Lưu trữ cho từ khóa: chỉ khái

Bài thuốc chữa bệnh từ lan cuốn chiếu

Lan cuốn chiếu còn được gọi là bàn long sâm, thụ thảo, trư liêu sâm, long bão trụ, bàn long côn, liêm đao thảo,…

Là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Thân rễ ngắn, có những rễ củ tỏa từ gốc ra. Thân nhỏ, dài, lá mọc từ gốc, hình lưỡi mác hẹp, dài ngắn không đều, những lá phía trên thường thoái hóa, chỉ còn như bẹ ôm lấy thân. Hoa mọc theo từng đường xoắn ốc, cánh hoa màu trắng, phớt hồng hoặc đỏ.

Quả nang, hình trứng, có lông mịn. Cây thường mọc ở các bãi đất hoang, đồng cỏ, ven đường. Mùa ra hoa tháng 5-6. Để dùng làm thuốc, vào mùa thu người ta đào lấy rễ củ, rửa sạch đất cát, rồi phơi hoặc sấy khô. Ở một số địa phương người ta dùng cả cây làm thuốc thu hái vào mùa xuân hoặc hè rửa sạch và phơi khô hoặc dùng tươi.

Lan cuốn chiếu có vị ngọt đắng, tính bình, có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái (chống ho), giải độc. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, nóng trong do âm hư, ho, váng đầu, thắt lưng đau mỏi, nước tiểu đục đục, mụn nhọt lở loét ngoài da.

Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh có lan cuốn chiếu:

Bồi dưỡng cơ thể sau ốm: Rễ củ lan cuốn chiếu 30g, rễ cây đậu đũa 15g, thịt lợn hoặc thịt gà 250g. Tất cả rửa sạch, thịt thái miếng ướp vừa vặn. Đổ nước ngập lan cuốn chiếu, rễ cây đậu đũa đun sôi, cho thịt vào hầm nhỏ lửa. Làm món canh ăn trong bữa ăn (bỏ bã thuốc, chỉ ăn thịt và uống nước canh); cách 3 ngày ăn 1 lần. Mỗi liệu trình 20 ngày.

Chữa táo bón người cao tuổi: Lan cuốn chiếu 9-15g, cá diếc tươi 60g. Cá riếc làm sạch ướp gia vị cho vừa. Lan cuốn chiếu rửa sạch cho vào nồi đổ 500ml nước đun sôi thả cá diếc vào nấu chín, thêm đường trắng, chia 2 lần ăn trong ngày. Tuần ăn 2 lần, mỗi liệu trình 10 ngày.

Chữa ho do âm huyết hư tổn (lòng bàn chân bàn tay nóng, miệng khô, đêm ngủ hay ra mồ hôi trộm, môi lưỡi đỏ nhạt hoặc đỏ tía, mạch nhỏ nhanh): Rễ củ lan cuốn chiếu 9-15g, mạch môn đông 8g, rửa sạch cắt nhỏ cho 500ml nước sắc nước uống 2 lần trong ngày. Dùng liền 5 ngày một liệu trình.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường:Lan cuốn chiếu 30g, tụy lợn 1 cái, lá ngân hạnh 30g. Tất cả rửa sạch, nấu canh ăn, tuần ăn 2 lần.

Kiêng kỵ: Người có thấp nhiệt ứ đọng kiêng dùng.

Bác sĩ  Trần Huy

(Theo SKDS)

Thạch sùng làm thuốc

Thạch sùng sống khắp nơi ở nước ta và là loại sinh vật quen thuộc với mọi người. Tùy từng vùng mà có nơi gọi là con thằn lằn, hay thủ cung, thiên long, bích hổ, hát hổ. Thạch sùng dùng làm thuốc và được ghi đầu tiên trong sách Bản thảo kinh tập chú. Có nhiều loại thạch sùng, có tên khoa học là Hemidactylus Frenatus Schleghel đều thuộc loại tắc kè (Gekkonnidae).

