(Webtretho) Ký ức về Tết vốn dĩ đã khó quên trong lòng nhiều người, và chắc chắn càng chẳng thể phai mờ với những bà mẹ lần đầu đón Tết cùng đứa con bé bỏng. Tết đầu tiên có con trong đời sẽ như thế nào? Hãy lắng nghe chia sẻ rất thật của những bà mẹ để thấy niềm hạnh phúc ấy tuy giản dị nhưng không bất cứ niềm hạnh phúc nào khác có thể sánh bằng.
Tết của con – Tết tuổi thơ của mẹ
“Giờ con đã gần 4 tuổi và đã chuẩn bị đón cái Tết thứ 4 rồi. Nhưng ba mẹ vẫn nhớ như in cái Tết đầu tiên của con, cái Tết đầu tiên có con trong đời, mùa xuân Canh Dần, năm 2010, con ạ.
Mẹ Mỹ Dung cùng con gái Nhật Phương trong nắng xuân Canh Dần. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Bé Na của mẹ chào đời vào ngày 1.6.2009, đến xuân Canh Dần chỉ mới 9 tháng tuổi thôi. Cái tuổi quá bé để biết thế nào là Tết, nhưng con đã biết cười với hoa, biết vui với màu đỏ của phong bao lì xì và yêu hơn hết là con đã bắt đầu bập bẹ được vài từ mà ba mẹ chỉ trỏ. Tết đầu tiên nhưng con gái của mẹ đã đi khắp nơi trong thành phố. Nào thăm ông, thăm bà, thăm cô, thăm cậu, nào ghé Hồ con Rùa, nào thưởng hoa ở đường hoa Nguyễn Huệ…
Tết đầu tiên có con, ba mẹ bận rộn hơn nhưng cả nhà mình đúng là vui như Tết. Ba dậy sớm, chuẩn bị nào sữa, nào quần, nào khăn, nào mũ, mẹ lật đật nước nóng, nước nguội để mang theo. Những cuộc hẹn bạn bè có con đi cùng nên thêm phần rôm rả… Tết đầu tiên, con chưa có mụn răng nào nhưng cứ cười như nắc nẻ. Ba mẹ cũng rộn ràng, háo hức như ngày xưa bé khi lựa đầm, lựa áo mới cho con. Và mẹ biết rằng, kể từ đây, ba mẹ sẽ đón Tết tuổi thơ của mình qua những cái Tết của con.”
(Ký ức của mẹ Nguyễn Mỹ Dung, ngụ Q.Tân Phú về con gái Nhật Phương, ở nhà gọi là Na)
Mùa xuân đầu tiên
“Chiều nay, trên đường đón con, ngang qua trường mầm non, mẹ nghe văng vẳng bài hát: ‘Sắp đến Tết rồi, đến trường rất vui, sắp đến Tết rồi, về nhà rất vui, mẹ đang may áo mới nhé, ai cũng vui mừng ghê, mùa xuân nay em đã lớn, biết đi thăm ông bà’.
Lòng mẹ chợt rộn ràng, vậy là một mùa xuân nữa sắp về, mùa xuân thứ mười một mẹ có con bên cạnh. Đoạn đường còn lại lòng mẹ bỗng nôn nao đến khó tả khi nghỉ đến viễn cảnh cả gia đình mình cùng chuẩn bị hành lý để về quê đón Tết cùng ông bà và gia đình. Con sẽ được tung tăng trong chiếc áo mới tinh với các em con chú, con cô, được khoe nhau những chiếc bao lì xì đỏ thắm của ông bà, cô bác… Và mẹ chợt mỉm cười khi nhớ lại mùa xuân đầu tiên của con.
Mùa xuân ấy, dù đã qua mười năm rồi nhưng nó vẫn mãi là ký ức không bao giờ phai trong lòng ba mẹ, và cả… con nữa, đúng không, Nhí của mẹ?
Bé Thảo Nhiên của mẹ Linh Trang trong một cái Tết của ký ức.
Mùa xuân với những khó khăn trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, với những nỗi nhớ quê nhà da diết giữa cái đất Sài thành quá đỗi cao sang và rộng lớn này. Mẹ đã dành dụm ‘sắm’ được một cái bánh chưng đặt nghiêm trang lên bàn thờ ông Táo, một chiếc áo đầm mới và một hộp sữa cho con. Đó là tất cả những gì mà ba mẹ chuẩn bị được cho cái Tết đầu tiên có con, khi con vừa tròn bốn tháng tuổi. Con hồn nhiên đón nhận quà Tết của mẹ với một nụ cười thật tươi. Và cũng từ mùa xuân đó, bằng tất cả lòng quyết tâm và nghị lực, ba mẹ đã cùng nắm tay nhau vượt qua những chặn đường đầy khó khăn để cho con có được những mùa xuân trọn vẹn bên ông bà.
Gió xuân đã lùa vào cửa sổ mát dịu, giờ này trong sân trường tiểu học, chắc con cũng đang cùng bạn bè kể cho nhau về những chiếc áo mới và những háo hức về mùa xuân của tuổi thơ.”
