Lưu trữ cho từ khóa: cholesterol máu

Dây thìa canh – Cây thuốc quý cho bệnh nhân tiểu đường

Trong vài thập niên gần đây cùng với sự phát triển của đời sống, số người mắc bệnh tiểu đường gia tăng nhanh chóng, thực sự trở thành mối lo ngại rất đáng báo động trên phạm vi toàn thế giới.

Theo điều tra xã hội học toàn quốc năm 2002, tỷ lệ măc bệnh tiểu đường của người từ 30 tuổi đến 64 tuổi của Việt Nam là 2,7% (gần 2 triệu người), riêng khu vực thành thị tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường là 4,4%, trong đó tỷ lệ bệnh nhân chưa chẩn đoán bệnh và điều trị là 64,6%. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, 44% người bệnh tiểu đường ở nước ta bị biến chứng thần kinh, 71% biến chứng về thận, 8% bị biến chứng về mắt, ngoài ra còn các biến chứng về tim mạch, khớp… Các biến chứng này thường tạo nên các di chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế suốt đời hoặc tử vong.

Dây thìa canh - cây thuốc quý

Dây thìa canh, có tên khoa học là gymnema sylvestre, 1 loại cây dây leo, thân gỗ, được sử dụng tại Ấn độ, Trung quốc hơn 2000 năm nay để trị bệnh nước tiểu ngọt như mật, nó còn có tên Gurmar, có nghĩa là kẻ huỷ diệt đường. Dây thìa canh được biết đến và sử dụng rộng rãi tại nhiều nước như Ấn độ với tên Diabeticin, Mỹ với tên Sugarest, Singapore với tên Glucos care, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc…

Hoạt chất chính trong Dây thìa canh là gymnemic acid, với cơ chế tác dụng của đã được xác định là tăng tiết insulin của tuyến tuỵ, tăng cường hoạt lực của insulin, ức chế hấp thu glucose ở ruột, làm tăng hoạt tính của men hấp thu và sử dụng đường, giảm cholesterol và lipid máu.

Đến nay đã có khoảng 70 nghiên cứu về Dây thìa canh trên thế giới, bao gồm cả nghiên cứu trên động vật và người, các nghiên cứu đã cho thấy tác dụng giảm đường huyết rất rõ rệt của Dây thìa canh.

Dây thìa canh tại Việt Nam

Tại Việt Nam, từ năm 2006 các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Dược Hà Nội do tiến sĩ Trần Văn Ơn, phụ trách bộ môn Thực vật chủ trì đã lần đầu tiên điều tra phát hiện Dây thìa canh tai 1 số tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Nhận thấy đây là 1 cây thuốc quý, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu, phân loại, nghiên cứu thành phần hoá học, tổ chức nuôi trồng để tạo nguồn dược liệu sạch, ổn định để sản xuất sản phẩm phục vụ người bệnh sản phẩm dạng viên nang tiện dùng cho người bệnh.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Kết quả nghiên cứu đề tài được công bố trên tạp chí Dược học - Bộ y tế số 391 tháng 11/2008 cho thấy dây thìa canh tại Việt Nam cũng cho tác dụng hạ đường huyết như dây thìa canh ở nhiều nước khác. Tác dụng hạ đường huyết của dây thìa canh có những điểm tương đống như insulin nhanh: đỉnh tác dụng hạ đường huyết ở 2h và duy trì đến 4h; mức độ hạ đường huyết tương đương ở thời điểm 2h và 4h. Ngoài ra trên một số nghiên cứu khác cho thấy tác dụng giảm cholesterol máu giảm béo phì cũng rất hiệu quả.

Như vậy dây thìa canh có thể ứng dụng điều trị cho cả bênh nhân tiểu đường týp 1 hoặc týp 2 phối hợp với các thuốc điều trị khác để kiểm soát và làm giảm đường huyết, ổn định kéo dài hàm lượng đường huyết, phòng ngừa biến chứng, giảm cholesterol và lipid trong máu, nâng cao đời sống tình dục của bệnh nhân tiểu đường Nam giới. Hiệu quả sẽ rất khả quan đạt được sau đợt dùng 2-3 tháng, kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn.

Có thể nói việc tìm ra cây Dây thìa canh tại Viêt Nam - một dược liệu quý hiếm, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tiểu đường và mỡ máu, mở ra triển vọng lớn ứng dụng các cây thuốc quý Việt Nam cho sức khoẻ con người - một hướng giải pháp an toàn lâu dài cho bệnh nhân tiểu đường luôn sống vui khỏe.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Sữa ong chúa, cải thiện sinh lực đàn ông

Trong gia đình ong mật gồm có ong chúa, ong thợ, ong đực (còn gọi là ong rối). Công việc đặc biệt nhất của ong là kiếm mật hoa và phấn hoa, nhồi đầy vào cái dạ dày thứ hai của mình, mang về tổ để cho các nàng ong thợ ở nhà 'tôi luyện' trong cái miệng của mình thành ra một thứ mật rất ngọt và sánh đặc như sirô, sẽ được chứa đầy trong các ngăn và vít kín bằng một thứ sáp mầu trắng, là thức ăn dự trữ cho cả đàn vào những ngày đông tháng giá. Ngoài ra, chúng lại còn có một nhiệm vụ quan trọng như một vú em, nghĩa là từ tuyến họng của ong thợ, sẽ tiết ra một chất đặc biệt có màu trắng như sữa và sền sệt như kem, với lượng rất nhỏ, song có chất lượng dinh dưỡng rất cao, được dùng cho việc nuôi dưỡng các ấu trùng (mầm non của ong thợ sau này) và ong chúa. Tuy nhiên, ong thợ cũng chỉ được phép sử dụng trong có 3 ngày đầu của cuộc đời ngắn ngủi 4-6 tuần lễ của mình, còn ong chúa thì được chăm bẵm suốt cả một cuộc đời dài tới 5-6 năm. Cũng với lý do đó mà người ta gọi cái chất đặc biệt này là sữa ong chúa.