Đông y cũng cho rằng thạch sùng vị mặn, tính hàn, có ít độc, có tác dụng bổ phế thận, ích tinh huyết, chỉ khái định suyễn, khứ phong hoạt lạc, tán kết giải độc, chỉ thống, trấn tĩnh giản kính (an thần, chống co giật), khu phong, định kinh nên có thể chủ trị các chứng như phong tê liệt (liệt nửa người do tai biến mạch máu não), kinh phong ở trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, tràng nhạc (lao hạch) và hen suyễn...

Trên lâm sàng, các nhà y học Trung Quốc còn cho biết họ đã dùng thạch sùng để chữa suy nhược thần kinh, lao hạch, cốt tuỷ viêm, ung thư thực quản, ung thư dạ dày...

Để tham khảo, dưới đây xin nêu một số cách trị liệu từ con thạch sùng

Chữa lao hạch và hen suyễn: dùng thạch sùng cho vào chuối hoặc bọc trong lá khoai lang đã hơ nóng cho mềm để dễ nuốt hay dùng thạch sùng sấy khô, tán thành bột mỗi ngày uống nửa phân với rượu; cũng có thể dùng thạch sùng 2 con, hạ khô thảo 6g sấy khô tán bột chia uống 2 lần trong ngày với rượu vàng kết hợp với dùng thạch sùng sao tồn tính, tán lấy bột hoà với dầu vừng bôi lên hạch bị tổn thương.

Trị ung sang đau nhiều: Dùng bột thạch sùng trộn với dầu vừng bôi lên tổn thương.

Chữa co giật do tâm hư: Dùng thạch sùng sao vàng 1 con tán bột trộn với một chút chu sa và xạ hương uống với nước sắc lá bạc hà.

Chứng tay chân liệt bại, đau nhiều: dùng ngự mễ xác sao mật 1 tiền, trần bì 5 tiền, thạch sùng sao vàng, nhũ hương, một dược và cam thảo mỗi vị 2 tiền 5 phân, tất cả tán thành bột, uống mỗi ngày 3 tiền; hoặc dùng thạch sùng 2 con, địa long 15g, toàn yết (bọ cạp) 9g, ngưu tất 25g, tất cả sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g.

Chữa co giật mạn tính do tâm hư (kinh phong): Dùng thạch sùng màu vàng 1 con sấy khô, tán bột uống với nước sắc bạc hà cùng một chút chu sa và xạ hương, kết hợp uống đơn sắc Nhị trần thang.

Chữa viêm đa khớp dạng thấp: Dùng thạch sùng 10g, ngô công 10g, bạch chỉ 20g, tất cả đem sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4g.

Trị nấm da: dùng thạch sùng 5 con và ngô công (con rết) 5 con đem ngâm với rượu nặng lấy dịch chiết bôi lên tổn thương.

Trị cước khí (thấp chẩn): dùng thạch sùng 2 con đem ngâm với 200ml cồn 90%, sau 10 ngày thì dùng được, lấy dịch chiết bôi vào tổn thương...

BS. Hoàng Xuân Đại

Meo.vn (Theo SK & ĐS)

Cây mía – “Phục mạch thang” thiên nhiên

Giữa ngày hè nóng nực, thư thả ngồi uống cốc nước mía vàng tươi nguyên chất ướp lạnh, thật thú vị biết nhường nào! Hương vị ngọt tươi mát của nước mía như xua hết những mệt nhọc của công việc và nỗi bức bối của tiết trời mùa Hạ. Chẳng thế, mà ở các nước phương Đông, việc trồng mía, ăn mía, ép lấy nước uống và chế biến đường từ mía đã có một lịch sử lâu đời.

Để có một cốc nước mía "chính hiệu và chất lượng", cần chừng 250g - 500g mía tươi, thân mập; rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, dùng máy ép lấy nước cốt, đem ướp lạnh hoặc cho thêm một chút nước đá xay và chút nước quất (tắc) tươi rồi uống. hiện nay, các cơ sở nước mía siêu sạch có dùng thêm hương đào, hương ổi, hương chanh... nhưng phần lớn chỉ là hương liệu công nghiệp nên không thể thay thế hương quất thiên nhiên vừa thơm lại vừa có lợi cho sức khoẻ.

