Một giấc ngủ ngon sẽ giúp tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Ngủ không sâu, không trọn giấc làm tăng khả năng mắc chứng viêm, dẫn tới bệnh tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao, tăng lượng đường huyết, các chất kháng insulin với những người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Sau đây là 5 yếu tố thường ngày đang ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giấc ngủ của bạn.
Sự cô đơn
Theo kết quả nghiên cứu mới đây, sự cô đơn không chỉ có hại cho sức khỏe tim mạch, trí não mà còn ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
Nghiên cứu trên 95 người trưởng thành tại phía nam Dakota (Mỹ) đã phát hiện ra rằng giấc ngủ của những người tự nhận mình cô đơn thường bị chia cắt thành nhiều phân đoạn hơn so với những người không nghĩ mình cô đơn.
Sống trên cao
Cuộc nghiên cứu “Giấc ngủ và nhịp thở” được tiến hành vào năm 1999 cho thấy, sống ở một nơi quá cao với so với mặt đất cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ như kéo dài thời gian tỉnh thức, gián đoạn giấc ngủ, gây thiếu oxy về đêm (nồng độ oxy trong máu thấp) và giảm nhịp thở.
Tiến sĩ Michael Decker, phó giáo sư tại Đại học bang Georgia (Mỹ) cho biết: “Khi bạn sống trên cao, không khí càng mỏng hơn, khiến nhịp thở rối loạn, không đều. Và khi nhịp thở không đều sẽ làm não bộ thức tỉnh và gây rối loạn giấc ngủ”.
Ngủ với thú cưng
Các bác sĩ thú y đã khuyến cáo mọi người không nên ngủ chung với thú cưng do lo ngại nguy cơ mắc một số bệnh từ vật nuôi và đặc biệt là ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
Nghiên cứu năm 2002 từ bệnh viện Mayo (Mỹ) cho thấy 21% chó nuôi trong nhà ngủ ngáy vào ban đêm và hiện tượng này ở mèo là 7%.
“Ngủ cùng với vật nuôi sẽ khiến bạn bị gián đoạn giấc ngủ bởi tiếng ồn do chúng tạo ra”, Tiến sĩ Decker nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, ông khuyên mọi người không nên cho vật nuôi ngủ vào trong phòng ngủ hoặc cho chúng nằm dưới sàn nhà.
Làm việc ca đêm
Làm việc ca đêm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ nghiêm trọng hơn mọi người nghĩ.
Theo cuộc khảo sát năm 2005 của Tổ chức giấc ngủ, 14% công nhân Mỹ làm ca đêm mắc các bệnh liên quan tới chất lượng giấc ngủ như chứng mệt mỏi, gián đoạn giấc ngủ, và mất ngủ.
Tiến sĩ Decker giải thích, việc làm ca đêm và chứng khó ngủ vào ban ngày là do cơ thể con người nhạy cảm với ánh sáng, trái với quy luật của đồng hồ sinh học trong cơ thể. Trong đó, ánh sáng và bóng tối là những tín hiệu giúp đồng bộ hóa hệ thống sinh học của cơ thể để thích nghi với môi trường sống.
Điều này cũng giải thích nguyên nhân vì sao con người thường bị khó ngủ khi thay đổi vị trí địa lý. Chu kỳ ngủ trong não bộ mất đi tính đồng bộ do lệch múi giờ và sẽ phải mất vài ngày cơ thể mới lấy lại cân bằng sinh học trong môi trường sống mới.
Nhiệt độ phòng
Nhiệt độ trong phòng cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ cơ thể cũng bắt đầu giảm nhiệt, báo hiệu thời gian nghỉ, ngủ.
Khi màn đêm dần qua để đón chào ngày mới, nhiệt độ cơ thể cũng sẽ tăng dần lên, cho tới khi đạt gần bằng nhiệt độ phòng và chính lúc này các tín hiệu não bộ sẽ đánh thức chúng ta dậy.
Nếu duy trì mức nhiệt trong phòng quá ấm, thì nhiệt độ trong cơ thể cũng sẽ tăng theo, khiến chúng ta dể tỉnh giấc. Giữ nhiệt độ phòng ở mức mát (không quá lạnh), sẽ cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ và giúp bộ máy nhiệt trong não bộ hoạt động như đã được lập trình.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mặc dù mỗi người có một mức thân nhiệt khác nhau, nhưng chúng ta nên giữ nhiệt độ phòng khoảng 19 - 23ºC.
Meo.vn (Theo Infonet)