Lưu trữ cho từ khóa: chống co giật

Bà nội dùng dao lam cắt rốn bé sơ sinh nguy kịch

Hơn một tuần sau ngày chào đời, bé K. bỏ bú liên tục quấy khóc và lên cơn co giật, tại bệnh viện cháu được chẩn đoán nhiễm uốn ván. Mọi người thất kinh nhớ lại lúc đỡ đẻ, bà nội đã dùng dao lam để cắt rốn cho cháu.

Sau một tuần được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM bé H.K. (sinh ngày 16/3/2012, ngụ tại Đắc Nông) vẫn chưa thể qua khỏi cơn nguy kịch. Anh Y.T. (29 tuổi) cha đẻ của bé cho biết: “Gia đình tôi sống cách xa trung tâm xã, hôm vợ tôi trở dạ sinh trời mưa đường trơn nên không thể chuyển đến bệnh xá được. Trong gia đình có mẹ tôi trước đây làm y tá nên bà đã đỡ đẻ cho tại nhà. Sau khi con bé ra đời, bà dùng dao lam để cắt rốn… ngờ đâu hậu quả lại nghiêm trọng thế này”.

Bà nội dùng dao lam cắt rốn bé sơ sinh nguy kịch
Sau một tuần điều trị bé H.K. vẫn chưa qua được cơn nguy kịch

Được biết, sau ngày sinh một tuần, bé H.K. bắt đầu quấy khóc bỏ bú, gia đình đã chủ quan nên không đưa đến bệnh viện. Sang ngày thứ 10 bé bắt đầu lên cơn co giật, gồng cứng người lúc này cháu mới được chuyển đến bệnh viện tỉnh Đắc Nông khám. Tại đây qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm uốn ván sơ sinh nên chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng rốn của bé có dịch, mủ màu vàng cháu đã được cho dùng kháng sinh chống co giật và chích cơ hỗ trợ hô hấp. Tuy nhiên, do sức quá yếu nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn nhiễm trùng huyết, viêm phổi dẫn đến suy hô hấp. Hiện cháu đang phải hỗ trợ thở máy với tiên lượng rất nặng.

Cũng theo anh Y.T. bé H.K. là con đầu lòng của vợ chồng anh, cô vợ trẻ mới 18 tuổi lại sống ở vùng hẻo lánh nên trong thời gian mang bầu đã không được tiêm phòng đầy đủ.

(Theo Dantri)

Những xét nghiệm kiểm chứng khả năng mang thai

Khi xuất hiện các dấu hiệu như tắt kinh, buồn nôn, căng vú và mệt mỏi thì nên áp dụng các phép thử dưới đây nhằm biết chính xác khả năng mang thai.

Thử nước tiểu

Có thể thực hiện tại nhà hay bệnh viện, rất nhiều người đã chọn phương pháp thử HPT (thử tại gia) ngay sau khi tắt kinh được 1 tuần. Tuy đơn giản nhưng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn sẽ mang lại kết quả chính xác. Sau khi có kết quả thì nên đi khám bác sĩ để làm thêm một số xét nghiệm bổ xung nhằm khẳng định chắc chắn kết quả.

Thử máu

Việc thử máu phải do chuyên môn thực hiện nhưng tần suất ít hơn so với thử nước tiểu. Thử máu có thể phát hiện nhanh khả năng mang thai, thường từ 6 – 8 ngày sau khi rụng trứng, nhưng kết quả phải chờ lâu hơn so với phương pháp thử nước tiểu tại gia.

Thử hCG

hCG (human choronic gonadotrofin) là phương pháp thử hoóc môn sản xuất ra ngay sau khi trứng được thụ thai, bám vào dạ con. Theo đó, khi hCG tăng nhanh có nghĩa là khả năng mang thai rất cao. Qua việc thử hCG người ta biết được hàm lượng hCG có mặt và thường được tiến hành sau khi tắt kinh được 10 ngày.

