Lưu trữ cho từ khóa: chỉnh hình răng

Hàm răng người co dần theo thời gian

Một nghiên cứu kéo dài hơn 40 năm cho thấy kích thước hàm răng của người giảm dần theo tuổi tác.

Ảnh minh họa: whitenyourteethfast.com

Lars Bondemark, giáo sư khoa chỉnh hình răng hàm mặt Đại học Malmo tại Thụy Điển, cùng các đồng nghiệp quan sát các khuôn quai hàm làm bằng thạch cao của các sinh viên nha khoa năm 1949 khi họ ở độ tuổi đôi mươi. Sau đó nhóm nghiên cứu so sánh các khuôn ấy với các mẫu khuôn quai hàm của chính những sinh viên nha khoa đó vào năm 1959 và 1989, Healthday đưa tin.

"Chúng tôi nhận thấy sau hơn 40 năm, hàm răng của con người ngày càng nhỏ ”. Bondemark phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trên thực tế, tuổi con người càng tăng thì chiều dài và chiều rộng hàm răng - chủ yếu là hàm dưới - càng giảm. Tình trạng ấy khiến khoảng cách giữa các răng trước ngày càng giảm.

Mức độ teo hàm của mỗi người là không giống nhau do tác động của yếu tố di truyền và kết cấu. Trong một vài trường hợp, những thay đổi này lớn đến nỗi chúng ta có thể nhận ra sự bất thường khi nhai, cắn.

"Trong trường hợp đó, chúng ta không nên lo lắng quá mức bởi đó là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, các nha sĩ cũng nên xem xét tình trạng teo hàm liên tục của bệnh nhân khi tìm hiểu khả năng nhai, cắn của họ”, giáo sư Bondemark nói

Vị giáo sư nhận định rằng chúng ta có thể loại bỏ khả năng răng khôn là nguyên nhân làm cho các răng trước bị dồn, bởi ngay cả những người chẳng có chiếc răng khôn nào vẫn có nguy cơ sở hữu hàng răng trước dày sít.

Meo.vn (Theo VnExpress)

Chỉnh răng cho trẻ và những kiến thức phải biết

Mất nhiều công sức, tốn kém nhưng chưa hẳn cha mẹ đã giúp được con. Muốn trẻ có một hàm răng đẹp, các bậc cha mẹ cần phải biết những kiến thức cơ bản nhất.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Thực tế cũng đã có rất nhiều bậc cha mẹ cho con cháu mình đi nắn chỉnh răng để chữa trị cho những hàm răng bị hô, bị móm hoặc là răng bị mọc lệch, chen chúc dù rằng chi phí nắn chỉnh răng rất là tốn kém và thời gian điều trị khá lâu dài.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng: trẻ có thể tự đeo khí cụ chỉnh răng mua ngoài hiệu thuốc. Có người thì quan niệm: không cần đeo khí cụ mà dùng kinh nghiệm dân gian cũng có thể đưa răng về đúng với trật tự của nó. Một số cha mẹ khác lại cho rằng: Nếu con cần nắn chỉnh răng thì con bắt buộc phải đến bác sĩ. Nhiều trẻ không được giải thích kĩ càng mà lại bị cha mẹ ép phải đeo niềng nên thường tỏ ra khó chịu, chống đối, thậm chí gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Việc chỉnh hình răng hàm mặt có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi, thời điểm chuẩn tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của sự sai hình xương và sự lệch lạc của răng. Ví dụ, một trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch có thể phải dùng một máng chỉnh hình trong miệng ngay sau khi sinh vài tuần.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, nhìn chung, thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10-12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Nhưng để việc nắn chỉnh răng thực sự có hiệu quả hoàn hảo và không gặp nhiều cản trở về sau thì ngay từ khi bắt đầu thay răng sữa (6-7 tuổi) nên cho trẻ đi kiểm tra răng miệng thường xuyên, để có thể thực hiện nắn chỉnh răng phòng ngừa kịp thời.

Nắn chỉnh răng phòng ngừa cần thực hiện rất sớm ngay khi bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn (khoảng 6-7 tuổi), để điều chỉnh cho hàm răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn và đều hơn, giúp cho việc nắn chỉnh toàn diện ở lứa tuổi đã thay hết răng sữa (khoảng 12 tuổi) trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt.

Những trẻ có một trong những dấu hiệu, triệu chứng hay thói quen sau đây cần được điều trị chỉnh hình răng hàm mặt sớm:

- Khi có bất thường trong sự phát triển của răng, quá trình mọc răng và thay răng sữa, quá trình phát triển và mọc răng vĩnh viễn. Ví dụ: răng xoay hay các răng mọc chen chúc, răng mọc sai vị trí, răng xô lệch, không ngay ngắn trên cung hàm; thiếu răng bẩm sinh, răng dị dạng và răng dư, răng sữa mất sớm, răng chậm thay, răng di chuyển do chấn thương.

