Lưu trữ cho từ khóa: chốc lở

Món ăn bài thuốc từ cà tím

Có một số cách dùng cà tím làm món ăn chữa bệnh.

Theo Đông y, cà tím (còn gọi là cà dái dê) có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu viêm, tiêu ung, nên được sử dụng trong chữa trị các chứng như ung nhọt, lở loét, chốc lở ngoài da. Tai của quả cà tím cũng dùng nấu lấy nước uống để chữa ung nhọt, lở loét. Cà tím còn có tác dụng lợi tiểu thông mật, nhuận gan, đề phòng xơ vữa động mạch do tác dụng làm giảm cholesterol.

Giảm mỡ

Dùng cà tím nấu canh gà. Cách làm: gà tơ 1 con, cà tím 200g, vị thuốc sơn tra 15g, gừng 5g, hành 10g, dầu ăn, gia vị. Gà làm sạch, bỏ nội tạng, cà tím rửa sạch, cắt miếng, gừng cắt lát; hành cắt khúc. Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào đến khi nóng thì cho gừng, hành vào phi thơm, cho gà vào xào sơ qua. Tiếp đó, đổ nước vào, cho cà, sơn tra, gia vị vào, nấu với lửa lớn đến sôi, rồi hạ lửa nhỏ nấu thêm đến chín nguyên liệu. Mỗi ngày dùng một lần, có tác dụng tiêu thực, giảm mỡ.


Cà tím - Ảnh: K.Vy

Hạ huyết áp

Dùng 3 quả cà tím, thịt heo nạc xay 200g, nước sốt cà chua 15 ml, dầu ăn, gia vị. Cà tím bổ làm đôi theo chiều dọc, bỏ ruột, ngâm nước muối, vớt ra vắt nhẹ cho ráo nước. Sau đó nhồi nhân thịt heo (đã trộn gia vị), rồi đem rán vàng, phi hành, rồi cùng sốt cà chua để om quả cà tím.

Hoặc dùng cà tím 200g, hành 10g, gừng 5g, tỏi 10g, dầu mè, nước tương. Cà rửa sạch, cắt miếng, hành cắt khúc, gừng cắt lát, tỏi bỏ vỏ. Bắt chảo nóng cho dầu vào, khi dầu nóng bỏ gừng, hành vào phi thơm, rồi cho cà vào trộn đều, cho nước vào, nêm gia vị xào đến chín. Mỗi ngày ăn một lần. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ áp huyết.

Trị viêm gan, táo bón

Cà tím trộn gạo đem nấu cơm dùng trong 5-7 ngày đối với chứng viêm gan. Còn táo bón, dùng cà tím nửa kg, gừng tươi 4 lát, tỏi một ít. Cà cắt dọc, tỏi và gừng giã nhuyễn. Tất cả trộn với nước tương, dầu, muối, đường, đem chưng cách thủy để dùng.

Phòng ngừa ung thư

Cà tím 2 quả, cắt khúc, thịt ba chỉ 150g cắt miếng, rau tía tô, rau mùi tàu, lá lốt thái nhỏ, hành cắt khúc, tỏi thái nhỏ, cùng gia vị. Sau khi nấu cà cùng thịt chín mềm thì cho các nguyên liệu trên vào, nêm nếm gia vị, đảo đều, lấy ra dùng nóng.

Những người đi tiểu ra máu, đại tiện ra máu hay lỵ ra máu, có thể lấy rễ và cuống của quả cà tím nấu lấy nước uống.

Lương y Hoài Vũ

Meo.vn (Theo TNO)

Thuốc từ con ngựa tăng cường sức khỏe

Ngựa tên khác ngựa nhà. Tên khoa học: Equus coballus L. Loại ngựa bạch thích hợp dùng để làm thuốc.

Thịt ngựa chứa 21,5% protid, 5 - 7% lipid, có các muối khoáng và vitamin.