Phép thử số lượng beta hCG

Mục đích của phép thử beta hCG là biết chính xác hàm lượng hoóc môn hCG trong máu. Phương pháp thử này rất chính xác, nó có thể phát hiện ngay cả khi hàm lượng hoóc môn hCG trong máu cực thấp. Do biết được nồng độ chính xác của hCG nên phương pháp xét nghiệm này có khả năng đoán trước những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình mang thai, nhất là biết được hiện tượng trứng bị lạc chỗ và những rủi ro mang thai, đặc biệt khi hàm lượng hCG sụt giảm nhanh chóng.

Thử máu cũng có thể giúp bạn phát hiện mình có thai. (Ảnh minh họa)

Độ chính xác các phép thử test khi mang thai

Muốn đảm bảo chính xác thì sau khi tắt kinh được một tuần trở ra hãy xét nghiệm. Đây là thời gian đảm bảo độ chính xác khi mang thai. Ngoài ra, để đảm bảo thì nên thử vào buổi sáng khi thức dậy, đây là lúc nước tiểu có các thông số cần thiết. Các phép thử test nước tiểu tại gia có độ chính xác 97%, thử máu có độ chính xác cao hơn, tuy nhiên độ chính xác còn phụ thuộc vào việc tuân thủ các quy định khi lấy mẫu nước tiểu, quá trình rụng trứng và thời gian tối ưu ngay sau khi tiến hành xét nghiệm và độ nhạy của các phương pháp thử test.

Xử lý kết quả sau khi thử test

Điều quan trọng sau khi thử test là phải biết cụ thể kết quả là dương hay âm tính

- Nếu kết quả là dương tính có nghĩa là đã mang thai. Nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm. Tuy rất hiếm gặp nhưng cũng có trường hợp kết quả nhầm lẫn, có nghĩa là không phải mang thai. Trường hợp này xảy ra khi máu học protein có trong nước tiểu hoặc một số loại thuốc ví dụ như thuốc an thần, thuốc chống co giật cũng có thể là nguyên nhân gây dương tính.

- Nếu kết quả là âm tính có nghĩa là không mang thai, tuy nhiên vẫn còn nhiều lí do để hi vọng. Ví dụ như không thực hiện các thủ tục theo đúng quy định, thử quả sớm, nước tiểu quá loãng do lấy vào thời điểm không thích hợp hoặc do uống nhiều nước rượu, bia trước khi lấy mẫu nước tiểu hoặc do bản thân dùng một số loại thuốc, nhất là thuốc lợi tiểu hoặc antihistamines. Trường hợp âm tính nên tiến hành các phép thử lại, tuân thủ đúng các hướng dẫn, nếu cần có thể tư vấn bác sĩ.

Meo.vn (Theo Eva)

Rối loạn lưỡng cực: 69% số bệnh nhân bị chẩn đoán sai

Tại hội thảo cập nhật về bệnh rối loạn lưỡng cực vừa được tổ chức tại TPHCM, PGS.TS.BS Nguyễn Kim Việt, phó viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần TƯ khuyến cáo, các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực (RLLC) thường có nguy cơ tự tử rất cao.

Các chuyên gia tại buổi tọa đàm về bệnh rối loạn lưỡng cực.

Ước tính 25 - 50% số bệnh nhân mắc RLLC có toan tính tự tử ít nhất một lần trong đời và có tỷ lệ li dị cao gấp 2 - 3 lần so với người bình thường. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp RLLC là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn các chức năng hoạt động đứng hàng thứ 6 trên toàn cầu. Vấn đề then chốt nhất là việc chẩn đoán ra bệnh RLLC, vẫn còn khoảng 69% bệnh nhân không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm, gây khó khăn cho điều trị.

Theo PGS Việt, RLLC là rối loạn khí sắc mạn tính, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hoặc đi kèm với các giai đoạn trầm cảm, tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 1 - 4% dân số. Riêng ở Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng ghi nhận số bệnh nhân RLLC chiếm khoảng 8,7% trên tổng số bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú. Ngoài các bất thường liên quan đến thần kinh (rối loạn lo âu, ăn uống...), các yếu tố về di truyền và môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây bệnh.

