Lưu trữ cho từ khóa: cholesterol máu

Thưởng sen

Theo lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM, sen có nhiều công dụng với sức khỏe. Con người đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn bài thuốc từ sen.

Củ sen trong Đông y có công dụng bồi bổ gan thận. Món củ sen hầm xương heo rất tốt cho phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh vì cung cấp canxi, giúp an thần, lưu thông khí huyết, tăng cường chức năng tim. Củ sen còn được dùng làm nguyên liệu cho món kim chi. Khi làm, cần ngâm củ sen với nước chanh để không bị thâm đen, trộn giấm đường cùng với dưa leo, cà rốt, gừng xắt sợi, tỏi băm, nêm thêm chút muối. Củ sen cũng được hấp chín, lăn bột chiên, hoặc sên với đường để làm nguyên liệu trong nhiều món chè. Tuy nhiên, củ sen khá nhiều năng lượng, chỉ những ai có nhu cầu tăng hãy dùng.

 

Ngó sen là thành phần chính trong món gỏi ngó sen tôm thịt thường có mặt trong các buổi tiệc tùng. Ngó sen có tác dụng thanh nhiệt, dùng để giải say khá hiệu quả. Nếu thấy nóng trong người, tiểu khó, nên dùng ngó sen xào cật heo, ngó sen xào tôm nõn, làm rau ăn lẩu.

Lá sen có hương thơm dịu nhẹ, kích thích khứu giác, tạo cảm giác sảng khoái, vì thế ngay từ thời xa xưa chúng đã được dùng để làm các món ăn như: cơm hấp lá sen, bánh nếp gói lá sen. Món gà gói lá sen làm khá công phu nhưng khi ăn sẽ thấy đáng “đồng tiền bát gạo” vì vừa thơm vừa ngon. Ướp gia vị cho thấm đều da gà, nhồi vào bụng gà: nấm đông cô, rượu, hành lá, gừng và gia vị. Hấp gà đã nhồi trong khoảng 25 phút, bọc lá sen bên ngoài, bọc tiếp lớp bột mì đã nhồi với nước. Nướng gà đến khi lớp bột mì vàng đều. Khi ăn chỉ cần gỡ bột, gỡ lá sen. Nhiều người thay thế gà bằng vịt, ếch… trong món gói lá sen. Gần đây, lá sen còn được dùng hỗ trợ điều trị béo phì, hạ cholesterol máu (trên thị trường có nhiều loại trà giảm béo có thành phần lá sen). Tuy nhiên, có thể tự chế thuốc bằng cách nấu mỗi ngày một lá sen tươi uống thay nước.

Ảnh: SS

Hạt sen thường được dùng để làm nhân nhồi vào bụng gà, vịt hoặc trong các món cơm gói lá sen, cơm sen… Theo Đông y, hạt sen hỗ trợ hệ tiêu hóa, chống táo bón, an thần. Vì vậy, món mứt sen nhâm nhi mỗi độ xuân về có tác dụng an thần kinh, dễ ngủ. Hiện, tại các siêu thị còn có món hạt sen dùng làm món ăn chơi khai vị giống như đậu phộng, hạt điều…

Tim sen đem sấy khô, hãm nước sôi như trà là món dành riêng cho những ai khó dỗ giấc ngủ, hay hồi hộp, tim đập nhanh, huyết áp cao.

Để ướp trà sen, người ta dùng nhụy sen, với nhiều công đoạn công phu, cùng những bí quyết riêng… Vì vậy, trà sen có giá thành rất cao. Loại trà sen ướp hóa chất có mùi sen, giá thành rẻ hơn nhưng không có lợi cho sức khỏe.

 

Meo.vn (Theo PNO)


Ăn uống cho người bị thừa cholesterol máu

Tôi đi khám sức khỏe định kỳ mới phát hiện mình bị huyết áp cao và thừa cholesterol trong máu. Vậy tôi cần có chế độ ăn như thế nào để điều chỉnh tình trạng thừa cholesterol (Nguyễn Văn Vinh, Hà Đông, Hà Nội).

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia trả lời:

Với những người huyết áp cao, thừa cholesterol trong máu thì không nên ăn món trứng, phủ tạng động vật thường xuyên. Bởi trong các thực phẩm này rất nhiều cholesterol, như óc lợn có tỷ lệ cholesterol là 2.500mg%, Bầu dục bò là 400mg%, bầu dục lợn là 375mg%, tim là 140mg%, trứng gà toàn phần là 600mg%, gan lợn là 300mg%, gan gà là 440mg%.

Tuy nhiên, nếu kiêng ăn các nhóm thực phẩm nhiều cholesterol trên mà lại ăn quá nhiều thịt (dù là thịt nạc) thì cũng gây tăng cholesterol máu. Bởi trong các loại thịt đỏ, mỡ, nạc luôn lẫn lộn, ăn thịt, ăn nước luộc thịt… đều có chứa rất nhiều chất béo no.

Người có hàm lượng cholesterol máu cao không nên kiêng trứng
tuyệt đối, mà ăn chừng mực 1 - 2 lần mỗi tuần cũng giúp điều hòa
chuyển hóa cholesterol trong cơ thể.

Cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn, ưu tiên các thực phẩm như tỏi, trà xanh, gừng, cà chua... Giảm nguồn protein động vật, tăng cường protein từ thực vật, nhất là từ các chế phẩm từ đậu, đặc biệt là đậu tương như sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ, bột đậu tương... Mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá để cung cấp axít béo hệ omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch.

Bên cạnh đó cũng cần giảm ăn đồ ngọt, tối đa chỉ nên ăn 10-20 gam chất ngọt mỗi ngày.

Đặc biệt cần lưu ý, với đồ ăn có nhiều chất béo, cần ăn rất chừng mực chứ không kiêng tuyệt đối. Vì chất béo là cần thiết, cả số lượng và loại chất béo hấp thu vào cơ thể đều quan trọng. Tuy nhiên, nên duy trì ở mức độ hợp lý. Nhiều nước hiện nay khuyên nên dùng chất béo dưới 20% tổng năng lượng. Với người Việt Nam: 15-20% năng lượng khẩu phần là thích hợp. Còn với lượng cholesterol trong chế độ ăn nên dưới 300mg/ngày/người.

Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động thể lực, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá...

Meo.vn (Theo TVSK)

Hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử một phần cơ tim do giảm sút đáng kể lượng máu cung cấp đến cơ tim. Đa số các trường hợp, nguyên nhân gây nên nhồi máu là do các mảng xơ vữa bị nứt, vỡ tạo thành cục máu đông gây tắc mạch vành.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Nhồi máu cơ tim chỉ là một biến cố, biểu hiện cấp tính của cả một quá trình xơ vữa động mạch phát triển âm thầm mà bệnh nhân thường  khó nhận biết. Điển hình như bác Nguyễn Khắc Đỗ, 65 tuổi, ở số 100 Ngọc Hà , Hà nội chia sẻ: “ Tôi bị mỡ trong máu lại hơi thừa cân, hôm đó vừa đi tiếp khách về thì bị đau ngực, đau cả lên vai đến vã mồ hôi, lại còn chóng mặt, buồn nôn nữa chứ, cứ nghĩ mình bị cảm lạnh. Đi khám mới phát hiện ra nhồi máu cơ tim.”

“Sau khi điều trị bằng thuốc Tây y nhiều năm, bệnh tình có thuyên giảm nhưng cơ thể vẫn rất yếu, đặc biệt khi đi lại hoặc lên cầu thang. Uống thuốc nhiều nên men gan tăng cao lắm nhưng không uống thì lại sợ nhồi máu tái phát.”


Chất lượng cuộc sống suy giảm.

Cùng tâm sự với chị Đỗ, chị Nguyễn Thị Bích ở xã Xuân Lộc, Thanh Thuỷ, Phú Thọ chia sẻ: “ Từ sau khi bị nhồi máu cơ tim cuộc sống của tôi bị đảo lộn hẳn, trước kia tôi có thể cấy một sào ruộng mỗi ngày vậy mà sau  khi nhồi máu, sức khỏe suy giảm đến nỗi bây giờ chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước với trông cháu thôi. Nếu biết trước bệnh tiểu đường có thể dẫn đến biến chứng thế này thì tôi đã uống thuốc để phòng tránh. Nhồi máu xong cảm thấy tuổi già đến nhanh hơn, nếp nhăn, rồi tóc bạc cứ từ đâu xuất hiện ”

Hồi phục sau cơn nhồi máu

“Thật  là khó khăn, nhưng vẫn phải làm” Bác Đỗ tâm sự. “ Tôi đã điều chỉnh lại lối sống như: Chăm tập thể dục hơn, giảm bớt rượu bia, giảm bớt cân nặng bằng cách ăn cá và hoa quả thay vì món khoái khẩu lòng lợn như trước đây, dùng thêm các loại thảo dược hỗ trợ.  Nhưng chỉ đến khi được ông bạn cùng phố giới thiệu và dùng BoniOxy1, tôi mới thấy được sự khác biệt. Từ ngày dùng thêm BoniOxy1 của Canada, tôi cảm thấy khoẻ khoắn hơn, giảm được cân nặng, bây giờ tôi có thể đi bộ cả một vòng quanh Bách thảo mà không mệt đứt hơi như trước. Giấc ngủ cũng sâu hơn và tinh thần phấn chấn.”

“ Vì được điều chế từ hạt nho đỏ nên uống BoniOxy1, men gan của tôi đã trở lại bình thường, cholesterol máu trong giới hạn cho phép. Ông bạn tôi nói chỉ cần uống  2 viên BoniOxy1 mỗi ngày, cơ thể  đã có lượng Resveratrol tương đương với 50 lít rượu vang đấy.”

Còn chị Bích, sau hơn 6 tháng sử dụng BoniOxy1 sức khoẻ đã hồi phục được 80%, không còn mệt mỏi khi gắng sức, chị vui vẻ nói: “Bác sĩ cũng ngạc nhiên vì sự hồi phục của tôi, đường huyết chỉ còn 6,2 mmol/l, mọi người đều nói trông tôi cứ trẻ ra, cuộc sống có ý nghĩa hơn từ khi có BoniOxy1.” Và đây cũng là kinh nghiệm chị muốn chia sẻ với những bệnh nhân khác  không may mắc bệnh như chị.

