào tháng thứ 6 và 12. Sau khi sỏi tan hoàn toàn cần làm lại xét nghiệm âm vang đồ 2 lần nữa vào tháng thứ 1 và thứ 3 rồi mới ngưng thuốc. Sỏi mật có thể tái phát. Thuốc có thể gây tiêu chảy, giảm bạch cầu, phát ban, vài triệu chứng đường ruột, tăng creatinin, tăng glucose máu. Không dùng chung với estrogen, thuốc ngừa thai, các thuốc làm hạ lipid khác (chlofibrat, cholestyramin)  vì chúng làm giảm hiệu lực của thuốc (do tăng tiết cholesterol vào gan).

Ngoài ursodiol còn có nhiều tên khác (actigall, arsacol, delursan, destolit, uso, ursolvan) có nhiều hàm lượng  100-150-200-250mg. Cần chú ý khi dùng để tránh nhầm hàm lượng.

- Acid chenodesoxychlolic làm cho sỏi cholesterol tan từ từ. Chỉ định và chống chỉ đinh tương tự như acid ursodesoxycholic

Thuốc chữa biến chứng:  Sỏi mật thường có một số biến chứng: viêm nhiễm khuẩn đường mật, túi mật cấp, hoại tử túi mật, thấm mật vào phủ tạng, rất  nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề phải can thiệp bằng ngoại khoa. Rò đường mật (sỏi làm thủng đường dẫn mật làm cho mật  chảy vào các tạng bên trong ổ bụng. Ứ nước túi mật (do sỏi mật làm tắc ống túi mật mạn tính). Xơ gan do ứ mật: (do ứ mật lâu ngày kèm viêm nhiễm làm tổn thương nhu mô gan.) Thuốc điều trị các biến chứng bao gồm:

- Kháng khuẩn thường dùng là aminogycosid và quinolon.

- Lợi mật thường dùng là hoá dược hay là các thảo dược (actichaut).

Sỏi đường mật thường gây nên những biến chứng rất nguy hiểm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, người bệnh cần khám tại nơi có đủ điều kiện để xác định có bị sỏi mật hay không, thuộc loại nào, ở mức độ nào thầy thuốc mới cho dùng thuốc hay can thiệp ngoại khoa. Tránh chậm trễ,  dùng thuốc tuỳ tiện.    

DS. Hải Bùi

(suckhoe&doisong)

Thuốc trị “đau bụng kinh”

Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh (còn gọi là thống kinh) là cơn đau ở vùng thắt lưng hoặc bụng xảy ra khi người phụ nữ hành kinh. Có hai loại đau bụng kinh: đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.

Đau bụng kinh thứ phát xảy ra khi người phụ nữ bị các bệnh như: lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu kinh niên, viêm vòi trứng... Những trường hợp này cần đến khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. Khi chữa khỏi nguyên nhân gây bệnh sẽ hết đau bụng. Đau bụng kinh nguyên phát không có những tổn thương thực thể ở cơ quan sinh dục của người phụ nữ mà chỉ do tử cung co thắt không điều hoà khi hành kinh gây đau có khi cần phải dùng thuốc giảm đau.

Các thuốc thường dùng

Khi đau bụng kinh, nếu đau ít có thể chịu đựng được rồi sẽ khỏi, nhưng nếu đau nhiều đến mức không thể chịu đựng được phải dùng đến thuốc giảm đau.

Thuốc dùng để trị đau bụng kinh gồm nhiều loại nhưng tựu chung chúng tác dụng theo 2 cơ chế: làm giãn cơ trơn tử cung (tức làm giảm co thắt đưa đến giảm đau) hoặc trị nguyên nhân (ức chế sự tổng hợp prostaglandin trong cơ thể). Có thể kể các nhóm thuốc sau:

- Nhóm chống co thắt hướng cơ: dipropylin, alverin, drotaverin. Đây là thuốc trị triệu chứng làm giãn các cơn co thắt của tử cung để làm giảm đau.

- Thuốc nội tiết tố sinh dục nữ: có thể dùng thuốc phối hợp estrogen + progesteron hoặc dùng các dẫn chất từ progesteron như dydrogesteron, lynestrenol .  Ngoài ra có thể dùng thuốc viên tránh thai cũng cho tác dụng tốt (vừa giúp chữa đau bụng kinh, vừa tránh thai).

- Thuốc ức chế prostaglandin: đây chính là các thuốc chống viêm không steroid như: diclofenac, ibuprofen, naproxen, acid mefenamic. Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ức chế sự sinh tổng hợp prostaglandin trong cơ thể (là nguồn gốc đưa đến sự co thắt tử cung gây đau) nên có thể xem đây là thuốc điều trị nguyên nhân đau bụng kinh nguyên phát. Đặc biệt nhóm thuốc này dễ được chọn dùng ở thiếu nữ chưa có quan hệ tình dục.