Các biểu hiện của bệnh có thể là triệu chứng của hưng cảm (75%) hoặc trầm cảm (85%): Không quan tâm đến giấc ngủ hoặc ngủ ít, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi không muốn ra khỏi giường, lạc quan thái quá hoặc quá buồn chán tiêu cực, tiêu pha nhiều, kích động, bứt rứt, dễ cáu gắt, tự đánh giá cao về bản thân, mất ham thích hoặc ham muốn tình dục tăng, giảm hoạt động, ăn uống kém, hay lo âu sợ hãi, đau với các triệu chứng mãn tính không giải thích được... PGS.TS Việt chia sẻ, bệnh RLLC gây các hậu quả tâm lý, xã hội đáng kể cho người bệnh và có thể gây ảnh hưởng nặng nề trên đời sống cá nhân, nghề nghiệp, gia đình. RLLC giai đoạn cấp tính thường được điều trị trong bệnh viện, sau đó là điều trị duy trì ở ngoài bệnh viện.

Hiện tại điều trị bằng thuốc vẫn là phương pháp xử trí chính, có nhiều loại thuốc điều trị và ngăn ngừa tái phát như thuốc chỉnh khí sắc, thuốc chống co giật được xác định là có hiệu quả tốt với cả hưng cảm và trầm cảm trong cả giai đoạn cấp tính và điều trị duy trì. Phải thận trọng với các loại thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là chống trầm cảm 3 vòng đang được dùng phổ biến ở cộng đồng), cần sử dụng hạn chế, thận trọng trong các giai đoạn trầm cảm và nên được dùng phối hợp với thuốc chỉnh sắc hoặc thuốc chống loạn thần mới.

Nhà xuất bản Y học và Công ty sanofi-aventis đã phối hợp xuất bản sách Việt ngữ đầu tiên về "Xử trí RLLC trong Thực hành lâm sàng" của tác giả GS Eduard Vieta, chuyên gia về RLLC, giám đốc Chương trình RLLC của Phòng khám Bệnh viện trường Đại học Barcelona, Tây Ban Nha và là giảng viên Đại học Harvard, Boston, Hoa Kỳ. Sách do PGS.TS.BS Nguyễn Kim Việt và TS.BS Ngô Tích Linh - hai chuyên gia ngành Tâm thần biên dịch sang tiếng Việt.

Meo.vn (Theo Bee)

Chứng run tay chân

Cứ mỗi khi thấy người già bị chứng run tay chân là con cháu lại nghĩ ngay đến bệnh liệt rung (Parkinson). Thực ra, chứng run tay chân có nhiều nguyên nhân và tuỳ theo từng nguyên nhân mà có cách điều trị, hỗ trợ thích hợp.

Run tay chân có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào kể cả nam lẫn nữ, nhưng thường thấy hơn ở tuổi trung niên và cao niên.

Run là một chuyển động nhịp nhàng, không chủ động của một bộ phận nào đó trong cơ thể như bàn tay, cánh tay, đầu, mặt hoặc thân mình và chân. Thông thường nhất là ở hai bàn tay. Đây là dấu hiệu của nhiều rối loạn thần kinh nhưng cũng thấy ở người lành mạnh. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng người bệnh cảm thấy bối rối và đôi khi không thực hiện được các sinh hoạt hàng ngày như đưa cơm vào miệng, cài khuy cúc quần áo, đánh răng, cầm một vật gì hoặc đi đứng.

Run chân tay có nhiều dạng khác nhau như run khi nghỉ, khi làm một công việc gì như cầm bút viết, cầm đũa ăn cơm; với một vị thế nào đó của cơ thể như là hai cẳng chân run run khi đứng lâu hoặc đầu run giật lên xuống ngang dọc như gật đầu có có, lắc đầu không không. Có người khi đưa ngón tay gãi sống mũi thì tay run run không đụng tới mũi được…

Có nhiều nguyên nhân

– Run sinh học khi tinh thần căng thẳng, nóng sốt, đường huyết thấp.
– Run trong thương tích, rối loạn chức năng tế bào thần kinh kiểm soát sự vận động của cơ bắp như trong bệnh liệt rung Parkinson.
– Tổn thương tiểu não sau tai biến động mạch não, u bướu tiểu não.
– Tác dụng ngoại ý của một số dược phẩm như thuốc trị tâm bệnh, thuốc nhóm corticosteroid.
– Tác dụng của rượu khi quá chén hoặc khi thèm nhớ rượu mà không có rượu;
– Hậu quả của ghiền ma tuý hoặc ngộ độc thuỷ ngân.
– Trong các bệnh như cường tuyến giáp, suy gan.
– Tổn thương dây thần kinh ngoại vi khiến bàn tay bàn chân run.