Sữa ngựa chứa 2,1% protid, cao hơn sữa người; 1,1% lipid và các vitamin C, A; muối khoáng và các nguyên tố vi lượng. Xương ngựa chứa calci phosphat, keratin, oscein..

Theo Đông y, thịt ngựa (mã nhục), xương ngựa (mã cốt), sữa ngựa (mã nhũ), phân ngựa (mã phẩn), răng ngựa (mã xỉ), sỏi trong dạ dày hay túi mật ngựa (mã bảo). Ngoài ra, dương vật (bạch mã âm kinh), gan, phổi và máu ngựa cũng được sử dụng làm thuốc.

Mã nhục (thịt ngựa):

 

vị ngọt đắng, tính nóng, có độc; có tác dụng lớn gân, mạnh xương. Chữa gân xương yếu, chứng xương cốt yếu liệt, tê bại và nhiệt khí, tiêu hóa kém, chốc lở và rụng tóc. Ăn thịt ngựa, trẻ em cứng cáp, nhanh nhẹn; thanh niên vạm vỡ cường tráng; người già không bị đau nhức xương và sống lâu. Có thể chế biến thành những món ăn hợp khẩu vị theo lứa tuổi.

Không dùng thịt ngựa cho người bị hạ lỵ; không nấu thịt ngựa với ké đầu ngựa (thương nhĩ tử), hoặc với gừng.

Mã nhũ (sữa ngựa): vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ huyết, nhuận táo, thanh nhiệt, chỉ khát. Chữa huyết hư, phiền nhiệt, cốt chưng, chỉ khát. Sữa ngựa được dùng theo nhiều cách: sữa tươi, sữa chua, rượu sữa. Sữa tươi thêm ít đường cho đủ ngọt, đun sôi, uống trong ngày, là thuốc bổ sinh huyết, dễ tiêu, chữa ho, phổi ráo dùng cho người bị lao phổi hoặc mắc bệnh mạn tính. Sữa ngựa chua là nước giải khát tăng lực, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, góp phần làm hưng phấn thần kinh khi mệt mỏi, chữa các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và nhiều loại bệnh ngoài da. Ở Mông Cổ, có một tập quán lâu đời về chế rượu sữa ngựa như người Việt Nam chế rượu nếp cái bằng men thuốc. Rượu sữa ngựa có nồng độ cồn thấp, dùng để bồi dưỡng, làm giảm béo, chữa thiếu máu và phục hồi sức khỏe với người bị lao phổi.

Mã cốt (xương ngựa): vị ngọt, tính lương, có tác dụng bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương. Thường dùng dưới dạng cao - cao ngựa bạch: phục hồi sức khỏe với người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, trẻ em còi xương xanh xao biếng ăn. Không dùng rượu cao ngựa cho trẻ em; khi dùng kiêng các chất tanh: tôm, cua, cá, chất cay: tỏi, ớt, hạt tiêu, nước chè đặc, đậu xanh, rau muống.

Cao xương ngựa bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương.

Bạch mã âm kinh (dương vật ngựa):

 

vị ngọt mặn, tính ôn; tác dụng bổ thận ích khí. Dùng cho người suy nhược gầy gò, ốm yếu, liệt dương, tinh suy. Kết hợp với nhục thung dung, liều lượng bằng nhau, tán bột mịn, trộn với mật ong làm hoàn; ngày uống 6g trước bữa ăn để trị liệt dương. Không dùng cho người âm hư hỏa vượng.

Mã bảo (sỏi trong dạ dày hay túi mật ngựa): vị mặn, tính lạnh; có tác dụng trấn kinh hóa đờm, thanh nhiệt giải độc. Trị các chứng kinh giản điên cuồng, đàm nhiệt nội thịnh, thần trí hôn mê, nôn ra máu, chảy máu cam, mất ngủ do thần kinh, ho do co thắt.