- Khi trẻ có những thói quen xấu về răng miệng có thể gây sai lệch khớp cắn và những lệch lạc về răng và hàm mặt. Ví dụ: mút tay, mút môi, tật đẩy lưỡi, thở miệng…

- Có những biểu hiện sai khớp cắn như: cắn chìa, cắn sâu, cắn chéo, cắn hở, hô, móm...

- Sự phát triển lệch lạc hay bất hài hòa giữa xương hàm trên và hàm dưới như cung răng và xương hàm hẹp; răng nhô ra trước hoặc răng thụt vào trong, xương hàm nhô ra trước hoặc xương hàm lùi ra sau.

Lời khuyên bác sĩ:

Cha mẹ cần lưu ý loại bỏ một số thói quen xấu về răng miệng khi trẻ còn nhỏ, như thói quen ngậm núm vú giả, thói quen đẩy lưỡi, tật thở bằng miệng, tật nghiến răng, tật cắn móng tay và gặm bút ở trẻ, tật chống cằm và mút môi trên, dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn. Nếu không can thiệp sớm, sẽ để lại hậu quả lâu dài cho răng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cơ thể và thẩm mỹ của khuôn mặt trẻ sau này. Do đó cha mẹ cần chú ý loại bỏ các thói quen có hại cho răng của trẻ, phòng ngừa các thói quen không tốt cho răng, hàm ngay từ lúc trẻ còn bú.

Đưa trẻ đi khám răng định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện những lệch lạc của hàm răng. Khi trẻ đã có biểu hiện hô, móm, sớm đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để khám, tư vấn và nếu cần thiết, để chỉnh nha sớm. Cần chọn bác sỹ được đào tạo chuyên ngành nắn chỉnh răng, ở các cơ sở y tế đáng tin cậy.

Meo.vn (Theo VTV)

Những điều cần biết về điều trị chỉnh hình răng hàm mặt

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiViệc chỉnh hình răng hàm mặt có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi. Thời điểm chuẩn để làm việc này tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của sự sai hình xương và sự lệch lạc của răng. Ví dụ, một trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch có thể phải dùng một máng chỉnh hình trong miệng ngay sau khi sinh vài tuần.

Theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ, nhìn chung, thời điểm tốt nhất để điều trị chỉnh hình răng hàm mặt là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10-12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Trẻ nên đến bác sĩ khám vào lúc 7 tuổi. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình bệnh và quyết định thời điểm điều trị. Một số trường hợp cần được giải quyết sớm, không chờ đến khi rụng hết răng sữa vì lúc đó, sự lệch lạc răng sẽ trầm trọng hơn.

Việc chỉnh hình răng mặt cũng có thể thực hiện ở người lớn nếu tình trạng răng miệng của bệnh nhân còn tốt. Hiệu quả điều trị sẽ hạn chế nếu bệnh nhân đã ngoài 20 tuổi.

Sau đây là giải đáp cho một số câu hỏi về chỉnh hình răng hàm mặt:

1. Nguyên nhân nào dẫn đến sự lệch lạc của răng và sự sai hình của xương hàm?

- Di truyền: Cha hay mẹ có xương hàm nhỏ, còn răng thì quá to hoặc ngược lại, khiến các răng không thể xếp ngay ngắn trên cung hàm.

- Các thói quen xấu gây mất hài hòa giữa răng và hàm như tật mút tay, mút môi và cắn môi, đẩy lưỡi, thói quen thở bằng miệng.

- Chấn thương các răng.

- Mất răng sữa sớm: Việc chú ý giữ gìn răng sữa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các răng vĩnh viễn mọc đúng trên cung hàm.

- Dinh dưỡng: Tình trạng dinh dưỡng kém có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm.

- Một số bệnh tật gây sâu răng sớm, bệnh nha chu (làm mất răng nên các răng bị xô lệch).

2. Những dấu hiệu nào cảnh báo cần chỉnh hình răng hàm mặt sớm?

- Răng xoay hay các răng mọc chen chúc.

- Răng mọc sai chỗ, xô lệch, không ngay ngắn trên cung hàm.

- Răng sữa mọc sớm hoặc muộn.

- Có thói quen xấu như mút tay, thở miệng.

- Có khớp cắn sâu, cắn chéo, cắn hở.

- Có sai hình xương hàm và lệch lạc răng (răng nhô ra trước hoặc thụt vào trong, xương hàm nhô ra trước hoặc lùi ra sau).