(Mẹ Nguyễn Linh Trang, ngụ Q.12 viết cho con gái Lưu Thảo Nhiên, ở nhà gọi là Nhí)
Tết đến trong nụ cười của con
“Cái Tết đầu tiên của con gái là vào năm 2008, khi đó Bông của mẹ mới được 6 tháng tuổi. Năm đó cũng là năm rét nhất trong lịch sử. Hồi đó, bố vẫn còn công tác xa, ở nhà chăm Bông chỉ có mẹ và bà nội. Cả nhà đều rất lo lắng, bởi Bông còn quá bé. Từ đầu mùa rét, mẹ đã phòng bị cho Bông một cái quạt sưởi và gần như không hề ra khỏi nhà. Mỗi lần Bông di chuyển từ nhà trên xuống nhà dưới thì cái quạt sưởi đó cũng được mang theo cùng.
Con đón cái Tết đầu tiên trong đời với chiếc áo len mới. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Gần hai tháng trời, mọi việc vẫn tốt đẹp, nhưng đến đúng hôm mồng 1 Tết, mẹ bắt đầu phát hiện thấy Bông có những cơn ho đầu tiên, những cơn ho lạ mà khi bế Bông trong tay, mẹ có cảm giác nó bắt đầu từ vùng bụng. Ngày đầu năm, cả nhà bàn bạc không muốn đưa con đi bác sĩ vì sợ con bị ‘duông’ cả năm. Sáng mồng 2 Tết, từ sáng sớm, mẹ đã phải bế con đi khám, kết quả là con bị viêm phế quản nặng. Thương con vô cùng, vì cái Tết đầu tiên trong đời con lại bị ốm nặng.
Những cơn ho, sốt kèm theo nôn trớ khiến con mệt mỏi, muốn khóc. Nhưng dường như thương mẹ, mỗi lần cho con uống thuốc, con lại rất ngoan dù thuốc chẳng dễ uống chút nào. Cứ thế đến hết ngày mồng 6 Tết, bệnh tình của con mới đỡ. Năm đó, cái Tết chỉ thực sự đến với hai mẹ con khi con gái khỏi bệnh, khi nụ cười trở lại trên đôi môi bé xinh và ánh mắt lại rạng ngời trên khuôn mặt con.”
(Mẹ Nguyễn Thu Hiền, ngụ Hà Nội viết cho con gái Vân Khánh, ở nhà hay gọi là Bông)
Quả Bầu hồ lô may mắn của mẹ
Cái Tết đầu tiên của con là năm Nhâm Thìn (2012) khi con được 2 tháng 16 ngày, và đây có lẽ cũng là cái Tết duy nhất mẹ con mình trải qua trọn vẹn ở Sa Đéc, quê ngoại của mẹ. Mẹ viết “duy nhất” vì mẹ biết những lần Tết sau này mẹ con mình sẽ phải phân chia cái Tết ra nhiều nơi lắm, hôm thì ở nhà nội, hôm thì ở nhà ngoại, hôm thì thăm viếng họ hàng, bạn bè… chưa kể sau này khi con lớn lên, con lại có bạn có bè, có thầy có cô lại đi nhiều hơn mẹ nữa ấy chứ!
Bé "Bầu Hồ Lô" cùng ba mẹ đón Tết đầu tiên tại Sa Đéc. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Khoảng thời gian Tết này mẹ con mình đang còn trong ổ, con còn bé tí nên chưa cảm nhận được không khí náo nức đón chào năm mới như thế nào đâu. Cứ nhìn bà ngoại của con chuẩn bị nào kiệu, cải chua, hoa quả… là thấy cái Tết đã cận kề như thế nào.
Giai đoạn này con rất quấy, bà và mẹ phải thay phiên nhau người trông chừng con, người lột kiệu, tranh thủ từng chút thời gian một. Quấy thế nhưng con cũng biết sáng mùng 1 Tết thức dậy đã cười toe, được mẹ thay đồ đẹp, vừa ra khỏi mùng đã được bà Út lì xì cho một phong bao may mắn, tiếp theo là một đống phong bì của tất cả mọi người trong nhà dành cho con (bé út ít nhất nhà mà).
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của con ở cái Tết này có lẽ là nickname ’2 Hồ Lô’ do ông Út đặt cho. Chả là ông Út thấy con có 2 cái má phính phính giống trái bầu hồ lô nên gọi thế. Chẳng ngờ suốt những ngày Tết khi cả nhà quây quần chơi lắc bầu cua, mỗi khi mẹ bế con ngồi chung là lại lắc ra trái bầu hồ lô, thậm chí có lần lắc ra một lúc 3 quả bầu cơ đấy! Bây giờ con mà về Sa Đéc thế nào cũng sẽ được gọi là ’2 Hồ Lô’ cho mà xem.”
(Mẹ Nguyễn Minh Bảo Châu, ngụ Tân Bình viết cho con Lê Nguyễn Minh Phương)