Thường những cái gì hiếm thì rất quý, sữa ong chúa cũng theo quy luật đó. Để có khoảng 100g sữa ong chúa, người ta phải thu gom từ vài trăm tổ ong mật một lần. Tuy nhiên ngày nay với phương pháp nuôi ong hiện đại, người ta đã tạo sẵn các gốc mũ chúa để lũ ong thợ nhanh chóng hoàn thành tiếp phần còn lại. Con người sẽ giúp chúng cấy vào đó các ấu trùng để rồi hàng ngày chúng tiếp tục tiết sữa vào đó. Và như vậy sẽ thu hoạch chúng được nhiều hơn. Nếu cứ 2-3 tuần thu một lần ở một tổ ong mật thì con số đó cũng có thể được tới vài kg trong một năm. Khi tiến hành thu hoạch sữa ong chúa, những tiêu chuẩn kỹ thuật cần được đặt ra mới có thể đảm bảo được chất lượng của nó. Chẳng hạn, người ta phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt, như sau khi thu hoạch, sữa cần được bảo quản ngay ở điều kiện lạnh, tránh ánh sáng để tránh bị ôxy hóa và tuyệt nhiên sữa ong chúa không được mốc, không được có mùi chua... Vì sữa ong chúa chứa rất nhiều chất bổ, rất giàu protein và acid béo, ngoài ra rất nhiều vitamin: B5, B1, B2, C...  các nguyên tố vi lượng: đồng, kali, sắt, can xi... là những chất rất bổ ích và cần thiết cho sức khỏe của con người.

Dùng sữa ong chúa, con người bắt chước thiên nhiên

Phải nói, loài người có ưu thế đặc biệt về việc bắt chước thiên nhiên để phục vụ cho bản thân mình. Khi quan sát một đàn ong mật, ngoài các loại ong, có dáng dấp về thể hình sàn sàn như nhau ra, suốt ngày tất bật, vội vã với công việc, người ta còn phát hiện ra một con ong chúa, có thân hình to lớn nhất đàn, có chiều dài thân đến 20 - 25mm, có dáng dấp bệ vệ, tư thế khoan thai, thanh thản, trong bộ cánh ngắn màu mận chín, suốt ngày lại được cung phụng bởi một món ăn tuyệt hảo là sữa ong chúa. Và chính thứ thức ăn này đã làm cho ong chúa khỏe mạnh và trường thọ, lại có những nhu cầu đặc biệt về chuyện 'chăn gối'. Con người cũng đã thử nghiệm thứ thức ăn đặc biệt này cho chính mình và điều kỳ diệu đã đến. Đó là sữa ong chúa có tác dụng làm tăng khả năng tình dục và sinh sản, cải thiện khả năng bất lực của phái mày râu, làm gia tăng số lượng và chất lượng của tinh trùng. Ngoài ra, nó  còn thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát dục của cơ thể, nâng cao sức đề kháng, chống lão hóa, kích thích tế bào thần kinh, làm cho trí óc minh mẫn, làm tăng cường trí nhớ, tăng khả năng tư duy, làm giảm đi các triệu chứng của bệnh Parkinson, hỗ trợ trong điều trị bệnh ung thư, chống phóng xạ, có tác dụng tiêu viêm và kháng khuẩn.

Sữa ong chúa có thể dùng cho nhiều lứa tuổi

Là một chất bổ có nguồn gốc tự nhiên, sữa ong chúa có thể sử dụng được cho nhiều lứa tuổi khác nhau,  từ trẻ em chậm lớn (cũng cần nói rõ thêm, với trẻ sơ sinh hoặc thanh thiếu niên bình thường thì không nên dùng để tránh khả năng bị kích dục sớm) đến các trường hợp người già có sức khỏe yếu, đặc biệt là các đấng nam nhi thường hay bị phu nhân phàn nàn về 'chuyện ấy', hoặc 'muộn mằn' vì quân số của 'bọn đàn em' yếu và không đủ. Hãy dùng sữa ong chúa mà đa phần là chế phẩm có sữa ong chúa. Vì sữa ong chúa sẽ giúp cho bạn mạnh mẽ và đông đủ số tinh trùng mà bạn cần thiết. Có nhiều chế phẩm từ sữa ong chúa, sữa ong chúa chế với mật ong, sữa ong chúa chế với nhân sâm, với dầu gấc... song có lẽ dạng rượu vẫn là thứ làm cho bạn hài lòng hơn cả. Chỉ cần một tỷ lệ không lớn, độ 1% sữa ong chúa trong hỗn hợp mật ong (100g) và 1 lít rượu 30 - 35 độ, lắc đều trước khi dùng. Ngày 2-3 lần, mỗi lần độ 30-50ml, uống liền 3-4 tuần lễ vào trước các bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Ngoài ra, các người bị đái tháo đường, cholesterol máu cao, tăng huyết áp vẫn có thể sử dụng được sữa ong chúa.  

GS.TS. Phạm Xuân Sinh (suckhoe&doisong)

Vị thuốc tăng cường sức khoẻ nam giới

Ăn gia cầm nuôi bằng cám tăng trọng: Hại tim mạch

Đây là điều được TS Vũ Chí Cương, phó viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định. Tuy nhiên, để phân biệt được gia cầm có hormon bổ sung hay không lại là điều khó cho người tiêu dùng.

Khó nhận biệt gà không an toàn

Nhiều người thắc mắc, ăn những con "gà còi" ngày xưa lại thơm ngon đến thế mà nay gà vịt ê hề, mua rất sẵn nhưng thịt nhão, chảy nước, ăn rất nhạt.