- Có răng dư hoặc răng ngầm.

- Cung răng và xương hàm hẹp.

3. Tại sao cần điều trị chỉnh hình răng hàm mặt sớm?

Việc điều trị chỉnh hình răng mặt sớm sẽ:

- Giúp xương hàm phát triển hài hòa với khuôn mặt, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao.

- Giúp hài hòa khớp cắn giữa hai xương hàm.

- Giúp răng mọc đúng vị trí.

- Hạn chế chấn thương các răng nhô ra phía trước.

- Sớm sắp xếp ngay ngắn các răng mà không cần nhổ (bằng cách nới rộng xương hàm).

- Sửa chữa và loại bỏ được những thói quen xấu như tật mút tay, đẩy lưỡi.

- Giảm bớt hoặc loại bỏ một số vấn đề ảnh hưởng đến việc nuốt và phát âm.

- Giảm được thời gian và chi phí điều trị; ít gây đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân.

4. Có cần nhổ răng trong lúc chỉnh hình răng hàm mặt?

Không bắt buộc. Chỉ cần nhổ răng khi cần tạo chỗ trống để sắp xếp lại các răng trên cung hàm. Nhiều bệnh nhân đã có sẵn khoảng trống giữa các răng, nếu chỉnh hình sớm thì chỉ cần nới rộng xương hàm mà không phải nhổ.

5. Cần lưu ý gì khi điều trị chỉnh hình răng hàm mặt?

Bệnh nhân và người nhà phải có sự hợp tác chặt chẽ với bác sĩ điều trị; cụ thể là:

- Nghiêm túc mang các khí cụ tháo lắp đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Chấp nhận sự khó chịu khi mang các khí cụ chỉnh hình (nhất là loại tháo lắp). Chúng có thể làm bệnh nhân khó phát âm và bị đau trong 1-2 tuần lễ đầu.

- Luôn tái khám đúng hẹn để theo dõi và điều chỉnh khí cụ.

- Giữ gìn vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng (đặc biệt là khi điều trị bằng các khí cụ cố định) để phòng sâu răng, viêm lợi và hôi miệng.

- Tuân thủ các quy định của bác sĩ chỉnh hình răng hàm mặt như không được ăn thức ăn cứng (đá lạnh, kẹo, hạt đậu, bánh mì cứng) hoặc dính; không được cắn bút. Nếu không, các móc cài của khí cụ chỉnh hình sẽ hỏng hoặc tụt ra, kéo dài thời gian điều trị.

- Không nên chơi những môn thể thao có thể gây chấn thương vùng mặt hoặc răng như bóng đá, khúc côn cầu...

ThS Nguyễn Quốc Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống

Những điều cần biết về chỉnh hình răng

Hô, móm, răng mọc lệch lac… là những bất thường về hình thái và chức năng của hệ thống răng – hàm – măt. Ảnh hưởng về khía canh thẩm mỹ khiến người mắc phải ít nhiều mất tự tin khi giao tiếp.

 

 

Theo bác sĩ Trương Quang Toàn, Trưởng khoa Chỉnh hình răng mặt, BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân tìm đến bác sĩ chỉnh nha.

Chỉnh hình răng măt đươc chia làm 2 phần chính:

+ Chỉnh hình xương nền (xương hàm): là loại điều trị can thiệp lên xương hàm trên hoặc xương hàm dưới, được thực hiện khi trẻ ở tuổi đang lớn. Trẻ sẽ được mang khí cụ để kích thích hoặc kìm hãm sự tăng trưởng của xương hàm.

+ Chỉnh hình răng: là loại điều trị can thiệp trên răng. Như: nắn chỉnh các răng bị lệch lạc, răng bị hô hay răng bị móm… ở trẻ nhỏ và cả người lớn.

Khi nào cần đi khám và điều tri chỉnh hình răng măt (CHRM)?

Thời điểm can thiệp điều trị là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp mang lại kết quả tốt. Tùy loại hình lệch lạc răng như thế nào mà bác sĩ sẽ đưa ra thời điểm điều trị thích hợp.

Thông thường, với trẻ dưới 6 tuổi; ở độ tuổi này trẻ chỉ hiện diện bộ răng sữa, chủ yếu chỉ thực hiện các biện pháp chỉnh hình răng mặt phòng ngừa cho các bé là chính.


Khí cụ tháo lắp đơn giản điều trị cắn chéo răng trước

Ví dụ: các bậc phụ huynh nhắc nhở các cháu bỏ các thói quen xấu (mút ngón tay, cắn móng tay, cắn môi, đẩy lưỡi, thở miệng…) gây lệch lạc phát triển răng hàm mặt. Trong trường hợp trẻ không bỏ được, bác sĩ sẽ chỉ định cho mang một số loại khí cụ hỗ̉ trợ để loại bỏ thó́i quen xấu này.

