Một câu hỏi vẫn luôn làm tôi day dứt: Chẳng lẽ, tất cả đàn ông đều xem tình dục là phần chủ yếu của cuộc sống vợ chồng nên một khi điều đó không được thỏa mãn thì họ sẵn sàng vứt bỏ vợ con?

Vị chuyên gia tư vấn nói với tôi rằng, đàn ông luôn ham muốn, luôn đòi hỏi...
15 năm chung sống. Hai đứa con lần lượt ra đời. Chúng đều xinh đẹp, ngoan ngoãn. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây anh đã là giám đốc một công ty luật nổi tiếng. Tôi cũng có một của hàng kinh doanh thời trang. Công việc làm ăn đang gặp lúc thuận lợi. Thế mà bỗng dưng anh nói hết yêu, anh nói không thể tiếp tục sống chung, anh nói muốn chia tay...
Khi hiểu rằng, anh không nói đùa, tôi chỉ muốn chết. Tôi muốn chết vì sự nhục nhã của một người đàn bà nhan sắc, tài giỏi nhưng lại bị chồng bỏ. Tôi muốn chết để trút hết gánh nặng nuôi dạy con lên vai anh như một cách trả thù.
Thế nhưng tôi không thể làm được điều đó mỗi khi nghĩ đến con.
Cuối cùng thì tôi đã phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Và có lẽ, đó là điều duy nhất đúng đắn trong lúc này bởi suốt 1 tuần lễ qua, đêm nào tôi cũng phải dùng thuốc ngủ mới có thể chợp mắt được vài giờ. Nếu tình hình không được cải thiện, có lẽ tôi sẽ quẫn trí làm liều.
“Chị hãy nhớ lại xem, trước đây, có lần nào anh ấy trái tính, trái nết không?”- vị chuyên gia tư vấn nhẹ nhàng hỏi. Trái tính, trái nết ư? Tất nhiên là có. “Hãy cố nhớ lại xem...”. Tôi bắt đầu lục lọi trong trí nhớ theo lời chuyên gia và bỗng nhớ rất rõ những lần “trái tính, trái nết” của chồng.
Đó là lần tôi sinh con đầu lòng. Lần đó, vừa đưa vợ vô bệnh viện, chồng tôi đã thông báo anh phải đi đàm phán hợp đồng ở Hà Nội 1 tuần lễ. Lúc ấy, tôi không để ý vì còn mãi ngất ngây với hạnh phúc làm mẹ. Khi anh trở về, tôi phát hiện trong va li của anh có một chiếc quần lót lạ. “Anh giải thích đi. Tại sao nó lại nằm trong hành lý của anh?”- tôi uất ức hỏi chồng. Mặt anh tái đi: “Chắc có đứa nào muốn chọc ghẹo anh nên lấy bỏ vào. Thật sự anh không biết. Anh thề với em đấy”. Anh đã thề sống, thề chết khiến tôi phải tin rằng, có kẻ nào đó muốn đùa để trêu mình vì biết tính tôi hay ghen.
“Trong thời gian chị có thai đứa thứ hai, chị thấy anh ấy có gì khác thường không?”- vị chuyên gia lại ân cần hỏi. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi bị stress nên vợ chồng ít gần gũi. Vả lại, hồi đó, hình như tôi đã dồn hết tình yêu, sự quan tâm cho con nên chẳng còn ham muốn chuyện gối chăn; thậm chí nhiều lần anh tỏ vẻ ham muốn, tôi còn giận dữ trách hờn anh không biết quan tâm đến những vất vả của vợ mà còn đòi hỏi tầm thường...
Khi con gái được đầy năm thì tôi phát hiện mình có thai. Điều đó khiến tôi hốt hoảng. Tôi đã chì chiết anh: “Trời ơi! Sao lại như vầy? Hết đẻ tới chửa, làm sao mà mần ăn đây?”. Tôi cho rằng, mọi lỗi lầm của cái chuyện “bể kế hoạch” là do chồng mình. Thế là đay nghiến. Thế là sợ hãi. Thế là vợ chồng cắng đắng. Đến nỗi chồng tôi bực tức: “Nếu em thấy không thể sinh con thì bỏ đi”.
Nhưng tôi không bỏ cái thai vì tôi nghĩ, đó là một hành vi tội lỗi. Tôi đã sinh con. Một đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Thằng bé lớn nhanh như thổi. Mới thôi nôi đã được gần 15 ký. Nhưng để bù trừ lại cái sự phát triển về cân nặng, thằng bé chẳng nói, chẳng rằng. Suốt ngày nó chỉ chơi với mấy con búp bê. Sợ quá, tôi ẵm con đi bác sĩ. Người ta nói nó bị bệnh tự kỷ.
Tiếp theo đó là những ngày tháng dài ra vô bệnh viện và ra nước ngoài điều trị cho con. Thằng bé dần dần khá lên nhưng mẹ nó thì bắt đầu một chứng bệnh khác. Bệnh sợ gần gũi đàn ông! À, tôi nhớ rồi, hồi sinh thằng nhỏ sau, chồng tôi cũng đi nước ngoài 1 tháng và nói rằng đi bảo vệ khách hàng trong một vụ kiện quốc tế phức tạp. Sau chuyến đi ấy, anh thay đổi hoàn toàn. “Thay đổi như thế nào?”- vị chuyên gia tư vấn vẫn kiên trì.
Tôi nhớ như in những ngày tháng đó. Trước mặt tôi không còn là người chồng nghiêm nghị, đạo mạo của mình. Anh vui vẻ, hoạt bát, hay nói, hay cười và nhất là luôn miệng huýt sáo, ca hát. Bạn tôi nói: “Mày coi chừng có đứa cuỗm mất chồng nghen. Không lo giữ, rồi có ngày chổng mông la làng”. Nhưng tôi không bận tâm bởi tôi biết mình có một lợi thế là được cả gia đình chồng yêu quý. Thậm chí, mẹ chồng còn bảo con trai: “Mày mà lộn xộn, má đập chết”. Điều đó cho tôi cảm giác, cái gia đình nhỏ của mình đã được che chắn bởi một bức tường thành bất khả xâm phạm.
Thế mà giờ đây, mọi thứ bỗng vỡ vụn. “Anh hãy nói thật lý do anh đòi ly hôn đi – tôi đã nói trong nước mắt - Em không tin là anh không cần con, không cần em”. Giọng anh thật nhẹ nhàng: “Anh cần con, anh cần vợ. Nhưng tiếc là rất lâu rồi anh không có vợ...”. Tôi gào lên: “Tại sao anh lại nói như vậy? Anh là đồ bội bạc mà...”. “Tại sao ư? Có bao giờ em tự hỏi mình đã làm tròn vai trò một người vợ chưa? Anh còn trẻ, còn tràn trề sinh lực. Vì vậy, anh muốn ôm trong tay mình một người vợ, một người bạn tình chứ không phải ôm một khúc gỗ”.
Kể đến đây, tôi không còn đủ sức để kể tiếp...
“Đàn ông, đôi khi họ như một đứa trẻ. Họ thích được yêu thương, cưng chìu; thích được âu yếm, vỗ về... Và còn một điều này nữa mà có lẽ thời gian qua chị đã quên. Đó là chuyện ân ái vợ chồng. Người đàn bà có thể không ham muốn, có thể bị tiết chế vì những lo toan đời thường. Nhưng đàn ông không thế. Họ luôn ham muốn, luôn đòi hỏi...”. Tôi ngẩn người ra nhìn vị chuyên gia tư vấn. Đúng là tôi đã không nghĩ đến điều này.
Tôi hiểu rồi, nhưng đã không còn kịp nữa. Nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ không mắc sai lầm như thế.
Nhưng một câu hỏi vẫn luôn làm tôi day dứt: Chẳng lẽ, tất cả đàn ông đều xem tình dục là phần chủ yếu của cuộc sống vợ chồng nên một khi điều đó không được thỏa mãn thì họ sẵn sàng vứt bỏ vợ con?
Meo.vn (Theo Nguoilaodong)