Lưu trữ cho từ khóa: chất điện giải

Những cách tự nhiên giúp cơ thể khỏe mạnh

Làm vườn, tập thể dục ngoài trời, uống trà thảo dược... được coi là những cách tự nhiên giúp cơ thể khỏe mạnh.

Để có một cơ thể khỏe mạnh, hãy tìm những cách mà tự nó có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn từ sức mạnh tích cực của chúng.

1. Làm vườn

Tác dụng tích cực làm vườn vào tâm trạng con người đã được ghi nhận trong các thử nghiệm khoa học.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng người làm vườn đạt được sự hài lòng cao hơn so với những người không làm vườn. Cho dù đó một người thợ chuyên nghiệp hay là một người mới làm.

2. Tập thể dục ngoài trời

Một số nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục ngoài trời ít giận dữ, chán nản, căng thẳng, so với chỉ những người làm việc trong phòng tập thể dục.

Thêm vào đó, những nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng chỉ cần năm phút trong tự nhiên cũng có thể tác động tích cực đến tâm trạng của bạn. Do đó, hãy thử đi bộ ngoài trời nếu muốn cải thiện sức khỏe.

Thể dục ngoài trời cho bạn một sức khỏe tốt

3. Thở chậm

Tiến hành động tác hít sâu thở chậm trong vòng hơn một phút, có thể giúp mang lại bình tĩnh đến cho tinh thần của bạn. Trong thực tế, một nghiên cứu cho thấy rằng hít thở sâu trong 30 giây có thể làm giảm huyết áp tạm thời

4. Nhận những bông hoa tươi

Nhận hoa làm tăng hạnh phúc, hoa hướng dương, hoa tử đinh hương và con ngươi có ảnh hưởng lớn nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết khi nhìn thấy hoa có thể cải thiện trí nhớ gần đây ở người cao tuổi.

5. Uống trà thảo dược

Uống nước đầy đủ giúp giữ cho sức khỏe con người ổn định. Cần tính các loại trà thảo dược vào lượng nước hàng ngày của bạn.

Hãy thử bạc hà để hỗ trợ tiêu hóa, hoa cúc để thư giãn và quế thay cà phê. Đặc biệt là trong thời gian tập thể dục, hãy thử nước dừa (nước có chứa các chất điện giải bị mất qua mồ hôi).

Meo.vn (Theo Laodong)

Cách khắc phục ban đầu triệu chứng tê tay, chân

Khoảng gần 3 tháng nay, thỉnh thoảng, ngày cũng như đêm, khi thì tay và chân trái; khi thì tay và chân phải tôi bỗng tê không nhấc lên được.

Chào bác sĩ. Tôi 33 tuổi, có hai con. Công việc chính của tôi là làm việc trên máy tính. Khoảng gần 3 tháng nay, thỉnh thoảng, ngày cũng như đêm, khi thì tay và chân trái; khi thì tay và chân phải tôi bỗng tê không nhấc lên được.

Đôi lúc, tôi có cảm giác như chân và tay “cứng” không cử động được. Ngoài ra, thỉnh thoảng, tôi lại thấy nhức trong xương và nửa đầu bên tay, chân bị cứng.

Mong bác sĩ tư vấn dùm có phải tôi bị bệnh gì không? Nếu có thì bệnh này có thể chữa hết không? Cám ơn bác sĩ! - (thuhong33)

Trả lời


Căn cứ theo những triệu chứng em mô tả thì em có tình trạng tê ½ người cùng với nhức đầu. Tuy nhiên, triệu chứng có vẻ mơ hồ, lan tỏa và không rõ ràng là tổn thương vị trí nào (tổn thương não, hay chỉ ở tay chân...).

Em cần kiểm tra lại có làm việc quá mức trong thời điểm xảy ra tình trạng này hay không. Nếu loại được nguyên nhân này, em nên kiểm tra các chất điện giải, đặc biệt là Calci, magne và potassium.

Theo tôi, để khắc phục triệu chứng này ở giai đoạn đầu, em nên có những động tác thể dục giữa giờ đơn giản, mục đích giúp thư giãn cơ và làm cho khớp được vận động nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, em cũng nên ăn uống đầy đủ và cân đối các chất khoáng, nước.

Trường hợp các chất điện giải trong giới hạn bình thường, em cần đến khám ở một bác sĩ nội khoa để có thể định hướng bệnh giúp em làm những thăm dò cận lâm sàng sau khi khám trực tiếp. Việc điều trị bệnh có thể sẽ rất đơn giản nhưng cũng có thể phức tạp tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh. Chúc em mau chóng khắc phục được tình trạng này.

Thân mến.

Theo BS. Thái Thị Hồng Ánh

Meo.vn (Theo PhunuTPHCM)

Lời khuyên khi cho trẻ uống thuốc

Trẻ em là đối tượng đặc biệt trong sử dụng thuốc, vì thế, khi trẻ bị bệnh, cách an toàn nhất là đưa đi bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc...

 

Phải cho trẻ dùng thuốc theo đúng đơn thuốc, nghĩa là phài thực hiện đúng 4 lời khuyên: đúng thuốc (đúng tên thuốc ghi trên toa thuốc của bác sĩ), sủ dụng đúng cách, đúng liều và đúng thời gian (cả về số lần dùng thuốc và thời gian dùng thuốc).

Khi trẻ bị một số rối loạn nhẹ, ta có thể cho trẻ dùng thuốc tại nhà, nhưng chỉ các thuốc thông thường và ta hiểu rõ về cách sử dụng cũng như tác dụng của thuốc. Ví dụ, khi trẻ bị sốt, ta có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa paracetamol, hay trẻ bị ho, nôn ói, có thể dùng thuốc uống dạng sirô có chứa chất kháng histamin làm giảm ho và trị nôn ói. Nếu dùng các thuốc này trong vòng 3 ngày mà không khỏi, thì nên đưa trẻ đến bác sĩ khám.

Để trẻ uống thuốc dễ dàng hơn



Nên chọn loại thuốc phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ. - Ảnh minh họa.