Ở trẻ từ 6 – 12 tuổi: giai đoạn chuyển tiếp từ bộ răng sữa sang bộ răng vĩnh viễn. Các lệch lạc răng thường xuất hiện trong thời gian này. Các lệch lạc đó có thể được điều trị triệt để hoặc được điều trị một phần để giảm nhẹ mức độ trầm trọng của bệnh. Điều trị toàn diện sẽ được thực hiện khi răng vĩnh viễn mọc đầy đủ. Đặc biệt ở độ tuổi này, những trẻ bị móm do xương hàm trên kém phát triển cần phải được điều trị sớm, lý tưởng là 7 – 8 tuổi.

Khi trẻ sau 12 tuổi, quá trình chuyển đổi từ bộ răng sữa sang bộ răng vĩnh viễn được hoàn tất. Các lệch lạc răng nếu có sẽ được điều trị một cách toàn diện ở độ tuổi này. Đây là độ tuổi được các bậc phụ huynh quan tâm và các cháu đi khám – điều trị chỉnh hình răng nhiều nhất.

Kỹ thuật thường dùng trong điều trị này là kỹ thuật chỉnh hình cố định, bao gồm cung và mắc cài được gắn lên răng để nắn chỉnh.

Những điều cần biết khi đi khám và điều tri chỉnh hình răng măt

Trước khi đi khám CHRM, nên vệ sinh răng miệng thật tốt. Nếu cần có thể đến nha sĩ tổng quát cạo vôi răng, đánh bóng răng sạch sẽ trước.

Khi đến khám CHRM, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định chụp 2 phim Xquang (phim toàn cảnh và phim sọ nghiêng). Bác sĩ sẽ khám trực tiếp răng miệng để biết chính xác hiện trạng và lấy dấu hai hàm răng để đúc lại mô hình mẫu hàm răng của bạn. Việc chẩn đoán và thiết lập phác đồ điều trị sẽ dựa trên sự phân tích các thông tin này.

Khi mang khí cụ chỉnh răng, cần phải tránh các loại thức ăn dai, cứng có thể làm sút hoặc hỏng khí cụ. Cần chú ý vệ sinh răng miệng tốt để phòng ngừa các bệnh nha chu, sâu răng…và tuân thủ lịch hẹn của bác sĩ.

Kinh phí cho quá trình chỉnh hình răng mặt dao động từ 500.000 đồng đến 38 triệu đồng, tùy trường hợp cụ thể.

Môt số kỹ thuât và khí cu thường dùng trong điều tri CHRM

Có nhiều loại khí cụ cũng như kỹ thuật để nắn chỉnh răng. Tùy trường hợp răng lệch lạc, nhu cầu thẩm mỹ của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định, tư vấn các khả năng. Dựa vào đó, bệnh nhân sẽ chọn cho mình cách điều trị phù hợp.

Thông thường, răng lệch lạc nhẹ có thể sử dụng các loại khí cụ tháo lắp đơn giản.

Trường hợp khó hơn cần sử dụng khí cụ cố định (cung và mắc cài). Ở các cháu nhỏ, thường sử dụng mắc cài kim loại.

Ngược lại ở người trưởng thành, do nhu cầu công việc, giao tiếp… có thể mang mắc cài thẩm mỹ (sứ, composite…). Ngoài ra, họ cũng có thể mang mắc cài mặt trong hoặc hệ thống Invisalign.

Kỹ thuật chỉnh hình cố định - cung và mắc cài

Kỹ thuật chỉnh hình mặt lưỡi – mặt trong

Tuy nhiên, điều trị CHRM là quá trình điều trị lâu dài (từ 6 tháng đến 2 năm). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nản lòng không ít người, nhất là những người đã đi làm. Dù vậy, sự kiên trì sẽ có kết quả xứng đáng vào ngày kết thúc điều trị - tháo khí cụ. Lúc này, hàm răng thật (không phải răng giả) đều đặn, sẽ giúp bạn vui hơn, tự tin hơn.

 

Bài 1: Chỉnh răng mọc lệch

Khi nào thì bạn chỉnh hình răng và khi nào phục hình răng? Những khái niệm này dường như vẫn còn lờ mờ đối với nhiều người.