Bên cạnh tác dụng làm giảm đau, thuốc có thể gây ra một số rối loạn khác, cũng như các tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, cần phải đi khám bệnh để bác sĩ chỉ định dùng thuốc thích hợp và phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Bên cạnh việc dùng thuốc có thể chườm nóng ở vùng bụng, kết hợp với việc nghỉ ngơi đầy đủ cũng cho kết quả tốt.

Tư vấn và hướng dẫn dùng thuốc cho phụ nữ tại Trung tâm CSSKSS Ninh Bình. Ảnh: Thanh Hà

Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức

Ăn gì khi ợ chua?

Bạn không nên ăn chay trong thời gian bị ợ chua, bởi bữa ăn càng nhiều chất đạm từ thịt nạc, cá, thịt gia cầm thì triệu chứng khó chịu này càng giảm.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Theo nhiều nhà nghiên cứu, không ít trường hợp viêm họng mãn tính, viêm xoang là do hậu quả của chứng ợ chua không được chữa trị đến nơi đến chốn.

Trong tiến trình tiêu hóa, dạ dày phải co bóp để xay nhuyễn thức ăn. Cùng với động tác nhào nắn, một lượng nhỏ nước chua trong dạ dày có thể men theo thành bao tử để dội ngược về vùng thượng vị, nơi tiếp giáp giữa thực quản và dạ dày. Hiện tượng này hoàn toàn bình thường nếu lượng nước chua không đáng kể. Nhưng khi vượt quá định mức bình thường, nước chua trong dạ dày có thể trào ngược dọc theo thực quản lên đến cổ họng, gây tình trạng ợ chua và kéo theo cảm giác nóng rát ở vùng dưới xương ức.

Để điều trị chứng ợ chua, thày thuốc thường phối hợp thuốc kháng axít chứa các loại khoáng tố như nhôm, canxi, magiê và thuốc chống co thắt. Liệu pháp này chỉ điều trị triệu chứng; có kết quả trong giai đoạn đầu nhưng sẽ mất dần hiệu năng và dễ gây rối loạn khoáng chất trong cơ thể nếu dùng dài lâu. Do đó, bạn nên phối hợp một số thức ăn để tăng cường hiệu quả của thuốc men và rút ngắn liệu trình.

Thực phẩm nên dùng

Chất đạm: Không chỉ có tác dụng trung hòa nước chua trong dạ dày, đạm còn là nhân tố quan trọng đối với sức co bóp của cơ trơn dạ dày. Bữa ăn càng nhiều chất đạm từ thịt nạc, cá, thịt gia cầm thì nước chua càng khó trào ngược. Vì thế, đừng 'chay trường' trong thời gian bị ợ chua.

Chất xơ: Là một trong các biện pháp hữu hiệu để chống chứng ợ chua. Táo bón là một trong các lý do khiến dạ dày co thắt với nhịp bất lợi cho cơ thể. Do đó gạo lức, nếp là món rất tốt cho người có đường tiêu hóa quá nhạy cảm. Nhưng đừng quên uống nhiều nước trong và sau bữa ăn để tối ưu hóa tác dụng nhuận tràng của chất xơ.

Món chua: Đừng tưởng ợ chua phải sợ món chua. Nếu tìm được dấm tốt làm từ trái cây như chuối, táo tây thì nên pha loãng 1 muỗng cà phê trong ly lớn nước ấm và uống từng ngụm nhỏ trước bữa ăn. Khó có thuốc chống co thắt đường tiêu hóa nào tốt hơn và rẻ hơn.

Cải: Không chỉ tốt nhờ nhiều chất xơ, tất cả các loại cải đều ít nhiều có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Cải nào cũng được, hấp hay luộc nhanh, là món ăn nên có hằng ngày trong suốt thời gian điều trị chứng ợ chua.

Thực phẩm cần hạn chế

Các món chiên xào: Vì làm tăng nhu động của dạ dày.

Các loại tinh dầu: Như dầu khuynh diệp, dầu bạc hà vì hoạt chất trong tinh dầu thực vật gây giãn nở vùng thượng vị, giúp nước chua dễ trào ngược. Thói quen ngậm kẹo the có hại nhiều hơn lợi đối với người ợ chua.

Rượu, cà phê, trà, nước ngọt có ga và nhất là chocolate vì làm tăng lượng nước chua trong bao tử.

Gia vị như hành, tỏi, riềng, cà ri vì hoạt chất trong chúng làm giảm sức co thắt của vùng thượng vị.

Nước trái cây quá chua như nước chanh, bưởi do có thể gây phản xạ co thắt thực quản và vô tình tiếp tay cho chứng ợ chua.

Ngoài ra, đừng để bụng quá đói cũng là biện pháp cơ bản để phòng tránh chứng ợ chua. Trong nhiều trường hợp, nhất là ở thai phụ hay người béo phì, để giảm áp lực trong dạ dày, nên có nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Không nên ăn quá no; ăn thật chậm, nhai thật kỹ để dạ dày cũng chậm rãi làm việc. Sau hết, đừng nằm hay ngồi chồm ra phía trước ngay sau bữa ăn.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)