Trước hết, ta cần chọn dạng thuốc thích hợp cho trẻ. Đó là dạng thuốc lỏng như sirô, hỗn dịch, nhữ dịch (hỗn dịch, nhũ dịch là dạng thuốc lỏng có phần trắng đục như sữa,  trước khi uống cần lăc kĩ chai để thuốc trộn đều) hoặc thuốc giọt hòa vào nước để uống. Đây là các thuốc đã được bào chế thơm, ngọt để trẻ thích uống. Ngoái ra còn có dạng thuốc bột, thuốc cốm đựng trong gói, khi uống sẽ hòa với nước thành dạng lỏng có mùi thơm, vị ngọt, dễ uống đối với trẻ em. Còn thuốc dạng viên uống chỉ nên dùng cho trẻ lớn, có khả năng uống được thuốc viên. Không nên nghiền nhỏ viên thuốc hoặc mở viên nang cho trẻ em uống, vì có một số loại thuốc chứa dược rất đắng, hay có mùi khó chịu khiến trẻ sợ uống thuốc.

Điều cần lưu ý nữa là không nên hù dọa, tạo không khí căng thẳng mà nên mềm mỏng, kiên trì thuyết phục cho trẻ uống thuốc.

Một vài cách cho trẻ uống thuốc

Cho trẻ uống thuốc bằng ống nhỏ giọt sẽ tốt hơn, đặc biệt là trẻ sơ sinh. - Ảnh minh họa.

 

Đối với trẻ còn quá nhỏ nên cho trẻ nằm hơi dốc, đầu cao hơn một chút và nghiêng qua một bên để tránh sặc thuốc. Dùng ngón tay cái của bàn tay đang ôm trẻ ân vào cằm để mở miệng trẻ, bàn tay kia dùng muỗng để đổ thuốc vào. Ở nước ngoài người ta dùng ống nhỏ giọt hay bơm tiêm không có kim (loại bơm tiêm dùng một lần bán ở nhà thuốc) thay cho muỗng lấy thuốc lỏng, lấy thể tích chính xác dùng cho trẻ, nhỏ từ từ vào miệng trẻ, khi ấy, việc cho trẻ uống thuốc sẽ dễ dàng và tốt cho trẻ hơn.

Đối vớitrẻ lớn hơn, nên để trẻ đứng hoặc để uống thuốc với đầu hơi nghiêng ra sau chứ không ngửa hẳn. Nếu được, nên hòa thuốc dạng lỏng vào ly nước và khuyến khích trẻ tự cầm ly uống.

Những điều không nên

Không nên trộn thuốc vào sữa, bột hay thức ăn, thức uống của trẻ. Mùi vị thơm ngon của thức ăn, thức uống sẽ hòa lẫn với mùi lạ của thuốc. Trẻ kén ăn hay nhạy cảm với mùi vị sẽ phản ứng, từ chối thức ăn, thức uống đã được pha thuốc. Đối với những trẻ lớn hơn, việc trộn thuốc vào thức ăn hay thức uống sẽ khiến trẻ cảm thấy bị lừa và mất lòng tin vào cha mẹ.

Tủ thuốc gia đình nên có gì ?

Ảnh minh họa.

 

Trong mọi tủ thuốc gia đình, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ nên có thuốc giảm đau, hạ sốt chứa paracetamol để hạ sốt cho trẻ khi cần. Các thuốc kháng histamin ở dạng sirô (Phenergan, Théralène) để trị ho, nôn ói và dị ứng. Gói Oresol để bù nước và chất điện giải khi trẻ bị tiêu chảy. Nên có dung dịch nhỏ mũi NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để nhỏ mũi khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi. Dung dịch sát khuẩn như Povidine để sát trùng các vết thương ngoài da. Các thuốc thông thường này có thể hỏi dược sĩ tại nhà thuốc hoặc đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi cho trẻ dùng.

Điều cần đặc biệt lưu ý nữa là các bậc phụ huynh nên cất giữ thuốc ở nơi trẻ không thể lấy được. Vì tính tò mò trẻ có thể lấy uống và có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Lưu ý với các dị ứng thuốc có thể xảy ra

Một số trẻ có thể quá mẫn cảm (thường gọi là không chịu thuốc) với một số thành phần của thuốc và có dấu hiệu dị ứng. Vì vậy cần phải quan sát kĩ trẻ trong và sau khi uống thuốc. Khi trẻ bị dị ứng thuốc thường có các triệu chứng: dị ứng nổi mề đay, ngứa, vật vã, kích thích, nôn, rối loạn tiêu hóa, khó thở… Nếu trẻ có các triệu chứng trên cần dừng thuốc ngay và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp điều trị kịp thời.

PGSTS. Nguyễn Hữu Đức

Meo.vn (Theo Thuốc & Sức khỏe)

Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy cấp

Người dân vùng lũ đang phải chống đỡ những dịch bệnh có thể phát sinh sau lũ như tả, thương hàn, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ…

Trong điều kiện mưa lũ ngập lụt, đi lại khó khăn, khi trẻ mắc tiêu chảy cấp cần xử trí tại nhà thế nào?

Rotavirut - Mối nguy hiểm cho trẻ em

Sau mưa lũ, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do rotavirut ở trẻ em là rất lớn.

Khi bị lây nhiễm virut khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6 - 12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Trong giai đoạn này trẻ sẽ bị mất nước nếu bị kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong.


Phải cho uống oresol nếu trẻ đang bú mẹ bị tiêu chảy cấp. Ảnh: N.Đ

Chăm sóc tại nhà thế nào?

Ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3 - 8 ngày. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, ưu tiên hàng đầu là dung dịch muối đường để bổ sung nước và cả chất điện giải (còn gọi là muối khoáng như Na, kali, chlor…) bị mất qua phân và chất nôn mửa, dung dịch uống thường sử dụng là dung dịch oresol

Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài gây ứ đọng, chướng ruột.

Cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chia nhỏ làm nhiều bữa, tránh kiêng khem quá mức. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú nhiều và lâu hơn, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn cho trẻ uống thêm oresol sau bú mẹ.

Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dịch như oresol, thức ăn lỏng (nước xúp, nước cơm, nước cháo) hoặc nước sạch. Nếu bú bình thì vệ sinh bình sạch sẽ, không đổi loại sữa.

Cách pha oresol

Trẻ < 2 tuổi: uống 50-100ml nước oresol sau mỗi lần đi  ngoài và giữa mỗi lần. Trẻ ≥ 2 tuổi: 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài và giữa mỗi lần. Nếu trẻ nôn, ngừng 10 phút sau đó tiếp tục cho uống nhưng chậm hơn, tiếp tục cho trẻ uống cho tới khi ngừng tiêu chảy.

Cần đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế  khi trẻ có một trong những biểu hiện sau: Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục), nôn tái diễn, trẻ rất khát, ăn uống kém hoặc bỏ bú, tình trạng không được cải thiện sau 2 ngày điều trị, sốt cao hơn, có máu trong phân.

Giữ vệ sinh để phòng bệnh

Đối với tiêu chảy cấp do rota virut, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh.

Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Sau mưa lũ, cần vệ sinh nhà cửa, lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B. Nguồn nước cũng phải đảm bảo vệ sinh, khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế.

BACSSI.com (Theo Suckhoedoisong)

Điều kỳ diệu từ ORESOL

Bị tiêu chảy cấp sẽ mất nước do nước theo phân ra ồ ạt – chính điều này đưa đến suy luận của khá nhiều người, trong đó có một số bà mẹ là: nếu không uống hoặc hạn chế uống nước, sẽ cầm được tiêu chảy! Do suy luận đơn giản như vậy, đã có rất nhiều người, đa số là trẻ con, tử vong vì mất nước và chất điện giải khi bị tiêu chảy.


Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 1,3 tỉ đợt trẻ em dưới năm tuổi bị tiêu chảy, trong đó 3,5 – 4 triệu trường hợp tử vong. Việt Nam là nước đứng thứ ba ở châu Á về số trẻ em nhập viện vì tiêu chảy cấp với tỷ lệ 54%, chỉ sau Hàn Quốc (73%) và Myanmar (56%). Khảo sát tại các bệnh viện nhi cho thấy tình hình trẻ em tiêu chảy cấp điều trị nội trú mỗi năm mỗi tăng. Trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi nhập viện do tiêu chảy cấp đạt tỷ lệ cao nhất: 70%.

Cứu nước đường miệng

Vấn đề hàng đầu được đặt ra trong điều trị tiêu chảy cấp, đặc biệt đối với trẻ con, không phải là tìm được thuốc làm dứt ngay tiêu chảy (việc này sẽ làm sau) mà là bù kịp thời lượng nước và chất điện giải bị mất đi. Nếu bù không kịp, người bệnh bị mất nước và chất điện giải trầm trọng chắc chắn sẽ tử vong. Không chỉ với tiêu chảy cấp mà khi bị bệnh sốt xuất huyết hoặc ói mửa trầm trọng, trẻ cũng rất cần được bù nước và chất điện giải để cải thiện tình trạng rối loạn.

Từ đầu thế kỷ 20, các nhà sinh lý học đã nhận thấy trong trường hợp bị tiêu chảy, niêm mạc ruột vẫn có khả năng hấp thụ tốt (trái với suy nghĩ của nhiều người cho là chính niêm mạc ruột không hấp thụ thức ăn nên gây tiêu chảy). Đặc biệt, các nhà sinh lý học đã xác định nồng độ các chất điện giải bị mất đi trong phân tiêu chảy cấp. Việc nghiên cứu đi đến khẳng định: hoàn toàn có thể bù nước và các chất điện giải qua đường uống bằng một dung dịch chứa đường glucose và các ion chất điện giải, miễn sao tỷ lệ các chất này phải thích hợp, và được gọi tắt là dung dịch muối – đường. Đến thập niên 1960, việc sử dụng dung dịch muối – đường mới được áp dụng cho bệnh nhân bị dịch tả nhưng chỉ lẻ tẻ.

Có thể tự tạo dung dịch muối – đường
Đối với các vùng nông thôn, nếu không có điều kiện mua ORESOL, có thể tạo dung dịch muối – đường bằng một trong hai cách sau:

- Pha một muỗng càphê muối ăn (gạt ngang) và tám muỗng càphê đường cát (gạt ngang) vào một lít nước đun sôi để nguội (không có điều kiện đun thì cứ dùng nước thường, không có dụng cụ 1 lít dùng chén ăn cơm đong bốn chén nước đầy cũng được), vắt nửa trái cam vào dung dịch để có thêm kali.

- Nấu 50g gạo với nước, cho thêm muối thành nước cháo muối (tinh bột của gạo ở đây khi nấu lên đóng vai trò chất đường).

Năm 1971, một sự kiện đã giúp phương pháp bù nước và chất điện giải qua đường miệng được áp dụng rộng rãi và thu được những con số thuyết phục. Lúc đó dịch tả bùng phát ở các trại tị nạn chiến tranh dành cho hàng chục triệu người Bangladesh trên đất Ấn Độ. Số bệnh nhân quá đông, bù nước bằng dịch truyền qua đường tĩnh mạch không thể đáp ứng nổi, bắt buộc các bác sĩ ở đây phải áp dụng phương pháp bù nước qua đường miệng bằng dung dịch muối – đường. Không ngờ, phương pháp này cứu sống hàng triệu người, hạ tỷ lệ tử vong từ 30% xuống còn 3%. Kết quả này đã thuyết phục WHO thiết lập chương trình phổ biến phương pháp có thể xem là hàng đầu điều trị tiêu chảy cấp ra khắp thế giới. Dung dịch đó được gọi là ORESOL hay ORS (viết tắt của Oral Rehydration Salts, tức hỗn hợp muối dùng để bù nước qua đường miệng), có thể dùng ở nhà thay cho cách tiêm tĩnh mạch nhỏ giọt thường chỉ thực hiện được ở bệnh viện.

Sử dụng sao cho hiệu quả?

Khi pha thành dung dịch bù nước và chất điện giải có thể hấp thu được, mỗi gói ORESOL theo tiêu chuẩn WHO có thành phần như sau: 3,5g NaCl, 1,6g KCl, 2,5g NaHCO3 (ở xứ nhiệt đới ẩm như ta, NaHCO3 có thể bị hút ẩm hỏng, do đó được thay bằng 2,9g trinatri citrat) và 20g glucose. Hiện nay nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của gói ORESOL mới có thành phần được cải tiến từ ORESOL “kinh điển”: 2,6g NaCl, 1,5g KCl, 13,5g glucose... Nghiên cứu cho thấy, dùng dung dịch ORESOL mới tỷ trọng thấp làm giảm 33% số trẻ phải truyền dịch, giảm 20% lượng phân bài tiết ra ngoài, giảm 30% số trẻ bị nôn ói. Mỗi gói ORESOL được pha trong 1 lít nước (đun sôi để nguội là tốt nhất). Khi bị tiêu chảy cấp, trong 6 – 8 giờ đầu có thể uống dung dịch thoải mái, hoặc uống cho đến khi hết dấu hiệu mất nước. Ngoài ra, cần lưu ý:

Phải pha theo đúng tỷ lệ một gói trong một lít nước, vì pha loãng muối quá sẽ bù nước không đủ, pha loãng đường quá sẽ kém hấp thu, còn đặc quá đối với trẻ sẽ không tốt: thừa muối gây nguy hiểm, thừa đường làm tiêu chảy nhiều hơn.

Dung dịch pha xong chỉ uống trong ngày, còn thừa qua ngày hôm sau phải bỏ vì dung dịch sau khi pha là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển, trong đó có các mầm bệnh.

Trẻ con bị tiêu chảy cấp tạm ngưng cho bú, cho ăn 12 – 24 giờ. Sau đó vẫn cho ăn, bú bình thường (thức ăn dễ tiêu như cháo thịt nạc thêm càrốt, nếu bú bình thường nên pha sữa loãng). Nếu trẻ bị tiêu chảy quá nhiều kèm nôn ói, nóng sốt, nên cho trẻ đi khám ở bác sĩ hoặc bệnh viện.

Không chỉ tiêu chảy cấp, khi trẻ nghi ngờ hay đã bị sốt xuất huyết, hoặc nôn ói nhiều vì bất cứ nguyên nhân gì ta nên dùng gói ORESOL pha cho cháu uống theo chỉ dẫn đã nêu.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Meo.vn (Theo SGTT)

Tử vong vì uống thuốc sai cách

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhi ngộ độc muối do người nhà cho bé uống oresol không đúng quy định. Bệnh nhân tử vong sau 18 giờ dù đã được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Được biết, bệnh nhi bị tiêu chảy và nôn ở nhà từ hôm trước. Người mẹ đã cho bé uống hết hơn 3 gói oresol bằng cách pha từng ít một ra chén và cho trẻ uống liên tục vì thấy cháu vẫn khát.

Đây chính là nguyên nhân làm cho cháu tử vong vì tiêu chảy mất nước ưu trương nặng do uống dung dịch oresol pha sai nồng độ. Lượng muối quá đậm đặc làm trẻ tử vong do phù não cấp tính nặng.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên đến bệnh viện vì uống bột oresol sai nồng độ. Có khá nhiều bà mẹ trẻ đã cho con uống oresol không đúng cách khiến con mình lâm vào tình trạng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.

Oresol đã cứu sống hàng triệu trẻ em bị tiêu chảy cấp

Tiêu chảy là hiện tượng đi đại tiện bất thường từ 3 lần trở lên trong ngày, phân lỏng hoặc nhiều nước, thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Bệnh tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn đường ruột, dị ứng, nhiễm độc, ngộ độc thức ăn. Khi bị tiêu chảy cấp tính, cơ thể mất nhiều nước và muối khoáng dẫn đến rối loạn tuần hoàn, nhiễm độc thần kinh, nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh tiêu chảy cấp tính mất nước ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm. Đây là bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ em tại các nước đang phát triển. Từ khi xuất hiện dạng thuốc gói bột oresol để pha thành dung dịch uống bù nước và điện giải đã cứu sống hàng triệu trẻ em trên thế giới. Gói thuốc bột oresol là dạng thuốc rất phổ biến, dễ bào chế, được trang bị đến tất cả các cơ số thuốc cấp cứu của y tế xã. Oresol cũng được các thầy thuốc khuyên dùng ở gia đình khi có người bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn, sốt cao... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sử dụng nó phải đúng cách, tức là phải pha đúng nồng độ quy định.

Oresol (Oral Rehydration Salts: ORS) có công thức gồm natri clorid: 3,5g; natri citrar 2,9g; kali clorid 1,5 g và glucose 20g. Một số nơi bào chế có thể thay natri citrat bằng natri hydrocarbonat 2,5 g. Gói thuốc bột oresol rất dễ hút ẩm và bị chảy nước, do đó được đóng trong túi nhôm, hàn kín, bảo quản ở nơi khô ráo. Với trọng lượng gói thuốc 27,5g, khá rẻ tiền, nó rất tiện dụng để cấp phát đến tận gia đình. Tuy nhiên điều cần lưu ý nhất khi sử dụng loại thuốc này là phải pha một gói thuốc có khối lượng 27,5g vào đủ 1 lít nước đun sôi để nguội rồi mới được uống dần từng ít một dung dịch đó trong ngày. Điều quan trọng này lại rất nhiều người quên.  Khá nhiều bà mẹ trẻ đã pha gói thuốc không đúng cách, pha quá đặc, không đủ 1 lít nước cho 1 gói oresol nên trẻ con uống vào bị tăng áp lực thẩm thấu máu do nồng độ natri lên quá 150mmol/l gây phù não cấp tính.

Cách pha thuốc oresol để tạo dung dịch có nồng độ đúng quy định

Khi dùng thuốc oresol để bù nước và điện giải, điều quan trọng đầu tiên là phải tạo ra một dung dịch đúng nồng độ quy định. Nhà sản xuất và thầy thuốc bao giờ cũng hướng dẫn người sử dụng phải pha 1 gói thuốc 27,5 g vào 1 lít nước rồi mới cho người mất nước, tiêu chảy uống dần dung dịch đó. Điều này cũng được ghi rõ trên bao bì của gói thuốc. Nếu không uống hết 1 lít dung dịch đó, ta có thể bỏ đi và khi cần lại pha gói khác cũng vào 1 lít nước để uống tiếp. Xin nhắc lại là luôn luôn phải pha 1 gói thuốc vào 1 lít nước cho tan hết rồi mới được uống. Nhiều người đã không để ý đến điều quan trọng này mà lại pha gói thuốc dần từng ít một vào cốc, chén rồi uống hết đến đâu lại pha tiếp. Đây là kiểu dùng thuốc oresol rất nguy hiểm, không đúng cách và gây tử vong cho trẻ nhỏ đã nói ở trên. Có gia đình do không có dụng cụ đựng đủ một lít nước nên đã ra mua 1 chai nước khoáng 250 ml  (1/4 lít) rồi dốc cả gói thuốc oresol vào chai, lắc đều và cho người bệnh uống từng ít một. Cách dùng này rất sai lầm vì chai nước khoáng bản thân nó cũng đã có một số chất khoáng, tức là đã có các ion kim loại. Hơn nữa nó cũng không đủ dung tích 1 lít nên nồng độ dung dịch tạo ra không đúng quy định, rất đậm đặc. Khi bệnh nhân uống dung dịch này sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy tuyệt đối không được pha oresol với bất cứ dung dịch nước đóng chai nào. Chỉ được pha nó với nước đun sôi để nguội. Nếu không có dụng cụ đo 1 lít nước thì pha vào bát to bằng cách lấy ca đong. Trong trường hợp nói trên, có thể lấy vỏ chai đựng nước khoáng loại 250 ml để đong và cần 4 lần chai 250ml nước đun sôi để nguội cho 1 gói thuốc oresol.

Một số lưu ý khi sử dụng oresol

Thuốc bột oresol được dùng cho các trường hợp tiêu chảy mất nước nhưng đôi khi người ta vẫn dùng cho người không bị tiêu chảy nhưng ra nhiều mồ hôi, mất nước như đi dã ngoại, sau khi hành quân. Tuy nhiên cần thận trọng với người bị các bệnh về tim mạch, gan, thận do thuốc có thành phần chất điện giải khá cao. Khi dùng oresol cho các trường hợp tiêu chảy nặng vẫn phải tiêm truyền dung dịch glucose đẳng trương 5%.

Người bệnh nên nhớ rằng oresol là thuốc bù nước và bổ sung chất điện giải. Một tình trạng thường xảy ra khi mắc bệnh tiêu chảy cấp hoặc ra mồ hôi nhiều. Do đó trong các bệnh tiêu chảy như tả, tiêu chảy cấp tính cần phải dùng các thuốc khác nữa như thuốc kháng sinh, thuốc chống độc, thuốc chống rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột... Vì vậy, khi bệnh nhân bị tiêu chảy cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để dùng thuốc đúng quy định.

Làm gì khi không có sẵn oresol?

Tại một số địa phương miền núi hoặc vùng xa không có sẵn gói bột oresol, trong trường hợp khẩn cấp cần dùng dung dịch bù nước và điện giải, người ta có thể áp dụng các cách sau đây: Lấy 1 thìa muối ăn và 8 thìa đường pha vào 1 lít nước và uống dung dịch này từng ít một trong ngày. Nên nhớ là loại thìa pha cà phê, tức là thìa loại nhỏ và tỷ lệ giữa muối và đường là 1/8. Nếu không có đường thì nấu cháo loãng (6 bát nước và một nắm gạo), cho vào một nhúm muối rồi chắt lấy nước cho bệnh nhân uống. Cần chú ý cho người bệnh uống đủ nước, bổ sung nước hoa quả tươi, nước dừa cũng rất tốt. Nếu trẻ đang bú mẹ thì phải tiếp tục cho bú. Không được thấy trẻ đi ngoài nhiều nước mà kiêng bú và kiêng uống nước sẽ rất nguy hiểm.

ThS. Lê Quốc Thịnh

Tác dụng tuyệt vời của nước dừa

Nước dừa tốt cho người hay uống rượu vì làm giảm đau đầu vào buổi sáng hôm sau.

Các nước phương Tây không trồng được dừa, nhưng người dân ở những nước này coi nước dừa như “nước của sự sống”.
Tại sao vậy? Đối với những người hay uống rượu thì một cốc nước dừa quả là tuyệt vời vì nó có tác dụng làm giảm cơn đau đầu vào buổi sáng do đêm trước đã uống rượu mạnh.
Mười năm trước đây, Cơ quan Lương - Nông của Liên Hợp Quốc (FAO) đã được cấp giấy phép để sản xuất loại nước dừa tươi đóng chai mà vẫn giữ được các chất dinh dưỡng của nó. Theo một quan chức của tổ chức này, nước dừa đóng chai vẫn giữ được 5 chất điện giải (electrolyte, là chất giúp truyền điện trong máu nhờ các ion) như trong máu của người.

Gọi nước dừa là “nước của sự sống” quả không sai. Trong nước dừa tươi có rất ít calo, rất ít chất béo và ít đường hơn nhiều loại nước quả khác. Thậm chí, trong một số trường hợp cần thiết, nước dừa đã được sử dụng như loại nước truyền tĩnh mạch để cấp cứu bệnh nhân khi không có sẵn dung dịch truyền mạch.

Tiến sĩ Lilian Cheung, một chuyên gia dinh dưỡng tại Trường ĐH Harvard cho biết, chính các chất điện giải trong nước dừa đã giúp làm giảm các triệu chứng say rượu, vì nó giúp giải độc, cung cấp nước cho cơ thể và làm giảm hẳn cơn nhức đầu.

Tại các nước nhiệt đới trồng nhiều dừa, nước dừa là một loại đồ uống rất phổ biến từ bao đời nay. Hiện nay, những người luyện tập thể dục thể thao cũng ngày càng chú ý nhiều hơn đến giá trị dinh dưỡng của nước dừa. Năm 2009, doanh số bán nước dừa đóng chai tại Mỹ đã lên tới 50 triệu USD.

Hai hãng sản xuất đồ uống nổi tiếng là Coca Cola và Pepsi Cola đã mua hai thương hiệu nước dừa nổi tiếng là Zico và O.N.E. Những người ủng hộ nước dừa đã ca ngợi nhiều tính chất quý báu của nó, từ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể cho đến tính chất giảm đau cho phụ nữ khi bị hành kinh.

Nhưng theo Tiến sĩ Cheung, hiện nay vẫn chưa có bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh những tính chất trên là đúng, kể cả việc cho rằng uống nước dừa nhiều có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, hiện nay giới công nghệ vẫn rất chú ý tới nước dừa. Chẳng hạn, hãng Coca Cola đã đưa thêm vào thị trường sản phẩm Code blue được cho là loại nước dừa chứa nhiều các chất điện giải tự nhiên.

Theo Time/PNO

“Hồi sức” giá rẻ, hiệu quả cao

Nhiều người thường “cầu cứu” đến nước tăng lực sau khi tham dự những cuộc vui xuân quá đà hoặc cảm thấy sa sút “phong độ”. Thế nhưng, đây có phải là loại nước giúp phục hồi sức khỏe hiệu quả?

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, nước tăng lực loại 250ml trung bình có chứa 25g đường. Nếu dùng hết lượng nước trên sẽ vượt quá nhu cầu khuyến nghị về lượng đường trong một ngày cho người bình thường (dưới 20g/ngày/người theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia).

Như vậy, những người bị tiểu đường, béo phì… nếu uống nước tăng lực thì… không ổn! Đối với trẻ em hay người suy dinh dưỡng, biếng ăn… khi uống nước tăng lực sẽ bị “no ngang” làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng vốn có. Chất cafein có trong nước tăng lực cũng không tốt cho người bị đau dạ dày, rối loạn thần kinh thực vật, stress…

Để hồi sức, có nhiều loại nước uống dinh dưỡng giá rẻ nhưng hiệu quả cao, vừa tăng cường sức khỏe vừa tăng sức đề kháng, trong đó có nước chanh dây

Để hồi sức, có nhiều loại nước uống dinh dưỡng giá rẻ nhưng hiệu quả cao, vừa tăng cường sức khỏe vừa tăng sức đề kháng, trong đó có nước chanh dây. Chanh dây chứa nhiều vitamin C, A, B, E; các khoáng chất kali, sắt, magiê… vì thế, có tác dụng nhanh sau khi uống. Dùng chanh dây thường xuyên sẽ giúp đẹp da, sáng mắt. Có nhiều cách pha chanh dây: có thể kết hợp chanh dây với cam, chanh dây với trà xanh, chanh dây pha với sữa đặc có đường và đá.

Bên cạnh dùng chanh dây làm nước uống, có thể dùng chanh dây làm kem hoặc ăn trực tiếp không qua chế biến. Chanh dây rất chua, nhưng khi ăn kiểu trực tiếp thì vị chua giảm bớt, vừa ngọt vừa thơm. Cũng có người cầu kỳ làm thạch chanh dây, ăn rất ngon miệng và xua nhanh cơn mệt mỏi.

Dễ tìm nhất tại các quán nước là nước chanh muối, tắc muối. Đây được xem là dung dịch bù chất điện giải rất tốt, nhất là đối với người ra quá nhiều mồ hôi và mỏi mệt. Vỏ chanh, tắc muối còn giúp “nhẹ bụng” trong các trường hợp trướng bụng, ăn không tiêu, giải độc tố cơ thể. Lượng đường và muối cùng với vitamin C trong ly chanh muối sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh nhanh chóng.

Dễ tìm nhất tại các quán nước là nước chanh muối, tắc muối. Đây được xem là dung dịch bù chất điện giải rất tốt, nhất là đối với người ra quá nhiều mồ hôi và mỏi mệt

Các loại nước ép trái cây thuộc “dòng họ” cam, chanh, quýt, bưởi cũng giúp xua tan mệt mỏi, tăng sức cho cơ thể. Cụ thể trong 100g múi bưởi có: 80g nước, 9g glucid, 0,6g protid và các chất khoáng: Ca 23mg, P 19mg, Fe 0,5mg, chất xơ 0,7g các vitamin B1 0,04mg, B2 0,02mg, PP 0,3mg, C 95mg. Bưởi không chỉ hồi sức mà còn “đóng góp” một lượng lớn vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể.

Đắt tiền hơn trong việc hồi sức, nhiều người “cầu viện” đến nước yến, trà sâm. Theo lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM, trong nước yến có chứa loại đường đơn dễ hấp thụ, 18 acid amin mà cơ thể không tổng hợp được (phải sử dụng từ nguồn thực phẩm); các nguyên tố có ích cho ổn định thần kinh trí nhớ như Mn, Br, Cu, Zn… Nước yến còn giúp tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, chống lão hóa, tăng tuổi thọ. Trà sâm có công dụng gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ toàn diện. Tuy nhiên, những người cao huyết áp, sức khỏe còn cường tráng, bị một số bệnh tiêu chảy, dạ dày thì không nên dùng.

Lưu ý khi ăn sữa chua

Sữa chua là thức uống bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe với rất nhiều lợi ích như: giảm béo, bổ sung canxi, điều tiết dạ dày, đường ruột. Nhưng có phải cứ 'cho vào bụng' là xong?

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2009/08/06/18csua-chua-6809.jpg

1. Sữa chua và sữa chua uống là một?

Không đúng. Sữa chua và sữa chua uống không giống nhau: sữa chua là do sữa bò nguyên chất trải qua quá trình lên men tạo thành, trên bản chất là thuộc phạm trù của sữa bò. Còn sữa chua uống chỉ là một loại thức uống, không phải là sữa bò.

Hàm lượng dinh dưỡng của hai loại này cũng khác biệt rất lớn: dinh dưỡng của nước uống sữa chua chỉ bằng khoảng 1/3 của sữa chua. Theo tiêu chuẩn quy định của ngành sữa, hàm lượng protein yêu cầu trong 100g sữa chua là ≥2,9g, nhưng hàm lượng protein của nước uống sữa chua chỉ khoảng 1g.

Chú ý: Nước uống sữa chua là sản phẩm có thể tiêu nóng, giải khát, đồng thời còn có một giá trị dinh dưỡng nhất định, nhưng không nên dùng nó thay thế sữa chua và sữa bò.

2. Ăn càng nhiều sữa chua càng có lợi?

Có phải sữa chua muốn ăn bao nhiêu cũng được? Đương nhiên là không phải.

Nếu ăn thoải mái, vô tư thì rất dễ gây ra quá nhiều axit dạ dày, ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và bài tiết chất xúc tác tiêu hoá, làm mất đi cảm giác thèm ăn, phá vỡ độ cân bằng chất điện giải trong cơ thể, đặc biệt là những người hay thường ngày hay chướng bụng, có lượng axit dạ dày quá nhiều, thường xuyên cảm thấy lạnh bụng thì lại càng không nên ăn.

Chú ý: Đối với những người mạnh khoẻ mỗi ngày nên ăn từ 1-2 cốc sữa chua là thích hợp nhất.

3. Sữa chua dinh dưỡng hơn sữa bò?

Rất nhiều người cho rằng sữa bò sau khi lên men trở thành sữa chua thì càng giàu dinh dưỡng hơn. Trên thực tế, giá trị dinh dưỡng giữa sữa chua và sữa bò khác nhau không lớn. Nhưng so sánh với sữa bò thì sữa chua dễ tiêu hoá và hấp thụ hơn - đó chính là điều làm cho tỉ lệ hấp thụ dinh dưỡng của sữa chua càng cao hơn.

Ngoài ra, thành phần đường hàm chứa trong sữa bò đại đa phần là đường sữa, một số người trong dịch tiêu hoá của họ thiếu chất xúc tác đường sữa, điều này ảnh hưởng đến sự hấp thụ, tiêu hoá và lợi dụng của đường sữa, gọi là 'dị ứng sữa bò', lúc này có thể dùng sữa chua để thay thế.

4. Sữa chua có thể phối hợp với các thực phẩm khác?

Sữa chua và rất nhiều thực phẩm khác phối hợp để ăn cùng là rất tốt, đặc biệt là bữa sáng kết hợp cùng với bánh mỳ, bánh quy, có khô có nước, ngon miệng và dinh dưỡng phong phú.

Nhưng tuyệt đối không nên ăn cùng với thực phẩm gia công có dầu mỡ cao như lạp xường, xúc xíc... Bởi vì trong thực phẩm thịt chế biến sẵn có thêm vào chất quặng ni-to-rat kali, chất này sẽ kết hợp với một chất ở trong sữa chua gây ra ung thư.

Sữa chua cũng không nên kết hợp ăn cùng với thuốc uống ví dụ như thuốc kháng sinh, bởi vì như thế có thể giết chết hoặc phá vỡ vi khuẩn có lợi trong sữa chua.

Chú ý: Chúng ra nên nhớ, sữa rất thích hợp kết hợp với thực phẩm tinh bột, ví dụ như cơm, mỳ, bánh bao, bánh mỳ vân vân.

4. Ăn nhiều sữa chua có thể giảm béo?

Sữa chua đích thực có tác dụng giảm béo nhất định, chủ yếu là vì sữa chua hàm chứa đại lượng khuẩn acid sữa, có thể giúp ích điều tiết sự cân bằng nhóm vi khuẩn trong cơ thể, đẩy mạnh dạ dày đường ruột nhu động, từ đó dần dần giải toả chứng táo bón. Ngoài ra sữa chua còn đem lại cho chúng ta cảm giác no nhất định, khi hơi đói ăn một cốc sữa chua có thể giảm nhẹ được cảm giác đói bụng lúc đó, từ đó giảm bớt lượng thức ăn của bữa chính. Nhưng chúng ta nên nhớ,bản thân sữa chua cũng chứa nhiệt lượng nhất định, nhiệt lượng này còn cao hơn cả sữa bò, nếu ngoài bữa ăn chính, chúng ta ăn quá nhiều sữa chua thì cũng có thể làm tăng thể trọng.

6.Lấy sữa chua chống đói

Khi bụng của bạn kêu réo đói cồn cào thì tốt nhất bạn đừng nên lấy sữa chua chống đói, bởi vì khi bụng trống rỗng, độ axit trong dạ dày lớn. Những vi khuẩn có lợi trong sữa chua rất dễ bị axit dạ dày giết chết, và tác dụng bảo vệ sức khoẻ của sữa chua sẽ giảm đi rất nhiều. Sữa chua ăn tốt nhất vào lúc sau bữa cơm từ 1-2 tiếng, bởi vì lúc này dịch dạ dày đã bị loãng, độ kiềm axit trong dạ dày rất thích hợp cho vi khuẩn có lợi phát triển. Ngoài ra, buổi tối ăn sữa chua thì sẽ có nhiều lợi ích hơn.

Chú ý: Sau khi ăn sữa chua đặc biệt là vào buổi tối cần lập tức đánh răng, bởi vì một số vi khuẩn nào đó trong sữa chua và chất axit đều gây hại nhất định cho răng.

7. Sữa chua thích hợp cho mọi đối tượng?

Trên thực tế, mặc dù sữa chua rất tốt nhưng không phải tất cả mọi đối tượng đều thích hợp để ăn. Những người đau bụng đi ngoài hoặc có bệnh về đường ruột sau khi đường ruột bị tổn thương thì cần thận trọng khi ăn sữa chua.

Ngoài ra, người bị bệnh tiểu đường, xơ cứng động mạch, viêm túi mật và viêm tuyến tuỵ tốt nhất không nên ăn sữa chua toàn chất béo hàm chứa đường, nếu không sẽ làm bệnh tình nặng thêm.

Chú ý: Những người nên ăn nhiều sữa chua là người thường xuyên uống rượu, thường xuyên hút thuốc, thường xuyên làm việc với máy tính, thường xuyên bị táo bón, người bệnh phải uống thuốc kháng sinh, xương cốt lỏng lẻo, mắc bệnh tim mạch….

8. Sữa chua tuyệt đối không được hâm nóng

Rất nhiều tư liệu đều nói sữa chua không được làm nóng lên để ăn, bởi vì sau khi làm nóng, vi khuẩn có lợi nhất trong sữa chua bị giết chết. Hơn nữa khẩu vị và cảm giác đều thay đổi, giá trị dinh dưỡng và chức năng bảo vệ sức khoẻ cũng sẽ giảm thấp.

Nhưng nếu chỉ làm ấm sữa chua thì vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ không bị giết chết mà ngược lại còn tăng thêm sự 'hoạt bát' của chúng và tác dụng bảo vệ sức khoẻ sẽ càng lớn.

Chú ý: Bạn có thể để túi hoặc cốc sữa chua vào trong cốc nước khoảng 45℃ để dần dần làm ấm sữa. Cách này áp dụng vào mùa đông vì mùa đông lạnh lẽo ăn một cốc sữa chua ấm tốt hơn nhiều so với sữa chua lạnh.

Theo dantri.com

Trúng thực ngày Tết

Mùa Xuân, mùa của những lễ hội vui chơi và ăn uống. Những món ngon ngày Tết và sự thay đổi trong thói quen ăn uống là những nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị trúng thực trong dịp này. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ cách nhận biết những rối loạn xảy ra cho bé và cách chăm sóc tại nhà để tránh mất vui khi những ngày Tết phải vào bệnh viện.

Khi nào trẻ bị trúng thực?

Trúng thực hay từ y khoa gọi là ngộ độc thức ăn là tình trạng thường gặp nhất ở trẻ em vào dịp Tết. Nguyên nhân là do trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn có chứa trong thức ăn. Thức ăn ngày Tết có đặc điểm là: thức ăn chế biến sẵn được dự trữ, dùng trong nhiều ngày như: lạp xưởng, thịt kho trứng, cá kho, giò chả, bánh tét, bánh chưng. Thức ăn, uống chứa nhiều đường như: mứt, bánh kẹo, nước ngọt, sirô. Những thức ăn trên là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng.

Tết còn là dịp mọi người được vui chơi thoải mái nên trẻ có thể ăn chơi, ăn dài dài, vừa ăn vừa chơi bất kỳ lúc nào trẻ muốn. Trẻ cũng thường bốc ăn ngay thức ăn để sẵn, chưa kịp hâm lại, để lâu ngoài tủ lạnh. Chưa kể ngày Tết đi chơi nhiều nên trẻ cũng thường được cho ăn uống những thức ăn ngoài hàng quán, bên đường cũng là những nguy cơ khiến trẻ dễ bị ngộ độc thức ăn.

Nhận biết trẻ bị trúng thực

Trẻ bị ngộ độc thức ăn ngày Tết thường biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ 1 giờ trở đi. Nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục. Đau bụng quặn từng cơn, sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn. Thực tế, đa số trẻ thường bị nôn ói rất nhiều do tác dụng của độc tố. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như: hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải, đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Những triệu chứng: sốt, tiêu đàm, tiêu máu là dấu hiệu nhiễm trùng gây tổn thương ruột. Ngoài ra, một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Chăm sóc tại nhà như thế nào?

Chăm sóc đúng tại nhà khi trẻ bị nôn ói làm giảm tình trạng ói ọc và ngăn ngừa biến chứng. Nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc. Lưu ý bồi hoàn nước và các chất điện giải bị mất do nôn ói. Những thay đổi trong chế độ ăn sẽ làm dịu triệu chứng và thúc đẩy sự hồi phục của trẻ:

- Trẻ còn bú mẹ, cho bú nhiều lần hơn, mỗi 30 phút đến 1 giờ. Sau 8 giờ, khi trẻ không ói nữa, cho bú lại bình thường.

- Trẻ lớn cần cho uống nước biển khô để bồi hoàn lượng nước và điện giải bị mất theo hướng dẫn y tế, ăn thức ăn lỏng như nước cháo. Không nên uống nước ngọt, ăn bánh kẹo ngọt vì sẽ làm bệnh thêm nặng. Nếu trẻ vẫn nôn ói trong quá trình này, tạm ngưng ăn 1 giờ, sau đó cho ăn lại với lượng thức ăn ít hơn. Sau 4 giờ mà trẻ không nôn ói thì nên cho ăn nhiều hơn bằng cách tăng gấp đôi lượng thức ăn. Những thức ăn tiếp theo là thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, cơm, bánh mì, bánh tây lạt, súp nghiền và cho trẻ ăn lại bình thường trong vòng 24 giờ. Lưu ý đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, không thể uống được hoặc bỏ bú, trẻ bị làm kinh co giật, hoặc khi thấy trẻ mệt nhiều, sốt cao, tiêu phân có máu, khát nhiều, đau bụng nhiều, bệnh kéo dài trên 2 ngày...

Phòng ngừa trúng thực ngày Tết?

Cách phòng ngừa ngộ độc thức ăn ngày Tết tốt nhất là đảm bảo thức ăn tươi ngon và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm. Nấu chín thức ăn. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, thân nhân rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn.

BS.CKII. NGUYỄN THỊ KIM THOA