Meo.vn (Theo 24h)

Cholesterol trong máu cao (7,0mmol/l) có nguy hiểm không BS?

Vừa qua tôi đi kiểm tra sức khỏe, kết quả xét nghiệm cholesterol trong máu cao 7,0mmol/l, như vậy có nguy hiểm lắm không?Tôi 52 tuổi, cao 1m64, cân nặng 77kg. Xin hỏi BS, rối loạn mỡ máu thường gặp biến chứng gì? - (Trần Phú - Đồng Nai)

Trả lời

Thưa bác Phú,

Rối loạn mỡ trong máu còn gọi là tăng mỡ trong máu hay tăng cholesterol máu là bệnh hay gặp ở lứa tuổi trung niên, những người có tình trạng cân nặng dư thừa nhưng thực tế nhiều người ốm vẫn bị rối loạn mỡ trong máu.


Rối loạn mỡ trong máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ mỡ động mạch...

Theo như cân nặng và chiều cao hiện tại thì bác đã bị thừa cân, cholesterol máu càng cao thì tỷ lệ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim cũng càng tăng.

Kết quả xét nghiệm của bác cholesterol trong máu 7mmol/l là quá cao (bình thường dưới 5,2mmol/l, tức dưới 200mg/100ml). Như vậy, bác đã thuộc nhóm có nguy cơ cao bệnh tim mạch. Bác nên đến BV khám chuyên khoa tim mạch để điều trị kịp thời tránh biến chứng.

Đồng thời, trong chế độ ăn hàng ngày bác hạn chế dùng thực phẩm có nhiều dầu mỡ, các loại da động vật, bánh ngọt, trái cây ngọt; nên sử dụng dầu ăn, tăng ăn các loại rau củ quả; không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá, tránh bị stress; vận động tập thể dục mỗi ngày 30- 60 phút.

Meo.vn (Theo alobacsi)

Dinh dưỡng phòng chống bệnh tim mạch

Một chế độ ăn uống có ít mỡ bão hoà, ít chất béo đồng phân và ít cholesterol sẽ giúp duy trì được cân nặng hợp lý, huyết áp bình thường và thậm chí làm giảm nguy cơ bị các bệnh lý mạn tính khác bao gồm: tiểu đường type 2, bệnh loãng xương và một số bệnh ung thư khác.

Chọn lựa thực phẩm có lợi cho sức khỏe

Ăn nhiều rau và hoa quả

Trong rau xanh và hoa quả có nhiều vitamin, chất khoáng, chúng cung cấp rất ít calo. Ăn nhiều rau và hoa quả giúp duy trì cân nặng một cách hợp lý, duy trì huyết áp trong giới hạn bình thường từ đó giúp giảm các biến cố về tim mạch.

Thay thế các loại thức ăn có nhiều calo bằng các loại rau và hoa quả; Đặc biệt nên ăn các loại rau xanh và hoa quả như rau bina, cà rốt, quả đào và quả mọng. Nên ăn các loại thức ăn có nhiều chất khoáng, vitamin như khoai tây và ngũ cốc. Ăn các loại rau (kể cả rau tươi, rau đông lạnh và rau đóng hộp) và các loại hoa quả thay vì uống nước ngọt. Chọn các loại rau đông lạnh và rau đóng hộp, các loại nước quả không có đường, mỡ bão hòa và mỡ đồng phân hoặc muối khi không có sẵn các loại thức ăn tươi; Không thêm các loại mỡ bão hoà, chất béo đồng phân, đường, muối để chế biến rau và quả.

Chọn các loại thức ăn nhiều tinh bột và chất xơ

Các loại thức ăn toàn tinh bột chưa tinh chế có nhiều chất xơ có thể làm giảm cholesterol máu. Chúng rất quan trọng trong việc phòng các bệnh tim mạch và đột quị. Chất xơ khiến bạn cảm thấy nhanh no, do đó giúp giảm cân tốt hơn. Chọn các loại thức ăn toàn tinh bột như lúa mì, yến mạch/bột yến mạch, lúa mạch đen, lúa mạch thường và hạt ngũ cốc. Ngoài ra bạn cũng có thể ăn các loại bỏng ngô, gạo nếp vàng, bột mì, kiều mạch, hạt kê, lúa miến. Chọn các loại bánh mì, các thức ăn khác mà thành phần có nhiều tinh bột.

Nên ăn khoảng 25gam chất xơ mỗi ngày.

Ăn cá tối thiểu 2 lần một tuần

Có nhiều loại cá có hàm lượng cao acid béo omega-3 như cá hồi, cá trích, không nên ăn các loại cá đông lạnh, và không nên cho thêm nước sốt có kem vào cá. Không nên chế biến cá bằng các loại chất béo bão hoà và chất béo đồng phân.

Những thực phẩm cần lưu ý

Các thực phẩm toàn sữa – chọn các loại thức ăn không có chất béo, chỉ có 0,5% chất béo hay 1% sữa béo và các sản phẩm sữa bò. Chúng có nhiều protein, calci và các chất dinh dưỡng khác mà không có các chất béo bão hoà và cholesterol.