Trẻ em hay người trưởng thành có răng bị lệch, nụ cười không hài hòa với khuôn mặt đều có thể chỉnh hình để có được kết quả thẩm mỹ và chức năng nhai hoàn hảo. Theo BS Đỗ Quỳnh Như - Khoa Răng Hàm Mặt, BV An Sinh, nền xương và vị trí của răng sẽ được sắp xếp lại nhờ lực chỉnh hình răng, do vậy, cần thời gian để lực chỉnh răng có tác dụng trên xương hàm và răng nhằm di chuyển chúng như mong muốn. Việc điều chỉnh ở người lớn mất nhiều thời gian hơn ở trẻ nhỏ vì xương hàm người lớn đã cứng chắc ổn định.

Khí cụ giúp chỉnh nha

Ngày nay, sự ra đời của nhiều vật liệu và kỹ thuật mới, việc điều trị chỉnh hình răng cho người trưởng thành cũng được rút ngắn thời gian và đạt được kết quả tốt hơn trước đây.

Khí cụ ngoài mặt: Giúp định hướng sự phát triển của xương hàm như mong muốn. Thường sử dụng cho trẻ nhỏ từ 7 – 12 tuổi.

Khí cụ tháo lắp: Người sử dụng có thể tháo ra lắp vào mỗi ngày. Khí cụ này có thể được sử dụng để hỗ trợ, giúp loại bỏ một số thói quen xấu của trẻ. Tuy nhiên, do tính bất tiện vì phải tháo ra mỗi ngày, nên hiện nay, nhiều khí cụ tháo lắp đã được thiết kế để chuyển thành khí cụ có thể gắn cố định trong miệng. Những lần tái khám, khí cụ sẽ được BS tháo ra và kích hoạt lực.

Ảnh: Internet

Khí cụ cố định: Mắc cài là khí cụ cố định thông dụng được dùng phổ biến trong điều trị chỉnh nha. Nhờ tác dụng của các dây cung trong mắc cài, các răng sẽ được tác động lực để di chuyển đến vị trí mong muốn theo kế hoạch điều trị.

Ngoài ra, các neo chặn xương như minivis, miniplates được chỉ định trong một số trường hợp để giúp răng di chuyển nhanh hơn, hoặc những di chuyển mà các kỹ thuật chỉnh nha thông thường không làm được.

Nên chỉnh răng sớm

Nhiều phụ huynh thường băn khoăn, việc điều trị chỉnh nha cho trẻ nên thực hiện khi chưa có đủ các răng vĩnh viễn hay phải đợi đến khi trẻ thay hoàn toàn răng sữa.

Theo BS Như, điều trị sớm có nghĩa là khi các vấn đề về sự phát triển răng mặt được dự báo sẽ xảy ra nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Khi trẻ còn nhỏ, tâm lý thoải mái, không ngại ngùng trong giao tiếp, nên có thể dễ dàng thích nghi với các khí cụ chỉnh nha. Việc điều trị sớm còn giúp trẻ loại bỏ và sửa chữa các thói quen xấu có hại như mút tay, đẩy lưỡi… Ngoài ra, giúp chuẩn bị nền xương hàm, mở đường, định hướng cho các răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí.

“Nhiều trường hợp yêu cầu chỉnh nha khi việc tăng trưởng đã hoàn tất, BS bắt buộc phải nhổ răng để có thể chỉnh lại cho răng đều đặn, hoặc làm giảm hô, móm cho bệnh nhân. Điều trị sớm còn mang lại cơ hội để chỉnh hình cho những ca bị lệch lạc trầm trọng về xương. Nếu để đến thời điểm không còn tăng trưởng, sẽ không thể điều trị được bằng chỉnh nha thông thường, mà phải phẫu thuật phức tạp với chi phí lớn” – BS Như nói.

Chăm sóc răng miệng khi mang mắc cài

Mắc cài là nơi dễ tích tụ thức ăn và mảng bám. Nếu không chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách, bệnh sâu răng và nha chu có thể xảy ra. Để ngăn ngừa mảng bám, nên sử dụng bàn chải mềm chải răng. Cũng có thể chải răng bằng bàn chải dành cho bệnh nhân chỉnh hình. Dùng chỉ tơ nha khoa loại siêu nhỏ để làm sạch các kẽ răng nhưng tránh không để vướng mắc cài. Làm sạch các vị trí giữa răng và cung môi kim loại để lấy đi những mảng bám và những mảnh vụn thức ăn bám vào bằng bàn chải. Sử dụng nước súc miệng có fluoride để ngăn ngừa sâu răng. Tránh dùng những thức ăn cứng vì có thể làm bẻ cong cung môi, làm hỏng các khâu hoặc làm gãy các mắc cài. Trái cây và rau quả nên được cắt thành mảnh nhỏ để đưa vào miệng và nhai ở những răng sau. Tránh dùng những thức ăn có chất kết dính như kẹo chewing gum hoặc caramel vì chúng có thể bẻ cong cung môi hoặc làm gãy mắc cài. Hạn chế các thức ăn có thành phần đường cao vì chúng sẽ tăng nguy cơ sâu răng. Đến nha sĩ thường xuyên theo đúng lịch hẹn để được chăm sóc sức khỏe răng và nướu trong quá trình chỉnh răng.