Tại chợ làng Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội), chị Mai Dung, người bán gà lâu năm chuyên lấy hàng từ chợ gà Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, có thể phân biệt được thịt gà "chuẩn" (nuôi thả, thịt ngon) và gà "chưa chuẩn" (gà nuôi nhốt, không ngon bằng gà thả) bằng cách quan sát: gà thả thường chân nhỏ, chân có vảy, lông mượt, cầm lên rắn chắc.

Còn gà nuôi nhốt thường mỡ màng, chân nhẵn, trông con gà đã không thấy "dã chiến"; cầm con gà lên - dù gà đã làm rồi hay chưa vặt lông thì vẫn cảm thấy mềm tay.

Khi hỏi về cách phân biệt giữa gà ăn thức ăn "chuẩn" (thức ăn tự nhiên, cám bã...) và gà có ăn thức ăn tăng trọng thì chị Dung chịu, bởi điều này theo chị cần có phòng thí nghiệm phân tích, kể cả người kinh doanh lâu năm, bằng mắt thường khó có thể biết được.

Về cách phân biệt gà "an toàn" (không ăn thức ăn tăng trọng) và "không an toàn" (gà có ăn thức ăn tăng trọng),  ThS Nguyễn Văn Thạch, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi (Viện Chăn nuôi) cho biết, tốt nhất là phân biệt gà công nghiệp và gà nội. Gà công nghiệp thường to, đặc biệt, đùi và lườn to, còn gà nội (tức các giống gà mía, gà đông Tảo), dù trọng lượng có thể tới 3kg/con nhưng thịt có khuôn hình, nhìn con gà không to quá, chân to, lườn dài.

Chắc chắn nhất là chọn gà ri hoặc gà ri lai, chỉ khoảng 1,7 - 1,8kg/con. Các giống gà thuần thì chỉ khoảng 1 - 1,2kg/con. Gà nuôi luôn có thớ thịt chắc còn gà công nghiệp mỡ bụng và mỡ dưới da nhiều.

a
Dùng hormon trộn lẫn thức ăn gia cầm sẽ gây hại cho người tiêu dùng.

Bị tiểu đường không nên ăn gà công nghiệp

ThS Nguyễn Văn Thạch cho biết, do gà công nghiệp tích mỡ dưới da nên ăn thịt gà này cũng dễ tăng cholesterol máu. Người béo phì, tiểu đường, cholesterol máu cao nên chú ý tránh ăn gà công nghiệp.

Còn theo PGS.TS Vũ Chí Cương, phó viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đối với gia cầm, nếu cho ăn nhóm chất bổ sung như Clubetanol và Xenbutanol thì khi con người sử dụng nhiều thịt gia cầm này sẽ tích tụ chất gây các bệnh tim mạch. Không phải không có trường hợp các đơn vị chăn nuôi vì lợi nhuận đã trộn hormon và chất kích thích tăng trưởng vào thức ăn cho gia cầm với mục đích kinh tế mà không tính đến yếu tố sức khoẻ người tiêu dùng.

Việc trộn một số loại kháng sinh vào thức ăn cho gia cầm cũng đã bị cấm tại nhiều nước trên thế giới, nhưng vì lợi nhuận, một số nơi vẫn trộn các kháng sinh đã bị cấm để gia cầm tăng trọng nhanh. Ở Việt Nam, Chloramphynicol và Fuzanolidon đã bị cấm không cho trộn vào thức ăn gia súc. Nếu dùng hormon cho gia súc, gia cầm sẽ gây rối loạn chuyển hóa.

Ăn uống để phòng bệnh tim mạch

Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã nhận thấy mối liên quan giữa chế độ ăn uống với các bệnh tim mạch, rằng chế độ dinh dưỡng là một nhân tố quan trọng trong phòng ngừa và xử trí một số bệnh tim mạch, nhất là bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành.

Ăn gì để hạn chế tăng huyết áp?

Từ lâu, y học đã biết yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch máu não là tǎng huyết áp (THA). Các nghiên cứu đều thấy mức huyết áp tǎng lên song song với nguy cơ các bệnh tim do mạch vành và tai biến mạch máu não. Trong các nguyên nhân gây THA, trước hết phải nói đến lượng muối ăn hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy: ở các vùng mà dân cư ǎn ít muối thì bệnh THA không đáng kể, không thấy có THA theo tuổi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chế độ ǎn muối 6g/ngày đối với người lớn là giới hạn hợp lý để phòng THA. Ngoài muối ǎn còn có một số muối khác cũng có vai trò đối với THA. Chẳng hạn, tǎng lượng canxi trong khẩu phần ăn có tác dụng làm giảm huyết áp. Một số nghiên cứu khác thì cho biết, chế độ ǎn giàu kali có lợi cho người THA. Nguồn canxi tốt có trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Các thức ǎn nguồn gốc thực vật như khoai củ, đậu đỗ và các loại rau quả có nhiều kali. Trái lại, các loại thức ăn có nhiều các axit béo bão hòa lại làm THA. Như vậy, có nhiều yếu tố như muối natri, canxi, kali, chất béo bão hòa ảnh hưởng đến huyết áp, kết hợp với tình trạng béo phì và nghiện rượu.

Vì vậy, muốn phòng chống bệnh THA cần thực hiện một chế độ ǎn hạn chế muối, giảm nǎng lượng và rượu kết hợp với việc ăn thực phẩm giàu canxi, kali, vitamin C, thay thế các chất béo của thịt bằng cá, có thể đủ để làm giảm huyết áp ở hầu hết những người có THA nhẹ. Đối với bệnh nhân THA nặng, chế độ ǎn uống nói trên giúp giảm bớt sử dụng các thuốc hạ huyết áp.

Hút thuốc lá gây nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành.

Phòng tránh bệnh mạch vành cách nào?

 

Với hiểu biết hiện nay, 3 yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành đã được xác định là: hút thuốc lá, THA và cholesterol máu cao. 3 nguy cơ này tǎng dần theo tuổi.

Nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy: tổn thương giải phẫu bệnh ở bệnh nhân vữa xơ động mạch vào thập kỷ 60 thì 95% có tổn thương động mạch não, 5% có tổn thương động mạch vành; nhưng đầu thập kỷ 80, kết quả là 85% có tổn thương động mạch não và 15% có tổn thương động mạch vành. Vào những năm 60, tỷ lệ tăng huyết áp của Việt Nam chỉ vào khoảng 1% dân số, còn hiện nay, theo số liệu của Viện Tim mạch, tỉ lệ này cao hơn 10%, như vậy tăng huyết áp đã trở thành một vấn đề sức khỏe cần chú ý ở Việt Nam.

Hút thuốc lá được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với bệnh mạch vành. Nhiều nghiên cứu cho thấy: hút thuốc lá không những gây tổn thương màng trong các động mạch mà còn sinh ra chất nicotin gây tǎng nhịp tim và THA, tǎng nhu cầu oxy của các cơ tim. Chất oxyt cacbon trong khói thuốc làm giảm khả nǎng vận chuyển oxy của máu. Nicotin và các chất độc hại khác trong khói thuốc còn là nguồn sản sinh ra các gốc tự do, tǎng độ kết dính của tiểu cầu và làm giảm các lipoprotein có tỷ trọng cao, hậu quả là gây vữa xơ mạch máu, chít hẹp lòng mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đẩy nhanh quá trình lão hóa các cơ quan trong cơ thể… Vai trò của dinh dưỡng được chú ý đến khi người ta nhận thấy ở Italia, Hi Lạp là các nước mà tỷ lệ người nghiện thuốc lá nặng nhưng tỷ lệ mắc bệnh mạch vành không tǎng là do cư dân ở đây ăn nhiều rau và trái cây.

 

Cholesterol máu cao có liên quan với bệnh mạch vành đã được thừa nhận nhờ kết quả nhiều công trình nghiên cứu. Cholesterol là một chất có nhiều chức năng quan trọng, một phần được tổng hợp trong cơ thể, một phần do thức ǎn cung cấp. Lượng cholesterol trong thức ăn góp phần gây ra nguy cơ bệnh mạch vành nên các nhà khoa học khuyên chúng ta chỉ nên ăn dưới 300mg cholesterol /ngày. Cần hạn chế ăn các thức ǎn nguồn gốc động vật chứa nhiều cholesterol là: não, bầu dục, tim, lòng đỏ trứng. Một lưu ý là lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol nhưng đồng thời có nhiều lexitin, là chất điều hòa chuyển hoá cholesterol trong cơ thể. Do đó những người có cholesterol máu cao không nhất thiết phải kiêng ăn trứng mà chỉ nên ǎn mỗi tuần 1 - 2 quả.

Nghiên cứu nổi tiếng của Keys và cộng sự trên 7 nước sau chiến tranh thế giới lần thứ hai cho thấy: tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành tǎng theo mức tǎng axit béo no trong khẩu phần. Axit béo no có nhiều trong chất béo động vật, còn các loại dầu thực vật giàu axit béo chưa no. Do đó, một chế độ ǎn giảm chất béo động vật, tǎng dầu thực vật, bớt ǎn thịt, tǎng ǎn cá; Ăn nhiều rau và trái cây, cai thuốc lá, hoạt động thể lực và duy trì cân nặng ổn định có tác dụng bảo vệ cơ thể tránh bệnh mạch vành. Lời khuyên của các nhà dinh dưỡng là: nǎng lượng do chất béo cung cấp không được vượt quá 30%, các loại đường ngọt không quá 10%, còn nǎng lượng do protein nên đạt từ 10 - 15%.

ThS. Trần Quốc An

Ăn phủ tạng động vật tốt hay không tốt?

Phủ tạng động vật bao gồm: óc, tim, gan, thận, dạ dày, ruột… thông thường chúng ta hay ăn tim, gan, thận, dạ dày của lợn, gà, ngan, vịt, ngoài ra còn ăn tim, gan của trâu bò nhưng ít hơn. Trên thực tế một số quan niệm cho rằng 'ăn gì bổ nấy' nhưng cũng có số khác lại dè dặt không dám ăn vì sợ nhiều bất lợi. Vậy thực chất điều này thế nào?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Dinh dưỡng trong phủ tạng động vật

Trước hết, chúng ta cần biết các loại phủ tạng này chứa nhiều chất dinh dưỡng nào, thì mới nên quyết định là ăn hay không ăn?

Thành phần một số chất dinh dưỡng có nhiều trong các phủ tạng (hàm lượng có trong 100g thực phẩm ăn được) như sau:

Như vậy, phần lớn các loại phủ tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo. Các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A, nhưng nhược điểm chủ yếu của các loại phủ tạng là chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và bầu dục.

Khi ăn tim, gan, thận có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.

Nhưng ngược lại, vì các loại phủ tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân - béo phì… Cho nên người cao tuổi thì nên ăn hạn chế, còn người mắc các bệnh kể trên không nên ăn các loại phủ tạng này.

Có phải 'ăn gì bổ nấy'?

Đây còn là quan niệm không đúng vì không có cơ sở khoa học. Ví dụ, có người cho răng ăn óc bổ óc cho nên khi bị đau đầu thì mua óc về ăn, hoặc cho trẻ em ăn óc để thông minh là không đúng. Trong óc lợn, hàm lượng chất đạm thấp chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá, nhưng hàm lượng cholesterol lại rất cao, chỉ cần ăn 100g óc lợn lượng cholesterol đã gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày (một ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250 - 300mg cholesterol). Cho nên những người đau đầu mà nguyên nhân là do tăng huyết áp thì cực kì nguy hiểm. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, còn ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân - béo phì còn ảnh hưởng đến phát triển trí não.