Bơ và sữa có nhiều chất béo bão hoà hơn là sữa toàn phần, không nên ăn nhiều. Hãy chọn các loại dầu thực vật, bơ thực vật.

Phomat: nhiều loại phomat có hàm lượng chất béo bão hoà cao. Nên lựa chọn các loại phomat làm từ sữa có ít chất béo, phomat của Ý có một ít váng sữa, phomat Ricotta vàc các loại phomat ít chất béo khác. Hãy chọn các loại phomat có không quá 3gam chất béo cho mỗi 28,35gam thực phẩm và không quá 2gam chất béo bão hoà cho mỗi 28,35gam thực phẩm.

Trứng: lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol, mỗi quả trứng có khoảng 213g cholesterol, (chiếm khoảng 71%). Lòng trắng trứng không có cholesterol và có nhiều loại protein có ích, trong một số thực đơn có thể sử dụng 2 lòng trắng trứng hay 1 lòng trắng trứng với 2 thìa cafe dầu không bão hoà thay vì dùng cả lòng trắng và lòng đỏ trứng. Bạn cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm thay thế trứng có sẵn mà không có cholesterol. Chỉ nên ăn trứng đã luộc chín và lòng trắng trứng mà không nên ăn trứng sống vì chúng có thể có nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm.

Thịt: Hội tim mạch Mỹ khuyến cáo nên ăn không quá 150mg thịt mỗi ngày bao gồm thịt lợn sạch, thịt gia cầm, cá hay hải sản.

Thịt bò, cừu, lợn, bê: hầu hết các loại thịt này đều có cùng hàm lượng cholesterol, khoảng 70mg cho mỗi 100gam thịt. Nên ăn các loại thịt đỏ với một lượng vừa phải.

Phủ tạng động vật: bao gồm gan, lách, thận, não và tim. Tất cả các loại thực phẩm này đều chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Nếu bạn đang ăn kiêng mỡ, chỉ nên thỉnh thoảng ăn chúng. Gan có nhiều sắt và vitamin. Mỗi tháng chỉ cần ăn khoảng 100mg là đủ.

Thịt gia cầm: các loại thịt gà, ngỗng và vịt đều có hàm lượng chất béo cao. Bạn nên bỏ da gà trừ khi bạn cho nướng cả con vì ở dưới lớp da có rất nhiều mỡ.

Cá: Cả thịt cá và dầu cá đều có ít chất béo bão hoà. Hội tim mạch Mỹ khuyến cáo rằng nên ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần. Chọn các loại cá có hàm lượng acid béo omega 3 cao như cá ngừ, cá hồi hay cá trích, cá mòi, cá thu. Nên nướng, hấp cá hơn là rán cá.

Hải sản như tôm và cua có nhiều cholesterol nhiều hơn các loại cá hay hải sản khác. Nhưng chúng có ít chất mỡ bão hoà và mỡ toàn phần hơn các loại thịt và gia cầm. Có thể nướng, luộc, rán hay hấp.

Bánh mì: nhiều loại bánh ăn sẵn được làm từ lòng đỏ trứng, chất béo bão hoà và chất béo đồng phân vì vậy không nên ăn nhiều loại thực phẩm này. Tốt hơn là bạn nên tự làm bánh ở nhà hay chọn các loại bánh ăn sẵn được làm từ dầu ăn không bão hoà, chỉ có khoảng 1% chất béo của sữa và lòng trắng trứng hay các loại thực phẩm thay thế trứng.

Các loại bánh ăn nhanh như bánh rán, bánh nướng, bánh ngọt, bánh qui cũng có nhiều chất béo đồng phân, nó sẽ làm tăng LDL cholesterol máu. Do đó nên ăn ít những thực phẩm này.

Đôi khi việc thực hiện chế độ ăn giảm cholesterol cũng sẽ không giảm được cholesterol máu như mong muốn. Khi đó bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn một số loại thuốc làm giảm mỡ máu. Nếu mỡ máu của bạn không quá cao, việc thay đổi chế độ là cách tốt nhất. Nhưng nếu bạn cần phải dùng thuốc làm giảm mỡ máu thì chế độ ăn cũng làm tăng hiệu quả tác dụng của thuốc.

Theo BS. Trần Bá Hiếu

Meo.vn (Theo TNO)

Nên dùng Atisô thế nào?

Atisô có tác dụng kích thích gan mật, lợi niệu, chống ngộ độc gan, hạ lipid máu… hoa Atisô còn được dùng để làm thức ăn.

Mô tả

Atisô có tên khoa học là Cynara Scolymus L. Thuộc họ Cúc Asteraceae. Thực vật này có thể có nguồn gốc ở Hy Lạp và trên đảo Sicile, nơi mà nó được biết đến với tên là scolymus. Người Pháp di thực atisô vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Mãi đến đầu thế kỷ 20 thì mới thấy có những báo cáo sử dụng atisô như một cây thuốc.

Atisô có một thân rễ to với một hệ thống rễ chằng chịt. Thân cây thẳng đứng, có rãnh, phân nhánh và dài từ 1 - 1,5m. Lá to rộng, xanh xám, xẻ thuỳ sâu, gân lá nổi, không có gai và có lông trắng ở mặt dưới. Cụm hoa hình đầu, to hơn 10cm, mọc ở ngọn, màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt, lá bắc ngoài của cụm hoa rộng, dày và nhọn, đế cụm hoa nạc phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống. Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm có mào lông.

