Lưu trữ cho từ khóa: chỉnh nha

Nấm miệng Candida ở trẻ em

Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp khiến trẻ phải đến khám tại phòng khám Nhi, cũng như phải mua thuốc tại hiệu thuốc tây. Bệnh phát hiện tình cờ qua khám, hay do triệu chứng khó chịu cho bé mà bà mẹ mang bé đến khám.

1. Nấm Candida có đặc điểm gì ?

  • Bình thường nấm Candida thường trú trên cơ thể và không xâm lấn gây bệnh;
  • Có 40% – 60% dân số là người lành mang Candida trên cơ thể;
  • Candida bình thường tồn tại ở da, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục nữ… và có nhiều chủng khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là chủng Candida albicans chiếm 70%;
  • Trẻ thường nhiễm Candida trong lúc sinh khi mẹ bị nấm Candida âm đạo lúc mang thai;
  •  Nấm Candida có ở 0,5% – 20% nhũ nhi khỏe mạnh và 50% trẻ nhiễm HIV-AIDS.

2. Yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển?

  • Hệ miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành;
  • Vệ sinh miệng kém, đặc biệt bé mang dụng cụ chỉnh nha gây khó khăn trong vệ sinh răng miệng;
  • Trẻ bị nhiễm HIV- AIDS, ung thư, tiểu đường, suy dinh dưỡng…
  • Dùng corticoid, kháng sinh kéo dài, thuốc ức chế miễn dịch, hóa trị ung thư…
  • Chấn thương tại chỗ.

3. Nấm Candida miệng gây triệu chứng gì?

  • Không triệu chứng, hoặc tình cờ phát hiện thấy mảng trắng trên niêm mạc má hay lưỡi;
  • Trẻ biếng ăn;
  • Đau rát họng, nôn ói.

4. Khám miệng bé bị nấm miệng Candida thấy gì?

  • Các mảng trắng như sữa, hay kem, phủ trên nền hồng ban dính chặt niêm mạc lưỡi, má… khó bóc tách;
  • Đa số dạng giả mạc trắng, một số dạng bạch sản, tăng sản lưỡi, hay dạng viêm lưỡi có dạng hình thoi ở giữa lưỡi. Trẻ dùng corticoid hít trong dự phòng suyễn mà không súc miệng sau xịt có thể bị nấm miệng dưới dạng hồng ban thường thấy ở vòm họng.

Hồng ban ở vòm họng và viêm lưỡi dạng hình thoi giữa lưỡi

5. Điều trị nấm miệng ở trẻ nhũ nhi khỏe mạnh như thế nào?

  • Tăng cường vệ sinh răng miệng và loại bỏ yếu tố thuận lợi cho nấm Candida ở miệng phát triển;
  • Nystatin tại chỗ là chọn lựa an toàn;
  • Miconazole oral gel rơ miệng hiệu quả hơn nystatin và mùi vị được trẻ chấp nhận tốt hơn. Hơn nữa dạng gel thuận tiện cho bà mẹ trong sử dụng;
  • Tuyệt đối không dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi nhỏ hơn 1 tuổi vì trong mật ong có thể chứa bào tử clostradium botulinum, có thể chuyển dạng thành vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm cho trẻ.

Điều trị đẹn (tưa lưỡi) do nấm Candida albican gây ra (Nguồn hình: Công Ty Janssen Cilag VN)

6. Rơ miệng thế nào cho hiệu quả và dễ chịu cho bé ?

Vì rơ miệng có thể kích thích khiến trẻ dễ nôn ói, nên việc này thực hiện tốt nhất là lúc bụng bé đói hay trống thức ăn, và nên theo các trình tự sau:

  • Vệ sinh tay mẹ thật sạch sẽ;
  • Lấy miếng gạc rơ miệng quấn quanh ngón tay (ngón chọn để rơ miệng phải có kích cỡ phù hợp độ rộng của miệng bé), nhúng miếng gạc rơ miệng trong nước sôi để nguội để làm mềm miếng gạc, nhằm tránh ma sát làm đau bé;
  • Dùng miệng gạc thấm thuốc chống nấm nystatin đã được nghiền nát hay Miconazole oral gel với lớp mỏng, vừa đủ;
  • Nếu trẻ bị nấm miệng nhiều nơi, thì nên rơ theo thứ tự: hai bên má trước, sau đó đến vùng khẩu cái trên miệng, và lưỡi rơ sau cùng. Mẹ nên rơ từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn ói cho trẻ.