Một số quan niệm ăn thận bổ thận cũng hoàn toàn không đúng, nhất là những người bị suy thận cần ăn giảm chất đạm, đặc biệt bệnh thận hư nhiễm mỡ thường bị rối loạn chuyển hóa lipid, lượng cholesterol trong máu tăng cao mà lại ăn nhiều thận thì lại càng làm cho bệnh nặng thêm. Hay quan niệm ăn tim bổ tim cũng vậy. Khi bị bệnh tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu cứ ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao rất nguy hiểm.

Ăn gan có thật sự là độc hay không?

Gan là loại phủ tạng chứa nhiều chất đạm nhất, lại chứa nhiều vitamin A và sắt rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Như vậy ăn gan là tốt chứ không phải là độc, có điều phải chọn mua gan của những động vật không bị bệnh: gan màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan, khi mua về cắt lát mỏng rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy ăn thấm khô hết máu ứ trong gan, như vậy các chất độc có trong máu của gan đã bị loại bỏ, chỉ còn các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.

Tốt cho người này nhưng lại không tốt với người khác

Ăn phủ tạng động vật tốt với người này nhưng lại có thể không tốt đối với người khác. Trẻ em, phụ nữ có thai cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiêu niên và người trẻ tuổi thì nên ăn các loại phủ tạng, nhưng khi ăn cũng chỉ ăn vừa phải mỗi tuần ăn 2 – 3 lần, mỗi lần ăn từ 50 - 70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 - 50g/bữa. Khi mua nên chọn loại còn tươi, ấn vào mặt gan, tim còn đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn không có nốt sần cục, màu đỏ tươi sẫm; không mua các loại gan có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi. Tốt nhất biết được nguồn gốc các loại phủ tạng này từ nơi giết mổ đã qua kiểm dịch từ những con vật khỏe mạnh không mắc bệnh. Nên ăn gan lợn, gà, vịt, tim, thận lợn, bò.

Còn những người cao tuổi, thừa cân - béo phì nên ăn hạn chế, người mắc các bệnh tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, thận hư nhiễm mỡ, suy tim thì không nên ăn các loại phủ tạng.

ThS. LÊ THỊ HẢI

(suckhoe&doisong)

Các mảng xơ vữa động mạch hình thành như thế nào?

Vữa xơ động mạch (VXĐM) là nguyên nhân chính gây ra đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. VXĐM do tổn thương các tế bào nội mạc, làm cho các tế bào đó mất chức năng bảo vệ thành mạch. Tổn thương có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như trong bệnh tăng huyết áp, do ảnh hưởng của thuốc lá, một số thuốc và hóa chất, thức ăn, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn và virut, các yếu tố miễn dịch...

Khi bị tổn thương, các tế bào nội mạc tại chỗ mất khả năng tiết ra prostacyclin. Tiểu cầu lập tức tách ra khỏi dòng máu để tập trung vào chỗ đó và kết dính lại, phóng thích ra nhiều chất trong đó có yếu tố tăng trưởng, yếu tố này kích thích sự di chuyển các tế bào cơ trơn ở lớp trung mạc ra lớp nội mạc và phát triển mạnh tại đó. Các bạch cầu đơn nhân từ dòng máu cũng đến ngay chỗ tổn thương và được chuyển dạng thành đại thực bào. Các đại thực bào này “ăn” các LDL-C và trở thành các “tế bào bọt” tích đầy mỡ. Đến khi quá tải, các tế bào này bị vỡ và đổ cholesterol ra ngoài làm cho lớp dưới nội mạc dày lên tạo nên các vạch lipid hay các mảng xơ vữa đặc trưng của bệnh.

Bên cạnh việc góp phần tạo ra các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, tăng cholesterol máu có thể làm tổn thương lớp nội mạc. Chính vì thế, lý giải vì sao tăng cholesterol máu lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy trong quá trình hình thành mảng xơ vữa gây tắc hẹp động mạch vành.

5 Loại thức ăn tốt nhất cho tim

Cây việt quất (blueberry)

Loại cây này không những ngon mà còn giàu chất chống oxy hóa. Các chuyên gia tin rằng: chất chống oxy hóa trong cây việt quất có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Những nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng Hoa Kỳ, đã đưa đến việc xếp cây việt quất vào hàng số 1 về hoạt tính chống oxy hóa khi so sánh với 40 loại trái cây và rau tươi khác. Chất chống oxy hóa giúp trung hòa các chất độc hại của quá trình chuyển hóa (các gốc tự do). Các gốc tự do có thể dẫn đến bệnh ung thư hoặc những bệnh liên quan đến tuổi già. Anthocyamin, một chất oxy hóa được tìm thấy trong cây việt quất là một chất có tác dụng tốt nhất đối với sức khỏe. Anthocyamin còn tìm thấy trong cây mâm xôi (raspberry), nho đen (black currant), nho đỏ. Người ta khuyến cáo chỉ cần mỗi ngày ăn một cốc trái cây việt quất tươi là đủ.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cá hồi

Cá hồi là một thực phẩm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nó là một nguồn cung cấp tốt nhất 'mỡ tốt' cho cơ thể. Mỡ tốt đó chính là acid béo omega-3. Ngoài cá hồi thì cá thu, cá trích, cá mòi cũng giàu acid béo omega-3. Mỡ này giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch, do nó làm giảm lượng triglyceride trong cơ thể, triglyceride là loại mỡ máu có liên quan đến bệnh tim mạch và đái tháo đường. Các nghiên cứu cho thấy, acide béo omega-3 ngăn sự tạo thành cục máu đông do sự kết dính tiểu cầu, tiểu cầu không kết dính và đóng lên thành động mạch được. Mạch máu cũng ít bị co thắt hơn và cũng ngăn chặn loạn nhịp tim gây đe dọa tính mạng. Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo ăn cá ít nhất là 2 lần mỗi tuần (các loại cá như cá hồi).