Theo dinh dưỡng học hiện đại, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt.., các vitamin như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D... Ngoài ra, còn có các acid hữu cơ và nhiều loại enzym.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía (cam giá, vu giá, thử giá, can giá...) vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh Vị và Phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hoà trung hạ khí, lợi tiểu giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá, thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như môi khô miệng khát, sốt cao gây mất nước, tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, chứng nôn mửa, ăn vào thì bụng đầy chướng, sáng ăn chiều mửa, chiều ăn sáng mửa, mửa ra thức ăn không tiêu hoá, sốt cao phiền nhiệt... Theo sách Tuỳ tức cư ẩm thực phổ thì nước mía có giá trị như Phục mạch thang thiên nhiên.

Theo kinh nghiệm dân gian: dùng nước mía pha thêm một chút nước gừng tươi để chữa chứng nôn mửa; viêm kết mạc cấp tính nên uống nước mía có hoà lẫn nước sắc hoàng liên - chống viêm, tiêu sưng và giảm đau nhanh chóng; với các bệnh lý hô hấp có biểu hiện môi khô họng khát, ho khan, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo kết... nên ăn cháo nấu bằng nước mía để thanh hư nhiệt, nhuận phế, chỉ khái và trừ đàm...

Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc. Mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía.

Meo.vn (Theo Thucphamvadoisong)

Món ăn, nước uống phòng trị bệnh khi trời trở lạnh

Dân gian có câu “Rét tháng ba bà già chết cóng”. Sau đợt  rét đậm kéo dài trước Tết Nguyên đán, sang xuân trời đã ấm lên nhưng mấy ngày qua, tiết hàn tháng ba lại gây mưa rét khiến sức đề kháng của con người giảm sút. Theo Đông y, hàn làm tổn thương dương khí. Vì vậy khi hàn tà xâm nhập vào cơ thể sẽ cản trở dương khí vệ ngoại, rồi xuất hiện các chứng trạng ố hàn (sợ lạnh), phát sốt không mồ hôi, mạch phù khẩn (tức mạch nổi hữu lực đập nhanh).

Quế chi.

Khi hàn trệ đọng trong đường ruột sẽ sinh ra nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Hàn tà mà tụ lại ở gân xương sẽ gây đau. Nhưng khi hàn tà lại lưu ở bì phu (da thịt) thì sẽ dễ chữa, nếu lại vào tạng phủ sẽ nguy hiểm và khó chữa. Có khi hàn tà lại kết hợp với phong tà trở thành phong hàn xâm phạm thân thể. Sau đây là những món ăn trị bệnh thường gặp khi thời tiết lạnh, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng:

Nước hoắc hương, gừng tươi: Có tác dụng giải biểu, hòa vị, dứt nôn, thích ứng với chứng phát nhiệt, sợ lạnh, buồn nôn, khắp người khó chịu. Lấy hoắc hương 50g, đường đỏ 20g, gừng tươi 15g. Hoắc hương rửa sạch thái ngắn, Gừng tươi rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương và gừng tươi vào cùng và đổ 300ml nước đun sôi 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ vào khuấy tan, uống nóng.

Nước quế chi: Thích hợp với người ngoại cảm phong hàn, đau đầu, sốt, ra mồ hôi, thở khò khè, nôn khan. Lấy quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường đỏ 30g. Rửa sạch các vị trên cho vào nồi đổ 500ml nước nấu sôi trong 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ khuấy tan, uống nóng.

Cháo gừng hành: Có tác dụng ra mồ hôi, giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích hợp dùng cho người đau đầu, sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, tâm phiền, buồn nôn. Lấy gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối 5g. Cho gạo nấu thành cháo nhừ, gừng thái hạt nhỏ, hành cắt khúc ngắn. Cháo chín nhừ cho hành, gừng đã thái nhỏ khuấy đều mang ra ăn nóng.

Cháo gừng hành.