TS. Nguyễn Đức Quang

Meo.vn (Theo SKĐS)

Chữa chốc đầu cho trẻ em

Dùng hành, tốt nhất là hành tươi, giã nát, trộn với một ít mật ong (có thể thay bằng mật mía) thành dạng như bột nhão rồi đắp lên vùng chốc lở trong 5-7 giờ. Sau đó, dùng nước sắc lá trầu không gội cho sạch. Sau vài ba lần, trẻ sẽ hết chốc đầu.

Chốc đầu là bệnh do liên cầu khuẩn gây ra, thường gặp ở trẻ 2-6 tuổi. Bệnh phát sinh khi thời tiết nóng bức, điều kiện ăn ở thiếu sạch sẽ. Biểu hiện là da đầu mọc nhiều mụn lở, thường có mủ và viêm loét kéo dài làm cho trẻ bứt rứt, ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi, chậm lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh sẽ gây biến chứng viêm cầu thận.

Có thể chữa trị chốc đầu bằng những bài thuốc đơn giản sau:

Bồ kết 10 quả, gừng tươi 1 củ, chè xanh 1 nắm (không dùng lá non) nấu lấy nước gội đầu cho trẻ. Sau đó, dùng hạt cau già rang cháy thành than rồi tán thành bột (hoặc dùng 3 quả bồ kết, 1 củ nghệ rang giòn, tán nhỏ) rắc lên vùng chốc lở. Cũng có thể lấy hạt mùi tán nhỏ trộn với dầu vừng bôi lên. Mỗi ngày gội 1 lần, làm trong 5-6 ngày sẽ khỏi.

Rau má 20 g, bồ công anh 16 g, kim ngân hoa 16 g, hạ khô thảo 12 g, hoa kinh giới 12 g. Sắc kỹ, uống thay nước hằng ngày. Trường hợp trẻ còn bú, cho cả mẹ và con cùng uống.

Chân gà tươi đốt tồn tính 4 cái, phèn 8 g, hoàng cầm 10 g, hoàng bá 10 g, đại hoàng 10 g. Cả 5 vị trên tán thành bột rồi hòa với dầu vừng bôi vào chỗ lở. Mỗi ngày 1 lần.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

Lá vối – nước giải khát và thuốc chữa bệnh

Mùa hè, sau những giờ lao động mệt mỏi, nếu được ngồi nghỉ uống bát nước vối sẽ thấy hết khát và đỡ mệt hẳn vì ngoài nước ra, cơ thể còn được cung cấp một số muối khoáng và vitamin cần thiết bị mất theo mồ hôi.

Cây vối là một cây cỡ vừa, cao 5 - 6m, có khi hơn. Cành cây tròn hay hơi hình 4 cạnh, nhẵn. Cuống lá dài 1- 1,5cm. Phiến lá dai, cứng, bầu dục hay trái xoan ngược, hình trứng rộng, giảm nhọn ở gốc, có mũi nhọn ngắn, hai mặt cùng màu nhạt có đốm màu nâu, dài 8 - 9cm, rộng 4 - 5cm. Hoa gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Cụm hoa hình tháp, trải ra ở kẽ các lá đã rụng. Quả hình cầu hay hình trứng, đường kính 7 - 12 mm, nháp, có dịch. Toàn lá, cành non và nụ có mùi thơm dễ chịu. Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Cần phân biệt cây này với vối rừng, mọc hoang ở vùng núi. Nó cũng thuộc họ sim và được Đông y dùng vỏ cây làm thuốc, gọi là hậu phác. Vị thuốc hậu phác được dùng chữa đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa....

Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ uống loại nước trắng suông (như nước đun sôi để nguội), chỉ sau 30-40 phút cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối hoặc chè tươi, sau cùng một thời gian ấy, cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ được thải ra từ từ sau đó.

Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.

Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Mỗi khi ăn một bữa có nhiều thịt, mỡ, người ta thường nấu một nồi nước vối thật đặc để uống cả ngày. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Ngoài ra, người ta còn dùng lá vối phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa đau bụng đi ngoài: Lá vối 3 cái, vỏ ổi rộp 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Tất cả đều thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 - 3 ngày liền. Vỏ thân cây vối cũng được dùng sắc uống chữa đau bụng, ăn không tiêu, liều lượng 6 - 12g một ngày.