Atisô dùng thế nào?

Hoa atisô thường được dùng để ăn trong dân gian, tuy nhiên theo nghiên cứu của bác sĩ Goetz đăng trên tạp chí Phythothérapie thì phần chứa đầy đủ các hoạt chất nhất lại là các lá to trên thân cây. Trong lá có chứa các acid phenolic (cynarin, acid cafeic (1%), các dẫn chất acid 1,5 dicafeoylquinin, acid 5-càeoylquinic), acid alcoolic (acid malic, citric, succinic), flavonoid (luteolin, apigenic), đường, muối kali và magne chiếm 15% khối lượng lá khô và đặc biệt là sự hiện diện của hợp chất sesquiterpen lactone (cynaropicrin) không có trong hoa, quả, rễ. Ngoài ra trong một số nghiên cứu gần đây, dịch chiết atisô từ lá có khả năng kháng nấm (candida albicans, aspergillus niger) mạnh nhất so với dịch chiết từ hoa và thân.

Công dụng của atisô

Các thử nghiệm in vivo (trên động vật và người) cho thấy atisô có tác dụng kích thích gan mật, chống sỏi mật, lợi niệu, chống ngộ độc gan, hạ lipid máu do ức chế enzyme chuyển hoá HMG CoA reductase (góp phần chống béo phì), gia tăng chuyển hoá và lợi niệu. Đối với tác dụng chống độc gan, sự hiện diện đồng thời của cynarin, muối khoáng và sesquiterpen lactone là cần thiết. Các chất này giúp kích thích tái tạo tế bào gan. Tuy atisô gia tăng bài tiết mật giúp tiêu hoá nhưng không được sử dụng trong trường hợp tắc nghẽn ống dẫn mật. Như vậy những người bị viêm gan siêu vi, ngộ độc gan do dùng nhiều thuốc có hại cho gan, mỡ máu cao, tiêu hoá kém do thiếu acid mật nên dùng atisô.

Liều dùng thông thường là 4 - 9g thuốc mỗi ngày, các dạng bào chế trên thị trường cũng được sử dụng với liều tương đương trong việc chống lại cholesterol máu cao. Cách sử dụng đơn giản nhất là lấy 20g toàn bộ lá phơi khô, cắt vừa đun sôi với 1 lít nước trong 10 phút, uống dần trong ngày. Để bảo quản và sử dụng lâu, nước sắc thuốc này có thể được đem đi cô trên bếp đến khi còn khoảng 20ml, bảo quản trong tủ lạnh. Mỗi ngày dùng 25 giọt trước mỗi bữa ăn.

Mặc dù hoa atisô không có tác dụng tái tạo tế bào gan (do không chứa cynaropicrin) nhưng cũng có tác dụng chống ngộ độc gan, chống oxy hoá, lợi niệu và lợi mật. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tác dụng chống oxy hoá của atisô không hề bị giảm đi khi đun nóng.

Hoa atisô được dùng để chế biến món ăn

Món ngon tuyệt vời nhất của atisô có lẽ là chân giò hầm (hoặc chỉ chọn móng). Bông atisô loại non, rửa sạch, chẻ dọc, bỏ phần nhuỵ hoa bên trong. Phần cuống hoa giữ lại, cắt mỏng. Giò heo (hoặc móng) rửa sạch, chặt miếng vừa ăn ướp nước mắm, bột nêm khoảng 30 phút cho ngấm, sau đó cho vào hầm với nước sôi. Khi giò heo hơi mềm, cho bông atisô và cuống hoa vào tiếp tục hầm đến khi giò heo mềm rục, nêm nếm lại vừa ăn, cho thêm hạt tiêu và ngò. Món này dùng nóng cùng nước mắm sống với ớt sừng trâu cắt lát, rất mát, thích hợp vào những ngày nắng nóng bức.

Atisô dồn cua: lấy 2 chén thịt cua trộn với 1 chén pho-mát thái vuông nhỏ, hành tây thái nhỏ, ớt xanh và muối. Hoà mayonnaise, nước chanh và vài giọt sốt Tabasco lại, trộn vào với cua. Lấy những lá li ti ở giữa atisô ra. Dồn cua vào giữa atisô. Để atisô dồn xong vào khuôn cạn và đổ nước nóng chung quanh atisô lên đến 1inch. Dùng giấy bóng lọc lại và nướng trong lò vừa trong 30 phút hoặc đến khi nóng đều.

DS. TRẦN VĂN THÀNH

Meo.vn (Theo Tintuc)

Chữa mụn nhọt bằng quả cà

Nếu bạn bị nổi nhọt do nóng trong, hay viêm gan vàng da, mũi hay mọc mụn đỏ…, nên ăn nhiều các món nấu từ cà.