Phương pháp chỉnh hình răng mới Invisalign teen ở trẻ em

INVISALIGN TEEN là một phương pháp chỉnh nha mới không cần đeo mắc cài và không nhận thấy được. Đây là phương pháp chỉnh nha hiện đại nhất trên thế giới hiện nay trong điều trị chỉnh hình răng mặt cho trẻ em. Invisalign teen ra đời đã đem lại thêm một lựa chọn mới cho trẻ.

Invisalign teen là gì?

Invisalign teen là phương pháp chỉnh hình răng sử dụng một loại khay trong suốt do máy tính thiết kế có thể tháo ra được để chỉnh răng mà không cần đến dây và mắc cài kim loại. Khay Invisalign trông giống như khay tẩy trắng nhưng được làm khít sát hơn để di chuyển răng.

Invisalign teen được chế tạo như thế nào?

Invisalign teen sử dụng những tiến bộ mới nhất của công nghệ vi tính 3-D được vi tính hóa tiên tiến nhất hiện nay, để thiết kế tạo những bộ khay phù hợp cho từng bệnh nhân và gần như không phát hiện được dựa theo những chỉ dẫn của bác sĩ Răng hàm mặt.

Trẻ sẽ mang từng bộ khay, mỗi khay mang trong khoảng 2 tuần, răng của trẻ sẽ được di chuyển từng milimét từ tuần này sang tuần kia cho đến khi đạt kết quả như mong muốn.

Ứng dụng công nghệ 3D mô phỏng trực quan quá trình di chuyển răng, dựng lại trục răng trong suốt quá trình chỉnh nha sẽ tạo ra những bộ khay trong suốt phù hợp với từng thời điểm của sự di chuyển của răng.

Invisalign teen có ưu điểm gì so với mang mắc cài truyền thống?

- Không thể nhận thấy được, vì không ai có thể biết được trẻ đang chỉnh răng. Phương pháp này giúp trẻ có nụ cười tự tin suốt thời gian điều trị.

- Trẻ có thể tháo khay ra được, vì thế, trẻ không cần kiêng những thức ăn, những món mà mình ưa thích trong quá trình điều trị.

- Vệ sinh răng miệng tốt hơn, trẻ giảm được nguy cơ sâu răng và viêm nướu vì trẻ không gặp phải khó khăn trở ngại gì khi chải răng và dùng chỉ nha khoa.

- Trẻ có cảm giác rất thoải mái, vì trong miệng hoàn toàn không có dây và mắc cài kim loại.

Tránh một số tình huống có thể xảy ra trong khi điều trị chỉnh nha với mắc cài như: gây đau, kích thích môi, má, lưỡi có thể làm xuất hiện một hoặc nhiều điểm lở loét ở niêm mạc môi, má, lưỡi, đặc biệt lúc trẻ ăn nhai.

Invisalign teen có nhược điểm gì ?

Giống như tất cả các khí cụ điều trị chỉnh nha, khay có thể tạm thời ảnh hưởng đến giọng nói của trẻ. Tuy nhiên, khi lưỡi của trẻ đã quen với việc mang khay trong miệng, thì giọng nói của trẻ sẽ tự nhiên trở lại.

Trẻ thường có thể bị đau hoặc ê nhẹ trong vài ngày sau khi thay khay mới. Điều này là bình thường. Đó là dấu hiệu cho thấy các khay Invisalign có tác dụng, tiếp tục di chuyển răng của trẻ. Sự đau đớn này sẽ dần dần biến mất sau vài ngày.

Cần sự tuân thủ hợp tác tốt của trẻ. Trẻ sẽ mang từng bộ khay trong khoảng 2 tuần. Invisalign teen chỉ có tác dụng khi trẻ mang khay. Vì thế, trẻ cần mang khay liên tục, cả ngày lẫn đêm, ngoại trừ khi ăn, chải răng và vệ sinh răng bằng chỉ nha khoa.

Điều trị với Invisalign teen mất bao lâu?

Invisalign teen điều trị hiệu quả cho rất nhiều trường hợp răng bị chen chúc, răng thưa, hẹp cung hàm, tái phát sau chỉnh nha, hô răng trước và những điều trị có chừng mực.