Món bối mẫu, trứng gà:

Có tác dụng ích khí, nhuận phế, chỉ khái (hết ho), hóa đàm, thích hợp trị phế hư ho suyễn lâu ngày, đờm nhiều, khí đoản, ngại nói (lãn ngôn), chóng mặt, tim đập nhanh. Cần bối mẫu 6g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng hay sấy khô, tán thành bột mịn. Sau đó khoét một lỗ nhỏ ở đầu quả trứng gà cho bột bối mẫu vào lấy giấy dán bịt kín lỗ trứng lại, đặt trứng đứng trong bát (lỗ bịt để lên trên), cho cả bát vào nồi chưng cách thủy 15 phút đem ra ăn. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 30 ngày liền.

Nước rau mùi, củ cải, hành tươi: Có tác dụng trừ phong hàn, chữa cảm mạo. Rau mùi 30g, hành củ tươi 5 củ, củ cải trắng 1 củ. Rau mùi thái ngắn, hành củ thái nhỏ, củ cải thái miếng. Cho tất cả vào nồi, đổ 500ml nước đun sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống nóng.

Nước nho, gừng: Chữa phong hàn, trị ho. Nho tươi 100g, gừng tươi 30g, chè xanh 10g, mật ong 20g. Nho rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước, Gừng tươi rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch pha hãm với nước sôi chắt lấy nước. Sau đó đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước chè xanh, mật ong rồi khuấy đều uống lúc nóng. Chia 3 lần trong ngày, uống liền 3 – 5 ngày.

Nước nhân hạt bí đao, đường đỏ: Có tác dụng chữa ho, viêm họng, nhuận phổi. Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ 30g. Nhân hạt bí đao rửa sạch giã nát, rồi trộn nhân hạt bí đao này với đường đỏ. Khi sử dụng cho vào hãm với 300ml nước sôi rồi chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, cần uống 5 – 7 ngày liền.

BS. Hoàng Xuân Đại

Dưỡng nhan – xua đi nỗi lo 'Tiền mãn kinh'

Ngoài những biện pháp sửa sắc đẹp bằng dao kéo, đắp mặt nạ dưỡng da… thì uống các sản phẩm để cải thiện toàn thân, chống lão hóa, giữ được nét trẻ trung từ làn da đến vóc dáng là niềm hy vọng của rất nhiều phụ nữ.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/23/59/TS_350%5B1%5D.jpg

Y học cổ truyền có giúp chị em giữ mãi nét thanh xuân?

Da nhăn, xuân sắc giảm là do sự giảm của estrogen một hormone sinh dục nữ do buồng trứng sản xuất. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy trong đậu nành có phytoestrogen - estrogen thực vật - có thể thay thế, ngăn chặn sự xuống sắc do quá trình tích tuổi. Cây tật lê (Tribulus terrestris) có tác dụng như steroid sinh dục, vừa có tác dụng androgen vừa có tác dụng kiểu estrogen nên làm tăng tác dụng của phytoestrogen.trong đậu nành.

Trung y thường hay dùng khái niệm 'huyết khí'. Nếu khí thể lưu chuyển trong huyết dịch không lưu thông tuần hoàn đều đặn, thì dễ sinh ra một chứng gọi là 'bệnh khí' mà danh từ Trung y đã nói lên từ nghìn xưa. Đương Qui (Angelica sinensis) được coi là vị thuốc điều chỉnh cả khí lẫn huyết. Phụ nữ sau khi dùng Đương Qui, khí huyết trở về đường vận chuyển cố định của mình. Có thể coi Đương Qui là vị thuốc quí của phụ nữ.

Tam thất (Panax pseudo-ginseng) đã được chứng minh là có tác dụng kiểu estrogen (hướng sinh dục nữ). Tam thất từ lâu được biết đến như một thần dược, là món quà quý dùng để biếu, tặng cho phụ nữ lúc ốm đau, lâm bồn.