Bác sĩ Trần Thị Hải (Sức khoẻ và đời sống)

Cẩn trọng với thói quen dùng mỹ phẩm

Túi đồ trang điểm có vẻ là 'kho vũ khí' vô hại của phụ nữ nhưng hãy coi chừng về nguy cơ tiềm ẩn trong các thỏi son hay bút kẻ mắt này. Đó là cảnh báo của chuỗi cửa hàng bán lẻ danh tiếng Debenhams qua nghiên cứu thói quen sử dụng mỹ phẩm của 1.000 phụ nữ Anh mới công bố.

Sản phẩm làm đẹp, cũng giống như thức ăn, không thể tồn tại mãi. Qua thời gian, vi khuẩn có thể xâm nhập vào chúng rồi chuyển sang mặt gây kích thích, thậm chí nhiễm trùng. Đối với mỹ phẩm, trung bình thời gian tích trữ 4 năm là tối đa. Trong  nghiên cứu của  Debenhams, có phụ nữ dùng đựng đồ trang điểm quá thời hạn sử dụng tới 15 năm.

Túi đồ trang điểm có vẻ là 'kho vũ khí' vô hại của phụ nữ nhưng hãy coi chừng về nguy cơ tiềm ẩn trong các thỏi son hay bút kẻ mắt này

5 năm trước, Liên minh châu Âu công bố quy định tất cả mỹ phẩm đều phải có khuyến cáo về hạn sử dụng của nhà sản xuất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Debenhams, 89% phụ nữ không biết, không hiểu hoặc đơn giản không thể đọc được những dòng nhỏ xíu về thông tin này. Vì thế, son môi thường chỉ dùng trong 2 năm thì 'tuổi thọ' trung bình tới 10 năm.

Chổi mascara theo khuyến cáo chỉ nên sử dụng trong vòng 6 tháng sau khi mở nhưng phụ nữ thừa nhận vẫn dùng trung bình là 1 năm. Bên cạnh đó, 68% số phụ nữ trả lời rằng họ chỉ thay sản phẩm chăm sóc da khi đã hết, cho dù đã dùng bao lâu. 72% cho biết không bao giờ giặt tấm mút hay chổi trang điểm.

Ai cũng từng nghe về tác hại của mỹ phẩm quá 'đát', những chiếc chổi mascara có thể chứa nhiễm trùng dẫn tới các bệnh viêm kết mạc như đỏ, ngứa, sưng kết mạc. Trong khi đó, son môi quá hạn có thể làm môi khô, tấy rát hoặc phồng rộp. Với chổi lông thì sao? Chổi bẩn có thể là môi trường tốt cho các vi sinh vật gây herpes, chốc lở hay các bệnh truyền nhiễm khác phát triển.

Với nghiên cứu trên, Công ty Debenhams đã gửi tới Bộ trưởng Y tế Anh Andy Burnham kiến nghị cần siết chặt hơn nữa quy định luật pháp để bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng. Người phát ngôn của hãng Sara Stern cho biết: 'Chúng ta không ngần ngại loại bỏ thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc mốc meo, vì thế cũng cần có những tiêu chuẩn tương tự đối với các sản phẩm làm đẹp da. Vì thế, phụ nữ khi làm đẹp cần nhớ câu: 'Vẻ đẹp không có tuổi, nhưng mỹ phẩm thì ngược lại'.

(Theo ANTĐ)

Thuốc từ hoa cảnh

Để chữa mụn trứng cá, bạn lấy hoa bươm bướm 60 g, phèn phi 10 g cùng tán nhỏ, trộn với dầu vừng (mè) 30 ml. Lấy hỗn hợp này bôi ngày 2-3 lần vào mụn trứng cá.