Về điều trị thì rất khó khăn vì không có thuốc trị dứt mà chỉ giảm dấu hiệu, giúp khả năng cơ thể ổn định hơn.
Điều trị căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn trong liệt rung Parkinson thì dùng hoá chất bổ sung thiếu chất này ở não bộ hoặc do stress thì dùng các thuốc an thần, thuốc chống co giật cơ.

Phẫu thuật đôi khi cũng được áp dụng khi bệnh quá trầm trọng, gây khó khăn cho sự sống của người bệnh. Ngoài ra còn điều trị với gắn các thiết bị kích thích tế bào thần kinh vào não bộ.

Nói chung, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh nội, ngoại theo dõi và đưa ra các phương án trị liệu.
Vật lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân rất nhiều. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách kiềm chế kiểm soát sự run của cơ; hướng dẫn duy trì sự cân bằng của cơ thể. Chẳng hạn, để tránh run giật ở cánh tay, có thể giữ tay sát vào thân mình, đeo vật nặng ở cổ tay hoặc mang thanh nẹp gỗ hoặc kim loại.

Thân nhân cần thường xuyên hỗ trợ người bệnh cả về tinh thần cũng như thể chất, giúp họ thích nghi với khó khăn, đặc biệt là các hoạt động thường nhật như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cơ thể. Luôn luôn khích lệ và chỉ dẫn họ cách thức kiềm chế sự run.

SGTT

Những loại thuốc làm hỏng ‘chuyện ấy’

Có hơn 100 loại thuốc hoặc nhóm thuốc được ghi nhận có liên quan với các rối loạn chức năng tình dục, 25% các trường hợp rối loạn chức năng cương ở nam giới có nguyên nhân do thuốc.

Các thuốc chống trầm cảm

Mặc dù bản thân bệnh trầm cảm cũng có thể gây ra mất hứng thú và ham muốn tình dục, nhưng thuốc chống trầm cảm cũng được chứng minh là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy giảm khả năng tình dục ở các bệnh nhân trầm cảm.

Nguy cơ rõ rệt nhất khi sử dụng nhóm thuốc này là gây suy giảm khả năng tình dục, gây ra chứng cương dương vật kéo dài ở người sử dụng hoặc có thể gây bất lực trong một số trường hợp.

Các thuốc an thần

Giảm hưng phấn và ham muốn tình dục là tác dụng phụ rất phổ biến với các thuốc an thần, với tỷ lệ gặp lên tới 25%. Ngoài ra, một số loại thuốc an thần còn được ghi nhận có thể gây rối loạn khả năng cương và phóng tinh ở 23 - 57% số người sử dụng. Chứng cương dương vật kéo dài cũng được ghi nhận với hầu hết các thuốc an thần.

Thuốc hạ huyết áp

Hầu hết các nhóm thuốc dùng trong điều trị tăng huyết áp đều có thể gây bất lực ở các mức độ khác nhau do có tác dụng trực tiếp trên hệ thống mạch máu và làm giảm áp lực máu tại cơ quan sinh dục.

Suy giảm khả năng tình dục do các thuốc lợi niệu tương đối ít gặp, chỉ khoảng 5% số người sử dụng. Các biểu hiện có thể gặp là bất lực, rối loạn khả năng phóng tinh và giảm hưng phấn. Các tác nhân hủy giao cảm trung tâm như a-methyldopa, clonidine và guanfacin gây suy giảm khả năng tình dục ở khoảng 20 - 80% số người sử dụng.

Các thuốc tim mạch

Có thể gây rối loạn chức năng cương và hội chứng vú to ở khoảng 1/3 số nam giới dùng thuốc, một loại thuốc chống loạn nhịp tim cũng được ghi nhận có thể gây rối loạn chức năng cương.

Ngoài các thuốc trên, các nhóm thuốc hạ mỡ máu statin and fibrate đều được chứng minh có thể gây giảm khả năng cương cũng như ham muốn tình dục ở nam giới.