Theo y học cổ truyền, tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào kinh, can, vị, tâm, phế, đại tràng, có tác dụng hóa ứ, cầm máu, tiêu thũng, giảm đau, bổ khí huyết, (dùng chín) để chữa tất cả các chứng xuất huyết, ngã đau sưng bầm tím, đau tức ngực, u bướu, huyết ứ, bế kinh, thống kinh, sản hậu huyết hư gây đau bụng, các loại mụn nhọt sưng đau, khí huyết lưỡng hư, tức ngực.

Đối với linh chi (Ganoderma lucidum), theo sách Trung dược học: "Linh chi có tác dụng dưỡng tâm an thần, chỉ khái bình suyễn, bổ khí dưỡng huyết, chủ trị các chứng tâm thần bất an, khái thấu háo suyễn, khí huyết bất túc, tỳ vị hư nhược". Nói chung, linh chi bổ đủ ngũ tạng.

Quả nhàu (từ cây nhàu, tên khoa học là Morinda citrifolia) có tác dụng nhuận trường, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, trừ thấp nhiệt, điều kinh. Trái nhàu thường được dùng để trợ tiêu hóa, chống táo bón, điều hòa kinh nguyệt, chữa bạch đới, băng huyết, phụ trợ chữa đái tháo đường, cao huyết áp. Ngoài ra, trái nhàu còn dùng để chữa đau nhức, làm dịu thần kinh.

Phối hợp các thảo dược trên sẽ giúp phụ nữ làm đẹp?

Đúng vậy. Nếu phối hợp các thảo dược trên thành một sản phẩm sẽ có tác dụng chống lão hóa, điều hòa khí huyết, hóa giải các triệu chứng khó chịu của thời kỳ 'tiền mãn kinh', kéo dài tuổi thanh xuân cho phụ nữ.

Vậy nên uống sản phẩm này ở tuổi nào?

Quá trình lão hóa bắt đầu từ tuổi 25 nhưng rõ dần ở tuổi 35. Nếu các chị quan tâm đến việc phòng các nếp nhăn, giúp da dẻ mịn màng thì nên sử dụng sản phẩm từ độ tuổi này là hợp lý.

Công ty dược SaviPharm

Theo Vnexpress.net

Quả quất làm tiêu đờm

* Em 21 tuổi, bị viêm phế quản, đã điều trị bằng thuốc kháng sinh. Hiện tại đã hết sốt nhưng còn đờm, cảm giác đờm rất sâu, khó ho bật ra. Em nghe người lớn nói quả quất có thể giúp làm tiêu đờm, có đúng không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. (Trần Hùng, Hà Đông)

- Trả lời: Theo dược học cổ truyền, quả quất có vị chua ngọt, tính mát, có công dụng khai vị lý khí (kích thích tiêu hóa), chỉ khát nhuận phế (làm hết khát và có lợi cho tạng phế), chỉ khái hóa đàm (giảm ho và trừ đờm), thường được dùng để chữa các chứng bệnh: hung phúc chướng thống (ngực bụng chướng đau), bất tư ẩm thực (chán ăn), ẩu thổ ách nghịch (nôn nấc), khái thấu đàm đa (ho khạc nhiều đờm), khái suyễn (ho hen) và giải độc cua cá. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, quả quất có chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và các vitamin, có tác dụng chống viêm và quá mẫn, chống loét, long đờm giảm ho, bình suyễn, kháng khuẩn và kháng vi-rút, cải thiện chức năng tim mạch. Do vậy, dùng quả quất để làm long đờm ở những người bị viêm phế quản là rất tốt.