Trẻ sẽ đến BS chỉnh nha để kiểm tra định kỳ thường khoảng 6 tuần 1 lần để bảo đảm việc điều trị đang tiến triển như hoạch định.

Tổng thời gian điều trị trung bình khoảng12 - 18 tháng và số lượng khay phải mang trung bình khoảng 18 – 30 khay. Tuy nhiên, thời gian điều trị và số lượng khay thay đổi tùy vào độ khó của trường hợp. Chỉ BS chỉnh nha mới có thể xác định thời gian điều trị cần thiết cho từng trường hợp là bao lâu.

ThS BS. NGUYỄN QUỐC DŨNG

Điều trị cắn chéo răng trước ở trẻ em

Cắn ngược hay cắn chéo là tình trạng răng dưới phủ ngoài răng trên. Hiện tượng này xảy ra khi răng hàm trên cắn vào bên trong răng hàm dưới. Cắn chéo răng trước là một loại sai khớp cắn phổ biến thường gặp ở trẻ em chiếm khoảng từ 7-10%, ảnh hưởng cả thẩm mỹ và chức năng nhai. Cắn chéo răng trước có thể xảy ra với một hay nhiều răng. Đặc biệt khi cắn chéo nhiều hơn 2 răng thì nguyên nhân thường là do xương. Điều trị cắn chéo răng trước ở trẻ em nên bắt đầu càng sớm càng tốt, sau khi được bác sĩ chuyên về chỉnh hình răng mặt phát hiện và chẩn đoán.

Nguyên nhân gây cắn chéo răng trước ở trẻ em.

Cắn chéo nguyên nhân do răng

- Do các răng cửa vĩnh viễn của trẻ mọc bất thường.

- Sau chấn thương, các răng cửa sữa làm dịch chuyển các mầm răng vĩnh viễn.

- Một số bậc cha mẹ giữ các răng sữa của trẻ quá lâu làm các răng vĩnh viễn khi mọc lên sẽ phải nằm vào phía sau răng sữa. Nếu điều này xảy ra ở hàm trên của trẻ, thì khi trẻ cắn lại thì bờ cắn các răng cửa vĩnh viễn hàm trên sẽ nằm phía sau răng cửa hàm dưới.

- Do chiều dài cung răng không đủ.

- Do trẻ có tật cắn môi trên.

Cắn chéo nguyên nhân do xương

- Do di truyền.

- Do xương hàm trên kém phát triển.

- Do xương hàm dưới phát triển quá mức.

Cắn chéo do chức năng

- Khớp cắn hạng III giả.

- Do trẻ có thói quen đưa hàm dưới ra phía trước.

Chữa trị cắn chéo răng trước sớm có lợi gì?

Với những trẻ cắn chéo răng trước dù là chỉ bị cắn chéo một răng cũng cần điều trị can thiệp sớm. Chỉnh hình răng mặt càng sớm, hiệu quả đạt được sẽ càng cao, sẽ thay đổi được thói quen xấu về miệng của trẻ như tật cắn môi, sẽ giúp cho cung răng, xương hàm và các cơ nhai của trẻ phát triển hài hòa với khuôn mặt thẩm mỹ hơn, nâng cao vẻ đẹp bề ngoài, tăng sự tự tin cho trẻ.

Điều trị sớm sẽ giúp điều chỉnh sự chênh lệch giữa xương hàm trên và xương hàm dưới, khớp cắn giữa hai xương hàm sẽ hài hòa hơn.

Nếu trẻ không được điều trị, khớp cắn của trẻ càng lúc càng phát triển theo hướng bất lợi có thể dẫn đến lệch lạc sai khớp cắn trầm trọng về sau. Nếu để đến thời điểm trẻ đã lớn, sẽ  không thể điều trị được bằng chỉnh nha đơn thuần, mà phải dùng phương pháp chỉnh hình phẫu thuật phức tạp tốn nhiều thời gian và chi phí điều trị tốn kém nhiều.

Điều trị cắn chéo răng trước ở trẻ em.

Ít khi có chỉ định điều trị cắn chéo răng trước ở hệ răng sữa vì hiếm khi các răng sữa chen chúc trầm trọng ở hệ răng sữa.

Việc điều trị cắn chéo răng trước ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Điều quan trọng là cần phải xác định cắn chéo răng trước là do nguyên nhân xương hàm hoặc do sự di chuyển của răng.

Nếu cắn chéo thuần túy do xương, trong trường hợp cắn chéo nghiêm trọng, có thể cần phải phẫu thuật để điều chỉnh của các biến dạng xương, tái định vị xương hàm nhằm sửa chữa sai lệch khớp cắn này để thiết lập một khớp cắn đúng và tạo lại vẻ hài hòa cho khuôn mặt của trẻ.