Cà là loại quả quen thuộc trong bữa ăn của hầu hết người dân nước ta. Cà có nhiều loại như cà tím (ảnh), cà trắng, cà tròn và cà dài. Trong cà chứa protein, chất béo, vitamin C, B, đường, lân, sắt, carotene. Đặc biệt ở cà tím còn có vitamin P và chất tạo bọt. Những người có cholesterol máu cao nếu thường xuyên ăn cà sẽ giảm chỉ số này rõ rệt. Ngoài ra, vitamin nhóm B trong cà có tác dụng hỗ trợ cho việc điều trị chứng viêm dạ dày mạn tính, phù nề do viêm thận, chứng đau bụng khi có kinh nguyệt. Tuy vậy cà có tính hàn, những người tỳ vị hư yếu không nên lạm dụng.

Trị chứng bị cảm đường ruột, đại tiện ra máu: Cà để cả cuống, đốt lên tán thành bột, ngày uống 10 gr với chút rượu, uống khi bụng đói.

Trị chứng viêm gan, vàng da: Lấy cà tím xắt lát trộn với gạo nấu thành cơm, ăn liền nhiều ngày sẽ cho kết quả tốt.

Trị chứng nóng trong người lên nhọt, đau nhức: Quả cà rửa sạch, giã nát trộn với giấm đắp lên chỗ lên nhọt.

Trị chứng chân bị phù nề, cước, sưng đau: Dùng quả cà tươi bổ đôi xát vào chân ngày 1 – 2 lần sẽ đỡ.

Trị chứng mũi đau, mọc mụn nhỏ trên chóp mũi khiến mũi lúc nào cũng có màu đỏ: Lấy một quả cà trắng, lưu hoàng 4 gr, bạch hoàn 4 gr. Lưu hoàng, bạch hoàng tán nhỏ, cà trắng rửa sạch, giã nát, cho cà bọc vào túi vải, vắt lấy nước cốt xong hòa nước này với bột lưu hoàng, bạch hoàng. Hằng ngày thoa thuốc này vài lần lên mũi trước khi đi ngủ. Làm kiên trì 1 – 3 tháng sẽ khỏi bệnh.

(Theo Đất Việt)

Đậu xanh có tác dụng giải độc, thanh nhiệt

Ngoài tác dụng làm thực phẩm, đậu xanh còn được dùng để làm đẹp và chữa bệnh hiệu quả như giải độc, thanh nhiệt, tiêu khát...

Loại thực phẩm này được sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Sách "Nam dược thần hiệu" của danh Y Tuệ Tĩnh viết: “Đậu xanh không độc, thanh nhiệt, có thể làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt, trị được nhiều bệnh”… Đề cập đến tác dụng chữa bệnh của đậu xanh, đặc biệt là vấn đề giải độc, sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân (đời Minh) có ghi nếu ăn uống bị ngộ độc, buồn bực trong người, có thể dùng đậu xanh để chữa trị. Loại thực phẩm này có tác dụng giải độc khi uống nhầm thuốc (thủy ngân, thạch tín...); uống thuốc quá liều (ô đầu, phụ tử…); giải độc do ngộ độc thức ăn, ngộ độc sắn, nấm.

Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, điều hòa ngũ tạng, giảm đau sưng. Đậu xanh thường được sử dụng dưới dạng nấu cháo ăn hoặc nấu nước uống khi bị cảm sốt vào mùa hè, trúng nắng, tiêu khát (khát nước uống nhiều), đái tháo đường, đi tiểu khó, đau bụng do nhiệt, bụng nóng cồn cào, buồn phiền khó chịu, nhức đầu, nôn mửa, phụ nữ có thai bị nôn ọe, không yên. Bên cạnh đó, nó còn có ích cho người hay bị các loại bệnh nhiệt ngoài da như mụn nhọt, ghẻ lở, nổi mề đay; người bị cao huyết áp, cholesterol máu cao, viêm gan mãn tính, say rượu; trẻ em bị bệnh quai bị, sởi...

Y học hiện đại cũng cho khẳng định đậu xanh có thành phần dinh dưỡng cao. Bên cạnh thành phần chính là protit, tinh bột, chất béo và chất xơ, nó chứa Vitamin E, B1, B2, B3, B6, C, tiền vitamin A, vitamin K, acid folic và các khoáng tố gồm Ca, Mg, K, Na, Zn, Fe, Cu…

Với người Trung Quốc và Việt Nam, cháo đậu xanh là một trong những món ăn thông dụng. Ngoài tính nhẹ nhàng thanh sạch, có tác dụng giải độc cơ thể, món ăn này còn tốt cho sức khỏe tim mạch, giúp ngăn ngừa ưng thư… Đậu xanh thường được phối hợp với một số dược liệu khác để phòng ngừa say nắng, các loại bệnh ôn nhiệt vào mùa hè.

Ví dụ, cháo đậu xanh với sắn dây có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi thủy, sinh tân dịch, giải khát. Đây là món ăn có ích cho sức khỏe trong mùa hè nóng nực, tốt cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng tuần hoàn não. Trong khi đó, món ăn cháo đậu xanh, lá sen lại có tác dụng bổ dưỡng cơ thể, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thử trừ phiền, lợi thủy tiêu thũng, giảm mỡ máu, hạ huyết áp và phòng chống béo phì…

Cháo đậu xanh.