Thuốc tiêu hóa

Các loại thuốc ức chế tiết dịch vị đều được ghi nhận có thể gây ra bất lực và biểu hiện đau khi xuất tinh. Một vài loại thuốc chống nôn cũng có thể gây giảm hứng thú tình dục và rối loạn chức năng cương ở nam giới do làm tăng nồng độ prolactin trong máu.

Bên cạnh đó, hầu hết các thuốc chống co giật đều dẫn đến các rối loạn chức năng tình dục.

Theo ĐO

Làm gì khi trẻ bị sốt virus?

Sốt virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy cách xử lý tốt nhất là hạ sốt, chườm mát, bù nước và điện giải. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn thì đừng dùng kháng sinh.

Cơ thể trẻ em chưa có sức đề kháng cao nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Trong những ngày hè này, việc tăng số trẻ nhập viện do sốt virus là hiện tượng rất hay gặp tại các khoa nhi.

Trong điều kiện bình thường cũng có những virus ký sinh trên đường hô hấp, tiêu hóa... Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển, xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Các loại virus thường gây sốt gồm myxo, coxackie, entero, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản... Virus có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, có thể gây thành dịch. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virus là sốt cao, thuật ngữ y học gọi là sốt virus.

Đặc điểm của sốt do nhiễm virus

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virus, thường từ 38 đến 39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.

Đau mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp nên trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc.

Đau đầu: Một số trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện của viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...

Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhầy.

Viêm hạch: Các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc: Kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Không có các biểu hiện nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

Xử trí sốt do virus ở trẻ

Các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt virus ở trẻ em cũng vậy. Do đó, các biện pháp thường áp dụng là:

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol liều 10 mg/kg, 6 giờ/lần.

Chườm mát: Lau mình trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Sốt virus dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi trẻ bị ốm, không nên cho đến trường. Một số bệnh do virus đã có văcxin như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, rubella...

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Một trẻ viêm não do thủy đậu

 

Bé T.N.A.T (5 tuổi) vào viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 với bệnh cảnh viêm não do thủy đậu.

Bé T. nhập viện trong tình trạng la hét, co giật

Theo mẹ bé T. thì ở xóm có người mắc thủy đậu và có người anh họ gần nhà cũng mắc thủy đậu.

Sau 3 ngày bị sốt, đau đầu, đến ngày thứ 4, bé T. bị nỗi bóng nước thủy đậu.

Sau khi đưa vào bệnh viện huyện không đỡ, xuất hiện co giật, la hét bé được chuyển lên bệnh viện tỉnh và từ tỉnh chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Khi vào khoa Nhiễm Bệnh viên Nhi Đồng 1, bé la hét, co giật, hôn mê. Sau 5 ngày điều trị chống phù não, chống co giật và thuốc kháng vi rút thủy đậu bé đã hồi phục dần.

Viêm não là biến chứng hiếm thấy của thủy đậu nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh có biểu hiện co giật, hôn mê sau khi mắc thủy đậu từ 3-10 ngày.

Thủy đậu là bệnh cần phòng ngừa bằng tiêm ngừa vắc xin từ khi trẻ được 12 tháng và nhất là khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường

BV Nhi đồng 1

Lưu ý khi sử dụng thuốc chống sốt co giật ở trẻ em

Co giật do sốt cao là một bệnh hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi (chủ yếu ở lứa tuổi từ 12 – 18 tháng).

Để tránh các cơn co giật cho trẻ, phương pháp tốt nhất là tránh cho trẻ không bị sốt. Và nếu trẻ bị sốt thì cần kiểm soát chặt chẽ để thân nhiệt không vượt quá 37,5o C, có thể dùng cho trẻ paracetamol và aspirin (có chỉ định của thầy thuốc) xen kẽ nhau với liều phù hợp lứa tuổi, mặt khác cần điều trị nguyên nhân gây sốt.

Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát chặt chẽ thân nhiệt không dễ dàng vì nhiệt độ cơ thể trẻ có thể tăng lên rất nhanh. Do đó trong một số trường hợp, nếu trẻ xuất hiện hai hay nhiều cơn co giật khi sốt cao, có thể cho trẻ uống thuốc chống co giật trong thời gian từ 18 – 24 tháng, có chỉ định và kiểm soát của thầy thuốc. Thuốc hay được sử dụng là: valproate de sodium (depakine) hoặc phenobarbital (gardenal). Việc sử dụng các thuốc này cần hết sức lưu ý:

Cần thận trọng khi dùng thuốc chống co giật cho trẻ em.

- Valproate de sodium: Chia làm 2 lần trong ngày, uống trước bữa ăn, uống vào giờ nhất định, tránh quên hoặc bỏ thuốc đột ngột. Tác dụng không mong muốn: buồn ngủ, lú lẫn (hiếm gặp), rối loạn tiêu hoá gặp trong giai đoạn đầu của điều trị (hạn chế bằng tăng liều dần); tăng cân do ăn ngon miệng; giảm tiểu cầu (mức độ nhẹ); tăng nhẹ men gan; dị ứng da (hiếm); viêm gan huỷ hoại tế bào gan rất nặng nhưng không liên quan đến liều lượng, thường xuất hiện trong 6 tháng đầu của điều trị, hay gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi dùng đa trị liệu (phối hợp nhiều loại thuốc).

- Phenobarbital: Uống 1 lần trong ngày, uống vào một giờ nhất định, tránh quên hoặc bỏ thuốc đột ngột. Tác dụng không mong muốn: ngủ gà, rối loạn chức năng nhận thức, kích động ở trẻ em; còi xương và nhuyễn xương (vì thoái dáng vitamin D); nhiễm độc da.

Ở những trẻ đã có bệnh động kinh đang điều trị, sốt cũng là một yếu tố làm cơn giật tái diễn, do đó ngoài việc tránh cho trẻ không bị sốt thì cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc kháng động kinh theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc.

BS. Thu Hiền

Thuốc nào làm… dễ xa nhau?

Thuốc nào cũng có hai mặt tác dụng: tác dụng trị liệu và tác dụng phụ. Trong số đó, có một “món” rất dễ mất lòng vì không những gây khó chịu cho người sử dụng mà cả người xung quanh. Đó là tác dụng phụ tạo ra hơi thở... dễ xa nhau của một số loại thuốc.

Khi sử dụng thuốc và phát hiện hơi thở của mình có mùi lạ, người ta thường nghĩ mình có vấn đề gì đó trong mũi, miệng, cuống họng, răng... chứ không biết hơi thở lạ là do chính thuốc gây ra.

Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhất là do thuốc làm khô miệng (xerostomia). Rất nhiều thuốc có tác dụng phụ làm giảm sự tiết nước bọt, gây khô miệng. Do nước bọt có tính acid nhẹ nên có thể làm giảm bớt số lượng vi khuẩn gây hôi miệng. Khi thiếu nước bọt cũng như “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”, vi khuẩn gây hôi miệng thừa nước đục thả câu quậy tới bến. Nước bọt cũng có tác dụng oxy hóa miệng, làm hơi thở được trong lành một cách tự nhiên. Những người thường xuyên hút thuốc lá cũng bị chứng khô miệng.

Những dược phẩm thường gây khô miệng nhất là các thuốc kháng histamine (antihistamines). Những chế phẩm có chứa cồn và hàm lượng đường cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Chất cồn làm khô miệng, chất đường làm thức ăn nuôi vi khuẩn khiến hơi thở càng có mùi khó chịu hơn. Những loại thuốc khác gây khô miệng bao gồm các thuốc kháng trầm cảm (antidepressants), thuốc trị cao huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau loại narcotics, thuốc chống lo âu.

Một vài loại thuốc dùng trong việc trị trào ngược acid có chứa dimethyl sulfate cũng sẵn sàng gây hôi miệng cho người dùng. Ngoài ra, thật “không may” rằng khi uống rượu nhiều gây khô miệng và hôi miệng thì các loại thuốc trị nghiện rượu cũng sẽ gây hôi miệng, chẳng hạn một loại thuốc chống co giật là paraldehyde hoặc disulfiram (Antabuse) cũng làm hơi thở có mùi khó chịu vì trong thuốc này chứa nhiều sulfur.