Thời điểm thích hợp để chỉnh nha cho trẻ

Khuynh hướng tăng trưởng xương hàm và khuôn mặt bắt đầu thể hiện, cũng như những thói quen từ thời thơ ấu như bú bình kéo dài, mút ngón tay…

Ngày nay, kinh tế phát triển, phụ huynh đã ý thức hơn về việc chăm sóc cho hàm răng và nụ cười của con mình. Từ 6 đến 12 tuổi là thời kỳ trẻ bắt đầu thay răng và mọc những chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên (răng số 6).

Khuynh hướng tăng trưởng xương hàm và khuôn mặt bắt đầu thể hiện, cũng như những thói quen từ thời thơ ấu như bú bình kéo dài, mút ngón tay… làm thay đổi hình thái xương hàm và ảnh hưởng đến sự mọc răng cũng dẫn đến những lệch lạc có thể trông thấy. Cha mẹ bắt đầu nhận ra, hình như con mình không giống những đứa trẻ khác, trông có vẻ hô hoặc móm, răng hơi bị chìa ra…

Theo hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ (ADA), khi trẻ bảy tuổi là thời điểm thích hợp để đưa trẻ đến khám lần đầu tiên với bác sĩ chỉnh nha. Việc thăm khám lâm sàng, cùng những khảo sát phim X-quang toàn cảnh, phim sọ mặt, sẽ giúp bác sĩ dự báo khuynh hướng tăng trưởng, cũng như theo dõi việc mọc răng cho trẻ. Giai đoạn này, những sai lệch (nếu có) sẽ được bác sĩ can thiệp kịp thời bằng các khí cụ, để điều chỉnh giúp răng mọc đúng vị trí. Trẻ em ở độ tuổi này cũng đã có đầy đủ nhận biết để hiểu sự giải thích của bác sĩ, và biết vâng lời bố mẹ trong hợp tác điều trị.

Một số trường hợp sai khớp cắn điển hình ở trẻ nên được điều trị sớm: thói quen đẩy lưỡi có thể dẫn đến tình trạng khớp cắn hở (răng cửa trên và răng cửa dưới không tiếp xúc nhau theo chiều đứng); tình trạng cắn ngược: răng cửa dưới phủ ngoài răng cửa hàm trên; biểu hiện ngoài mặt: trẻ bị móm, kém phát triển hàm trên; trẻ bị hô do thói quen mút tay, dẫn đến tình trạng cắn chìa và cắn phủ quá mức.

Khi hai hàm cắn lại, thông thường răng cửa trên phủ bên ngoài răng cửa dưới theo chiều trên dưới khoảng 1-2mm. Nếu độ phủ này nhiều hơn 3mm, gọi là tình trạng cắn sâu. Ở một số trường hợp cắn sâu trầm trọng, có thể thấy răng cửa dưới cắn vào nướu của hàm trên.

Nếu răng cửa có tiếp xúc bình thường, răng cửa trên thường ở trước răng cửa dưới từ 2-3mm. Khoảng cách này gọi là độ cắn chìa. Nếu khoảng cách này lớn hơn 3mm là độ cắn chìa quá mức, biểu hiện thấy bên ngoài là hô.

Những trường hợp mà sự sai lệch khớp cắn xảy ra do sự bất hài hòa về xương hàm, bác sĩ chỉnh nha có thể giúp trẻ chỉnh xương bằng các khí cụ ngoài mặt. Ví dụ: face-mask sẽ giúp kéo xương hàm trên ra phía trước trong trường hợp trẻ bị kém phát triển hàm trên.

Những sai lệch do thói quen xấu gây ra, bác sĩ có thể giúp trẻ ngăn chặn sự sai lệch tiến triển bằng các khí cụ phù hợp. Ví dụ: khí cụ chặn lưỡi hay tấm chặn môi.

Việc quyết định thời điểm phù hợp để điều trị cho trẻ phụ thuộc vào tình trạng sai khớp cắn và mong muốn của phụ huynh được trao đổi khi tư vấn với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về việc nên bắt đầu niềng răng cho con mình ở lứa tuổi nào, và dùng những khí cụ ra sao. Nếu trẻ hợp tác tốt, việc điều trị sẽ được tiến hành dễ dàng và thuận lợi.

(Theo Phụ nữ TPHCM)