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Protein đậu nành

Ngoài việc dùng thức ăn giàu acid béo omega-3, protein, vitamin, khoáng chất thì cũng cần đến protein đậu nành, vì nó là một lựa chọn tốt hơn so với thịt đỏ (thịt động vật).

Nó cũng ít chất béo có hại và giàu chất xơ hơn bất kỳ loại thịt nào. Ở người có cholesterol máu cao, các nghiên cứu cho thấy protein đậu nành khi dùng với chế độ ăn ít mỡ sẽ làm giảm cholesterol. Có những nghiên cứu cho thấy, ăn một vài loại thức ăn giảm cholesterol sẽ làm hạ mức cholesterol máu nhiều hơn so với dùng thuốc. Cả Hội tim mạch Hoa Kỳ lẫn Cơ quan quản lý thuốc & thực phẩm Hoa Kỳ đều khuyến cáo dùng khoảng 30g protein đậu nành mỗi ngày. Có thể lấy protein đậu nành từ đậu nành, sữa đậu nành, đậu hủ, bột đậu nành…

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bột yến mạch (oatmeal)

Từ lâu, ở phương Tây người ta hay dùng bột yến mạch pha nóng mỗi sáng cho những người cần giữ giọng tốt. Chỉ cần nửa cốc yến mạch mỗi ngày thì không những được cung cấp năng lượng 130Kcal mà còn nhận được 5g chất xơ có lợi cho tim (giúp làm giảm cholesterol và giữ cho cân nặng cơ thể ở mức khỏe mạnh). Một tác dụng tốt khác là bột yến mạch dùng buổi sáng sẽ tạo cảm giác no đến buổi ăn trưa nên bạn sẽ giảm ăn vặt giữa buổi (ăn vặt là một trong những lý do tạo ra béo phì). Bột yến mạch và các loại hạt khác như: lúa mạch, lúa mì, gạo lức… giúp giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường cũng như nguy cơ bệnh tim mạch. Có thể dùng gạo lức để thay thế bột yến mạch. Hội đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo lượng chất xơ hàng ngày là 21-38g tùy thuộc vào giới và tuổi.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Rau xanh

Các loại rau có màu xanh sậm cùng với cải xoăn, cải lá, bông cải… chứa một lượng cao vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa mà nó có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh lý tim mạch. Nó cũng cung cấp lượng acid béo omega-3. Rau xanh cũng giàu acid folic, là một chất giúp giảm homocysteine (một acid amin). Nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao theo nồng độ homocysteine trong máu.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Người ta khuyến cáo nên ăn rau xanh mỗi ngày để phòng ngừa bệnh tim mạch.

BS. Bùi Minh Trạng (Suckhoedoisong.vn)

Ngăn chặn bệnh tim từ kiểm soát lipid máu

Bác sĩ chỉ nên kê đơn thuốc làm giảm cholesterol máu cho những người không muốn thay đổi lối sống hay những người đã thay đổi lối sống rồi nhưng nồng độ lipid còn cao hơn mục tiêu điều trị. Thay đổi lối sống không tốn kém và đặc biệt là không có tác dụng phụ. Ngoài việc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, nó còn giúp làm cải thiện tâm lý và tinh thần của người bệnh tim mạch.

Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chủ yếu của vữa xơ động mạch

Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Chúng thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu. Các cholesterol thường có nguồn gốc từ thức ăn của chúng ta, tuy nhiên cơ thể có thể tạo ra tất cả các cholesterol cần thiết. Triglycerid máu có nguồn gốc từ thức ăn do chúng ta ăn vào. Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được quan tâm nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) là một loại cholesterol có hại và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) là một loại cholesterol có ích.

Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chủ yếu của vữa xơ động mạch, là hiện tượng dày và cứng lên của thành các động mạch có khẩu kính lớn và trung bình. Trước hết vữa xơ động mạch do tổn thương các tế bào nội mạc, làm cho các tế bào đó mất chức năng bảo vệ thành mạch.  Tổn thương có thể do ảnh hưởng của dòng máu có áp lực cao liên tục tác động đến như trong bệnh tăng huyết áp, do ảnh hưởng của thuốc lá, một số thuốc và hóa chất, thức ăn, rối loạn lipid máu, nhiễm khuẩn và virut, các yếu tố miễn dịch...

Bên cạnh việc góp phần tạo ra các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, tăng cholesterol máu có thể làm tổn thương lớp nội mạc. Chính vì thế lý giải vì sao tăng cholesterol máu lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy trong quá trình hình thành mảng xơ vữa gây tắc hẹp động mạch vành.

Tắc nghẽn động mạch vành do mảng xơ vữa.

Thay đổi chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định làm giảm cholesterol máu

Điều trị tăng cholesterol máu đầu tiên là phải thay đổi chế độ ăn. Ăn giảm chất béo bão hoà và ăn giảm cholesterol. Không may, chế độ ăn này chỉ làm giảm nhẹ nồng độ cholesterol máu ở hầu hết mọi người và nồng độ cholesterol của họ vẫn còn quá cao. Do vậy, bệnh nhân thường nản lòng. "Tôi đã ăn kiêng mỡ, ít cholesterol, nhưng nồng độ cholesterol của tôi không giảm đi nhiều như tôi mong muốn. Tôi phải làm gì đây? "Nhiều bác sĩ đã trả lời rằng bệnh nhân cần sử dụng thuốc giảm lipid máu cho suốt quãng đời còn lại. Vấn đề là các thuốc giảm lipid máu khá đắt và cũng có những tác dụng phụ. Ngược lại, nếu thay đổi chế độ ăn và lối sống một cách toàn diện thì không những làm giảm nồng độ cholesterol máu mà còn làm hồi phục tim mạch. Cơ thể tự tạo tất cả các cholesterol mà chúng cần, cho dù chúng ta không ăn một chút cholesterol nào và cho dù chúng ta ăn giảm chất béo bão hòa. Trên thực tế, 3/4 lượng cholesterol có trong máu là do cơ thể tự tạo ra.