Có thể vận dụng nhiều cách dùng quất để giảm ho long đờm như: ngậm quất với một chút muối, uống siro quất nấu với đường phèn, ăn mứt quất...  Nhưng cách thông dụng và tốt nhất là hấp quất với mật ong. Cách làm như sau: dùng 1 quả quất (chừng 10g) rửa sạch, cho vào chén, nghiền nát, chế thêm một chút mật ong rồi đem hấp trong 15 - 20 phút, sau đó lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước chín rồi chia uống vài lần trong ngày. Theo dược học cổ truyền, mật ong vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung, nhuận táo, giảm đau, giải độc, thường được dùng để bổ dưỡng cho các trường hợp suy nhược cơ thể. Mật ong cũng có tác dụng kháng khuẩn, trừ đờm, giảm ho, giải độc, tăng cường công năng miễn dịch. Bởi vậy, việc phối hợp quả quất với mật ong để chữa ho, long đờm là một kinh nghiệm dân gian rất độc đáo. Để tăng thêm công hiệu, có thể hấp quất và mật ong cùng với hoa hồng bạch 5g, hạt chanh 5g hoặc lá hẹ 5g hoặc xuyên bối mẫu 3g tán vụn hoặc hoa đu đủ đực 8g.

Theo Thanh Niên

Món ăn – bài thuốc từ phổi động vật

Giống như các phủ tạng thông dụng khác, phổi động vật, đặc biệt là phổi của lợn và dê, đã được y học cổ truyền nghiên cứu và sử dụng để chữa bệnh cho con người từ rất lâu đời. Khi bàn về công dụng của phổi lợn, sách Tùy tức cư ẩm thực phổ đã viết: 'Trư phế trị phế nuy khái huyết, thượng tiêu chư chứng' (phổi lợn trị được chứng suy nhược do phế âm hư suy mà ho ra máu và các chứng bệnh ở thượng tiêu có liên quan đến hai tạng tâm và phế). Sách Bản thảo cương mục cũng đã nói về phổi dê: 'Dương phế bình bổ, cam ôn vô độc, năng bổ phế, chỉ khái thấu, bổ bất túc, khứ phong, tính trị tiểu tiện tần số' (phổi dê tính ấm vị ngọt, không độc, có khả năng bổ phế, cầm ho, bổ dưỡng, trừ phong và trị chứng đi tiểu nhiều lần).

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Như vậy, có thể thấy, cách dùng phổi động vật để trị bệnh cho con người của y học cổ truyền cũng tuân thủ theo nguyên tắc 'dĩ tạng bổ tạng' hay ‘dĩ tạng trị tạng' (lấy tạng để bổ hoặc trị tạng), trong đó chủ yếu để phòng chống các chứng bệnh thuộc hệ hô hấp như viêm phế quản, khí phế thũng, lao phổi, hen suyễn, ho ra máu, ho do cảm phong hàn... Dưới đây, xin được dẫn ra một số ví dụ điển hình để bạn đọc tiện tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Bài 1: Phổi lợn 1 cái, xuyên bối mẫu 10g, hạt tiêu 0,3g, trứng gà 2 quả. Phổi lợn rửa sạch; bối mẫu và hạt tiêu tán bột, trộn đều với lòng trắng của hai quả trứng gà rồi nhét vào trong ống khí quản của phổi lợn, sau đó buộc kín miệng và đem nấu chín, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ phế, trừ đàm, chỉ khái, dùng rất tốt cho những người bị viêm phế quản thể hen mạn tính. Cũng có thể dùng phổi lợn 250g thái miếng nấu với ma hoàng 10g, khi chín chế thêm hành, gừng tươi và hạt tiêu, chia ăn vài lần trong ngày.

Bài 2: Phổi lợn 1 cái, tim lợn 1 quả, sa sâm 15g, ngọc trúc 15g, gia vị vừa đủ. Sa sâm và ngọc trúc thái vụn, cho vào túi vải, buộc kín miệng rồi cho vào nồi hầm cùng tim và phổi lợn đã rửa sạch thái miếng cùng với 2.000ml nước. Lúc đầu đun to lửa cho sôi rồi tiếp tục hầm kỹ bằng lửa nhỏ chừng 1,5 giờ, khi được chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: dưỡng âm bổ phế, nhuận táo chỉ khái, dùng thích hợp cho các bệnh lý đường hô hấp thuộc thể âm hư có các biểu hiện như người gầy, có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, gò má đỏ, miệng khô họng khát, khó khạc đờm, đờm đặc và dính, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, hay vã mồ hôi về đêm (đạo hãn), chất lưỡi đỏ, ít hoặc không có rêu, mạch tế sác.