Với một “rừng” thuốc như hiện nay sẽ thật khó khăn cho người sử dụng nắm được các tác dụng phụ, vì vậy giải pháp tốt nhất chính là nhờ bác sĩ và dược sĩ tư vấn để có thể sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

Dưới đây là vài loại thuốc kinh điển gây hơi thở có mùi hôi:

- Triamterene: thuốc lợi tiểu dùng trị cao huyết áp và phù thũng. Thuốc này có thể làm nước tiểu chuyển sang màu xanh nhạt.

- Paraldehyde: trị động kinh. Thông thường gan sẽ “rửa ráy” một phần paraldehyde cho máu, tuy nhiên những paraldehyde thoát khỏi gan (khoảng 30%) sẽ ngao du cơ thể rồi “di dân” tới phổi và

được đào thải qua phổi làm bệnh nhân sử dụng loại thuốc này có một hơi thở cực kỳ... dễ xa nhau.

- Disulfiram: trị nghiện rượu.

- Các thuốc kháng histamine.

Nếu bạn sử dụng bất cứ thuốc gây khô miệng nào, tốt nhất là nên giữ miệng đủ độ ướt. Chẳng hạn uống nước thường xuyên và tăng lượng nước so với lúc chưa dùng thuốc, nhai kẹo cao su không đường nhằm kích thích tiết nước bọt, tránh sự khô miệng.

DS Nguyễn Bá Huy Cường, Đại học Dược Murdoch, Úc (Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ)

Sốt virut ở trẻ em

Sốt virut là bệnh gặp chủ yếu trong mùa hè ở trẻ, bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp với triệu chứng điển hình là trẻ đột ngột sốt cao 39 - 40oC, kèm theo các triệu chứng khác như ho, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa, nổi ban...

Triệu chứng trẻ bị sốt virut

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virut, thường từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC. Trong cơn sốt trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol... Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường; đau mình mẩy: ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc; đau đầu: một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.

Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ...

Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhày.

Viêm hạch: Đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.

Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.

Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Một số loại virut thường gây sốt như: Myxo virut, Coxackie, Entero virut, sởi, ... Virut có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm virut qua đường hô hấp, tiêu hóa... có thể gây thành dịch. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virut là sốt cao. Trong thuật ngữ y học thường gọi là sốt virut. Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ, sau 3-5 ngày sẽ giảm dần và mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.

Các xét nghiệm cho thấy: Bạch cầu thường giảm hoặc bình thường. Huyết sắc tố bình thường. CRP < 6mg/ml. Một số trường hợp có thể phân lập virut từ dịch ngoáy họng hoặc máu. Sử dụng kỹ thuật PCR có thể giúp tìm virut trong dịch hầu họng, máu.

Xử trí và phòng ngừa sốt do virut ở trẻ

Đối với các bệnh do virut gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị chứng, đối với sốt virut ở trẻ em cũng vậy. Do đó các biện pháp thường áp dụng là:

Theo dõi nhiệt độ: Đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3 - 0,4 độ. Thí dụ nhiệt kế ghi 38oC thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4oC.

Hạ sốt: Thường dùng paracetamol, chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Cởi quần áo, bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao.

Lau bằng khăn ướt nước ấm: Dùng khăn mềm, sạch, nhúng nước ấm, lau lên khắp mình trẻ; cho tới khi thân nhiệt xuống 37oC. Tuyệt đối không được chườm nước lạnh vì sẽ gây sốt cao thêm do cơ chế co mạch ngoại vi.

Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường, và cho uống bù nước ORS (Oresol) theo chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng bé liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh...

Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.

Chú ý: Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: khi trẻ sốt cao trên 38,5oC, đặc biệt là trên 39oC mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Sốt virut rất dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly với trẻ khác và giữ ấm cho trẻ. Không nên cho trẻ ốm đến trường vì dễ lây cho nhiều trẻ khác. Trong số những loại bệnh do virut gây nên hiện đã có vaccin phòng bệnh như viêm não Nhật Bản, sởi, quai bị, Rubella, các bậc cha mẹ nên đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch tại các cơ sở y tế. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay, không chỉ phòng cho bản thân trẻ tiêm mà còn tạo độ miễn dịch cho cả cộng đồng.

BS. Nguyễn Lê

(suckhoe-doisong)