Biến chứng cắn chéo răng trước ở trẻ em

Điều trị cắn chéo răng trước ở trẻ em nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Sau khi được phát hiện để ngăn ngừa một số biến chứng như khớp cắn ngược trông không đẹp, mất thẩm mỹ. Bên cạnh mối quan tâm thẩm mỹ, cần điều trị cắn chéo răng trước ở trẻ em càng sớm càng tốt vì cắn chéo có thể gây ra nhiều vấn đề cho khớp thái dương hàm, làm trẻ bị đau đầu, đau vai, đau cổ và hạn chế chuyển động của các hàm. Cắn chéo cũng gây áp lực quá mức lên xương hàm có thể gây mòn men răng, gây ra tình trạng mòn răng không đều ở các răng phía trước, răng có thể bị lung lay và khuôn mặt không đối xứng.

ThS.BS. NGUYỄN QUỐC DŨNG

Những tổn thương của tật nghiến răng

Nghiến răng là hiện tượng thường xuyên nghiến chặt hàm răng, có thể phát ra tiếng ken két. Nguyên nhân gây nghiến răng do khớp cắn (giữa răng hàm trên và hàm dưới) bị lệch; Lo âu, căng thẳng hay bị stress; Kích động hay xúc cảm quá mức; Do tác dụng phụ của một số thuốc thần kinh như thuốc chống trầm cảm... Thường người bệnh không biết mình có tật nghiến răng vì thường xảy ra lúc ngủ. Bệnh nhân được phát hiện khi đi khám vì hậu quả của nghiến răng gây ra là mòn răng. Tật nghiến răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Tác hại của tật nghiến răng

Do lực sử dụng trong động tác này lớn gấp nhiều lần lực phát sinh khi nhai nên tật nghiến răng không chỉ tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh mà còn gây mòn răng. Tình trạng này nếu kéo dài có thể làm răng bị mất hết lớp men, lộ ra lớp ngà vàng hơn, bị ê buốt, nứt gãy các múi răng, lung lay hoặc rụng, sứt miếng hàn, gãy các hàm giả tháo lắp hoặc cố định. Việc răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt, làm người bệnh trông già hơn.

Nghiến răng nhiều có thể làm các cơ hàm bị co thắt, người bệnh bị mỏi, đau các cơ hàm. Do các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại cơ cắn ở cả hai bên, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông, đồng thời tác động lên khớp gây ra những tổn thương cấu trúc khớp như rối loạn khớp thái dương - hàm. Tùy mức độ tổn thương khớp mà bệnh nhân sẽ có nhiều biểu hiện khác nhau: đau khớp hàm, có tiếng kêu lụp cụp khi há miệng hoặc khi đang nhai, rối loạn vận động há miệng lệch, há miệng khó...

Với trẻ em, nếu khoảng thời gian nghiến răng ở trẻ không kéo dài nhưng có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của răng.  Răng sẽ bị mòn làm cho những thức ăn có axit và đường bám vào răng nhiều hơn và dễ gây sâu răng.

 

Nên đến bác sĩ nha khoa để điều trị tật nghiến răng.

Điều trị tật nghiến răng thế nào?

Điều trị tật nghiến  răng nhằm ngăn ngừa tổn thương vùng răng miệng và giảm đau các cơ nhai và cơ vùng mặt. Tùy theo nguyên nhân nghiến răng có phác đồ điều trị thích hợp:

Nếu bị stress: Điều trị chủ yếu bằng tâm lý liệu pháp và thư giãn (thể dục, thiền tâm...). Có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để tạm thời giảm co thắt cơ hàm. Việc sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ.

Do cắn khớp cần đến khám bác sĩ răng hàm mặt, có thể sẽ phải làm chỉnh hình răng để có khớp cắn tốt hơn, hoặc bác sĩ sẽ có những dụng cụ giúp bảo vệ răng tránh tổn thương trong trường hợp nghiến răng quá nặng. Hiện nay, dụng cụ giúp hạn chế tật nghiến răng là mang máng nhai. Dụng cụ này có tác dụng ngăn chặn sự phá hại răng, làm giảm tình trạng đau cơ và khớp thái dương - hàm.

Nghiến răng do những tác dụng phụ của thuốc: Cần ngưng ngay thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác để giảm tác dụng phụ này  tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Ở trẻ em thường liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ: răng phát triển không đều, mọc răng... Hầu hết trẻ bị tật nghiến răng ở độ 3-10 tuổi, khoảng 13 tuổi phần lớn trẻ tự hết tật nghiến răng.

BS. Huy Thái