Để dễ tiêu hóa và tốt cho dạ dày, mỗi ngày, bạn có thể sử dụng 50-100g đậu xanh nấu nhừ dạng cháo. Người dùng thay đổi khẩu vị bằng cách ăn với đường, muối hoặc nấu cùng  rau củ quả. Tuy nhiên, khi ăn cháo ăn liền, bạn cần lựa chọn những loại có hàm lượng đậu xanh cao (200 gram cho một kg) với hương vị cháo tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản.

Lương y Đinh Công Bảy

Dinh dưỡng trong bệnh tim mạch

Những người mắc bệnh tim do huyết áp cao cần có chế độ dinh dưỡng sao cho không tăng cân quá mức và không làm tăng huyết áp. Cần nhất là hạn chế ăn muối (chỉ dùng không quá 4-6 g mỗi ngày) để giảm lượng natri hấp thu vào cơ thể.

Người mắc bệnh tim do cao huyết áp cần ăn nhiều trái cây tươi (nhất là các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt) để tăng sức bền của thành mạch máu.

Khi huyết áp không cao lắm, có thể sử dụng nước mía lau nấu với rễ tranh, mã đề, râu ngô. Loại đồ uống này có tác dụng lợi tiểu nhẹ mà không làm mất kali như một số thuốc lợi tiểu khác. Việc mất nhiều kali có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, bải hoải tay chân, bụng chướng...

Ngoài ra, bệnh nhân cần bỏ rượu, giảm bớt các thức uống có rượu, bỏ các chất kích thích như cà phê, thuốc lá.

Đối với những bệnh nhân tim có cholesterol máu tăng cao, cần có chế độ ăn chứa ít chất béo no và cholesterol. Chất béo no thường có thịt mỡ, da gà, bơ động vật và một số dầu thực vật (dầu dừa, dầu cọ). Ngoài ra, cần chú ý:

- Không ăn quá 4 lòng đỏ trứng mỗi tuần.

- Dùng tôm tép ở mức độ vừa phải, hạn chế dùng lòng lợn, bò.

- Dùng cá, thịt gà bỏ da, các loại thịt nạc. Thường xuyên thay chất đạm động vật bằng đạm thực vật (đậu nành).

- Hạn chế các món rán, quay, xào, lạp xường, dồi, nhất là các món rán đi rán lại nhiều lần.

- Sử dụng các dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu vừng để rán thay vì dùng mỡ lợn hoặc bơ.

- Dùng sữa không béo thay cho sữa nguyên kem.

Khi mua thực phẩm công nghiệp, nên đọc thành phần ghi trên bao bì sao cho lượng chất béo dưới 15 g cho một bữa ăn chính và dưới 2 g cho một bữa phụ. Đối với natri, mức độ chấp nhận được là 0,8 g đối với bữa chính và 0,2 g đối với bữa phụ.

Song song với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý một cách dài hạn (suốt đời), bệnh nhân tim cần có chế độ luyện tập, sinh hoạt thích hợp, giữ tinh thần thư thái, lạc quan. Tinh thần căng thẳng, lo lắng hoặc giận dữ có thể gây ra những đợt tăng huyết áp cấp tính và tai biến mạch máu não. Để giữ được tinh thần thư thái, sự hỗ trợ của gia đình, bè bạn là hết sức cần thiết.

BS Bùi Thị Hoàng Mai, Sức Khỏe & Đời Sống

Thuốc hạ cholesterol máu, dùng sao cho an toàn?

Cholesterol là một phần quan trọng của tế bào và cũng là thành phần cấu tạo của một số hormon. Gan có thể sản xuất ra tất cả cholesterol mà cơ thể cần. Ngoài ra, cholesterol cũng vào được cơ thể từ những thức ăn có nguồn gốc động vật như: thịt, trứng, sữa. Quá nhiều cholesterol trong máu, đặc biệt là LDL – cholesterol dẫn đến nguy cơ bị bệnh mạch vành.

Giải pháp đầu tiên trong điều trị cholesterol máu cao là áp dụng chế độ ăn hợp lý: chế độ ăn ít chất béo no và chất béo chuyển hóa; ăn nhiều trái cây và rau, các loại quả hạch và các loại hạt; tránh hút thuốc lá hoặc các sản phẩm từ thuốc lá; giới hạn lượng đồ uống có cồn vào cơ thể. Bên cạnh chế độ ăn, những người có cholesterol máu cao cũng cần tăng cường luyện tập và vận động. Nhưng đối với một số người, khi áp dụng những biện pháp này đơn thuần không làm giảm được lượng cholesterol trong máu. Do vậy, cần sử dụng thêm thuốc kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt để đưa lượng cholesterol về mức an toàn.

Một số nhóm thuốc hay sử dụng để hạ cholesterol máu gồm:

Nhóm statin: Còn được gọi là chất ức chế khử HMG-CoA. Các thuốc này ức chế enzym HMG-CoA reductase, làm chậm quá trình sản xuất cholesterol ở gan. Thuốc làm giảm LDL-cholesterol (cholesterol “xấu”), triglycerid và tăng nhẹ HDL-cholesterol (cholesterol “tốt”).