Bên cạnh các thuốc còn có một số chất có thể làm giảm lipid máu đến một mức độ nào đó như cỏ linh lăng, vỏ cây mã đề. Ăn tỏi cũng giúp làm giảm cholesterol đến một mức độ nào đó. Ăn cám yến mạch và cám gạo cũng là những cách phổ biến khác giúp làm giảm cholesterol máu. Thay vì hạn chế lượng chất béo bão hoà và cholesterol trong chế độ ăn, nhiều người tin rằng ăn cám yến mạch hay những chất xơ hoà tan sẽ có thể bảo vệ được họ một cách kỳ diệu và làm giảm nồng độ cholesterol máu xuống. Người ta sử dụng chúng như lá bùa để bảo vệ họ khỏi bị mắc các bệnh tim mạch thay vì thay đổi lối sống.

Các bác sĩ thường chỉ kê đơn thuốc làm giảm cholesterol máu cho những người không muốn thay đổi lối sống hay những người đã thay đổi lối sống rồi nhưng nồng độ lipid còn cao hơn mục tiêu điều trị. Thay đổi lối sống không tốn kém và đặc biệt là không có tác dụng phụ. Ngoài việc làm giảm nồng độ cholesterol trong máu, nó còn giúp làm cải thiện tâm lý và tinh thần của người bệnh tim mạch.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn

(suckhoe&doisong)

Báo động tình trạng cholesterol cao

Công bố mới đây của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tình trạng cholesterol cao khảo sát qua 4.800 người tại bốn vùng sinh thái: thành thị (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), nông thôn, miền múi, duyên hải cho thấy: 29,1% có lượng Cholesterolcao, đặc biệt người dân ở 2 thành phố lớn tỉ lệ này lên tới 44,3%. Điều đáng lo ngại là, trên 41% người tuổi từ 35-40 đã có lượng Cholesterol máu cao.

Người dân ở thành phố có tỷ lệ cholesterol cao hơn ở nông thôn

PGS-TS Lê Bạch Mai- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, nhiều người dân thành phố có thói quen ăn ngoài gia đình (hàng quán) với khẩu phần quá nhiều chất đạm và chất béo, ít rau, uống nhiều rượu và 'đốt' thuốc triền miên... Đây là yếu tố tích tụ lượng cholesterol máu ngày càng cao – nguyên nhân chính gây một loạt các bệnh tim mạch, đặc biệt chứng xơ vữa động mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. GS-TS Phạm Gia Khải- Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, những năm sau chiến tranh tại Viện tim mạch- Bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ bệnh nhân bị xơ vữa động mạch chỉ 1%, tăng huyết áp 1,9% thường gặp ở tuổi ' xế chiều' thì nay con số này vọt lên 24%, đặc biệt gặp nhiều hơn ở người từ 30 tuổi trở lên. Khi lượng cholesterol máu càng cao (thường là những người béo bụng) thì sự xuất hiện của xơ vữa động mạch càng sớm và nhanh, làm giảm lưu lượng máu nuôi tim - yếu tố chính gây tai biến về tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, tim thiếu oxy tạo nên các cơn đau thắt ngực... dễ dẫn đến tử vong.

Thống kê của WHO, hàng năm trên thế giới có 7,2 triệu người tử vong vì bệnh động mạch vành mà nguyên nhân chủ yếu là do lượng cholesterol trong máu quá cao. Thực phẩm chứa nhiều cholesterol là gan, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật.

Các chuyên gia cho rằng, cholesterol trong máu cao là do sự ngưng trệ và sự mất cân bằng về chuyển hóa máu. Đặc biệt cholesterol còn biến đổi thành một chất chuyển hóa trong túi mật, ảnh hưởng đến mật, hormon sinh dục và Adrnalin. Vì thế số lượng cao bất thường của những chất cặn bã và lắng đọng cholesterol trong máu là do chức năng gan kém góp phần thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch càng nhanh. Để ngăn chặn tình trạng Cholesterol trong máu cao, bắt buộc phải tiết chế trong ăn uống như giảm mỡ động vật và thức ăn chứa nhiều cholesterol. Tăng cường ăn nhiều chất bột và chất sơ như ngũ cốc, bánh mì, hoa quả, các loại đậu. Hạn chế ăn chất béo để giảm lượng hấp thu chất béo, giúp giảm cân nặng. Ngoài ra tập thể dục thể thao cũng là biện pháp tích cực trong việc giảm cholesterol trong máu, giảm trọng lượng, hạ huyết áp, cải thiện được hoạt động của tim mạch.

Đông y điều trị hạ áp tập trung vào điều chỉnh chức năng của gan và thận. Với những người béo phì, căng cơ, nặng đầu, táo bón, ù tai, đau cứng vai, đau ngực và đau khi ấn vào bụng sẽ được dùng thuốc cải thiện tình trạng tuần hoàn máu, chuyển hóa gan và thận, vận chuyển những chất cặn bã trong máu cũng như cholesterol qua đường nước tiểu và phân. Những bệnh nhân thể lực khỏe, nhưng có đau sườn, ngực, đau cứng vai, đoản khí, táo bón, bồn chồn, chóng mặt, mất ngủ, dễ cáu gắt sẽ được dùng bài thuốc điều chỉnh chức năng gan thận và loại bỏ cholesterol, cải thiện tình trạng cơ thể.