Nhiều loại hoa cảnh không chỉ đẹp mà còn có tác dụng chữa bệnh, chẳng hạn như:

Hoa bươm bướm

Theo Đông y, cây bươm bướm có tác dụng lợi tiểu, lọc máu, làm tan máu tụ, chống xuất huyết, chữa thấp khớp, lở ngứa, eczema, trứng cá, vảy nến, nấm tóc, nấm loét, viêm tĩnh mạch, trĩ, mày đay, giảm niệu, tê mỏi đau nhức, xơ cứng động mạch, co giật thần kinh. Liều dùng trung bình 30-60 g.

Chữa chốc lở đầu: Hoa bươm bướm 30 g, bồ kết 25 g, mật lợn 100 ml. Tất cả đun lấy 10 ml nước thuốc đặc, sau cùng cho mật lợn vào khuấy đều. Hằng ngày gội sạch đầu, dùng hỗn hợp này bôi vào nơi chốc lở.

Chữa Eczema: Hoa bươm bướm 50 g, lá đào 60 g, vôi củ 10 g. Cả 3 thứ giã nhỏ, hằng ngày dùng hỗn hợp này bôi vào nơi bị bệnh.

Hoa mười giờ

Đông y cho rằng hoa mười giờ có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, tiêu viêm, tiêu sưng, chữa mụn nhọt, viêm da, ghẻ, ngứa, bỏng, eczema, chữa đau họng…

Chữa viêm họng: Hoa mười giờ 100 g, lá cây rẻ quạt 10 g. Cả hai rửa sạch, giã nhỏ cho vào 100 ml nước nóng, chắt lấy nước ngậm. Ngày ngậm 2-3 lần. Cần ngậm 3-5 ngày.

Chữa eczema: Thân, lá cây hoa mười giờ 100 g, lá đào tươi 100 g, vôi tôi 10 g. Các lá rửa sạch giã nhỏ, trộn lẫn cùng vôi tôi. Hằng ngày lấy thuốc này bôi vào chỗ bệnh, ngày 2-3 lần. Bôi nhiều ngày.

Chữa ghẻ: Thân, lá hoa mười giờ 100 g, lá xoan tươi 100 g, lá rau sam 100 g. Các lá rửa sạch, giã vắt lấy nước bôi vào nơi bị ghẻ. Ngày bôi 2-3 lần. Bôi trong nhiều ngày.

Chữa mụn nhọt chưa vỡ mủ: Hoa mười giờ 50 g, lá táo 30 g, muối ăn 2 g. Các thứ rửa sạch, giã nhỏ cùng muối ăn đắp vào chỗ đau, ngày thay thuốc một lần.

Hoa hiên

Theo Đông y, rễ cây hoa hiên có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, làm mát huyết, chữa viêm bàng quang, thiểu niệu, tiểu ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, viêm gan vàng da, viêm vú, viêm tuyến mang tai, viêm tai ngứa, đau răng. Liều dùng thông thường 5-15 g cho dạng thuốc sắc.

Lá và hoa hiên có tác dụng làm yên ngũ tạng, khoan khoái trong lòng, trừ thấp nhiệt, an thai, lợi tiểu, khỏi bốc nóng, ăn ngon ngủ yên, sáng mắt, nhẹ mình; chữa chảy máu cam, sưng vú, động thai.

Chữa sưng vú: Lá hoa hiên 10 g, giấm ăn 10 ml. Rửa sạch lá hoa hiên, giả nhỏ, trộn với giấm, đắp vào chỗ đau, ngày thay thuốc 1 lần. Đắp liền 3-5 ngày.

Chữa viêm tuyến mang tai: Rễ hoa hiên 30 g, đường đỏ 20 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Dùng trong 2-3 ngày.

Chữa vàng da do uống quá nhiều rượu: Rễ hoa hiên 20 g rửa sạch, giã nhỏ, lọc lấy 50 ml nước, chia 3 lần uống trong ngày, uống liền 3 ngày.

Chữa tiểu ra máu: Củ hoa hiên 5 g, rau má 20 g, rễ cỏ tranh 15 g, rau diếp cá 10 g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống liền 3-5 ngày.

(Theo SK&ĐS)