Ngoài ra, thuốc còn có những tác dụng có lợi đối với bệnh nhân như: làm giảm kích thước của mảng bám ở mạch máu; ổn định mảng bám, tránh những mảng bám tách ra gây nghẽn mạch, nguyên nhân của những cơn đau tim cấp; giảm viêm; giảm lượng CRP; ngăn chặn sự hình thành cục máu đông. Do vậy, các statin là chỉ định đầu bảng cho những bệnh nhân có cholesterol máu cao.

Tác dụng phụ hay gặp của thuốc là gây các vấn đề về tiêu hóa (nôn, đầy hơi, kích ứng dạ dày). Tác dụng phụ ít gặp hơn như: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, tăng men gan, nhược cơ.

Một số thuốc thuộc nhóm statin hay sử dụng là: rosuvastatin (crestor), atorvastatin (lipitor), simvastatin (zocor), fluvastatin (lescol)…

Nhóm niacin (acid nicotinic): Được biết như là vitamin B3 hay vitamin PP. Một số biệt dược hay gặp như: nicolar, niaspan. Niacin được bổ sung từ thức ăn (thịt, gan, cá, rau xanh, ngũ cốc, khoai tây) hoặc bổ sung liều cao từ thuốc.

Niacin làm giảm LDL-cholesterol, triglycerid và tăng HDL-cholesterol. Cơ chế chưa rõ ràng nhưng có thể do nó làm giảm sự sản xuất protein vận chuyển cholesterol và triglycerid. Tác dụng phụ có thể là ngứa, mẩn đỏ, đau đầu.

Tương tác thuốc: Niacin khi dùng cùng thuốc nhóm statin như lovastatin hay simvastatin có thể làm tăng tổn thương gan và cơ. Khi sử dụng cùng với nhựa gắn acid mật thì các chất này sẽ ngăn cản sự hấp thu của niacin. Do vậy phải sử dụng cách nhau từ 4 - 6 giờ.

Khi sử dụng thuốc hạ cholesterol trong máu, người bệnh phải có thói quen sinh hoạt phù hợp.

Nhựa gắn acid mật:

Thuốc này hoạt động bên trong ruột non, nó gắn với acid mật, ngăn cản sự tái hấp thu acid mật vào vòng tuần hoàn chung. Acid mật có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và được tạo ra từ cholesterol. Khi acid mật không được hấp thu, cơ thể sẽ sử dụng cholesterol dư thừa để tạo ra acid mật. Thuốc thuộc nhóm này có thể làm giảm LDL-cholesterol từ 10 - 20%. Tuy nhiên, bản chất của thuốc chỉ là nhựa trao đổi ion nên sau khi dùng thuốc 3 - 6 tháng, lượng cholesterol sẽ tăng trở lại. Thuốc đôi khi được chỉ định cùng nhóm statin ở những bệnh nhân có vấn đề về tim. Khi kết hợp 2 thuốc cùng nhau, tác dụng giảm LDL-cholesterol có thể lên tới trên 40%.

 

Các hoạt chất hay sử dụng là cholestyramin (questran) và colestipol (colestid). Tác dụng phụ chủ yếu của chúng là gây táo bón, đầy hơi, kích ứng dạ dày. Cần chú ý rằng không sử dụng riêng nhựa gắn acid mật để giảm cholesterol máu trong trường hợp bệnh nhân có tăng triglycerid hoặc bị táo bón. Nhựa gắn acid mật không được hấp thu nên nó có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của các thuốc khác nếu uống cùng thời điểm. Do vậy, phải sử dụng cách nhau 4 - 6 giờ.

Dẫn chất của acid fibric (fibrate): Làm giảm triglycerid máu do giảm sản xuất triglycerid ở gan và tăng tốc độ loại triglycerid ra khỏi máu. Các fibrate làm tăng HDL-cholesterol nhưng không có tác dụng làm giảm LDL-cholesterol. Mặc dù vậy, ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, đồng thời triglycerid cao hoặc LDL-cholesterol thấp, bác sĩ có thể cân nhắc việc kết hợp giữa một fibrate và một thuốc nhóm statin.

Tác dụng phụ của thuốc chủ yếu là buồn nôn, kích ứng dạ dày, tiêu chảy. Chúng cũng có thể gây viêm gan nhưng tác dụng nhẹ và có hồi phục. Thuốc cũng có thể gây sỏi nếu dùng nhiều năm.

Một số thuốc hay được sử dụng như: clofibrate (atromid), fenofibrate (tricor), gemfibrozil (lopid).

Các chất ức chế hấp thu cholesterol: Ezetimib làm giảm lượng cholesterol của cơ thể bằng cách giảm hấp thu cholesterol ở ruột. Tuy nhiên, thuốc không làm ảnh hưởng đến hấp thu của triglycerid và các vitamin tan trong dầu. Thuốc thường được chỉ định kết hợp với một thuốc nhóm statin để tăng hiệu quả điều trị. Thuốc được hấp thu nên không ảnh hưởng đến sự hấp thu của các thuốc khác giống nhựa gắn acid mật. Do vậy, có thể uống cùng lúc ezetimib và statin chứ không cần uống cách 4 giờ như nhựa gắn acid mật.

Nhìn chung, thuốc dung nạp tốt, tác dụng phụ chủ yếu là tiêu chảy, đau bụng, đau lưng, đau cơ.

DS. Ngô Thị Thu Trang