Bài 3: Phổi lợn 200g rửa sạch thái miếng, tỏi tươi lượng vừa đủ thái phiến, dầu ăn 30g. Đổ dầu vào chảo đun nóng già rồi cho phổi lợn và tỏi vào xào chín, chế thêm một chút rượu vang và gia vị rồi ăn nóng. Hoặc có thể dùng phổi lợn 1 cái thái miếng trộn đều với 15g bột xuyên bối mẫu và 60g đường trắng, đem hấp cách thủy rồi chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ phế, trừ đàm, giải độc, chuyên dùng điều trị hỗ trợ cho người bị lao phổi.

Bài 4: Phổi lợn 1 cái, mộc nhĩ đen 30g, lạc còn vỏ lụa 100g, gia vị vừa đủ. Phổi lợn rửa sạch thái miếng, mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết rồi thái chỉ. Trước tiên, cho phổi lợn và lạc vào nồi, dùng lửa to đun sôi nhanh, với hết váng mỡ rồi hầm kỹ bằng lửa nhỏ. Khi chín, cho mộc nhĩ và gia vị vào rồi chia ăn vài lần trong ngày. Nếu có, cho thêm 30g vỏ lụa hạt lạc thì càng tốt. Hoặc dùng phổi lợn 200g rửa sạch thái miếng, nấu với bạch cập 15g và bột ý dĩ 15g. Công dụng: bổ phế, chỉ khái, cầm máu, dùng rất tốt cho những người bị ho ra máu.

Bài 5: Phổi lợn 300g, rửa sạch thái miếng, củ cải 200g, thái khúc, gừng tươi 4 lát, hành 1 củ, tỏi tươi 1 củ, gia vị vừa đủ. Đổ mỡ hoặc dầu thực vật vào nồi đun nóng già rồi cho hành, tỏi, gừng vào phi thơm. Tiếp đó cho phổi lợn vào xào qua, chế thêm 1.000ml nước rồi hầm kỹ bằng lửa nhỏ. Khi chín, chế thêm gia vị và một chút rượu vang, chia ăn vài lần trong ngày. Hoặc dùng phổi lợn 250g, đậu xanh 200g, bạch quả 10g, tất cả đem nấu chín, chế thêm gia vị rồi chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, bồi bổ phế âm, dùng cho những trường hợp bị áp-xe phổi, viêm phổi và màng phổi có mủ với ý nghĩa hỗ trợ điều trị.

Bài 6: Phổi lợn 500g rửa sạch thái miếng, gạo tẻ 100g, ý dĩ 50g. Tất cả đem nấu nhừ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Hoặc dùng phổi lợn 250g nấu với cát cánh 6g, tử uyển 6g, ăn trong ngày. Hoặc dùng phổi lợn 250g, hạnh nhân 10g, củ cải 200g; phổi lợn rửa sạch thái miếng, củ cải cắt khúc, hạnh nhân giã nhỏ, tất cả đem hầm thật nhừ rồi chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Cả 3 bài này đều có công dụng chỉ khái, hóa đàm, giải độc, chuyên dùng trị các chứng ho dai dẳng do phế khí hư.

Bài 7: Phổi dê 500g, thịt dê 150g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Phổi dê rửa sạch thái miếng, nấu lấy nước rồi cho gạo tẻ và thịt dê thái vụn vào nấu nhừ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ phế khí, ôn thận dương, điều hòa tiểu tiện, dùng thích hợp cho những người bị ho do phế hư, đái đường, tiểu tiện khó khăn hoặc đi tiểu nhiều lần.

Những món ăn – bài thuốc chế từ phổi lợn và dê cùng một vài vị thuốc trên đây nhìn chung đều khá đơn giản, dễ kiếm và dễ sử dụng. Các vị thuốc có thể mua ở những cơ sở đông dược. Một điều cần lưu ý là khi bị cảm cúm phát sốt thì không nên sử dụng các bài thuốc nêu trên.  

ThS. Hoàng Khánh Toàn (theo SK&DS)