KN

Điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân bệnh động mạch vành

Sự liên quan giữa nguy cơ bị các biến chứng tim mạch và huyết áp ở những người đã bị nhồi máu cơ tim rất khác nhau và đã được cho là có sự liên quan theo mô hình hình chữ J trong 2 năm đầu sau nhồi máu cơ tim (ví dụ như có tăng nguy cơ nghịch thường ở những người có huyết áp thấp dưới 110/70mmHg), nhưng khi theo dõi lâu dài hơn lại thấy có sự liên quan dương tính. Tăng tỷ lệ tử vong khi huyết áp thấp có thể là ví dụ của quan hệ nhân quả ngược, bệnh nhân có huyết áp thấp bởi vì bị tổn thương cơ tim trầm trọng. Tiền sử tăng huyết áp không làm tăng tỷ lệ tử vong sau nhồi máu cơ tim, nhưng nó dự báo bị tái nhồi máu cơ tim.

Tăng huyết áp dẫn đến các biến chứng ở não, tim và thận thông qua hai cơ chế chính, cả hai cơ chế này đều liên quan đến việc tăng áp lực ở trong các động mạch. Cơ chế thứ nhất là do ảnh hưởng lên cấu trúc và chức năng của tim và các động mạch. Cơ chế thứ hai là do thúc đẩy sự tiến triển của quá trình vữa xơ động mạch. Cơ chế đầu tiên là hậu quả trực tiếp của huyết áp, trong khi cơ chế thứ hai đòi hỏi phải có sự tương tác với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, quan trọng nhất là tăng cholessterol máu. Do vậy, đột qụy liên quan chặt chẽ với những ảnh hưởng trực tiếp của huyết áp, trong khi bệnh động mạch vành liên quan đến sự vữa xơ động mạch. Sự liên quan giữa huyết áp với các biến cố chặt chẽ với đột qụy hơn là với bệnh động mạch vành. Ở các quốc gia có nồng độ cholesterol máu thấp thì đột qụy hay gặp hơn là bệnh động mạch vành. 

Xơ vữa động mạch vành có ảnh hưởng đến đột qụy.

Phân tích tổng hợp 61 nghiên cứu cho thấy có sự liên quan tuyến tính chặt chẽ giữa cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương với nguy cơ bị các biến chứng động mạch vành ở tất cả các nhóm tuổi từ 40 - 89. Khi tăng mỗi 20mmHg huyết áp tâm thu (từ 115- 180mmHg) thì tăng gấp 2 lần nguy cơ bị các biến chứng.Và với huyết áp tâm trương, nguy cơ bị các biến chứng tăng gấp đôi khi tăng mỗi 10mmHg (từ 75-100mmHg). Có sự tương tác giữa các yếu tố nguy cơ khác nhau, do vậy sự liên quan giữa huyết áp tâm thu và nguy cơ bệnh động mạch vành rõ rệt hơn ở những người có tăng cholesterol máu so với những người có cholesterol máu bình thường. Mặc dù đã được biết rõ ràng rằng huyết áp là một trong ba yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh động mạch vành (hai yếu tố nguy cơ kia là tăng cholesterol máu và hút thuốc lá), nhưng các biến cố động mạch vành có thể xuất hiện ở những bệnh nhân không có cả ba yếu tố nguy cơ trên. Một phân tích tổng hợp ba nghiên cứu lớn cho thấy có trên 90% các trường hợp nhồi máu cơ tim có một trong ba yếu tố nguy cơ nói trên.

Khuyến cáo chính thức về điều trị bệnh nhân tăng huyết áp bị bệnh động mạch vành là mục tiêu điều trị nên đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg, trong khi giảm huyết áp nhiều hơn có lợi hay hại thì còn đang tranh cãi. Giả thuyết về đường cong hình chữ J được đưa ra dựa trên các nghiên cứu cho thấy nếu huyết áp tâm trương thấp hơn một ngưỡng nhất định (khoảng 85mmHg) có sự tăng nghịch thường các biến cố. Người đưa ra giả thuyết giải thích rằng bởi vì tưới máu động mạch vành được thực hiện chủ yếu trong thời kỳ tâm trương, giảm huyết áp tâm trương quá nhiều ở người bị bệnh động mạch vành có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim. Một số nghiên cứu cho các kết quả ủng hộ giả thuyết này, bởi vì sự liên quan hình chữ J chỉ thấy ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nhưng không thấy ở bệnh nhân đột qụy, nơi mà câu châm ngôn “Huyết áp càng thấp càng tốt” vẫn còn đứng vững. Phân tích gần đây, nghiên cứu INVEST so sánh hai chế độ thuốc ở các bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, khẳng định rằng có sự tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân có huyết áp tâm trương thấp dưới 75mmHg. Một lần nữa không thấy có sự liên quan như vậy đối với đột qụy. Các số liệu từ nghiên cứu Framingham cũng ủng hộ giả thuyết đường cong hình chữ J này, nhưng không chỉ với các bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim mà còn ở bệnh nhân có huyết áp tâm thu cao nhưng huyết áp tâm trương thấp. Điều đó cũng được khẳng định qua nghiên cứu CAMELOT, khi phân chia ngẫu nhiên các bệnh nhân có huyết áp bình thường bị bệnh động mạch vành sử dụng amlodipine, enalapril hay giả dược. Kết quả cho thấy cả hai thuốc đều làm giảm huyết áp, nhưng amlidipine có tỷ lệ tái phát các biến cố so thấp hơn với nhóm dùng giả dược hay enalapril. Huyết áp của bệnh nhân khi bắt đầu nghiên cứu trung bình 129/78mmHg và giảm được 5mmHg ở cả hai nhóm điều trị thuốc hạ áp. Tóm lại, tại thời điểm này nên tránh giảm quá nhiều huyết áp tâm trương ở các bệnh nhân có bệnh động mạch vành, đặc biệt là các bệnh nhân có huyết áp tâm thu cao. Trong thực hành lâm sàng, đây là một công việc không dễ, bởi vì rất khó sử dụng thuốc làm giảm huyết áp tâm thu mà không làm ảnh hưởng đến huyết áp tâm trương.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn